T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: NỖI BUỒN KHI ĐỌC “BA NGƯỜI KHÁC” CỦA TÔ HOÀI

clip_image001

Trước năm 1975, nếu người dân miền Bắc không được phổ biến bất cứ văn hóa phẩm nào của miền Nam, thì người dân miền Nam vẫn được tự do hát những ca khúc của Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đoàn Chuẩn… Bọn trẻ nhỏ chúng tôi vẫn được đọc Những Ngày Thơ Ấu của Nguyên Hồng và rất nhiều chuyện viết cho thiếu Nhi của Tô Hoài.

Tất nhiên Dế Mèn Phiêu Lưu Ký là truyện ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng trẻ em. Nhưng với tôi, truyện U Tám mới là câu chuyện khiến tôi xúc động sâu xa và nhớ mãi .

Chuyện U Tám ghi lại tình cảm của một cậu bé con nhà khá giả với một người giúp việc mà cậu gọi là U Tám. Mẹ bận đi buôn bán nên cậu bé quấn quít với người U hiền lành. Ngày đầu tiên đến lớp, nhất định phải có U Tám ngồi cạnh, cậu mới chịu học. Và U phải ngồi học cùng cậu mấy ngày liền cho đến khi cậu quen thầy, quen bạn.

Một hôm , đi học về, cậu ngạc nhiên và khó chịu khi thấy có một đứa bé (tôi quên là trai hay gái) sợ hãi nấp sau chân U trong nhà bếp. Đứa bé ốm yếu, đen đúa và bẩn thỉu , không dám ngước mắt nhìn cậu chủ.

Nhân vật cậu chủ xưng “tôi” cảm thấy căm ghét đứa bé vì nó dám dành U Tám , dù nó chính là con ruột của U. Cậu bé chưa đủ lớn để hiểu rằng thật đáng thương cho người đàn bà nghèo khổ đã phải bỏ đàn con nhỏ ở nhà đi chăm sóc con người khác..

Một lần, U Tám về thăm nhà và không bao giờ trở lại nữa. Năm ấy nước lũ tràn về hung bạo. Đê vỡ và làng quê của U đã chìm dưới bể nước trắng xóa. Từ đó, chiều chiều , cậu đứng nhìn xa xăm về hướng ngôi làng của U , lòng bồi hồi thương nhớ người đàn bà gần gũi, chăm sóc, yêu thương cậu còn hơn cả mẹ ruột.

Rất tiếc Chuyện U Tám và Cu Lặc không thấy hiện diện trong danh mục truyện ngắn của Tô Hoài dành cho độc giả miền Bắc.

Sau năm 1975, tôi biết Tô Hoài là một nhà văn có địa vị cao . Nhưng tôi không tìm đọc truyện của ông. Tôi không mặn mà với những nhà văn được trọng dụng ở miền Bắc.

Nhưng khi hay tin ông qua đời, tôi tìm đọc một tác phẩm được nhắc tới nhiều nhất, có tựa đề Ba Người Khác, do nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2007, và tôi vô cùng thất vọng với Tô Hoài đã khác quá nhiều với những ấn tượng tốt đẹp trong lòng tôi.

Tôi luôn kính trọng những nhà văn viết truyện cho trẻ em. Và chắc cả thế giới cũng thế. Hàng triệu người tuy đã già vẫn không quên được Sans Famille của Hector Malot, Pinocchio của Carlo Collodi. Và những câu chuyện cổ của Andersen đã nuôi dưởng biết bao tâm hồn của trẻ em thế giới. Tôi rất hãnh diện vì trẻ em Việt có Dế Mèn Phiêu Lưu Ký và những truyện loài vật của Tô Hoài.

Viết truyện cho thiếu nhi rất khó.

Muốn có tác phẩm được các em say mê , tác giả phải là người rất yêu trẻ em, hiểu trẻ em, tâm hồn đầy tính nhân bản.

Buồn thay, đọc “Ba Người Khác” tôi thấy tình người của Tô Hoài đã cạn. Chẳng những cạn mà còn trở nên tầm thường, nếu không muốn nói là ác độc.

Ở đây tôi không muốn nói nhiều đến “mục đích yêu cầu” của tiểu thuyết này. Rõ ràng tác giả muốn nói đến cái sai, cái ác, cái xấu của đám cán bộ đi làm cải cách.

