T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tiễn Người đi

clip_image002

 

 

Kinh Kha sao chẳng qua sông Dịch

Sao cứ đứng ngồi nhớ cố hương

 

(Chiêu Niệm Tháng Tư- Nguyễn văn Chúc 02/2011)

 

1.

Sáng thứ Bẩy 12 tháng 2 năm 2011, khi tôi rời Wichita xuôi nam về Dallas tham dự buổi ra mắt sách của một nàng dâu Nguyễn Trãi thì hai bên đường vẫn sừng sững những núi tuyết đọng lại từ một tuần lễ giá buốt và bão tuyết kỷ lục của miền Trung nước Mỹ. Đến Dallas, trời đã ấm dần và nắng chan hòa. Ngày chủ nhật 13 tháng 2 quay về lại Wichita vào buổi hòang hôn chập chọang, những núi tuyết đã nhỏ dần, có chỗ chúng biến mất hẳn chỉ để lại dấu vết là những vũng nước lênh láng. Nhiệt độ ấm áp đã thay đổi bộ mặt thành phố trong lúc chúng tôi tạm vắng mặt. Sáng thứ hai 14 tháng 2, trên đường ra khỏi nhà đến sở, nắng đã chan hòa. Khi không, tôi chợt nhớ đến bài hợp xướng năm nào âm vang cả núi rừng Hòang Liên Sơn giữa cái buốt giá thấu xương của mùa Đông miền thượng du Bắc Việt. Bài hát mở đầu bằng những câu thật rộn rã:

Trời nắng lên rồi . Nắng lên rồi. . . . Nắng lên rồi . . . *

Hai câu hát ngắn nhưng được ngân nga kéo dài và đuổi nhau bằng các giọng bè liên lủy như những đợt sóng. Hãy tưởng tượng mùa đông xứ Bắc và cái đói rét của tù cải tạo. Mỗi sợi nắng lóe lên từ bầu trời đầy sương mù là một sợi hạnh phúc. Hạnh phúc đến muốn chảy nước mắt.

Tôi đang ngồi trong lòng xe ấm áp, nhìn bên ngòai cái nắng ngọt ngào của mùa đông xứ người mà lại nhớ đến câu hát năm xưa nơi trại cải tạo Phong Quang, một trong những trại tù khủng khiếp nhất của miền Bắc, tọa lạc ngay dưới chân đỉnh Sapa và cách cửa khẩu đường biên giới Việt Nam –Trung quốc chỉ 17 cây số đường chim bay.

Tất nhiên, tôi nhớ đến những người bạn tù, những lồng ngực xẹp lép, những cái cổ trơ cục táo Adam, những cái miệng hốc hác ra sức rống lên câu hát chào ngọn nắng mùa đông năm nào, mà nhớ nhất là người nhạc trưởng tài hoa Nguyễn văn Chúc, xuất thân khóa 2 ĐH/CTCT/ Đà lạt với hai bàn tay đánh nhịp vốn đã gầy gò lại càng gầy gò vì thiếu ăn, thiếu mặc.

