T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Sài Gòn Thất Thủ: Kỳ 20 (Hết): Kẻ thắng người bại và những nấm mộ cô đơn

Sai Gòn, sáng 15/5/1975 @ On the Web

Đối với lực lượng tự xưng là “cách mạng” ở Việt Nam thì sự kiện Sài Gòn thất thủ đã là một chiến thắng vẻ vang mang tính cách lịch sử. Vào ngày 15/ 5/1975, trong một buổi lễ chào mừng chiến thắng này, trên khán đài đặt trước cổng chính của Dinh Độc Lập cũ, những khuôn mặt nổi tiếng tiêu biểu của các chiến sĩ thuộc phe “cách mạng” này đã tề tựu đông đủ.
Đứng giữa khán đài là chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, một nhân vật từng sát cánh chiến đấu với Hồ Chí Minh trên 30 năm, lúc đó cũng đã 87 tuổi. Tuy vậy, vóc dáng ông rất to béo, tròn trịa đẩy đà và trông ông vẫn còn mạnh khoẻ. Đứng ngay sau lưng ông, người ta thấy khuôn mặt của Lê Đức Thọ, một nhân vật chủ chốt trong tiến trình ký kết hiệp định Ba Lê. Cả hai người này đều là đại diện của miền Bắc trong buổi lễ hôm đó. Dưới ánh nắng chói chang, trên khuôn mặt của ông Thắng và những người chiến sĩ “cách mạng” như càng thể hiện rõ nét tự hào về cuộc thắng lợi to lớn chiếm được miền Nam Việt Nam. Vì đối với họ, sau khi đánh đuổi được thực dân Pháp thì kế tiếp là buộc được Hoa Kỳ phải triệt thoái khỏi Việt Nam, đồng thời đánh tan luôn chính quyền miền Nam mà họ cho rằng đó là chính quyền bù nhìn của Hoa kỳ.

Dinh Độc Lập, tháng 5/1975 @On the Web

Đứng bên cạnh những người đại diện của miền Bắc là những thành phần đầu não trong chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam VN, người ta ghi nhận sự hiện diện của ông Nguyễn Hữu Thọ chủ tịch MTGPMN kiêm chủ tịch hội đồng tư vấn chính phủ CMLTMNVN. Ông Thọ nguyên là một luật sư ở Sài Gòn dưới thời chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nhưng vì bất mãn chế độ nên đã bí mật trốn vào rừng sâu.

Từ trái: Sihanouk, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm văn Đồng, Souphanouvong, 1970 @On the Web

Đứng xa hơn một chút nữa là ông Huỳnh Tấn Phát, thủ tướng chính phủ CMLTMNVN. Ông Phát cũng là một nhân vật trí thức ở Sài Gòn trước đó làm nghề kiến trúc sư và nổi tiếng qua công trình thiết kế xây dựng tòa Đại Sứ Nhật Bản. Từ cuối năm 1950, ông Phát vì bất đồng chính kiến với chế độ Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên đã rời khỏi Sài Gòn và sinh hoạt trong những căn cứ dưới lòng đất của phe chống chính quyền miền Nam.

Huỳnh Tấn Phát, tháng 4-1975 @On the Web

Hai nhân vật này đã được tuyên truyền mạnh mẽ nơi dư luận thế giới như là hình ảnh đại diện cho những chiến sĩ cách mạnh ở miền Nam chiến đấu vì độc lập dân tộc không bị lệ thuộc vào một đảng phái hay hệ tư tưởng chính trị nào. Đồng thời, hai người này cũng vẫn luôn tuyên bố rằng MTGP là một lực lượng vũ trang duy nhất ở miền Nam chống lại chính quyền Sài Gòn, cũng như tại miền Nam không bao giờ có sự hiện diện của quân đội Bắc Việt dù chỉ một người.

Như vậy, đúng ra trong buổi lễ này hoặc ông Thọ hay ông Phát phải là đại diện cho miền Nam thì mới hợp tình hợp lý. Nhưng không! Vị trí này đã do một nhân vật khác thay thế khiến cho mọi người phải kinh ngạc một cách bất ngờ.

Đó là Phạm Hùng, một nhân vật người miền Bắc nằm trong bộ chính trị trung ương đảng LĐ, nay là đảng cộng sản VN. Ông Hùng được giới thiệu đã từng giữ chức phó thủ tướng của phía BV và hiện Tổng bí thư đảng bộ miền Nam của đảng LĐ. Chưa hết, nhân vật thứ hai đại diện cho miền Nam trong buổi lễ này lại là Nguyễn Văn Linh, ủy viên chính trị trung ương đảng lao động VN kiêm phó bí thư đảng bộ miền Nam, tức dưới ông Hùng một bậc.

