T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ngày đầu tiên của Năm Mới

clip_image001

Ba vạn sáu ngàn ngày lạt lẽo

Già nua theo nắng gió phong trần

(Ngọc Phi)

 

1.

Mùa Lễ Hội đã qua. Những chùm đèn xanh đỏ đã lại được cất kỹ trong nhà kho, chờ đến sang năm. Những bận rộn, xôn xao, đã tạm lắng xuống. Tờ lịch cũ đã được cất vào ngăn kéo (một thói quen lưu giữ quá khứ), và tờ lịch mới còn thơm mùi mực thản nhiên thay chỗ. Chỉ đến khi nhìn thấy tờ lịch mới, với những ô ngày còn trắng tinh chưa bị những hàng chữ viết tay nhỏ li ti chồng lên nhau (với nội dung rất đỗi đời thường: Con đi khám răng lúc . . .giờ, Mẹ khám phụ khoa định kỳ lúc . . . giờ, Bố họp phụ huynh học sinh lúc . . . giờ, gởi check trả tiền điện, tiền nước v..v.. ) , tôi mới thực sự tin rằng một năm mới nữa đang bắt đầu. Con số là 2009. Những con số tròn trịa (về hình dáng) làm hoa cả mắt.

Kể từ hôm nay, số tuổi khá bề bộn của tôi lại được cộng thêm một con số. Lại bước gần thêm một bước đến ngày tôi hân hoan tung hê tất cả mọi thứ để chính thức làm người “về hưu” , làm người “tự do”, không bận tâm nữa những sáng thứ hai uể oải đến sở, những buổi chiều thứ sáu nôn nóng chờ người Supervisor ghé lại văn phòng miệng nở nụ cười thật tươi trao cho tấm ngân phiếu lương trong tuần. Nhưng bước gần một bước đến tuổi về hưu cũng có nghĩa là bước xa thêm một bước khoảng đời tuy chộn rộn nhưng lúc nào cũng đầy ắp những ý nghĩa. Thứ ý nghĩa khiến người ta sẵn sàng chịu đựng tất cả để đạt được. Bởi vì đó là ý nghĩa đích thực của đời sống. Như người lữ hành trên đường thiên lý cần một điểm đến cho cuộc hành trình của mình. Con đường đầy chông gai, đầy gian nan khổ ải, nhưng phải vượt qua cho được để có mặt tại điểm đến.

Đời sống thật chênh vênh. Ngày đầu tiên của năm mới gợi cho tôi một cảm giác tâm hồn mình còn chông chênh hơn cả đời sống. Năm cũ vừa qua đi, năm mới đã vội vàng thay chỗ. Và có gì khác biệt giữa tấm thân xác ở giây phút cuối cùng của năm cũ với những giây phút đầu tiên của năm mới? Phải chăng chỉ là một cảm thức bị méo mó bởi những đổi thay của năm tháng. Khoảnh khắc giao thoa giữa mới và cũ, khoảnh khắc chuyển đổi những mùa của thời tiết, khoảnh khắc một người trẻ hóa thân thành người già, khoảnh khắc một sự sống thoắt cái đã không còn là sự sống, tự thân ở những khoảnh khắc ấy đã có đủ ma lực để buộc người ta phải đứng lại, phải nhìn quanh để tự hỏi về chính sự hiện hữu của mình.

Và như thế, tôi đứng lại, tôi nhìn quanh.

Nhìn về hôm qua, nhìn về năm cũ, để chỉ thấy bao lầm lẫn, vụng về, cần phải được làm lại. Và cảm giác hối tiếc, vì tôi biết mình sẽ không có cơ hội để làm lại, không có cơ hội để sửa chữa, không có cơ hội để hàn gắn. Thời gian qua đi, sẽ không bao giờ trở lại. Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông.

Nhìn tới ngày mai, nhìn tới 365 ngày của năm mới, để chỉ thấy một khoảng không đầy bất trắc, mờ mờ mịt mịt cùng với tâm thức sợ hãi, băn khoăn. Liệu mình có đủ sức đi hết đoạn đường bất trắc, đủ khôn ngoan vượt qua bao gian nan thử thách, đủ yêu thương hầu chinh phục những ganh ghét, đủ độ lượng để không nhìn thấy lỗi lầm của người khác, đủ khiêm tốn đấm ngực ăn năn những sai sót của chính mình, và đủ kiên nhẫn chịu đựng những bất công của đời sống.

