T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: KHÓI VÀ MẢNH TRĂNG KHUYẾT

clip_image002

Tranh: Trần Thanh Châu

(Tặng bạn bè tôi, một thời tan nát, chia lìa).

Từ nơi nào ấy rất xa xôi, như tiếng vọng khẽ:

– Định, mày mạnh giỏi chứ? Bây giờ mày thế nào rồi? Lâu lắm tao không gặp, nhớ lắm!

– Xin lỗi, giọng nói nghe rất quen.

– Ha, ha… đã quên thằng bạn này rồi sao? Đầu óc mày bắt đầu còm cõi từ hồi nào vậy? Tao cứ ngỡ tụi mình vẫn tiếp tục làm thơ dưới khung cửa sổ phòng Thủy đó mà.

– Hả. Nói sao? Thủy ngày xưa. Ngô, mày ở đâu? Tao tưởng.

– Chết từ ba mươi năm nay rồi chứ gì? Người đời nghĩ rằng tao chết rồi, chết thật rồi. Nhưng mà, hỡi ơi, làm sao tao chết được. Tao vẫn gần tụi mày, vẫn biết Thủy bây giờ cơ cực, vẫn biết thỉnh thoảng mày mơ màng làm một cuộc viễn du, đến bên em bằng những giấc mơ tuyệt đẹp, đầy ắp hương hoa và rỗng không sương khói.

– Mày gặp Thủy?

– Tao gặp thường xuyên, không ngày nào, tháng nào, năm nào là tao không ở bên cạnh nàng.

– Mày với Thủy…

– Lại ngộ nhận. Tất cả đều trễ tràng. Tất cả là những sợi khói mong manh, níu theo mảnh trăng khuyết dằn xé nỗi khát khao.

– Tao không hiểu gì cả.

– Mày làm sao hiểu được khi mọi ràng buộc biển dâu bị trói chặt vào guồng lăn cuộc đời!

– Ngô, mày nói cứ như một tên thánh sống bất tài, nói cho hả hơi, hả giận về sự bất lực của mình. Mày đang ở đâu? Tao sẽ tới ngay để gặp mày, để coi bộ dạng xương xẩu hiu hắt, giờ có thay đổi chút nào không?

– Xa vạn dặm mà cũng gần trong cái chạm nhẹ một với tay.

– Mày lại giở giọng bỡn cợt như hồi xưa?

– Không đâu. Mày không thể tìm thấy tao, nhưng tao sẽ đến với mày, ngay bây giờ đây.

Những âm thanh u u … kéo dài trong tai nghe. Và như vậy có nghĩa là Ngô đã gác máy.

Rõ ràng là Ngô chứ không thể một kẻ nào khác. Chúng tôi thân với nhau từ khi học Tam Tự Kinh, đánh vật với những nét sổ, nét ngang, gà gật ê a như những chú tiểu bắt đầu học kinh Phật. Rồi chăn bò, tắm sông… và lớn lên và mất hút nhau. Năm tháng trôi đi không một tin tức nhỏ về Ngô. Nó đi những đâu? Làm những gì? Không một ai hay biết. Những cuộc kiếm tìm vô vọng cuối cùng như chiếc tim đèn hết dầu. Vậy mà giờ này, Ngô lại trở về với tôi trong đêm khuya khoắt, ít ra là qua giọng nói từ đâu đó vẳng tới. Hoàn toàn bất ngờ. Hay tôi đang chìm lú trong cõi mê muội của hoài nhớ, mong chờ quay quắt bấy lâu nay?

Tôi ngồi chờ dưới ánh trăng hạ tuần nhợt nhạt, hắt những quầng sáng qua song cửa như thể những cụm khói từ một thế giới lạ hoắc, len lạnh hơi đồng. Bên ngoài khu vườn rộng, bóng đêm nhập nhoà vệt tối sáng mỏng tang, vật vờ trên những tàn lá đang im ngủ. Rồi bỗng nhiên những quầng sáng ấy loá trắng chói chang vơi chiếc bóng của Ngô lách qua cánh cửa khép hờ, bước về phía tôi. Cái bóng lêu khêu muôn thuở, bước không muốn chạm đất. Nó hào hển, sôi nổi siết chặt bàn tay tôi, ôm tôi như ôm một đứa bé con, biểu lộ một thứ tình cảm bị dồn ép lâu ngày.

