T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Bạn tôi là…

 

clip_image002

(Peter Paul Rubens : Head of a Negro, ca. 1618-20)

… người Mỹ đen. Từ lần tôi nói anh ta sau giờ làm, ghé nhà tôi, tôi cho anh ấy mượn cái máy cưa cây, tôi mua nhưng chỉ xài một lần rồi không xài nữa. Trong khi anh ấy cần đốn bỏ cây sồi bị mưa giông làm bật gốc trước nhà. Nhưng mấy người Mễ làm nghề đốn cây đòi tới bảy trăm đô la tiền công.

Sẵn bạn ghé nhà, sẵn anh ta nói tôi có mấy chai rượu đẹp quá,tôi mời anh ấy cùng uống với tôi một chai. Thế là hai thằng ngồi cù cưa ngoài patio. Tôi chỉ anh ấy cách sử dụng cái máy cưa của tôi; nói thêm cho anh ta yên tâm về việc không có license đốn cây xanh trong thành phố, nhưng cây đã đổ, chỉ cắt khúc rồi kéo ra lề đường. Anh chỉ cần để cho gọn là không ai nói gì, tới ngày thì xe rác lấy đi thôi.

Anh ta yên tâm thì thấy đói bụng nên hỏi có gì ăn không? Tôi cũng thấy đói khi làm hết ly rượu chay. Tôi cho anh ta ăn món cây nhà lá vườn là mướp xào mề gà. Món mà từ thuở anh ta lọt lòng mẹ cách nay sáu mươi năm, phải đợi tới hôm ngồi nhậu với thằng bạn Việt nam thì anh ấy mới được thưởng thức.

Từ đó, anh bạn tôi bị ghiền cái nước mướp xào. Anh ta xin đến chơi nhà tôi lần nữa để học làm.

Được thôi.

Tan sở. Tôi với Dave B đi chợ Kroger, mua một vỉ mề gà chỉ một đồng rưỡi. Giải thích cho anh ta nghe tại sao phải mua ở chợ Mỹ – vì nó sạch sẽ, vệ sinh, không nhớt, không hôi như mua ở chợ Việt hay chợ Mễ, chợ Lào, đặc biệt là đừng bao giờ mua thịt, cá ở chợ Ấn độ.

Anh ta còn thắc mắc nên tôi nói thêm. Bởi người châu Á, người Mễ, Mỹ đen, hay đi chợ Việt, chợ Mễ, chợ Ấn… với niềm tin giá rẻ nên chấp nhận nín thở trong những cái chợ hôi kinh khủng và phục vụ thì hạng bét. Nhưng giá có rẻ đâu. Riêng mề gà thì ở chợ Mỹ là bán cho người Mỹ, mua về nấu cho chó Mỹ ăn, nên rẻ. Kể ra làm con chó Mỹ cũng được an toàn thực phẩm hơn đầu đen với da đen…

Dave B chửi tôi một trận về tội tự xem thường mình! “Tao hả, tao chẳng coi mấy thằng trắng ra gì đâu. Đụng tới tao là tao chửi! Mày nhớ tao mới chửi thằng kỹ sư…”

Dave B là thế! Hiền lành nhưng cộc tính, người thẳng thắn. Mới trò chuyện màu da chút xíu đã nổi nóng, hên là cũng đã về tới nhà tôi.

Anh ta dễ nóng nên cũng mau nguội, nói anh ta ra vườn cắt hai trái mướp, ít lá sả, là anh ta đã quên hết chuyện da màu, vui ra mặt.

Trở vô bếp, tôi chỉ anh ta luộc mề gà với lá sả, gừng, rượu vodka, bỏ chút muối, đường… Quan trọng là vừa chín tới thì xả nước lạnh ngâm liền cho mề giòn.

Sau đó lựa những miếng mề lớn, thật ngon, thì cắt mỏng ra. Những miếng lụn vụn cứ vứt đi, của rẻ không cần tiết kiệm.

Tôi chỉ anh ta đến bào mướp, cắt khoanh để xào với tỏi, chút muối, đường, tí tương ăn phở, chút xíu maggi… cho lên màu và ra mùi .

