T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nhân “Trường hợp Võ Phiến“ bàn về “Trường hợp Thu Tứ“

clip_image002

Mấy ngày qua, dư luận văn học hải ngọai (và trong nước) khá xôn xao về một bài viết mang tên “trường hợp Võ Phiến”, mà tác giả bài viết – Thu Tứ – chính là người con của nhà văn Võ Phiến, tên thật là Đòan Thế Phúc. Theo tác giả Kiều Phong tức nhà văn Lê tất Điều), một người có mối quan hệ cá nhân khá mật thiết với gia đình nhà văn Võ Phiến, thì ông Phúc là “con trai thứ nhà văn Võ Phiến. Anh được cha mẹ và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cho đi du học từ nhỏ, trở thành một khoa học gia ở Mỹ. Anh là nhà văn có tài.) (KIỀU PHONG – NHỮNG SAI LẦM TRONG BÀI “TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN” CỦA THU TỨ)

Thú thực, là người theo dõi khá chặt chẽ mọi sinh họat văn hóa văn nghệ trong và ngòai nước, kể cả từ trước năm 1975, đây là lần đầu tiên tôi nghe đến cái tên Thu Tứ, nên tôi chưa hề có dịp đọc “nhà văn có tài” Thu Tứ, xem ông viết những cái gì.

Nhưng nay, qua bài viết dẫn thượng, được đăng tải trên trang Web của Thu Tứ (Gocnhin.net, trang web mà một cây bút trẻ của TV&BH trước đây tình cờ bắt gặp trong lúc lang thang thế giới ảo đã tưởng là trang web của một tổ chức chính quyền Cộng sản nào đó trong nước bởi nội dung của nó đặc sệt luận điệu tuyên truyền cho chủ nghĩa CS) và sau đó được chạy tít lớn trên trang bìa của tờ báo Văn Nghệ (thành phố HCM) số 320 phát hành ở Việt Nam, tôi (và một số bạn bè của mình) đã được thưởng thức “văn tài” của một người sinh ra ở miền Nam, may mắn có cha là viên chức của chính quyền miền Nam, nên có điều kiện đi du học nước ngòai, tránh khỏi việc bị lôi cuốn vào guồng máy chiến tranh tàn bạo mà không một con dân, trai tráng miền Nam nào (và có thể kể thêm cả miền Bắc) mong muốn trở thành một phần trong cuộc tắm máu tàn nhẫn nhất lịch sử cận đại ấy.

clip_image003

Vậy, bài “Trường hợp Võ Phiến” của Thu Tứ viết về cái gì?

Có lẽ phần mở đầu bài viết này nói lên rõ ràng ý đồ của tác giả:

Chúng tôi vô cùng bất đắc dĩ mới lên tiếng

Chẳng ai muốn đi chỉ ra cái sai của người đẻ ra mình!

Chúng tôi làm việc này vì vừa được biết một tổ chức phi chính quyền trong nước đang có kế hoạch tích cực phổ biến những tác phẩm Võ Phiến chứa nội dung chính trị sai lầm. E rằng việc làm của họ có thể khiến một số người đọc hoang mang, hại đoàn kết dân tộc, chúng tôi quyết định tự mình phản bác nội dung này.

Chúng tôi cảm thấy có một chút trách nhiệm về việc làm nói trên của tổ chức phi chính quyền kia. Số là, trong hai năm qua, do nhà nước Việt Nam nới lỏng qui định về xuất bản, nhà xuất bản Nhã Nam ở Hà Nội có in lại hai tác phẩm của nhà văn Võ Phiến là Quê hương tôi và Tạp văn. Cả hai tác phẩm này đều do chúng tôi chọn lựa và biên tập, theo sự ủy quyền từ lâu của thân phụ. Chúng tôi cố chọn những tác phẩm vửa giá trị nhất vừa hoặc không chứa hoặc chứa rất ít nội dung chính trị. Nếu có nội dung chính trị, khi biên tập chúng tôi loại bỏ hết. Mục đích của việc chọn và bỏ như thế là đưa những thành tựu văn học đỉnh điểm của văn nghiệp Võ Phiến đến với người đọc mà không gây hại cho nước. Chúng tôi đã tưởng mình thế là chu đáo với nhà với nước! Hóa ra, việc hai tác phẩm Quê hương tôi và Tạp văn được người đọc quốc nội đón nhận khá tốt lại chính là cái nền rất tiện lợi cho tổ chức kia toan đặt lên đấy thứ nội dung hoàn toàn bất ổn trong tác phẩm Võ Phiến!

