T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Góc nhìn: Đâu rồi chất “phiêu” của Nam Mỹ? (World Cup 2014)

Người Nam Mỹ cần phải tìm lại chính mình

Tác Giả: Minh Đức

(Nguồn: Bóng Đá Plus)

Với việc chức vô địch World Cup 2014 được trao cho ĐT Đức, người Nam Mỹ cần phải tự hỏi mình rằng, tại sao hơn một thập kỷ qua, vinh quang luôn né tránh họ…

Kể từ khi siêu tiền đạo Ronaldo “béo” lập một cú đúp trong trận chung kết World Cup 2002 trước Đức, đưa Brazil lần thứ 5 lên đỉnh thế giới, những người hâm mộ thứ bóng đá ngẫu hứng của Nam Mỹ chưa từng thêm một lần chứng kiến những đại diện của khu vực này lên ngôi tại các kỳ World Cup sau đó. Ngay cả khi giải đấu danh giá này được tổ chức trên đất Nam Mỹ, thì chiếc cúp vàng vẫn có lí do để tránh né họ.
Người Brazil có thể vin vào cớ họ không có sự phục vụ của 2 ngôi sao xuất sắc nhất của mình ở trận bán kết với Đức: Thiago Silva và Neymar. Người Argentina có thể viện vào việc họ mất quá nhiều sức ở trận gặp Hà Lan, và kém may mắn ở những pha dứt điểm trong trận chung kết. Nhưng có một điều ở tầm vĩ mô hơn có thể giải thích cho lí do thất bại của các đại diện Nam Mỹ: bóng đá ở khu vực này đang mất dần chất ngẫu hứng.
Chất ngẫu hứng, chính là điều mà Brazil đạt mức thượng thừa trong đội hình đoạt chức vô địch World Cup 2002 của họ. Những Ronaldo, Ronaldinho, Roberto Carlos, Rivaldo, Denilson và Kaka là những biểu tượng trường tồn cho thứ bóng đá giàu nghệ thuật này. Lối chơi của những con người này, là sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật và hiệu quả. Nghệ thuật để tạo nên hiệu quả, và hiệu quả ngược lại là để khiến nghệ thuật thăng hoa.


Những ngôi sao Samba thật sự của ĐT Brazil

Argentina thời kỳ đó, cũng là tập hợp của những cá nhân xuất sắc mang trong mình dòng máu đậm chất cống hiến của bóng đá Nam Mỹ. Ai có thể quên được những Claudio Lopez, Gabriel Batistuta, Ariel Ortega, Juan Veron, Pablo Aimar hay Diego Simeone. Có thể họ không hoa mỹ như người Brazil, nhưng lại được biết đến với lối chơi cực “quái”, nhiều xảo thuật. Những điều đó không bao giờ đến từ những trường dạy bóng đá.
Đó chính là điều khác biệt giữa bóng đá Nam Mỹ và châu Âu. Khi mà những siêu sao Nam Mỹ trưởng thành từ những khu phố ổ chuột, được trui rèn kỹ năng bóng đá từ những trận bóng lấm lem nơi vỉa hè, thì những người đồng nghiệp tại châu Âu lại được lớn lên trong các trường đào tạo trẻ, được học chiến thuật và được thuyết giáo những bài học về bóng đá. Trên thực tế, hai cách đào tạo trên cho ra đời những sản phẩm khác nhau.
Cách đảo chân, vê bóng hay những động tác kỹ thuật làm mê mẩn người xem của Ronaldo “béo” hay Ronaldinho thời đỉnh cao chính là những gì đẹp nhất mà “chất” Nam Mỹ mang đến cho bóng đá. Nét hoang dại này từng khiến châu Âu phải khiếp sợ, nhưng đáng tiếc nó đang dần bị lối chơi thực dụng của “Lục địa già” át vía. Nói một cách khác, sự kỷ luật, chặt chẽ của bóng đá châu Âu, đã bóp nghẹt bầu cảm hứng Nam Mỹ. Lí do? Những cầu thủ Nam Mỹ đang chơi bóng ở bên kia bờ Đại Tây Dương đang vô tình đánh mất bản chất của mình. Họ hành xử giống người châu Âu, và chơi thứ bóng đá đặc sệt chất châu Âu.
Những gì mà các đội bóng Nam Mỹ thể hiện ở giải đấu được tổ chức trên chính quê hương của họ, là một sư thất vọng lớn lao. Trong khi Brazil khô cứng, yếu đuối và kém bản lĩnh, thì Argentina tỏ ra phụ thuộc, mất chất. Chưa bao giờ người ta thấy Brazil kém tự tin như vậy khi bị dẫn bàn trước Đức, và cũng chưa khi nào giới mộ điệu chứng kiến một Argentina phải thi triển lối chơi “phòng ngự xe bus” nhằm bảo toàn thắng lợi.


Argentina chơi quá thực dụng ở giải năm nay

Gạt sang một bên những lợi ích về mặt tiền bạc lẫn danh vọng, có một câu hỏi được đặt ra: nếu các cầu thủ Nam Mỹ ngừng đổ xô sang châu Âu chơi bóng, liệu họ có tìm lại được bản ngã? Có một sự thật, là người Nam Mỹ không thể và cũng không nên chơi bóng như người châu Âu, cũng như điều ngược lại. Một khi cố học đòi và bị “Âu hóa”, thì việc nền bóng đá Latin đi xuống là điều không có gì phải bất ngờ.
Neymar là một ví dụ điển hình về vấn đề “chất Nam Mỹ”. Tiền đạo này từng được coi là “truyền nhân” xứng đáng nhất của thế hệ những cầu thủ Brazil ưa biểu diễn trên sân bóng. Neymar tỏa sáng rực rỡ ở Santos với phong cách chơi bóng tự tại. Nhưng khi chuyển đến Barca ở tuổi 21, niềm hy vọng số 1 của bóng đá Brazil gần như bị thui chột. Lionel Messi cũng đã bị lối chơi “10 người phục vụ 1 người” ở Barca làm hại, khi mỗi lần trở về ĐTQG, anh gần như không tìm được tiếng nói chung với các đồng đội.
Thế giới ngày một phẳng hơn. Bóng đá cũng không nằm ngoài xu thế đó. Nhưng phẳng hơn, không có nghĩa là mờ nhạt về phong cách. Bóng đá Nam Mỹ, nếu muốn tồn tại theo cách đã đưa họ lên đỉnh thế giới, cần phải tạo ra sự khác biệt với các nền bóng đá khác, mà ở đây không có gì khác ngoài thứ bóng đá vị nghệ thuật trong quá khứ.

Minh Đức ( Nguồn: BÓNG ĐÁ +)

Bài Mới Nhất
Search