T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Doanh : Đại cương về các thể thơ thường gặp (bài 1)

clip_image002

I.Lời nói đầu:
Loạt bài này không mang tính cách nghiên cứu văn học, chỉ nêu lên những căn bản về thi pháp hay cách làm thơ cho những người bắt đầu làm thơ. Đối với những người đã làm thơ lâu thì bài viết sẽ không mang lại gì mới mẻ, vì nó không đi sâu vào chi tiết.
Trước khi đi vào các thể thơ thường gặp, ý kiến riêng của người viết về luật thơ là:
Chúng ta không nên có chủ trương làm thơ là phải theo luật. Cái chính là hồn thơ ý thơ lồng trong từ ngữ trong sáng, tạo hình và âm điệu nhẹ nhàng, trầm bổng và lưu loát. Vần luật là thứ yếu. Chỉ khi nào ta muốn làm theo thể loại nào thì nên biết cấu trúc và quy tắc về âm thanh vần điệu của thể đó. Còn không làm theo thể nào thì là thơ tự do. Dù thơ tự do hay theo luật nếu tạo được rung cảm trong người đọc thì đạt được tinh thần của thơ. Có rất nhiều bài thơ tự do không nằm trong khuôn khổ loại thơ nào mà vẫn tạo rung cảm như các tác phẩm của Hoàng Cầm

Lá diêu bông

(Tác giả: Hoàng Cầm)

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ

Chị bảo
Đứa nào tìm được Lá Diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng

Hai ngày Em tìm thấy Lá
Chị chau mày
Đâu phải Lá Diêu bông

Mùa đông sau Em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông

Ngày cưới Chị
Em tìm thấy Lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy Lá
Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn

o0o
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc Lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời…
…ới Diêu bông…!
Rét 1959

Sở dĩ niêm luật của các thể loại thơ được người làm thơ chú ý và hướng theo vì bản thân nó qua bao nhiêu đời đã có một nền tảng vững chắc về âm thanh vần điệu, làm định hướng cho những người mới làm thơ.
Nhưng các loại thơ nhiêu khê phát sinh từ Đường Luật, vốn đã chặt chẽ về hình thức và bố cục, lại còn bày vẽ thêm về các lối gò chữ khác như:
– đọc xuôi đọc ngược
– Câu cuối đoạn này làm câu đầu đoạn khác
– Hai chữ cuối một câu cuối làm đầu câu tiếp
– mỗi câu đều mang một con số
– cho 5 vần đặt ra trước để bài thơ phải xử dụng
– Mỗi câu phải chứa một địa danh
v…. v…
Tất cả những gò bó đó chỉ là Sơn Đông Mãi Võ, chỉ cốt khoe chữ nghĩa hay đi nhiều (ngày xưa ít phương tiện đi lại nên làm một bài thơ “Mỗi câu phải chứa một địa danh” thì các cụ cho là người kiến thức rộng), chứ không phải thơ theo cái tinh thần phóng khoáng của người có tâm hồn thơ.
Chúng ta nên biết luật nhất là những người mới làm thơ cần có định hướng; luật là hình thức, là hướng dẫn để bài thơ ít ra có một khuôn khổ nhất định, có âm điệu căn bản.
Nhưng thà không đúng luật 100 phần trăm mà ý thơ, chữ dùng, âm điệu và vần hay còn hơn đúng luật mà ý thơ hạn chế, lời thơ ngây ngô, hoạt kê. Thí dụ như theo luật thơ Đường Luật, phải gò bó vào sự đối của bốn câu 3&4 và 5&6. Có những người làm thơ từ chương coi trọng sự đối từng chữ như giáo điều, họ có thể cho một bài có các câu như sau là bài thơ Đường Luật hay vì các câu đối thật chỉnh dù ý thơ và chữ dùng chẳng có gì đặc biệt.

Trước ngõ hai ông ngồi ngắm biển
Sau vườn ba cụ đứng xem non
Đã già vẫn tưởng chưa già lắm
Hết trẻ còn mơ mãi trẻ son


hay

Tôi đã ba mươi còn thích đẹp
Ông chưa sáu chục vẫn yêu đời
Cả làng dân bảo đồ say khướt
Nguyên xóm họ đồn lũ chịu chơi

Thí dụ hai câu đúng luật lục bát:
“Cô kia ngồi trước cửa nhà
Thấy xe nước mía từ xa đã cười”

Loại thơ này chỉ làm vè cho vui, nếu chỉ cần đúng luật thì không lẽ :
“Thằng Tây nó giống cột đèn
Vừa cao vừa lớn, lại đen thùi lùi”

cũng là thơ chăng?
Nên hiểu ý thơ đẹp, chữ dùng hay và âm điệu trầm bổng là rượu còn luật thơ là bình. Cứ khăng khăng giữ đúng cái bình thật tròn trịa mà đựng rượu dở thì chẳng thà đựng rượu ngon trong một bình bẹp dí về hình thức còn hơn.
Biết luật mà không bị gò bó vào luật là hình thái cao của thơ.

