T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: T.Vấn & Bạn Hữu – Một Chặng Đường

clip_image002

1 – Từ “hộ khẩu” văn chương một cá nhân . . .

Thấm thóat mà đã gần 4 năm từ ngày trang web cá nhân T.Vấn vươn vai trở thành T.Vấn & Bạn Hữu với sự góp mặt của hơn 30 thân hữu xa gần. Xa, như ở mãi bên kia Thái Bình Dương. Gần, như ở cùng một thành phố, một tiểu bang. Xa, như những thân hữu chưa từng một lần biết mặt (nói gì đến giáp mặt, bắt tay). Gần, như những bằng hữu từng chia sẻ biết bao nhiêu năm nỗi đọan trường thất thanh, kể từ khi tóc còn xanh, mắt còn sáng, môi còn tươi cho đến hôm nay tóc đã đổi màu, mắt đã luôn nặng nề cặp kính lão, và môi thâm đen nứt nẻ vì những tế bào cũng đã sắp hòan thành nhiệm vụ.

Nhớ năm xưa, khởi đi từ “hộ khẩu văn chương” vốn đã mang trong mình bao hệ lụy. Nay, hệ lụy vẫn còn mà sức thì không còn lực sung mãn của buổi lên đường và sự hăm hở quyết đi cho hết “đọan đường chiến binh” định mệnh.

Một bài nhạc, dù nhịp quân hành ào ào như sóng vỗ, vẫn có những nốt lặng nghỉ ngơi. Cũng vậy, đọan đường chiến binh nào cũng có lúc ngồi thở, lau mồ hôi và ngỏanh nhìn lại phía sau.

Tôi muốn chọn thời điểm này để nghỉ, và để . . . nghĩ. Và tất nhiên, để ngỏanh lại nhìn đọan đường mình đã đi qua.

Hay đúng hơn, mình và con gái T.Ý-Vy (đã đi qua), mà nếu không có con gái, sẽ không bao giờ có một trang cá nhân T.Vấn, lại càng không có T.Vấn & Bạn Hữu.

Và đúng hơn nữa, mình và các thân hữu cùng góp mặt trên một sân chơi chữ nghĩa trang trọng như chính chữ nghĩa mà chúng ta trân trọng.

Tại sao lại là thời điểm này để đặt dấu nghỉ, không phải hôm qua, không phải ngày mai, không phải mùa hè sang năm khi T.Vấn & Bạn Hữu tròn 4 tuổi?

Lý do thật giản dị và riêng tư. Hôm nay, tôi cùng con gái T.Ý-Vy lên đường về thánh địa nơi tọa lạc lâu đài ông vua không ngai của thế giới ảo: Google. Thành phố MountainView, tiểu bang California.

Với T.Ý-Vy, hôm nay là một bước thật dài hướng về tương lai sau gần 4 năm miệt mài kinh sử trong thế giới của những thứ ngôn ngữ vô tri vô giác của mã hóa (coding), mà nhờ những ma thuật của chúng, thế giới ảo hôm nay lại là nơi chứa đựng nhiều thứ hỉ, nộ, ái, ố hơn cả thế giới thật.

8 năm trước, đứa con gái nhỏ lạc bước vào thế giới của những ma thuật ấy. Bị mê hoặc, không thể dứt ra, nó đã mầy mò làm quen, tập tành vung lên chiếc đũa thần kỹ thuật, và úm ba la ra trang Web cá nhân T-Van.Net, mở một thế giới của riêng người bố chỉ muốn nhìn thấy “tiếng Việt trên xứ người” nên buộc con, ngòai kỹ thuật, phải thỏa mãn một đòi hỏi gắt gao “tất cả các tiêu đề, chức năng phải dùng tiếng Việt”, kể cả cái gọi là “Home Page”.

Và rồi 4 năm sau, trước khi lên đường xa nhà chính thức bước vào môi trường học tập chính quy của những thứ ma thuật (high technology) ấy, T.Ý-Vy đã kịp vung chiếc đũa thần non nớt của mình một lần nữa để biến sân chơi riêng của bố thành sân chơi chung rộng rãi cho cả bạn bè của bố. Đó là lúc ra đời của T.Vấn & Bạn Hữu.

Chuyện thực sự chẳng có gì đáng nói, vì nhiều người bố tự mình học hỏi, làm lấy trang web cho riêng mình. Nhiều người đã làm thế, và làm rất đẹp, rất hay.

