T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Lại . . . thắt lưng buộc bụng

clip_image001

1.

Mười mấy năm trước, đến Mỹ với hai bàn tay trắng (chưa kể một món nợ hứa sẽ trả khi đã ổn định cuộc sống và có việc làm), tôi ở tâm trạng sẵn sàng chịu đựng mọi cực khổ để bắt đầu lại đời mình. Lúc ấy, với công việc lao động nhọc nhằn, đồng lương ở mức tối thiểu, lái chiếc xe cũ kỹ, ở nhà mướn thuộc lọai rẻ tiền, thiếu thốn tiện nghi, nhưng tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì không phải lo chạy gạo ngày hai bữa, không phải lo khi bệnh họan không có tiền mua thuốc, và những nhu cầu nhỏ nhặt hàng ngày đều được thỏa mãn một cách thỏai mái. Tâm trạng đó là tâm trạng của kẻ thiếu ăn, thiếu mặc lâu ngày, nay chỉ cần chút nước mắm chan vào chén cơm cũng đã thấy ngon, mặc được chiếc áo lành cũng đã thấy mình trở nên “giàu có”.

Mỗi ngày qua đi¸tôi quen dần với sự dễ dãi của cuộc sống (xứ Mỹ). Những nhu cầu đã ngày một tăng đáng kể, bao gồm những thứ nhu cầu thiết thực cũng như những thứ không nhất thiết phải thỏa mãn. Ở một nghĩa tích cực nhất, đó là sự thăng hoa của cuộc sống. Khi mà xã hội đã cung cấp cho con người những nhu cầu cơ bản nhất, thì chính sự sản sinh thêm những nhu cầu trên (hay ngòai) những nhu cầu không thể thiếu ấy có tác dụng đẩy xã hội lên cao hơn nữa, để tiếp tục phục vụ con người. Đến lúc này, những khái niệm ăn no, mặc ấm đã mặc nhiên biến mất. Chỉ còn lại là làm thế nào để có thức ăn ngon, quần áo đẹp và thỏai mái, chiếc xe di chuyển có đầy đủ tiện nghi khi cần, căn nhà ở đáp ứng đúng tiêu chuẩn đẹp, thóang, rộng rãi, tiện nghi v..v..

Tôi tin rằng, hầu hết những người Việt Nam xa xứ, định cư trên đất Mỹ lâu năm đều có chung một nhịp độ đều đặn trong sự vươn lên về mặt vật chất của cuộc sống, như tôi.

2.

Chúng ta, cùng với hàng trăm triệu người dân Mỹ (và có lẽ cả hàng tỉ người khác trên thế giới) hiện phải đương đầu với một cuộc khủng hỏang kinh tế trầm trọng nhất kể từ năm 1929 khi Đệ Nhất thế Chiến chấm dứt đến nay. Kinh tế suy thóai, dẫn đến không có việc làm. Mất việc, đó là cơn ác mộng khủng khiếp nhất làm chúng ta lo sợ. Đã đành ở Mỹ , và phần lớn các quốc gia phát triển trên thế giới, người bị mất việc làm đều được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong một thời gian quy định bởi luật lao động (của từng thời kỳ). Nhưng, với một số (đông) người, tiền trợ cấp thất nghiệp không đủ để trang trải các chi phí hàng tháng bao gồm tiền nợ nhà, nợ xe, nợ thẻ tín dụng và các nhu cầu đã trở thành thiết thân khác (điện thọai di động, Internet, Cable hay DirectTV, v..v..).

Cái lo hầu như hòan tòan không ở cái Ăn. Ít nhất là ở giai đọan hiện tại.

Cái lo của người mất việc nằm ở chỗ mà mười mấy năm, hai mươi mấy năm trước, người Việt Nam chúng ta, không nghĩ đến. Đó là bảo hiểm sức khỏe cho những đứa con nhỏ, cho người lớn tuổi trong gia đình phải đi khám bệnh, uống thuốc định kỳ. Mất việc, tiền bảo phí (premium) sẽ tăng lên gấp nhiều lần (vì hãng sẽ không trả bù nữa). Đó là việc phải từ bỏ những tiện nghi hàng ngày về nhà ở, đi lại, giải trí mà bao nhiêu năm nay chúng ta đã quá quen thuộc.

