T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Một trải nghiệm về dạy và học môn Việt văn ở Miền Nam trước 1975

Tiêu Dao Bảo Cự

(Nguồn : Diễn Đàn Thế Kỷ)

Tác giả bài viết này là “giáo sư Việt văn” bậc trung học ở Miền Nam trước năm 1975 (các thầy cô giáo dạy trung học được gọi là giáo sư trung học). Trong cuộc thảo luận về đề tài “Ngữ văn trong nhà trường” do Văn Việt nêu ra, tôi thấy trải nghiệm dạy văn của mình có nhiều vấn đề liên quan đến các đề tài được gợi ý trong cuộc thảo luận. Sau 1975 tôi không còn dạy học nên không đủ thẩm quyền góp ý về việc dạy và học văn hiện nay nhưng tôi nghĩ những trải nghiệm của mình trong nghề cũng là một cách so sánh, đối chiếu để góp phần soi sáng thêm về một vấn đề chung mà Văn Việt đã nhấn mạnh tầm quan trọng là “có tác động rất lớn đến tâm hồn con em chúng ta và tương lai văn học nước nhà”.

Bài viết sẽ lướt qua các vấn đề: quá trình đào tạo giáo sư Việt văn, chương trình, phương pháp giảng dạy, sách giáo khoa, hoạt động ngoại khóa, thi cử, mối quan hệ với học sinh và hình ảnh người giáo sư văn chương trong mắt học sinh.

Quá trình đào tạo “giáo sư Việt văn” cũng như giáo sư dạy các môn khác khá công phu và bài bản, tạm đủ để giáo sinh ra trường có thể thực hiện tốt công việc của mình. Tôi học Đại Học Sư Phạm Huế từ năm 1963 – 1967, là khóa đầu tiên đào tạo 4 năm, thay vì 3 năm trước đó. Muốn vào Sư Phạm phải qua thi tuyển, các đại học khác (như Văn Khoa, Khoa Học, Luật), học sinh có bằng Tú Tài 2 chỉ cần ghi danh vào học. Thi tuyển vào Sư Phạm cũng khá khó khăn, tỉ lệ thi đỗ tùy năm, khoảng trên dưới 20%, sau đó còn tiếp tục được sàng lọc. Lớp tôi thi vào đỗ 22, lúc ra trường chỉ có 13 người tốt nghiệp. Sinh viên Sư Phạm có học bổng, được hoãn dịch, ra trường được chính thức bổ nhiệm làm công chức ngay (với mức lương khá cao so với các ngành nghề khác), nghề giáo được xã hội coi trọng nên Sư Phạm được coi là một đại học “có giá”.

Sinh viên học Sư Phạm Việt văn thường là những người có năng lực về văn ở trung học, yêu thích văn chương và “có mộng văn chương”, thích làm nghề thầy, chứ không phải kiểu “chuột chạy cùng sào mới vào…”.

Chương trình đào tạo ngoài các môn về văn học Việt Nam còn học Hán văn, chữ Nôm, Anh văn, Pháp văn, văn học Trung quốc, văn học phương tây, triết học đông phương, tâm lý giáo dục… Các giáo sư giảng dạy một số tốt nghiệp ở nước ngoài, một số là học giả trong nước, những người đã có công trình nghiên cứu chuyên sâu và xuất bản sách về môn mình giảng dạy. Trong 4 năm học, sinh viên sư phạm Việt văn được khuyến khích học thêm bên Văn khoa để lấy bằng cử nhân Văn khoa hoặc ít nhất bắt buộc phải có hai chứng chỉ văn chương Việt Nam và Hán văn bên Văn khoa. (Bằng cấp ở Văn khoa theo chế độ chứng chỉ, tuy học tự do nhưng lấy chứng chỉ không phải dễ, như chứng chỉ Văn chương Việt Nam, nửa đầu thập niên 60, mỗi năm khoảng 30 người dự thi, chỉ đậu 5 – 7 người, thậm chí có năm chỉ 2 – 3 người. Vì ghi danh học tự do nên người giỏi có thể chỉ 3 năm lấy bằng cử nhân, gồm 1 năm dự bị và 2 năm lấy 4 chứng chỉ, nhưng có người học 5 – 6 năm cũng không lấy nổi cử nhân nên cứ tà tà học hoặc có thể cố ý để vừa đi học vừa  hoạt động… “cách mạng”.)

Về chương trình, phương pháp giảng dạy, sách giáo khoa hoàn toàn khác hẳn hiện nay.