Lê Đức Thọ (1), Tôn Đức Thắng (2), Phạm Hùng (3), tháng 5/1975 @On the Web

Sự thay đổi nhân sự này càng chứng minh rõ ràng là lực lượng quân đội miền Bắc dưới sự chỉ huy của đảng cộng sản đã nằm ngay trong lòng miền Nam từ trước và trực tiếp chiến đấu chống lại chính quyền VNCH, nhưng lúc nào cũng che dấu dưới tấm bình phông của MTGPMN. Cùng lúc, nó cũng cho thấy việc vắt chanh bỏ vỏ một cách không thương tiếc của đảng cộng sản đối với những nhân vật đầu não của phe cách mạng miền Nam sau khi họ đạt được chiến thắng.

Tuy trước đây tôi cũng đã tương đối hiểu rõ về chân tướng của phe cách mạng miền Nam, nhưng tôi không thể nào ngờ được rằng họ lại bị đào thải một cách nhanh chóng và phủ phàng như thế. Điều này cũng khiến cho những ký giả ngoại quốc như chúng tôi phải ú ớ không nói được nên lời.

@On the Web

Vì thế, tôi đã không ngạc nhiên về việc nhà cầm quyền cộng sản đã nhanh chóng thiết lập một hệ thống cai trị ở miền Nam bằng hình thức quản lý quân sự qua các ủy ban quân quản và tất cả những chức vụ các ngành các cấp từ trung ương đến địa phương đều do người miền Bắc nắm giữ. Về phần những người tham gia cách mạng gốc miền Nam thì dù có được hiện diện trong bộ máy hành chính cũng chỉ là bù nhìn và đa số họ đã từ từ biến mất theo những hư cấu ảo tưởng mà phiá BV đã dựng nên cho họ trước kia.

Tuy trong khoảng thời gian từ lúc phản kháng chính quyền ông Ngô Đình Diệm cho đến thời điểm tổng tấn công Tết Mậu Thân, những lực lượng cách mạng theo chủ nghĩa dân tộc đã hiện hữu và trực tiếp chiến đấu là điều có phần nào đó xác thực  nhưng nếu nhìn một cách toàn diện từ đầu đến cuối và nguyên nhân của cuộc chiến tranh VN thì rõ ràng là do phía BV dưới sự lãnh đạo của một đảng phái theo chủ nghĩa cộng sản gây ra cũng như nắm giữ vai trò chính yếu. Đây là một sự thật không thể nào chối cãi được.

Nhưng tại Nhật Bản thì đa số dư luận đều cho những điều ngụy tạo của BV dựng nên là sự thật. Chẳng hạn như về từ ngữ đảng bộ miền Nam, trung ương cục miền Nam đã được nhà nghiên cứu về VN là ông Douglas Pike gọi tắt bằng Anh ngữ là COSVN (Central Office for South Vietnam) và ông đã có những báo cáo chi tiết tường tận về việc này ngay từ từ lúc còn chiến tranh, nhưng phía Nhật Bản lại cho rằng đó chỉ là những hình thức tuyên truyền chống cộng.

@On the Web

Đa số giới trí thức Nhật Bản cũng sai lầm nặng nề khi đã từng cho rằng nếu Hoa Kỳ rút quân thì người VN trên tinh thần hòa giải dân tộc sẽ thực hiện được nền hòa bình tại đây, hoặc nếu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức thì cuộc chiến VN sẽ được giải quyết bằng những cuộc đàm phán giữa hai bên. Rõ ràng đây chỉ là những điều viễn vông đã được chứng minh ngay sau khi cuộc chiến VN kết thúc. Vì từ căn bản, phía BV được đặt dưới hệ tư tưởng chính trị của chủ nghĩa cộng sản đã tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện xâm chiếm miền Nam và trong quá trình cuộc chiến này những ai không đồng thuận theo hệ tư tưởng của họ sẽ bị tiêu diệt.

Về điểm này, chủ trương của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu biểu hiện qua những câu nói của ông như: “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”, hoặc “Việc thương lượng với những người cộng sản để giải quyết vấn đề là điều không thể nào có được” xem ra quả thật chính xác và đúng đắn.

© DCVOnline

Cuộc chiến VN còn thể hiện hình thức xung đột giữa hai hệ tư tưởng chính trị.