Có vậy thôi mà Dave B ghiền cái món dân dã Việt nam. Anh ta có khiếu nấu ăn nên chỉ chỉ một lần là anh ta làm được. Sau lần đó, chiều đi làm về, tôi thường đi tưới cây, cắt rau, cắt mướp để sáng hôm sau vợ đem vô hãng cho bạn bè; tôi thường lấy phần tôi là đem cho Dave B hai trái mướp, còn mấy ông bạn Việt nam thì chỉ thích ớt hiểm, càng hiểm càng thích. Có cho rau, mướp, hay đậu bắp, cà chua… cũng chẳng ai lấy vì nhà người Việt nào cũng trồng dư ăn.

Dave B biết làm hài lòng bà xã của anh ta với món mướp xào mề gà kiểu Việt nam. Hầu như hôm nào tôi cho mướp thì tan sở, anh ta đi chợ Kroger ngay vì không chờ nổi tới cuối tuần. Và sáng hôm sau thì tôi tha hồ nghe chuyện vui của vợ chồng anh từ lúc cùng nhau làm món mề gà xào mướp kiểu Việt nam, cùng tranh nhau ăn nước mướp xào, cùng vui với tuổi già…

Đó là chuyện năm ngoái, năm nay vô mùa trồng, tôi cho Dave B một gốc mướp hương mà tôi đã ươm lên cây. Anh ta là người Mỹ đen nhưng rất siêng năng, chịu khó. Anh ấy chỉ thấy một lần mà về nhà cũng làm được cái giàn mướp trông đẹp mắt. Thậm chí tôi còn thán phục sáng kiến của anh ta là làm giàn mướp hình chữ U – úp xuống đất, thành cái mái vòm lá xanh rất dễ thương, những bông mướp vàng ngẩn ngơ càng thêm xinh. Dave B là người chịu khó, có óc sáng tạo, lại cũng thuộc loại biết hưởng thụ vì anh ta kê cái bàn nhỏ với hai cái ghế dưới giàn mướp để hai vợ chồng anh uống rượu buổi trưa vào những ngày cuối tuần…

Tôi thích cái hình giàn mướp nghệ thuật ở nhà Dave B khi anh cho tôi xem hình trong cái iPhone5 mới toanh mà vợ anh vừa mua tặng anh để trả công cho người chồng khéo tay hay làm của bà. Theo anh kể từ hôm tháng ba (tôi cho anh dây mướp) tới nay thì từng ngày giàn mướp nhà anh ra hoa, kết trái thế nào, anh đều kể cho tôi nghe. Vợ chồng anh làm món mướp xào mề gà kiểu Việt nam tới giàn mướp nhà anh ra trái không kịp cho họ ăn. Chiều nào hai vợ chồng cũng cưa một chai rượu đỏ dưới giàn mướp xanh.

Tới hôm, Dave B mời tôi về nhà anh ấy sau buổi làm, (theo lời mời của vợ anh ta đã nói từ đầu tuần). Tôi đến chứ sao không! Ôi. Một bà Mỹ đen đến nối tay tôi dài thêm cả thước cũng không ôm hết vòng eo-biển của bà ấy. Câu đầu tiên bà ấy nói với tôi là: “Anh là người nói hai vợ chồng tôi như đôi bạn điểm mười mà Dave B là con số 1, phải không?”

Bà ấy tên Sophia. Người phụ nữ hiền lành và vui tính. Tôi còn chưa biết phải đối phó ra sao vì ông quỷ Dave B này đã đem chuyện đàn ông trong xưởng về nhà kể hết cho vợ nghe. Nhưng không đến nỗi chết trân vì bà Sophia vui tính, hệch hạc kiểu người nhà quê ở Texas.

