T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Một thóang quê hương

clip_image001

Quê hương vời vợi, mờ đôi mắt . . .

(Ngọc Phi)

1.

Dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, người bạn của tôi làm công tác giảng dạy ở một trường đại học bên Mỹ, có dịp ghé qua vài thành phố lớn ở miền Bắc Việt Nam như Hà Nội, Hải Phòng trong một chương trình hợp tác giáo dục. Nhận xét đầu tiên là chị chỉ cảm nhận được không khí Giáng sinh ở các cửa hàng mua sắm qua cách thức trang trí bắt chước theo Tây phương. Các siêu thị, các ngân hàng, tiệm ăn sang trọng đều có cây thông trang trí đầy mầu sắc dựng ngay lối ra vào, bên cạnh đó thỉnh thỏang lại xuất hiện công chúa Tuyết hoặc ông gìa Noel với trang phục đầy đủ từ mũ nón, giầy cho tới bộ trang phục đỏ chói dầy cộm. Nhưng, theo chị, cái không khí linh thiêng thường thấy trong những dịp lễ hội như thế này ở nước ngòai hòan tòan vắng bóng nơi đây. Dưới con mắt chị, một người xa quê hương nhiều năm, những kiểu bắt chước như vậy thường chỉ gây cảm gíac xa lạ, trong khi lẽ ra nó phải gợi lên sự quen thuộc, ấm cúng, vì dù sao đây cũng là thành phố chị đã mở mắt chào đời. Thậm chí chị cũng cảm thấy nó không giống với hình ảnh Hà Nội, Hải Phòng mà chị có dịp được biết đến qua văn chương, qua thơ nhạc do chính người Hà Nội, Hải Phòng sáng tác. Một chi tiết lý thú khác nữa mà người bạn tôi kể lại với một giọng bùi ngùi là vị khoa trưởng trường đại học nơi chị có cơ hội tiếp xúc, đã nhận xét rằng giọng nói Hà Nội của chị còn chuẩn hơn cả người Hà Nội chính tông, dù chị đã rời nơi sinh nhau cắt rốn từ dạo 1954, năm mà cả triệu người miền Bắc di cư vào Nam tránh nạn cộng sản, cộng thêm với hơn 25 năm sinh sống ngòai đất nước. Sự khác biệt khá ngạc nhiên ấy không chỉ ở giọng nói, mà còn ở cung cách ăn nói, giao tế, những cử chỉ biểu lộ trong khi mạn đàm. Chẳng trách gì nhiều người Hà Nội ngày xưa than thở rằng dân Hà Nội bây giờ không còn mấy người giữ được nét thanh lịch rất đặc trưng của người Hà Nội, tuy mang màu sắc phương Tây trong cách ăn mặc nhưng lại không làm mất đi cái cốt cách mang bề dày lịch sử một ngàn năm văn vật phảng phất trong từng bước đi, dáng đứng, nụ cười và những câu đối thọai văn vẻ. Có lẽ, như người bạn của tôi lạc lõng trên những đường phố quê hương một ngày cuối năm, chúng ta chỉ còn nhớ về Hà Nội năm xưa bằng câu thơ của Quang Dũng. Mắt trừng gởi mộng qua biên giới. Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. (Tây Tiến).

Nhân câu chuyện của người bạn kể về Hà Nội, một trong hai thành phố lớn và có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Việt Nam, tôi lại nhớ đến một câu chuyện khác về Hà Nội, do một gíao sư xã hội học người Mỹ kể lại, khi ông ghé thăm Hà Nội hồi giữa năm ngóai.

Ông kể rằng, có hôm ông đi trên đường phố Hà Nội, gặp một nhóm nữ sinh trong đồng phục đi học. Một cô gái trong nhóm cất tiếng vui vẻ chào ông bằng Anh ngữ “Hi, See you later!”. Có lẽ, cô gái muốn thực tập tiếng Anh của mình khi nhận ra khách bộ hành là người Mỹ. Vị gíao sư xã hội học chợt cay đắng nhận ra rằng, trước đây, người Mỹ không hề được đón chào bằng một cung cách thân thiện như thế ở Việt nam, nhất là thành phố Hà Nội. Cuộc chiến tranh ở xứ sở này đã lôi kéo người Mỹ dính líu vào nó trong khỏang thời gian gần 10 năm, với 58 ngàn lính Mỹ tử trận, để rồi cuộc xung đột ấy đã kết thúc với phần thua về phía người Mỹ.