– Mày vẫn vậy, không đầy đặn, nhưng chưa già đi chút nào. Lâu quá anh em mình không được thấy mặt nhau, cầm tay nhau.

Thanh quản Ngô như bị một vật gì đó dính ngang làm giọng nói khao khao, không như bình thường.Tôi nghĩ với tấm áo mặc phong phanh trên người, có thể cái lạnh làm anh bị đởm giọng. Cũng có thể anh ta vội vã chạy đến tôi với đôi chân trần của thằng bé ngày xưa đi chăn trâu, chơi trò cút bắt, u quạ trên những đụn mả đến nỗi anh mệt lả đi?

Ngô với tay rút điếu thuốc, rồi lại đặt ngay xuống bàn, không bật lửa. Anh đảo mắt nhìn gian phòng, lướt trên những bức tranh trên tường, phía trước mặt. Đó là những bức tranh thiếu nữ anh vẽ về Thủy qua trí nhớ cách đây trên ba mươi năm, thuở mà đám thanh niên nhai những củ khoai lang sùng của J.P Sartre, của F. Sagan và kêu lên những buồn nôn, ói ỉa… đầy dẫy cả ngoài cuộc đời lẫn trên trang chữ. Cái thời của sự buồn chán, mệt mỏi và làm dáng trí thức cần thiết hơn là sự ăn uống, làm việc, tỉnh táo. Giữa bối cảnh đặc quánh đờm dãi nhầy nhụa đó, Thủy xuất hiện tựa một cánh hoa rực rỡ trên mảnh đất khô khốc cát sỏi, ruồi nhặng.

Và rồi cả Ngô và tôi đều yêu Thủy đến điên cuồng, để cuối cùng hình ảnh Thủy đầy ắp trong những trang sách bằng những nét vẽ nguệch ngoạc của Ngô và một mớ chữ nghĩa kết nối thành những âm điệu dày cộp trong cuốn sổ tay của tôi. Từ bên này bức tường rào rêu ẩm, mái ngói oằn cong, tôi và Ngô dùng cọ, dùng bút cào miết lên giấy, vải cái nhan sắc dữ dội kia và tìm cách chuyển đến nàng, để sau đó nàng chuyển lại chúng tôi một cách hằn học, dè bỉu: những ngón tay thon thả, trắng muốt vò nát những thứ chúng tôi yêu quý, ném qua tường như người ta ném xác súc vật, kèm theo những dây cười miệt thị. Thủy nhìn chúng tôi như hai kẻ điên loạn, coi chúng tôi như lũ người sống trong thế giới của mộng mị và hoang tưởng, ban tặng cho mỗi đứa một lỗ đen ngòm khổ đau thời mới lớn. Lần duy nhất Thủy viết mấy câu, bọc viên đá dăm, ném sang vườn: “Các anh thôi ngay trò vớ vẩn dung tục này lại ngay. Nếu không tôi sẽ kêu ba tôi bắt các anh tống vào khám!”