Thì ra bà ấy đã dọn sẵn bàn ăn ở sân sau nhà. Nhìn cái bàn ăn sang cả, thịnh soạn như một bữa tiệc lớn sắp diễn ra… Gần đó là cái lò nướng thịt đã bắt đầu lan toả mùi thơm của thịt nướng, khoai nướng. Đằng góc sân sau nhà là giàn mướp xanh um, hoa mướp rụng vàng trên cỏ xanh thật êm đềm. Tôi đoán ra đời sống của họ cũng nhẹ nhàng, mừng cho vợ chồng con khỉ đột châu Phi của tôi. Tôi lại đoán trúng mùi rồi, vì tôi từng nói với Dave B về món khoai lang nướng có nhân thịt bằm của người Mỹ đen là món ngon mà da thằng nào không đen thì làm không ngon bằng Mỹ đen; và món đùi gà tây cuộn giấy bạc thì cũng không ai làm ngon bằng Mỹ đen. Chỉ có điều là người Mỹ đen không mời bạn bè ăn món ngon, bởi họ ăn còn không đủ!

Dave B từng chửi tôi, chối tội Mỹ đen không tham ăn như tôi nghĩ. Nhưng anh bạn hiền lành đã trúng kế dương đông kích tây. Anh ta hẹn tôi có ngày tao cho mày ăn, mày ăn không hết thì tao nhét vô miệng mày tới mắt mày lồi ra, bụng mày bể ra, như con cá tham ăn…

Đúng là hôm nay, cái ngày mà mắt tôi phải lồi ra, bụng có thể bể với hai món tuyệt vời của người Mỹ đen. Tôi ngồi ăn, trò chuyện với vợ chồng Dave B ngoài trời thật thú vị. Tôi có hỏi chi tiết về cách làm hai món đó, nhưng tôi cũng biết là bà Sophia có chỉ dẫn tận tình thì tôi vẫn không làm ngon được vì da tôi không đen! (Dave B dư biết trong đầu tôi nghĩ như thế), nhưng trên bàn ăn thì tôi vẫn chừng mực, lịch sự với vợ anh ta; không như chúng tôi chửi nhau thoải mái trong xưởng. (Tôi chửi Dave B là con khỉ đột châu Phi xài iPhone5, không biết chụp hình bằng phone, hồi mấy thằng nhóc nó chỉ cho rồi, thì chụp xong không biết mở hình ra xem… Anh ta chờ cơ hội tôi không biết coi đá banh World cup trên phone thì chửi lại tôi là con khỉ chó châu Á xài Note II, không tin tao thì mày cởi quần mày ra đi, đằng sau đít mày còn cái đuôi của con khỉ chó. Bộ mày biết xài hết options của cái Note II sao mà chửi tao ngu, không biết xài iPhone5). -Làm cho bọn ăn đậu ôm bụng cười, là mấy thằng Mễ nhóc con. Tức tụi nó chỉ xài phone free, phải mượn iPhone5 của Dave B và mượn Galaxy của tôi để coi đá banh, lại còn cười hai thằng già mua phone xịn chỉ để cho mượn…

Tiệc rượu tàn thì tới tiệc trà. Không ngờ bà Sophia cũng sính ẩm thực châu Á. Bà ấy pha một bình trà cúc, uống với đường phèn – mới đúng điệu. Bữa trà đàm thú vị khi bà Sophia hỏi tôi về bí quyết tích lũy của người Việt.

Tôi thật không ngờ, phần lưỡng lự không biết có nên nói ra sự thật với một người khác màu da trên nước Mỹ này! Nhưng được Dave B ủng hộ, yêu cầu nói rõ cho vợ anh ta hết thắc mắc về người Việt nào cũng giàu có, đời sống thường ổn định từ nhà ở khang trang, việc làm vững chắc; người Việt toàn lái xe sang, con cái học cao…

Ừ thì nói cũng chẳng sao, khi tôi với Dave B đã là hai đồng nghiệp có tình cảm với nhau trong xưởng vì tôi làm việc có ý thức bao nhiêu thì anh ta cũng không lừa việc nặng hơn cho người bạn già này. Đến ông xếp cũng biết là chúng tôi hoà thuận nên được việc. Về vợ anh ta, tuy lần đầu gặp gỡ nhưng tôi rất có thiện cảm với một người tử tế, cách ứng xử với người giới thiệu với vợ chồng bà một món ăn của dân tộc Việt, và được vợ chồng bà ưa thích. Thì bà đãi lại tôi món ăn của dân tộc bà mà tôi cũng rất ưa thích.