II. Các Từ ngữ trong luật thơ

Về các từ “Âm, Thanh, Vần, Điệu”

1. Âm: là gốc của một chữ sau khi bỏ các phụ âm ở đầu chữ và các dấu. Như vậy âm bắt đầu bằng một hay nhiều nguyên âm và có thể kết thúc bằng một hay nhiều phụ âm.
Các chữ: Chương, Trương, Ngượng, Vưởng, Hướng đều có cùng một âm nhưng khác thanh.

2. Thanh: là sự khác nhau trong độ cao thấp của một âm.
Trong tiếng Việt các chữ có thể mang 6 thanh là không dấu, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng chia làm hai nhóm có thanh bằng và thanh trắc.
Thanh bằng hay theo tiếng Hán Việt là Bình Thanh gồm các chữ không dấu và có dấu huyền như câu “chiều hôm qua em đi về” chỉ có toàn bình thanh.
Nếu cẩn thận hơn ta có thể chia thành Trung Bình Thanh (có nơi gọi là Thượng Bình Thanh) là các chữ không dấu, và Trầm Bình Thanh (hay Hạ Bình Thanh) gồm các chữ có dấu huyền.
Thanh trắc hay Trắc Thanh gồm các chữ có dấu sắc, hỏi, ngã và nặng. Như câu “Bữa trước chẳng có bão nặng” chỉ có toàn thanh trắc.
Sự phân biệt giữa Thượng Trắc Thanh: sắc, hỏi, ngã; và Hạ Trắc Thanh: nặng, không có gì quan trọng để đáng đi sâu vào.

3. Vần: Hai chữ được gọi là vần với nhau khi chúng có cùng âm và chung một nhóm thanh. Cụ thể là :
“anh, đành, thanh, vành, mành” gọi là vần với nhau, cũng như
“đáng, nạng, mãng, đảng, đạng” vần với nhau.
Thơ thí dụ :

Ao ước từ xưa mãi đến giờ
Đông hành tìm kiếm chút nguồn thơ
Yêu hoa anh biết từ muôn kiếp
Hoa muộn vì ai cứ ngẩn ngơ
(Nguyên Đỗ )

Các chữ “giờ, thơ” và ngơ” trong câu 1,2,4 là vần với nhau vì cùng âm “ơ” và cùng là thanh bằng. ( Chữ “Chớ” tùy cùng âm mà khác nhóm thanh nên không vần với ba chữ trên).

4. Điệu : Ngoài “Âm”, “Thanh” và “Vần” là 3 yếu tố chính của thơ “Vần” chúng ta còn để ý đến “Điệu” là sự trầm bỗng trong câu thơ. Đây là cái mà không có luật nào giúp ta được, thí dụ trong thơ 7 chữ, luật chỉ đòi hỏi “Nhị tứ lục” phân minh, tức là các chữ 2,4,6 phải đúng bằng trắc, còn “Nhất tam ngũ bất luận”, các chữ 1,3,5 tự do.
Nhưng chính cái tự do này là cái khó. Có bài đúng tất cả về luật bằng trắc nhưng đọc lên chẳng êm tai chút nào, như bài này người viết tự đặt ra làm thí dụ :

Chiều nay chẳng biết vì sao buồn
Có phải tại trời mưa bão cuồng?
Ngọn gió thổi ngang phía trước đó
Nước mưa làm ngập hai con đường

Bài này tuy đúng tuyệt đối về bằng trắc của Thất Ngôn Tứ Tuyệt nhưng đọc nghe ngang ngang chẳng êm tai chút nào. Nếu ta sửa lại như sau :

Chiều nay không biết tại sao buồn
Có phải vì trời giông bão tuôn?
Ngọn gió thổi ngang về phía trước
Nước mưa làm ngập cả con đường

Thì rõ ràng trầm bổng hơn nhờ dùng các chữ in đậm mà theo luật thì bằng hay trắc gì cũng được. (ở đây ta không để ý dến chữ hay ý thơ chẳng có gì)
Cũng như :

Đôi ta chia cách tại trời
Nên em phải chịu một đời đau buồn
nghe ngang tai, được sửa lại thành :
Đôi ta chia cách tại trời
Nên em phải chịu một đời đau thương

Tóm lại muốn có âm điệu hay nên đọc nhiều thơ người khác. Khi làm xong đừng bằng lòng với nó ngay mà nên đọc đi đọc lại, đọc ra thành tiếng luôn. Nếu nhờ ai biết ngâm thì càng tốt, xem âm điệu có êm tai, có du dương không, nhiều khi cùng là thanh trắc mà chữ dấu nặng đọc lên lại khắc với dấu sắc, v.v.

