T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Miền Không Dấu Chân Người

(Nguyễn Lệ Uyên: CHÂN DUNG TỰ VẼ)

clip_image002

Chân Dung Tự Vẽ là tập truyện của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên gồm 18 truyện ngắn được sáng tác ở thời điểm trước và sau dấu mốc 30 tháng 4 năm 1975. Tác phẩm đã được Thư Quán Bản Thảo xuất bản năm 2010 và Tủ sách Kệ Sách EBook ấn hành dưới dạng điện tử năm 2012.

TV&BH sẽ lần lượt giới thiệu 18 truyện ngắn này của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên trong chuyên mục: Nguyễn Lệ Uyên: Chân Dung Tự Vẽ.

Xin cám ơn nhà văn Nguyễn Lệ Uyên đã nhiệt tình cộng tác và trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả của TV&BH.

TV&BH

2014

Miền Không Dấu Chân Người

Le champ couvert de morts sur qui tombait la nuit.
Il lui sembla dans l’ombre entendre un faible bruit.

(Victor Hugo, Après la bataille)

Chuyến xe cuối ngày xuống khách ở ngả ba đường dẫn vào thị trấn. Lẫn trong đám người nhớn nhác là người đàn ông gày gò, vai lệch, hai hốc mắt trũng sâu, ngơ ngác đưa mắt đảo một vòng rồi khoát chiếc túi xách lên vai, lầm lũi bước trên con đường đất đỏ dưới cơn mưa lất phất.

Đứng trên đầu dốc, người đàn ông nhìn sững màn khói lạnh đùn lên thành dãi trắng đục lềnh quấn quanh chóp núi cao, những ngọn đồi lô nhô dưới xa kia và sự di động chậm chạp của những bóng người li ti bên những đường ranh đất đỏ giữa các vườn cà phê. Trong thị trấn, các hàng quán bắt đầu kéo hẹp cửa, sáng ánh đèn từ bên trong và mái hiên dội xuống, lẫn trong bóng chiều ngập sương.

Phía bên kia đường, người phụ nữ đi ngược chiều, mang chiếc gùi có mấy cọng bạc hà xanh mướt nhô lên. Cả thân hình chị chúc xuống như sắp ngã chúi về phía trước, trên con dốc nhoè đỏ giữa màu sáng lửng nhập nhoạng cuối ngày.

Người đàn ông dõi mắt nhìn một lúc, rồi tiếp tục bước dưới bụi mưa bay bay. Bóng tối xuống mỗi lúc một đậm hơn.

Người đàn ông bước ngập ngừng qua mấy dãy phố nhỏ rồi ngóng về phía ngọn núi trước mặt bắt đầu nhoè sẫm. Ông không nhớ mình đã bám xe đò lên miền đất này bao nhiêu lần để nhìn nó, rờ chạm vào nó như đang trở về với người thân, như tìm kiếm vật báu đã rớt lại chốn này. Ông đã bao lần háo hức bước ngược lên dốc núi dựng đứng, rồi thả rơi về chốn cũ với vẻ mặt đầy thất vọng đau khổ.

Lần này, ông cũng bắt đầu bằng nỗi háo hức mới nguyên khi cắm đũa vào tô mì đang bốc khói nghi ngút, trong ngôi quán dựng bằng những tấm cót mò o. Những sợi mì vàng quấn quanh đôi đũa không ấm lên bóng núi nhoè vào bóng đêm. Một chút khí lạnh trườn tới quanh tô mì tưởng có thể thò tay nắm lên được.