Tôi chỉ sợ cái lỗi “vạch áo cho người xem lưng” về dân tộc mình. Nhưng không khí thân tình hiếm hoi ở xứ kỳ thị màu da, tiếng nói này! Tôi xin lỗi bà Sophia trước, nếu tôi nói không đúng thì xin bà xé nháp. Tôi cũng nói trước với bà là tôi với Dave B cũng thường nói chuyện về gia đình, vợ con với nhau trong lúc làm việc nên tôi khá biết về gia đình của ông bà…

… Tôi không dám nói tới cả dân tộc, vì phạm trù lớn quá! Chỉ nói nhỏ hơn giữa gia đình bà và gia đình tôi. Trước hết, ông bà là người bản xứ nên không bị trở ngại ngôn ngữ và phong tục như vợ chồng tôi. Xét về thu nhập thì tôi nghĩ là bà làm việc đã nhiều năm cho thành phố, lương bà cao hơn lương vợ tôi. Ông Dave B làm việc lâu năm trong xưởng nên hơn lương tôi là điều càng chắc chắn hơn…

Vậy sao vợ chồng tôi có nhà ở, trong khi vợ chồng bà ở nhà mướn. Chúng tôi có hai cái xe tốt hơn hai cái xe của ông bà… Tôi nghĩ chỉ vì cách xài của người Việt khác với cách xài của người Mỹ, nên chúng tôi tích lũy được. Dù không nhiều do thu nhập hạn chế hơn ông bà, nhưng thời gian là người bạn đồng hành tin cậy của người xài tiết kiệm…

Bà Sophia hỏi tôi, “Chẳng lẽ chỉ đơn giản vậy?”

Tôi nói, thì bà nhìn cái bàn ăn hôm nay bà đãi tôi với ông Dave B là bằng chứng, tôi nghĩ khá chính xác. Từ tấm trải bàn bằng ny-lon, nhưng có hoa văn, họa tiết đẹp này, bà mua rẻ nhất cũng hết năm đô la. Mớ dĩa giấy, muỗng, nĩa nhựa loại tốt này cũng đâu có rẻ. Nhưng tất cả chỉ xài một lần rồi vứt bỏ.

Đến hai chai rượu còn giá tiền trên chai là $29.99 một chai, cộng thuế nữa là bao nhiêu. Phần thức ăn, tôi nghĩ là hôm nay bà có thời giờ rảnh nên đi chợ, về làm tiệc đãi Dave B với tôi. Bà không chú ý đến chuyện những món này hôm nay chợ có on-sale hay không?

Nhưng nếu là vợ chồng tôi đãi ông bà thì khoản tiền khăn trải bàn, muỗng, dĩa giấy là không tốn. Chúng tôi xài khăn tốt, đẹp hơn nữa, nhưng giặt được. Muỗng, dĩa tốt hơn đồ nhựa nhiều, nhưng rửa được. Thức ăn, hôm nào chợ on-sale thì vợ tôi mua về bỏ tủ đá cho tới hôm cần dùng.

Tôi thì không ghé cây xăng mua hai chai rượu khi cần như bà. Tôi mua hôm chợ on-sale 15-20% giá bán bình thường, tôi mua một lần 6 chai để được 10% off, ra trả tiền thì xài thẻ member… để off thêm 5%. Tôi mua chỉ bằng nửa giá bà mua.