Rồi sau đó, Thủy bước qua chiếc cầu hạnh phúc lắc lẻo với nỗi hân hoan tột cùng của loài báo cái biết mình đẹp nhất trần gian, danh giá nhất trần gian. Đám cưới tổ chức trên nhà hàng nổi dập dềnh sóng nước, dập dềnh hạnh phúc và dập dềnh cơn say lảo đảo của hai kẻ điên loạn chỉ biết đứng trên bờ nhìn những dề lục bình trôi như chính thân phận mình. Hôm đó Ngô say khướt, quay trở về nhà bắt tôi căng mảnh vải bố lên giá vẽ. Bao nhiêu ống màu anh đều nặn hết xuống sàn và cầm cọ vẽ như điên như say trên khung vải trắng. Nước mắt chảy cơ hồ như con suối nhỏ. Tôi mơ màng trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê nhìn theo bàn tay gầy guộc cào miết lên giá vẽ… để sáng hôm sau và mãi mãi, tôi không bao giờ biết Ngô đi đâu, về đâu? Phản ứng đầu tiên trong buổi sáng tan tác đó là tôi đá văng khung vải vào góc phòng, bao nhiêu sách vở, chữ nghĩa tôi hất tung vào đó và khoá trái cửa, không bao giờ ghé mắt nhìn với thái độ hả hê của kẻ trí hèn hoan hỉ thực hiện xong chuyện trả thù vặt. Chuột gặm, gián nhấm tôi chẳng thèm biết tới; ẩm mốc, mối đùn tôi chẳng quan tâm… Cho mãi tới sau ngày lấy vợ, tôi mới phát hiện có một bức tranh tuyệt tác mà các tay chuyên sưu tầm tranh sau đó đã trả với một cái giá tôi không thể tưởng tượng nổi. Tôi nghĩ, hình như bọn buôn tranh đang báng bổ Ngô và bức tranh kia, nên đóng sập cửa, treo cao hơn để đón lấy chút nắng nhạt buổi chiều, ánh trăng khuya từ ô cửa sổ hắt vào, thay vì phải nghe những lời tán tụng nhảm nhí của phường bán buôn lừa lọc kia. Những lúc đau khổ, tuyệt vọng; những khi đói rách tơi tả, bị dòng đời nhấn lún xuống tận đáy bùn đen tôi ngồi chàng hảng trên chiếc ghế gỗ (chiếc ghế Ngô vẫn thường ngồi) để nhìn ngắm nó hả hê, đôi lúc như một tín đồ mộ đạo! Cả những lúc no nê hạnh phúc, tôi cũng dạng chân trên ghế bành ngắm nhìn bức tranh với nỗi ngậm ngùi vừa đánh tuột tay đứa bạn thân nhất trần đời. Trước mắt tôi, nó không còn là bức tranh mà là một khu rừng nào đó xa lắc, đầy huyễn hoặc với những con thú quấn quít bên nhau trong quầng sáng hắt hiu của mảnh trăng rớt cuối tháng. Đó là những con sói, con cáo, con beo, bầy nai và đàn cọp vằn… Chúng quần bên nhau giữa một vũ khúc tình. Chúng hung ác và hiền dịu, hạnh phúc và đau khổ, lo sợ và an nhiên. Cả cái xấu và cái tốt hình như đều bật ra trong những đường nét và sắc màu loạn cuồng trong cơn cuồng loạn Ngô phóng bút! Nhưng hơn hết, trong mỗi con thú đều ẩn hiện, thấp thoáng bóng dáng của Thủy, nhất là những đêm trăng khuyết đến tận cùng, nửa đêm giật mình nhìn lên vách, bầy thú biến mất, nhường chỗ cho bóng dáng thiếu nữ khi hân hoan, khi u sầu tha thẩn trong khu rừng già dày đặc khói sương đêm bị ánh trăng hắt vào loang loáng trắng, quái dị. Có khi người thiếu nữ tuyệt trần kia, mặt mày, chân tay, áo quần đầy máu đang dằng xé một đoá hoa cánh rơi lả tả trong lớp khói lung linh với tất cả vẻ đẹp hung ác cực kỳ. Và không ít đêm thao thức vì cái ban ngày đỏ hoét dằn vặt, tôi len lén vạch mùng bước nhẹ ra phòng khách, sững sờ nhìn những con thú mang khuôn mặt Thủy cào cấu nhau đến toé máu… Trong những lần tôi ngồi hàng giờ như vậy trước bầy thú và con người, vợ tôi từ phòng ngủ xô cửa chạy ra, hổn hển: “Tự dưng có những luồng hơi lạnh đến rởn tóc gáy, tròn miết da gà khắp cả người, lạ lắm. Em sợ quá”. Vợ tôi chỉ mới cảm, chưa thấy và chưa hiểu mọi sự, tôi vỗ về, an ủi nàng thôi không hỏi nữa.