Hôm nay, tôi đang có mặt ở thánh địa thế giới ảo cùng với con gái. Từ đây, nó bước vào đời như thế nào là nỗ lực riêng của nó, là sự may mắn riêng của nó. Sự có mặt của tôi là lời cám ơn về những gì nó đã giúp tôi có được một thế giới khác để sống. Vì không như những người bố có thể tự mình làm lấy mọi chuyện, người bố tôi đã “dựa dẫm” quá nhiều vào con. Dường như tôi vui hơn vì đã có thể “dựa dẫm” vào con. Đó chẳng phải là ý nghĩa của “cánh tay nối dài” mà tổ tiên chúng ta thường nói mỗi khi nhắc đến tính kế thừa của các thế hệ tương lai đó sao?

Và còn một điều quan trọng nữa. Rồi đây tôi, chúng ta sẽ chết đi. Nhưng mảnh đất chung của chúng ta, vốn là con đẻ của một người còn rất trẻ, nên nó sẽ được chăm sóc để tồn tại lâu hơn nữa, dù chỉ tồn tại dưới hình thức lưu trữ.

Há chẳng phải đó là điều chúng ta mong ước ở thế hệ tương lai đó sao?

2 – . . . đến những người chủ tương lai của thế giới ảo

clip_image004

Thế là bố con chúng tôi có mặt ngay giữa trung tâm thành phố Mountainview, tiểu bang California. Với một diện tích hơn 30 kilô mét vuông và dân số chỉ vào khỏang 75 ngàn, nhưng thành phố nhỏ bé, xinh đẹp này lại là nơi tọa lạc của những công ty hi-tech hàng đầu thế giới: Google, Mozilla Foundation, Symantec v..v..

Với những người chủ tương lai của thế giới (cả ảo lẫn thực), nơi khả năng hi-tech là chiếc đũa thần của chuyện cổ tích, thì thành phố nhỏ này lại chính là thánh địa của họ. Nhìn vẻ mặt háo hức của con đập bước chân rộn rã và tự tin trên con đường đầy ắp khách bộ hành mà tuổi đời chỉ vừa qua ngưỡng 20, tôi biết mình là kẻ lạc lõng tội nghiệp, là hình ảnh con người tiền sử lẽ ra chỉ nên nằm yên trong những bộ sách lịch sử giấy đã úa vàng, chứ không phải xuất hiện ở nơi đây trong một buổi chiều nắng vừa nhạt, cơn gió chớm thu nhè nhẹ chỉ vừa đủ khiến người tiền sử (là tôi) đưa tay kéo cao cổ áo khóac mỏng như một cử chỉ xác nhận mình đã quá già trong thế giới những người trẻ này.

Buổi ăn tối nhẹ trên lề đường phố, với những người khách ngồi chung quanh cởi mở, vui vẻ, linh họat như chính số tuổi của họ, khiến tôi có cảm tưởng mình đang lạc vào một thế giới khác, thế giới không có thành kiến, hận thù, ganh ghét, bon chen, giành giựt và tuổi già rất thường nhật ngòai kia. Ở đây, như chính tôn chỉ của những công ty hi-tech làm nên sự sống tinh thần và vật chất của thành phố, chỉ có tuổi trẻ và sự sáng tạo, cùng với nỗ lực tận dụng mọi khả năng của con người để đưa con người lên một tầm cao hơn và cao hơn nữa trong mọi lãnh vực đời sống.

Buổi sáng hôm sau, tại phòng ăn khách sạn mà công ty Google mướn riêng cho những sinh viên được tuyển chọn ở khắp nơi trên nước Mỹ đổ về tham dự ngày hội College Week của họ tổ chức hàng năm, tôi lại có dịp chiêm ngưỡng kỹ dung nhan hơn 30 sinh viên trẻ đại diện cho lớp người sẽ làm chủ thế giới trong tương lai.

Tất cả đều mang dáng dấp thư sinh vừa qua ngưỡng cửa 20 tuổi và đều còn mài đũng quần trên ghế nhà trường (những nhà trường hàng đầu của nước Mỹ và cả thế giới về hi-tech, những MIT, Stanford, Rice . . .), cái tuổi mà thế hệ chúng tôi gọi là ăn chưa no, lo chưa tới, mà nếu ở nhà thì các bà mẹ sẽ luôn miệng nhắc con phải ăn cái này, không được ăn cái kia, không được vừa ăn vừa chúi mắt vào điện thọai. Vậy mà, dưới con mắt người già duy nhất trong phòng – con mắt gã đàn ông châu Á khe khắt chi li – thì những khuôn mặt ấy thật chững chạc, bất kể họ còn chưa thực sự bước vào đời, bất kể họ còn dựa vào sự yểm trợ tài chính của bố mẹ hay đồng tiền Student Loan eo hẹp trong suốt 4 năm dài đại học. Bởi vì những khuôn mặt sáng láng kia rồi đây sẽ là những thành viên quan trọng của guồng máy vận hành thế giới ảo. Họ đến thánh địa hôm nay không chỉ để học hỏi mà còn để đóng góp phần sáng tạo (dù non nớt) của mình cho bộ mặt con người ngày mai.