Đang lúc ăn, khách không nhận biết người chủ quán bước ra, đứng sau lưng. Ông ta cao to. Râu quai nón và râu mép xồm xoàm làm cho khuôn mặt càng thêm u tối. Chủ quán quan sát khách một lúc rồi bước tới, ngồi xuống phía đối diện, bộ dạng dò xét, vừa lôi từ túi áo gói thuốc, bật quẹt rít một hơi thật dài, phun khói mù mịt. Đợi khách ăn hết tô mì, ông hỏi: “Ông đi đâu giờ này còn ngồi đây?”. “Lên đỉnh núi 635, ngọn núi Tử Thần”. “635 là núi nào?”. “Ngọn núi cao nhất ở trước mặt kìa”. Người đàn ông bật cười ha hả, những cọng râu cũng bật rung theo: “Núi Chư Đ’rắk. Đó là Chư Đ’rắk. Mà ông lên đó làm gì?”. “Tìm một người”. Chủ quán ngạc nhiên vừa liếc nhìn vào chiếc tô trống trơn trên mặt bàn gỗ. Ông ta lắc đầu, rít mạnh hơi thuốc rồi quăng tàn vào vách. Mẫu thuốc thừa bị chạm mạnh lên vách ván văng ra những đốm đỏ li ti và tắt ngấm mau chóng. “ Lên núi tìm người. Lạ thật. Có ai trên đó để tìm? Nhưng trời tối rồi, sao đi kịp? Ở xứ này không có quán trọ. Mà cũng thiệt lạ, ngọn núi kia cất giấu những thứ của quí gì nhỉ? Tôi nghe nói có một người đàn ông cứ thỉnh thoảng lại lên thị trấn nhỏ này rồi mò vào núi tìm kiếm cái gì đó. Chợt đến chợt đi như con sói mẹ đi tìm đứa con đã bị đánh cắp”. Khách dừng đũa ngó vào mặt chủ quán định nói gì đó nhưng rồi lại tiếp tục cúi xuống tô mì chỉ còn chút nước lợn cợn dưới đáy. “Anh không biết đấy thôi – chủ quán đổi cách xưng hô- Ngày xưa, trên ngọn núi này là nỗi kinh hoàng của quân hai bên. Tất cả đều bị san bằng, không một ai sống sót, thành một nấm mồ tập thể. Kinh khủng. Chiến tranh thật kinh khủng”. Nói và chủ quán thẫn thờ nhìn những vạt sáng tối nhảy nhót ngoài hiên, thò tay vào túi áo định rút điếu thuốc khác châm lửa, nhưng nghĩ sao rụt tay lại, nhìn vào mặt ông khách. “Anh có ai quen ở thị trấn này không?”. “Không”. Ngẫm nghĩ một hồi: “Nhà chỉ mỗi một chiếc giường. Hay tôi lấy tấm bạt anh nằm tạm trên nền vậy. Tôi vào rừng khuya mới về”.

Trong khi nói, bộ râu trên mép và chòm râu dưới cằm luôn khua động, có vẻ như lời nhắc chừng người khách lạ, cho đến khi đôi môi khép lại thì hình như sự bình yên như mái hiên nhà được kéo dài thêm ra một chút cho khách.

Cái lạnh và mệt mỏi đường xa khiến người đàn ông cong rút trong tấm bạt quấn kín lại như con sâu kèn. Mưa gõ lào xào trên mái tôn. Tiếng gió chạm, tiếng chim đêm kêu thảng thốt ngoài cánh rừng, nghe thật gần; có cả những tiếng lộc cộc đều đều như có người cầm búa gỗ gõ lên thân cây mục. Những âm thanh và gió ngái lạnh kéo sụp hai mắt người khách lạ bằng tiếng thở nặng, gãy khúc.

Giấc ngủ chập chờn đu đưa qua lại trên mẫu xương cá nhọn vây quanh ngọn đồi. Những tiếng lộc cộc vỡ toác ra, rít lên the thé, vỡ toang tiếng nổ bên giao thông hào. Đất đá khạc ra màu đỏ của lửa rực và máu, còn bên trên, tít trên cao kia là chiếc chổi của mụ phù thuỷ xịt từng cột khói đen ngùn ngụt, lúc cao lúc thấp cùng với những tiếng nổ đến trời long đất lở.