Ở những người lớn tuổi (như tôi), cái lo còn nằm ở ngày mai, liệu có còn cơ hội nhận được công việc làm vừa với khả năng, đồng lương tương đối dễ chịu và quỹ hưu bổng còn kịp hồi sức để đủ trang trải những năm cuối đời dưỡng già một cách thanh thản, không lo nghĩ, không mặc cảm nhờ vả con cái.

3.

Những giới chức kinh tế  (nước Mỹ) đã chỉ đích danh những nguyên nhân gây nên cuộc khủng hỏang hiện nay. Một trong những nguyên nhân đó là lòng tham không đáy của các vị chủ ngân hàng, khiến người tiêu thụ trở thành những con nợ.

Nợ là một khái niệm quen thuộc và rất đỗi bình thường trong xã hội tiêu thụ, và cũng là hình thái phát triển song song với sự phát triển của kinh tế. Nhưng nợ  ở mức có khả năng hòan trả một cách bình thường thì đó là món nợ có tác dụng tích cực, cho cả xã hội lẫn người đi vay. Nợ ở mức trên khả năng hòan trả, hay ở mức hòan trả bằng những cố gắng không bình thường, thi khi ấy, nợ gây nên tai họa, trước hết là cho người đi vay.

Không may, con mắt chúng ta lớn hơn cái túi tiền của mình. Chúng ta đã quen với việc thỏa mãn những ước muốn (desires) chứ không chỉ dừng lại ở chỗ thỏa mãn những nhu cầu (needs). Những vị chủ ngân hàng, tuy có tham lam, nhưng họ không thể bắt ép người tiêu thụ phải ký những món nợ ngòai khả năng chi trả. Chính người tiêu thụ, do sự dễ dãi của cuộc sống, đã tự mang thêm những món nợ lên vai mình. Chúng ta tiêu xài, trong khi lẽ ra, cần phải để dành. Chúng ta mua những món hàng (nhà cửa, xe cộ . . .) mà về lâu dài, chưa chắc chúng ta có khả năng chi trả. Chúng ta duy trì một lối sống (lifestyle) chưa hẳn đã phù hợp với sự mong muốn thực sự. Ở nhiều trường hợp, chỉ là kết quả của sự đua đòi, làm dáng, hoặc thậm chí, khoe khoang. Và khi nguồn cung cấp lợi tức để thỏa mãn những nhu cầu ấy không còn nữa, chúng ta lâm vào một sự khủng hỏang còn trầm trọng hơn cả sự khủng hỏang của xã hội, vì nó còn kéo theo cả sự suy sụp tâm lý, khiến có người đã có những quyết định hết sức đau lòng liên quan đến gia đình mình, như có người đã giết con, giết vợ rồi tự tử theo vì mất việc, lâm cảnh nợ nần chống chất mà không thể hòan trả.

4.

Theo con số thống kê của một cơ quan chấm điểm tín dụng (Credit Score), một người Mỹ trung bình có món nợ là $16,653. Con số này chỉ là nợ tiêu dùng qua việc sử dụng những lọai thẻ tín dụng, thẻ chợ, chứ chưa tính đến nợ mua nhà (mortgages). Năm 2008, Quỹ Dự Trữ Liên bang Hoa Kỳ báo cáo con số nợ thẻ tín dụng tòan nước Mỹ là Hai ngàn Năm Trăm Năm Mươi Tỉ Mỹ Kim ($2.55 trillion) tính đến cuối năm 2007, so sánh với $2.42 trillion của năm 2006.

Tự nó, con số nói lên được nhiều điều.

Trước hết, về những con nợ, những người tiêu thụ. Nợ, thay vì là phương tiện giúp người ta thỏa mãn những nhu cầu của đời sống, nay vì bị lạm dụng, đã quay trở lại khống chế người tiêu thụ. Họ chết đuối ngay trong biển nợ mà mình gây ra.