Bất giác, tôi chợt mang trong lòng một cảm giác biết ơn. Sân chơi T.Vấn & Bạn Hữu từ bao năm nay vốn là sản phẩm của những sáng tạo đến từ bao con người tài năng của hi-tech. Chính nhờ những sáng tạo kỹ thuật đã làm bà đỡ để cho ra đời những sáng tạo văn học nghệ thuật mà sân chơi anh chị em chúng tôi tồn tại như một giá trị không thể thiếu trong sinh họat chữ nghĩa người Việt khắp nơi. Rồi đây, những người trẻ này sẽ làm những gì để thay đổi bộ mặt thế giới ảo, chúng ta chưa được biết, nhưng dấu ấn của họ chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy cụ thể trên khuôn mặt sân chơi T.Vấn & Bạn Hữu.

Với cảm giác đó, khi tiễn con gái bước chân lên Shuttle của Google gởi đến khách sạn đón đòan sinh viên vào headquarter bắt đầu một ngày làm việc hứa hẹn nhiều hy vọng cho tương lai những người khách trẻ được mời, tôi hăm hở ra xe bấm địa chỉ người bạn tù Ngọc Phi, – và cũng là một trong những thân hữu đầu tiên nhận lời bước vào sân chơi TV&BH – vào máy định vị (GPS), mở đầu những cuộc gặp gỡ của những người bạn đến với nhau qua chiếc cầu chữ nghĩa từ hơn 4 năm nay.

Con đường từ thành phố Mountainview đến thành phố San Jose của miền Bắc California chỉ là một khỏang cách ngắn ngủi. Trong buổi sáng một ngày đầu thu tháng mười một lại càng ngắn hơn vì nỗi háo hức mong gặp lại người bạn tù, bạn chữ đồng điệu của hơn 30 năm giao tình. Và người bạn học Petrus Ký từ lớp đệ thất trải bao năm dâu bể chia ngọt sẻ bùi vẫn thèm ngồi bên nhau cà phê thuốc lá như cái thuở ban đầu làm học trò mắt sáng môi tươi . . .

3. Từ Thành phố San Jose và nhà thơ Ngọc Phi . . .

clip_image006

Thi sĩ già
Ngồi nặn thơ bên bờ sông lạnh
Mặc đời trôi dặm đường cô quạnh
Khóc oa oa!
(T.Vấn)

Buổi sáng thật đẹp. Trời vừa đủ lạnh để tôi mặc thêm chiếc áo ấm mỏng. Và chút nắng nhẹ mùa thu San Jose. Khí hậu lý tưởng cho những hồn thơ suốt đời vương vấn nợ thi nhân. Ngọc Phi đón tôi ở cửa bằng chiếc gậy chống một bên thân hình vốn trước đây to lớn, dù những khẩu phần ăn chết đói của trại tù có làm anh “nhỏ” đi đôi chút, nhưng vẫn chưa “nhỏ” bằng bây giờ. Nhìn bạn, tôi thấy hết sự khủng khiếp của thời gian. 11 năm trước, gặp Ngọc Phi cũng ở thành phố này, anh vẫn còn nhanh nhẹn, họat bát. Nay đã là ông già nhưng lại không . . . quắc thước như tôi hằng mong đợi.

Dầu vậy, tôi vẫn thấy đôi mắt Ngọc Phi còn đủ vẻ “ngơ ngác” như ngày nào mới chập chững vào đời, dù bây giờ cái ngơ ngác ấy là ngơ ngác của “Ta tìm một mái am tịnh ẩn/gối đầu cho ấm chút tro than”(thơ Ngọc Phi).

Câu chuyện của chúng tôi chỉ xoay quanh sức khỏe vài người bạn mà cả hai cùng biết, và tất nhiên, về sự tồn tại của sân chơi chung mà anh em chúng tôi cùng quan tâm bồi đắp, về nguồn thơ Ngọc Phi nay đã không còn sức thường xuyên góp mặt với bằng hữu bốn phương. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cùng về thu xếp lại một hình ảnh “mái am tịnh ẩn”, để mai này có ra đi thì bạn bè cũng còn biết một chỗ đến tìm thăm, rồi đọc thơ người xưa như một cách tự tiễn đưa mình ngày mai không xa lắm.

