T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Đời sống: Khổ đau và Hạnh phúc

(Đọc “Gởi chút niềm riêng” của Ngân Bình)

clip_image002

 

1.

Văn hào người Nga Leo Tolstoy, tác giả bộ trường thiên tiểu thuyết lừng danh “Chiến tranh và Hòa Bình” , trong lời mở đầu của một tác phẩm khác cũng nổi tiếng không kém là “Anna Karenina“, đã viết như sau: “Trong mỗi gia đình, hạnh phúc thì giống nhau, nhưng sự đau khổ thì lại khác nhau hòan tòan”.

Chúng ta đã gấp tập sách Gởi Chút Niềm Riêng lại, như tạm bỏ qua một bên nỗi bùi ngùi sau khi nghe Ngân Bình kể lể những đau khổ, ngang trái, truân chuyên của nhiều mảnh đời tội nghiệp. Như Tolstoy đã nhận xét, dưới những mái gia đình qua truyện kể của Ngân Bình, mỗi nỗi đau khổ đều mang một hình thái khác nhau, mỗi sự oan trái đều có những nguyên nhân khác nhau, và mỗi niềm truân chuyên đều ở một mức độ khác nhau.

Tuy sách đã gấp lại, nhưng liệu chúng ta có gấp lại được không sự thổn thức của con tim, sự đồng cảm với những mảnh đời hình như từ cuộc sống chung quanh nhẩy vào trong những trang sách, nỉ non kể lể như muốn gởi chút niềm riêng vào hư không, rồi lại lặng lẽ bước ra khỏi trang sách, tiếp tục sống cuộc sống của mình bên cạnh những con người vừa nghe mình kể lể, cũng lau nước mắt như mình lau nước mắt, cũng thở dài như mình vừa thở dài.

Những câu chuyện của Ngân Bình nghe quen lắm. Vì thế, tay gấp sách, mà đầu óc vẫn cứ nghĩ ngợi đăm chiêu. Và buồn bã.

Ai trong chúng ta cũng đều đã trải qua những ngày vui, những ngày buồn, những ngày thất vọng. Nếu không thế, cuộc sống không còn là cuộc sống, chúng ta không còn là những con người. Giữa bao chộn rộn lao xao của dòng đời, như những dấu nghỉ trong một bài hát có nhiều cung bậc cao thấp bổng trầm, chúng ta cũng cần những khỏanh khắc đứng lại, hay ngồi yên. Để nhìn lại mình, nhìn lại những người thân yêu chung quanh, nhìn lại bằng hữu, láng giềng, qua ánh đèn lung linh dưới mỗi mái nhà. Nhà mình. Nhà người. Để thấy cuộc nhân sinh qủa là gập ghềnh trắc trở, vui ít buồn nhiều.

Có lẽ đó là lý do khiến tôi có cảm giác “quen quen” khi đọc những câu chuyện trong tập GCNR của Ngân Bình.

Một đứa con bàng hòang khi chính mắt nhìn thấy bố mình – người bố mà cô luôn luôn thương yêu và kính trọng – đi bên cạnh một người đàn bà không phải là mẹ mình từ phòng mạch khám thai bước ra. Bao nhiêu câu hỏi nhẩy múa trong đầu cô “tại sao? tại sao?” nhưng cô vẫn không nói nửa lời với mẹ. Để rồi sau cùng, cô khám phá bao điều bí ẩn giữa bố và mẹ, và càng thương yêu và kính trọng người cha “đã phụ bạc mẹ mình” hơn (Như tiếng thở dài). Những nghịch lý ấy, trong đời sống, chúng ta đã từng thấy, nhưng ít khi giải thích được, vì dù sao thì, như lời người xưa đã nói: “đèn nhà ai nấy rạng“.

