T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hà Việt Hùng: Bán sách cũ

Hà Việt Hùng

(Nguồn: Sáng Tạo)

Gần cuối con đường dẫn ra bờ hồ, có một cửa hàng bán sách cũ. Người qua đường khó biết đấy là cửa hàng sách cũ vì bên ngoài không có bảng hiệu, và cũng không có điểm gì đặc biệt cả. Trong cửa hàng, sách bầy la liệt, đúng hơn là vứt la liệt. Mặc dù sách đã được cẩn thận sắp đặt có  thứ tự trên những cái kệ gỗ hoặc kệ sắt, nhưng vì nhiều quá, sách đã nằm chồng chất lên nhau cao nghệu, lên sát trần nhà, lan ra ngoài, chẩy xuống nền nhà, len lỏi qua những lối đi nhỏ, và tràn ra tới gần cửa ra vào. Bốn phía đều có sách. Sách, sách, sách, sách. Có thể có tới hàng triệu cuốn. Đó là nét đặc thù của cửa hàng.
Người ta cứ tưởng chủ nhân cửa hàng bán sách phải là người có bằng cấp ghê gớm lắm, bét lắm cũng phải bằng Cử Nhân, tốt nghiệp Đại học hệ bốn năm, nhưng không ngờ ngày xưa ông chỉ là học sinh mới học xong lớp 7 phổ thông. Ông lớn lên cùng với ngày tháng gian truân vất vả, cộng với lòng yêu sách vô bờ bến. Ông đã chắt chiu, gom góp mua những quyển sách bằng tiền ăn sáng eo hẹp của mình. Lúc đầu là tủ sách gia đình, bây giờ sách đã cơ man, biết bao nhiêu mà kể.

Khách đến cửa hàng của ông, khỏi phải nói, đều là những người yêu sách nhiệt tình, nhiệt tình cũng như ông vậy. Đại đa số là học sinh, sinh viên nghèo, hoặc là “giai cấp văn hóa mạt rệp” không đủ tiền mua một quyển sách thuộc loại quý hiếm. Họ đến thường xuyên, phần lớn nhẵn mặt. Ông để họ tự do đứng hay ngồi đọc ở cái bàn nhỏ kê ở góc nhà. Thỉnh thoảng ông còn mời họ vài hớp nước trà cho bớt khô miệng nữa. Cứ nhớ đến “ngày xưa” của ông, rất dễ thông cảm với họ.

Trong cửa hàng của ông có nhiều loại sách, nhất là sách văn học, nghệ thuật. Có những quyển còn già hơn tuổi đời của ông. Có những bộ sách quý hiếm ông cẩn thận sắp trong tủ kính, giá nào cũng không bán. Người ta thấy ông có quyển Vang Bóng Một Thời, tập truyện ngắn của Nguyễn Tuân, nhà xuất bản Tân Dân in năm 1940 tại Hà Nội; một phần lớn bộ Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, do Vũ Đình Long làm chủ nhiệm, cũng do nhà Tân Dân in từ năm 1934; bộ Kim Vân KiềuChinh Phụ Ngâm do Học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch và chú giải, in năm 1943. Rồi đến những quyển Tỳ Bà Hành, Nhị Độ Mai, Thúy Kiều Thi Tập in năm 1926. Ai cần quyển nào, cứ nói cho ông biết tên tựa, một loáng sau là có ngay. Quyển nào không có đó, nếu khách cần, cho ông biết tên, ông hẹn 3-4 ngày sau đến lấy, y như là có, ít khi sai. Ai hỏi ông, nhập nguồn sách ở đâu, ông chỉ cười, trả lời lấp lửng.

Những quyển sách ra đời đã từ lâu, có quyển “giang hồ” từ Nam ra Bắc, long gáy, sút bìa, ông phải ngồi tỉ mẩn dán lại. Đặc biệt sách nào có ghi thủ bút trên đó, càng quý.

Nhớ một hôm, có một ông khách bước vào cửa hàng của ông. Ông khách trạc trên năm mươi. Sau một lúc tự tìm kiếm, ông khách lôi ra rồi cầm trên tay quyển Lỡ Bước Sang Ngang (1940) của Nguyễn Bính (bản in sau năm 1975 tại Sài Gòn). Ông để ý trang bià quyển thơ bị rách một nửa, và những trang giấy bên trong đã ngả sang mầu vàng. Ông khách lật mấy trang đầu, đôi vai ông ta bắt đầu rung lên nhè nhẹ. Ông ta khóc. Từ đằng xa ông thấy hết, nhưng vì tôn trọng sự riêng tư của người khác, ông mặc kệ.

