T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Cưới vợ ăn tết

(Nguyễn Lệ Uyên: CHÂN DUNG TỰ VẼ)

clip_image002

Chân Dung Tự Vẽ là tập truyện của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên gồm 18 truyện ngắn được sáng tác ở thời điểm trước và sau dấu mốc 30 tháng 4 năm 1975. Tác phẩm đã được Thư Quán Bản Thảo xuất bản năm 2010 và Tủ sách Kệ Sách EBook ấn hành dưới dạng điện tử năm 2012.

TV&BH sẽ lần lượt giới thiệu 18 truyện ngắn này của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên trong chuyên mục: Nguyễn Lệ Uyên: Chân Dung Tự Vẽ.

Xin cám ơn nhà văn Nguyễn Lệ Uyên đã nhiệt tình cộng tác và trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả của TV&BH.

TV&BH

2014

Cưới vợ ăn tết

1.Trước ngày giỗ cha, chị Đông giở máy, thong thả gọi cho từng người: các em phải về trước một ngày để phụ với má, không được đứa nào vắng mặt. Tám cuộc gọi được phân đều chừng ấy từ không hơn kém Có lẽ không phải do chị tiếc tiền khi phải nói nhiều mà, chỉ vì ngắn gọn thì quyền uy được khẳng định một cách rõ ràng hơn? Và dù là gái đã xuất giá nhưng là chị cả nên cái sự quyền huynh thế phụ được chị thâu tóm và phát huy đến mức tối đa trong gia đình có tới tám cô con gái nắm bím tóc nhau, kẻ trước người sau lần lượt ra đời để reo vui, bổ sung thêm quân số cho bà Trưng bà Triệu. Còn tôi là đứa con trai duy nhất được chắt mót như anh dân nghiện ngửa cổ, dốc đít chai cho rớt vào họng giọt cuối cùng của bữa rượu tàn. Tuổi tôi chỉ nhỉnh hơn đứa con gái đầu chị Đông có sáu bảy năm. Đó cũng là lý do để đôi lúc chị giả tảng không coi tôi là đứa em út ét mà đối đãi ở hàng con cháu!

Lệnh điều động của chị được mọi người răm rắp thực hiện giống như một cuộc dạo chơi tình cảm. Chị Ty về trước tiên trên chiếc Civic bóng loáng với những bánh trái chật cốp sau. Trong khi chồng kệ nệ bưng những túi nặng thì chị ngó nghiêng, miệng hát nghêu ngao bài Back to Sorento, như thể hai ông bà vừa lái xe từ vạn dặm về chốn quê nhà? Sau đó chừng nửa tiếng, chị Khảnh bước xuống taxi với chiếc bụng vượt quá mặt, lặc lè ôm bụng và ôm bó hoa ly to tướng khó nhọc bước vào sân. Chị Nam đi xe máy đèo theo chị Sâm lủng lẳng giỏ trái cây. Ba bà còn lại có lẽ đang ở trong cái spa nào đó để ủi mặt, duỗi tóc trước khi về sì sụp lễ cha, và câu nói cửa miệng của ba bà này sẽ là:cuối năm, công chuyện cơ quan ngập đầu. Câu nói sẽ bay xẹt qua lỗ tai các ông chồng mang bộ mặt thoả hiệp và đồng cảm với công chuyện bộn bề giả hiệu của vợ trước khi lọt vào lỗ tai má tôi. Chị Minh áp út, đẹp nhất nhà dắt tay ông anh rể vừa mới cưới nhau cách không lâu, như thể nếu chị không cầm tay anh dẫn đường thì rất có thể anh sẽ nhầm chị Minh với ai đó trong nhà, giả hoặc anh không biết lối nào vào nhà mà không lộn qua nhà hàng xóm? Cách thể hiện tình yêu của anh chị Minh, chính yếu là chị Minh, có hơi vẻ sên sến, cải lương một chút nhưng lại thích hợp với khung cảnh trời mây ở đất quê đồng nội nếu chỉ duy nhất có hai người trong khoảng không gian này.

Thường ngày căn nhà vắng teo, đã rộng càng thênh thang hơn khi chỉ có má và tôi; còn giờ này thì ồn ào, náo nhiệt cứ như đám đông người đang chen lấn nhau xem hát áng. Mỗi năm chỉ duy nhất có hai lần được làm ồn là dịp giỗ cha và ngày tết. Nhưng hai cái ồn cũng hơi khang khác tí đỉnh. Cái ồn trước có chút ngùi ngùi vì mùi nhang, mùi khói đốt vàng mã, thỉnh thoảng vài giọt nước mắt bị dồn nén trước kia nay được dịp rịn ra tựa như nước lỗ mọi rỉ ra từ bờ ruộng cao làm đậm thêm màu đỏ đôi đèn sáp nhểu giọt ngập ngừng trên bàn thờ. Còn cái ồn sau là tiếng cười của ba thế hệ cộng lại thành niềm vui cùng những hạnh phúc riêng tư khoe mẽ, theo thông lệ muôn thuở: đầu năm mới chỉ có vui cười. Có buồn cũng phải giấu kỹ dưới đít giường chờ ra giêng!