Một cô gái xinh đẹp, nết na đằm thắm, chấp nhận sống bên cạnh người đàn ông lúc nào cũng ghen tuông, độc đóan, muốn kiểm sóat tất cả những gì thuộc về cô. Anh ta có lúc đã đi quá đà và không ngần ngại dùng bạo lực để trấn áp người phụ nữ yếu đuối mảnh mai. Nhưng cô gái vẫn không thể rời bỏ anh ta được, bất chấp những lời góp ý chân thành của cô em gái đã từng bao lần chứng kiến chị mình bị ngược đãi. Chỉ vì cô quá yêu anh và tin tưởng rằng, những biểu lộ bạo lực của anh ta chỉ chứng tỏ rằng anh cũng rất yêu thương cô (Hãy hồn nhiên như em đã từng). Thêm một nghịch lý có thật trong đời sống. Hành hạ đánh đập mình như thế mà vẫn tin rằng những hành động ấy đến từ tình yêu ư? Trên thế gian này có bao nhiêu người đàn ông dùng bạo lực để giải quyết những vấn đề của đời sống từ trong gia đình ra đến ngòai xã hội?

Một mối tình dị chủng Mỹ-Việt. Anh là lính viễn chinh ở Việt Nam. Qua những lần đến quán Bar giải trí, anh đã gặp được nàng, cô gái 18 tuổi phải hy sinh làm “gái bán Bar” để lấy tiền giúp đỡ gia đình. Để ý đến nét “ngây thơ và hiền lành đến tội nghiệp” của cô gái trẻ, anh quyết định đề nghị cô về ở với anh, với tư cách một người vợ. Cô nhận lời. Gia đình cô, nhờ vậy, cũng đã trở nên khấm khá hơn về vật chất, dù thực sự cũng không vui vẻ lắm với thành kiến về hiện tượng “lấy Mỹ” lúc bấy giờ. Anh hết hạn phục vụ về nước, cô gạt nước mắt theo chồng, bỏ mẹ, bỏ các em và mảnh quê hương ngút ngàn khói lửa chiến tranh. Thông cảm cho nỗi lòng người vợ, anh hết lòng chiều chuộng, chăm sóc, thậm chí đi tìm người đồng hương của vợ, một quân nhân thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hòa lúc ấy đang tham dự khóa huấn luyện ở Mỹ, để cho cô có bạn, có dịp nói thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Oan khiên xẩy ra từ tấm lòng quá thương yêu vợ của người chồng. Cô gái trẻ, 18 tuổi đã bươn chải ra đời giúp đỡ gia đình, chưa một lần được sống cho chính tuổi trẻ của mình, bỗng dưng thấy mình như không cưỡng được những cám dỗ của một mối tình lãng mạn. Cô bỏ người chồng dị chủng, dù anh ta đã đối xử với cô bằng tất cả tấm lòng, để chạy theo tiếng gọi “lãng mạn” của con tim, chạy theo người đàn ông đã đem đến cho cô những giây phút tuyệt vời của một “tình yêu muộn màng” và đứa con “tóc đen, da mầu nâu sẫm” chứ không phải “tóc vàng, mắt xanh, da trắng” dù lúc hạ sinh đứa con, cô vẫn còn ở dưới mái nhà người chồng đáng thương. Dù vậy, anh sẵn sàng tha thứ, nhưng vẫn không giữ được vợ. Sau bao thăng trầm của thời cuộc, của tình đời, sau những năm tháng nếm trải mọi cay đắng của “lãng mạn”, cô gái cuối cùng cũng đã lại trở về với người chồng dị chủng, vì chỉ đến lúc này, cô mới nhận ra ai là người thực sự yêu thương cô, quan tâm đến cô (Cho đến kiếp sau). Tình yêu, trước hết là sự quan tâm đến người mình yêu. Định nghĩa đơn giản này chỉ có được sau bao nhiêu những lỗi lầm. Trong đời sống, kẻ mắc lỗi lầm thì không ít, nhưng bao nhiêu người có được cơ hội sửa chữa những lỗi lầm của mình?

