T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lên non hái trái

(Nguyễn Lệ Uyên: CHÂN DUNG TỰ VẼ)

clip_image002

Chân Dung Tự Vẽ là tập truyện của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên gồm 18 truyện ngắn được sáng tác ở thời điểm trước và sau dấu mốc 30 tháng 4 năm 1975. Tác phẩm đã được Thư Quán Bản Thảo xuất bản năm 2010 và Tủ sách Kệ Sách EBook ấn hành dưới dạng điện tử năm 2012.

TV&BH sẽ lần lượt giới thiệu 18 truyện ngắn này của nhà văn Nguyễn Lệ Uyên trong chuyên mục: Nguyễn Lệ Uyên: Chân Dung Tự Vẽ.

Xin cám ơn nhà văn Nguyễn Lệ Uyên đã nhiệt tình cộng tác và trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả của TV&BH.

TV&BH

2014

Lên non hái trái

Nước trên cao chảy xuống ì ầm

Vượn bồng con lên non hái trái

(ca dao)

ngày… tháng… năm…

Gửi anh,

Tính từ ngày xách va li lên tàu, đến nay đúng hai tháng. Khoảng thời gian không dài không ngắn, giữa núi rừng trùng điệp này, đủ để tôi mang trái tim ra nghĩ về cách hành xử của mình và không thể không giải bày với anh bằng những suy nghĩ dài lê thê, với lòng mong mỏi anh và những người thân yêu sẽ dần hiểu tôi.

Ngay từ lúc chọn nghề, cả ba mẹ, anh chị đều cho tôi là một con điên. Bốn năm dùi mài, thích thú với khoa sư phạm, bất ngờ gặp và quen anh, tôi cứ nghĩ anh là người đồng cảm với tôi, nhưng khi thấy ánh mắt lúc tiễn lên tàu, tôi chợt thấy anh lại ném về phía tôi một cái nhìn đầy nỗi niềm và tuyệt vọng, cùng với sự bịn rịn của người thân trên sân ga. Tôi không ưa cảnh tượng đó, mong cho còi tàu mau rúc lên và lăn bánh thật nhanh để tránh những cảm giác lẫn lộn có thể sẽ khiến tôi bỏ cuộc giữa chừng bỡi những sự vây bủa định kiến khó hiểu.

Tàu lăn bánh. Đó là tín hiệu khởi đầu cho “ sự lập thân” của mình và là lúc tôi bĩnh tĩnh tự lật ngửa mình ra, moi hết tim gan coi nó méo mó, trầy trật ở chỗ nào? Trước hết là cảm giác xốn xang, nao nao khi phải rời xa nơi tôi sinh ra và lớn lên. Một chút đau nhớn nhác giống như con chó con bị bắt cho người lạ, đột ngột rời xa núm vú quen thuộc trên bụng mẹ, rời xa hơi hớm bầy đàn, rên ủng ẳng thảm thiết! Tôi cũng vậy, có điều tôi không rên lên, nhưng nhất định có chút buồn, nỗi buồn cay xè của kẻ lần đầu xa nhà, xa mọi thứ thân quen. Phút chạnh lòng, tôi giật mình thoáng nghĩ, mình có vẻ như là con điên thật sự, thứ dở hơi thực sự như tất cả mọi người, kể cả anh gán cho. Nếu không, sao tôi lại chọn nghề này, trong khi bạn bè cùng lứa, đứa thì vào y, đứa kiến trúc, kinh tế… những ngành hái ra tiền, lại được hưởng thụ mọi tiện nghi trong thành phố? Còn tôi? Tôi đã liên tục thổi tắt ngọn lửa hy vọng của mọi người, từ cách chọn nghề đến kiểu chọn nơi đến? Rồi tôi lại phản biện những định kiến sắp đặt kia: Tiền bạc, tiện nghi là cái gì? Nó giải quyết được gì? Tôi phân thân ra, vừa tra hỏi vừa loay hoay tìm kiếm cách lý giải. Cùng một lúc, tôi vừa là quan tòa, vừa là bị can đến nỗi đầu óc căng cứng mệt nhoài, theo bánh sắt lăn rập rình trên đường ray, rập rình cơn gà gật gãy khúc, như lúc vô tình nhìn chiếc bánh tráng nướng có cục mắm ruốc đỏ hỏn trên tay người đàn bà ngồi bên cạnh, cứ vơi dần đi…

Tôi là kẻ đã lên tàu và đang lao tới, không dừng lại được. Tôi xa dần và nhỏ dần trong mắt mọi người.