Mỗi sáng tôi đi làm với ly cà phê mà một lon cà phê tôi uống tới cả tháng mới hết. Lon cà phê ấy chỉ bằng tiền một ly cà phê sáng của Dave B mua ở Starbucks. Bữa trưa của tôi là một chén cơm trắng với cái trứng chiên, chỉ để đừng bị đau bao tử vì đói. Trong khi ông Dave B đi mua bữa trưa không dưới 10 đồng. Bữa tối của ông ấy là đi ăn tiệm hay mua về, hoặc order người ta đưa tới nhà – đều không rẻ…

Bà cũng thế! Chỉ thấy cái xe của bà quẹo vô Starbucks mỗi sáng là người ta đã làm sẵn cho bà ly cappucchino quen thuộc cho thân chủ…

Tiền ăn cho ông bà một tuần bằng tiền chợ của hai vợ chồng tôi một tháng.

Còn nữa. Mỗi cuối tuần, bà mua bao nhiêu quần áo, giày dép. Nếu so với số tiền vài tháng bà bán garage sale một lần thì bà mất trắng bao nhiêu tiền, vì có rất nhiều quần áo, giày dép bà đã mua về nhà, nhưng để tới bán garage sale cũng chưa mặc một lần. Trong khi vợ tôi mua sắm quần áo mùa đông cho cả gia đình vào mùa hè, và ngược lại. Mua đủ xài. Thì chúng tôi đã để dành được bao nhiêu tiền.

Người Mỹ có câu, “một trăm cái pennies là một đồng”. Chúng ta coi nhẹ đồng xu nên chúng ta không có được đồng chẵn.

Tôi cũng biết sức mua của người tiêu dùng làm nên sức mạnh của nền kinh tế. Nhưng người Mỹ trong mắt tôi đã xài quá mức cần thiết, thậm chí nhiều người xài quá cả mức thu nhập của mình nên vỡ nợ…

Đó là lý do tại sao chúng tôi là di dân, đến Mỹ với hai bàn tay trắng mà chỉ một thời gian, chúng tôi ổn định được cuộc sống ở mức nhiều người bản xứ không được.

Về mặt con cái, có lẽ chúng tôi hiểu rõ về giá trị văn bằng ở Mỹ nên chúng tôi khuyến khích, tạo điều kiện cho con em chúng tôi vươn lên trong xã hội nhiều cơ hội này.

Tôi xin lỗi khi nói ra chuyện riêng tư của gia đình ông bà. Nhưng ông Dave B xem tôi như người bạn thân trong xưởng nên tôi cũng nghĩ ông bà là những người bạn tốt của cả gia đình tôi. Tôi nghe ông ấy nói con trai lớn của ông bà mới giải ngũ sau tám năm phục vụ quân đội.

Tôi nghĩ đó là một chàng trai có tương lai rất sáng lạn – nếu anh ta chịu khó bỏ ra thêm tám năm thời gian cho việc học hành thì tương lai anh ta sáng như mặt trời mọc. Bởi cái ưu đãi, ưu tiên cho cựu quân nhân là tiền đề thuận lợi vào bậc nhất ở Mỹ. Nhưng không gì khôn ngoan hơn sự chọn lựa của cựu quân nhân là đi học lại với tài trợ của chính phủ. Bởi nếu anh ta bỏ ra tám năm đi học thì một ông tiến sĩ không đi lính sẽ thua đứt anh ta cái thời gian phục vụ tổ quốc.

Nhưng nếu không đi học thì ông chủ hãng chỉ giúp được người cựu quân nhân cái ghế bảo vệ, gác cổng hãng. Ông chủ rất coi trọng những người đã từng phục vụ tổ quốc qua việc đi lính, ông chủ cũng tin tưởng hơn về tinh thần kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của một người xuất thân từ quân đội. Nhưng cái ghế trưởng phòng kỹ thuật, rồi lên phó giám đốc kỹ thuật của hãng thì phải thuộc về người có học vấn, chuyên môn cao. Trong khi con trai ông bà đi lính sau khi tốt nghiệp trung học, sau tám năm phục vụ quân đội, giải ngũ với cấp bậc thiếu úy.

