T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Doanh : Đại cương về các thể thơ thường gặp (bài 2)– thơ Đường

clip_image002

Trước khi đi vào thơ Đường Luật xin nói đến :

Thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt và Thất Ngôn Bát Cú.

Thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt (TNTT) về hình thức thì có thể nói đơn giản như sau:
Luật (1.) Mỗi đoạn có 4 câu, bảy chữ mỗi câu; không giới hạn số đoạn.
Luật (2.) Chữ cuối câu 1,2,4 phải cùng một vần và thường thì là thanh bằng. Các đoạn không bắt buộc phải cùng một vần.
Luật (3.) Chữ 2,4,6 trong mỗi câu phải đúng luật bằng trắc, chữ 1,3,5 sao cũng được cốt là nghe hoà hợp trong cả câu.
“Nhất tam ngũ bất luận,
Nhị tứ lục phân minh”

[b]Luật (4.)
Luật bằng trắc rất dễ, chỉ cần nhớ là trong hai câu đầu các chữ 2,4,6 thay đổi nhau
(4.1)
B,T,B
T,B,T
(4.2) rồi phản chiếu (mirror) 2 câu, sẽ có luật của 4 câu cho các chữ 2,4,6
B,T,B
T,B,T
—— phản chiếu
T,B,T
B,T,B
Nếu kết hợp cả 4 luật trên thì ta sẽ có
TNTT loại 1 (chữ thứ hai câu đầu thanh Bằng)
x,B,x,T,x,B,B
x,T,x,B,x,T,B
x,T,x,B,x,T,T
x,B,x,T,x,B,B
Chữ in đậm vần với nhau, còn x thì sao cũng được
Nếu hoán vị các chữ 2, 4, 6 thì sẽ có
TNTT loại 2 (chữ thứ hai câu đầu thanh Trắc)
x,T,x,B,x,T,B
x,B,x,T,x,B,B
x,B,x,T,x,B,t
x,T,x,B,x,T,B
Thí dụ thơ thuần tuý Thất ngôn tứ tuyệt đúng 4 câu

Phong Kiều Dạ Bạc
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
(Trương Kế )

* Dịch Thơ:

Đêm Đậu Thuyền Bến Phong Kiều
Trăng tà , tiếng quạ kêu sương
Lửa chài , cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(Tản Đà)

Các biến dạng của TNTT

Biến dạng 1) [/b]
x,B,x,T,x,B,x
x,T,x,B,x,T,B
x,T,x,B,x,T,T
x,B,x,T,x,B,B
Hay
x,T,x,B,x,T,x
x,B,x,T,x,B,B
x,B,x,T,x,B,t
x,T,x,B,x,T,B
x: sao cũng được

Thí dụ: trong “Bài Thơ Cuối Cùng” của TTKH đoạn 1 và đoạn 5 chữ cuối câu đầu không vần với câu 2 và 4. Thí dụ này cho ta thấy sự tương đối của luật, không cần đúng tất cả mà vẫn hay.

Bài Thơ Cuối Cùng

Anh hỡi tháng ngày xa quá nhỉ?
Một mùa thu cũ, một lòng đau…
Ba năm ví biết anh còn nhớ,
Em đã câm lời, có nói đâu !
Đã lỡ, thôi rồi ! chuyện biệt ly,
Càng khơi càng thấy lụy từng khi
Trách ai mang cánh “ti-gôn” ấy,
Mà viết tình em, được ích gì?
Chỉ có ba người đã đọc riêng,
Bài thơ “đan áo” của chồng em.
Bài thơ “đan áo” nay rao bán,
Cho khắp người đời thóc mách xem…
Là giết đời nhau đấy, biết không?
….Dưới dàn hoa máu tiếng mưa rung,
Giận anh, em viết dòng dư lệ,
Là chút dư hương : điệu cuối cùng !
Từ đây, anh hãy bán thơ anh,
Còn để yên tôi với một mình,
Những cánh hoa lòng, hừ ! đã ghét,
Thì đem mà đổi lấy hư vinh.
Ngang trái đời hoa đã úa rồi,
Từng mùa gió lạnh sắc hương rơị..
Buồng nghiêm thờ thẫn hồn eo hẹp,
Đi nhớ người không muốn nhớ lời !
Tôi oán hờn anh, mỗi phút giây,
Tôi run sợ viết, bởi rồi đây
Nếu không yên được thì tôị..chết
Đêm hỡi ! làm sao tối thế nầy?
Năm lại năm qua cứ muốn yên
Mà phương ngoài gió chẳng làm quên;
Và người vỡ lỡ duyên thầm kín,
Lại chính là anh? anh của em !
Tôi biết làm sao được hỡi trời?
Giận anh, không nỡ ! Nhớ không thôi !
Mưa buồn, mưa hắt, trong lòng ướt…
Sợ quá đi, anh…”có một người” !…
(TTKH )
Biến dạng 2)
x,B,x,T,x,B,T
x,T,x,B,x,T,B
x,T,x,B,x,T,T
x,B,x,T,x,B,B
hay
x,T,x,B,x,T,T
x,B,x,T,x,B,B
x,B,x,T,x,B,T
x,T,x,B,x,T,B
Nghĩa là câu 1 vần với câu 3 (thanh Trắc) và câu 2 với câu 4 (thanh Bằng)
Thí dụ:

Giấc mộng trong đêm
Ta thấy ta đứng trên triền núi
Phiá xa xa mây phủ giăng đèo
Bên vách đá phẳng lì trơ trụi
Bàn chân trên mỏm đá cheo reo
Ta đập trán lên tường sám hối
Giăng hai tay chấp nhận kiếp nghèo
Nghe cơ thể biến thành rắn mối
Bám đỉnh trời dốc ngược mà leo
Bên vực kia lũ người biết lỗi
Đang hành hưong từng bậc thang trèo
Tiếng ê a cầu xin xóa tội
Trong tiếng gầm của lũ cọp beo
Từng xác người rơi vào vũng tối
Gió vi vu gió hú qua đèo
Ta nhắm mắt nghe ngàn tiếng gọi
Và nghe hồn chết rã rời theo.
(Phạm Doanh)

Nói thêm về TNTT, thể thơ này xuất phát từ thời Đường bên Trung Hoa. Như bài trước có nói là thể thơ này có hai loại tuỳ theo chữ thứ hai câu đầu là thanh Bằng hay Trắc:
TNTT loại 1 (chữ thứ hai câu đầu thanh Bằng)
x,B,x,T,x,B,B
x,T,x,B,x,T,B
x,T,x,B,x,T,T
x,B,x,T,x,B,B
Nếu hoán vị các chữ 2, 4, 6 thì sẽ có
TNTT loại 2 (chữ thứ hai câu đầu có thanh Trắc)
x,T,x,B,x,T,B
x,B,x,T,x,B,B
x,B,x,T,x,B,t
x,T,x,B,x,T,B
Các nhà thơ Trung Hoa xưa thường dùng TNTT để diễn đạt 1 ý ngắn gọn nên 1 bài thơ chỉ thuần tuý 1 đoạn 4 câu và đặc biệt họ hay dùng loại 1 còn thi nhân Việt Nam cận và hiện đại tiếp nhận thể thơ này lại hay dùng loại 2 và một bài có nhiều đoạn để diễn đạt một vấn đề, một tâm tình như các bài của TTKH hay Đinh Hùng. Không biết có phải tại vì tâm hồn Trung Hoa xúc tích còn tâm hồn Việt Nam đa cảm hơn hay không?
Thơ TNTT Trung Hoa:

Đề tích sở kiến xứ.

Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ?
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
(Thôi Hộ)

Năm ngoái, ngày này, dưới cánh song,
Hoa đào cùng với má ai hồng.
Mặt người nay biết đi đâu vắng,
Chỉ thấy hoa cười trước gió đông.

Lô Sơn
Lô Sơn yên tỏa Chiết Giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đắc đáo hoàn lai vô biệt sự
Lô Sơn yên tỏa Chiết Giang triều
(Tô Đông Pha )

Sóng nước Hương Giang khói Ngự Bình
Chưa thăm mang hận cả bình sinh
Thăm rồi về lại lòng không đổi
Vẫn sóng Hương Giang khói Ngự Bình
(Phạm Doanh dịch (dùng địa danh Việt Nam) )

Vạn lý Triều Châu nhất trục thần ,
Du du thanh thảo hải biên xuân.
Thiên nhai mạc đạo vô hồi nhật ,
Thượng lĩnh hoàn phùng hướng bắc nhân.
(Vương Kiến )

* Dịch thơ:

Tiễn Khách Đi Đày

Khách đày vạn dặm Triều Châu
Mênh mông góc biển cỏ sầu thương xuân
Ngày về đừng nói rằng không
Cùng người lên bắc tương phùng đầu non
(Xích Bích Kiều dịch )

Vong ưu hoa
Phồn hồng lạc tận thủy thê lương ,
Trực đạo vong ưu dã vị vương.
Sổ đóa ân hồng tự xuân tại ,
Xuân sầu đặc thử hệ nhân trường
(Ngô Dung )

Hoa vong ưu
Nghĩa:
Đám hoa rụng hết, bắt đầu sự buồn bã
Nói với hoa đừng buồn sao ta không hết (buồn)
Vài đóa vẫn hồng, như vẫn còn xuân
Nhưng xuân buồn gieo sầu vào lòng ngượi

Tặng biệt

Hựu tương thư kiếm xuất cô chu ,
Tận nhật đình nhiêu kết viễn sầu.
Mạc đạo giang ba thoại ly biệt ,
Giang ba nhất khứ bất hồi lưu.
(Lý Xương Phù)

Dịch thơ :

Làm tặng biệt ly

Thuyền đơn thư kiếm khởi hành
Dừng chèo ngày hết kết quanh những buồn
Chia phôi lời sóng run run
Một đi sóng sẽ đi luôn , không về
(Phan Lang )

Chiêu Quân trủng

Tằng vi Hán đế nhãn trung nhân ,
Kim tác cuồng Hồ mạch thượng trần.
Thân tử bất tri đa thiểu tải ,
Trủng hoa do đới Lạc Dương xuân.
(Tưởng Cát )

Dịch thơ :

Mộ Chiêu Quân

Là người trong mắt vua Hán
Đất Hồ nay làm bụi đường
Bao năm đi vào cõi chết
Hoa mộ vẫn xuân Lạc Dương
(Phan Lang)

Thể Thất Ngôn Bát Cú (TNBC – không phải thể Đường Luật)
Từ Thất Ngôn Tứ Tuyệt (TNTT) chuyển sang Thất Ngôn Bát Cú (TNBC) rất dễ nếu ta nhập 2 đoạn TNTT vào nhau với điều kiện:
1. Hai đoạn cùng 1 loại (chữ thứ hai câu đầu cùng là Bằng hay Trắc)
2. Chữ cuối câu số 5 là thanh Trắc
3. Các chữ cuối câu 1, 2, 4, 6, 8 vần với nhau
Như vậy ma trận bằng trắc của TNBC như sau:
– TNBC loại 1 (chữ thứ hai câu đầu thanh Bằng)
x,B,x,T,x,B,B
x,T,x,B,x,T,B
x,T,x,B,x,T,T
x,B,x,T,x,B,B
x,B,x,T,x,B,T (điều kiện 2)
x,T,x,B,x,T,B
x,T,x,B,x,T,T
x,B,x,T,x,B,B
Nếu hoán vị các chữ 2, 4, 6 thì sẽ có
TNBC loại 2 (chữ thứ hai câu đầu có thanh Trắc)
x,T,x,B,x,T,B
x,B,x,T,x,B,B
x,B,x,T,x,B,t
x,T,x,B,x,T,B
x,T,x,B,x,T,T (điều kiện 2)
x,B,x,T,x,B,B
x,B,x,T,x,B,t
x,T,x,B,x,T,B
Thí dụ TNBC loại 1: (chữ thứ hai câu đầu có thanh Bằng)

Ghé Bến Trần Gian
Người say muôn thuở ghé qua chơi,
Nhựa níu, men chào, tóc lả lơi.
Trau chuốt, ân cần… thôi uổng quá!
Dạ phàm đâu buộc cánh chơi vơi.
Cuộc đi: khói, rượu, thơ, tình, mộng,
Ăm ắp đầy then, chẳng mượn đời,
Hứng sẵn, neo thuyền ghi chút cảm,
Buông về, cao rộng mấy trùng khơi.
(Vũ Hoàng Chương)

Dựng
Tay tiên gió táp mưa sa
(Nguyễn Du)