Còn lại một mình trong đêm vắng, tôi dán mắt lên bức tranh, mong tìm thấy bóng Ngô lẩn khuất đâu đó giữa bầy thú hoang đang nhảy múa. Nhưng tuyệt nhiên chỉ có những móng vuốt giương ra, cào cấu nhau và gào thét man rợ. Ngô biến mất, giống như hòn đá rơi tòm xuống giòng nước xoáy.

Bức tranh vẫn cột dính trên tường. Những tay buôn tranh đã quá mệt mỏi với giá kinh khủng tôi lắc đầu từ chối, nên cũng không lui tới nữa.

Cái lỗ đen ấy đã kín miệng, nhưng thỉnh thoảng vẫn ung lên một chút mủ.

Còn giờ đây Ngô đang ngồi trước mặt tôi sau ngần ấy năm dài mất tăm. Tưởng là những đổi thay ghê gớm, nhưng Ngô vẫn như ngày chúng tôi chia tay. Có điều rất lạ là khuôn mặt anh bợt nhạt như sáp, đôi mắt hun hút sâu, vô cảm. Phía bên dưới dái tai, chỗ xương quai hàm, những vết đỏ loét chạy dài theo cổ và giấu hút đâu đó sau mảnh vải áo sọc đen.

– Định, mày đừng nhìn tao như thế – Ngô đột ngột lên tiếng và xoay ngưởi nhìn ra phía khung cửa phụ ăn thông ra vườn – Mày còn rượu không? Tao cảm thấy lành lạnh.

Tôi mở cánh tủ, lấy ly và chai Hine còn vơi nửa. Ngô uống liền một lúc ba ly.

– Rượu hạng tư – Ngô bật lên thành tiếng.

– Tao không rành ba cái thứ đó.

Ngô khoát tay:

– Không sao, dù hạng tư nhưng nó cũng đốt cơ thể tao ấm lên chút đỉnh. Mà này? Chính xác, tao với mày chia tay bao nhiêu năm, hả?

– Ngày mười sáu tháng năm.

– Không lâu lắm phải không? Mà sao tao lại phải trốn chạy kia chứ? Lúc đó tao đang làm assistant cho ông Vũ mà. Ông ta quí tao. Tao cũng kính trọng ông ấy. Riêng đám sinh viên, có vẻ như chúng bị kích động bởi những luồng tư tưởng nửa ngô, nửa khoai chưa kịp tiêu hoá của ông Văn mang từ bên Tây về… lại được chế dầu thêm bởi đám dao búa?

– Đó là chuyện cũ.

– Không cũ chút nào khi chúng nó đánh trống thổi kèn hô hào xông vào bắn giết nhau để bảo vệ cái ghế ngồi cho chúng nó. Đám dân chúng thì ngây thơ, bị nhồi nhét, đôi lúc quá sợ hãi để thành những con thiêu thân. Còn đám trí thức nửa vời thì chỉ vì ba dúm chữ nghĩa chó mửa thành kinh thành kệ và vì ảo tưởng về một xã hội công bằng, phồn vinh… mà bán đứng danh dự làm người, xô đẩy cả một dân tộc xuống đáy vực sâu, tắm trong xương cốt và hận thù!

Ngô lại rót rượu, dốc ngược đáy ly:

– Cuối cùng thì không thằng nào chịu trách nhiệm về những hành động xuẩn ngốc của mình gây ra, trút vấy lên đầu kẻ khác. Tao biết một thằng đi tu có nòi, thuộc kinh kệ như két. Nó bắt tín đồ đọc kinh như lũ bò nhai lại, rao giảng đạo đức, giáo lý để cuối cùng nó ngủ với gái trong phòng? Lừa mị đến thế thì còn hơn cả thứ giòi bọ đục khoét những xác chết sình thúi trong rừng sâu, bên vực thẳm!

