T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Góc vườn ở căn nhà ngõ cụt…

ta van co nhau-1

Tranh: Trần Thanh Châu

Hôm qua, tôi viết ngay trên cái điện thoại của mình để giữ lại một ý tưởng hơn là câu hỏi. “Khi đời sống không có gì mới mẻ,người ta không ngồi nhâm nhi niềm hạnh phúc đã qua, mà thường khắc khoải với đau buồn hiện về. Tại sao những điều vui vẻ đã qua thì coi như vĩnh biệt, trong khi nỗi buồn cứ lắng đọng không tan, chỉ cần một gợi nhớ là lớp cặn trong ly thời gian ấy bùng lên…”

Tôi trở về nhà sau khi đi ăn phở với một người bạn. Câu hỏi của cô ấy về một chuyện khác cũng còn trong tôi, “Em mới đọc một nhận định trên báo: Ở phi trường, bệnh viện, nhà hàng… tất cả những nơi phải chờ đợi, thì hầu như người gốc châu Á ‘giết thời gian’ bằng cái điện thoại đời mới trên tay. Trong khi người Âu Mỹ lại vùi đầu vào một quyển sách – nhiều hơn. Anh nghĩ gì về nhận định đó?”

Tôi trả lời, “Câu hỏi, coi bộ hơi mắc so với một tô phở. Dù sau lễ gà tây, tô phở có giá trị nhất định của nó. Nhưng anh thấy đọc quyển sách, hay tạp chí khoa học khi phải chờ đợi sẽ tốt hơn lướt web, hay facebook. Vì chuyện trên mạng chỉ thỏa mãn tò mò về đời sống chung quanh, không giúp cho kiến thức.”

Có lẽ khi đọc bài viết này, bạn tôi thông cảm được cho nghề nghiệp nên cần ghi chép lại ngay điều gì đó chợt đến để nhớ. Cần chứng minh thì tôi có nhà thơ bạn, nửa đêm anh ta bắt được ý thơ siêu thực đến nỗi phải trỗi dậy, ghi nhanh lên miếng giấy vớ được trong đêm. Sáng ra, anh ta hoan hỷ mời nàng thơ siêu thực lúc nửa đêm uống cà phê sáng với anh ta. Nhưng trên mảng giấy đêm qua vớ được, khi giở ra chỉ có một bãi nước bọt.

Và, tôi làm gì với bãi nước bọt trên điện thoại của mình trước khi ăn phở, “Khi doi song khong co gi moi me. Nguoi ta khong ngoi nham nhi niem hanh phuc da qua, ma thuong khac khoai voi dau buon hien ve. Tai sao nhung dieu vui ve da qua thi coi nhu vinh biet, trong khi noi buon cu lang dong khong tan, chi can mot goi nho la lop can trong ly thoi gian ay bung len…”

Để hiểu được tại sao con người thường buồn khổ hơn là hạnh phúc? Có lẽ đơn giản là khi hạnh phúc qua đi, người ta chỉ còn lại sự nuỗi tiếc, và cảm giác ấy phôi phai theo thời gian vì có nuối tiếc nào còn cơ hội. Người ngồi tiếc nuối sự lãng phí tuổi trẻ thì tuổi trẻ đã qua, ân hận không làm điều gì đó khi còn trẻ thì người ta đã không còn trẻ nữa. Giá như ngày ấy, thì ngày ấy chỉ còn lại ngày dài… Điều đáng tiếc luôn làm cho lòng người ray rứt với quá khứ, cố chối bỏ để sống, nhưng rồi lại nhặt lại câu hỏi: Tại sao? Giả sử một ai đó cho ta niềm tự hào, cảm giác hạnh phúc trong chốc lát. Rồi không gặp lại nhau nữa. Nhưng nỗi buồn chia xa như tận thế ấy phôi phai theo thời gian, vô vọng với niềm tin gặp lại là hoang tưởng; càng vô vọng khi ngoảnh lại mình đã không còn là mình của ngày ấy nữa, lòng thêm tê tái khi nghĩ tới người từng cho ta niềm tự hào, cảm giác hạnh phúc cũng không ngoại lệ nên đã là một người khác theo nghiệt ngã dòng đời…