Nhìn lui, nhìn tới, tôi nhìn lại sự hiện hữu của mình. Nhìn lại những trang viết, biểu tượng cho sự hiện hữu  (của tôi).

2.

Ngày đầu tiên của năm ngoái, tôi viết lời trần tình: “Ngày đầu tiên của năm mới, tôi nhìn về phía trước, nghĩ đến 26 lần sắp tới đặt dấu chấm hết cuối cùng trên 26 trang viết của Bước Thời Gian mà chợt bâng khuâng lo lắng. Tôi sẽ viết những gì? Những điều tôi viết là để cho người đọc hay chỉ để thỏa mãn chính mình? Tuổi của tôi mỗi ngày một gìa thêm, liệu có còn đủ nhạy bén để “bắt mạch” được nhịp thở chính yếu nhất của cuộc sống đang sôi nổi và biến dạng từng giây, từng phút ngòai kia? Liệu tôi có trút bỏ được gánh nặng của quá khứ, của những công việc (có thật và tưởng tượng) còn tồn đọng từ năm ngóai, năm kia để thảnh thơi làm người ghi chép cần mẫn của hiện tại? Bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu những ưu tư. Có người bảo khi ngồi một mình trước trang giấy trắng là lúc người viết trở thành tự do nhất, anh ta sẽ mặc tình tự tung tự tác, tả xung hữu đột, lên đông xuống đòai với vũ khí là cây bút trong tay. Tôi không tin như vậy. Một người viết nghiêm túc sẽ thấy thấp thóang trên trang giấy trắng bao con mắt nghiêm khắc của độc gỉa, nhận rõ hậu quả sai hay đúng của những điều mình viết tác động lên một con người, một tập thể, và quan trọng nhất, anh ta không được quyền buông thả, dễ dãi. Nói cách khác, chính cái trách nhiệm của người cầm bút với độc gỉa của mình đã giới hạn tự do của anh ta, hay đúng hơn, buộc anh ta sử dụng quyền tự do tư tưởng của mình một cách cẩn trọng. Chữ nghĩa vốn là gia sản của bao đời cha ông truyền lại, kẻ đi sau có bổn phận gìn giữ, phát triển và làm giàu có thêm kho tàng ấy cho thế hệ nối tiếp mình. Chính vì thế sự cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm là phẩm chất không thể thiếu của một người viết nghiêm túc . . .” T.Vấn – Lời trần tình đầu năm. Cadao số đầu năm 2008).

Ngày đầu tiên của năm nay, 2009, cũng cái tâm thức “khó ở” ấy, nhưng dường như nó nặng nề hơn, ray rứt hơn. Càng ngày, thời gian ngồi trước bàn cho những trang viết thường kỳ càng dài hơn, trăn trở hơn. Tôi có cảm tưởng những bước (chân) thời gian làm cho tôi khó thở hơn. Chưa kể, có những đêm, chữ nghĩa của tôi biến đi đâu mất sạch. Loay hoay mãi mà trang giấy vẫn trắng tinh, tôi đành thở dài tắt đèn lên giường, lòng cứ tiếc rẻ mảnh đêm thinh lặng cô đơn ngoài kia. Trong những đêm như thế, tôi hay tự hỏi mình, để được gì khi tôi cứ mải mê với trò chơi cút bắt vô cùng mệt mỏi ấy?

3.

