T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: TAI NƯƠNG GIỌT NƯỚC MÁI NHÀ

clip_image002

Tranh: Trần Thanh Châu

 

Tai nương giọt nước mái nhà

Nghe trời nặng nghe ta buồn buồn

Huy Cận

Mái nhà đây là nhà lá mái của ông tôi. Trong bài Mái nhà năm xưa, tôi đã dựng lại trong hồn mình. Để nhớ, và cũng để nói với cháu con rằng, đó là một ngôi nhà đường bệ chắc chắn, chứ không phải là một mái lá đơn sơ. Trong ngôi nhà ấy, mọi người đều cảm thấy yên vui. Không sợ gió bão, không sợ mưa lụt. Người ta có thể tận hưởng ít nhiều những cái thú sống ở đời. Như cái thú đơn sơ mà tôi sắp nói đây.

Thú nghe mưa!

Để có được cái thú ấy, cơn mưa phải rơi trong tĩnh lặng của một buổi chiều. Mưa mà không có sấm chớp, không có gió thổi. Phải mưa như thế, bạn mới cảm nhận được hết cái vẻ dịu êm của những giọt tranh rơi xuống trên thềm nhà. Rơi như rót mật vào tai bạn. Lòng bạn cũng phải ấm áp, yêu thương, chứ không phải “vắng tư bề không liếp che gió về”. Cũng đừng có cảm thán: “mưa như mưa trong lòng tôi”!

Bạn sẽ thấy những giọt tranh thả xuống từ mái nhà tưởng như dài bất tận. Chúng tạo nên một bức rèm nước với những sợi căng như dây đàn. Bạn hãy tưởng tượng đó là một cây hạc cầm lớn đến nỗi không sân khấu nào chứa nổi, đang ngân lên những thanh âm dìu dặt. Rồi bạn nhớ tới con chồn mê đàn trong truyện Liêu Trai. Một con chồn dễ thương học lén ngón đàn của một chàng thư sinh. Đàn cứ lên tiếng réo rắt nhưng chẳng thấy người đàn đâu.

Thế chẳng thú sao?

Bạn nằm trên võng không cần đưa, hay bắc ghế ngồi bên hiên. Một làn hơi lạnh dìu dịu nhẹ nhàng lướt tới, khẽ ôm lấy bạn. Rồi bạn nghe một mùi hương thanh thanh, rất quen mà cũng rất lạ. Nếu có ai đó cắt vài bẹ chuối làm máng, cắm vào một cái ang đặt giữa sân, bạn sẽ được một thứ nước trong vắt, uống vào tới đâu mát lạnh tới đó. Uống xong vẫn còn nghe mùi thơm.

Đó chính là hương nước mưa, không thú sao?

Bỗng dưng mưa. Rồi bỗng dưng tạnh. Mưa không báo trước. Tạnh cũng bất ngờ. Bạn hãy nằm hay ngồi yên đó, khoan xuống sân hay đi ra ngõ vội. Lúc này cây hạc cầm đã im tiếng, nhưng những hạt mưa xuống chậm hãy còn trên mái. Chúng tụ lại ở đuôi tranh, thong thả gõ từng tiếng một xuống mặt sân hãy còn đầy nước. Một tiếng “tong” vang lên. Rồi tiếng nữa. Mỗi lúc một thưa dần nhưng cũng đến cả giờ mới dứt hẳn.

Mộng mơ một chút, bạn tưởng như nghe được tiếng boong của chuông chùa Hàn Sơn, không thú sao?

Lúc này, khởi sự hòa tấu khúc của ban nhạc đồng quê với tiếng dế như tiếng violon, tiếng nhái như đàn banjo, tiếng ếch như đại hồ cầm và tiếng ễnh ương như contre-bass. Vì không có nhạc trưởng mặc áo đuôi tôm cầm đũa điều khiển nên mạnh ai nấy chơi, chẳng ra bài bản gì cả. Nhưng mà vui, một cái vui rộn rã, bừng bừng sức sống.

Vậy cũng thú chứ?

Sau đó, ngoài hương nước mưa, bạn còn nghe thơm mùi khói bếp. Rồi mùi cá kho, mùi canh rau ngót. Có khi, bất ngờ bạn nghe một tiếng “xèo” và sau mỗi tiếng như “úm ba la ấy”, là hiện ra một chiếc bánh đang bốc khói. Bạn sẽ ngồi ăn trong không khí mát rợi có nhạc đồng quê, có quá nhiều mùi thơm tưởng chừng sờ nếm được, như mùi ớt tỏi mới giã, mùi rau húng, tía tô. Đương nhiên, mùi bột, mùi tôm thịt được mỡ rán thơm dòn chẳng những nếm được mà còn ăn đến no.

Ăn như thế không thú sao?

Nếu mưa nửa khuya, chỉ một mình bạn thức giấc, bạn sẽ nghe rõ hơn tiếng tí tách ngoài hiên. Bạn sẽ nghe được cái buồn bất tận của đất trời cùng với cái ta nhỏ bé. Trong tiếng ru đều, bạn nằm lơ mơ nhớ lại những chiếc bong bóng bập bồng, những chiếc thuyền lá chao nghiêng, nhớ lúc tắm mưa trần truồng, sau đó ngồi hít hà bên bếp lửa. Bạn cũng nhớ tới một bàn tay ai đó kéo chăn đắp lên ngực cho bạn. Đến tuổi có người yêu thì khỏi nói, ước gì có được nàng nằm bên cạnh mà nghe mưa rơi.

Nghe như vậy bảo sao không thú!

Tiếc rằng mái tranh xưa không còn. Giờ, giữa những khối nhà toàn xi măng, bên cạnh những mái tôn sáng nhức mắt, đâu còn cái dịu êm của rạ rơm, những cái đuôi tranh như đuôi chuột để nước theo đó chảy xuống thành hàng, tiếng mưa sầm sập giữa phố phường với những máng xối phun nước ồng ộc, nghe như tiếng xe cồng voa của một thời không đáng nhớ. Mưa chỉ thêm rầu thêm lo. Lo đường ngập nước, mẹ có thể làm rơi con xuống cống. Lo đập thủy điện xả lũ không báo trước, người và vật phải leo lên mái nhà chờ có ai tới cứu.

Mưa mà như thế, nghe phát sợ, đâu còn thích thú gì nữa!

Khuất Đẩu

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search