Kế đến, về những chủ nợ, những ông chủ ngân hàng với mức lương vài triệu một năm cùng những bữa tiệc xa xỉ. Có lẽ họ không nhìn thấy được viễn tượng một ngày mà những con nợ không còn khả năng chi trả nữa nên buộc phải quỵt nợ, thì những kho chứa tiền trống rỗng của ngân hàng cũng thành vô dụng. Tiền đã  nằm ở những căn nhà bỏ hoang vì chủ nhà đã bị buộc dọn ra khỏi nhà do không thể gởi tiền trả hàng tháng cho ngân hàng. Tiền đã nằm ở những chiếc xe đắt tiền nhưng đã bị chất đống cho hoen rỉ ở những nhà chứa xe không có cả mái che, chủ nhân của chúng đã phải để mặc cho ngân hàng giữ thẻ chủ quyền. Tiền đã nằm ở những món hàng mua sale ở  các chợ để nằm mốc meo trong nhà kho, trong nhà chứa xe, trong các tủ đựng quần áo, tủ chứa giầy . . .

Chỉ số đầu tư hàng ngày lên xuống thất thường,nhưng xuống nhiều hơn là đi lên, cho thấy các chứng khóan đang ngày càng mất giá. Sự mất giá ấy có thể do kết quả của sự sai lầm trong đánh giá thị trường của các chuyên viên kinh tế, nhưng mặt khác, chính chúng ta, người tiêu thụ, cũng đã tự mình làm mất giá những món hàng không cần thiết mua rồi bỏ xó để rồi hàng tháng phải trả thêm khỏan tiền lời cho thẻ tín dụng. Món hàng mua về không dùng đến đã khiến giá trị sử dụng của chúng biến thành số không, nhưng lại phải trả với giá không rẻ.

Thị trường điện thọai di động là một khía cạnh khác của tâm lý tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi mạng lưới quảng cáo tinh vi. Trung bình, một người Mỹ thay thế điện thọai trong khỏang thời gian 16 tháng. Thay điện thọai mới không phải vì cái cũ đã quá cũ, không còn xài được nữa hay đã bị hư hỏng. Thay vì cái cũ đã không còn hợp thời nữa, vì cái mới quá đẹp với những chức năng mới. Nhưng điều cần nói là điện thọai mới có những chức năng mà không phải ai cũng cần đến hàng ngày, không phải ai cũng biết sử dụng một cách thành thạo. Xét cho cùng, người ta cần đến cái điện thọai để liên lạc khi hữu sự, bằng lời nói hay chữ viết (text message). Ngòai ra, mọi công dụng khác đến từ điện thọai là không cần thiết. Kết quả, người tiêu thụ tự làm mất giá đồng tiền của mình bằng cách trả cho những thứ mà mình không xài đến. Công bằng mà nói, nhờ tâm lý tiêu thụ dễ dãi ấy, mà thị trường điện thọai di động là thị trường phát triển nhanh và rộng nhất trên tòan thế giới, một thị trường cho đến nay vẫn chưa nhìn thấy biên giới buộc nó phải ngừng lại.

5.

Đã lâu lắm rồi, tôi không còn được nghe nói đến hay nhìn thấy những con heo (bằng đất hay bằng nhựa cứng) để dành tiền. Đã qua rồi cái thời người ta cần để dành tiền phòng khi hữu sự hay để mua một   món đồ đắt gía chăng?  Hay có lẽ vì sống ở nước Mỹ, khi đi làm được khuyến khích để dành tiền lo cho ngày về hưu. Chủ hãng khuyến khích bằng cách hứa sẽ ứng vào quỹ hưu của nhân viên một tỉ lệ tương ứng với số tiền người nhân viên ấy bỏ vào. Chính phủ khuyến khích bằng cách tạm thời không đánh thuế số tiền người đi làm bỏ vào quỹ hưu. Thậm chí, ở những người có thu nhập thấp, nếu vẫn cố gắng cắt ra một phần thu nhập ít ỏi của mình cho vào quỹ hưu, họ còn được chính phủ thưởng thêm một số tiền khích lệ.

Nhiều năm làm việc bán thời gian cho một công ty khai thuế cho cá nhân, tôi đã ngạc nhiên khi thấy tỉ lệ người Mỹ để dành tiền cho quỹ hưu bổng không cao như tôi tưởng. Hỏi, thì được trả lời hiện tại họ không có khả năng để dành. Khi tôi nhấn mạnh đến những điểm lợi khi chỉ cố gắng bỏ ra một số tiền rất nhỏ ở mỗi kỳ lương vào quỹ, sự thờ ơ của họ khiến tôi lại càng thêm ngạc nhiên. Ngược lại, họ lại tỏ ra rất hào phóng trong việc chấp nhận một  lệ phí khá cao cho việc được lãnh tiền thuế trả dư (refund) nhanh chóng. Cái cách họ đối xử những đồng tiền thuế trả dư này, như là từ trên trời rơi xuống, chứ không phải là những đồng tiền do chính họ làm ra trong suốt một năm dài vất vả.

