T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Ký ức nước mắm…

clip_image002

 

 Bên rổ rau muống – Tranh:  Trần Thanh Châu

Anh Huy ngồi kể chuyện con cái của anh, hay phác họa cho cả thế hệ lớn lên hoặc sinh đẻ ở Mỹ không bằng! Chuyện chẳng có gì, sao mấy người bạn của anh có vẻ tâm đắc; Hay nhà ai cũng có những cô bé, chú bé lớn lên hoặc sinh đẻ ở Mỹ, luôn thấy mình là người Mỹ, nhưng lại đầy ắp trong lòng tâm tư người Việt!

Anh Huy lý luận rằng, “…mình có cái khổ tâm là không quên được quê cũ, người thân. Kể ra đời sống của anh em mình bây giờ không còn thiếu ăn, thiếu mặc như hồi còn ở Việt nam. Nhưng bỗng thèm ăn tô hủ tíu gõ lúc nửa đêm chưa ngủ. Không biết là có tô hủ tíu ấy thực thì có còn dám ăn hay không? Hay chỉ thèm nghe tiếng hai miếng tre già gõ điệu đàng theo tiếng mưa đêm; Rồi khi thì bỗng nhớ một người bạn, là tình bạn trong lòng hay chỉ là kỷ niệm đói nghèo trói chặt vào nhau một đoạn đời. Bây giờ dư bia, thức ăn đầy bàn, lại ngồi nhớ bữa hai thằng chỉ có con khô mồ côi, xị rượu lẻ bạn, thế mà ngồi nói chuyện bên tây bên tàu suốt đêm….

Cái khổ với ký ức nghèo khổ của chúng ta khác với cái khổ truyền kiếp của những đứa trẻ lớn lên hay sinh đẻ ở Mỹ, chúng dư thừa từ nhỏ nên không có ký ức nghèo khổ để dằn vặt. Nhưng tôi không tin là chúng sống suốt đời sung sướng với hai tâm tư trong một con người.

Đời chúng ta thì đã rõ ám ảnh đói nghèo tới chết. Nhưng, như con gái tôi, nó sang đây rồi mới đi học vỡ lòng. Đến năm nó mười ba tuổi,vợ tôi hỏi nó là con có muốn đổi tên Mỹ cho dễ dàng về sau. Vì bây giờ mẹ vô quốc tịch thì con được tự động vô quốc tịch Mỹ. Chuyện đổi tên Mỹ sẽ không tốn tiền. Còn sau này con muốn đổi tên Mỹ thì tốn tiền và phiền phức lắm!

Con bé mười ba tuổi đứng bậm môi suy nghĩ về nguồn gốc, bản thân mình, về tương lai, là hình ảnh tôi nhớ hoài.

Các ông có biết con tôi trả lời mẹ nó sao không?

“Tại sao con phải đổi tên Mỹ? Con là người Việt thì tên Việt. Tên ‘Quyên’ của con đâu có gì trở ngại với quốc tịch Mỹ của con…”

Tôi biết vợ tôi sợ tốn tiền và mất thời giờ của con gái khi nó muốn đổi tên Mỹ để hoà nhập vào đời sống ngày càng Mỹ của nó, tới lúc nó lớn lên như một người Mỹ, quên hết tiếng Việt, và thắc mắc sao cái tên mình không là Nancy, Tracy… như người khác cho dễ xưng hô trong giao tiếp đời sống.

Con bé con nhà tôi, nó chỉ có một ý thức duy nhất trong đầu: Nó là người Việt. Việc nó theo cha mẹ đi định cư ở Hoa Kỳ thì nó ăn học ở Hoa Kỳ, lớn lên đi làm việc ở Hoa Kỳ, có thể lấy chồng người Mỹ… nhưng nó mãi là một người Việt nam.

Cái viễn ảnh tương lai của nó diễn ra không ngoài dự liệu. Nay nó chỉ lấy chồng Mỹ nữa là đúng hết, dù nó chưa lập gia đình. Nhưng nó vẫn nói nó là người Việt trong những ứng xử tự nhiên – càng xác quyết suy nghĩ của nó từ nhỏ đến nay không thay đổi: Nó là người Việt. Những điều tôi nghĩ năm xưa về cái tên của nó thì đúng! Nó có than phiền là người Mỹ không đọc được cái tên của nó; hay ai hỏi tên nó xong thì thường phải nói nó đánh vần cho người ta cái tên khó gọi, khó nhớ của nó… Nhưng nó vẫn cương quyết giữ tên Việt nam, vì nó là người Việt nam.