Lúc tôi bưng nia lá gói bánh ngang qua chỗ chị Đông ngồi xào nhưn trên bếp lò, chị liếc tôi buông thõng một câu kiểu anh chận vịt ném cây sào cắm sâu sau đít bầy vịt đang lội qua ranh giới hạn: “Mày thì liệu cái thần hồn”. Tôi giả bộ như không nghe chị nói gì, quay ngoắt lại định bụng kéo anh Minh ra quán đầu ngõ.

– Này không nghe thiệt hả?

– Chị bảo gì ạ?

– Giỏi, giống cha in đúc, chỉ khéo cái giả lơ. Nói cho mà biết, kỳ giỗ này tao mời chị tư Lam và cái con bé đó sang ăn giỗ cha. Nghiêm túc một chút đừng có trẻ con nữa.

– Chị mời ai thì ảnh hưởng gì tới em? Bộ chị tưởng em tiếc đôi đũa, cái chén sao?

Chị Đông gõ đôi đũa xào nhưn đang cầm trong tay lên vành chảo kêu rừng rực như người mắc cụt:

– Sao? Nói vậy mà nghe được à? Hăm tám hăm chín rồi, nhỏ nhít gì nữa. Có nghe nói tam thập nhi lập không? Đâu còn là đứa trẻ con? Cũng phải vợ con rồi lo làm ăn chớ bắt ai nuôi mãi.

-Thì em làm việc em nuôi em chứ ai nuôi em?

-Còn má?

-Má sao?

-Ai chăm sóc?

-Chớ ai vô. Tám bà cộng lại thì được mấy ngày trong ba trăm sáu lăm…

-Á, à dám trả treo, lại bày thói phân bì chứ gì? Em lôi đâu ra cái kiểu ấy về nhà này, hả?

-Thì rõ vậy chớ còn gì nữa.

-Không đôi co. Các chị và má đã quyết rồi.

-Quyết cái gì?

-Mời chị Tư và con bé đó qua chơi nhà, tiện dịp mấy chị mày coi mắt luôn – Chị Đông xuống giọng – Hiền, đẹp, nết na, tốt nghiệp khoa Văn loại khá. Hợp, chị nghĩ rất xứng đôi. Chỉ ngặt nỗi chị Tư hơi nhỏ hơn má tới hơn hai chục tuổi, nhưng không sao. Má nghe nói đã ưng rồi – Tôi cười thầm sao chị không nói bằng tuổi chị có dễ hình dung không, nhưng sợ chị giận, bèn nói ngang:

-Thích thì chị lấy cái con nhỏ gì đó đi, can dự gì đến em? – Nói và tôi bỏ đi.

Chị Đông há hốc miệng nhìn theo như thể tôi đang hoá kiếp từ con người bình thường sang loài động vật khác một cách từ từ, thong thả nhẩn nha, thong thả hoá kiếp. Dưới mắt chị lúc này, có lẽ tôi là con tắc kè trên ngọn cây, đổi màu và lẩn nhanh đâu đó ngay trước mắt không thể nhìn thấy?

Anh Minh thấy bộ mặt nhăn nhó của tôi ngoài thềm giếng, bèn lên tiếng:

-Kỳ này em bị khủng bố nặng rồi.

Tôi không phản ứng, bỏ ngay ý định rủ anh ra ngồi quán.

2. Má tôi đứng trước bàn thờ lâm râm khấn vái những gì đó thật lâu. Khói nhang quyện đặc gian thờ. Những chân nhang trong bát hương đỏ thẫm, hai cây nến đỏ thẫm, màu sáng cây đèn hột vịt phải nhờ đến ngọn néon mới nhìn rõ ảnh thờ cha tôi treo trên cao, phía dưới giá đỡ tượng Phật bà Quan Âm. Vẻ đẹp trai, phong lưu vẫn rung rinh đâu đó trên khuôn mặt chữ điền, đôi mày rậm, miệng như nở nụ cười từ bộ râu vểnh ngược, nom giống một quí ông ở thời kỳ Phục hưng. Khổ nỗi, hình ảnh bộ râu quí tộc bị chiếc khăn xếp và áo dài hoa văn chữ Thọ trên bức chân dung đã phá cách vẻ đẹp mã một cách khó coi, không hợp với khuôn mặt luôn nhìn thấy điều gì cũng dung dị, đẹp; đời cứ như bông hoa không bao giờ tàn vậy. Bức chân dung ấy còn mang cả đôi mắt sáng ngó thẳng về phía con, rể đứng sắp hàng kẻ trước người sau, như muốn nói: Cha rất hài lòng vì các con. Đôi mắt ấy cũng ngó về phía má tôi và nói thật to: Dù anh đang ngồi trong khung kính nhưng tim anh vẫn dành trọn cho em. Tôi nghĩ, rất có thể má có nhìn thấy và nghe được những điều này qua linh cảm, vì thỉnh thoảng má đưa tay lên mắt, thỉnh thoảng sụt sịt. Có thể là do khói nhang nghi ngút, có thể là má nhớ thực lòng. Không nhớ, không thương yêu nhau sao lại khóc, lại lắm con thế?