Nước mắt Ngô chảy dài, càng lúc càng nhiều, đỏ dần lên như máu. Trước mắt tôi, Ngô trở thành hình nhân lúc xám ngoét, lúc trắng nhợt khi thì sũng màu máu từ hai hốc mắt tuôn ra, từ lỗ tai, lỗ mũi tuôn ra, cả miệng cũng bật trào màu máu đỏ, thấm xuống ngực. Khuôn mặt Ngô trở nên lạnh lùng và lạ lùng mà tôi chưa hề thấy.

– Mày có vẻ như mệt? Nằm xuống chiếc ghế xích đu này nghỉ chút đi?

– Bao nhiêu năm mới được về thăm lại mày, giờ kêu tao ngủ thì thà đừng tới?

– Tao xin lỗi.

Im lặng một lúc, tôi lên tiếng:

– Ngô này, bức tranh mày vẽ trong đêm…

– Tranh nào?

Tôi đưa ngón tay chỉ lên tường, phía trên đầu anh, nhưng Ngô không dòm theo.

– Nhớ rồi. Đó là bức tranh khói và mảnh trăng khuyết mà trước khi đi tao không kịp nói với mày.

Tự dưng khắp thân thể tôi bỗng nghe lạnh đến tột cùng, co rúm lại trong nỗi sợ hãi vừa sung sướng. Nhưng cảm giác ấy chỉ ào đến thật nhanh và rút đi cũng thật nhanh như sấm động. Tôi trở lại bình tĩnh:

– Rồi mày đi những đâu, đến đúng ba mươi năm sau mới quay về?

– Định mệnh.

– Là gì?

– Là sự ra đi và sự trở về.

– Lúc nào mày cũng có thể pha trò được. Ngô mày nói đi. Mày đi những đâu?

– Trước hết là tao bỏ ngang cái chức assistant bổ báng đó và lang thang từ ngôi chùa này đến quán thịt chó khác, từ nhà thờ này đến những nhà thổ nọ để làm một cuộc khám nghiệm về nhân cách con người. Và cuối cùng tao đã khám phá ra một chân lý lộn ngược. Té ra lũ cứt đái và bọn thổ tả kia còn mạt hạng hơn đám ma cô đĩ bợm. Chúng lợi dụng kinh kệ, sấm truyền, lợi dụng lòng tin của kẻ khác để buôn người, đổi chác, phỉnh phờ, lừa lọc. Một bọn lưu manh đội lốt người thượng hạng ngoại hạng. Trong khi đám đĩ bợm chỉ vì cái bao tử. Chúng cũng lưu manh vậy, nhưng ra giá sòng phẳng, không lừa mị phỉnh phờ ai. Thằng nào có nhu cầu xin mời… ai đau khổ, buồn rầu xin mời… kẻ nào sung sướng hoá điên, xin mời… nhưng nhớ là đừng giở trò chơi chịu…! Rất sòng phẳng.

– Nói nghe ớn lạnh?

– Tao ngụp lặn trong chốn thanh cao lẫn vũng bùn hôi tanh dơ dáy nhân thế. Tao gặp đủ loại mặt mũi, đầu óc bệnh hoạn của bọn người mà đến cả trời đất cũng phải bụm mặt xấu hổ. Tao lang thang cùng khắp ba cõi, đến những nơi mà con người chưa bao giờ đặt chân tới. Tao đi đến độ chân toé máu, cụt ngón; đến độ thân thể teo tóp như que củi khô khốc.

Bất chợt, tôi nhìn xuống sàn nhà. Đôi bàn chân Ngô lưng lửng đâu đó trong hai ống quần rách bươm, không chạm đất, đung đưa theo thói quen, như hồi nhỏ anh ngồi vắt vẻo trên cây ổi sẻ sau vườn nhà, thõng chân đưa qua lại trong không khí. Lớn lên, khi bắt đầu biết yêu mỗi khi đứng dưới khung cửa sổ phòng Thủy, Ngô vẫn có thói quen ngồi trên trụ gạch đu đưa hai chân vừa như biểu lộ niềm hạnh phúc, vừa như tỏ vẻ thất vọng, bởi ô cửa chỉ hắt ra bên ngoài chút ánh sáng, tuyệt nhiên không có một nụ cười, cái vẫy tay nghịch ngợm.