Chương trình mỗi lớp do Bộ Giáo dục ấn định, có tích cách rất tổng quát, chỉ quy định lớp nào học các tác giả nào, thời kỳ văn học nào, mỗi phần học mấy tuần hay mấy tháng. Không có “sách giáo khoa pháp lệnh” của nhà nước mà chỉ có một số sách do tư nhân, là các giáo sư dạy văn biên soạn, bán trên thị trường. Các sách này cũng chỉ dùng để tham khảo, vì mỗi giáo sư phải tự soạn lấy bài giảng của mình. Giáo sư phải sử dụng kiến thức học ở đại học, nghiên cứu tìm tòi thêm để soạn bài, không những để đạt yêu cầu theo chương trình mà còn mang dấu ấn cá nhân của người soạn. Một giáo sư tài hoa sẽ có những bài giảng tài hoa, uyên bác, gây ấn tượng mạnh trong nhiều thế hệ học sinh.

Thời gian quy định giảng dạy cho các phần trong chương trình mỗi lớp chỉ có tính cách tương đối, giáo sư có thể “du di” theo ý mình, miễn là cuối năm hoàn tất chương trình, nhất là các lớp cuối cấp phải đi thi. Tôi có thể dành đến 3 tháng để dạy về truyện Kiều, gấp đôi thời gian quy định, để gởi gắm thêm tâm trạng và những suy tư của mình về định mệnh và kiếp người. Thích tinh thần phản kháng, ngang tàng và tài hoa của Cao Bá Quát, tôi dành thời gian gấp đôi thời gian dành cho Nguyễn Công Trứ dù hai tác giả này được quy định thời gian tương đương. Có thể nói tôi đã tung hoành trong bài giảng của mình, thể hiện mình thông qua các tác giả. Đặc biệt trong những lớp ban C, tức ban văn chương ở đệ nhị cấp (cấp 3), mà học sinh cũng là những cô cậu mới lớn có tâm hồn lãng mạn, thích văn chương theo học, thầy trò lại càng đi sâu vào những khía cạnh tâm lý phức tạp của nhân vật chứ không phải chỉ là những kiến thức giáo khoa. Đó cũng là một phần của quan niệm “dạy văn tức là dạy người”. Người dạy người không phải dễ, dù đó là giáo sư văn chương được đào tạo bài bản. Người dạy không những có kiến thức mà còn phải có lý tưởng, nhân cách, am hiểu sự mong manh tế nhị, nhạy cảm của tâm hồn và sức thuyết phục toát ra không chỉ  từ  bài giảng mà còn từ toàn bộ cuộc sống của mình.

Lúc mới ra trường, tôi dành cả nửa tháng trời để suy nghĩ và chuẩn bị cho giờ học đầu tiên ở mỗi lớp. Không có chuyện quy định giờ nào phải dạy bài nào, dạy không xong sẽ “cháy giáo án”. Giờ học đầu tiên là cách “trình diện” trước học sinh, thế hệ đàn em, về lý tưởng, hoài bão và phương pháp của một giáo sư văn chương. Đó là tâm tình của một người đàn anh trong 4 năm đại học đã trải qua nhiều biến động và trưởng thành trong những sóng gió của đất nước thời chiến. Thời kỳ đó đã tác động mạnh vào tuổi trẻ học đường, buộc những chàng trai trẻ sinh viên không chỉ biết học, bạn bè, yêu đương mà còn suy tư, đối diện với những vấn đề lớn của đất nước và dấn thân bằng hành động. “Giây phút đầu tiên” này không chỉ đầy xúc động đối với người thầy mà cũng còn là những giây phút khó quên đối với học sinh mà họ vẫn còn lưu giữ trong ký ức, mãi đến mấy chục năm sau vẫn còn được nhắc lại khi thầy trò gặp nhau và đầu đều đã điểm bạc. Và những khi thầy trò đều chán nản, uể oải vì một lý do nào đó, thầy sẵn sàng ngưng dạy bài học để cùng nhau nói chuyện đời. Đôi khi những câu chuyện này lại có ích cho cả thầy và trò hơn những kiến thức giáo khoa khô chết. Nếu chỉ bám vào giáo khoa làm sao đối diện được với cuộc sống hiện tại mới mẻ và muôn vàn biến động. Đôi khi chính những giờ phút “phi chính thống” này lại mang đến hứng thú, sức hấp dẫn cho những giờ dạy và học văn chương.