Tiếng nói nhỏ nhưng vang như tiếng chuông khiến ngọn nến đang cháy thẳng đứng bỗng lay nghiêng, chao qua trái qua phải chực rụng xuống bàn: Mẹ ơi, khói ngợp thở quá mẹ ơi! Tiếng chị Sâm quát khẽ: Im, ráng thêm chút nữa, đừng ồn. Lại một giọng nữa cất lên, giọng con gái: Đói quá mẹ ơi, cúng gì lâu thế?

Khối đám đông con cháu trước bàn thờ cha tôi từ tư thế nghiêm trang bổng rục rịch, chuyển động tại chỗ, chỉ thấy phần trên. Vậy chắc cũng đủ để cha tôi thấy được sự ấm cúng hạnh phúc của gia đình nếu ông còn có thể nhìn thấy từ bức ảnh lồng kính, treo trên cao?

(…) Lễ cúng trôi qua chậm chạp như khúc bi ca lỗi nhịp và kết thúc bằng những cái vái lạy, vàng mã đốt khói um đầy nhà, muối gạo ném vãi trắng sân. Khách khứa đã tới gần đủ. Các chú bác, những người thân trong gia tộc đâu hơn mươi người được chị Đông sắp ngồi ở chiếc bàn tròn lớn ngay đầu hồi tây, nơi trước kia cha tôi và các chú bác hay ngồi nhâm nhi ly rượu, tách trà nói chuyện đông tây. Anh Đông và anh Ty thay mặt gia đình ngồi tiếp. Gian phòng khách ở dưới bày một bàn khác có má tôi, cô Sáu, các anh chị và hai mẹ con bà bạn chị Đông.

Thừa lúc mọi người không chú ý, tôi vẫy Khôi, con chị Sâm ra chỗ để xe. Thích quá, nó hét to: dạ để con tìm chiếc mũ. Tiếng la của nó khiến mọi người chú ý. Và vì tôi là nhân vật đang được canh giữ cẩn mật, nên khi tiếng thằng bé vừa dứt, chị Đông đã đứng sát cạnh như bà nữ cảnh sát hình sự đang tác nghiệp: Mày làm cái trò gì vậy, thằng khỉ? Tôi nghe hai hàm răng chị riết lại thành tiếng: vào nhà ngay. Khôi chưng hửng, nhùng nhằng kéo quần tôi, còn chị Đông thì ép sát người níu dây thắt lưng đẩy tôi vào nhà như đẩy tên tử tù lên xe cây. Thôi đành lòng vậy, tôi thầm nhủ.

Chị ấn tôi ngồi xuống chiếc ghế trống, giữa chị Khảnh và chị Quế, đối diện với mẹ con bà Tư, cố ý để hai phía “đối tác” có thể nhìn rõ mặt mũi,cử chỉ của nhau. Chị Đông mào đầu bằng những câu nghi thức vòng vèo từ thời ông Bành Tổ, Khổng Tử rồi mới vào phần chính là trước ăn giỗ sau để quen biết, thân tình nhau hơn. Tôi xoay xoay cái chén trống trơn ước chi chị biến ngay thành đàn ông thì cái nhà này đỡ đi nhiều việc, ít nhất là không phức tạp hoá mọi chuyện.

Bình thường, những khi cả nhà họp mặt đông đủ thì đến cả chén đũa, ghế đẩu cũng rung rinh cười theo tiếng cười của tất cả mọi người, đến cả má cũng hào phóng tham gia. Còn bữa nay, phần bắt đầu theo nghi thức ngoại giao khiến không khí nặng nề; tiếu lâm như chị Quế, chị Sâm cũng ngồi cắm đũa giữ lễ.

Thấy chị Đông to nhỏ gì với bà Tư, tôi chợt nghĩ và đứng dậy cầm ly bia:

-Con mời má, mời chị Tư, mời cô và các anh chị…

Chị Đông giật thót người, thiếu chút nữa là đánh rơi đôi đũa xuống đất. Chị há hốc miệng nhìn tôi rồi ngó lên trần nhà. Tôi thấy mặt chị tái đi đến tội nghiệp. Chị Quế huých khuỷu tay vào hông tôi, nói nhỏ “điên”. Tôi đá vào chân chị có vẻ hơi mạnh, chị đau suýt bật thành tiếng la, trong khi những ly bia cứ lưng lửng trên tay một cách khó hiểu.

