T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Cô hoàn toàn không phải người…

clip_image001

Sorrow – Oswaldo Guayasamin(Ecuador)

 

Ngày xưa, nhìn một người, nhiều người đã đoán ra nghề nghiệp của đương sự. Giả sử một người đàn ông râu tóc-tiên nhân, quần áo không mới nhưng tươm tất. Phong thái khoan thai với bước đi nhẹ nhàng, gương mặt khắc khổ nhưng đôi mắt tinh anh – chứa cả trời trí tuệ… thì có đến chín mươi phần trăm: Ông ta là đạo sĩ.

Tôi dựa theo câu chuyện cổ Nhật bản, kể rằng: một ngày kia, làng chài xa xôi hẻo lánh, chỉ nhóm chợ khi mặt trời mọc. Nhưng vị khách lạ đi qua chợ hôm đó là người đàn ông khắc khổ, đôi mắt sáng-hiền, ông ăn mặc đơn sơ, quần áo không mới nhưng sạch sẽ, tươm tất…

Ông chào hỏi mọi người, quan sát mọi điều trong im lặng… như chính những bước chân khoan thai của ông. Người ta chỉ thấy ông đi mãi về phía biển. Dừng chân nơi mỏm đá cheo leo ngoài biển. Ông dựng chòi. Và ở lại đêm.

Phiên chợ sáng hôm sau, người dân chài vùng biển đã chứng kiến ông đạo sĩ giảng đạo cho họ nghe ngay tại chợ sáng. Từ đó mỗi sáng, ông lại giảng đạo cho dân chài nghe. Người ta tin vào những điều ông nói nên người đến nghe ngày càng đông.

Chỉ có điều, mỗi ngày, sau khi giảng đạo. Ông đạo sĩ trở về chòi thì thấy trong chòi của ông lại mất đi một vật dụng – vốn đã ít ỏi của ông đạo sĩ.

Đến một sáng, thay vì đi tới chợ để giảng đạo, thì ông đạo sĩ chỉ đi nửa đường – rồi quay về chòi.

Ông bắt được kẻ trộm – đang xục xạo trong chòi, nhưng chẳng còn gì để lấy nên tên trộm quên bẵng thời gian. Tên trộm bị bắt quả tang nên không chối cãi mà qùy lạy ông đạo sĩ: Thưa ông đạo sĩ, tôi quá nghèo nên buộc phải đến trộm chòi của ông. Xin ông đừng báo quan…

Ông đạo sĩ trả lời kẻ trộm, “Tôi trở lại chòi không phải để bắt anh. Tôi chỉ trở lại để xin lỗi anh là hôm nay tôi không còn gì để cho anh lấy…

Kẻ trộm được thả không. Nhưng không lâu sau, ông đạo sĩ đi giảng đạo về – thấy trong chòi của ông có lại đủ những thứ đã mất.

Đó là truyện cổ. Còn trong đời hôm nay, người đàn ông na ná ông đạo sĩ thì nhiều lắm, chỉ tách riêng nhánh nhỏ giống ông là không giàu. Nhưng họ lại cố gắng che giấu cái nghèo nên càng lộ thân thế! Họ là… phụ tá luật sư, chủ tịch cộng đồng, MC địa phương, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà… khánh tận hiện đại.

Đó là một trong muôn vàn lý do xã hội đương thời đòi hỏi từng cá nhân phải có giấy chứng nhận (thân thế và nghề nghiệp). Không biết người ta có nhắm vào người Việt với quá nhiều thợ nail bên Mỹ về Việt nam “nổ” là bác sĩ; trong khi bác sĩ (thiệt) bên Việt nam thì qua Mỹ làm nail. Làm cho khái niệm: nhất sĩ nhì nail bên Mỹ bị đảo lộn sau nhiều năm vững như kiềng nạm kim cương…

Vậy cái giấy chứng nhận sớm nhất với một đời người không thể nào khác hơn là tờ giấy khai sinh. Sau đó, xã hội nhiều lần năn nỉ khai thật thì người ta làm lơ để khai gian. Xã hội đòi giấy chứng nhận tốt nghiệp thì người ta mua bằng; chỉ khi bị đòi giấy khai tử là người ta bó tay vì đã ngủm cù đèo. Chuyện từ dư luận trong nước đến nay người ta vẫn thắc mắc về những giấy chứng nhận xung quanh bác Hồ. Người ta muốn biết có phải bác Hồ xuất thân từ lò gạch cũ, hay chỉ mình bác Chí có nơi sinh không đụng hàng. Người ta… là cái cõi chõ mỏ vô chuyện thiên thạ nhiều nhất trong vũ trụ. Chuyện Bác Chí hay bác Hồ không có lỗi với nơi sinh, thậm chí hai người đàn bà sinh ra hai nhân vật na ná trong lịch sử Việt nam cũng chẳng có lỗi gì vì cả dân tộc đâu chỉ hai người thích đẻ mà có lỗi.