Gia tài thơ Ngọc Phi lẽ ra phong phú hơn nhiều. Những năm tháng còn ở quê nhà và những năm đầu tiên nơi xứ người là cuộc vật lộn cơm áo . . . khốc liệt, không có thì giờ dù chỉ là ngồi ghi lại theo trí nhớ. Đến khi có thể ngồi thở thì hồn thơ đã bắt đầu lãng đãng theo với tuổi đời chồng chất.

Cũng may, người bạn đời, cũng là người được Ngọc Phi đề tặng ở mỗi đầu bài thơ , vẫn còn ở bên cạnh anh chia sẻ hạnh phúc cuối đời nhìn con cái trưởng thành tự lập. Điều ấy cũng có nghĩa là hồn thơ Ngọc Phi vẫn còn nguyên vẹn đó, bất kể sự mỏi mòn thể xác không thể tránh khỏi.

Tôi chia tay Ngọc Phi với nỗi buồn khó tả. Liệu ngày mai chúng ta sẽ còn ngó được mặt nhau? Ngày mai ấy là khi nào? Ngày mai ấy là ngày mai hay không bao giờ nữa?

Hơn bao giờ hết tôi thấy được sự cần thiết của TV&BH, dù chỉ cần thiết với riêng chúng tôi, những người bạn từ đời thực đến chữ nghĩa, chia sẻ những gian nan mà cả hai cuộc đời đều đã từng mang đến cho chúng tôi từ thuở “đầu xanh vô tội”.

Nhờ TV&BH , chúng tôi đã có một điểm hẹn của trăm năm, thế thì sá gì chút ngắn ngủi của trần gian phù phiếm này!

Phải không Phi?

Thời gian ở San Jose, tôi còn có dịp gặp vài người bạn học chung một quân trường ở thành phố cao nguyên thuở đầu đời quân ngũ và người bạn học Petrus Ký hiền lành, lúc nào cũng sẵn lòng làm bất cứ điều gì vì bạn mà không hề một lời than van hay phiền trách.

Ôi những người bạn mà tôi không bao giờ thiếu dù đi khắp cùng trời cuối đất xứ sở này. Bạn học, bạn lính, bạn tù, bạn chữ, bạn tình, bạn nhậu. . .

Trên đường rời San Jose, tôi nhận được bài thơ của Ngọc Phi gởi theo thế giới ảo:

Bài thơ gởi bạn

Tặng T. Vấn

10 năm gặp lại người bạn cũ
Mũ dạ phong sương ấm mái đầu
Bạn cười đôi mắt như thầm nói
A ha! 10 năm ta gặp nhau!

        Choàng vai kéo bạn vào ” tệ xá “
       Gậy chống liêu xiêu, lòng hân hoan
       Một tách trà thơm, ly rượu mận
       Nhìn nắng mai Thu trải lụa vàng

Bạn kể đôi điều trong cụôc sống
Ta nói vài câu chuyện nắng mưa
Nhắc bè bạn cũ còn xa vắng
Chuyện tù, chuyện nhạc, chuyện văn thơ

Tiếng bạn cười nghe còn”âm vang”
10 năm nghe lại vẫn không quên
Như còn vang vọng nơi đâu đó
Tận trại tù xưa, tận thác ghềnh

Sao dường như đôi mắt chợt buồn
Phải hồn lữ thứ gọi muôn phương?
Bạn ơi! lòng vẫn bao vương vấn
Một nỗi niềm thương nhớ cố hương

   Bạn đến thăm rồi vội vã đi
   10 năm đâu nói được câu gì!
    Mùa Thu trời bỗng se se lạnh
    Lại choàng vai ấm tiễn người đi ! 

Bạn đi, ta vẫn còn ngơ ngác
Nhìn bóng chim vừa xoãi cánh bay
Một mai, hay chẳng bao giờ nữa!
Mình gặp nhau hay gặp… cỏ cây!?
Ngọc Phi