Cả đại đội của anh chẳng khác gì bầy gà con bị ném vào vũng cỏ rối. Bên dưới kia, trong các khe lũng, dòng suối, đối phương trùng trùng lớp lớp ào lên như thể những đợt sóng thần dựng đứng và bổ ầm xuống. Hết đêm lại ngày. Từ ngày này qua ngày khác. Cái chảo lửa khổng lồ ấy hừng hực thiêu đốt cả trăm sinh mạng, đẩy ngược từ phía lưng núi gãy lên tới đỉnh bằng kèm theo những tiếng nổ xé nát núi rừng. Cả đại đội chỉ còn mươi người không lành lặn, co cụm về phía các hốc đá như những mộ huyệt định mệnh, không còn đủ sức chống đỡ đối phương băng lên. Trên cao kia là những chiếc chổi lem luốc và những con mụ phù thuỷ lem luốc dữ dằn không ngớt khạc nhổ những bãi nước bọt trắng xanh, tanh lợm xuống đỉnh đồi.

Cứ điểm 635 trở thành vũng bùn nhão nhoét. Thân thể anh bị hất tung ra khỏi hốc đá. Khẩu súng trên tay hình như biến thành con cá núi lặn tít xuống vực suối sâu. Sau đó, thân thể mọc ra đôi cánh, từ từ bay lên chóp trời mây trắng và tan loãng thành những hột nước mưa ngập ngừng rơi không đến mặt đất.

Anh nghe miệng mình khô khốc và đắng nghét. Toàn thân như thỏi sắt nung. Chung quanh yên tĩnh đến rợn người. Ngày hay đêm sau đôi mắt khép cứng? Hình như có ai đó bỡn cợt dùng cây lẹm khâu kín hai mí mắt bằng sợi thép gai? Và anh đang ở đâu?

Mắt không mở. Cả người cứ lạo rạo như những hạt sỏi nhỏ, dần súc trong chai. Đôi chân thành hai tảng đá. Hình như cả tay cũng hoá đá? Đầu cứ lụp bụp lói nhói những hột bắp bị ghè lăn trong đường rãnh cối xay đến nát ngứu.

Ngày và đêm không còn xù xì hình dạng. Mọi tiếng động trước đây đều im bặt. Im lặng đến có thể kéo nhổm cả cánh rừng bạt ngàn bay qua miền đất không có tên tuổi..

Lại lịm đi. Lại tỉnh dậy. Có tiếng rên yếu ớt đâu đây. Tiếng từ lồng ngực vỡ của mình thoát ra hay tiếng xương gãy khua chạm vào nhau? Mắt vẫn bị xâu kín. Tay chân không thể động cựa. Một sinh vật nhỏ bé áp vào thân thể anh âm ấm, thì thào “nưưư…ươ…”. Tiếng kêu mỏng manh như sương như khói, đứt quãng như một mảng mây mỏng bị trận cuồng phong kéo lên dập xuống đến tả tơi.

Thời gian trôi qua không biết bao lâu, nhưng giờ thì anh nhận ra, quanh quất đâu đây là mùi khói đạn, mùi nhựa cây, đá bị thiêu cháy trộn lẫn với mùi máu khô nồng nặc. Đầu óc anh nhận biết được rằng cả ngọn núi này đã thành tro bụi. Mọi sinh vật đều bị nghiền nát. Tiếng thì thào lại nổi lên. Anh cố sức quay về phía phát ra giọng nói yếu ớt, cố hết sức mở hai mí mắt một cách khó khăn và đau đớn. Theo bản năng, anh lần bàn tay vào thắt lưng và nhận ra chiếc bình đông nước còn đeo dính bên hông. Đất đá phủ kín người. Phải khó khăn lắm mới cong được tay gạt lớp đất đá, lần vào thắt lưng, chỗ có chiếc bình đông nhướng mắt về phía vừa phát ra những âm thanh méo mó khi nãy. Nhưng anh không còn cảm giác gì nữa, rồi lả đi, chìm trong cơn sốt chói loà màu đỏ lẫn với màu vàng cam nhảy nhót, quay cuồng. Bất thần một trái bom (hay một tảng đá) dội thẳng vào người anh, nát ngứu… Anh cảm thấy mình nhẹ tênh như một chiếc lông con thiên nga tự trời cao chao lượn mãi mãi trong khoảng không bềnh bồng mây trắng, mênh mông…