Một đứa con chẳng may sống trong hòan cảnh cha mẹ “ông ăn chả, bà ăn nem“, rồi kết cuộc là sự ly dị. Nó mang mặc cảm bị bỏ rơi, cả cha lẫn mẹ đều chỉ biết lo cho niềm vui của riêng mình, mà không đóai hòai gì đến nó. 19 tuổi đầu, phải vừa đi học vừa đi làm lo cho cuộc sống, nó bắt đầu nẩy sinh tình cảm óan hận cha mẹ. Mỗi khi cần đến sự giúp đỡ, nó chạy đến bố thì được bảo rằng sao con không hỏi mẹ, chạy đến mẹ thì bị mắng sa sả sao không biểu thằng bố mày nó lo cho. Ngàn đời nó không bao giờ hiểu nổi điều vô cùng nghịch lý. Ngày xưa, khi còn rất bé, nó được cha mẹ bảo rằng “con là kết tinh của một tình yêu tuyệt vời ” giữa cha và mẹ, vậy mà bây giờ, tuy vẫn là con của cha của mẹ, nó bỗng trở thành “gánh nợ ngàn cân trên vai bố mẹ. Một món nợ thừa thãi không ai muốn nhận. Không thừa thãi sao được khi bố đã có một gia đình khác. Còn mẹ, mẹ cũng cần những giờ phút riêng tư với người tình trẻ, không muốn bị ai quấy rầy“. Nỗi óan hận những kẻ sinh ra mình đã khiến nó có tư tưởng trả thù. Nó quyết định dùng nhan sắc của một đứa con gái trẻ để rù quyến chính “thằng bồ nhí” của mẹ mình. Quả là một sự trả thù độc đáo, có lẽ chỉ có giữa những người thân thuộc với nhau. Kết cuộc, người bạn trai của nó – vì vô tình – đã ghen tuông, hờn giận khi thấy nó sánh vai với người đàn ông lạ. Trong lúc quẫn lòng, vừa vì bị bỏ rơi bởi cha bởi mẹ, vừa vì cảm tưởng mình đã mất đi chỗ dựa duy nhất là người bạn trai đầy nghĩa hiệp, nó tự chấm dứt đời mình (Hạnh phúc ở đâu). Bi kịch này, có bao nhiêu người làm cha làm mẹ rùng mình nghĩ đến, mỗi khi đặt bút ký tên trên tờ giấy ly dị? có bao nhiêu người làm cha, người làm mẹ, trong lúc mải mê sống với những lạc thú riêng mình, chợt giật mình tự hỏi: con mình giờ này sống ra sao khi cha ở một nơi, mẹ một nẻo?

Đó là những câu chuyện – theo tôi – nổi bật trong tập GCNR của Ngân Bình. Chúng có nguyên mẫu từ đời sống. Từ đời sống, những nhân vật của truyện đi vào trang sách, kể lại câu chuyện đời mình không phải chỉ để nhận được những giọt nước mắt chia sẻ, đồng cảm mà còn tự nguyện hóa thân thành những tiếng chuông tỉnh thức. Hãy mở to mắt nhìn lại cuộc sống mình đang sống, đừng mặc nhiên xem mọi chuyện như nó phải xẩy ra như thế, đừng để dòng sống cuốn mình đi mà không tìm cách dừng lại nghe ngóng. Hãy xem nỗi đau của người khác như nỗi đau của chính mình, để ít nhất, không để điều ấy xẩy ra với chính mình trong tương lai.

Rải rác trong các câu chuyện của Ngân Bình vẫn là những đề tài muôn thuở. Tình yêu, sự ghen tuông hờn giận, những éo le trắc trở mà người ta hay gọi là định mệnh, nhưng rất nhiều khi lại do lòng tự ái (yêu mình hơn là yêu người mình yêu), sự cố chấp, tính ích kỷ. Lẫn trong mớ bòng bong của yêu thương, thù hận vẫn nổi bật bóng dáng đẹp đẽ của những tấm lòng hy sinh vì con cái, vì cha mẹ, vì người mình yêu.

Giữa những suy tư “cao siêu” về những đề tài “lớn” như: đất nước, dân chủ, quốc gia, cộng sản, thì nội dung tập sách của Ngân Bình có vẻ như “đàn bà” . Đúng vậy, Ngân Bình là một người đàn bà. Và vì là đàn bà, nên sự quan tâm của họ phần lớn chỉ giới hạn dưới mái gia đình riêng tư. Nhiều vị nam tử (Việt) sẽ cho đây là chuyện nhỏ, không đáng bàn tới. Nhưng, có thật đây là những chuyện “nhỏ” không? Người xưa có nói: Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Có nghĩa là phải làm cho mái gia đình yên ấm trước, rồi mới có thể nghĩ đến chuyện làm việc nước, chinh phục thiên hạ. Tôi cho rằng những chuyện này không nhỏ chút nào. Một mái gia đình yên ấm, vợ hiền, con ngoan chẳng phải là chuyện lớn sao? Nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, thế nên mái gia đình có lúc không yên ấm, vợ có lúc không . . . hiền, con có lúc chẳng. . . ngoan. Đến lúc ấy, có thể những câu chuyện “đàn bà” của Ngân Bình may ra góp phần giúp các đấng nam tử “gỡ rối tơ lòng”, tuy không một cách trực tiếp, nhưng cũng có thể gián tiếp qua việc ảnh hưởng đến cách cư xử của “người đàn bà trong nhà”.