Tôi hỏi Ngô:

– Lúc nãy mày nói gặp Thủy?

– Đúng. Tao gặp nàng lúc vừa sinh con đầu lòng. Hạnh phúc và giàu có. Đài các và kiêu kỳ. Còn thằng chồng thì làm một quan chức khá lớn ở một Bộ nọ, sai khiến đàn em kiếm tiền mang về cho hắn. Sau này hắn vẫn tiếp tục làm lớn. Tại sao à? Có trời mới biết. Lần đó tao ngồi vẽ tranh trên vỉa hè độ nhật. Cũng toàn tranh thiếu nữ. Bữa nọ, trong đám đông dòm ngó tranh, có một quý ông khoác tay một quý bà, chỉ bức tranh tao đặt trên chiếc ghế đẩu long chân:

“Đẹp! Và có vẻ giống em đó chứ”

Một giọng chớt nhả:

“Em thấy cũng được”

“Không. Đẹp. Anh sẽ mua bức này tặng em nhân ngày sinh nhật sắp tới”

Tao quay lại. Té ra là vợ chồng Thủy. Tao lúng túng thật sự. Còn Thủy thì làm như lạ mặt, khẽ nghiêng chào kiểu cách. Lão chồng hỏi:

“Tôi mua bức tranh này, thưa ông?”.

“Xin lỗi, có người mua trước ông bà rồi”

“Anh vẽ bức khác. Tôi thích nó”

”Không thể thế được”

“Có thể đấy!” – Nói và hắn ta lôi vợ đi.

Tao đâu ngờ cớ sự sau đó còn tồi tệ hơn. Để chiếm hữu bức tranh, lão lệnh cho đám chân tay dọn sạch các vỉa hè. Mọi người chạy nháo nhào. Những bức tranh của tao, của bạn bè bên cạnh bị hốt lệng lên xe như người ta quăng những bọc rác hôi thối phải đổ vứt đi buổi sáng buổi chiều! Nhưng đây chỉ mới là đoạn khởi đầu của bi kịch. Sau đó mấy ngày, tao đang chán ngán với ly cà phê đắng ngắt, thì có một thằng mặt mũi tựa cô hồn, quăng trước mặt tao bì thư . Nhặt lên, thoang thoảng mùi nước hoa loại đắt tiền. Mở ra, mấy dòng chữ lịch sự một cách mất dạy: “… cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm mua được bức tranh bán đấu giá tại Sở Vệ Sinh Đô Thành. Rất mong ông đến treo giúp bức tranh. Vợ chồng tôi… số nhà… đường”.

– Mày tới? – Tôi hỏi, lòng áy náy như chính mình là người trong cuộc.

– Tao tới. Tới để coi cái đám cướp giật, hợm hĩnh đó làm gì? Đúng là bức tranh bữa nọ lão ta đòi mua. Đón tao là bà quản gia và con nhỏ ở đang xách giỏ mở cổng chuẩn bị đi chợ. Tao chìa thư mời. Bà ta nói: “Ông nhà dặn hễ ông đến thì mời vào. Chúng tôi được báo trước rồi”. Tao bước vào, thấy Thủy ngồi dũa móng tay ở phòng khách, mặc bộ váy mỏng tang, loại vải khá đắt tiền. Bức tranh dựng gần đấy. Thủy thong thả chào tao, thong thả đứng dậy, thong thả rót nước và thong thả mời. Dáng điệu nàng bước giống hệt con báo cái trước con mồi đang nhắm mắt chờ bị xé xác, một kiểu cách lố bịch của các mụ mệnh phụ phu nhân còn sót lại trong thời buổi nhiễu nhương.

