T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tự do và Luân Lý

clip_image002

1.

Người lính trẻ đi ngang qua một nhà thờ ở thành phố Topeka, thủ phủ tiểu bang Kansas. Anh không tin ở mắt mình. Một nhóm người nhẩy múa, ca hát, tay giương cao những biểu ngữ có nội dung khích bác, thù hận, đại lọai như: Chúa thù ghét nước Mỹ, Nước Mỹ đã diệt vong, Chúa thù ghét kẻ đồng tính v..v… Anh muốn ngừng xe lại, đến nói chuyện với họ để tìm hiểu tại sao họ lại làm những chuyện như vậy trước cửa một nhà thờ, nơi thờ phượng Chúa. Nhưng cha của anh đã khuyên hãy lờ đi. Đó chỉ là một nhóm người rất nhỏ, mà phần lớn là ở trong một gia đình, dù họ tự xưng là một giáo phái: Westboro Baptist Church.

Rồi người lính trở về đơn vị, tiếp tục làm nhiệm vụ đất nước giao phó. Tháng Giêng năm 2011, anh tử trận trên chiến trường A Phú Hãn (Afghanistan). Thi hài của anh lính trẻ chết trận được đưa về nơi anh chôn nhau cắt rốn để an táng theo nghi thức của người Thiên Chúa Giáo. Buổi tang lễ của anh tổ chức ở thánh đường All Saints, thành phố Wichita, tiểu bang Kansas. Những người thuộc giáo phái Westboro Baptist có bản doanh ở Topeka, Kansas, như lệ thường mỗi khi nghe có tin về tang lễ những người lính chết trận ở bất cứ nơi đâu trên nước Mỹ, họ đều đến để biểu tình, trương những biểu ngữ ám chỉ người lính chết trận ấy là kết quả của hình phạt mà Thượng Đế dành cho nước Mỹ, gây nên những xúc động tâm lý rất lớn đến những người tham dự tang lễ, nhất là thân nhân của người chết. Đọan đường từ thành phố Topeka đến Wichita chỉ hơn 150 dặm với khỏang 2 tiếng rưỡi lái xe. Họ lại có mặt trong tang lễ người lính trẻ đã từng phẫn nộ về hành vi của họ năm nào.

Tính từ năm 1991 đến nay, những người thuộc giáo phái Westboro Baptist đã tổ chức hơn 41 ngàn cuộc biểu tình ở khỏang 650 thành phố trên tòan nước Mỹ. Địa địểm biểu tình thường là nơi có tang lễ những người lính chết trận, những người chết vì bệnh AID, những cuộc hội họp liên quan đến những tổ chức của người đồng tính luyến ái, những buổi hòa nhạc hoặc những cuộc tranh giải thể thao quan trọng. Ở đâu họ cũng bị công chúng phản đối, tẩy chay và thậm chí khinh bỉ *.

Ngày 2 tháng 3 năm 2011, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ – sau nhiều tranh cãi pháp lý liên quan đến những họat động của giáo phái Westboro Baptist – bất kể áp lực của nhiều giới chức dân cử, các đòan thể tôn giáo và kể cả công luận, đã phán quyết rằng những họat động của giáo phái Westboro Baptist chỉ là một cách biểu lộ quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu ý kiến và quyền ấy của họ được bảo vệ bởi Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ với số phiếu 8-1 áp đảo, đã gây chấn động dư luận nước Mỹ.

Người cha của anh lính trẻ vừa chết trận, vẫn còn đang đau khổ vì mất con, cộng thêm với nỗi uất ức vì cái chết vì đất nước của con mình còn bị khinh bỉ, dèm xiểm và xuyên tạc một cách vô lý bởi nhóm người thuộc giáo phái Westboro Baptist, đã nói một cách mỉa mai. “Con tôi chết trong lúc chiến đấu bảo vệ chính cái quyền mà những người đó hiện đang được hưởng”.

Với nhiều người, quyết định đó của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ có thể đúng về nguyên tắc, nhưng hòan tòan sai về mặt đạo đức con người.

2.