Các hoạt động ngoại khóa cũng mang lại sự hào hứng cho sinh hoạt văn chương. Tổ chức làm báo, thi sáng tác thơ văn , lập các bút nhóm học trò là những hoạt động hào hứng đầy say mê, nhất là với những học sinh có “mộng văn chương”. Những lớp nhỏ chỉ làm báo tường (viết trên một tấm giấy lớn treo trên tường) nhưng các lớp đệ nhị cấp thường làm báo ronéo. Lớp đệ tam C (lớp 10) văn chương đầu tiên do tôi đề nghị thành lập và làm chủ nhiệm khi mới ra trường đã làm tờ báo ronéo lấy tên “Những bước chân reo” tuy in ấn hơi lem nhem nhưng là một kỷ vật vô giá cho lớp học này mãi về sau, mang chứa những hoài bão và kỷ niệm đẹp của một thời trắng trong sôi nổi. Tờ báo “Niềm tin” với danh nghĩa là tờ báo của toàn trường do Ban Báo chí thực hiện, tất cả mọi khâu sáng tác, chọn bài, in ấn đều do học sinh tự làm, mà nòng cốt là các học sinh yêu thích văn chương, phát hành ra cả bên ngoài nhà trường, lại bị chính quyền cấm vì nhiều bài viết được cho là  không phù hợp với chính sách đương thời.

Đặc biệt sôi nổi hào hứng là hoạt động thuyết trình. Mỗi lớp được chia thành nhiều tổ, trong đó có một tổ trình bày đề tài và các tổ khác “phản biện”. Đề tài thường là giới thiệu phê bình một cuốn sách, trình bày một nội dung trong chương trình có liên hệ đến thực tế hiện tại hay về một vấn đề thời sự do giáo sư gợi ý. (Có lần ở lớp đệ tứ (lớp 9), tôi đã cho các em thuyết trình về tập truyện ngắn “Trước khi mặt trời mọc” của Trần Duy Phiên, bạn tôi, khi vừa được tạp chí Đối Diện xuất bản). Các em chuẩn bị rất công phu, hàng tuần hay đôi khi hàng tháng, từ sưu tầm tư liệu, viết nội dung đến phân công trình bày. Các lớp nhỏ khi tranh luận thường có ý ganh đua những chi tiết vụn vặt nhưng các lớp lớn đã biết đi sâu vào lý luận, quan điểm, nhất là các vấn đề liên quan đến thời sự – chính trị, phản ánh tư tưởng của tuổi trẻ trong một giai đoạn đặc biệt của đất nước, qua đó người thầy có thể hướng suy nghĩ của các em về hướng lành mạnh, đúng đắn. Điều này không thể làm được trong các bài giảng giáo khoa khô cứng.

Việc thi cử, nhất là các kỳ thi Tú tài 1 và Tú tài 2, rất quan trọng đối với học sinh, để có thể học lên cao hay phải đi lính, không ảnh hưởng đến cách giảng dạy của giáo sư vì không có chuyện học tủ, thi tủ. Muốn làm được bài thi phải có kiến thức vững chắc và toàn diện cả chương trình. Khi chấm thi, các giáo sư giám khảo có thang điểm hướng dẫn một cách tổng quát mỗi phần cho bao nhiêu điểm nhưng không có quy định phải như thế nào cụ thể theo một giáo án nào đó mới là đúng hay sai. Việc đánh giá là do chủ quan của giáo sư giám khảo căn cứ trên kiến thức cần có của chương trình đã học và nghệ thuật trình bày, khả năng lý luận và sáng tạo của học sinh, đúng với bản chất của văn chương chứ không phải thuộc lòng rập khuôn theo “văn mẫu”. Không có cái gì gọi là “văn mẫu”, ngược lại càng độc đáo và phản biện tích cực càng được đánh giá cao, nhất là trong các bài nghị luận. Ngoài ra trong các kỳ thi này, giáo sư dạy tỉnh này được phân công đi chấm thi ở tỉnh khác nên phần lớn đều giữ được sự công tâm cần có.

Mối quan hệ giữa các giáo sư nói chung với học sinh khá thân thiết, nhất là đối với các giáo sư văn chương vì những người này cũng thường lãng mạn và phóng khoáng. Học sinh là thế hệ đàn em không cách bức nhiều lắm vì chỉ hơn nhau 5 – 7 tuổi, thậm chí có học sinh lớn bằng tuổi thầy vì học muộn và khai gian tuổi để trốn lính (thầy cô tốt nghiệp đại học ra trường đúng tuổi chỉ mới 22).