Nhưng vượt biên ra hải ngoại rồi mới biết trời tây cũng lắm chuyện không kém! Người ta ở đây là người Mỹ, cứ hạch hỏi đương kim tổng thống Hoa Kỳ về nơi sinh hoài đó thôi! Trên trang đọc thì cái ông Bailey nào đó đã làm khó nhân loại khi ông ấy nói ra, “Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi, mọi người khóc còn ta thì cười!”

Cái ông này sinh sự chi cho rối thêm cuộc đời biệt xứ, vốn đã rối như nail-sĩ. Cứ khẳng khái nói ra: tờ giấy khai sinh là giấy chứng nhận sớm nhất cho một con người thoát khỏi… sở thú. Có dễ hiểu hơn không? Còn cái chuyện nó sống như thú đội lốt người hay người đội lốt thú thì để nhà nước lo. Một ông Bailey lo sao hết nhân loại mà ồn. Nếu không tin, chúng ta cứ đọc lại truyện ngắn “Giấy chứng nhận người” mà tôi vừa gấp sách lại từ quyển truyện ngắn chọn lọc Trung quốc. Thì sẽ thấy một người sinh ra có mấy tỷ người khóc, người ấy chết đi có mấy tỷ người cười… là ông tổng Trung, đầu đảng của băng hoại xã hội và con người Trung hoa có bề dày văn hiến.

Giấy chứng nhận: người

Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách: Vé tàu!

Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra.

Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc: “Đây là vé trẻ em.”

Người đàn ông đứng tuổi đỏ bừng mặt, nhỏ nhẹ đáp: “Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao?

Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi: “Anh là người tàn tật?”

“Vâng, tôi là người tàn tật.”

“Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.”

Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp: “Tôi… không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em.”

Cô soát vé cười gằn: “Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật?”

Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên. Tôi chỉ còn một nửa bàn chân.”

Cô soát vé liếc nhìn, bảo: “Tôi cần xem chừng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ ‘Giấy chứng nhận tàn tật’, có đóng con dấu bằng thép của Hội người tàn tật!”

Người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt quả dưa đắng, giải thích: “Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra sự cố ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định…”

Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình.

Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật… Trưởng tàu cũng hỏi: “Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu?”

Người đàn ông đứng tuổi trả lời anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cho Trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình.

Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói: “Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung.”

Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có bốn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc: “Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua cho, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi.”

Trưởng tàu nói kiên quyết: “Không được.”

Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu: “Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ.”

Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý: “Cũng được.”

Một đồng chí lão thành ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi: “Anh có phải đàn ông không?”

Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại: “Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không?”

“Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không?”

“Đương nhiên tôi là đàn ông!”

“Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem?”

Mọi người chung quanh cười rộ lên.

Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói: “Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả?”

Đồng chí lão thành lắc lắc đầu, nói: “Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông.”

Vị trưởng tàu tịt ngòi, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao.

Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với đồng chí lão thành: “Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi.”

Đồng chí lão thành chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng: “Cô hoàn toàn không phải người!”

Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé: “Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì?”

Đồng chí lão thành vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói: “Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận “người” của cô ra xem nào… Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa.”

Chỉ có một người không cười. Đó là người đàn ông trung niên bị cụt chân. Anh cứ nhìn trân trân vào mọi thứ trước mặt. Không biết tự bao giờ, mắt anh đẫm lệ, không rõ anh tủi thân, xúc động, hay thù hận.”

Úc Thanh

Vũ Công Hoan dịch

Cô soát vé tàu, “cô hoàn toàn không phải người” trong truyện vừa đọc. Có lẽ mọi người đọc đều hoàn toàn đồng ý với tác giả. Nhưng người đọc thử làm động tác giả – mình là cô soát vé tàu để nhìn lại quá khứ thử xem, có khi nào trong đời mình từng là cô hoàn toàn không phải người, đó không? Nếu ta nghĩ: chắc có. Thì có đó. Nhưng ta nghĩ: không bao giờ. Thì chưa chắc.

Tôi thí dụ thôi, hôm đó, tôi ghé toà soạn báo Trẻ ở Dallas để xin mấy cuốn báo về xem. (Vì báo bạn ở Dallas thì nhiều vô kể, đa số là báo garage – rồi xài cái P.O Box ngoài Bưu điện để liên lạc khách hàng, bạn đọc, cộng tác viên… Báo Trẻ nhờ có văn phòng ở mặt đường, nên nhiều báo bạn bỏ báo ở đó cho đồng hương dễ lấy.