“Anh ngạc nhiên lắm phải không?”.

“Hơn thế nữa”.

“Thật tình thì tôi không thích nó. Chỉ vì nhà tôi vẽ vời”.

“Tôi nghĩ ông bà không nên xử sự như vậy”.

“Chúng tôi có làm điều gì khiến ông phiền lòng. Chúng tôi hỏi mua, ông không bán, chúng tôi về. Còn cái này, chúng tôi mua đấu giá từ….”.

“Từ một đám ăn cướp?”.

“Ông nói hơi quá. Có cần phải coi giấy tờ không nhỉ?”.

“Kẻ mạnh có thể biến xác chết thành người sống, thưa bà?”.

“Đó không phải là chuyện của chúng tôi. Chúng tôi mời anh đến không phải để tranh cãi về những chuyện không liên quan đến nghệ thuật”. Tao lộn gan, đứng bật dậy bước ra. Thủy vẫn ngồi bắt chéo chân, với bộ điệu hớ hênh, khiêu khích sự thèm khát dục vọng, nở nụ cười pha chút ngây thơ lẫn đĩ thoã: “Chẳng gì thì đã có lúc chúng ta như gặp nhau, quen nhau và trong anh, tôi luôn luôn có mặt?”.

Mày nghe nó nói không? Một giọng điệu chỉ có ở đám ma cô, tú bà lại thốt ra từ cửa miệng của con mụ đàn bà có nhan sắc rực rỡ, tuyệt vời kia mà tao và mày đã từng yêu đến không còn nhận ra bến bờ, ngày đêm? Đây là lần đầu tiên trong đời tao được “hân hạnh” đối mặt với nàng, nói với nhau dù không bằng lời êm ái, yêu đương! Tao tự nghĩ, phải chăng nàng là hiện thân của loài quỷ dữ bay vào trần gian để thoá mạ kẻ khác? Một thứ nhan sắc rờn rợn mê hồn, một vẻ đẹp ác độc chưa từng thấy trên những khuôn mặt nữ? Luôn luôn tồn tại hai dáng vẻ đối nghịch nhau? Tao vừa sợ hãi, khinh tởm vừa muốn gần gũi sờ đụng nàng như sờ đụng trên thân lầy nhầy con ấu trùng bướm đa sắc, vừa có cảm giác nôn oẹ mọi thứ trong cơ thể ra ngoài. Chỉ còn một bước chân nữa là tao ở bên ngoài khung cửa, thoát ra khỏi căn phòng ghê tởm mà vô cùng lôi cuốn đó. Tao muốn ngã khuỵu xuống nền gạch hoa, mắt mờ đi.

“Anh giúp tôi. Vì trong anh luôn có tôi, tôi biết thế. Vậy thì tại sao trong tôi không có một chút anh. Đây là điều anh mong mỏi bao nhiêu năm nay mà. Tại sao anh lại từ chối điều anh hằng ao ước đó nhỉ? Để được cái gì…?”

Tao nghe dường như có vòng tay chạm đâu đó lên người tao, nóng rực nỗi ham muốn của bầy thú trong mùa tình. Tao nghe tiếng thì thào bên tai như lời của con hồ ly tinh:

“Bây giờ tôi tặng anh điều anh ao ước bấy lâu. Hình như tất cả mọi thứ tình yêu đều kết thúc trên giường ngủ. Tôi tặng anh nỗi khao khát cào cháy cơ thể anh, tâm trí anh để sau đó anh vĩnh viễn bước ra khỏi khung cửa này, như một cách để tôi lột tôi ra khỏi người anh”.

Sau đó là nụ hôn dài đến cháy bỏng, là thân thể mềm nhũn oằn oại tựa hồ kẻ động kinh. Mọi thứ cảm giác của loài động vật có bộ não đều đổ ào ra cùng một lúc đến tận cùng trời cao hố thẳm rồi đột ngột đứng khựng lại như cỗ máy chết, trống rỗng đến tận cùng…

Càng về sau, giọng nói của Ngô càng thì thào tựa hơi thở, cố gắng lắm cũng không nghe được gì hơn. Hai môi Ngô mấp máy liên tục đến độ không còn đoán được Ngô nói điều gì. Anh giang hai tay và xoãi chân trên ghế. Im lặng hoàn toàn, lạnh ngắt.