Dù sao cũng chỉ là chút hoài niệm thoáng qua trong tôi khi thấy người con gái ngồi bàn đối diện trong tiệm phở, cô ta có bàn tay làm nỗi nhớ hoa mắt. Nhưng thời gian đồng nghĩa với những chai hằn của cuộc đời đã biến dạng đôi bàn tay của người cho ta niềm tự hào, cảm giác hạnh phúc một quãng đời, sự gặp lại chỉ đau hơn nỗi nhớ. Nhưng sự tò mò bây giờ người ấy ra sao chưa kịp thẹn với bản năng thì lòng tiếc nuối như khói nóng của tô phở bốc lên thơm lừng, người bưng phở vừa rời bàn thì hương vị nóng thơm của tô phở đã loãng tan vào không gian, bay biến. Để lại hụt hẫng làm chiếc đũa rơi, và lời xin lỗi người đối diện một cách máy móc được thốt ra khỏi cửa miệng há hốc từ trước với ký ức. Nhưng đôi đũa mới vẫn gắp lên những sợi hoài niệm trắng mà giá đừng có cô gái có bàn tay đẹp ngồi trước mặt thì người rơi đũa đã gọi là bánh phở, làm luyến tiếc mới vừa hiện thân đã thành quá khứ như làn khói. Nỗi buồn như lớp cặn trong ly thời gian bùng lên, và không dễ tan loãng vào không gian, rồi bay biến mau chóng như khói thơm của tô phở nóng. Nỗi buồn nào không chợt đến vì hạnh phúc mong manh.

Trong căn nhà mùa đông, sự lạnh vắng làm lòng người chìm lắng tới đáy bể dâu hay chỉ vì niềm tự hào, cảm giác hạnh phúc không còn nữa đã khoét sâu thêm vào lạc lõng. Niềm an ủi đã từng hiện diện nơi đây như có phép tàng hình, biến mất. Sự tự an ủi như lá bùa hộ mệnh đã hết phép để chặn đứng một bất chợt không vui. Không gian mỏi ý, người ta không thể né tránh mãi sự đau lòng bằng việc tự an ủi khi lòng đã ứ những vụn vỡ từ lâu, truy tìm mãi cũng vẫn là sự thiếu can đảm nhìn vào sự thật, đã bất trị, là người ta không dám chạm vào nỗi đau vì không đủ sức chịu đựng. Hay nghĩ ngược lại là người ta không dám mất đi những niềm đau khi giải mã được nó. Giả sử một người đủ can đảm và năng lực để thấu hiểu từng nỗi đau của mình. Sự thấu hiểu làm hoá giải từng niềm đau… tới không còn gì là đau khổ trong lòng thì người ấy có hạnh phúc không?

Tôi lại gạt mình với chút âm thanh cổ điển cũng chẳng trở về được băng ghế đá nơi góc vườn của căn nhà ngõ cụt. Nơi gió chướng mang về tháng mười hai hanh khô, làm người ta khao khát hơn gió Trường sơn phả xuống miền trung nỗi đọa đầy. Tôi đã đi theo cơn gió lào ngày cũ, thích gieo mình vào hiểm hoạ để hồi sinh. Nhưng khi hiểu lòng mình đã thuộc về, chỉ còn biết cất kỹ lọn gió tháng chạp ở phương nam hanh hao gầy như những ngón tay bay lượn trên phím đàn. Tại sao lại bỏ lại sau lưng niềm hạnh phúc đã cầm lấy đôi bàn tay/ tóc em anh sẽ gọi là mây/ ngày sau hai đứa mình xa cách/ anh vẫn được nhìn mây trắng bay…*

Có phải là tâm trạng của tuổi trẻ luôn khao khát, nhưng không có thoả mãn nào đủ để dừng chân. Chỉ khi đủ muộn phiền thì người ta mới nhìn ra sự u mê muộn màng. Hay bản chất con người luôn khao khát được hạnh phúc, nhưng lại không biết nuôi dưỡng hạnh phúc vì khổ đau mới thực sự là bản chất con người.

Ngoài kia, mây vẫn trắng trôi theo nhau biền biệt… Người có thể đã cho ta niềm tự hào, cảm giác hạnh phúc thật dễ chịu trong đêm thánh vô cùng để từ đó xa nhau bất tận như giai điệu cổ điển của nhạc tây phương. Có tắt đi dòng nhớ một người từ CD thì dòng miên viễn vẫn chảy trong tâm tư nỗi niềm u ám như thời tiết tháng mười hai lạnh đầy. Sự cô đơn mục ghế với tách trà, ly vang, không bởi tháng mười hai. Chỉ bởi nỗi bơ vơ, lạc lõng ngay trong tâm hồn mình. Sự vô tình của cuộc đời làm cợn lên lớp cặn của cốc thời gian đã chìm sâu, trừ lòng xám hối khi đời sống đã không còn gì mới mẻ. Từng ngày qua chậm như tháng mười hai khắc khoải đêm chạnh lòng tê cóng, hôm nhạt phèo tí nắng buồn tênh, cành khô khốc của cây sồi già vang lên tiếng “rắc” vì không chịu nổi nữa sức nặng của tuyết đá phủ trên nhánh hao gầy. Sáng ra, tuyết ướp xác cánh chim cô lẻ ngoài góc vườn. Mưa bão gọi hồn những đêm sâu mòn mỏi, tiếng gió gãy ngang trường đoạn đêm đông như những ngón tay gầy vừa khẩy đứt dây đơn để siêu thoát một linh hồn. Và, người thính giả của tháng mười hai vừa qua đời với bản giao hưởng ở góc vườn của căn nhà ngõ cụt.