Mười lăm phút sau, ông nhẹ nhàng đi tới bên cạnh người khách, hỏi:

-Xin lỗi. Quyển sách này gợi lại cho ông kỷ niệm không được vui?

Người khách quay lại, nhận ra ông là chủ nhân cửa hàng sách, ông ta nói:

-Hơn ba mươi năm trước tôi đã tặng quyển thơ này cho một người con gái ở Sài Gòn. Đây là chữ viết của tôi. Sao bây giờ nó lại nằm đây?

Ông không trả lời câu hỏi, nói với người khách cho ông mượn quyển thơ. Ông không cần lật ra, vì bià sách đã bị rách một nửa trên, để lộ ra hàng chữ viết tay bằng bút bic mầu tím. “Tặng Dậu. Kỷ niệm mối tình của đôi ta”. Bên dưới là chữ ký ngoằn ngoèo.

Ông trả quyển sách cho người khách, hỏi:

-Thế bây giờ Dậu đâu?

Người khách quay nhìn ra cửa, đôi mắt heo hút. Biết ý, ông nói:

-Ông có quyền không trả lời.

Người khách đứng tại chỗ, lật thêm vài trang sách, rồi giơ ra trước mặt ông.

-Ông cho tôi mua quyển này. Bao nhiêu hả ông?

Ông chặn tay người khách.

-Tôi biếu ông.

Hình như người khách không nghe rõ câu trả lời, ông ta đút tay vào túi lục tiền, hỏi lại:

-Bao nhiêu hả ông?

Ông nói giọng dứt khoát:

-Không, tôi biếu ông mà. Kỷ niệm không ai có thể mua hay bán được.

Người khách nhìn ông, lí nhí câu cám ơn trước khi đi ra. Ông gật đầu, mỉm cười nhìn theo. Hạnh phúc của ông là những lúc này.

Lại một hôm, có một người khách đầu đội nón cối, mặc đồng phục mầu xanh bạc thếch, đến cửa hàng của ông, trên tay ôm chồng sách. Ông hỏi:

-Ông có sách bán à?

Người khách gật đầu:

-Chứ không đến đây làm gì?

Ông niềm nở:

-Sách gì? Ông cho tôi xem.

Vừa nói ông vừa đỡ một quyển trên tay người khách. Thơ Tố Hữu. Ông lẩm nhẩm trong đầu. Anh chàng này có thể mô tả cứt là vàng, có lần đã đánh giá “trí thức còn thua cục cứt. Cứt còn có lợi cho ruộng nương”. Có ai đọc cái thứ này đâu mà mua với bán. Ông lấy quyển kế tiếp. Tư Bản Luận của Karl Marx. Chà, bộ sách này đã từng được xem là “cẩm nang và vũ khí của giai cấp lao động” đây. Nó đã giết hại cả chục triệu sinh linh vô tội ngay trong các nước Cộng sản vì “đấu tranh giai cấp. Marx đã chết lâu rồi. Lý thuyết của ông ta lạc hậu, chẳng khác gì cái “thùng rỗng kêu to”.

Còn cuốn này? Ông lấy quyển thứ ba, rồi thứ tư, rồi thứ năm. Kể Chuyện Xây Lăng, Mỗi Bước Người Đi, Tư Tưởng…

Ông để những quyển sách vào tay người khách:

-Ông thông cảm. Bây giờ không ai đọc những quyển này.

Người khách trố mắt.

-Không ai đọc à? Tôi đã tốn khá tiền để mua những quyển này đấy. Còn tốn cả thời gian để ngồi đọc nữa.

Ông thành khẩn:

-Tôi hiểu, nhưng không mua được. Phiền ông đem về.

Người khách ôm lấy chồng sách, nói tiếng “cám ơn” trước khi bước ra cửa. Ra đến ngoài, không biết nghĩ sao, ông ta vội vàng đặt chồng sách bên cạnh ống cống bên lề đường, nhẩy tót lên chiếc xe đạp, vù đi.

Ông chỉ kịp chạy ra, miệng la to:

-Này, ông kia, sao lại bỏ sách ở đây?

Người khách vẫn gò lưng trên chiếc xe đạp.

Hà Việt Hùng

Bài Mới Nhất
Search