Chuyện đang xẩy ra còn làm chúng tôi sốt ruột về tương lai. Sẽ hết nhóm nọ đến phe kia những lúc nào đó đem vận dụng văn nghiệp Võ Phiến cách có hại cho nước. Phải làm cho thật rõ về cái phần nội dung chính trị sai lầm trong văn nghiệp ấy ngay bây giờ.”

Rải rác trong tòan bài, ông Thu Tứ lên án cha đẻ của mình bằng lọai ngôn ngữ rất “cộng sản” , chẳng hạn như: nhà văn Võ Phiến có “một lập trường chính trị hòan tòan bất ổn”, về “giải phóng dân tộc, nhà văn Võ Phiến khẳng định không có nhu cầu!!!”, về “thống nhất đất nước, nhà văn Võ Phiến đặt việc chống cộng lên trên việc thống nhất đất nước.”, Về chọn lựa ý thức hệ, nhà văn Võ Phiến tuyệt đối bác bỏ chọn lựa chủ nghĩa cộng sản.”. Sau đó, ông Thu Tứ tiếp tục phê phán cha có “Một cách nhìn lịch sử cũng hoàn toàn bất ổn”, từ đó ông lan man dẫn giải tại sao Võ Phiến chống Cộng, tại sao Võ Phiến nổi tiếng về cái khỏan chống cộng, trong đó, ông gián tiếp lên án cả một tầng lớp trí thức làm văn học miền Nam vì cái tội chống chủ nghĩa cộng sản, thứ chủ nghĩa mà theo ông “Đối với hai đại sự là giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, chủ nghĩa cộng sản rõ ràng là chọn lựa đúng. Nhờ đông đảo nhân dân đoàn kết chặt chẽ với tinh thần hy sinh cao độ và nhờ có ngoại viện cần thiết, mà cả hai đại sự đã thành công tốt đẹp.. . “

Và cuối cùng, ông Thu Tứ tóm tắt bản cáo trạng dành cho người cha đã hy sinh nhiều thứ để tạo điều kiện cho ông được ăn học thành tài nơi xứ người, nay cuối đời, tuổi già quên trước nhớ sau, tai mắt nghễnh ngãng, lại phải căng mắt ra mà đọc lời cay nghiệt sao chép từ sách vở cộng sản của con mình: “Về chính trị, ấy là cái bi kịch của một người Việt Nam sống giữa thời kỳ lịch sử dân tộc cực kỳ khó khăn mà trước không tha thiết với độc lập, sau không tha thiết với thống nhất, khăng khăng đặt chuyện chống chủ nghĩa cộng sản lên trên tất cả. Rút cuộc, nhà văn Võ Phiến đã chống cộng cực đoan hơn là những người cộng sản Việt Nam ứng dụng chủ nghĩa cộng sản!”.

Để phản bác lại một cách hệ thống và minh bạch trí thức những luận điểm trong bài “trường hợp Võ Phiến” của ông Thu Tứ, tôi tin rằng chúng ta đã hoan nghênh sự có mặt kịp thời của nhà báo Kiều Phong – tác giả tập sách nổi tiếng “Chân dung bác Hồ” – với tư cách bậc cha chú và là người thân cận với gia đình ông Thu Tứ qua phần một bài phản biện: “NHỮNG SAI LẦM TRONG BÀI “TRƯỜNG HỢP VÕ PHIẾN” CỦA THU TỨ” .

Ở đây, khi bàn về “trường hợp Thu Tứ”, tôi chỉ muốn đáp lại lời kêu gọi của nhà văn Phùng Nguyễn của tạp chí mạng Da màu “Xin dành lời cuối cho những ai quan tâm đến Văn Học Miền Nam 54-75. Hãy cùng nhau tạo điều kiện cho bạn đọc trong nước có cơ hội tiếp cận với diện mạo chân chính của nền văn học đã, đang, và tiếp tục bị trù dập này. Với cái “tổ chức phi chính quyền,” những lời chúc tốt đẹp và một ước mong. Vì một nền văn nghệ đích thực, xin hãy đứng vững.”.( Phùng Nguyễn – Trường hợp Võ Phiến hay câu chuyện Tái ông thất mã ).