“Hình như anh đang lên cơn sốt. Anh đang kêu khản giọng câu gì đó không thành tiếng. Người nóng quá. Anh bị sốt rồi”, chủ quán nói với khách vừa lay lay một bên vai. Khách mở choàng mắt, chống tay ngồi dậy, lắp bắp: “Lại những giấc mơ hãi hùng”. Cặp mắt không còn thần sắc ngó dáo dác ra bên ngoài, trong khi chủ quán chạy vội vào trong. Lát sau trở ra trên tay cầm chiếc khăn vải bọc những thỏi đá nhỏ. Chủ quán chà xát lên mặt lên cổ khách như thể một người thân lâu ngày, quá lâu ngày, trở về. Trời vẫn còn tối đen. Gió sột soạt luồn vào vách ván lạnh ngắt. Khách có vẻ dịu lại đôi chút. Chủ quán: “Để tôi pha cho anh ly cà phê”.

Bây giờ thì người khách lạ đã tỉnh táo chút đỉnh. Anh ta ngồi dậy, cuộn tấm bạt, chăn gối đặt ngay ngắn lên ghế. Hai ly cà phê bốc khói trên mặt bàn gỗ ghép bằng những mẫu ván bìa. Chủ quán lại rút thuốc châm lửa như một thói quen không thể dừng. “Hồi nãy anh kêu hãi hùng…?”. “Tôi luôn bị những giấc mơ kinh hoàng xuất hiện trong giấc ngủ từ hơn ba mươi năm nay. Nó lì lợm như một gã ăn xin truyền kiếp”. “Giấc mơ? Có những giấc mơ đẹp và những giấc mơ làm con người chết khiếp. Mà sao anh toàn mơ thấy những điều kinh hãi…?”. Khách rụt chân lại, đầu gối chạm lên mép bàn kêu thành tiếng. Suy nghĩ một lúc, khách lên tiếng: “Cái người đàn ông mà ông nghe nói đó là tôi. Chính là tôi”. “Anh đi tìm gì?”. “Ngọn núi Chư Đ’rắk đó là nơi tôi bị ném xuống như người ta ném một viên sỏi cách đây hơn ba mươi năm. Sau khi tốt nghiệp trường Luật, tôi bị động viên, rồi trực thăng thả chúng tôi lên đỉnh núi tử thần này. Đó là một ngọn núi chiến lược. Bên nào chiếm giữ được nó coi như khống chế toàn bộ cả vùng rừng núi bao la trải dọc mạn tây-bắc thành phố, và hơn hết nó là cái nút chai bịt kín, ngăn không cho đối phương tràn xuống đồng bằng ven biển. Nó là cái yết hầu. Được là có tất cả. Mất là mất tất cả. Hai bên quần nhau từ ngày này sang tháng khác. Thương vong là chuyện cơm bữa. Chúng tôi có phi pháo yểm trợ tối đa, còn đối phương thì có núi rừng điệp trùng, có những gộp đá che chắn cùng với sự liều