Thỉnh thoảng, vợ tôi hỏi con về một phong tục Mỹ, nó thường trả lời, “theo người Việt thì con không biết, (hoặc không rành). Nhưng theo người Mỹ thì mẹ nên làm như vậy…!”

Tôi thấy chung quanh con gái tôi chỉ còn cái tên là Việt nam vì nó rành phong tục Mỹ hơn, sống đời sống Mỹ đã hẳn; ngay cách suy nghĩ của nó cũng rất Mỹ. Như anh em mình, cái paycheck hàng tuần cứ muốn trừ thuế cho thật nhiều vào, để cuối năm mình lấy thuế lại chứ người Việt không muốn đóng thuế cuối năm. Trong khi nó giữ hết tiền thuế của nó để kinh doanh, tới hạn chót 15 tháng 4 hàng năm nó mới khai thuế, rồi đóng thuế. Nó giải thích, mình mượn nhà băng một xu cũng phải trả tiền lời. Vậy sao tiền thuế của mình để chính phủ giữ cả năm, tha hồ kinh doanh mà có trả mình đồng lời nào đâu?

Nhiều khi tôi nghĩ về đứa bé (không có chọn lựa như mình) về việc đi Mỹ vì nó theo cha mẹ. Nhưng cái khoản tâm tư nó không có tự tại như một người bản xứ ở đây được vì ý thức tạm dung nằm ở ngay cái tên nó, trên miệng mọi người khi gọi nó. Sự tự nhận thức mình là một người ngoại quốc trên đất nước mà mình sinh sống từ khi đi học vỡ lòng là một tâm tư vui hay buồn? Những người cỡ tuổi con tôi, nhưng bây giờ mới được qua Mỹ thì họ rất sung sướng, hạnh phúc với sự đổi đời. Nhưng đứa bé theo gia đình đi biệt xứ từ bé, nỗi buồn vong quốc ngày càng đậm đà hơn trong tâm tư nó theo tuổi đời thì phải. Tôi nghĩ đó là nguyên do nó giữ lại cái tên Việt nam khi chính nó đã thấy rõ là khó gọi, khó nhớ cho người khác trong giao tiếp xã hội. Nhưng cũng như chúng ta thay vì cố quên đi thì lại cố giữ, cố nhớ những kỷ niệm buồn, những ký ức nghèo khó… Chúng ta thực sự không muốn quên đi quá khứ hay đó là ma lực của dĩ vãng?

Đôi khi nghĩ về một đứa con đã trưởng thành. Nó không còn sự ấm áp của những cú nhảy tọt vào lòng cha đang ngồi xem tivi để nũng nịu, để hỏi những câu ngay ngô của trẻ nhỏ, hay chỉ đơn giản là nó thấy cô đơn trong lòng nên tự giải quyết sự trống vắng tâm tư; cái tâm tư nửa Mỹ nửa Việt của những đứa trẻ rời bỏ quê hương quá sớm, nhưng lạc lõng trong quá trình hội nhập vì chính cái nguồn gốc của mình…

Anh Huy hay tâm sự, những tâm sự của anh thường được bạn bè lắng nghe vì nó không nằm ỏ dạng chuyện nói nhỏ cười to, hay chuyện xe cán chó… những chuyện trà dư tửu hậu nhẹ hều như vết kim châm cứu nhưng lại thường cắm vô huyệt đạo. Đến chuyện đứa con trai nhỏ của anh thì mũi kim như trúng vô tử huyệt của bạn bè vì thường ai trong chúng tôi cũng có ít nhất một đứa con sinh đẻ ở Mỹ.