4. . . Đến miền Nam Cali nắng lúc nào cũng ấm và những thân hữu cột trụ

clip_image008

Tiễn con gái T.Ý-Vy về lại Houston sau khi xong việc ở Mountainview với Google, tôi rời miền Bắc Cali trên chuyến xe đò Hòang quen thuộc của người Việt vùng này trực chỉ Santa Ana. Ngồi trên xe đò, tôi ngóai nhìn thành phố với tâm trạng của kẻ ra đi không biết có ngày trở lại. Lòng lại càng nặng trĩu hơn nữa, khi nhớ đến người thầy học cũ Nguyễn Xuân Hòang mới lìa bỏ trần gian hồi tháng 9 vừa qua, cũng tại thành phố này. Đã bao lần tôi hẹn với ông sẽ đến thăm. Lần nào ông cũng bảo vội lên nhé, kẻo không lại quá muộn. Mà muộn thật! Muộn cả khi ông còn sống lẫn khi ông đã bay vào cõi hư vô. Khi chết, ông ước nguyện thân xác mình được hỏa thiêu, nên không có nấm mồ cho người đời sau đến viếng. Với gia đình ông, tôi vẫn chỉ là kẻ xa lạ như bao kẻ xa lạ hâm mộ văn tài nhà văn Nguyễn Xuân Hòang, nên suốt hai ngày ở lại thành phố, tôi ngần ngừ không muốn đến làm phiền, dù chỉ để thắp nén nhang trước bàn thờ người thầy học đã mở mắt cho tôi bước vào thế giới của chữ nghĩa. Cuối cùng, để tự an ủi, tôi bảo mình hãy quên đi mọi phù phiếm của cõi đời này, thầy Hòang đã đi rồi thì chờ đến ngày gặp ông ở một thế giới khác, biết đâu lại tốt đẹp hơn rất nhiều.

Tôi vốn là một khách lãng du rày đây mai đó. Đã bao lần tôi cùng với gia đình rong ruổi trên những con đường xa lộ dài thăm thẳm kể từ khi T.Ý-Vy vẫn còn nằm trong carseat cho đến khi nó đã có thể đường hòang ngồi ghế tài xế thay bố đưa gia đình tới điểm đến an tòan. Thế nên, lần “thử nghiệm” ngồi xe đò này quả là “mới mẻ”. Nó chẳng cho tôi chút cảm giác thú vị gì ngòai sự mong đợi xe “cập bến”, càng sớm càng tốt. Khác hẳn những cuộc viễn du cùng với gia đình, niềm vui đòan tụ vỡ òa trên đường đi đôi khi còn lớn hơn những gì chúng tôi mong đợi ở điểm đến.

Đón tôi ở bến xe đò thành phố nắng lúc nào cũng ấm là cụ Phila Tô, người bạn vong niên đồng tù ngày nào nơi miền trung du Bắc Việt nắng cháy da đầu. Tuổi đã trên 73 mà phong độ vẫn nhanh nhẹn như chàng trai 37, chẳng hổ danh Trâu Điên của TQLC, dù trong người cụ không thiếu gì Platin thay cho xương đã bị đạn Tầu đạn Nga phá nát nhiều lần. Cụ Tô giã từ vũ khí mà lòng còn ấm ức nên từ ngày sang xứ người quyết ăn bám vợ để có thì giờ mổ cò trên mặt phím máy tính. Mỗi sáng, cụ dậy từ lúc 4 giờ, ăn mặc nghiêm chỉnh rồi ngồi vào bàn bắt đầu một ngày làm việc. Tuần lễ ở nhà cụ, sáng nào mở mắt ra tôi cũng đã nhìn thấy cụ lặng lẽ ngồi ở đó từ bao giờ. Hiện tại, cụ đang thu thập và hiệu đính tài liệu cho Quân Sử TQLC. Cụ cũng là chủ bút đặc san Sóng Thần, một nội san của Binh Chủng TQLCVN, và là tác giả nhiều bài viết về nước Mỹ trên Việt Báo của nhà thơ Trần Dạ Từ/Nhã Ca.

Sáng hôm sau, tôi liên lạc được với anh Đỗ Xuân Tê, cũng là một cựu tù của hầu hết các trại tù từ Nam ra Bắc và chúng tôi 3 người: T.Vấn, Phila Tô, Đỗ Xuân Tê, vừa cùng ở tù nhiều năm chung một trại, vừa cùng là những thành viên đầu tiên và trụ cột của sân chơi TV&BH, được gặp nhau lần đầu tiên sau hơn gần 30 năm từ ngày bước chân ra khỏi trại tù. Quán cà phê bên đường rôm rả những câu chuyện cũ mới. Đối diện nhau là hai ông cụ trên 70 đồng tuổi đồng tù đồng chọn niềm vui cuối đời là suy ngẫm trên mặt bàn phím máy tính, lại đồng sự trên nhiều trang báo quận Cam, nhưng ít ai biết trước 75 hai người lại làm việc ở hai lãnh vực hòan tòan khác nhau dù chung một tổ chức quân lực VNCH. Một người chỉ biết đến những cuộc hành quân tối mặt tối mũi và người kia là một sĩ quan giữ nhiều trọng trách trong ngành CTCT. Xét về tuổi đời tuổi nghiệp tôi cũng chỉ xứng đóng vai học trò của họ. Vậy mà thế sự thăng trầm đưa chúng tôi ngồi với nhau trong một buổi sáng hiếm hoi của cuộc lưu vong xứ người nhìn về ngày hôm qua nhiều hơn là nhìn về ngày mai, dù ngày mai ấy ngắn ngủi và không ai biết bao giờ thì ngày mai ấy sẽ mãi mãi là thiên thu. Điều tội nghiệp của những cái đầu già nua là không thể thụ hưởng trọn vẹn hiện tại, vì phía sau của nụ cuời đòan tụ họ đã thấy thấp thóang bóng dáng của chia ly chực chờ. Vì thế, ngồi giữa cảm giác ấm áp của đất, người, vật miền Nam Cali tôi đã nghĩ đến lúc sẽ ngồi một mình giữa mùa đông ngập tuyết của Wichita đang chờ tôi trở về.