Xuống sân ga, chẳng ai đón. Tủi thân. Lầm lũi ra bến xe chen chúc trong chiếc xe đò chật cứng, ì ạch non nửa ngày mới tới nơi. Lại tủi thân. Niềm tủi phận cứ thế, cao thêm một chút, dày thêm một ít. Rồi lại tự nhủ: “Thôi, sự đã rồi. Đã lên tàu còn phân vân nỗi gì!”.

…ngày… tháng… năm…

Viết tiếp…

Nơi tôi đến, anh không thể nào tưởng tượng nổi. “Thật kinh khủng!”. Đó là cảm giác đầu tiên khi tôi nhìn thấy ngôi làng bé tẹo bị vây phủ giữa đồi núi chập chùng. Tôi đã từng nhìn thấy núi rừng dọc đường lên Đà Lạt. Nhưng núi rừng ở đó thì dễ thương, thơ mộng, còn chỗ này thì quạnh quẽ, đìu hiu: Những con đường đất đỏ dọc ngang, vài quán tạp hóa, những con bò thản nhiên nằm giữa đường. Nhà sàn chen lẫn với nhà mái tôn tường gạch làm tôi ngẩn ngơ: Không gian văn hóa Tây nguyên bị tróc vảy sao? Nhưng tôi lại thích những bụi sắn, giàn bầu và lũ heo kéo lê chiếc bụng sát đất nom như nùi giẻ lau nhà… chen lẫn với cảnh tượng đó là những người đàn bà cong người trên những chiếc gùi nhô lên vài que củi, mụt măng, trái bắp… Tất cả đều lắc lư theo bóng những người đàn ông rựa vác vai, miệng ngậm ống vố thở khói phì phèo, nhẩn nha đi phía trước, khiến tôi liên tưởng đến ống khói con tàu đưa tôi đến tận chốn này; trong khi đám trẻ con thì mình trần, mốc cời, tóc hoe vàng nom rất lạ mắt.

Khi thấy tôi, lũ trẻ nhìn ngơ ngác, còn cha mẹ chúng thì mở tròn mắt, tò mò vì sự xuất hiện đột ngột của một cô gái lạ giữa chốn “thâm sơn cùng cốc” này. Tôi hỏi thăm người thanh niên đường tới trường. Anh ta reo lên và nói câu gì đó bằng tiếng dân tộc tôi không hiểu. Sau đó lại khum tay lên miệng hú một tiếng dài làm tôi hết hồn, như thể mình sắp bị đưa lên giàn hỏa vậy. Lát sau, mọi người lục tục kéo ra đường, tiến về phía dãy nhà sàn dài. Người thanh niên đưa tôi nhập vào đám đông. Tới lúc đó, tôi mới kịp quan sát: Anh ta cao lớn, vạm vỡ, da màu đồng thau, mái tóc bềnh bồng như nghệ sĩ trong dàn nhạc Jazz. Tôi lí nhí nói mấy tiếng cảm ơn và đưa tay ra để anh ta dắt, trèo lên nhà sàn nối với khúc cây khất từng nấc, không mấy dễ dàng. Lát sau ba thầy cô giáo xuất hiện. Một vài người còn mang theo nải chuối, thu đủ và vài loại trái rừng màu đỏ chót. Ché rượu có mặt ngay giữa sàn cùng lúc với bếp lửa nổi lên. Cuộc tiếp đón mộc mạc, chân thành làm tôi cảm động thực sự. Họ xoăn xít hỏi han, giải thích, an ủi… khiến tôi đỡ quạnh lòng đôi chút. Ông trưởng buôn, rồi tới lượt ông xã trưởng kéo cần rượu đưa về phía tôi bằng ánh mắt sáng rỡ. Có lẽ, một chút rượu ấy khiến tôi đủ tỉnh táo để xách va li theo các đồng nghiệp về trường.

Đi bộ non cây số, cô giáo tên Hài chỉ tay về phía dãy nhà sau ngọn đồi kín lá: “Trường đấy. Thầy cô ở ngay tại trường, trong một phòng học. Rồi em sẽ thấy…”. Chị Hài bỏ lửng câu nói. Tôi giật mình khi nghe nói thầy cô ở cùng phòng và lầm lũi bước theo mọi người một cách nặng nề, cuốn theo cảnh “thầy cô ở chung phòng” cứ trương phình dần trong đầu!

