T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hồ Đình Nghiêm: Quá mạng

hut_thuoc_la

(Nguồn: Sangtao.org)

Bạn tôi không bỏ thuốc lá, một người tình chung. Bạn kiếm đâu ra câu nói mang tính nguỵ biện: Smoking kills, but if you don’t smoke, doesn’t mean you’ll never die! Bạn hút, chẳng nhiều và tự biết điều giản dị là sẽ chóng giũ áo phủi chân đi gặp tiền nhân. Đó là cách thu ngắn cuộc lữ rượi buồn này, sớm dẫm lên lằn mức cuối một phận người.

Bạn đọc văn của Hoàng Hải Thuỷ, gặp phải một ảnh hình, mà theo bạn là thơ mộng “tuyệt cú mèo”: Xe chạy ngang một cánh đồng có trồng dựng tấm bảng với lời chú thích: “Keep quiet. The Tobacco is sleeping!”. Chạy suốt, xuyên thâu bạt ngàn xanh màu phồn thịnh để cuối cùng đụng phải “Keep crying. The Tobacco is dead!”
Bạn hút ít đi bởi vì ngày nay người ta đồng thanh tuyên chiến, khai tử thuốc lá. Cô em bạn, một hoạ sĩ ở Sài gòn, chia sẻ cảm xúc: Khi vẽ xong, em buông cọ xuống, lau tay vào tấm giẻ bẩn, lùi xa tấm tranh còn ướt màu sơn dầu, chẳng có gì sánh được khoảng hạnh phúc đó khi em đốt thắp một điếu thuốc, nheo mắt ngó với khói xanh, một vẻ đẹp lung linh huyền ảo chợt hiện. Thuốc lá, hiểu theo một nghĩa hạn hẹp nhất, nó vốn cần thiết cho những kẻ sáng tạo… Khóc đi em, thuốc lá đã chết!

Cái chết, nói về nó khó mà ngắn gọn được. Không cứ là anh nhắm mắt xuôi tay tim thôi đập thì chúng sinh sẽ làm giấy khai tử cho anh. Bên anh, giữa đời sống tha phương này đã có lắm kẻ tự bản thân họ ra thông báo: Tôi đã chết! Họ sống mà thiếu nhân cách thì khác gì họ trở chứng để đoạn lìa bè bạn? Họ vượt biển vì không muốn sống chung với lũ, họ chống cộng hăng say và một hôm “đẹp trời” họ làm lá rụng về cội, du lịch quê hương gấm vóc xếp hàng cả ngày vào thăm lăng Bác. Họ thoá mạ chủ nghĩa bất nhân và một ngày “trời yên biển lặng” nước chảy về nguồn họ chiêu hồi để hạ mình xin cho được tấm thẻ chứng minh nhân dân, vô tư sống đời lão hoá và mong mồ yên mả đẹp nơi sẵn chôn ông bà ông vãi họ.

Những thứ tin tức “đồng minh tháo chạy” kèm theo hình ảnh nọ bạn cóp nhặt được trên những trang báo mạng. Ôi chao! Tại sao lại báo mạng? Ồ, xin chỉnh sửa rằng đó là mấy trang báo điện tử truy cập vào internet. Mạng là màn lưới mạng nhện, hay mạng là định phận riêng biệt mỗi cá nhân? Có ổn không khi nói: Khu phố nọ có khoảng 200 mạng người cư ngụ. Nói thế này e dễ nghe hơn: Kết thúc trận giao tranh bên ta hoàn toàn vô sự, bên địch từ chết tới bị thương có khoảng 20 mạng. Sá gì danh lợi bọt bèo, mà đi thí mạng leo trèo cuộc chơi!

Một ví dụ khác: Xe bị đứt thắng khi đổ đèo, đâm trực diện vào vách đá, bốn người ngồi trên xe thảy qua đời, riêng lão tài xế chỉ bị trầy trụa chút đỉnh. Người đi đường chứng kiến tai nạn thảm sầu buột miệng than: Mạng thằng ấy lớn nhỉ? Mình ên vẫn sống nhăn! Theo em cho tới kỳ cùng, anh mang mạng sống ra dùng đổi trao. Ôi chao! Một mạng người. Nó cực to tát hay thậm nhỏ bé?

Một ông bố thương con gái mình non dại, đem cổ thi tận bên nước lạ ra khuyên bảo hũ mắm treo đầu giàn: Nhiên tử sự cực tiểu, thất tiết sự cực đại. Cái chết chả ra làm sao cả, nhỏ nhít. Mất trinh, con ôi, tổn thất ấy lớn vô vàn! Cô con gái tuổi 16 mắt lá răm nheo lại, mày lá liễu nhíu nhăn. Bố nói sao khó nghe, lạc hậu như người ngoài hành tinh. Chớ có đấm ngực dậm cẳng than van đồ bất hiếu. Tụi bạn con chục đứa hết 12 đều sống chung kiểu vợ chồng mặt mày tươi rói phổng phao trong khi bố mẹ chúng nó chết thì khóc than y như sét đánh ngang tai đang sống chuyển sang từ trần. Buồn vô hậu!

Lục bát của Nguyễn Đức Sơn in ở Tân Văn số 11 tháng 3 năm 1969, bài Cánh hường hoang:

Cho ta ngủ giấc mộng dài
Một đêm thành kính dưới đài hoa em
Nương tay gỡ nhẹ ra xem
Trong cơn đau đớn ta thèm chết ngay.