Buổi gặp gỡ kế tiếp còn có sự tham dự của nhà văn nhạc sĩ Nguyễn Đình Tòan và người bạn trẻ Lưu Na, người có mặt với TV&BH từ khi sân chơi chưa thành hình. Vẫn quán cà phê bên đường, vẫn buổi sáng nắng dịu dàng của mùa thu Cali, những người bạn trẻ, già, và chưa già nhưng không còn trẻ nữa ngồi bên nhau tưởng chừng như họ quen biết nhau đã từ lâu. Chiếc cầu chữ nghĩa quả thật nhiệm màu. Mặc cho có lúc chúng đã từng là vũ khí cho người ta đâm chém nhau, nhưng lúc này đây chúng là những chiếc đũa thần vun đắp tình người, tình bạn. Từ hai kẻ xa lạ chưa từng một lần gặp gỡ trên những bước đường đời, họ bỗng cảm thấy như biết nhau hàng thế kỷ. Đó là cảm giác của tôi khi bắt tay người bạn trẻ Lưu Na. Cô đằm thắm hơn là tôi tưởng khi chưa gặp mặt. Ở giữa đám già nua chúng tôi, cô là hình ảnh của sự sống và tương lai. Tương lai của chữ nghĩa Việt xứ người, tương lai của sân chơi văn chương mà gần 4 năm trước chúng tôi cùng góp sức cho ra đời. Đọc Lưu Na, tôi thấy được rõ nét hình ảnh thế hệ một rưỡi sau khi cuộc chiến chấm dứt và những khổ lụy đi kèm. Tiếp xúc với Lưu Na, tôi lại bắt gặp được một chiều sâu khác không phải dễ dàng để thấu hiểu. Thật tội nghiệp cho thế hệ đàn em chúng tôi, họ không được hưởng chút gì từ thế hệ đàn anh, mà chỉ đành tiếp nhận một gia tài đổ nát, đổ nát từ tâm hồn đến thể xác. Thế nên, nhìn sự trưởng thành của những người trẻ (trong đó có Lưu Na ở Cali, có Phan ở Dallas, TX ), tôi mang cảm giác vừa hãnh diện vừa xấu hổ. Hãnh diện vì tin chắc họ đã vượt qua được chúng tôi một cách hết sức tự tin và xấu hổ vì chính sự vượt qua (trưởng thành) ấy là bằng chứng cho sự thất bại mà thế hệ chúng tôi không thể đổ lỗi cho bất cứ ai, dù đó là hòan cảnh, là cuộc chiến 30 năm hay cuộc tù đày dằng dặc mà những người ngồi chung bàn hôm đó ai cũng đã từng nếm trải mà kẻ ít nhất cũng mất 9 năm, kẻ nhiều hơn là 12 năm tuổi trẻ.