Anh có thể tưởng tượng nổi không? Đến trường, suýt nữa tôi bật thành tiếng. Gọi là trường học, nhưng giống như một trại chăn nuôi bị bỏ hoang. Một dãy nhà lợp tôn, mái ễnh cong; tường thì sứt sẹo đầy những vết tróc lở khiến tôi liên tưởng ngay đến những ngôi trường khang trang ở thành phố, đến những công sở cao ngất ngưởng, lộng lẫy. Tâm trạng nặng nề ấy khiến chị Hài tưởng tôi mệt vì đường xa, xô liếp cửa phòng tập thể nhỏ nhẹ: “Em nằm nghỉ chút rồi ăn cơm”.

Tôi đặt chiếc va li xuống nền đất nện láng tưng và bắt đầu quan sát: Nửa bên này dành cho các cô, rộng hơn và được chắn kín bằng tấm cót mò o nẹp dày. Bên kia là phòng ông Thắng, phụ trách trường, có cửa đi riêng. Tấm cót vẫn nguyên vẹn, không hề thấy lỗ thủng, chứng tỏ mọi người đều sống nghiêm túc khiến tôi có thêm chút an tâm. Chiếc bàn học trò duy nhất giữa phòng nữ, hai bên là hai băng ghế gỗ vừa là chỗ soạn bài, tiếp khách, vừa làm nơi ăn uống. Phía trong là tấm vải hoa giăng ngang, có lẽ là chỗ ngủ. Giá sách vở được đặt trên những mảnh gỗ ghép gắn vào tường, phía đối diện 4 ly thủy tinh đứng ôm phích nước màu xanh da trời. Mọi thứ đều lỏng chỏng, lẻ loi, xa lạ khiến tim tôi đập loạn xạ, như thể đang ở trại lao cải! Anh biết không, lúc chị Hài trở lên nhìn thấy vẻ mặt dàu dàu liền ôm choàng vai an ủi: “Rồi em sẽ quen, sẽ vui. Hồi mới lên chị cũng vậy, suýt ngã nhào xuống đất! Vào thay áo quần, rửa mặt, chị dọn cơm đây”. Tôi thẫn thờ vẹt tấm màn chắn ngang căn phòng: Chiếc giường gỗ và chiếc chiếu hoa, bên trên là chiếc gối ôm và tấm mền cùng màu vàng nhạt… Tôi chưng hửng và nghĩ mình sẽ không chịu đựng nổi nếu nằm quá ba đêm, bởi thói quen nằm nệm từ thuở bé. Tôi lúng túng thật sự, loay hoay với những ý nghĩ lộn xộn cùng cảm giác lạnh lẽo bắt đầu sưng tấy lên. Tôi thừ người ra, nước mắt chảy dài…

Hồi còn ở nhà, những đêm trời trở lạnh tôi thường chui qua giường chị Nga tìm chút hơi ấm từ người chị choàng lên. Còn nơi này, đêm đầu tiên mới kinh khủng làm sao! Phần xa nhà, phần khí núi lạnh tôi không tài nào ngủ được. Mắt mở thao láo nhìn bóng đêm, tai dỏng lên nghe ngóng mọi tiếng động chung quanh: Tiếng côn trùng rả rích như giàn bát âm đám tang; tiếng chim đêm vang lên đột ngột xé toạt màn đêm; tiếng lộc cộc đâu đó quanh nhà như kẻ trộm tìm cách cạy cửa. Tôi điếng người, cong riết rồi quơ tay ôm chị Ngân như đứa bé chui rúc vào lòng mẹ vì sợ hãi. Lúc ấy, nếu anh một mình ở đây, tôi chắc anh cũng có cảm giác giống tôi: Sợ hãi! Tôi cố gắng chống chọi, tới sáng thì mệt bơ phờ. Tôi phân vân: Mình sai lầm thật sao?