Từ đó, tôi liên tưởng đến những con heo đất của ngày xưa, và những tấm thẻ tín dụng (credit card) bây giờ. Tiền trong con heo đất là tiền của mình để dành đủ rồi mới dám mua món đồ mình mong muốn. Tiền trong tấm thẻ tín dụng là tiền của người khác, mình vay để mua món đồ mình muốn bây giờ rồi sẽ trả lại sau. Cái nào hay hơn cái nào, cũng thật khó so sánh. Nhưng mà tôi tin rằng, do ở cuộc sống ngày càng thăng tiến về mọi mặt, nên cái náo nức vui thích khi đem về nhà chiếc xe hơi mới tinh cũng chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh so với ngày xưa khi ngồi xuống mâm cơm thấy có đĩa thịt gà luộc thơm phức. Tấm thẻ tín dụng có khả năng đem những thứ mơ ước  ở ngòai tầm tay đến với người ta nhanh gấp nhiều lần con heo đất.

Đó có thể là kết quả tích cực của một xã hội tiêu thụ dựa trên tín dụng mà hiện tại đang vượt qúa giới hạn của chính mình để đi vào ngõ cụt. Cả hai bên, người tiêu thụ và chủ ngân hàng, đã đánh mất khả năng tự chế cần thiết: Người tiêu thụ tiêu thụ quá khả năng chi trả; Người cho vay cho vay quá khả năng cho vay.

Từ đó, dẫn xã hội đến một tình trạng đáng lo ngại là không có khả năng để dành trong một thời gian dài vì nợ nần chồng chất. Và cái ý tưởng quay trở lại con heo đất ngày xưa không phải chỉ là câu chuyện nói cho vui.

6.

Xứ đạo nơi gia đình tôi tham dự lễ mỗi chủ nhật hiện đang phải khẩn thiết đối phó với  vấn đề đóng góp tài chánh của giáo dân cho xứ đạo ngày càng giảm sút trầm trọng vì tình trạng khủng hỏang kinh tế, hãng xưởng thiếu việc làm, người người thất nghiệp. Nhiều dịch vụ phục vụ giáo dân đã phải bị hủy bỏ, hoặc cắt giảm. Từ ngày xứ đạo thành lập, đây là lần đầu tiên mọi người chứng kiến một tình trạng “khủng hỏang” gây tác động tâm lý khá nặng nề. Trong một buổi đàm luận về vấn đề này, vị linh mục quản nhiệm bầy tỏ ý kiến rằng người Việt Nam chúng ta có lẽ sẽ dễ dàng đối phó với sự khó khăn hiện nay hơn là người Mỹ bản xứ. Khi nói vậy, ông dựa vào sự hiểu biết của mình về một quá khứ gian khổ mà rất nhiều người Việt nam trong xứ đạo của ông đã từng trải qua. Theo ông, ít nhất chúng ta đã có kinh nghiệm hơn, và một tâm lý được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn .

Tỉ lệ chính xác trong nhận định của một vị linh mục người Mỹ  (về khả năng đối phó của người Việt nam sống trên đất Mỹ trước tình hình kinh tế bi quan hiện nay) ở mức độ nào, quả thực, tôi không dám “liều mạng” đóan mò. Nếu tình hình này xảy ra mấy mươi năm trước, khi cộng đồng non trẻ người Việt còn đang mang tâm trạng chấp nhận tất cả để làm lại cuộc đời thì câu trả lời rất dễ. Nhưng bây giờ, khi hầu hết lớp di dân đầu tiên đã ổn định, đã ở giai đọan sẵn sàng “về hưu“, đã ít nhiều bị “hư hỏng” vì sự dễ dãi của cuộc sống một xã hội phát triển nhất thế giới, thì lời “tán tụng” của vị linh mục người Mỹ có lẽ chỉ mang tác dụng “vuốt ve lòng tự hào dân tộc” hơn là củng cố thêm quyết tâm “thắt lưng buộc bụng“, cái khái niệm ngày càng trở nên mờ nhạt  trong tâm trí lớp người di dân Việt Nam lâu đời trên xứ người.

T.Vấn

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search