Chuyện thằng Michael nhà anh Huy được cha nó dùng làm bằng chứng di dân. Nó thua chị nó hơn mười tuổi, là khoảng thời gia anh chị nín đẻ để bớt nhiêu khê cho cái hồ sơ bảo lãnh, rồi dập vô năm, bảy năm chân ướt chân ráo tới Hoa Kỳ thì lo cầy cuốc chứ chưa dám đẻ.

Anh Huy kể về thằng Michael. Anh chị lấy kinh nghiệm từ con chị nó có cái tên làm cho người Mỹ khó gọi, khó nhớ. Có lần anh nghe nó kể bạn nó gọi là “Queen” cho dễ, anh đề nghị nó lấy tên Mỹ là “Queen” cho dễ nhớ, dễ gọi, thì nó bảo thiếu âm “y” với cái dấu mũ đội trên đầu thì nó không còn là người Việt nam!

Với anh, không dám nói với con gái: Con là một cô gái Mỹ tinh khôn, nhưng ba vẫn thích những lúc con là một đứa bé gái Việt nam khờ khạo. Vì thế anh chị dứt khoát đặt tên cho thằng con trai là: Michael Nguyen.

Thế là từ nhỏ, Michael luôn khẳng định bằng suy nghĩ trẻ con là nó sinh ra ở Mỹ thì nó là người Mỹ. Ba mẹ là người Việt nam, chị hai Quyên của nó là “người song tịch”, vì tùy theo quyền lợi của nó. Khi thì nó nói, “Mẹ là Việt nam. Mẹ không biết đâu! Không tin con, mẹ hỏi chị Hai con thử xem…” Rồi cũng chính nó nói với chị của nó, “Chị Hai đâu phải người Mỹ. Chị Hai giống mẹ quá à!” Nó làm cho tôi nghĩ về nó là một thằng Mỹ con hơn một thằng nhóc Việt! Nhưng cái chất Việt trong đứa bé sinh ra ở Mỹ mới làm tôi băn khoăn!

… một hôm sau cơm chiều, vợ chồng tôi ngồi nói chuyện với ly trà ở sau nhà. Nhà tôi nói tới chuyện mồ mả cha mẹ còn ở bên Việt nam, anh phải giải quyết một lần cho dứt điểm, chứ cứ vài năm lại lo tu sửa, tu sửa xong vài năm lại phải di dời… Vợ chồng mình ở bên đây thì làm được gì, cũng không tiếc tiền cho các cậu nó lo mồ mả ông bà ngoại hay các chú nó lo mồ mả ông bà nội. Nhưng mình đâu sống đời để lo mãi, nhất là mỗi lần hay tin mồ mả cha mẹ suy xụp hay phải di dời là anh lại mất ăn mất ngủ…

Thì cảnh một cảnh hai quê của anh em mình thì các ông cũng như tôi! Nhưng hôm đó, thằng Michael nhà tôi chạy bộ thể dục về, mặt mày còn đỏ gay vì nắng, nhưng nó lật đật ra sân sau, trao cho tôi một cái cánh gà chiên vàng rộm, mẹ nó một cái. Hí hửng nói,

“Ba mẹ ăn liền đi, còn nóng mới ngon.”

Mẹ nó hỏi, “Ở đâu con có. Ai cho…?”

Nó làm một hơi tiếng Việt như tôi uống bia với các ông, cứ ngắc ngứ, trợn trừng, nhưng ham vui. Nó nói,

“…Con chạy bộ ngang cái nhà… cách nhà mình ba bảng STOP. Mẹ nhớ cái nhà… mẹ đi bộ với con, mẹ nói bà đó chắc là người China, người Taiwan gì đó! Mẹ nhớ không?”

“Ừ. Nhớ. Rồi sao?”

“Hôm nay con thấy bà ấy nấu ngoài garage. Nhưng con ngửi được mùi nước mắm. Nên con chậm lại, rồi con đứng lại… tại nó thơm quá!”

“Thằng…! Vô duyên. Rồi sao nữa?”

“Bà ấy…, đi ra. Nói với con. Tôi xin lỗi! Tôi nấu thức ăn. Nhưng nặng mùi quá, phải không? Tôi xin lỗi. Để tôi đóng cửa garage xuống.”

“Con nói, không sao. Tôi nghe mùi nước mắm, nên đứng lại, và ngửi thôi!”