…ngày… tháng… năm…

Anh này,

Công việc của anh thế nào rồi, hy vọng anh sẽ thành ông chủ nhỏ. Lúc đó không chắc anh sẽ nhận ra tôi, cô giáo lạc loài đâu đó giữa chốn đèo heo hút gió này? Nhận thư anh, tôi cứ ngỡ anh sẽ kể chuyện phố phường, cái mà tôi đang thiếu lúc này. Chẳng dè, anh toàn an ủi và trách móc nhẹ nhàng khiến tôi không biết nên buồn hay vui? Nhưng tôi đã nói với anh rồi, tôi là kẻ đã lên tàu, đang dấn thân vào mục tiêu tôi chọn lựa, tuy không to tát, ghê gớm gì nhưng cũng là sự chọn lựa đúng đắn của riêng tôi với lũ trẻ vùng núi non cách trở. Ở một góc nhìn nào đó, có khi lại là một sứ mệnh cao cả, nên những an ủi của anh cũng đồng nghĩa với sự “báng bổ” đấy (sic), đừng căng cứng nữa.

Anh có thể tưởng tượng nổi không? Trường không có giếng nước, phải ra suối mang về. Tôi hào hứng tham gia như thể một trò chơi mới mẻ: Ông Thắng thì đèo hai xô nước sau yên xe. Còn tụi này thì học cách gùi của phụ nữ miền núi. Xô nước lắc lư càng đè nặng hai vai. Ba cô gái bước chậm trong rừng chiều. Cảnh tượng thật lộng lẫy huy hoàng nhuốn màu lãng mạn trong chút nắng quái lơ lửng trên đầu. Những giọt nước rơi trên đường đi, thấm nhanh vào lớp bụi bũn khiến tôi nghĩ đến những chiếc lông ngỗng thời huyền sử. Nhưng những chiếc lông ngỗng kia có chàng Trọng Thủy nặng tình phi ngựa đuổi theo, còn những giọt nước lẻ loi, cô đơn mau chóng tan biến dưới lớp đất, chỉ còn những vệt đỏ bầm xoăn lại. Dấu nước nhanh chóng tan đi, anh hiểu không?

Nước mang về chỉ dùng cho nấu nướng. Tắm giặt phải ra suối cách đó gần cây số. Chuyện tắm của tụi tôi luôn là nỗi khổ tâm: Cứ để nguyên áo quần nhảy tùm xuống suối, ngâm mình và kỳ cọ. Khi áng chừng đã sạch “bụi trần” thì cả bọn chui vào lùm cây thay đồ. Một người thay thì hai người đứng canh. Lạ chưa? Rất kỳ cục. Chị Hài nháy mắt, nói phải làm vậy, vì đám thanh niên ở đây lém lắm. Năm trước, có lần chị và Ngân đang thay quần áo, cả người cứ cảm thấy nhồn nhột như bị vuốt ve, quay lui thì có ba anh chàng đang núp trong bụi rậm nhìn sang. Chị Hài ré lên như bị rắn cắn, chạy một mạch tới nhà ông trưởng buôn. Ông Thắng làm dữ với địa phương… Nghe giọng kể đều đều của chị Hài làm tôi bắt nổi da gà và luôn bị ám ảnh mỗi khi cởi trút bộ quần áo ướt ra khỏi thân thể giữa lùm cây không lấy gì làm an toàn. Nhiều lúc đụng phải cành lá kêu lạt sạt, cứ ngỡ đó là bàn tay thô nhám, càn rỡ của đàn ông chạm vào, giật nẩy người!

… ngày… tháng… năm…

Anh,

Thư rồi anh viết “giận gì mà không thèm viết một chữ”. Bụng dạ đâu mà giận? Chẳng là chủ nhật trước học sinh “rủ” các cô lên rẫy ăn bắp nướng. Nghe nói bắp nướng, mắt chị Hài, chị Ngân sáng lên, kích động sự tò mò nơi tôi. Với lại định bụng, khi nào viết thật dài như kiểu mấy ông nhà văn viết truyện rồi sẽ gửi, không muộn, vừa thử lòng anh đang lú lấp đâu đó những hào nhoáng phố phường, cùng lúc coi lại đầu óc mình thật sự định chuẩn chưa!