lĩnh…Bất phân thắng bại bởi đồ tiếp tế (súng đạn, nước uống, lương thực…) từ trên cao thả xuống đỉnh núi chỉ đến được tay chúng tôi phân nửa. Phần còn lại là cánh quân lẫn trong màu lá rừng. Cả hai đều được tiếp tế đầy đủ nên tha hồ quần thảo nhau như thuở nhỏ chơi trò cút bắt. Tới một đêm mưa lắc cắc, cái lạnh của khí đá tràn về cũng là lúc họ dồn tất cả mọi hoả lực tấn công lên vành đai phòng thủ. Hình như họ từ dưới lòng đất chui lên, từ các cành cây hay trời cao bay xuống. Vành đai phòng thủ phía đông-nam bị vỡ, rồi tiếp tới mạn sườn phía bắc. Vậy là bao nhiêu bom đạn từ các chiến đấu cơ điên cuồng đổ xuống như vãi cát. Một ngày u ám, một ngày rung lên và bắt đầu cuộc giết chóc man rợ nhất: xoá sổ cả đại đội để xoá sổ luôn quân địch. Các đại đội trưởng, đại đội phó đều tử thương, trung đội đều tử thương. Tôi là chuẩn uý mới ra trường nắm quyền chỉ huy 14 người lính sống sót, mình mẩy đầy thương tích. Chúng tôi không đủ hơi sức chống đỡ hoả lực từ bên dưới bắn lên, từ trời cao dội xuống. Ngày tàn của kiếp người đã hiện rõ, thật rõ theo những chùm bom lấp loá trong ánh sáng hoả châu. Và không hiểu sao, tất cả 14 con người sắp về với cát bụi kia cùng một lúc hướng mũi súng lên trời cao bắn như điên như cuồng vào cõi trống không, như thể thoả mãn chút tủi nhục cay rát đang tòe ra. Bởi kẻ thù của chúng tôi lúc ấy, chính là những chiếc chổi nhớp nhúa trên cao kia chứ không phải quân đối phương đang tiến lên, cũng không phải chủ nghĩa, ý thức… này nọ. Sự sống và cái chết như một cành cây giữa giông bão. Mà bản năng con người luôn giành lấy sự sống trong tình cảnh khắc nghiệt trước mặt. Và rồi điều tệ hại nhất đã đến: hàng loạt bom tấn cuối cùng cũng dội cả lên đầu chúng tôi, lên tất cả những ai còn thở trên đỉnh núi. Những người lính của tôi, người ngã vật ra máu phun thành vòi, người bị nhấc bổng lên cao rồi rơi xuống như thể người ta cầm con cóc ném lên cao. Phần tôi chỉ kịp nghe một tiếng nổ long trời lở đất và một cột lửa bốc cao để thấy mình đang bay vào cõi chết tức tưởi, ô nhục nhất của tuổi trẻ”.