Bà ấy hỏi con, “Anh biết nước mắm hả?”

Con nói, “Biết chứ! Tôi là người Việt nam mà…!”

Bà ấy cười quá chừng, hỏi con, “học lớp mấy rồi, (bằng tiếng Việt nam)?”

Con nói tiếng Việt nam luôn, “Thưa bác, con đang học lớp 12.”

Bà ấy nói, “Trời ơi! Con trắng trẻo, đẹp trai, cao lớn… tới bác không nghĩ con là người Việt nam. Con lễ phép quá! Nhà con ở đâu vậy?”

Con chỉ nhà mình. Rồi hỏi, “Bác nấu cái gì mà thơm quá chừng vậy bác?”

Bác ấy dẫn con vô garage nhà bác, chỉ con, và nói với con là: “món cánh gà chiên nước mắm.”

Con xin ăn thử một cái được không? Vì nó thơm và thấy ngon quá!

Bác cho. Con cám ơn. Rồi đứng đó ăn luôn, và hỏi bác chỉ con cách làm được không?

Bác ấy đang chỉ con cách làm thì cháu ngoại của bác ấy thức dậy, và khóc trong nhà. Bác ấy vô canh chừng em bé. Con thấy cánh gà đợi bác ấy lâu quá, chắc hết ăn được, vì nó sắp bị đen. Con vớt ra, rồi bỏ cái mới vô để nấu dầu tiếp tục…

Bác ấy tắt khóc em bé được thì trở ra. Khen con quá chừng! Nói con ăn nữa đi. Chừng nào rảnh ghé nhà bác chơi…

Con ăn một cái nữa thôi, để nghe bác ấy chỉ con làm cánh gà chiên nước mắm xong cho. Con xin thêm hai cái cho ba mẹ ăn thử.

Cuối tuần, mẹ mua cánh gà về cho con làm thử cánh gà chiên nước mắm nha mẹ… Con có nói chừng nào con làm cánh gà chiên nước mắm như bác chỉ con thì con đem sang nhà bác cho bác bốn cái. Để bằng nhau…”

Nhà tôi hết ý với thằng con trai. Ai đời con trai mà đi xông vào nhà người ta xin ăn thử, rồi đứng chiên dùm. Lại còn xin về cho ba mẹ mình ăn thử, lại biết khất nợ miệng…

Nhưng tôi lại nghĩ khác, khi nào thì nó sống hồn nhiên với tâm tư người Việt trong máu huyết nó; và khi nào thì nó từ chối nguồn gốc Việt vì nó sinh đẻ ở Mỹ. Sự từ chối nguồn gốc của nó vì những quyền lợi trước mắt, nhất thời… sẽ đuối lý theo thời gian và sự trưởng thành. Nhưng khi nó hiểu biết và chấp nhận nó là người Việt sinh ở Mỹ thì lòng nó thấy vui hay buồn? Tại sao nó không là một người Mỹ bản xứ như bao nhiêu người sinh ra trên đất nước này- như nó? Tại sao lại có một đất nước công nhận nó là người thuần Việt thì nó lại không thể sống ở đó mà phải lưu vong từ trong trứng để ra đời ở đất nước – không bao giờ nó là người bản xứ được!

Biết rằng chị nó không bao giờ được ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ vì sinh đẻ bên Việt nam. Nhưng nó chỉ cần đợi sau 35 tuổi là có quyền tranh cử tổng thống vì nó sinh ra ở Hoa Kỳ. Nhưng trong lòng nó lại không phải là một người Mỹ, dù nó nói tiếng Mỹ, ăn món Mỹ, học trường Mỹ, ở nhà Mỹ… thậm chí sau này lấy vợ người Mỹ.