Như một mỉa mai của lịch sử, ba thập niên trước, người Mỹ đã thua trong cuộc xung đột quân sự, nhưng ngày nay họ đã thắng trong cuộc xung đội văn hóa. Vị giáo sư nhìn thấy những sản phẩm mang đặc thù Mỹ như phim ảnh, âm nhạc, phong cách ăn mặc đang thống lĩnh thị trường Việt nam, trong khi đó những gì liên quan đến Trung quốc hay Nga, vốn gần gủi Việt Nam hơn các quốc gia tư bản, kể cả về địa lý lẫn ý thức hệ, đã không có dấu ấn nào đáng kể, nhất là về lãnh vực nghệ thuật và ngôn ngữ. Người Việt nam hiện nay mơ đến việc đi du lịch những thành phố Los Angeles, New York của Mỹ, chứ không phải Beijing của Trung quốc hay Moscow của Nga.

Việc Việt nam được chấp thuận cho gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã giúp đẩy mạnh hơn tốc độ phát triển của xứ sở này. Các nhóm đầu tư nước ngòai đang háo hức thăm dò thị trường về nhiều lãnh vực, tiếp tay cải tạo hình ảnh một quốc gia kiệt quệ vì chiến tranh nay đang khoe khoang sẽ trở thành một trong những quốc gia ổn định và phát triển nhanh nhất châu Á. Dưới con mắt vị giáo sư người Mỹ, tuy dấu vết của sự nghèo khổ vẫn còn dễ dàng nhìn thấy ở cả nông thôn lẫn thành thị, nhưng cuộc sống người dân đã cải tiến vượt bậc. Ông nhìn thấy, nhiều năm trước, chiếc xe đạp là phương tiện giao thông phổ biến nhất trên những đường phố, nay chúng đã được thay thế bằng những chiếc xe gắn máy phun khói mù mịt khắp nơi. Xe hơi chưa xuất hiện nhiều, nhưng theo ông, rồi đây sẽ có rất nhiều xe hơi, kéo theo nạn ô nhiễm môi trường, một cái gía không thể tránh khỏi cho sự phát triển.

Vị giáo sư người Mỹ còn kể lại một chi tiết khác khá “lý thú” khi ông ghé Đà Nẵng, nơi mà tháng 3 năm 1965, những đơn vị lính Mỹ đầu tiên đã đổ bộ trên mảnh đất Việt Nam, và cũng do có nhiều đơn vị Mỹ trấn đóng ở đây, mà Đà Nẵng nhanh chóng trở thành thành phố “hiện đại” thứ hai sau Sài Gòn. Khi ông đang đi dạo trên đường phố Đà Nẵng một buổi chiều, có cô gái gái trẻ tinh nghịch đến vỗ vào cánh tay để trần của ông, rồi bỏ chạy với tiếng cười vang thích thú. Ông nghĩ rằng, có lẽ 40 năm trước, mẹ của cô gái tinh nghịch ấy cũng đã làm quen với một anh lính Thủy quân lục chiến Mỹ bằng một cung cách tương tự.

Câu chuyện cuộc thăm viếng Việt Nam của vị giáo sư xã hội học người Mỹ được ông kết thúc bằng một sự kiện mà ông, sau đó, đã tỏ ra hối tiếc. Trong khi ông đang uể ỏai vì nóng và bụi bậm giữa khu phố đông người ngay trung tâm Sài Gòn, một cô gái nhìn thấy cây viết chì màu vàng trên túi áo của ông, đã ngỏ ý xin ông cây viết ấy “để dùng vào việc học”. Bất ngờ bởi sự đường đột của cô gái, và nhất là vẫn chưa tin lắm vào sự thân thiện của người Việt Nam với người Mỹ, vị giáo sư từ chối và vội vã bỏ đi. Ngay tức khắc, ông hối tiếc cho phản ứng của mình, nhưng cô gái đã biến mất giữa đám đông người qua lại. Ông tin rằng mình đã bỏ lỡ một cơ hội bằng vàng để giúp thúc đẩy nhanh hơn tiến trình thân thiện hóa quan hệ giữa hai quốc gia Việt Mỹ. Cô gái ấy có thể sẽ đem khoe với bạn bè, hàng xóm, thân nhân của mình rằng “một người Mỹ rất dễ thương” đã tặng cô cây bút chì nhỏ nhoi ấy.