Chủ quán nhìn người khách lòng trĩu nặng, ái ngại. Chiếc bật lửa và điếu thuốc cầm sẵn trên tay, nhưng lửa không đốt lên, khói không bay ra. “Ơn trời phật, anh đã thoát chết, như…ưưng…”. Chủ quán ngập ngừng, bỏ lửng câu cuối. Khách nhìn chủ quán, hàm ơn sự cảm thông, chia sẻ. “ Tôi không biết tại sao mình sống sót trong cái chảo lửa khổng lồ kia. Khi mở được mắt, cử động được chân tay việc đầu tiên là vẹt những lớp đất đá phủ kín người nằm bên cạnh. Không phải là người lính mà một cô gái. Túi cứu thương vắt ngang ngực cô ta có hình chữ thập đỏ ướt đẫm máu. Quần áo cô ta rách toạc, mặt mũi đen nhẻm như anh lính cứu hoả vừa từ đám cháy dữ dội phóng ra. Tôi rút chiếc bình đông, nhỏ từng giọt nước nhỏ vào miệng, dùng vạt áo rách lau mặt mũi…rồi tìm vết thương trên người: bàn chân bị dập gãy, bên hông sượt một vết sâu. Những vết thương trên người cô gái không rõ có phải do mảnh bom đạn hay là những vết cắt, dần của những mảnh đá vỡ xán vào. Máu me đầm đìa. Tôi nắn đến đâu cô ta cong người lại đau đớn tột cùng. Tôi mở túi cứu thương thấy có cả dao kéo và thuốc nhưng chẳng biết phải làm gì với chúng. Tôi dùng băng cá nhân từ chính chiếc túi xách trên người cô băng bó các vết thương, nhưng máu cứ chảy ra như những mạch nước trong các khe đá. Tôi chỉ làm được có vậy. Chung quanh không còn ai, không có gì để có thể cứu cô gái tỉnh lại và bớt đau đớn. Những người lính nằm vắt ngang trên những phiến đã vỡ, thân thể bẹp nát như vừa lấy ra từ cối xay bột! Tôi bất lực, đầu óc mụ mị đông cứng trước cảnh tượng đó. Lâu sau cô ta ú ớ giống tiếng nứt vỏ của hạt cây nào đó từ lòng đất. Tôi nâng đầu cô lên, ghé vào tai nói bằng chút sinh khí yếu ớt: Cô can đảm lên. Sẽ có người đến cứu. Cô ta mở mắt nhìn tôi và kinh hãi đến tột độ qua ánh mắt tôi nhìn thấy, thì thào: “Còn chờ…ba…án” . Tôi siết thật chặt bàn tay nhỏ nhắn của cô gái cứu thương giọng phấn khích: “Chúng ta đều là những nạn nhân khốn khổ…”. Không rõ cô có nghe được câu tôi nói không. Tôi chắc là không bỡi cô lịm đi, hơi thở thoi thóp. Trời bắt đầu mưa lắc cắc, gió lạnh lùa về mang theo bóng đêm ghê rợn. Với chút hơi sức còn sót lại, tôi mở chiếc áo chống đạn đắp lên người cô, kéo những cành cây gãy phủ lên che mưa, chắn gió. Nửa đêm gió lạnh dữ. Cô gái kêu khát. Tôi mở nắp bình đông với niềm hy vọng sẽ có người đến, dù bên này hay bên kia để cứu cô. Vì trong giờ phút ấy, tôi nghĩ bên nào tìm thấy chúng tôi, ranh giới thù hận sẽ không còn ai nghĩ tới. Hai sinh linh thoi thóp kia cần phải được sống bỡi họ còn tuổi trẻ, họ còn ngày mai.