Học trò nơi tôi dạy thật dễ thương. Chúng hiền lành, ngơ ngác như loài chim thú trong rừng, nhưng khổ nỗi chúng tới trường lưa thưa, hiếm khi đông đủ. Lúc đầu tôi thấy giận ghê gớm về sự lười nhác, nhưng hỏi kỹ mới hay: Học hành là chuyện phụ. Đi rẫy, tuốt lúa, bẻ bắp, hái đậu… mới là chính. Nói thế nào phụ huynh cũng không nghe. Xem chừng thay đổi thói quen này không mấy dễ. Bốn thầy cô hết chia nhau đến từng nhà giải thích, lại bám ông xã trưởng, buôn trưởng kêu cứu. Có lần ổng càu nhàu: “Chuyện đó tui đâu biết. Mà luật pháp đâu cấm học sinh nghỉ học lên rẫy phụ cha mẹ?”. Anh coi, ăn nói kiểu đó có kỳ cục không? Thôi thì cũng phải ráng đợi hết mùa vụ bằng cách: Thầy cô cũng xúm vào bẻ bắp, khiêng lúa… với học trò. Mệt đứt hơi nhưng kèm theo là cảm giác lâng lâng khó tả như cảm giác cả đám được ngồi trên chiếc đu quay, quay tít. Xong mùa, các em hí hửng tới trường, tay lủng lẳng chùm bắp tươi, bịch ni lông đậu đỏ, con gà rừng… gọi là quà thầy cô, trước khi ngồi ngay ngắn trên bàn học. Lại phải mất hơn tuần để làm quen với cái chúng thiếu. Rồi đâu cũng vào đó, nghĩa là có nhiều đứa tiếp thu khá nhanh…

Tháng trước tụi này bàn với ông Thắng, rồi kêu gọi cả trường dựng một căn nhà nho nhỏ cho các em ở xa, vì mùa mưa sắp tới rồi, để chúng lội bộ năm, mười cây số qua sông qua suối thật tội nghiệp (mấy năm trước đã có em bị nước cuốn mất đó). Cả buôn hưởng ứng. Thầy cô cũng rìu rựa với các em vào rừng, đốn cây, cắt tranh rồi ì ạch tha về như đàn kiến tha chiếc lá to. Suốt bốn ngày chủ nhật vào rừng, tôi để ý một điều là chúng chặt cây, đẽo gọt thật giỏi, thật nhanh. Một thân cây tròn cỡ thân người, loáng một cái đã vuông vức, láng coóng. Tôi mới suy nghĩ, để làm được chuyện này, với số tuổi còn nhỏ, tất nhiên do thói quen gắn với rừng, nhưng hơn hết là đầu óc biết tính toán, suy nghĩ nữa chứ. Tôi áp dụng ngay vụ đẽo cây để hướng dẫn các em cách giải một bài toán, làm một bài văn cùng các môn học khác, không theo những quy định bắt buộc: Bắt các em tự đặt câu hỏi và tự tìm câu trả lời, như kiểu ngồi lột từng mao bắp cho tới khi ló hột ra vậy. Lúc đầu, chúng thấy bối rối, bẽn lẽn. Sau quen dần. Khó khăn qua đi. Qua đi và thành công. Tôi mừng còn hơn bắt được hũ vàng, bởi các em hứng thú hơn trong việc học, chúng tự khám phá ra những điều thầy nêu lên, có khi cả thầy và trò cùng tham gia một cách đồng đẳng, như thể cùng học chung với nhau. May mà ba tháng nay không có bóng dáng Phòng, Sở nào về thanh tra. Chứ họ mà thấy kiểu dạy này chắc đuổi tôi ra khỏi trường ba mươi giây! Riêng tôi, tôi rất hài lòng vì mình đã thành công, làm cho chúng ham thích học tập hơn, ít vắng mặt hơn.