Không có chuyện dạy thêm học thêm nên thầy trò không có gì cấn cái. Ngoài giờ học thầy trò có thể cùng đi uống café nghe nhạc (dĩ nhiên do thầy “bao” và học trò cũng hay vòi). Các buổi đi picnic từng nhóm nhỏ hay cắm trại lớp, trường là những dịp đặc biệt để thầy trò vui chơi chan hòa (cắm trại đúng nghĩa trong rừng chứ không phải trong sân trường như hiện nay).

Một nhóm học sinh lớp đệ nhị và đệ nhất (11 và 12) thường đến nhà tôi để trao đổi chuẩn bị cho các buổi thuyết trình. Nhà tôi chật chội nhưng có vườn nên các em đã nảy ra ý định đề nghị làm một cái chòi ngoài vườn để làm nơi sinh hoạt. Tôi đồng ý. Các em rủ nhau đi rừng chặt vác về một số cây cột để dựng chòi. Thế là các em có được một nơi gặp gỡ thoải mái.

Những điều này góp phần tạo nên tình thân nhưng không vì thế mà mất chữ “lễ” khi thầy trò cùng hiểu đúng về quan hệ thầy trò.

Cũng nhờ có thân tình đó và sự tin cậy mà các em học sinh đã chia sẻ với tôi những tâm tình riêng tư. Tôi còn nhớ mãi hai câu chuyện cảm động.

Một em vì hoàn cảnh gia đình và tâm trạng cá nhân muốn bỏ học để đi lính. Đó là một chàng trai lớp đệ nhị  bình thường rất ngang tàng, không thân với tôi lắm và không hiền hòa lễ phép như phần đông các em khác. Thế nhưng một hôm em tìm đến tâm sự và hỏi ý kiến của tôi. Tôi đã phân tích, khuyên nhủ nhưng không lay chuyển được ý định của em. Em đã đăng ký tình nguyện vào một đơn vị đặc biệt hết sức nguy hiểm. Không lâu sau tôi nghe tin em đã tử trận. Tôi vô cùng hối tiếc và cảm thấy mình quá bất lực.

Một em khác cũng lớp đệ nhị, hỏi ý kiến tôi về một chuyện hết sức bất ngờ. Em có ý định giết một người đàn ông vì đã làm hại đến gia đình em. Người này thường rủ rê ba em rượu chè, cờ bạc nên ba em về nhà hay đánh đập chửi rủa vợ con. Em nói đã kiếm được một quả lựu đạn và chọn địa điểm trên một quãng đường vắng để sát hại người kia. Tôi đã phân tích mọi điều và cuối cùng thuyết phục được em bỏ ý định nguy hiểm và thực hiện những giải pháp khác có hiệu quả hơn. Về sau gia đình em cũng trở lại hòa thuận.

Khi được học sinh tin cậy trao gởi những điều trọng đại trong cuộc đời, người thầy phải luôn tự vấn mình phải làm gì để xứng đáng với sự tin cậy đó.

Vì tất cả những điều trên và những gì tương tự, có lẽ hình ảnh một giáo sư văn chương trong mắt học sinh có cái gì khá đặc biệt. Đó là hình ảnh một người thầy có sức hấp dẫn bởi sự uyên bác, tài hoa và có chất lãng mạn – nghệ sĩ. Những bài giảng về văn chương là bài giảng về tâm hồn, về cảnh ngộ con người trong nhiều hoàn cảnh sống, về nhân sinh quan, về nghệ thuật thơ văn đi vào lòng người chứ không phải chỉ là kiến thức. Kiến thức có đầy trong sách nhưng truyền được ngọn lửa cho thế hệ trẻ đòi hỏi người thầy phải có tài năng đặc biệt trong nghệ thuật thuyết phục và  giáo dục.

Như đã nói ở trên, vào thời kỳ tôi đi học Sư Phạm Việt văn, phần lớn sinh viên có “mộng văn chương” chứ không phải chỉ là chọn nghề hay vấn đề cơm áo. Điều này được chứng thực bằng thành quả tiếp theo trong hoạt động văn học, ngoài việc giảng dạy.

Chỉ trong khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, ở Đại học Sư Phạm Huế, mỗi năm ban Việt văn chỉ có khoảng từ 10 – 20 sinh viên, nhưng sau khi ra trường một thời gian, trong số này đã  xuất hiện nhiều nhà văn (có người đã có bài đăng báo, xuất bản thơ ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường đại học). Có thể kể (theo thứ tự thời gian tốt nghiệp):

– Ngô Kha: Tốt nghiệp thủ khoa khóa 1 Đại học Sư Phạm Huế. Tác phẩm nổi tiếng: Hai tập thơ “Hoa cô độc” và “Ngụ ngôn của người đãng trí”. Bị thủ tiêu một cách mờ ám vì tham gia tranh đấu trong phong trào đấu tranh đô thị Miền Nam.