Bà nghĩ coi, ông Dave B nói với tôi về con trai ông tính chuyện xin một việc làm ổn định, sau đó lập gia đình. Tôi rất tiếc cho một người có tương lai rộng mở như xa lộ thì lại đi vô con đường làng…

Bằng tình thân, tôi thật muốn ông bà khuyên con trai của ông bà nên suy nghĩ lại, đừng bỏ cơ hội. Vì cơ hội không đến nhiều lần trong đời. Chính vì ông bà là công nhân nên con trai ông bà nghĩ anh ta cũng trở thành người công nhân. Nhưng nếu anh ta là kỹ sư điện tử, tiến sĩ kinh tế…, thì con cháu anh ta cũng từ bằng tới hơn anh ta. Dòng tộc của ông bà sẽ ngày càng có tên tuổi hơn trong xã hội.

Trở lại chuyện già của chúng ta. Bây giờ mới nói chuyện xài tiết kiệm với ông bà thì tôi thấy không nên, không cần thiết nữa. Vì chút tiền dư ra chưa chắc đủ cho ông bà mua thuốc trầm cảm vì những ức chế thói quen của ông bà đã gắn liền với cuộc đời ông bà hằng sáu mươi năm qua.

Nhưng bà có thể khuyến khích con gái bà tìm hiểu về cách sống của người châu Á, vì họ ra đường cũng không thua ai, kém ai. Nhưng họ trở về một nơi ở thật sự của họ. Có thất nghiệp ba năm, họ vẫn kham nổi tiền nhà, tiền xe… Nói tóm lại là nên từ bỏ lối sống làm tuần nào xài hết tuần đó của người Mỹ vào hai ngày cuối tuần thì mới có cơ hội để giúp, đầu tư cho con em khá hơn mình…

Tôi nghĩ, bà là một nhân viên của Sở điện thành phố thì thời giờ của bà cũng không eo hẹp lắm! Nếu có thể, bà nên ghé thư viện, mượn quyển The Roots của Alex Haley. Truyện về một người thanh niên châu Phi 17 tuổi, bị bắt cóc sang làm nô lệ ở Mỹ. Cuộc đời của anh ta ngoi lên không dễ dàng chút nào, nhưng với quyết tâm thay đổi số phận thì đến người cháu đời thứ bảy của ông ta chính là tác giả Alex Haley lừng danh thế với tác phẩm The Roots. Ông ấy, theo tôi nhớ cũng là giáo sư đại học nào đó ở Mỹ.

Tôi nghĩ, quyển Kinh thánh thì nhà bà có rồi. Vì không có quyển ấy trong nhà thì con trai bà không trở thành người thanh niên được nhiều người kính nể, con gái của bà không trở thành người phụ nữ có mái gia đình êm ấm; ông bà không có tuổi già êm đềm dưới giàn mướp xanh um kia… Nhưng đọc quyển The Roots thì niềm tự hào dân tộc trong bà sẽ thức dậy, cho dù bà không còn đủ thời gian để làm một điều gì đó thật ý nghĩa thì câu chuyện về tổ tiên mình cũng giúp bà thay đổi được nhiều điều trong cuộc sống mà bà cho là đương nhiên từ lâu lắm rồi – đó là sự an phận của một người da màu trên nước Mỹ.

Tôi nói có gì sai, xin bà thứ lỗi.

Bà Sophia xoay miết cái tách trà trong hai bàn tay khó nghĩ; ông Dave B cũng tư lự hơn phong cách mau miệng của ông trong chỗ làm…

Tôi cố tin là rượu nói, uống rượu của bà Sophia thì phải nói lời cảm ơn. Như uống rượu của ai, người đời cũng thường nói lời cảm ơn rượu ngon! Nhưng mình nói như đã thì không biết có đúng không? Chỉ biết tôi còn trở lại chơi với gia đình này nếu bà Sophia không cảm thấy phật lòng về những gì tôi nói. Đó là cảm nghĩ của tôi trước khi chìm vào giấc ngủ. Và thật may mắn là sáng hôm sau vào hãng, ông Dave B nói với tôi, “vợ tao nói mày là người bạn chân tình. Bà ấy không biết con khỉ chó châu Á có cái đuôi giấu trong quần…”

Chúng tôi lại chửi nhau…

Phan

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search