Đàn rưng rưng lệ phách dồn mưa
Tiếng hát tàn rơi hận thuở xưa
Bụi nhuốm Thiên Thai nhòa hứng rượu,
Đời sau say giúp mấy cho vừa!
Cô đơn, men đắng sầu trăng bến
Đất trích Tầm Dương quạnh tiễn đưa.
Nhịp đổ càng mau nghe ríu rít
Tê rời tay ngọc lúc buông thưa.
(Vũ Hoàng Chương )

Chiều lãng mạn
Chiều nay gió nhẹ chuyển hơi lành
Giọt nắng đùa trong khóm lá xanh
Nắng hạ nồng trên làn tóc xõa
Hương thơm quyện lấy cả hồn anh
Em nằm ôm gối, vờ như ngủ
Anh hát đồng dao điệu dỗ dành
Nói khẽ bên tai lời trăng gió
Thẹn thùng em dụi sát vào anh.
(Phạm Doanh )

Thí dụ TNBC loại 2: (chữ thứ hai câu đầu có thanh Trắc)

Một Phút Ngừng Say
Bấc trĩu hoa đèn nhựa úa nâu
Phải say nằm khóc mộng ban đầu
Bước chân song sóng vòng tay mở
Dạo ấy người ơi xa lắm đâu
Chớm nụ tiếc cho tình quá ngát
Mà thương trời bể quá cao sâu
Tiếc thương lẻn khói vào tâm trí
Mưa gió tàn đêm lộng quán sầu
(Vũ Hoàng Chương)

Cứ mỗi mùa thu
Cứ mỗi mùa thu lại nhớ nhà
Gợi bao kỷ niệm cõi hồn ta
Dừng chân trên bước đường phiêu lãng
Đếm lá vàng bay ảo mộng nhòa
Ngày ấy lòng còn sôi nhiệt huyết
Đến đâu cũng chẳng thấy trầm kha
Nhưng thời gian chất bờ vai nhỏ
Đọng lại bàn tay giọt nắng tà.
(Phạm Doanh )

Như có nói từ bài đầu, các nguyên tắc hay luật lệ của mọi thể thơ đều là tương đối, chỉ nhằm mục đích định hướng cho người mới làm thơ. Khi đã quen thuộc và thấm nhuần âm điệu của các thể thơ, người làm thơ có thể tự do sáng tạo mà không cần gò bó vào các luật lệ trong thơ.
Sau đây là những bài thơ cũng bẩy chữ tám câu mà không theo các luật trên một cách tuyệt đối:

Bước chân trên tuyết

Hằn dấu giầy trên tuyết trinh nguyên
Bước chân vương nặng nỗi ưu phiền
Ánh trăng bàng bạc trăng hoang dại
In bóng trên đường bóng đổ nghiêng
Sương khói mờ trên đầu ngọn cỏ
Mong manh như những cuộc tình duyên
Đưa tay hứng nhẹ vài bông tuyết
Ai người chia xẻ nỗi niềm riêng? (Câu 8 không giống về bằng trắc với câu 5)
(Phạm Doanh )

Canh giấc

Anh ngồi bên cạnh giấc mơ em
Chăn ấm nệm thơm gối trắng mềm
Tóc xõa che nửa vùng mộng mị
Nhấp nhô gò ngực nhịp êm êm
Chăn đắp ngang tầm người nhỏ nhắn
Lộ bờ vai nhỏ dưới trăng đêm
Làm anh ngẩn ngơ, làm say đắm
Trong đời nào ước muốn gì thêm
(Phạm Doanh)

Trong khi một bài thơ theo thể TNTT có thể có 1 đoạn hay nhiều đoạn 4 câu thì TNBC thường chỉ có đúng 8 câu, gói trọn 1 ý.