Lớn hay nhỏ, thì những câu chuyện trong tập sách của Ngân Bình chỉ như chút niềm riêng tư, gởi theo thinh không cho cõi lòng nhẹ nhõm. Như thế, vẫn dễ chịu hơn là như ai kia:

Có những niềm riêng một đời dấu kín

Như rêu như rong đắm trong biển khơi

Có những niềm riêng một đời câm nín

Nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi

(Lê Tín Hương)

clip_image004

2.

 

Đích danh, phải gọi tập GCNR của Ngân Bình là một tập truyện kể. Người kể truyện, luôn là một nhân vật xưng tôi. Có lẽ, chỉ có “tôi“, mới có thể kể câu chuyện của chính “tôi ” một cách chính xác với đầy đủ cung bậc buồn vui óan giận. Đó cũng là một lựa chọn khôn ngoan của tác gỉa. Bằng một bút pháp trong sáng, thông minh, tác giả đã dẫn người đọc đi vào những ngõ ngách tâm tư của nhân vật không một chút khó khăn. Thủ pháp theo lối điện ảnh về khỏang cách thời gian có khi hàng mấy chục năm của câu chuyện, khi hiện tại, khi quá khứ được tác giả sử dụng khá nhuần nhuyễn. Nữ tính tóat lên từ từng mỗi câu chuyện, từ từng mẩu đối thọai, kể cả khi tác giả “triết lý “. Cũng dễ hiểu, nội dung, thể lọai như thế này chỉ có một cây viết nữ mới thuyết phục được người đọc, hoặc ít nhất, giữ người đọc lại trên những trang truyện.

Phải nhìn nhận rằng, những trang viết của GCNR thổi một hơi thở rất lạ cho một thể loại văn không có gì mới mẻ. Ngân Bình đã nâng thể loại tâm sự riêng tư lên một cấp độ gần với văn học. Giọng văn trong sáng, câu chuyện được sắp xếp hợp tình hợp lý, tâm lý nhân vật được đào sâu đúng mức, không quá đà khiến trở thành nhân vật tiểu thuyết, cũng không quá hời hợt để nhân vật mau chóng bị người đọc quên lãng. Theo tôi biết, đó là những câu chuyện có thật của một người hay của nhiều người được tác gỉa chắt lọc, tổng hợp rồi kể lại. Độc giả, ở mỗi lứa tuổi, phái tính, thành phần xã hội, đọc Gởi chút niềm riêng và tìm thấy trong đó một mảnh của riêng mình và cũng đồng thời có thể tự rút ra một giải pháp cho những vấn đề riêng mà mình đã, đang phải đối phó.

Đời sống không bao giờ là vườn hồng, nhưng cũng không phải là cánh đồng hoang đầy mìn bẫy hầm chông. Con người không phải ai cũng là chó sói, nhưng cũng không phải ai cũng là con cừu non. Đường đời thì muôn vạn lối, có lối dắt đến vườn hồng, có lối dắt đến cánh đồng đầy hầm bẫy mìn chông, có lối đưa ta gặp cừu non, có lối đẩy ta vào hang chó sói. Nhưng vườn hồng hay cánh đồng mìn bẫy cũng đều có nước mắt và nụ cười. Chó sói hay cừu non vẫn ẩn chứa dưới sâu thẳm cái hình bóng con người.

Tôi có thể ví von ẩn dụ như thế về thế giới những trang viết Gởi chút niềm riêng của Ngân Bình .

T.Vấn

Những ngày chớm thu 2010

Mua sách “Gởi Chút Niềm Riêng”, xin liên lạc:

Đặng Hiếu Sinh

ĐT: 469-471-8932

E-mail: nganbinh13@yahoo.com

Gía bán: $18 (Gởi check đề tên: Nguyệt Đặng- PO Box 451704-Garland, TX 75045-1704)

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search