Rất lâu sau Ngô mới mở mắt ra, vẫn trong tư thế cũ. Nhưng trên hai hốc mắt lại trào ra hai giọt nước mắt đỏ hoét. Tôi với lấy chiếc khăn vắt trên thành ghế, toan lau cho anh, nhưng Ngô đưa tay ngăn lại. Bàn tay Ngô chạm vào tôi như thể tôi đang chạm vào tảng băng đá. Ngô giật mình, ngồi lại ngay ngắn, giọng phều phào:

– Điều mày muốn biết tao đã kể hết cho mày nghe. Chỉ còn đoạn cuối là sau đó mấy ngày, tên cô hồn kia lại xuất hiện, chỉa súng vào hông, lôi ngược tao lên xe đóng sập cửa lại và đưa tới một nơi tao chưa hề đến. Một chiếc lều bạt dựng sâu phía trong con đường đất đỏ. Hắn đưa tao tới đó thì đã thấy thằng chồng Thủy ngồi bên chai rượu màu. Hắn đưa tay chỉ chiếc ghế đẩu đối diện, đẩy ly rượu về phía tao:

“Tôi nghĩ ông nên uống một ly”.

Tao nhìn hắn không hiểu hắn nói gì và làm gì?

“Ông khá lắm, ông hoạ sĩ ạ!” – Nói và hắn quăng tấm ảnh lên mặt bàn gỗ xù xì, giọng đanh lại:

“Ông nhìn thật kỹ đi” .

Trời đất! Sao lại có tấm hình quái quỉ này, tao tự hỏi trong đầu.

“Tôi biết ông yêu vợ tôi đến lú lẫn. Cũng tốt thôi. Nhưng điều tôi không muốn là hình ảnh vợ tôi không được phép tồn tại trong cái đầu óc thối tha kia, không được bày ở vỉa hè như một con bù nhìn bẹo chim thú. Ông có hiểu không? Tôi nghĩ ông nên uống một ly trong giờ phút hội ngộ kỳ quặc này”.

Tao tức điên người, đứng dậy đá văng chiếc bàn ra xa.

Và sau đó là một cõi thênh thang cho tao rong chơi, đi về. Có điều sau đó tao vừa khinh, vừa căm hận lại vừa yêu Thủy hơn bao giờ để chứng kiến gần như cuối cuộc đời sau này của nàng. Vẫn đẹp lộng lẫy, kiêu kỳ trong cái đống đổ nát của gia đình, trong cái bi thương của nhan sắc và danh vọng… Thủy đã mang bán tất cả những gì có thể bán được cho đến cái cuối cùng. Nàng cũng bắt đầu chạy chợ, lừa lọc, phỉnh phờ thiên hạ để kiếm từng xu, cho đến cái thân xác kia nàng cũng nhấn chìm xuống vũng đen nhầy nhụa… Tao xót xa, thương hại nàng, nhưng tao không thể làm gì hơn được.

Ngô bật khóc tức tưởi, nghẹn ngào. Cả thân thể co rúm lại, đau đớn tột cùng. Tôi ôm đầu nghĩ mông lung trăm chuyện nhân gian, cho tới khi Ngô nói: “thôi tao đi”, ngẩng lên chỉ thấy bức tranh trên tường lay động dữ dội. Những con thú chạy bổ vào tôi, dằng xé rách toạc da thịt máu me trước giọng cười the thé của bầy sói mang trăm mặt con mụ đàn bà kia.

Căn phòng hoàn toàn im vắng.

Và hình như… Tôi cầm chai rượu lên…Hình như nó vẫn còn nguyên như khi tôi lục tủ mang ra cho Ngô?

Nguyễn Lệ Uyên

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search