Giáo phái Westboro Baptist thực ra chỉ bao gồm những thành viên trong một gia đình của viên mục sư và vừa là luật sư, Fred Phelps. Giáo phái được thành lập từ năm 1955 tại Topeka, thủ phủ tiểu bang Kansas nhưng chỉ thực sự gây xáo trộn công luận kể từ năm 1991 với mục đích chính là lôi kéo sự chú ý của báo chí, truyền thông theo quan đểm của họ về vấn đề đồng tính luyến ái. Với họ, đồng tính là có tội. Những ai ủng hộ việc hợp pháp hóa đồng tính, hoặc thậm chí không lên án việc đồng tính cũng là những kẻ có tội. Nước Mỹ đã dung dưỡng những quan điểm đồng tính, vì thế nước Mỹ hiện đang trên đường đi đến sự hủy diệt. Những người lính chết trận của nước Mỹ là hình phạt nhãn tiền mà Chúa đang cảnh cáo nước Mỹ. Họ thậm chí còn lên tiếng cảm tạ Chúa vì đã khiến những người lính phải chết (biểu ngữ có nội dung đại lọai “Thanks God for the dead soldiers”). Theo họ, sự kiện khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 gây ra bởi nhóm Hồi giáo cực đoan là cơn thịnh nộ của Chúa trước những tội lỗi của nước Mỹ. Giáo phái còn chống đối người Do Thái gốc Mỹ vì họ tự cho rằng mình là dân tộc được Chúa chọn, hoặc kết tội những người theo Thiên chúa giáo La mã và Islam là “thờ phượng quỷ dữ”.

Những người con của ông Fred Phelps cũng là luật sư và họ cùng làm việc chung một công ty luật. Chi phí cho những họat động biểu tình của họ đều do sự đóng góp của những thành viên trong gia đình. Họ không có sự ủng hộ nào từ phía công chúng và được mệnh danh là “gia đình bị ghét bỏ nhất nước Mỹ ” (The most hated family in America).

Giáo phái Westboro Baptist từng tổ chức những cuộc biểu tình lôi cuốn được sự chú ý của truyền thông báo chí, và qua đó, được cả thế giới biết tới. Chẳng hạn như sự có mặt ồn ào của họ nhân cái chết của một sinh viên trẻ 21 tuổi Matthew Shepard ở tiểu bang Wyoming tháng 10 năm 1998. Matthew bị hai thanh niên đánh đập, rồi bị trói vào một hàng rào bên đường cho đến chết, chỉ vì anh thú nhận mình là gay (đồng tính luyến ái). Tất nhiên hai thanh niên sát nhân đã nhận bản án tù chung thân và sẽ không bao giờ được nhìn thấy cuộc sống xã hội nhưng đó là một vụ án đầu tiên về tội hận thù (Hate Crime). Những người thuộc giáo phái Westboro Baptist đã nhanh chóng có mặt tại tang lễ của anh sinh viên tội nghiệp để phô diễn quan điểm của mình về vấn đề đồng tính. Đài truyền hình CNN đã góp phần thỏa mãn ước vọng của họ bằng một chương trình truyền hình trực tiếp để mọi người khắp nơi trên thế giới chứng kiến.

clip_image004

Tháng 3, năm 2006, từ thành phố Topeka, Kansas, họ đã đến Westminster, tiểu bang Maryland, cùng với những biểu ngữ gây shock của mình để biểu tình tại tang lễ một người lính TQLC vừa tử trận ở Iraq, Matthew Snyder. Sau đó, tháng 5 năm 2006, thân nhân của tử sĩ Matthew kiện giáo phái Westboro ra tòa với tội danh phỉ báng người chết, xâm phạm sự riêng tư và cố ý gây nên những thương tổn tinh thần. Gia đình Snyder lên án giáo phái đã biến tang lễ của một người lính hy sinh vì tổ quốc thành một màn xiệc lôi cuốn các giới truyền thông, xúc phạm đến gia đình người chết chỉ với mục đích muốn cho quan điểm của mình về vấn đề đồng tính được chú ý tới mà không đếm xỉa gì đến hậu quả tinh thần do việc mình làm gây ra. Đây là vụ án khiến cả nước Mỹ chú ý theo dõi. Mới đầu, Bồi thẩm đòan Liên bang quyết định gíao phái phải bồi thường gia đình nạn nhân gần 11 triệu Mỹ kim về những hậu quả do việc biểu tình của họ gây ra. Sau đó, Tòa Án quyết định giảm số tiền bồi thường xuống còn 2.1 triệu Mỹ kim. Giáo phái Westboro kháng án và được Tòa cấp trên phán quyết hành động của giáo phái “là một vấn đề quan tâm của công luận, trong đó bao gồm quan điểm về đồng tính luyến ái trong quân đội, việc lạm dụng tình dục trong giới tu sĩ Thiên Chúa giáo và những hành vi luân lý, chính trị của nước Mỹ và những công dân của mình“, do đó, giáo phái không vi phạm luật về bảo vệ sự riêng tư. Từ phán quyết đó, giáo phái Westboro không có nghĩa vụ bồi thường cho nguyên đơn. Ngược lại, Tòa còn yêu cầu bên gia đình người lính TQLC tử trận phải bồi hòan lại cho giáo phái các chi phí về tòa án lên đến 16 ngàn Mỹ Kim. Tất nhiên, dư luận phản đối dữ dội phán quyết của Tòa. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ những người ủng hộ gia đình Snyder đã quyên góp hơn số tiền cần thiết để họ thi hành lệnh của tòa. Tháng 3 năm 2010, Tối cao pháp viện Hoa Kỳ can thiệp, xét lại vụ án nói trên. Kết quả, ngày 2 tháng 3 năm 2011 họ đã biểu quyết phần thắng về cho giáo phái Westboro Baptist.