Trải bao năm tháng dài của cuộc chiến, tại miền Nam không hề có một sự kiểm duyệt nơi những tin tức loan tải từ giới ký giả và báo chí ngoại quốc nhưng sau khi chính quyền mới được thành lập thì sự kiểm duyệt thông tin đã bắt đầu xuất hiện và rất gắt gao.

Mặc dù trong thời chiến, giới truyền thông ngoại quốc hầu như chỉ đưa toàn những tin tức bất cho quân đội của mình nhưng chính quyền miền Nam vẫn chấp nhận tự do thông tin báo chí. Trong khi đó, phía BV chỉ tuyển chọn những ký giả thân cộng để phục vụ cho việc tuyên truyền của họ. Hơn nữa, đài phát thanh quốc doanh của BV lại thường bóp méo sự thật qua những điều bịa đặt giả tạo. Thí dụ như việc Văn Tiến Dũng, tổng tham mưu trưởng quân BV lúc đó đang ở miền Nam để trực tiếp chỉ huy các cuộc tấn công quân sự thì họ cứ một mực nói dối rằng Văn Tiến Dũng lúc nào cũng ở Hà Nội.

Kế đến là việc Hoa Kỳ viện trợ cho miền Nam. Vì Hoa Kỳ là quốc gia theo chủ nghĩa tự do dân chủ nên tất cả những chính sách đều bị ảnh hưởng bởi sự biểu quyết của dân chúng mà cơ quan đại diện là Quốc Hội. Do đó vì sợ dư luận thế giới nhất là giới thông tin quốc tế, chỉ trích là không tôn trọng dân chủ nên Hoa Kỳ đã cắt giảm viện trợ cho miền Nam theo ý quốc nội. Ngược lại, Trung Cộng và Liên Xô là hai nước độc đảng độc quyền nên việc viện trợ cho miền Bắc đã không gặp sự phản đối.

Tại sao giới truyền thông quốc tế trong đó có Nhật Bản lại có sự chỉ trích việc VNCH lệ thuộc vào việc trợ của Hoa Kỳ một cách không công bằng như thế? Hay là vì họ run sợ trước những chính quyền độc tài nên cố tình bóp méo thông tin?

Trong phần cuối tập hồi ký Đại Thắng Mùa Xuân, Văn Tiến Dũng đã viết: “Xin được chân thành dâng lên những bó hoa tươi thắm đến chủ tịch HCM,  chủ nghĩa Mác Lênin và sự giúp đỡ của quốc tế vô sản”, đã cho thấy là đồng thời với việc tuyên truyền về cuộc đấu tranh vì độc lập, BV đã tiến hành một cuộc chiến mang đặc tính của chủ nghĩa cộng sản.

Đối với điều này, phần lớn giới trí thức Nhật Bản chỉ nhìn được bề ngoài của cuộc chiến tranh VN mà thôi. Đây là cuộc chiến xung đột giữa hai ý thức hệ giữa những người VN theo chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc gia. Những người Việt quốc gia vì bị phe cộng sản tấn công, trực tiếp đe dọa đến sự sinh tồn của mình nên đã chọn lựa con đường nhờ vào sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Nếu giới trí thức Nhật Bản cho rằng việc miền Nam lệ thuộc vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ là một điều không chính đáng thì sau đệ Nhị thế chiến đến nay Nhật Bản đã và đang nhờ vào sự bảo vệ an toàn và trợ giúp quân sự của ai? Điều này có chính đáng hay không?

Nghĩa trang liệt sĩ Bình Dương (CSVN) @On the Web

Từ lúc Sài Gòn thất thủ, 23 năm sau đó tôi lại viếng thăm nơi này và đã đi đến nghĩa trang quân đội Biên Hoà. Nơi đây chia làm hai khu chôn cất những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh VN. Khu nghĩa trang của những người chiến thắng thì được dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ, mà trong đó có những tấm bia được trang hoàng thật nghiêm trang thành kính và hầu như trên những nấm mộ này lúc nào cũng khói hương nghi ngút, hoa quả chưng bày để tưởng nhớ người quá cố.

Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa (VNCH) @On the Web

Cùng trong khu vực này, nằm khuất dưới chân một ngọn đồi trên đường quốc lộ là khu nghĩa trang của những tướng tá và binh sĩ VNCH. Tuy nhiên, mãi cho đến nay khu này vẫn chưa được coi là một nghĩa trang chính thức nên cỏ dại mọc um tùm trông thật tiêu điều hoang phế. Giữa bãi đất hoang vu không một bóng người nơi đây, tôi nhìn thấy vô số những mộ bia dơ bẩn nằm cô đơn dưới những bãi cỏ hoang mọc bừa bãi. Đứng trước tình cảnh u buồn này, trong một thoáng giây nào đó tôi có cảm giác như là vong hồn của những người bại trận đang chập chờn đâu đây.