III. Liên vận, Cách vận ,Cước vận, Yêu vận ,Chính vận và Cưỡng vận

Vần điệu là hai yếu tố quan trọng của thơ. Thơ thì thường phải có vần. Các vần ở cuối câu gọi là cước vận, đa số các thể thơ trong mọi ngôn ngữ đều là cước vận.
Thơ Thí dụ:
Lắm lúc mài dao hỏi sắc không (?)
Lửa than cháy đỏ sợi tơ hồng
Hét lên một tiếng dừng tay. Ngộ
Thuyền vào đến bến chẳng qua sông
(Vương Trân )
Sầu đông chi nữa hỡi sầu đông
Người đã xa xôi, cách biệt lòng
Đường chiều sợi nắng nằm thiêm thiếp
Ai đứng bên cầu ngơ ngác trông
(Sầu đông )

Vần ở các chữ cuối câu 1,2,4
Đặ biệt các thể thơ lục bát và song thất lục bát của Việt Nam ta lại có thêm vần ở giữa câu gọi là yêu vận.

Thí dụ:

Em ơi xin khóc một lần
Lệ rơi trôi hết duyên phần đổi thay
Trăm năm duyên nợ ai bày?
Để em và chị buồn lây cuộc đời
(Vân Hc )

Chữ lần cuối câu 1 vần với chữ phần ở giữa câu 2.

Trăng lên cao- thấp, trăng tà?
Nhớ chưa có tuổi đã già nhớ thương?

(YVHT )

Chữ tà cuối câu 1 vần với chữ già ở giữa câu 2.
Lại có hai loại vần, liên vận hoặc cách vận là hai câu đi liền nhau hoặc cách nhau có cùng một vần.
Thí dụ cho liên vận

Cảm ơn anh đã đến giữa cuộc đời
Cho em cả một bầu trời dịu ngọt
Cho bình minh chim mừng đua nhau hót
Cho nắng chiều thôi vàng vọt héo hon
Cảm ơn anh tô thắm chữ sắc son
Qua năm tháng không hao mòn, thay đổi
Tình anh cho, từng đêm em kê gối
Ru giấc nồng, đi vào cõi thiên thai
(Gío Xuân )

bắt đầu từ câu hai, các câu đi chung cặp 2,3 hay 4,5 ; 5,6 có cùng vần
Thí dụ cho cách vận :

sáng hôm nay, tiếng chuông nào báo thức
ta giật mình, bật dậy, chực ra đi
lòng cứ tưởng sương, nắng nào thúc giục
thì ra mưa đang gõ, rất thầm thì
(Nnguong )
Bạn của nó, con bé gầy xơ xác
Thường ôm bao, nhặt bả mía bên đường
Mười lăm tuổi mà nhỏ còn đẹt ngắt
Mắt nhỏ buồn man mác những đau thương
(Gío Xuân )
___________________________________________
THĂM MỘ _tặng người tri kỉ
Con đường cũ chiều nay mưa ướt quá
Cỏ chẳng ai chăm lại mọc đầy
Minh quên hết nỗi buồn đời dối trá
Gió lạnh lùa giá rét đôi tay
Về lối cũ lòng ngập tràn nỗi nhớ
Mưa buồn cuối phố lại bay bay
Bạn biết đấy những nỗi buồn vô cớ
Kỉ niệm ùa về đọng lại đây
Mình đã quen trên con thuyền độc mộc
Kể từ ngày trần thế hết vấn vương
Nhưng làm sao bạn mỉm cười lên được
Khi họ nhìn mình ánh mắt xót thương
Câu thơ cũ vẫn vẳng lên mỗi tối
Một trí thức hênh hoang_một kiếp người
‘Người bị đuổi khỏi thiên đường êm mát
Đó là tôi thưa thượng đế là tôi…’
Trời lạnh giá sương vờn ngôi mộ mới
Lại một lòng trinh bạch thác trần ư?
Nếu kkhông vướng những dây đời rắc rối
Mình nguyện chìm vào cõi vô hư
Nhưng dẫu nói thì cuộc đời vẫn thế
Chẳng thể thành môt kẻ chẳng ai sinh
Và tiếng thét dẫu rằng hơi nhỏ bé
Cũng phải từ một ý chí chiến chinh
(Mưa Muộn)