clip_image010

Nhưng có lẽ, với tôi, chuyến đi được đánh dấu đậm nét bằng buổi trà đàm văn nghệ tại căn gác hẹp đơn sơ của nhà văn nhạc sĩ Nguyễn Đình Tòan. Gọi là trà đàm, nhưng thực ra hôm đó chỉ có nhạc của Nguyễn Đình Tòan “nói” nhiều nhất. Những bài nhạc đã nói đủ được tâm tình 3 thế hệ chúng tôi cùng ấp ủ (thế hệ Nguyễn Đình Tòan, thế hệ tôi, và thế hệ Lưu Na). Trong cái tĩnh lặng của khu chung cư dành cho người già và buổi chiều rất ít nắng, chúng tôi đã ngồi nghe trọn vẹn dĩa nhạc “Hiên Cúc Vàng” của Nguyễn Đình Tòan với giọng hát Khánh Ly mà chính Nguyễn Đình Tòan cũng phải xác nhận không ai hát nhạc của ông đạt hơn Khánh Ly và ông cũng đồng ý với tôi “tiếng hát Khánh Ly đã chứng tỏ sự thành công cuối đời của bà gắn liền với nhạc Nguyễn Đình Tòan, như cách đây 50 năm, sự thành công đầu đời của bà đã gắn liền với nhạc Trịnh Công Sơn.”. Tôi cũng có dịp để nói trực tiếp với ông rằng, người ta (tôi) nghe nhạc Nguyễn Đình Tòan không phải để giải trí mà là để đắm mình trong nỗi đau trước sự tàn nhẫn của lịch sử. Và trang T.Vấn & Bạn Hữu lưu trữ dòng nhạc Nguyễn Đình Tòan để cho người đời sau có dịplắng nghe tiếng kêu bi thương của một thời đại và nhỏ đôi giòng nước mắt cho những tiền nhân rất không may trong lịch sử.”. Người nhạc sĩ đáp lại bằng nụ cười nhẹ không thành tiếng. Và tôi nhìn thấy sự chịu đựng trong dáng dấp ông ngồi, tay không ngừng vân vê cái ống vố mà có một thời tôi cũng đã coi nó là vật thiết thân không thể tách rời. Bên cạnh, người bạn đời của ông ngồi lặng lẽ suốt buổi chiều cũng mang dáng vẻ cam chịu. Thỉnh thỏang, bà đứng lên châm thêm nước nóng vào bình trà và cất giọng nhẹ nhàng mời khách.

Buổi chiều Cali xuống chậm ngòai kia. Những gịot nắng cuối cùng rồi cũng tắt. Giữa sự tịch mịch của căn phòng, Nguyễn Đình Tòan như trong cơn mộng du đột nhiên cất giọng nhẹ nhàng đọc như cách đây hơn 40 năm ông ngồi trước máy vi âm mỗi tối thứ năm giới thiệu chương trình nhạc chủ đề trên đài phát thanh Sài Gòn. Người bạn trẻ Lưu na đã kịp ghi lại một đọan như sau:

“Đời có còn dành cho ta
Một ngày nhìn lại thấy nhau
Giọt nước để lại trên hoa
Lời giã từ yêu dấu
Nắng sẽ khô
Và buồn sẽ đưa
Ta sẽ gặp lại nhau
Trong cát bụi mù
Em đừng khóc
Đừng thương nhau
Cho lòng thêm héo sầu
Đời như giấc mơ đã tan
Nước mắt khôn hàn
Rừng cháy rồi cũng tàn
Biển bão rồi cũng êm
Ngày tháng qua
Vết thương nào rồi cũng lãng quên
Đường em đi
Từ nay không có anh
Không còn ai
Đón chờ vui mừng
Con đã lớn khôn
Hay chim bầy giã đàn
Một mình em
Làm sao giang cánh che đầy
Họa phúc mênh mông
Còn có cây cao nào
Cho em về nương bóng
Hay gió mưa đã dập vùi
Hết cả ngày xanh
Đời nếu còn dành cho ta một ngày
Nhìn lại thấy nhau
Đừng nỡ bạc đầu nghe em
Dù cho lòng khô héo
Ta sẽ nuôi lại mộng đớn đau
Cho dẫu rằng tình ta bóng đã xế chiều . . .”

Tôi cũng kịp mở iphone ghi giọng ông như sợ mình sẽ chẳng bao giờ còn có dịp.

clip_image012

Đừng nỡ bạc đầu nghe em / Dù cho lòng khô héo. Người phụ nữ có cái cổ cao như trong bao lời thơ Nguyễn Đình Tòan đưa mắt nhìn chồng kèm theo nụ cười hạnh phúc. Quả là lời tỏ tình cuối đời tuyệt vời.

Trước khi đứng dậy xin phép kiếu từ, tôi và người bạn trẻ Lưu Na cũng đã kịp chia nhau cạn chai rượu vang mà bà Tòan để dành từ bao giờ. Món quà mang về lại Wichita còn có một tập tài liệu hơn 100 bài đọc sách với giọng đọc Nguyễn Đình Tòan và Hồng Ngọc, người bạn đời lặng lẽ bên cạnh nhà thơ. Thế là độc giả TV&BH sẽ có dịp nghe lại giọng đọc quen thuộc của tác giả chương trình nhạc chủ đề hơn 40 năm trước .