Thơ Đường Luật:
Khi đã quen thuộc với thể thơ Thất Ngôn Bát Cú thì chuyển sang thơ Đường Luật thật dễ dàng.
Thơ Đường Luật không phải là thơ Đường hay Đường Thi; Thơ Đường hay Đường Thi là những bài thơ làm thời nhà Đường Trung Hoa mà điển hình là 300 bài thơ bất hủ trong bộ Đường Thi Tam Bách Thủ.
Đường Thi có rất nhiều thể, Ngũ ngôn, Thất ngôn hay không có số chữ nhất định trong câu. Một trong những thể thơ được ưa chuộng và truyền tụng là thể Đường Luật mà chúng ta sắp đề cập tới
Vì thế không những các bài thơ Đường Luật đời này mà kể cả những bài thơ Đường Luật xưa hằng trăm năm như của Bà Huyện Thanh Quan và ngay đến các bài thơ đời nhà Tống nhà Minh bên Trung Hoa cũng không gọi là Đường Thi được mà chỉ gọi là thơ Đường Luật nếu theo thể thức bên dưới.
Luật Thơ Đường Đơn Giản hóa
Thơ đường luật về hình thức là thơ “Thất ngôn bát cú” với thêm một điều kiện là hai câu 3&4 và 5&6 phải đối nhau về ý và về tự loại, nghĩa là chữ nào câu trên là động từ/ danh từ/ tĩnh từ thì chữ ở vị trí đó của câu dưới cũng là động từ/ danh từ/ tĩnh từ
Thí dụ
Thù nhà trả hết tròn câu hứa
Nợ nước đền xong cả cuộc đời
Thù nhà —> nợ nước (danh từ kep)
trả —> đền (động từ)
hết —> xong (trạng từ)
tròn —> cả (từ)
câu hứa —> cuộc đời (danh từ kep)

Bến vắng thuyền neo, neo đợi khách
Sông sâu sóng vỗ, vỗ ru đời

Bến —> Sông (danh từ)
vắng —> sâu (tĩnh từ)
thuyền —> sóng (danh từ)
neo, neo —> vỗ, vỗ (động từ)
đơị —-> ru (present participle)
khách —-> đời (danh từ)
Luật Bằng Trắc của Đường Luật giống hệt như Thất Ngôn Bát Cú cũng có hai loại cho vần Bằng (trong bài sau sẽ nói đến hai loại cho vần Trắc ở chữ cuối câu 1,2,4,6,8 )
– loại 1 (chữ thứ hai câu đầu thanh Bằng)
x,B,x,T,x,B,B
x,T,x,B,x,T,B
x,T,x,B,x,T,T
x,B,x,T,x,B,B
x,B,x,T,x,B,T
x,T,x,B,x,T,B
x,T,x,B,x,T,T
x,B,x,T,x,B,B
Nếu hoán vị Bắng, Trắc các chữ 2, 4, 6 thì sẽ có
loại 2 (chữ thứ hai câu đầu có thanh Trắc)
x,T,x,B,x,T,B
x,B,x,T,x,B,B
x,B,x,T,x,B,T
x,T,x,B,x,T,B
x,T,x,B,x,T,T
x,B,x,T,x,B,B
x,B,x,T,x,B,T
x,T,x,B,x,T,B
Về nội dung trong bố cục của thơ Đường Luật, mỗi một câu đều có chức năng của nó:
hai câu đầu (1,2) là đề bài. Câu 1 là phá đề, câu hai là thừa đề (chữ thừa có nghĩa là nối theo câu phá để vào bài).
hai câu 3,4 còn gọi là Thực hay Trạng dùng để giải thích đầu bài cho rõ ràng. hoặc cũng có thể dùng để đưa thêm chi tiết bổ nghĩa.
hai câu 5,6 (Luận) bàn bạc hay bàn luận cho rộng nghĩạ cũng có thể dùng như câu 3,4 đưa thêm chi tiết.
hai câu cuối 7,8 (Kết) tóm ý nghĩa của toàn bài và thắt ý lại.

Thí dụ loại 1

Thí Dụ
Bực gì bằng gái chực phòng không
Tơ tưởng vì chưng một tấm chồng,
Trên gác rồng mây ngao ngán nhẽ,
Bên trời cá nước ngẩn ngơ trông.
Mua vui lắm lúc cười cười gượng,
Giả dại nhiều khi nói nói bông.
Mới biết có chồng như có cánh,
Giang sơn gánh vác nhẹ bằng lông.
(Nguyễn Khuyến )

Nghiệm
Ngôi chùa mái đỏ ngự trên đồi
Nhìn xuống dòng sông nước chảy xuôi
Bến vắng thuyền neo, neo đợi khách
Sông sâu sóng vỗ, vỗ ru đời
Thiền sư tĩnh tọa suy tiền hậu
Cư sĩ trầm ngâm nghiệm khứ hồi
Chuông đổ mang mang chiều nhạt nắng
Cho người quên bớt phận đơn côi.
(Phạm Doanh )