Đó là một con người mà mới nhìn vào, người ta đã có cảm giác tin cậy, thân thuộc. Anh có một khuôn mặt và vóc dáng nghệ sĩ, từ mái tóc đến đôi gọng kính cận mà thỉnh thỏang anh có thói quen lấy ngón tay trỏ của bàn tay phải đẩy nhẹ ngược trở lại sống mũi. Giọng nói Hà nội nhẹ, ấm áp, hiền lành. Hàng đêm, sau khi bị lùa vào phòng giam chứa 50 con người, giữa cái đói và cái lạnh liên tục cào xé thân thể, chúng tôi chờ nghe tiếng đàn Classic của anh thánh thót vang ra từ chiếc đàn tây ban cầm tự chế. Tiếng đàn ấy chính là vị cứu tinh đã đưa chúng tôi tạm thời thóat khỏi sự hành hạ của đói và rét. Người nhạc sĩ tài hoa ấy cũng đói và rét chẳng kém chúng tôi, nhưng hàng đêm anh vẫn gò lưng ôm đàn. Ít nói, khiêm tốn, sống chan hòa với mọi người, cộng thêm tài năng âm nhạc, là ca trưởng ban hợp xuớng đội văn nghệ trại tù Phong Quang, nên anh dễ dàng kết thân với mọi người, nhất là với những người trẻ tuổi cùng trang lứa, cùng tâm hồn say mê thơ nhạc, trong đó có tôi và người bạn nhạc sĩ Trần Lê Việt. Ngòai ra, Nguyễn văn Chúc còn là đàn anh của tôi ở trường CTCT. Ngày ấy, chúng tôi còn trẻ lắm, gặp nhau giữa rừng núi thượng du Bắc Việt khi tuổi đời chưa có ai vượt quá 30. Bao hòai vọng, bao mơ ước, bao tâm sự được chia sẻ đồng đều cùng với những điếu thuốc đen khét lẹt, những bi thuốc lào cần kiệm và những thỏi đường đen ngòm bẻ ra chia nhau mỗi người một miếng nhỏ như chia nhau những mảnh vỡ của một tuổi trẻ vô vọng trong những nhà tù không biết đến ngày trở về. Trong đám trẻ lúc nào cũng đầy uất ức ấy, Nguyễn Văn Chúc điềm đạm đương nhiên đóng vai trò đầu đàn. Trái tim nghệ sĩ của Chúc chứa đựng nhiều tham vọng lắm, nhưng do bản tính hiền hòa, ít nói, anh không bao giờ để lộ ra như những bạn trẻ ồn ào. Chúc viết nhạc, Chúc sọan hòa âm, Chúc làm thơ. Tội nghiệp thay thế hệ tuổi trẻ chúng tôi. Những năm tháng đẹp nhất đời một con người, những năm tháng mạnh mẽ nhất của sự sáng tạo, lại bị phí hòai trong bốn bức tường ngục tù. Chưa kể, còn bị kềm hãm bởi chế độ cai tù nghiêm nhặt, bởi cái đói, cái rét, những thứ đời thường cột chân, cột cánh người nghệ sĩ, như chàng nghệ sĩ thật đáng yêu Nguyễn văn Chúc của tôi.

Đời cải tạo vốn bị di chuyển liên miên, nay trại này mai trại nọ. Dạo chúng tôi ở Phong Quang là cuối năm 1978. Khi rục rịch có tin “Trung quốc sẽ cho Việt Nam một bài học”, vì trại Phong Quang nằm sát ngay biên giới Việt Trung, nên để phòng hờ chúng tôi “được” Trung quốc giải thóat, họ đã chuyển tòan bộ tù sĩ quan “ngụy” về Vĩnh Quang, một trại nằm ở miền Trung du Vĩnh Phú. Về Vĩnh Phú, anh em chúng tôi bị “tan đàn sẻ nghé”. Anh Chúc về đội 7 nông nghiệp, tôi qua đội 6 tổ cầy, Trần Lê Việt về đội 8 cũng là nông nghiệp.

Năm tháng tù tội tuy dài đằng đẵng nhưng rồi cũng trôi qua. Nhiều năm sau, chúng tôi lần lượt được thả khỏi trại tù. Lớp được về từ trại Vĩnh Quang, lớp bị đưa vào Nam “cải tạo” thêm một thời gian rồi mới được thả. Tôi và Việt ở dạng thứ hai. Còn anh Chúc ra trại từ Vĩnh Quang (hay được đưa đi Nam Hà? chi tiết này tôi không nhớ vì nhiều năm sau chúng tôi mỗi người một đội, ở những phòng giam khác nhau, có sinh họat khác nhau nên không thể nhớ. Vả chăng, đã mấy chục năm rồi, trí nhớ ngày một còm cõi, tôi không dám quả quyết được điều gì).