2.

Cuộc sống của người dân trong nước đã thay đổi đáng kể trong thời gian 10 năm trở lại đây. Điều đó không có gì ngạc nhiên. Hơn 30 năm sau khi cuộc chiến chấm dứt, sự thay đổi ấy phải kể là chậm chạp . Lẽ ra, không phải đợi đến đầu thế kỷ 21, người ta mới ghi nhận được những thay đổi quan trọng trong mức sống của người dân trong nước. Đó là chưa kể một trong những nguyên nhân chính giúp cho sự thay đổi tốt đẹp ấy là số ngọai tệ hơn 4 tỷ Mỹ kim hàng năm ngừơi Việt hải ngọai gởi về giúp đỡ thân nhân. Những năm 1990s, nguồn ngọai tệ ấy đóng vai trò sống còn trong việc vực dậy một nền kinh tế suy thoái, xơ cứng, kiệt quệ trầm trọng vì giáo điều và chính sách triệt tiêu giai cấp vừa ngu xuẩn vừa không tưởng của nhà cầm quyền cộng sản. Chỉ đến khi ấy, họ mới mở mắt để thấy rằng phải đổi mới hay là mất quyền lãnh đạo. Bỏ qua một bên những hà khắc về chính trị vẫn còn ngự trị trong sinh họat đất nước, những cởi mở về kinh tế, về các lãnh vực sinh họat văn hóa xã hội đã thực sự góp phần tạo nên hình ảnh mà vị giáo sư xã hội học người Mỹ đã tai nghe mắt thấy nơi mảnh đất hơn 30 năm trước là nơi 58 ngàn chiến binh Mỹ bỏ mình. Đọc câu chuyện ông kể lại về cuộc viếng thăm đất nước Việt Nam của mình, tôi không khỏi có ý nghĩ ông giáo sư định dùng câu chuyện để xác định lại kẻ thắng người thua trong mối quan hệ giữa người Mỹ và người Việt, hay đúng hơn, trong quan hệ chính thức giữa nước Mỹ và nước Việt Nam (cộng sản). Ông so sánh ảnh hưởng của văn hóa Mỹ trên cung cách sinh sống của người Việt trong nước hiện nay với ảnh hưởng của hai đồng minh quan trọng nhất của Việt Nam (cộng sản) trước đây trong cuộc chiến tranh quốc cộng, để nói về ưu thế của ngôn ngữ Mỹ (tiếng Anh), ưu thế của quần áo, đồ đạc tiêu dùng, của sản phẩm văn hóa như phim ảnh, âm nhạc v..v.. Và cũng giống như lối suy nghĩ của các chính phủ Mỹ, vị giáo sư đại học nghĩ đến việc “cho” một món quà vật chất (như cây viết chì) để chinh phục cảm tình của người dân các quốc gia nghèo hơn mình. Hơn 50 năm trước, từ những ngày theo cha mẹ bước chân xuống chiếc tàu há mồm di cư vào Nam, tôi đã thấy và vẫn còn nhớ hình ảnh những món đồ Mỹ viện trợ có in hình hai bàn tay đan chặt vào nhau theo nghĩa hữu nghị. Tôi không nhớ là mình có chạy theo một người Mỹ nào đó để nói “OK salem” rồi chìa tay nhận thỏi kẹo Mỹ hay không, cũng như tôi không chắc có cô gái Việt nào làm quen với lính Mỹ hơn 40 năm trước ở Đà Nẵng bằng cách đưa tay rờ vào người anh ta hay không, nhưng tôi vẫn có thể tin chắc một điều là anh lính Mỹ viễn chinh ngày nào, hay ông giáo sư đại học người Mỹ (phản chiến hay không phản chiến) bây giờ và nhiều các chính phủ Hoa Kỳ nối tiếp nhau từ Dân chủ cho tới Cộng Hòa đều có cùng một lối suy nghĩ khi cúi xuống nhìn các quốc gia đang phát triển.