Một cách cụ thể trong “trường hợp Võ Phiến” , chúng ta sẽ mỗi người một bàn tay , tìm mọi cách phổ biến và lưu trữ những tác phẩm gốc của nhà văn Võ Phiến (gốc có nghĩa là chưa qua bàn tay kiểm duyệt của đục bỏ “những nội dung chính trị sai lầm” do ông Đòan Thế Phúc đã và có thể sẽ thực hiện, nếu ông vẫn còn có cơ hội ấy!). Bởi vì bằng cách gởi đến người đọc (trong và ngòai nước, hiện tại và tương lai) những tác phẩm văn học chân chính của nhà văn Võ Phiến, chúng ta sẽ có sự phản biện chính xác nhất cho những luận điểm “đấu cha” mà ông Thu Tứ vừa tung ra cứu nguy cho chế độ Cộng sản đang trải qua những giây phút hấp hối đau đớn sau cùng.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà kỹ thuật đã đi vào từng mọi ngõ ngách cuộc sống, không nơi nào trên mặt đất này miễn nhiễm được với trận dịch ngọt ngào thế kỷ, thì việc làm nói trên là khả thi, là ở trong tầm tay. Tôi tin rằng, đâu đó ở trong nước cũng như hải ngọai, nhiều gia đình vẫn còn cất giữ được những tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Võ Phiến, việc đánh máy lại hay chụp hình để phổ biến trên mạng internet rất dễ dàng, hẳn không cần đến sự cố gắng quá sức. Miễn là gia đình nhà văn Võ Phiến, vì sự tồn vong của một nền văn học đã và đang bị trù dập (chữ của Phùng Nguyễn) mà sẵn lòng cho phép chúng ta được làm công việc này.

Cuối cùng, trong thời điểm hiện nay, điều khó hiểu là tại sao ông Thu Tứ lại làm công việc cho phổ biến bài viết mà “Nhà báo Huỳnh Duy Lộc bình luận: “Nhưng đọc xong, người đọc không khỏi có suy nghĩ: Việc con đấu tố cha mẹ đâu chỉ diễn ra trong thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc cách đây hơn 60 năm, mà còn có thể tái diễn vào đầu thế kỷ 21 dưới những hình thái có vẻ trí thức hơn” ?( Con trai nhà văn Võ Phiến “đấu tố” cha?)

Tôi không tin ông Thu Tứ mù quáng vì sự tuyên truyền ngày càng yếu ớt của những con mọt chủ nghĩa cộng sản. Tôi cũng không tin ông Thu Tứ bị nhà cầm quyền trong nước “tẩy não” trước thực trạng thật tồi tệ trong việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên đất nước Việt Nam thống nhất gần 40 năm nay, thời gian đủ dài, quá dài, để đem xương máu nước mắt người dân chứng minh sự hiệu quả hay không hiệu quả việc thử nghiệm thứ chủ nghĩa tai họa nhân lọai. Ngày nay, đến một nông dân ít học còn biết nhận xét phải trái dựa trên đôi mắt của chính mình. Tôi cũng không tin ông Thu Tứ thiếu khả năng suy nghĩ bình thường, dù sao ông đã sống đủ lâu trên những mảnh đất tự do dân chủ xứ người.

Vậy thì chỉ còn một suy đóan khác, khá “tức cười” nhưng không hẳn vô lý. Có thể ông Thu Tứ đã bị cái bóng quá lớn của người cha che phủ mọi ngõ ngách để cái tên của ông lọt ra được chỗ ánh sáng chú ý của người đời. Nay, thời gian còn lại chẳng được bao nhiêu, quá sốt ruột vì người ta chỉ biết đến Võ Phiến Đòan Thế Nhơn, mà chẳng ai biết đến Thu Tứ Đòan Thế Phúc, nên ông mượn tên cha để gián tiếp giới thiệu mình.

Nếu vậy thì phần nào ông Thu Tứ đã thành công. Xin chúc mừng ông. Từ nay cái tên Thu Tứ sẽ được mọi người chọn làm một danh từ chung để chỉ lọai người nào đó trong xã hội, thí dụ như Judas (kẻ phản phúc), Chí Phèo (kẻ ăn vạ) v. . . v.