Khi ra khỏi trại tù nhỏ, chúng tôi còn mất một thời gian dài thất điên bát đảo với bao nỗi truân chuyên của nhà tù lớn là đất nước những năm 80s. Khi ấy, chúng tôi thực sự lạc nhau. Tôi và Việt còn gặp nhau say sưa hàng ngày bên những xị rượu Cây Lý uống vào chỉ đái ra máu, còn Chúc thì chẳng biết thất lạc phương nào. Dường như anh về lại Trại Hầm, Đà Lạt kiếm kế sinh nhai cùng với gia đình.

Chúng tôi xa nhau từ ngày ra khỏi trại tù.

2.

Tháng 8 năm 2008, tôi đưa gia đình về Nam Cali tham dự ngày hội ngộ 35 năm khóa Nguyễn Trãi 3 Ra trường. Ngày nghỉ thì ngắn, mà bao nhiêu công việc gặp gỡ, hẹn hò, bàn tính chiếm khá nhiều thì giờ khiến tôi quên bẵng Chúc, dù trước khi ra đi đã được Việt dặn dò hãy tìm cách gặp Chúc một lần.

Một buổi trưa, sau khi xong công việc hội ngộ, tôi và gia đình cùng với vài người bạn đi San Diego thăm Sea World, như để đền bù cho các con vì chúng đã phải theo bố mẹ bận rộn những việc không có chút nào liên quan đến “vacation” như tôi hứa hẹn với chúng từ ở nhà. Điện thọai reo. Nhìn số rất lạ, nhưng thuộc khu vực Nam Cali. Đầu dây bên kia vang lên giọng nói ấm áp dịu dàng của Chúc, dịu dàng ấm áp đến độ không thể lầm được dù đã hơn 20 năm chưa nói chuyện. Chúc đang ngồi với mấy người bạn cùng khóa, và một trong những niên trưởng ở đó có số điện thọai của tôi. Sau những câu hỏi thăm về gia đình, về đời sống, Chúc nói rất nhiều đến những bài viết của tôi mà Chúc có dịp đọc đây đó, như một nhắc nhở rằng dù xa xôi cách trở, dù không một sợi dây liên lạc, Chúc vẫn ưu ái nhớ đến anh em bằng hữu và những chia sẻ từ những ngày khốn khó năm xưa. Tôi ngỏ ý muốn được gặp Chúc trước khi rời Nam Cali về lại Wichita. Chúc bảo bận tâm làm gì đến việc đó, cứ lo cho gia đình vui chơi trong khỏang thời gian ngắn ngủi còn lại. Anh em mình thiếu gì dịp gặp gỡ nhau trong tương lai.

Ngày ấy, tôi rời Nam Cali mà không gặp Chúc, không cả cú điện thọai nói lời tạm biệt.

Cuộc sống lại như những con sóng, đẩy tôi đi như đẩy những cái phao lênh đênh không một cơ hội dừng chân lại. Tôi quên bẵng Chúc như trước đây, ngày ra khỏi trại giam tôi quên bẵng Chúc.

3.

Một hôm, tôi nhận được e-mail của niên trưởng Lê Như Phò khóa 2. Anh giới thiệu trang Web của khóa 2 vừa được thực hiện để vận động cho ngày hội ngộ 40 năm vào tháng 5 năm 2011. Tôi vào trang Web có bài vở rất phong phú và trình bầy thật trang nhã này và bắt gặp mấy bài thơ của Chúc.

Những bài thơ nhắc tôi nhớ đến những ngày chúng tôi hàng đêm ngồi bên nhau, với tiếng đàn tiếng hát, với những hòai bão, ẩn ức chất chứa trong lòng. Tất cả những gì chất chứa trong trái tim nghệ sĩ của Chúc ngày ấy, hiển hiện rõ trong từng câu thơ trước mặt tôi. Đọc thơ Chúc mà như đọc đôi mắt hiền lành dấu dưới cặp kính cận dầy cộm ngày nào.