Tôi là người làm báo nên quen biết, ngồi uống ly cà phê và trò chuyện với chị L (manager của báo Trẻ), người mời tôi ly cà phê… trái giờ, vì đang trưa. -Giờ trưa nên có cô… hoàn toàn không phải người đã đến lấy báo. Cô ta lấy tất cả những báo có mặt trên kệ báo-free. Sau đó hỏi chị L: Hôm nay có báo Ca dao không vậy chị?

Chị L trả lời: “Dạ có. Báo Ca dao mới đưa tới tức thì. Xin lỗi… chưa bỏ lên kệ.”

“Không sao. Không sao… cho em xin một cuốn.”

Chị L nói tiếp, “Dạ thưa chị. Tất cả các báo đều free. Riêng báo Ca dao, xin ủng hộ một đồng.”

“Sao kỳ vậy?”

“Dạ… chắc tại… em cũng không biết nữa!” Chị L nói thế.

Cô kia giận rồi, “Thôi. Em không lấy báo Ca dao đâu!”

Tôi nhớ hoài cô Việt nam – trắng da dài tóc, mặc đồ bệnh viện. Trên ngực áo có thêu chữ in hoa “MD” rồi tới cái tên Mỹ- họ Việt. Tôi đọc theo kiểu tiếng Anh của ông Nguyễn Ngọc Ngạn: MD đọc là Mỹ đen thì không được vì cô nàng trắng trẻo, xinh ra phết! Nhưng tôi nhớ hoài “cô hoàn toàn không phải người” đó! Có lẽ vì báo Ca Dao thiếu xuất trình cái “Giấy chứng nhận: Tờ báo khó khăn” nên cô nường bác sĩ nhất định không cho một đồng.

Kể chuyện anh bạn cô, cho có đôi có cặp. Thật ra là bạn tôi. Anh bạn đi công tác chung với tôi, là một tiến sĩ trẻ, có bằng PhD hẳn hoi. Sáng đi, anh ta đổi ý đi xe tôi so với dự trù từ hôm qua là đi xe anh ấy. Vì xe tôi cũ hơn, không bảo đảm đi đến nơi về đến chốn như xe anh ta. (Tôi hiểu rồi, xe anh ta không tè vào là chạy được. Mà tiền xăng thì biết có thanh toán được hay không, trong khi đi công tác hơi xa.)

Hai thằng đeo theo phóng sự tới chiều. Mệt, đói, khát, buồn ngủ… cộng chung lại là lủi vô nhà hàng – vì còn tăng hai của cái phóng sự dài hơi tới nửa đêm. Anh ta trách tôi sao không nói trước để đem cơm theo ăn? Tôi thì chưa từng nên cứng họng, lủi vô nhà hàng cứu đói mình là nghiêm túc. Không nói lời nào thêm.

Thằng nhỏ trong nhà hàng hỏi tôi ăn gì? – Phở. Hỏi hắn… -Ừ. Nó quất luôn cho hắn tô phở. Nó hỏi tiếp tôi, Chú uống gì? – Cà phê đen-đá. Nó tiện miệng hỏi luôn, Hai ly hả chú? -Ừ.

Tới nó tính tiền thì hắn nói trả riêng. Tôi im. Nó tính tiền tô phở của hắn với ly cà phê đá thì hắn hoàn toàn không phải người khi hắn nói với thằng nhỏ, chú order chỉ tô phở. Còn ly cà phê là bạn chú mời chú nên anh ta trả hai ly…

Tôi… hoàn toàn không phải người khi tức quá nói bậy! “Ê. Trong khai sanh của tao không có tên mày. Đã tính riêng thì hồn ai nấy giữ! Ô-kê.”

Nói rồi hối hận tới hôm nay, chỉ tiếc là không biết nhà hay số điện thoại của nhỏ bác sĩ kể trên để giới thiệu cho thằng bạn tiến sĩ của tôi vì đôi lứa xứng đôi đâu dễ có trên đời.

Hy vọng mỗi người trong chúng ta, lúc nào rảnh, thử nhớ lại một chuyện mình hoàn toàn không phải người. Không cần thiết phải kể ra! Nhưng nhớ lại để thấy mình khác với con người xã hội chủ nghĩa chỉ biết tôn sùng cái tôi, bưng bít cái ngu, vô lương tâm, thiếu đạo đức như cô hoàn toàn không phải người trong xã hội cộng sản Trung quốc. Sự tai hại chủ nghĩa làm băng hoại đạo đức xã hội đến vô phương, băng giá lòng người đến vô cảm trước hoàn cảnh của người khác là xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta thoát ra được xã hội ấy mới chỉ là bước đầu. Dậm chân tại chỗ hay thay đổi nhân sinh quan trong thế giới quan cởi mở hơn mà chúng ta đã may mắn được sống.

Phan

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn

Bài Mới Nhất
Search