T.Vấn

29 tháng 9 năm 2014

*Chú thích: tất cả những đọan in nghiêng (italic) trong bài, nếu không ghi xuất xứ, đều được trích từ bài viết “Trường hợp Võ Phiến” của Thu Tứ, đăng trên trang Web Gocnhin.net.

Lưu Na : TÁI XUẤT GIANG HỒ

(Nhân đọc Ghi Chép về trường hợp Thu Tứ của T.Vấn)

Cái tật ham đọc khiến tôi bị mắng. Đó là năm tôi 10 tuổi, gom góp tiền của anh chị em cho đủ số thế chân hầu mướn truyện chưởng về đọc.

Ông Cảnh Hưng ngồi trên ghế đôn cao sau quầy, lõ cặp mắt ốc nhồi nhìn xuống tôi đứng vừa ngang mặt quầy. Cái môi trề và thâm trề thêm ra, nói với bà con thuê truyện chung quanh: “tú tài đôi truyện chưởng đó.” Tôi tức mà không biết cách nói lại. Nhưng tôi vẫn trở lại Cảnh Hưng, vì chả có tiệm cho thuê truyện nào nhiều sách bằng nhà này, 5 từng lầu sách truyện. Nhà Cảnh Hưng trở thành một kỷ niệm trong cuộc đời thơ bé, cũng như các nhân vật truyện chưởng trở thành những cái hình nộm tí hon núp trong góc nhớ của mình.

Nhiều lúc bước đời lẩn thẩn gập ghềnh tôi mơ gặp những nhân vật oai hùng uy phong tình tứ đã đọc trong truyện chưởng, và tôi sỉ vả (thầm) những trự giông giống mấy tên gian ác đã đọc qua. Không ngờ, hôm nay có thằng “cực” gian của truyện chưởng bước ra sống lù lù giữa đời: Tống Thanh Thư, con trai đại hiệp Tống Diễm Kiều, đồ tôn của Thái Sư Phụ Trương Tam Phong.

Tống Thanh Thư là đệ tử danh gia, nhưng là một tên pervert (!). Trong truyện, hắn dòm lén các tỷ muội Nga My nên bị tên gian hùng nằm vùng (chữ này nghe quen không?) nắm tẩy và buộc làm những chuyện đáng phỉ nhổ.

Những chuyện đáng phỉ nhổ bao gồm phản sư diệt tổ, mưu hại người lành. Nhưng “đỉnh cao” tội ác của tên này là mê Chu Chỉ Nhược đến nỗi cải danh, phỉ báng sư thầy và cha chú trước mặt võ lâm. Mà Chu Chỉ Nhược thì cũng rất hay. Đó là một cô gái đang xuân, bước vào đời với tấm lòng thanh tân ham sống. Cô bị sư phụ ác cỡ Stalin, Mao Trạch Đông… nhồi vào đầu cái chuyện hơn thua, và luyện Marxist chân kinh đến nỗi đánh mất lương tâm, hành động tráo trở quỉ quyệt, đưa toàn bang phái của mình vào chỗ thành kẻ thù của thiên hạ (nghe cũng vẫn thấy quen há?).

Cái chuyện Tống Thanh Thư cải danh rồi phỉ báng sư phụ phỉ báng cha mình dù đã được hưởng một nền giáo dục chính danh có kết cuộc rất thỏa đáng: hắn bị sư thúc phế võ công liệt thân xác, đem về đến núi thì Thái sư phụ cho một chưởng nát óc, đỡ bận lòng mẹ cha, đỡ rác rưởi xã hội.

Nhưng cái thằng pervert Tống Thanh Thư ở hải ngoại thì mình thật khó nghĩ. Chửi nó, thì đau lòng mẹ cha _ là người đáng kính trọng và đã góp công lớn lao cho văn học, cho thế hệ mai sau. Chỉ có cách tốt nhất là lờ nó đi, coi như nó không có trong cõi đời này. Chớ nhắc tên nó cho nó nổi danh, và, hãy bão vệ gìn giữ cái gia sản mà Tống Đại Hiệp đã dày công tạo dựng, bởi thế hệ trước, thế hệ này, và những thế hệ về sau, tất cả sẽ hoài ghi nhớ một điều: cái họa cộng sản là cái họa vô biên, và CHỐNG CỘNG là chính đáng.

Lưu Na

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search