Những dòng tùy bút cuối năm hay dòng nhớ tuôn chảy. Hạnh phúc và khổ đau như chiến tranh và hoà bình. Trong đau khổ có mầm hạnh phúc, nên hạnh phúc chứa sẵn khổ đau; trong chiến tranh thấp thoáng hoà bình nên hòa bình luôn sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh mới. Người ta thường giã biệt tuổi thơ hồn nhiên khi biết buồn. Và những nỗi buồn nuôi dạy tâm thức nhiều cách để trốn chạy, (từ chối) hạnh phúc. Theo thời gian, hạnh phúc chỉ còn là khái niệm; khổ đau mới có thực. Nhưng khả năng vượt qua đau khổ của con người để đạt tới hạnh phúc là điều không thể trong tâm thức con người. Vì con người có khả năng thấu triệt được nguồn gốc của khổ đau, có khả năng chiến thắng nỗi buồn. Nhưng bỗng dưng trở thành người hạnh phúc thì lạt nhách như món xà lách trái cây của ông thầy tu, mà trí nhớ vừa đi chơi về, mách bảo.

Một người đàn ông đang ngồi ở một toa xe lửa. Khi ấy, có một thầy tu mang một chiếc túi nải đến ngồi gần anh. Không có gì để làm, anh ta chăm chú nhìn ông thầy tu.

Ngài mở túi nải và lấy ra một cái khăn nhỏ, cẩn thận trải nó lên đầu gối. Sau đó, ngài lấy một chiếc bát thủy tinh và đặt nó lên cái khăn. Ngài tiếp tục lấy ra con dao và quả táo. Ngài gọt vỏ, cắt quả táo ra thành từng miếng nhỏ đặt vào bát. Rồi ngài nâng cái bát lên, dốc nghiêng nó và đổ táo ra ngoài cửa sổ.

Mọi việc cũng diễn ra như thế với quả chuối, quả lê, quả đào, quả dứa và một hũ kem. Ngài ném mọi thứ qua cửa sổ sau khi đã bày biện chúng rất cẩn thận. Cuối cùng, ngài lau sạch cái bát, gấp khăn lại và đặt nó vào túi nải.

Người đàn ông ngồi cạnh ông thầy tu kêu lên: “Xin lỗi thầy! Thầy đang làm gì vậy?”

Vị thầy tu đáp, “Ta làm món salad trái cây”

“Nhưng sao thầy lại ném chúng qua cửa sổ?”

“Vì ta ghét salad.” Thầy tu trả lời.

May sao nhớ được câu chuyện ông thầy tu với món xà lách trái cây. Nếu chúng ta cũng trân trọng từng khổ đau (điều không thích, không cho ta cảm giác hạnh phúc). Nhưng phải đủ can đảm và thái độ trân trọng đối với từng khổ đau. Rồi bày biện cẩn thận ra như vị thầy tu. Nhìn ngắm bằng lòng can đảm, tri thức và trí tuệ, thì trút bỏ được.

Vị thầy tu kia còn lại gì sau khi trút bỏ những trái cây có thể thầy không thích ăn từ nhỏ, nhưng cứ bị cha mẹ ép ăn, là khổ đau đeo bám theo thầy tới khi giác ngộ. Nhưng khi giác ngộ được nguyên nhân, nguồn gốc của khổ đau. Thầy không dày xéo, chà đạp lên chúng vì người tu hành không mang thù, không báo oán. Thái độ trân trọng từng khổ đau là quả lê, quả chuối… của thầy mới là chất xúc tác mạnh nhất để tẩy trừ khổ đau.