Chết, rõ là chuyện nhỏ, chẳng mấy khi làm bận lòng thi sĩ. Nghệ sĩ nói chung, họ sẵn lòng chết khi đi khám phá một vẻ đẹp tiềm ẩn, khuất lấp mà người đời chẳng thể nào phát hiện. Nhà văn Gabriel Garcia Marquez viết: The only regret I will have in dying is if it is not for Love. Tạm hiểu: Tôi chỉ có duy một niềm hối tiếc là nếu khi chết tôi chẳng được chết cho Tình Yêu.
Tình yêu, muôn đời là vẻ đẹp trường cửu của loài người. Hãy ca tụng nó, nếu có thể, khi trái tim còn rung động , còn hấp hối chưa tắt nghỉn.

Thời gian gần đây, chúng ta đón nhận quá nhiều tin tức màu xám về những người lặng lẽ từ bỏ cuộc chơi. “Nhiên tử sanh bần thần, thất tiết sanh hoan lạc (hoặc loạn lạc)”. Cạo sửa câu nói cổ xưa ấy vì chứng cớ quá hiển nhiên. Có ai vui trước một cuộc lìa xa vĩnh viễn? Và đại gia, chẳng phải là họ luôn vung tiền ức triệu để lùng sục gái còn trinh, đoạt cái ngàn vàng nhằm giải hạn? Chuyện vui sau đây mang tới cho ta nhiều bợn lòng: Một đại gia mời một tu sĩ đi đánh gôn. Cú đánh đầu tiên không đúng mục tiêu. Đại gia la lên: Trời ơi, hụt! Vị tu sĩ liền nói: Chớ nên kêu trời như vậy, sẽ khiến Thiên lôi nổi giận. Đến phát thứ hai hụt, đại gia lại kêu lên: Trời ơi, hụt! Vị tu sĩ can gián lần nữa: Này, cứ quen miệng thế coi chừng bị sét đánh đấy. Phát thứ ba cũng hụt: Trời ơi, hụt! Đột nhiên có tiếng nổ rất to, mọi người quay lại thì thấy vị tu sĩ bị sét đánh cháy đen. Bỗng trên trời có tiếng nói rất to vọng xuống: Trời ơi, hụt!

Theo cách mần ăn sơ suất gà mờ của Mít-tơ Thiên Lôi, ta nghiệm ra đã có lắm kẻ hiền lương không đáng chết lại phải hứng chịu búa rìu hàm oan để hồn về chín suối. Chuyện đó ngẫm cũng bình thường, trong tiểu thuyết đầy rẫy bao nghịch cảnh mà nhà văn cố tình bày biện éo le khi dựng chuyện. Họ khai tử những nhân vật đang yêu đời ngồn ngộn sức sống hồn nhiên khiến người đọc cảm xúc dạ phân vân về sự ngắn ngủi của kiếp người. Họ cho những thằng cường hào ác bá sống lâu để gieo vào lòng độc giả sự căm giận, khi tới đỉnh điểm do cái ác tạo ra, tác giả mới tạo dựng một vụ tai nạn thảm khốc nhằm xoá sổ thằng đại gian giết người không gớm tay kia. Nhà văn xoa tay và người đọc xuýt xoa tấm tắc câu chuyện lâm li với lối dẫn dắt có hậu. Phim ảnh cũng thế, bao giờ cũng kết thúc bằng “phe mình” giết sạch “phe địch”. Thở phào, vỗ tay. Màn nhung khép đóng, đèn bật sáng và những xuất chiếu thường cháy vé. Lại trích lời của Marquez: A person doesn’t die when he should but when he can. Người ta không chết khi nên chết mà chết khi người ta có thể.

Rồi một ngày ảm đạm bạn tôi được xe hụ còi đưa vào nằm viện. Nhà thương trung ương xây trên đồi cao, kiên cố và cổ kính tựa một lâu đài ở thế kỷ 18. Gió luôn lai vãng làm những nụ hoa dại nghiêng ngả bên triền cỏ cắt tuỳ tiện như đầu tóc của một bệnh nhân bị xạ trị. Tôi đến nhà bạn vì vợ con bạn hứa sẽ dẫn dắt tôi cho khỏi lạc khi vào chốn mê hồn trận. Vợ bạn thay đổi xiêm y, con bạn thoa một lớp son môi cho khỏi bạc nhược trong khi tôi ra đứng ngoài vườn xác xơ màu cỏ úa để đốt thắp một điếu thuốc. Đó là bao thuốc lá bạn hút chưa kịp hết để trên bàn viết. Khi buồn tay nhặt nó lên, tôi đọc phải hàng chữ bạn dịch từ Pháp ngữ ra tiếng Việt câu văn của Gilbert Becaud: Tới lúc mà tôi sẽ lên đường làm cuộc viễn du, xa đến cuối trời thì van bạn chớ sầu khóc. Hãy nhấp môi vào cốc và bạn uống cạn giúp tôi, mừng tôi vừa tới cõi vĩnh hằng.

Tại sao lại uống rượu? Tôi sẽ hút hết bao thuốc thừa mứa dở dang của bạn vất lại. Được không? Keep Crying. The Tobacco is dead! Khói loãng tan, lòng tôi trống như căn nhà nhỏ đựng phế liệu đặt ở góc vườn. Có con chim lạ đậu trên mái, tiếng hót buồn tựa lời tụng niệm giữa chiều quạnh hiu.

Hồ Đình Nghiêm

Bài Mới Nhất
Search