Cảm Tác

Chiều nay gió lạnh mờ hơi sương
Run rẩy cành trơ tuyết ngập đường
Nhớ thuở cơ hàn nơi xứ lạ
Thương thời lận đận lúc tha hương
Mây bay gió thoảng khơi tâm sự
Tuyết phủ sương mờ gợi vấn vương
Đất khách quê người xin gởi gắm
Nửa hồn còn lại kiếp lưu phương.
(Gia Phong )

Ải Nam Quan

Hết rồi ơi hỡi ải Nam Quan
Lệ đổ lòng đau hận ngút ngàn
Gió Bắc vênh vang cười chiến thắng
Rừng Nam thổn thức khóc suy tàn
Buôn dân một Đảng mê quyền vị
Bán đất dăm tên hám bạc vàng
Chưa đánh đã nhường ôi nhục nhã
Tủi hờn Sông Núi kiếp nô bang
(Thông Già)

Thí dụ loại 2

Vết tử thương

Người chiến binh kia ngã xuống rồi
Vết thương trên ngực máu còn tươi
Thù nhà trả hết tròn câu hứa
Nợ nước đền xong cả cuộc đời
Nhìn lá quốc kỳ bay phất phới
Biết quân kháng chiến thắng nơi nơi
Một hơi thở cuối trong lồ ng ngực
Mắt nhắm, lòng yên, nhẹ nét cười.
(Phạm Doanh)

Thoảng Ngát Tri Âm
Bạn hãy cùng ta cạn chén đầy
Hàn huyên tâm sự mấy lời say
Thả trôi cay đắng đầy bi lụy
Buông lỏng ngậm ngùi lúc quắt quay
Muợn nguyệt đề thơ ngày hội ngộ
Nhờ mây vẽ cảnh phút men cay
Lỡ mai tóc bạc không về cội
Vẫn ngát tri âm những chuỗi ngày
(Triệu Minh )

Nếu dễ dãi thì trong hai câu đối 3&4 và 5&6 không bắt buộc phải từng chữ đối chọi với nhau, mà cả nhóm chữ thành 1 loại cũng được, như ba chữ tạo thành nhóm danh từ thì đối với 3 chữ câu kế cũng tạo thành nhóm danh từ, chứ không bắt buộc từng chữ trong nhóm phải đối chọi nhau. Cần nhất là đối ý thôi. Dĩ nhiên là hoàn chỉnh tất cả là hay nhất, nhưng như đã nói, bình đẹp không bằng rượu ngon.
Những hình thái khác của thơ Đường Luật:
Có 8 câu bảy chữ nhưng các cụ xưa đã bày thêm rất nhiều thể loại (hơn 20) như
Thủ nhất thanh ( nhất đồng )
Từ đứng đầu 8 câu đều giống nhaụ

Tám Mừng

Mừng đón xuân về, muôn sắc hoa,
Mừng xuân,xuân mới, mới thêm rạ
Mừng nghe nhựa sống, như còn trẻ,
Mừng thấy đời tươi, chửa muốn già.
Mừng khỏe đôi chân, đi đứng vững,
Mừng tinh cặp mắt ngắm nhìn xạ
Mừng nhau tuổi Thọ tăng tăng mãi,
Mừng được trường xuân hưởng thái hoà.
(1986 Lạc Nam )

Song điệp
Tất cả 8 câu đều có 2 điệp từ :

Chuyện Đời
Vất vất vơ vơ, cũng nực cười,
Căm căm cúi cúi có hơn ai.
Nay còn chị chị anh anh đó ,
Mai đã ông ông mụ mụ rồị
Có có không không, lo hết kiếp
Khôn khôn dại dại, chết xong đời.
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy,
Ngủ ngủ ăn ăn nói chuyện chơi.
(Nguyễn Công Trứ )
Tính danh
Câu nào cũng có từ chỉ nhân danh hay địa danh. Giống như Điển Thi, câu nào cũng dẫn 1 điển ở bên Tàu. Xưa kia các cụ đồ nho chuộng lắm vì như thế các cụ mới chịu cho là có học, rộng kiến thức.