Người bạn trẻ Lưu Na cũng ưu ái gởi theo thế giới ảo cho tôi đôi dòng viết vội trên máy tính Nguyễn Đình Tòan:

“ Buổi chiều với Trương Vấn nơi căn gác Nguyễn Đình Toàn là một điều không mong mà được.  Đại ca đến nơi này, như một ngày trong mát sau mùa nắng hè gay, để nghe tiếng ủ ê buồn hát một khúc nhạc xưa, nghe lại một niềm đau.  Trong ánh chiều hắt hiu, tiếng nói từ trái tim của một người sống gần hết một đời khổ đau như chút hương tàn chút nắng phai trói mọi hồn lưu lạc vào với nhau.  Tiếng đã khan, lời đã quên, nhưng em chưa nỡ bạc đầu nên lời được chắp nối.  Tôi nhìn chút nắng úa tàn qua song cửa, uống với anh chút rượu, nghe cùng anh một khúc đàn, dẫu vui hạnh ngộ mà thấy nỗi gì như khô héo, cái tiếng lẻ loi ấy như dội trả vào đất trời  nỗi quạnh hiu.  Đại ca về.  Tôi về.  Khi chúng tôi quay bước, cái giọng ủ ê buồn ấy vẫn vang hoài, vẫn rung hoài một nhịp trong lòng tôi.  Không biết mình sẽ còn được bao lần ngồi lại bên nhau nên không dám quay đầu ngó lại.  Bóng tối đã sập xuống tự bao giờ. . .”.

5. Lời chia tay nói sớm

Cuộc hạnh ngộ nào cũng đến lúc phải chia tay. Sau khi xong một vài công việc với những người bạn cùng khóa học CTCT năm xưa ở thành phố miền cao , tôi tìm cách gặp các thân hữu của TV&BH một lần chót ở một quán cà phê bên đường. Mọi người bày tỏ ước ao được có dịp gặp nhau đông hơn, thường hơn. Tôi nghĩ đến một dịp gặp gỡ của tất cả những anh chị em cộng tác trên TV&BH. Nghĩ chỉ để mà nghĩ. Việc thực hiện không phải dễ dàng. Nước Mỹ mênh mông. Từ Texas, thành phố Houston nơi ngụ cư của Ngộ Không PNH, của Trần Ngọc Tự, đến Dallas, thành phố của Ngân Bình, Trần Yên Hạ, Phan, Như Hoa LQS, Thảo Nguyên NBT, Phạm Doanh, Phạm Đức Nhì cũng phải mất hơn 4 tiếng lái xe. Và từ Texas đến Cali (miền Nam) thì quá xa để có thể lái xe. Phạm Chinh Đông, Lê Mai Lĩnh ở mãi bên phía Đông Bắc. Như Thương ở Florida. Lê Hữu, Thanh Châu ở Seatle. Hòai Nam ở Úc Châu. Ở Wichita, KS có Trần Lê Việt, HươngKiềuLoan. Còn một số anh chị em ở Việt Nam, Khuất Đẩu, Huyền Chiêu, Nguyễn Lệ Uyên, Hà Hùynh Mỹ, Khải Triều, Trương T Vinh . . .

Thôi thì, hãy chọn thế giới ảo là điểm hẹn, nếu một mai, ta không còn được thấy nhau. Hãy xem mỗi trang viết là một cuộc gặp gỡ. Và cuộc gặp gỡ nào cũng có thể là lần sau cùng. Ai biết được. Nhưng vẫn còn đó trang viết và những ước vọng. Chúng sẽ bất tử. Chúng vẫn sẽ tồn tại khi người viết đã ra khỏi trần gian. Không trên những tờ giấy úa màu thời gian thì cũng còn màn hình điện tử.

Chúng ta đã qua được một chặng đường đủ dài để chứng tỏ sức sống ngày một phong phú của một trang mạng văn chương. Chúng ta đã giữ chân được một lượng độc giả chọn lọc sẵn sàng trở lại mỗi khi có dịp. Đó là một sự khuyến khích đáng trân trọng cho người thực hiện và cho tất cả những thân hữu vẫn miệt mài đóng góp bấy lâu nay.

Vậy thì, hãy nói lời chia tay khi có thể. Kẻo rồi đây không biết có nói được lên lời.

Chia tay, nhưng hồn vẫn còn ở lại. Ở một nơi, ai cũng quen nhau. Nơi đó, con gái T.Ý-Vy đã hứa sẽ gìn giữ như gia tài lớn nhất đời mình.

T.Vấn

Tháng 12 năm 2014

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search