. . . . . . . .

Lại nhớ những mùa đông viễn xứ
Thân tù héo hắt nỗi nhục vinh
Ôi những đời trai ôm chí cả
Cũng tàn theo vận nước điêu linh
Đã thế thì thôi ly nữa nhé
Ngàn chung chắc hẳn xóa niềm đau
Mắt cay chắc hẳn vì hơi rượu
Đâu phải vì ta thấm nỗi sầu
Xa quê bạc tóc đi tìm bạn
Mượn chút tình chia sớt sầu riêng
Để khi chát đắng hồn lưu lạc
Lại thấy trong nhau cả nỗi niềm

Nguyễn Văn Chúc

Tôi định bụng sẽ dành hẳn trang Ghi Chép trên trang Web của mình để nói về những bài thơ của Chúc, những “bài thơ làm từ ngày tháng nọ / Mấy mươi năm câu chữ vận theo người “. Những bài thơ đã được tôi lấy đem về máy, cất đó để rồi sẽ được lấy ra đọc lại, viết một đôi điều gởi đến Chúc như dạo nào Chúc đã nói với tôi về những bài viết của tôi mà Chúc đã đọc.

Rồi công việc viết lách cũng bị cuốn theo những sự kiện mà tôi không thể bỏ qua. Những bài thơ của Chúc vẫn nằm đó, cho đến khi nào, tôi không biết. Tôi cũng chẳng hề cho Chúc biết ý định của mình. Muốn dành cho người niên trưởng đáng yêu đáng kính một bất ngờ, như để đền đáp chút ân tình ngày nào.

4.

Chiều ngày thứ Hai 14 tháng 2 năm 2011, đi làm về. Như thói quen thường lệ, tôi mở hộp thư điện tử. Có một thư gởi từ nhóm thư của cựu tù Phong Quang, Vĩnh Quang. Lá thư vỏn vẹn vài hàng cho biết Nguyễn Văn Chúc đột ngột qua đời vào lúc 2:30 trưa cùng ngày, vì heart attack.

Chưa bao giờ tôi sửng sốt đến tê người như hôm nay. Thật vậy sao? Mới sáng nay, nhìn “Nắng lên rồi. Nắng đã lên rồi” rực rỡ giữa bầu trời mùa đông, tôi đã nhớ đến bài hát năm nào mà Chúc là nhạc trưởng, tôi đã rống to “nắng lên rồi” với tất cả niềm vui vì sự ấm áp của đất trời. Nhớ bài hát, rồi nhớ bạn bè, nhớ Chúc. Và ý định viết về những bài thơ của Chúc lại chợt thôi thúc đến độ chỉ muốn ngồi vào bàn viết. Và chỉ vài tiếng đồng hồ sau, được tin Chúc đã bỏ gia đình, bỏ bằng hữu, ra đi.

Tôi vội viết vài hàng hỏi thăm một niên trưởng cùng khóa của Chúc cũng định cư ở Nam Cali. Cái chết đã được xác định. Chẳng phải là hoax, chẳng phải là “cá tháng tư” vì bây giờ mới tháng 2 và mùa xuân đang ngấp nghé ngòai ngõ.

Chúc đã ngủ và không bao giờ Chúc thức dậy nữa.

Còn tôi, đã không kịp làm bất cứ điều gì, viết bất cứ điều gì, về những bài thơ của Chúc, về những hòai bão, những ước mơ, những uất ức của Chúc, của tôi, của tuổi trẻ năm xưa, về cái “Tháng Tư hảo hán cũng rơi lệ / Nước mắt đã đầy một biển Đông”, cái tháng Tư mà Chúc mới vừa nhắc lại đây vào tháng 2 năm 2011. Cũng mới mấy hôm đây thôi, Chúc than thở “Mấy chục năm xa lạc dấu quê / Tuyết sương từ độ phơi tóc trắng / Chẳng biết có không một nẻo về /”.