Lỗi Thề
Vùi oan bạc mệnh sóng Tiền Đường (1)
Ngọn đuốc Chiêm Thành(2) rở nhớ thương.
Chắp cánh đẹp gì câu Thất Tịch (3)
Ôm cầm say mãi gái Tầm Dương(4)
Lỗi thề Chung Tử (5) sầu tri kỷ
Hoen mái Tây hiên (6) lệ đoạn trường
Hồ Hán (7) ngậm ngùi mây cách biệt
Ngân Hà (8 ) mưa gió nẻo cầu sương.
(Toại Khang )

Láy ba (Vĩ Tam Thanh): Sạch sành sanh-dửng dừng dưng – sát sàn sạt…

Ngẫu Hứng
Tiếng gà bên gối tẻ tè te,
Bóng ác trông lên hé hẻ hè.
Cây một chồi cao von vót vót,
Hoa năm sắc nở lóe lòe loẹ
Chim tình bè lứa kia kìa kịa,
Ong, nhĩa vua tôi nhé nhẻ nhè.
Danh lợi mặc người ti tí tị,
Ngủ trưa chửa dậy khỏe khòe khoe.
(Vô Danh )

Tựu trung là những xảo thuật để chứng tỏ người viết giỏi về từ ngữ. Theo thiển ý chỉ có tính cách lạ, như Sơn Đông mãi võ trong làng thơ, còn về giá trị thơ thì không có bao nhiêu. Tài liệu này về Những hình thái khác của thơ Đường Luật do tham khảo của Bồ Tùng Linh trong site
http://www.honque.com/HQ002/bienkhao.html

Vài nhận định về sự đối câu trong thơ Đường Luật.

Có những ý kiến cho rằng 2 cặp câu 3,4 và 5,6 của thơ Đường Luật phải đối một cách tuyệt đối, nghĩa là từng chữ câu trên thuộc tự loại nào thì chữ cùng vị trí trong câu dưới cũng phải đúng tự loại đó.
Nhiều tác giả chú trọng quá nhiều vào hình thức đối của thơ Đường nên gò từng chữ miễn sao cho đúng luật hiểu theo cái nhìn chật hẹp, nên viết những câu đối thật chặt chẽ về hình thức mà trống rỗng về nội dung cũng như gượng ép trong cách dùng chữ.
Họ có thể cho những câu như sau là hay vì chỉnh trong vấn đề đối:
Cô gái sau sân ngồi rửa bát
Chàng trai trước cửa đứng lau xe

Đối trong thơ Đường Luật là đối ý trước tiên rồi mới đến đối tự loại. Và đối từng cụm từ chứ không phải từng chữ. Ý tưởng nghèo nàn, chữ dùng thô thiển thì dù có đối chỉnh cách mấy cũng không có chút giá trị nào, loại Đường Luật nặng về hình thức này giống như 1 chiếc hộp gỗ thật vuông vức thật thẳng góc cạnh nhưng gỗ là gỗ tạp và chứa đựng trong lòng nó nội dung nghèo nàn. Sao bằng được một chiếc hộp gỗ góc cạnh có thể không thẳng hoàn toàn nhưng là gỗ quý và chứa đựng món hay vật lạ.
Ngay cả trước đây hơn một thế kỷ các nhà Nho nổi tiếng như Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến sống trong thời đại từ chương, gò bó về luật thơ, đi thi chỉ cần sai một chút là hỏng mà cụ đậu đầu cả 3 kỳ thi Hương, Hội và Đình. Bậc Trạng Nguyên như thế mà còn không cố chấp về luật đối trong thơ ĐL thì chúng ta trong quan niệm phóng khoáng ngày nay lại cố bám vào từng chữ hay sao. Có khi còn bắt lỗi là cùng là động từ nhưng transitive verb (cần túc từ) không được đối với intransitive verb (không cần túc từ) hay trạng từ chỉ thời gian không đi với trạng từ chỉ không gian, 1 câu là câu hỏi thì câu kia cũng phải là câu hỏi.
Sau đây là các thí dụ của bất chấp luật đối cứng ngắc của Yên Đổ Nguyễn Khuyến, ông bất chấp chứ không phải ông không biết luật.

Vịnh Tiến Sĩ Giấy

Rõ chú hoa man khéo vẽ trò,
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
Mày râu mặt đó chừng bao tuổi,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu?
Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,
Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu.
Hỏi ai muốn ước cho con cháu,
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu.