Bả vai trái của tôi bắt đầu đau nhức ghê gớm. Tôi có cảm giác như chiếc áo trận nơi bả vai cứ phồng lên từng giây từng phút. Cô gái bắt đầu mê sảng, sốt hầm hập. Bằng hơi thở yếu, giọng đứt khúc cô nói: “…cái ví trong túi áo. Nhà tôi ở phố…. Tấm ảnh gia ….”. Phải khó khăn lắm tôi mới nghe tiếng được tiếng mất. Tôi kề sát vào tai nói không sao cả, cô sẽ được cứu, cô sẽ được trở về với gia đình, chúng ta sẽ được cứu sống. Đồng đội của cô sẽ đến ngay. Một lúc sau giọng cô bất thần vụt sáng chói như chiếc bấc đèn giữa đêm gió lạnh cắt da: “Bên trường Y, tôi còn…” Tôi kề tai sát môi cô gái nhưng không nghe được gì nữa. Cô cong người lên, tay bấu chặt vào người tôi. Tôi vội vàng ôm người cô nhưng thân hình mỏng manh đầy máu me kia nguội dần, lạnh dần sau tiếng nấc nghẹn.

Đêm tối đen. Gió vi vút thổi qua ngọn đồi tan nát. Đất đá rơi xuống. Tôi không biết cả hai đang nằm ở đâu, trên đỉnh, lưng chừng núi hay đáy vực. Tôi ôm xác cô và khóc. Tôi khóc vì sự bất lực của mình. Tôi khóc vì sự tàn nhẫn của chiến tranh, phi lý của một kiếp người, lòng hờn oán…Tôi khóc cho tuổi trẻ chúng tôi và rồi lịm đi…

“Chiến tranh thì ở đâu và lúc nào cũng vậy…, chủ quán thở dài với giọng buồn bã, trước tôi cũng ở binh đoàn Hương Giang, cũng từng chứng kiến cảnh vật vã của thương binh miền Nam, của đồng đội chúng tôi sau những trận đánh. Tôi cũng nhìn tận mắt cái chết của họ trên tay, tôi đã nhìn thấy nụ cười của họ khi nhìn tôi trong giây phút cuối cùng. Nhưng khốn thay những nụ cười ấy không làm cho chiến tranh ngưng lại cho tới khi…”. Khách ngạc nhiên nhìn chủ quán với cái nhìn đồng cảm. “Tôi định bụng khi tỉnh dậy sẽ dùng chút sức thừa còn sót, đào cho cô ta và các chiến hữu của tôi một mộ huyệt, sẽ xếp những viên đá bị bom dội nát kia thành một nấm mồ tuyệt đẹp cho họ, nếu có thể. Nhưng điều đó đã không đến, không bao giờ đến được; cũng như từ khi tôi nhìn thấy đồng đội tôi ngã xuống…đến lúc cô tắt thở… Tôi luôn cầu khấn cho cô qua được cơn đau đớn khủng khiếp, cô sẽ sống và trở về với gia đình, với những người thân yêu. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Lòng thành của tôi không thấu trời cao…”. “Rồi phép màu nào anh được cứu sống?”, chủ quán hỏi.

Khách xoay ly cà phê nguội ngắt trong lòng tay. “Đó là một bi kịch của đời tôi. Thay vì chết tôi đã sống. Thay vì sống để tự tay chôn cất cô gái xấu số kia thì tôi lại mất tất cả: Tỉnh dậy tôi thấy mình được nằm trên chiếc giường trắng tinh, người được băng bó như đang khoác tấm áo choàng lông trắng, sợi dây dài lòng thòng chuyền sự sống vào người tôi… Nước mắt tôi ứa ra. Lúc này tôi tỉnh táo hoàn toàn dù khắp người vẫn đau đớn. Những gì hiện ra đầu tiên trong đầu óc tôi lúc đó không phải là cha mẹ, anh chị… mà là cô gái máu me đầm đìa là những đồng đội không toàn thây. Những người bạn của tôi và cô gái không đáng phải nhận lãnh cái chết như thế. Và điều tệ hại nhất khi tôi xuất viện (trên một chiếc tàu ngoài khơi) tất cả quần áo, vật dụng cá nhân đã biến mất. Chiếc ví cô gửi gắm cũng biến mất. Trong đầu tôi chỉ còn mấy từ chợ gì đó và trường Y nhảy múa… Tôi gào lên như một đứa trẻ bị mất đồ chơi.

Chiến tranh thì có tội với tuổi trẻ. Còn tôi thì có tội với cô gái không nhìn rõ mặt, cũng không biết được tên tuổi, bởi tôi đã không thực hiện được lời gửi gắm cuối cùng”.

Chủ quán tới lúc này mới đốt điếu thuốc nhưng cứ giữ mãi giữa hai ngón tay. Vòng khói trắng la đà cất lên rồi tan nhanh trước mặt hai người. Vòng khói như có như không kia khiến người khách chạnh lòng nhìn sững.

Khách đột ngột đứng lên, chìa bàn tay khẳng khiu về phía chủ quán: “Cảm ơn ông đã cho tôi ngủ nhờ một đêm. Giờ thì tôi phải lên ngọn núi kia”.

Chủ quán bóp chặt tay khách, không nói câu nào, yên lặng nhìn người khách lạ khoát túi xách lên vai, bước ra khỏi quán với đôi vai lệch làm cho những chân nhang màu đỏ nhô trên miệng túi đeo, lủng lẳng trên vai cứ nhảy nhót theo từng bước chân khập khễnh của ông ta.

Nguyễn Lệ Uyên

(Thủ Đức, 3/2010)

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search