Cái khổ tâm của đời chúng ta là ký ức nghèo đói nơi quê cũ, nỗi nhớ nhà, người thân, món ăn thân quen… tới hết đời chúng ta. Thì những người Việt sinh ra ở Mỹ mang nỗi khổ tâm không phải người bản xứ ngay trên mảnh đất mình được sinh ra; nỗi khổ tâm về hai tâm tư trong một con người. Còn nỗi khổ tâm nào hơn một người phải sống suốt đời với phong tục tập quán, lề thói xã hội, cả cách nghĩ, cách làm, cả quyền ra tranh cử tổng thống của nơi mình được sinh ra, nhưng mình lại là người ngoại quốc ngay trên quê hương vì một nửa tâm tư thuộc về nguyên quán, dù không biết đọc, không biết viết tiếng Việt, thậm chí nói tiếng Việt bằng cách chuyển ngữ từ tiếng Anh sang nên hơi chậm và lắm từ lạ lẫm như: bác gái kia “tắt khóc” được em bé thì mới nhớ tới chảo cánh gà đang chiên ngoài garage, nấu dầu chứ không phải chiên…

Không biết đến đời thứ mấy của người Việt trên nước Mỹ thì nguồn gốc phai lợt được để tâm tư hợp nhất. Vì ngay nước sở tại này, người ta vẫn dùng những cụm từ phân biệt là “người Mỹ gốc Phi châu” để nói chung về người da đen, người Mỹ gốc Đức, gốc Pháp, Anh, Bồ Đào Nha… Đất nước cho mọi người quyền bình đẳng, tự do, và mưu cầu hạnh phúc như nhau. Nhưng đằng sau tinh hoa của sự Hợp chủng ấy là nguồn gốc từng dân tộc được nhắc nhở để phân biệt – làm người ta phân tâm. Đó là cái giá phải trả cho những điều tốt đẹp mà những xứ sở khác không có. Dĩ nhiên, về cơ bản không tiêu cực như một sự phân biệt vì tinh thần của Hợp chủng quốc là mọi dân tộc cùng sống trong thịnh vượng chung, và từng dân tộc được cổ vũ hãy giữ gìn bản sắc dân tộc mình trong cái chung của xã hội Hoa Kỳ, của Hợp chủng quốc luôn khuyến khích hợp tác và chống kỳ thị. Nhưng xã hội vẫn đầy người đi giữa lòng nước Mỹ với tâm tư nguồn gốc, dòng máu đôi khi lại hợp nhất trước biến cố khi mảnh đất sinh ra mình gặp sự cố.

Đời sống không bắt những đứa trẻ Việt sinh ra ở Mỹ này khổ sở. Nhưng trong chúng mang hai tâm tư nên hạnh phúc đích thực của đời người cứ lờ mờ như đi trong mây bay; lúc quang mây thì sáng lạn, rõ hết; nhưng mây giăng thì mất phương hướng; rồi lại trời quang tiếp trời mây…

Chuyện trà dư tửu hậu, theo cái nghĩa thông tục của nó là khi đã no, say, thì người ta tán gẫu, cũng là một hình thức hưởng thụ của nhu cầu được (đôi khi thích) nói của con người. Nhưng chuyện trà dư tửu hậu đôi khi cũng làm thức giấc những suy tư biệt lãng của người nghe; để đâu đó trong tiềm thức biệt xứ còn bóng dáng quê nhà, người thân, kỷ niệm… dĩ vãng làm tiếc nuối hay khổ tâm cũng đều giúp cho hiện tại chín chắn hơn để khi trở thành dĩ vãng sẽ bớt ray rứt…

Thằng Michael sẽ dở tiếng Việt hơn nữa khi đi đại học, rồi lấy vợ Mỹ thì càng tệ hơn, và quên nhiều nữa khi cha mẹ nó qua đời, không còn ai (giả điếc tiếng Anh) để buộc nó nói tiếng Việt. Nhưng sâu trong lòng một người sinh ra trên nước Mỹ, một hôm chợt nhớ bác chiên cánh gà ướp nước mắm ngoài garage nhà bác, đã nói xin lỗi một người mà bác tưởng không phải người Việt nam – thì người ấy vẫn là người Việt nam vì đã nhớ tới bác Việt nam – làm món cánh gà chiên nước mắm ngoài garage. Thằng Michael dù không còn nói tiếng Việt nam và ăn thức ăn Việt nam sau khi cha mẹ mất, từ khi lập gia đình với cô gái Mỹ… Nó là một người Việt không tổ quốc nên sống hết với mảnh đất sinh ra, nhưng đồng thời nó là một người Mỹ có ký ức nước mắm…

Phan

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search