Ví dụ này càng cho thấy cái “không đối” theo như những lập trường cố chấp, Bán và mua trong câu trên là động từ còn Bảng và bia là danh từ; ngay cả tiếng và danh là danh từ cũng không đối với vàng và đá là tĩnh từ. Nhưng đối là đối cả ý, cả câu chứ làm sao mà Nguyễn Khuyến không biết luật được. Cái luật mà người ta khăng khăng bám vào chỉ là cái cố chấp vô lối thôi. Dĩ nhiên là nếu mình muốn đối tuyệt đối thì cũng không sao, nhưng mang lập trường đó mà phê bình thơ người khác một cách hàm hồ thì thật là thiển cận biết bao.
Không phải chỉ mình Nguyễn Khuyến mới “thất luật”, 2 câu sau đây của Tú Xương cũng sẽ không làm vừa lòng các vị bảo hoàng hơn vua:
Chí cha chí chát khua giày dép,
Ðen thủi đen thui cũng lụa là.
Khua là động từ có đi với cũng là trạng từ không? Thưa được vì
đối ý, đối câu mà hay thì từng chữ một không cần đúng.

Và hãy đọc Nguyễn công Trứ

Tự cao
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi
Dở duyên với rượu khôn từng chén
Trót nợ làm thơ phải thuộc bài
Cờ sẵn bàn son xe ngựa đó
Ðàn còn phiếm trúc tính tình đây
Ai say ai tỉnh ai thua được
Ta mặc ta mà ai mặc ai
(Nguyễn Công Trứ )

Cả hai cặp 3,4 và 5,6 đều không đối từng chữ. Nếu khăng khăng thì hoá Nguyễn công Trứ không biết luật sao?, “từng chén” chắc chắn không đối với “thuộc bài” và “xe ngựa” không cùng tự loại với “tính tình” , đó là chưa kể “với” và “làm”. Nhà Nho như Nguyễn công Trứ há lại phạm 3 lần lỗi trong bốn câu hay sao?
Ra đường đáng giá người trinh thục
Trong bụng sao mà những gió trăng,
Người và những trong con mắt của người cố chấp thì chắc chắn là không đối rồi.
Hay là bài thơ nổi tiếng của vua Lê Thánh Tông :

Đề Miếu Bà
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ,
Làn nước chi cho lụy đến nàng.
Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt,
Giải oan chi mượn đến đàn tràng.
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng…

Chúng ta thấy rõ ràng là trong hai cặp đối nhau, không phải tất cả các chữ cùng vị trí đều cùng tự loại cả, (tắt / cho), (đừng / lụy) , (nghe / đến) , (đôi / mượn), (vầng / đến) ngay cả (nhật nguyệt / đàn tràng) hay (trẻ / nàng) đều không đối theo quan niệm cứng ngắt hẹp hòi. Nếu bắt lỗi thì 4 câu của vua Lê Thánh Tông trong bài thơ truyền tụng lại đã phạm 6, 7 lỗi. Nhà vua là người uyên bác lại đứng đầu một thi đàn chẳng lẽ không biết luật.
Những sự phóng khoáng không để bị quy luật hạn hẹp của sự đối gò bó mình được thấy trong rất nhiều nhà thơ cổ xưa và hiện đại.
Những người hay phán xét thơ người khác qua lăng kính đó thì chỉ tìm xem đối từng chữ mà không thấy được những vần thơ có giá trị.
Thi bá Vũ Hoàng Chương chắc hẳn là thông suốt luật đối của thơ Đường Luật, nhưng ông cũng chẳng cần giữ nó một cách tuyệt đố như trong bài:

VỊNH TRANH GÀ LỢN

Sáng chưa sáng hẳn , tối không đành
Gà lợn om sòm rối bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe Rồng ngân váng khúc tân thanh
(VŨ HOÀNG CHƯƠNG)
Trong hai câu:
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh
Tai và hoạ của câu ba đối với đỏ và xanh của câu bốn, nhưng tai và hoạ là danh từ còn đỏ và xanh là tĩnh từ. Nhưng bài thơ vẫn rất đạt, rất hay.
Tóm lại đối chỉ là 1 khía cạnh hình thức của thơ ĐL, mà ý tưởng, vần điệu và từ ngữ là những khía cạnh khác. Đánh giá một bài thơ ĐL không phải là trước tiên nhìn coi từng chữ có đúng tự loại hay không mà là âm điệu có êm đềm, thánh thót hay trầm bỗng, ý tưởng đặc sắc và từ ngữ trong sáng hay độc đáo và nhất là cả bài thơ có để lại cho người đọc một ấn tượng một rung động nào không.

Phạm Doanh

(Còn tiếp)

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search