Khi đã trút bỏ hết khổ đau, vị thầy tu kia còn lại gì? Với một vị thầy tu thì có lẽ không gì ngoài sự tự tại. Thầy thích ăn hạt hơn món xà lách trái cây chẳng hạn. Từ nay thầy ung dung ăn hạt, từng hạt vỡ mang niềm khoái cảm là từng lời tri ân trời đất gió mưa và cây cho hạt. Vừa với luân hồi bất diệt. Bởi cây ăn đất, cây cho hạt. Người ăn hạt, chết đi thành thức ăn cho đất. Đất nuôi cây, và cây cho hạt làm thức ăn cho người…

Thầy hạnh phúc quá khi trút món xà lách trái cây ra cửa sổ xe lửa. Nhưng phải làm việc đó (một cách từ tốn, cẩn thận, và trang trọng) thì mới đạt tới cảnh giới Giác ngộ. Hiểu được nguồn gốc, nguyên nhân của khổ đau, là cốt lõi có thể hoá giải khổ đau.

Tôi tưởng tượng ra ông thầy tu vô cùng hạnh phúc sau khi giác ngộ. Nhưng ngài cho không tôi niềm hạnh phúc vô bờ ấy thì tôi sẽ làm gì với hạnh phúc đó? Càng nghĩ càng sợ vì tôi chưa từng được hạnh phúc, chưa bao giờ biết hạnh phúc là gì, dù tôi vẫn đi tìm.

Tôi hiểu được hạnh phúc của vị sư là sự không ràng buộc (trói buộc) bởi điều gì nữa. Nhưng gia tài của tôi chỉ có những khổ đau từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người. Tôi đã tin cố nhạc sĩ Trịnh là người am hiểu Phật học từ khi tôi biết suy nghĩ. Nên tôi yêu lời nhạc đó như một triết lý sống. Có lẽ người đã chết nên triết lý ấy vỡ.

Chỉ là bất chợt một cảm xúc, thấy cô gái có bàn đẹp, làm tôi nhớ quá đi thôi một bàn tay. Tiếp diễn là bao nhiêu tự trách mà ngôn từ thừa thãi nâng lên thành ân hận, ăn năn, tiếc nuối… để, nâng ly độc ẩm tàn thu lạnh/ đáy cốc đông về mộng trắng bay. Tôi từng viết như thế vì ngoài nỗi buồn, sự cô độc, khổ đau. Gia tài của tôi có gì hơn những thứ ấy?

Vị sư buông bỏ được sự đáng ghét như món xà lách trái cây, ngài còn sự tự tại để ngồi nhai hạt dẻ chẳng hạn. Ngài tận hưởng hạnh phúc từ trí tuệ. Còn tôi chỉ biết sống với u mê, sự khổ đau mà khi hưng phấn thành lộng lẫy; khi chết dấp cũng chưa biết dành ra một chút thời gian để suy niệm!

Tôi sẽ nhớ món xà lách trái cây của vị sư cẩn thận làm, trân trọng với khăn trải, bát thuỷ tinh trong. Nhưng trút hết một lần những điều (thứ) không thích để chỉ còn ngài với tự tại mà đi tới tương lai. Nhưng tôi lại không biết làm gì với hạnh phúc đến, vì ngoài khổ đau tôi không có gì khác. Tôi sinh ra đã là gánh nặng cho gia đình thêm một miệng ăn; xã hội phải cưu mang thêm một bệnh nhân hoang tưởng. Tôi chết đi, người cần biết không hay; người hay, không cần biết. Đó là bể khổ mà mấy ngàn năm trước, Đức Phật có nói với một đồ tể, “Đời là bể khổ. Nếu ta bơi mãi cũng chẳng thấy bến bờ đâu. Nhưng quay lại sẽ thấy bến bờ ngay.” Đồ tể giác ngộ được chân lý nên trở thành một trong bốn đại đệ tử của Đức Phật.

Chúa Jesus cũng nói với các môn đệ của ngài, “Hãy tha thứ cho kẻ thù. Và yêu thương họ.” Nhưng mấy ai làm được vì lòng tha thứ chỉ còn trên chữ viết.

Mọi người đều đi tìm hạnh phúc – vô vọng. Vì hạnh phúc tự đến với ai nhận thức được khổ đau, và đủ can đảm buông bỏ. Nói một cách khác là dám chấp nhận khánh tận niềm khổ đau khi khổ đau theo bản ngã đã trở thành gia tài lớn nhất của mỗi người.

Góc vườn của căn nhà ngõ cụt đã tàn đông, sang xuân mấy độ. Những ngón gầy khô máu về tim. Người nghệ sĩ vẫn ôm đàn thả vào không vọng,

Người thính giả hôn mê…

 

Phan

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search