– Đoàn Khoách: Tốt nghiệp thủ khoa Đại Học Sư Phạm Huế năm 1960 với huy chương vàng. Tác giả nhiều sách nghiên cứu cổ văn và sách dịch Hán – Việt. Hiện là giảng viên Viện Việt học ở Westminster, California Hoa Kỳ.

– Nguyễn Mộng Giác: Tốt nghiệp thủ khoa ĐHSP Huế 1963. Tác phẩm tiêu biểu: Hai bộ trường thiên tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” và “Mùa biển động”. Đã qua đời ở Mỹ.

– Trần Quang Long: Tốt nghiệp 1965. Các bút hiệu khác: Thảo Nguyên, Chánh Sử, Trần Hoàng Phong. Tác phẩm tiêu biểu: Thưa Mẹ Trái Tim (thơ tuyển). Hi sinh trong chiến đấu.

– Nguyễn Đắc Xuân: Rời trường 1966. Nổi tiếng trong lãnh vực nhiên cứu, biên khảo về Huế.

– Trần Duy Phiên: Tốt nghiệp 1967. Tác phẩm tiêu biểu: Trước khi mặt trời mọc (tập truyện trước 1975). Sau 1975 xuất bản hàng chục tập truyện ngắn và truyện dài “Trăm năm còn lại”.

– Đông Trình (Nguyễn Đình Trọng): Tốt nghiệp 1968: Tác phẩm tiêu biểu: Rừng dậy men mùa (tập thơ trước 1975). Sau này tiếp tục xuất bản hàng chục tập thơ khác. Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.

– Trần Hồng Quang (Trần Minh Thảo): Tốt nghiệp 1968. Cây bút chủ lực viết chính luận trên tạp chí Đối Diện trước 1975.

– Trần Hữu Lục: Tốt nghiệp 1968. Tác phẩm tiêu biểu: Cách một dòng sông (tập truyện trước 1975). Tiếp tục sáng tác thơ văn cho đến hiện nay. Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.

– Tần Hoài Dạ Vũ (Nguyễn Văn Bổn): Tốt nghiệp ĐHSP Huế 1969. Xuất bản nhiều tập thơ, chuyên khảo về Văn nghệ dân gian, hồi ký lịch sử “Phác thảo chân dung một thế hệ”. Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam.

– Nguyễn Phú Yên: Tốt nghiệp 1969. Sáng tác thơ và nhạc. Nổi tiếng với ca khúc “Thuyền em đi trong đêm” trong phong trào “Hát cho dân tôi nghe” trước 1975.

– Ngô Văn Ban. Tốt nghiệp 1970. Chuyên khảo về văn nghệ dân gian. Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

– Trần Kiêm Đoàn: Tốt nghiệp 1970. Nổi tiếng với các tác phẩm chuyên khảo về Huế, về Phật giáo và tiểu thuyết “Tu bụi”. Hiện sống và giảng dạy đại học ở Mỹ.

Đây là danh sách chưa đầy đủ, nhưng với chỉ ngần ấy thôi có lẽ cũng đã có thể  làm người ta kinh ngạc. Và chắc chắn rằng những người này và bạn bè của họ, không hề là những kẻ “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Ngược lại, một số không ít trong họ, là những tinh hoa, vừa là những người thầy đáng kính đào tạo được rất nhiều thế hệ học sinh, vừa là những tài năng đã đóng góp không nhỏ cho nền văn học nước nhà.

Văn học là nhân học. Dạy văn tức dạy người. Lại còn chuyện liên quan đến “tương lai văn học nước nhà”. Những điều này vô cùng khó, đòi hỏi rất nhiều yếu tố và sự thành công có thể hiếm hoi nhưng đó là cái đích cho người thầy dạy văn chương vươn tới. Không chỉ là chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, dù cải tiến đến đâu cũng mới chỉ là vấn đề kỹ thuật (mà hiện nay người ta cứ “cải tiến cải lùi” mãi không xong), cao hơn nữa phải là tài năng, nhân cách, lý tưởng của người thầy. Điều này hiện nay vẫn đang chỉ là một giấc mơ của những người có tâm huyết với nền giáo dục …

Đà Lạt 3/11/2014

TDBC

Bài Mới Nhất
Search