Nhưng nếu nhìn kỹ xuống chân, ta sẽ thấy ngay dưới những tấm bia mộ nay đã biến thành màu vàng úa này, lại có những vòng hoa nho nhỏ màu đỏ thắm như muốn ẩn tránh tia nhìn của mọi người và mọc xen lẫn vào đám cỏ dại để tưởng niệm vong linh người chiến bại.

@On the Web

©Komori Yoshihisa  & Khôi Nguyên @ HVR

Lời kết của dịch giả

Kính thưa quý độc giả,

Đến đây cũng là kỳ cuối cùng chấm dứt loạt bài SGTT của ký giả Komori Yoshihisa mà chúng tôi đã biên soạn lại với nội dung tóm tắt một số bài. Sau 20 kỳ trích dẫn từ loạt bài phóng sự Sài Gòn Thất Thủ, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều ý kiến khích lệ từ quý vị, một lần nữa xin gửi lời cảm tạ đến tất cả quý độc giả

Xuyên qua loại bài này, có lẽ điều mà chúng ta nhận thấy rõ nhất là ký giả Komori là một trong những người ngoại quốc hay đúng hơn là một ký giả ngoại quốc hiếm hoi có cái nhìn rất trung thực và thấu suốt về bản chất của cuộc chiến tranh VN mà cho đến nay vẫn còn rất nhiều người bị nhầm lẫn về biến cố lịch sử miền Nam VN sụp đổ. Từ điều quan trọng nhất là phe cộng sản với quân số hùng hậu cùng với sự yểm trợ dồi dào về vũ khí từ Liên Xô, Trung cộng đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam VN, được ông Komori đã vạch rõ bằng những chứng cớ xác thực từ chính những gì tai nghe mắt thấy, chớ không do ảnh hưởng nơi các luận điệu tuyên truyền hay sách vở, tài liệu hoặc hồi ký lịch sử. Đây mới chính là bản chất thật sự của cuộc chiến VN.

Vì vậy, dù đã được đăng tải từ năm 1998, nhưng sau 16 năm ta vẫn nhận thấy được tính cách giá trị lịch sử qua loạt bài ký sự SGTT mà ông Komori muốn gửi đến độc giả Nhật Bản, đúng như ông đã từng nhận định rằng: “Nếu không xem xét lịch sử, thì những tranh chính sử nằm trong bóng tối của sự lừa dối và tuyên truyền sẽ đi vào quên lãng một cách bất công”.

Ngoài những điều ghi nhận về các sự kiện lịch sử, ông Komori còn bày tỏ tâm tư tình cảm với những rung động thật sự đối với con người và nếp sống của miền Nam VN khiến ông vẫn còn nhớ mãi cho đến nay. Điều cảm động nhất, khi trở lại Sài Gòn sau nhiều năm xa cách, nơi ông đặt chân đến đầu tiên là nghĩa trang quân đội Biên Hòa để tưởng niệm vong linh người chiến sĩ bại trận. Cũng từ đó cho đến nay, ông không bao giờ ghé thăm Sài Gòn nữa như muốn giữ mãi hình ảnh đẹp trong tim mình.

Bên cạnh chức nghiệp của một phóng viên, một nhà bình luận, ông Komori cũng là cao thủ môn Nhu Đạo với đẳng cấp 4 tứ đẳng huyền đai khi ông còn làm việc ở Sài Gòn, đã từng huấn luyện cho các vệ sĩ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và cũng từng được mời là HLV của đội tuyển Nhu Đạo của VNCH để dự tranh các giải đấu khu vực lẫn thế giới. Nhưng với cá tính khiêm tốn và nhất là rất yêu mến nghề kỳ giả ông đã một mực từ chối.

Sau khi chuyển sang làm việc ở Hoa Kỳ, ông cũng thường xuất hiện trên các đài hình với tư cách là một nhà nhận định thời cuộc có liên quan đến tình hình chính trị tại Nhật Bản, Trung cộng và bán đảo Triều Tiên.

Sau loạt bài này, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện những đề tài khác liên quan đến quốc gia Nhật Bản để gửi đến quý độc giả.
[Khôi Nguyên]

Bài Mới Nhất
Search