Điều làm tôi vô cùng chán quyển truyện này và thất vọng về Tô Hoài là ông đã quá khai thác đề tài hủ hóa một cách quá đáng, không cần thiết.

Có hai nhân vật nữ điển hình trong “Ba Người Khác” thì cả hai đều là những thiếu nữ khao khát tình dục đi đến chỗ gần như bạo dâm.

Tôi thật đau lòng khi tác giả ở tuổi trên tám mươi mà còn ngồi viết được những dòng mô tả tỉ mỉ bản năng tình dục của các nhân vật nữ, là những đứa con gái đáng tuổi cháu nội của ông.

“Ba Người Khác” là một tác phẩm mà phía phản diện thì quá tệ mà phía chính diện cũng chẳng đẹp đẽ gì..

Lẽ ra, bằng lương tri của một nhà văn , ông phải làm cho độc giả đau đớn cho một làng quê dưới trận cuồng phong mang tên Cải Cách Ruộng Đất , xót thương cho những:

“em bé lên sáu tuổi

Lủi thủi tìm miếng ăn

Bố cường hào nợ máu(*)

Thì ông lại say sưa viết về những Đơm, những Duyên với những cơn động tình.

Đọc “Ba Người Khác” tôi mang nỗi buồn của những đứa trẻ bị hụt hẫng. Chú dế mèn đáng yêu, chú mèo mướp sinh động, đôi chim Gi dễ thương, anh Cu Lặc thật thà, U Tám nhân hậu đã bị ông dấu biến đi, để rồi thay thế bằng những con rối tục tĩu, bẩn thỉu .

Ông vừa mới mất ở tuổi chín mươi lăm. So với Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, ông đã được trời và đời cho hưởng quá nhiều lộc. Nhưng nếu ông biết rằng đối với thế hệ trẻ em chúng tôi ông đã biến thành “một người khác” ông đã ra đi không thanh thản.

Thật thương (mà không tiếc) cho ông.

Huyền Chiêu

Tháng 7 – 2014

(*)Em Bé lên Sáu Tuổi (Hoàng Cầm)

 

©T.Vấn 2014

 

Phụ Lục :

Nhà văn Tô Hoài, “cha đẻ” Dế Mèn phiêu lưu ký qua đời

clip_image003

TTO – “Cha đẻ” của Dế Mèn phiêu lưu ký – nhà văn Tô Hoài – do tuổi cao sức yếu đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6-7 tại Hà Nội, thọ 94 tuổi.

Thông tin được nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Hà Nội, chia sẻ.

“Sự ra đi của cụ gây nhiều bất ngờ cho anh em văn nghệ sĩ. Tôi nghe thông tin từ gia đình thì biết cụ vẫn đi về giữa nhà và bệnh viện chứ không muốn ở hẳn trong ấy. Vậy mà, giờ một người đã nằm xuống” – Nhà thơ Bằng Việt nói.

Có lẽ cũng như chú Dế Mèn huyền thoại, nhà văn Tô Hoài đã vừa bắt đầu chuyến phiêu lưu của mình về cõi khác.

Hành trang của ông có lẽ nặng hơn, với 94 năm cuộc đời ở trần gian, với những đắng cay ngọt bùi cùng thời cuộc.

Trong đó, Dế Mèn phiêu lưu ký (viết năm 1941) là khoảng xanh tươi nhất, trong sáng nhất của ông. Nhưng rất nhiều thế hệ người đọc cũng sẽ không quên những O Chuột, Xóm giếng, Nhà nghèo…

Cũng sẽ không quên đôi mắt cô Mỵ, cái dáng lầm lũi của cô trong Vợ chồng A Phủ. Nhiều tác phẩm của Tô Hoài đã được đưa vào chương trình văn học trong nhà trường.

Và nhắc đến Tô Hoài, lũ trẻ – dù thờ ơ với văn chương đến mấy – cũng đều ồ lên vì biết rằng đó là người đã sinh ra cậu Dế Mèn tinh nghịch, đáng yêu cho tuổi thơ của mình.

Nhà văn Tô Hoài có tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại Thanh Oai, Hà Đông (Hà Nội). Ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội ngày nay).

Tô Hoài để lại một khối di sản khá đồ độ với hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.

Hai tác phẩm cuối cùng của Tô Hoài: hồi ký Cát bụi chân ai và Ba người khác . . .

(Theo Hà Hương –Báo Tuổi Trẻ)

Bài Mới Nhất
Search