clip_image005

Trong thời gian vụ án nói trên diễn ra, Giáo phái Westboro vẫn tiếp tục những cuộc biểu tình của mình, mà nổi bật là sự có mặt của họ trong tang lễ ca sĩ da đen Michael Jackson tháng 6 năm 2009. Mới đây, nhân cái chết của một bé gái 9 tuổi trong vụ thảm sát tháng 1 năm 2011 ở Tucson, tiểu bang Arizona, Giáo phái đã quyết định hủy bỏ cuộc biểu tình của mình để đổi lấy một buổi nói chuyện trên đài phát thanh.

Giáo phái còn có ý định ra khỏi biên giới nước Mỹ để phô diễn quan điểm của mình. Tháng 2 năm 2009, giáo phái thông báo ý định của mình sẽ biểu tình ở trường đại học Queen Mary ở Anh quốc. Chính quyền Anh quốc đã từ chối không cho họ nhập cảnh. Hoặc, trước đó, tháng 5 năm 2008, 2 ngày sau khi trận động đất chết người ở Tứ Xuyên (Sichuan), Trung quốc, giáo phái ra thông cáo báo chí tạ ơn thượng đế về những tổn thất nặng nề về nhân mạng gây ra bởi động đất, và cầu nguyện “xin cho có rất nhiều những trận động đất nữa để tiêu diệt bớt những người Trung quốc vô ơn và hỗn xược“.

3.

Tất nhiên, cả người dân lẫn các chính quyền tiểu bang không ngồi yên để mặc cho giáo phái Westboro Baptist muốn làm gì thì làm. 42 tiểu bang trên tòan nước Mỹ đã có những sắc lệnh ngăn cấm không cho những cuộc tụ tập tương tự như của giáo phái Westboro đến gần những nơi tang lễ trong phạm vi nhất định nào đó. Thí dụ, ở tiểu bang Indiana là 500 feet (tức 150 m), ở Arizona là 300 feet v..v.. Ở Illinois, có đạo luật “Hãy để cho người chết yên nghỉ ” ngăn cấm mọi cuộc tụ tập, biểu tình gây xáo trộn trong tang lễ của những tử sĩ. Mọi vi phạm đều bị phạt tiền từ nhẹ đến nặng, hoặc bị phạt tù tùy theo mức độ vi phạm.

Về chính quyền Liên Bang, ngày 29 tháng 5 năm 2006, Tổng thống Bush đã ký đạo luật “Hãy tôn trọng những chiến sĩ đã nằm xuống vì tổ quốc”, lọai ra khỏi vòng pháp luật mọi cuộc tụ tập biểu tình trong vòng 300 feet (91 m) tại những khu vực nghĩa trang quân đội và trong khỏang thời gian 60 phút trước và 60 phút sau các tang lễ. Đạo luật này đã được Hạ Viện Liên Bang thông qua với tỉ số 408-3 và ở Thượng Viện là tòan thể đồng chấp thuận.

Về phía người dân, nhiều tổ chức tư nhân hoặc cá nhân đã tích cực tham dự những cuộc phản biểu tình mỗi khi giáo phái tụ họp. Thông thường, số người biểu tình của giáo phái không nhiều, chỉ có chừng từ 10 đến 20 người. Phe phản biểu tình thì đông hơn, có khi lên đến vài trăm người đứng thành hàng rào bao quanh địa điểm tang lễ, không để cho thân nhân người chết phải nhìn thấy những người biểu tình của giáo phái.

clip_image007

Năm 1999, đạo diễn truyền hình nổi tiếng Michael Moore đã thực hiện một show truyền hình với hình ảnh một chiếc xe bus màu hồng chở đầy những người đồng tính đi theo đòan xe của giáo phái khắp nơi. Có lúc, Michael Moore đã bước xuống xe, đối mặt với Fred Phelphs và giới thiệu những người đồng tính cùng đi với mình.