Thật lòng, tôi không có thành kiến gì với mẹ con bà bạn chị, nhưng do cung cách thái quá của người chị kiêm bảo mẫu khiến tôi trở thành thằng nhỏ thật sự. Giây phút đăng đắng trôi qua như những ngụm bia đang ngắt ngứ trôi lọt xuống bao tử.

Không khí vui vẻ được nối trở lại. Mọi người xúm vào vừa hỏi thăm mẹ con bà Tư vừa gắp thức ăn chăm chút cho hai người như cố xoá lấp phần lỗi không đáng có do tôi gây ra lúc nãy.

Giờ tôi mới để ý quan sát hai mẹ con bà bạn chị Đông. Bà ta trạc tuổi chị, lưỡng quyền hơi cao, đôi mày được chăm sóc quá kỹ khiến mỗi khi bà cười, các nếp nhăm dưới khoé mắt dính sát vào đuôi chân mày một cách khó coi. Có lúc tôi tưởng tượng phía đuôi mày là phần ngọn của chiếc cần trúc đang lòng thòng với dây nhợ lưỡi câu bên dưới. Tuy vậy bà có duyên nhờ chiếc miệng lúc nào cũng muốn cười với tất cả những ai đang đối diện với nó. Cô con gái chắc bằng tuổi hoặc hơn Hà My – con gái đầu anh chị Đông – chút đỉnh; nước da màu bông bầu, mũi cao, mắt sáng, khuôn mặt trái xoan, phúc hậu; nhưng hình như phía dưới khoé mắt có nốt ruồi nhỏ bị cố tình che lấp bỡi lớp phấn dày. Nếu quả thật đây là nốt ruồi thì cô ta bị liệt vào hàng ngũ của đám phụ nữ có số trích lệ khấp phu, theo như quyển sách tướng số phụ nữ mà tôi đã đọc ở đâu đó ? Loại phụ nữ này, ngày xưa ông bà rất kiêng kỵ, còn thời nay có thể sẽ khác đi. Nhưng đó sẽ là cái cớ để thoái thác, để nói với mọi người rằng: tôi là con độc đinh, thuộc loại quý hiếm của gia đình cần bảo vệ, không thể biến tôi thành vật hiến tế dưới bàn tay cô ta được. Tóm lại là không thể vợ con.

Thật lòng mà nói, tôi không ác cảm gì với cô ta và cũng không thấy có điều gì làm xốn xang cõi lòng, chỉ thấy cô lẻ loi, tội nghiệp, khép nép trong không khí không bình thường.

Thấy tôi chú ý quan sát hai nhân vật đặc biệt trong bàn ăn, hết chị Quế rồi chị Khảnh quay sang khuyến khích: Chị thấy đám này được đấy, chỉ cần tìm hiểu thêm tính tình… Chị cho 8/10. Tôi trả lời nếu 10/10 thì thành hoa hậu thế giới rồi. Chị Khảnh: chị thấy má có vẻ hài lòng. Thì đó là cặp mắt xanh hay mắt hồng của má, tôi trả lời. Chị Khảnh: bậy, chị cũng thấy con bé có vể hiền, em tìm hiểu từ từ. Mẹ đang mong có cháu nội đó, em biết không?

Cách nói của chị Khảnh se sẽ, ngùi ngùi giống anh thợ cày cầm chiếc dùi nướng đỏ trên lửa dùi từ từ vào ống tre tươi, kêu xèo xèo làm hoang mang cõi lòng. Tôi sờ chỗ bụng nhô cao của chị: ước chi chị là anh trai em nhỉ?

Cuối buổi tiệc, lúc người nhà dọn lên dĩa trái cây tráng miệng, tôi chồm người bóc múi bưới chìa về phía bà bạn chị Đông, nói trổng: xin mời; một múi khác về phía cô gái, người mà chị Đông muốn mang về làm em dâu, nói: mời chị. Các chị cười ồ. Tôi là kẻ đỏ mặt trước tiên chớ không phải cô gái và lúng túng làm đổ phần bia thừa trong ly vãi ra bàn, bỡi tiếng cười đồng loạt cất lên chỉa về hướng tôi giống như những mũi tên của các chiến binh thời Trung cổ xông trận vậy.

Tôi rút êm bằng cách giả bộ đỡ ly bia ngã mang xuống bếp, đi vòng ra sau vườn. Liếp vạn thọ non đang đâm nhánh chẳng mấy chốc sẽ nở xoè những bông vàng rực. Vậy mà tôi không làm được điều mà má và các chị mong đợi. Sao vậy?

Nguyễn Lệ Uyên

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search