3.

Cùng một khung cảnh trên đường phố, nhưng mỗi người sẽ nhìn bằng cặp mắt khác nhau, và tất nhiên, sẽ có những cảm nhận khác nhau. Người bạn của tôi, cũng làm công việc giảng dậy ở đại học như ông ông giáo sư xã hội học người Mỹ, cũng cùng xuất thân từ một mái trường (đại học) Mỹ, nhưng họ đã nhìn sự việc bằng những con mắt khác nhau. Cái khác nhau ấy hình như đến từ quá khứ của chính họ và cả quá khứ của đất nước họ.

Người bạn của tôi rời Hà Nội vì nạn cộng sản, rồi cũng vì nạn cộng sản chị lại phải bỏ quê hương một lần nữa để định cư ở ngòai đất nước. Chị có dịp trở về lại nơi chôn nhau cắt rốn, là để tìm lại những hình ảnh cũ. Nay những hình ảnh cũ không còn nữa, nhưng thay vào đó lại là sự mô phỏng rập khuôn những gì đã qúa quen thuộc với chị ở ngòai đất nước, nó không mang tầm vóc mà lẽ ra nó phải đạt tới từ lâu rồi, chứ không phải mãi lẹt đẹt ở giai đọan bắt chước, mô phỏng kệch cỡm như thế này. Người ta có thể mô phỏng, bắt chước hình dáng bên ngòai, nhưng người ta không thể “bắt” được cái hồn bên trong. Vì thế, người bạn của tôi không cảm được cái không khí linh thiêng của lễ hội giáng sinh những ngày đặt chân trở về quê hương. Điều mỉa mai nữa là chính chị, ngừơi xa quê hương lâu ngày, lại là người còn giữ được cái tinh túy của âm hưởng giọng nói Hà Nội, trong khi có thể có những người Hà Nội chính tông đã đánh mất .

Vị giáo sư người Mỹ, ghé thăm Việt nam như một người khách cỡi ngựa xem hoa, nhưng mang mặc cảm của cuộc chiến tranh hơn 30 năm trước. Qua những gì ông tai nghe mắt thấy, mặc cảm của ông với tư cách một người Mỹ bị xóa bỏ. Những đổi thay trong mọi lãnh vực quan trọng nhất của đời sống nơi đất nước này khiến ông vui lòng. Chúng mang đặc thù Mỹ trong mọi đường đi nước bước. Người dân Việt nam lại nhìn về người Mỹ như những anh khổng lồ giàu có, hào phóng, dễ thương. Ít nhất là ông giáo sư người Mỹ tin như vậy khi nhận lời chào thân thiện của cô gái trẻ với câu nói tiếng Anh bập bẹ. Sự tin tưởng dễ dãi đến độ ông nghĩ rằng, chỉ với cây viết chì nhỏ mọn làm quà là ông sẽ có thể chinh phục được mọi người.

Dù sao, đất nước cũng đã đổi thay, không còn ảm đạm như 30 năm trước, 20 năm hay 10 năm trước nữa. Cùng với sự phụ trợ đắc lực của các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại, thế giới ngày càng tiến gần đến giai đọan tòan cầu hóa. Những giao lưu văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế xảy ra với tốc độ rất nhanh, khiến cho nhiều nền văn hóa đã không tự chuẩn bị kịp để đối phó với những thay đổi quan trọng, có khả năng làm lung lay đến tận nền tảng những nền văn hóa ấy, dù chúng đã được bồi đắp và gìn giữ từ nhiều ngàn năm. Trong dòng biến chuyển đầy ngọan mục ấy, nước Việt Nam không thể không bị lôi cuốn theo, dù chế độ chính trị vẫn là độc tài tòan trị. Trong ý nghĩa đó, tôi nhìn về đất nước với hy vọng về những đổi thay mang tính tích cực, dù chỉ là sự mô phỏng, dù mang đầy đặc thù Mỹ trên mọi khía cạnh của cuộc sống, nhưng như thế vẫn còn hơn là cứ trì trệ, lẹt đẹt mãi.

Tháng 1-2008

© T.Vấn 2008

Bài Mới Nhất
Search