Mãi dông dài “thành tích” suýt nữa quên chuyện này. Thiệt ngộ. Khá bất ngờ. Số là khi quan sát các em khiêng cây, tôi mới để ý thấy những vòng kiềng đen quanh cổ chúng, nổi đậm đặc bên trên lớp mồ hôi nhễ nhại. Anh biết cái vòng gì không? Vòng kiềng đất! Khi ra tới bờ suối, tôi hỏi thằng Y Blin: “Em có thường tắm không?”. Nó hớn hở: “Dạ có, cô. Ngày nào em cũng tắm”. Tôi hiểu ra kiểu tắm của chúng là nhảy tòm xuống nước, ngoi như rái cá rồi leo lên. Chúng nhúng nước đó mà. Tôi để bụng và chủ nhật rồi lẳng lặng đèo chị Ngân ra chợ kêu ông thợ cắt tóc, mua mấy cục xà bông thơm và dầu gội, quay về lùa hết đám học sinh lớp tôi ra bờ suối, cắt gọn theo kiểu húi cua, con gái thì cắt “bom bê”. Tới đoạn lấy ráy tai, ông thợ cắt tóc kêu trời: “Tụi bay nhét bùn vào lỗ tai chi dữ vậy?”. Chúng ngó mặt nhau cười lỏn lẻn. Anh có thể tưởng tượng nổi không? Hăm bảy đứa, đủ cả năm tư cục bùn bằng đầu đũa. Ông thợ cắt tóc sắp ngay ngắn trên miếng lá ngái to rồi nói: “Tụi bay đem về cất làm kỷ niệm!”. Hèn chi mỗi khi tôi gọi Y Lin thì ngay lập tức thằng Y Blin đứng dậy, gọi Y Đoa thì Y Doãn trả lời, mới mở miệng: H’Ngung thì H’Nhung đứng lên làm rối tung cả lớp. Thiệt kinh khủng! Hễ cắt xong đứa nào là tôi và chị Ngân lôi đi gội đầu, lấy bọt đá ngay dưới suối chà xát từ cổ tới gót chân ngay. Lớp cáu ghét đó nếu không bị nước cuốn trôi, có thể gieo một rò cải nhỏ đó.

Cái vụ lùa đi cắt tóc, tắm gội lan sang các lớp khác thiệt nhanh và không phải đợi thầy cô nữa, chúng tự động vệ sinh. Tuần sau sạch sẽ hẳn. Vui không?

… ngày… tháng… năm…

Mấy tuần nay không đụng tới cây bút, tờ giấy chẳng phải không nhớ nhà, mà bởi hai tay mỏi nhừ. Tôi cũng phải khiêng vác với mọi người để dựng cho xong căn nhà. Chính xác hơn là nhờ thanh niên địa phương: Họ nhiệt tình đục đẽo, dựng cột, tra ngàm… chẳng mấy chốc sườn nhà cũng “sừng sững” phía sau trường. Họ lại đánh tranh, chẻ lạt rồi lợp, rồi trét vách. Tất cả đều một tay bọn họ với ông Thắng. Mấy cô chỉ hậu cần. Thoạt nghĩ cũng hơi giựt mình: Nếu không có mấy anh trai làng phụ giúp thì không biết đến bao giờ mới được nhìn thấy “ngôi nhà nhỏ lộng lẫy” giữa khu rừng trống hoác này. Ngôi nhà nằm dưới tán cây da đá, có nhiều rễ phụ thọc xuống đất, tha hồ chúng nô đùa. Nó chỉ cách trường chừng vài chục bước chân. Tôi nói nhỏ với ông Thắng: “Hay tụi em ra nhà mới còn các em ở với thầy?”. Ông Thắng suỵt: “Tầm bậy, các cô ở ngoài đó thú dữ vào bắt đi mất!”. Nghe nói “thú dữ” tôi xanh mặt, còn chị Hài thì bĩu môi: “Thằng chả sợ mất hơi tụi mình đó mà”. Tôi chợt hiểu, cười toe toét: “Thì chị ưng ổng đi. Ổng yêu chị quá mà?”. Chị Hài quay mặt: “Chuyện!”. Vì không thấy được mặt khi chị buông ra chữ “chuyện” cụt lủn, nên bí mật giữa hai người vẫn cứ treo lơ lửng ở đâu đó.

Anh hãy nghe đây. Chuyện này rất nghiêm túc: Khi nền nhà đã khô, vách đã cứng, mười bốn em hớn hở về nhà mới. Tất nhiên là có bữa tiệc nhỏ, cây nhà lá vườn. Và để tỏ lòng biết ơn địa phương, ông Thắng đi mời. Họ kéo đến đầy nhà, còn mang theo ché rượu, con gà, miếng khô. Đông, vui cứ như ngày hội. Nhưng sự thể chỉ khép lại tại chỗ này thì tròn trịa biết nhường nào. Đằng này, đêm cạn, tiệc tan, lúc mọi người lục tục ra về, đến đầu hồi trường, xế giếng nước, bổng lù lù một bóng người cao lớn. Hắn lên tiếng: “Cô đừng sợ. Tôi là Y Blách. Xin gửi cô chiếc vòng”. Nói và hắn dúi vào tay tôi chiếc vòng rồi chạy biến vào bóng trăng trải rộng trước mặt. Tôi tưởng tượng như đó là bức tượng đồng đen đang di chuyển.