Câu 1 vần với câu 3, còn câu 2 vần với câu 4.
Chính vận là hai chữ hoàn toàn có cùng âm sau khi bỏ các phụ âm ở đầu chữ, thí dụ

Những niềm vui quá đỗi mong manh
Ngày mong đợi đốt lòng anh giá lạnh
Bài thơ cũ bụi tràn thần thánh
Tiếng dương cầm long lanh long lanh
(trn minh hiền )
Các chữ manh, lạnh, thánh, và lanh là chính vận.
Nhiều khi hai vần không được chỉnh lắm nhưng hai âm tương tự nhau thì gọi là cưỡng vận, thí dụ như “đường & vang (thay vì vương)”, “nhài & hoài” “tay & đây” “cùng & hồng”, hay “tình & thanh”, “đêm & im”, “đắng & nặn” v.v

Quê mình đầy những tài nguyên
Rừng sâu gỗ qúi: Quế, lim, hương, trầm
Non cao đá quí, mỏ than
Đồng bằng vựa lúa miền Nam nhất nhì
(Phú Yên )

Nguyên vần với lim, trầm vần với than, Nam.

Dĩ nhiên chính vận thì tốt hơn, nhưng nếu gò bó vào chính vận mà bỏ một chữ thật hay, diễn đạt được một ý thật đẹp, vì chữ đó chỉ hao hao trong âm thanh thì cũng không nên. Trong trường hợp đó nên cân nhắc xem giữ chữ và ý hay giữ chính vận.

IV. Chiều sâu của thơ?
Thật ra mà khó định nghĩa thế nào là thơ có chiều sâu. Một trong những ý nghĩa của thơ là để diễn đạt một ý tưởng, một tâm tư, một rung động của người viết hay tạo một rung động, một suy tư cho người đọc.
Hình thái khác của thơ là để tả chân một cảnh một vật hoàn toàn khách quan mà không lồng vào ý nghĩa nào và cũng không tạo một suy ngẫm nào.
Ta có thể gọi hình thái thứ hai là không có chiều sâu, nhưng loại thơ này rất ít.
Bình thường người làm thơ ngay cả khi tả cảnh cũng muốn diễn dạt một cái gì.
Thơ là kết hợp của hình thức (âm, thanh, vần, điệu) và nội dung (ý tưởng, tiêu đề).
Bài thơ hay là đạt được sự hài hòa của hai khía cạnh đó.
Thơ có tâm tư, có chiều sâu mà không truyền đạt được qua hình thức bằng âm thanh vần điệu hay thì không làm người đọc cảm được tâm tư đó. Còn thơ không có chiều sâu thì phải rất hay về hình thức để có thể gọi là thơ, trong trường hợp này thơ như là nhiếp ảnh hay hội họa, sự thành đạt hay không, hòan toàn nhờ kỹ thuật và chủ đề.
“Tác phẩm” nào không đạt được một trong hai khía cạnh đó thì không phải là thơ.
Thí dụ như

“Có hàng quán nhỏ góc đường
Những người lao động vẫn thường đến đây
Ngồi trong bóng mát vòm cây
Ly cà phê tỏa khói bay dật dờ
Đôi khi ngã một ván cờ
Gặp người ngang sức cả giờ chưa xong
Cho dù xuân hạ thu đông
Trên đường xe cộ hai dòng ngược xuôi”.

Bài này cố ý làm để thí dụ cho thơ “không có chiều sâu”, chẳng để lại một ấn tượng gì cho người đọc trừ vần điệu đúng quy luật.

“Ngôi hàng tiều tụy bên đường
Nơi người bán dạo vẫn thường nghỉ chân
Cả ngày vất vả tảo tần
Gánh hàng còn nặng, nợ nần chưa vơi
Đổ bao nước mắt mồ hôi
Mà sao chẳng hết một đời long đong
Ngày qua nắng hạ mưa đông
Đôi quang gánh nặng cho còng tấm thân”.

Khi chuyển sang bài thứ nhì, bài thơ đã có chút chiều sâu, không mang tính cách bàng quang; nhưng về hình thức thì chỉ tạm được thôi vì bài thơ cố ý làm chứ không phải từ một xúc cảm.
Bài thứ ba thì khác hẳn

“Tôi nhìn bóng, bóng nhìn tôi
Nhìn lâu thấy lạ lại thôi không nhìn
Như tôi
bóng cũng im lìm
Như tôi
bóng cũng đang tìm kiếm tôi”.

Bài này chỉ mượn câu đầu làm khung cảnh để dẫn vào một tâm trạng.
Nói tóm lại thơ hay như một thiếu nữ được cả về dung mạo và tâm hồn.

(còn tiếp)

Phạm Doanh

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search