Có hay không một nẻo về hả Chúc? Tôi tin rằng, người anh, người bạn của tôi giờ đã có câu trả lời. Nhưng cũng sẽ chỉ mình anh biết, mình anh hay, trên nẻo về lạnh lẽo ấy.

Đời tôi đã hai lần hụt với Chúc. Cái hụt gặp Chúc một lần trước khi Chúc lên đường về nơi miên viễn, cái hụt viết về bạn đôi điều trước khi bạn vĩnh viễn khép đôi mắt hiền lành ngủ yên trong cõi vô thường.

Đường thì xa xôi cách trở. Nợ áo cơm thì nặng nề. Chúc thấy không “Lâu nay viễn xứ đời cơm áo? Quay cuồng không phải một mình ta /”, nên hẳn là tôi vẫn sẽ không thể đến để đặt tay lên nắp quan tài bạn như cái xiết tay hẹn tái ngộ nhau chốn nẻo về. Nhưng vẫn kịp viết đôi điều về bạn, về những ngày xưa khốn khó của chúng ta, về “tháng Tư có kẻ ra biển đứng / Lớn tiếng kêu than vọng đất trời /”.

Có ai không, những anh em bằng hữu của chúng ta, đốt dùm tôi những dòng chữ này tiễn Chúc lên đường về cố quận? **

T.Vấn

15 tháng 2 năm 2011

*Trích trong trường ca ” Ngày Trọng Đại ” của Hòang Thi Thơ. Nguyễn văn Chúc sọan hòa âm 3 giọng bè. Hãy tưởng tượng nhạc Hòang Thi Thơ được chính thức công diễn trên sân khấu trại tù Cộng sản nhờ sự can đảm lẫn khôn khéo của Nguyễn văn Chúc.

**Những dòng chữ tưởng niệm một người bạn cuối cùng cũng đã được đọc trước quan tài của người đi. Xin cám ơn những tấm lòng tri kỷ.

***Tất cả những đọan in nghiêng, trong ngoặc kép, là thơ của Nguyễn văn Chúc. Cám ơn thượng đế, người đi nhưng thơ vẫn ở lại.

Dưới đây là bài thơ “Chiêu niệm tháng 4”, di cảo của Nguyễn văn Chúc, viết một tuần trước ngày Chúc nằm xuống.

CHIÊU NIỆM THÁNG TƯ

Tháng Tư có kẻ ra biển đứng
Lớn tiếng kêu than vọng đất trời
Nên gió gào thét sóng gào thét
Hải âu cánh dạt mịt mù khơi
Tháng Tư có kẻ bầy hương án
Nến thắp đôi hàng chiêu niệm ai
Ta nghe thảm thiết lời kinh khổ
Nhang khói gọi hồn sông núi ơi
Tháng Tư nghe tiếng hờn ai oán
Anh hùng hào kiệt thác oan khiên
Chương sử trăm hồi chưa chép hết
Còn động trời NAM tiếng sấm rền
Tháng Tư nắng đỏ thấm sắc máu
Hỏi người còn nhớ cuôc binh đao?
Bạn ta chết dữ không bia mộ
Phách tán hồn xiêu ở chốn nào?

Tháng Tư hảo hán cũng rơi lệ
Nước mắt đã đ
y một biển đông
Tràn lấp càn khôn mờ nhật nguy
t
Thành lời thống hối tạ non sông
Tháng Tư kể chuyện người biệt xứ
Mấy chục năm xa lạc dấu quê
Tuyết sương từ độ phơi tóc trắng
Chẳng biết có không một nẻo về
Chúng ta ơi những đời vong quốc
Gặp nhau lại thấy Tháng Tư buồn
Kinh Kha sao chẳng qua sông Dịch
Sao cứ đứng ngồi nhớ cố hương?
Nguyễn Văn Chúc

(1948-2011)

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search