Đêm dài, kéo theo những cảm giác dập dềnh trộn lẫn: bồn chồn, lo lắng, sợ hãi, thích thú, buồn tủi… Tất cả giống y chang những thứ trong lẩu thập cẩm đun mạnh lửa, nhào lộn như xiếc. Đêm dài vô cùng tận. Mắt lại mở trao tráo, hết xoay qua rồi lăn lại khiến chị Ngân hỏi nhỏ: “Gì vậy?”. Tôi giả bộ ú ớ như người mớ ngủ, nằm im. Nằm im và cố moi trí nhớ về anh chàng hồi tối, Y Blách, và lần tháo từng gút. Hắn vạm vỡ, bắp tay cuồn cuộn, nước da đồng thau, mái tóc bồng bềnh, nhất là đôi mắt khi nhìn ai như hút hết người ấy vào hai con ngươi. Nhớ rồi, tôi đã gặp anh ta lúc mới đặt chân lên đất này. Anh ta đã nắm tay tôi dắt lên cầu thang? Có lúc tôi cũng nghĩ bậy: Mang đặt hắn vào trong công viên, giữ làm của riêng, thì hẳn sẽ là một bức tượng tuyệt hảo để nhìn ngắm không biết chán! Còn trong công việc, mỗi khi vung chiếc rìu lên, cả người hắn cuộn lên những bắp thịt như vận động viên thể hình, như phình to ra. Những lúc đó tôi cứ sợ hắn sẽ nổ tung mất. Nhưng không phải vậy, chỉ có những thân gỗ là bị thu nhỏ dần theo ý muốn thôi…

Sáng thức dậy như người bị ốm, mặt mũi bơ phờ. Chiếc vòng tối qua tôi lén giấu vào đáy va li, không biết tạo từ chất gì, nặng. Và cũng không dám hé lộ ra. Chị Hài và Ngân mà biết được, chắc tôi chết mất! Anh cũng biết rồi. Ở xứ này, một khi người nam tặng vòng cho người nữ, sẽ đồng nghĩa với sự bày tỏ tình cảm và xa hơn chút là lời cầu hôn. Anh coi, có chết tôi không? Mà nếu trời đất xui khiến, tôi ưng hắn thì anh nghĩ sao?

…ngày… tháng… năm…

Mấy ngày nay trời mưa tầm tã. Nước chảy ầm ầm từ các con suối dồn về nhánh sông nhỏ phía dưới chân đồi, chảy cuồn cuộn, ngầu đỏ nom dễ sợ như màu máu. Những ruộng bắp, mía ở thung lũng phía trước ngập lút trong biển nước mênh mông. Nước cuồn cuộn. Học sinh nghỉ học gần hết, trừ mười bốn em ở trong căn nhà tập thể. Chị Ngân kêu năm nay mưa sớm, nên củi đun nấu không chuẩn bị sẵn. Vậy mà tụi nhỏ có sáng kiến, chờ ngớt mưa, chạy ra bìa rừng lôi củi ướt về rồi tháo bớt vạt mò o trên giường nằm, vừa nấu cơm, vừa hong khô. Nhờ có đống củi ướt vừa khô hong tiếp cho lớp khác nên tụi này không còn phải ngồi nhìn nồi cơm sống. Anh thấy chúng nó có thông minh không?

Tối lạnh thấu xương. Ban ngày thì không thấy mặt trời đâu cả, như thể đất trời dính liền lại một cục. Ước gì ngay bây giờ mưa tạnh, mặt trời ló lên để tôi có thể đứng trên đồi cao này ngóng về phương Nam, nơi có cha mẹ, anh chị và cả anh nữa. Khối tròn đỏ ối đó sẽ từ từ nhô lên mỗi sáng như quả cầu rực lửa nhớ mong, có lần làm tim tôi thắt lại nỗi nhớ về chốn cũ, bạn bè. Giờ thì nó chìm khuất sau lớp mây dày u ám. Gần Tết rồi.