Năm 2005, tại một thành phố nhỏ phụ cận Wichita của tiểu bang Kansas, một nhóm những cựu chiến binh, phẫn nộ trước những cuộc biểu tình của giáo phái Westboro Baptist, đã tụ họp nhau lại lập nên Kansas Patriot Guard, sử dụng xe mô tô hộ tống tang lễ những tử sĩ ở khắp những tiểu bang khu vực Trung Mỹ. Mỗi khi di chuyển, họ mang theo những lá đại kỳ rất lớn đủ để bao bọc được khu vực tang lễ, khiến nhóm người giáo phái biểu tình gần đó không thể thấy được quang cảnh tang lễ và thân nhân của người lính chết trận cũng không biết được chuyện gì đang xẩy ra bên ngòai. Từ một nhóm nhỏ năm 2005, đến nay đòan mô tô cựu binh đã lên đến hơn 250 kỵ sĩ, luôn ở trong tư thế sẵn sàng đáp ứng mỗi khi cần thiết. Họ họat động bằng chính thời giờ và tiền bạc của riêng mình chỉ nhằm mục đích bảo vệ danh dự cho những người lính nằm xuống vì tổ quốc và gia đình của họ**.

clip_image009

4.

Giữa lúc những phong trào đòi hỏi dân chủ, tự do nổi lên ở tất cả những quốc gia Cộng sản và những quốc gia bị các chế độ độc tài cai trị hàng mấy chục năm nay như Ai Cập, Lybia, Tunisia, Bahrain với những cái giá phải trả bằng mạng sống của những người chống đối, thì việc Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đứng về phía “gia đình bị ghét nhất nước Mỹ” là giáo phái Westboro Baptist với lý do tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân mà Hiến Pháp đã quy định là một quyết định rất có nhiều ý nghĩa.

Nước Mỹ có dân số gần 300 triệu dân. So với tòan nước Mỹ, giáo phái gia đình mục sư Phelphs có vài chục hội viên, lại không hề được sự ủng hộ của bất cứ thành phần nào ngòai gia đình, cho nên tiếng nói của họ chỉ là tiếng nói cá nhân. Nhưng không vì vậy mà họ không được lắng nghe. Mặc dù quan điểm của họ bị hầu như tòan xã hội Mỹ phản đối, nhưng về mặt Hiến Pháp, mọi tiếng nói của cá nhân, dù chỉ một người, vẫn phải được có cơ hội cất lên. Nghe hay không nghe, ủng hộ hay chống lại là quyền tự do của mỗi người.

Chúng ta thật may mắn được sinh sống trong một môi trường khuôn mẫu cho dân chủ thế giới.

T.Vấn

Tháng 3 năm 2011

* Ngôi nhà thờ nhỏ của giáo phái nằm trên một khu phố nhỏ của thành phố Topeka. Một lần được sở phái đi công tác nơi đây, tôi lái xe ngang qua mà không để ý lắm cho đến khi đọc được cái tên Westboro Baptist. Căn nhà thờ thật sơ sài và vắng vẻ, chẳng hiểu họ lấy sức mạnh từ đâu ra để làm những chuyện khó hiểu như vậy.

clip_image011

** Một trong những người sáng lập nên đòan Patriot Guard là Dough Lehman, người bạn cùng sở, cùng phòng và cùng là cựu chiến binh của tôi. Chúng tôi đã nhiều lần có dịp trao đổi về vấn đề, mà theo Doug, thực sự là nhức nhối. Một mặt là người lính tử trận và nỗi đau mà những người thuộc giáo phái mang đến cho thân nhân, cùng với danh dự mà lẽ ra người tử sĩ phải được tôn trọng. Mặt khác, nuớc Mỹ có truyền thống dân chủ, mọi quyền tự do phải được tôn trọng dù có người đã lạm dụng. Với tư cách một cựu binh, anh không thể ngồi yên để mặc cho những chiến hữu không may của mình bị quấy rối cả giây phút cuối cùng về nằm dưới lòng đất mẹ. Họ đã vì đất mẹ mà hy sinh mạng sống, họ xứng đáng được về với đất mẹ trong danh dự, trong sự tôn trọng của tất cả mọi người bất kể khác biệt về chính kiến.

Cũng như tôi, anh không hiểu tại sao những người như gia đình Mục Sư Phelphs lại có thể có những cách biểu lộ quan điểm của mình một cách khác thường, thậm chí độc ác, không đếm xỉa gì đến nỗi đau của người khác mà vẫn còn tự nhận mình là người Thiên chúa giáo, có niềm tin ở Chúa. Về quyết định của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, anh chấp nhận phần tôn trọng quyền tự do ngôn luận trong phán quyết, nhưng anh cho rằng đó là một quyết định sai về luân lý, sai về tinh thần Hiến pháp.

clip_image013

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search