Người ta cười khi vui. Người ta khóc lúc khổ đau. Nụ cười vốn là biểu tượng của hạnh phúc, của sự may mắn. Còn tiếng khóc là biểu lộ của nỗi buồn, của sự không may. Vì thế, ngày đầu năm không ai muốn nhắc đến những điều không vui, những điều không như ý. Tuy không nhắc đến, nhưng chúng vẫn hiện hữu, vẫn gậm nhấm trái tim mong manh dễ vỡ, vẫn muốn đẩy những giọt lệ hiếm hoi ra khỏi hốc mắt, để cõi lòng nhẹ nhõm. Tôi đọc được đâu đó, có người viết rằng, cảm giác ấm áp lúc đứng trước cơn gió lạnh, rất nhiều khi không phải vì mặc trong người nhiều lớp áo dầy, mà là khi có ai đó lặng lẽ đến từ phía sau lưng khoác lên người mình tấm áo chia sẻ, dù tấm áo ấy cũng chỉ mong manh như chiếc áo mình đang khoác trên người. Hạnh phúc thay, tôi cũng đã từng được hưởng cái cảm giác ấm áp tuyệt vời ấy. Nỗi ấm áp của sự chia sẻ. Nhiều đêm, những trang thư độc giả đã cất hộ tôi cái nặng nề, khó thở của những con chữ nhức nhối. Những độc giả mà tôi chưa bao giờ biết mặt, biết tên, biết tuổi, biết phái tính. Chỉ biết một điều đó là những tâm hồn đồng điệu, những con người có cùng nỗi âu lo, cùng niềm vui nhỏ bé. Hạnh phúc hơn nữa, những chia sẻ ấy đến vào lúc mà tôi cần nhất.

Khi người ta cười là muốn chia sẻ niềm vui với chung quanh. Khi người ta khóc là muốn nhận sự cảm thông nơi người đối diện. Khi người ta viết là muốn qua những con chữ vô tri vô giác, gởi gấm bao suy tư của mình về những vấn đề mà người ta quan tâm đến với người đọc. Tôi – với tư cách người viết trang Bước Thời Gian – cũng không ở ngòai quan niệm thông thường ấy. Vì thế, tôi biết mình chỉ hiện hữu qua người đọc, hay đúng hơn, qua những trang viết.

Ngày đầu tiên của năm mới, tôi nhìn lại sự hiện hữu của mình trên trang viết nhỏ này như một ân sủng. Nước mắt hay Nụ cười, Khổ đau hay Hạnh phúc, xét cho cùng, chỉ làm cho một con người trở nên người hơn, làm cho một sự hiện hữu “có thật” hơn, làm cho những con chữ đến gần hơn với đời sống và làm cho người viết những con chữ ấy đặt được hai chân vững chãi trong đời sống.

Như thế chẳng phải là một ân sủng hiếm hoi đó sao?

4.

Vì thế, tôi vô cùng trân trọng những con chữ đã ban cho tôi một sự hiện hữu. Một sự hiện hữu vượt lên trên bao mầm mống hủy diệt của đời thường. Một sự hiện hữu có thể vẫn còn hiện hữu kể cả khi người viết ra những con chữ ấy đã biến mất khỏi mặt đất trần gian. Như thế, ai dám bảo chữ nghĩa là những sản phẩm phù phiếm của một nhân loại chỉ biết đến ăn sổi ở thì?

Như năm ngoái, ngày đầu tiên của năm tôi nhìn về trước mặt với tâm trạng “băn khoăn của anh kép hát gìa vẫn chưa dứt được nỗi đam mê ánh đèn sân khấu, dù biết mình sắp về chiều “, năm nay, tôi đủ già hơn để khẳng định đó là cái nghiệp của mình. Trong quá khứ đầy ắp những biến cố của đời mình, tôi đã từng có phen vịn cầy để đứng dậy, cũng đã từng có phen vịn chữ để đứng dậy. Ngày nay, cái cầy (và con trâu sứt mũi) chỉ còn hiện hữu như kỷ niệm một khoảng đời tù tội, nhưng chữ nghĩa vẫn ở bên tôi vào những khoảnh khắc cô đơn nhất. Như người bạn đồng hành, cả trong đời sống thật lẫn ảo.

Ngày đầu tiên của năm mới, tôi ngồi trước bàn viết, nhắm mắt nhớ lại những con chữ trang trải trong suốt một năm qua, hình dung ra những con chữ sẽ trang trải trong một năm sắp tới mà cảm thấy mình hạnh phúc biết bao.

Như vậy, tôi vẫn còn lý do để hiện hữu. Không phải chỉ như một thân xác (già nua), mà còn với một tâm hồn tràn trề tình yêu cho đời sống.

Xin cám ơn những con người đã cho tôi cơ hội chứng minh sự hiện hữu của chính mình.

T.Vấn

01-01-2009

 

©T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search