Anh này, có kiểu mưa chi mưa lạ mưa lùng vậy? Mưa suốt ngày đêm. Mưa như cầm chĩnh mà trút! Nước ở nhánh sông dâng cao, tràn qua đường, gầm réo như muôn vạn thủy binh đi đánh Sơn Tinh ngày xưa. Mọi ngả đường ra trung tâm xã đều bị cắt đứt. Khu trường học giờ như một ốc đảo, thiệt dễ sợ! Gạo trong khạp bắt đầu khua sồn sột rồi. Cả mười tám con người quay sang chế độ cháo, ngày hai cữ. Để có thêm hương vị thì trộn thêm mì tôm vào cháo. Thầy trò sì sụp húp vừa khen ngon hơn bát cháo hành Thị Nở, vừa nghe mưa đập ầm ầm trên mái. Vui đáo để.

Nước chảy xiết, lém sân. Ông Thắng đội mưa, gom hết các em vào, chong đèn thức suốt đêm để canh nước. Chị Hài ôm chị Ngân khóc rấm rức, nói: “Mưa kiểu này chết mất!”. Chị Ngân nạt: “Nói bậy”. Đám học trò ngồi chóc ngóc, thì thào trên những chiếc bàn học kê khít… Không ai ngủ được. Ông Thắng kêu: “Mọi người cố gắng nhắm mắt để giữ sức. Có gì tôi gọi…”. Mặc cho ông Thắng bồn chồn, mưa vẫn tuôn, nước vẫn tiếp tục gầm siết. Tôi thiếp đi, để sáng ra ngồi ghi vội mấy chữ này, nghe mưa đổ mù trời đất vừa tả lại cơn mưa núi cho anh biết với…

…Nước lên nhanh quá. Hết đường ra trung tâm xã rồi…

*

Hai ngày sau cơn lũ kinh hoàng, toán cứu hộ mới tới được buôn H’Leo. Có anh chàng thanh niên bản địa xung phong hướng dẫn đoàn. Bùn đất ngập tới thắt lưng. Những thùng hàng như muốn nhấn lút họ xuống tầng sâu của sình như cháo hồ nhuyễn. Phải khó khăn lắm mới chuyển hết số hàng lên đỉnh gò cao của buôn. Ba bên bốn bề là cảnh tượng tan hoang. Họ dựng lều rồi vội vã chia nhau đi tìm kiếm…. Suốt buổi lội trong bùn sình nhưng không tìm thấy được dấu vết nào của sự sống. Người thanh niên, có vẻ như trưởng toán, buồn bã buột miệng: “Chẳng lẽ cả làng bị xóa trắng rồi sao?”.

Chiều thấp dần. Họ quay lại nơi dựng lều. Trên đường đi, thu nhặt được vài mẫu quần áo, chăn mùng quện chặt vào bùn, vướng trên những cành cây nghiêng ngã theo chiều nước cuốn. Qua bãi sình, chỗ có mấy bụi gai móc ó đưa cả bộ rễ lên trời, họ phát hiện chiếc va li vùi sâu giữa lùm rậm. Mọi người xắn xở dùng rựa, câu móc phát sạch, lôi chiếc va li ra, tiếp tục mò trong lớp bùn dày với hy vọng có thể tìm thấy người bị vùi lấp. Nhưng không có gì cả. Toàn bùn nhão nhoét. Bùn sình bám lên tận cổ, mặt mũi họ…

…Dưới ánh sáng leo lét của chiếc đèn bão, toán cứu hộ hồi hộp nhìn chăm chú theo bàn tay run rẩy của người trưởng toán. Chiếc va li được mở ra: một mớ quần áo lót và chai lọ của phụ nữ, một chiếc vòng bằng đồng và cuốn sổ nhật ký. Người thanh niên địa phương mặt tái đi khi nhìn thấy các đồ vật được bao bọc bỡi lớp bùn nhão. Anh lặng lẽ cầm chiếc vòng đồng đưa ra xa rồi xích lại gần tầm mắt. Một người khác dùng nước đóng chai rửa sạch quyển sổ rồi trao cho người trưởng toán. Anh cẩn thận gỡ từng trang và bắt đầu đọc cho mọi người cùng nghe. Ban đầu giọng còn vang, càng về sau càng run rẩy, nhỏ dần, như nghẹn lại. Nước mắt anh chảy dài xuống má, xuống cổ. Những tiếng sụt sịt nổi lên. Ngọn đèn bão chao lắc không đủ sáng soi rõ mặt mọi người. Đêm buông xuống thật sâu.

Nguyễn Lệ Uyên

(Tháng 5/2010)

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search