T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: NHỮNG NGHỀ KHÔNG GIỐNG AI

clip_image002

Mới đây, viện bảo tàng muốn khoe thành quả của cuộc cải cách ruộng đất nhưng lại dấu biệt cái cảnh các chú du kích giậm cho cái xác của bà Nguyễn Thị Năm lọt vào hòm. Chân thì giậm, miệng thì bảo: “chết mà còn ngoan cố này! ngoan cố này!”. Cứ mỗi một tiếng “này!” thoát ra từ hai hàm răng nghiến chặt thì xương của bà lại kêu răng rắc.

Ông Trần Mạnh Hảo không trả thù, dù người quân tử như ông, sáu lần mười năm vẫn chưa muộn. Ông chỉ kể lại cái nghề độc đáo, nhờ cuộc cải cách long trời lở đất đó, đã bất ngờ đem lại cho ông mà thôi.

Khi ấy, ông chỉ là một cậu bé con, cha bị bắt nhốt chờ đấu tố (nhờ Đảng sửa sai kịp thời nên thoát chết), mẹ lo giữ nhà không cho bần cố tháo dỡ. Mấy anh em không cơm cháo, đói meo. May có con bạn học, rận nhiều như trấu, nhờ cậu đè ra bắt. Nó là con cán bộ, nên thưởng cho cậu bát gạo.

Thế là cái tài bắt rận của cậu, một đồn mười, mười đồn trăm, trở thành cái nghề kiếm ăn bất đắc dĩ. Hết nhà này đến nhà nọ mời cậu tới bắt. Nhờ vậy cậu đủ gạo nuôi cả nhà kể cả cha ở trong tù. Sau này, ông làm nghề viết văn sang trọng hơn, nhưng cái nghề bắt rận ghê rợn ấy ông vẫn nhớ.

Chuyện bây giờ mới kể của ông, nghe rất cảm khái, nhưng tôi chỉ dám tin có một nửa. Tôi ở vùng tự “ro” liên khu Năm, cũng là một góc của thiên đường Cộng sản, kiếm không ra một cục xà bông 62 phần dầu, nên chấy rận nhiều là không sai. Có điều, không ai thuê bắt rận cả. Người ta chỉ cần lấy hũ sành mà lăn qua lăn lại trên áo quần giống như xe hủ lô, thế là chúng vỡ bụng ra rốp rốp mà chết. Cho chắc ăn, đem trụng nước sôi thì cả trứng ngỗng cũng bị luộc chín huống hồ là trứng rận.

Cụ Trần Văn Hương, thủ tướng miền Nam giựt le chỉ đi xe đạp tới dinh, có gãi háng nhưng là ngồi buồn và thích cái cảm giác dái tăng tăng, chứ không phải vì rận. Làm thủ tướng như cụ, việc gì mà không kiếm nổi một cục xà phòng thơm. Cho nên, miền Bắc càng đánh Mỹ giỏi thì càng nhiều rận. Nhưng cái thời mà cha đến thăm con phải mang theo gạo, thì chuyện cả làng thuê bắt rận rồi trả công bằng gạo là hơi thiếu lô gich.

Cũng tại cái thiên đường này, sau 75, mỗi khẩu chỉ mua được có 4 tấc vải, đã thiếu ăn còn phải thiếu mặc. Quần áo cũ lần lần tơi tả, có người phải mặc xoa cát. Dù vậy, ngày Tết hay cưới hỏi, cũng phải có một bộ đồ tuy cũ nhưng không được rách. Khổ thay, cái áo còn giữ được, chứ quần thì chỗ che hai cái mông nó cứ mòn đi theo năm tháng, rồi một hôm không đẹp trời nó bục ra một lỗ trống hoác, như nhà mở cửa hậu.

Bỏ đi thì tiếc vì đó là cái quần đẹp nhất. Thế là các bác thợ may chuyển sang nghề mới gọi là sang canh. Nghề này làm bằng tay, phải tỉ mẫn, kiên trì. Trước hết bác tháo những sợi chỉ còn chắc ở lai quần ra. Rồi từng sợi, hết ngang tới dọc, đan qua đan lại cho kín như kiến tha lâu đầy tổ. Cũng màu quần đó, vải xẹt ănglê đó, có khác gì đâu nào. Tài ở chỗ là vá mà không lòi miếng vá. Công to của bác là đã “đổi mới” được cái quần thủng đít.

Một nghề nữa cũng ăn nên làm ra, là nghề hàn dép. Thời ấy, dép đúc bằng nhựa xấu, mà phải lao động vất vả suốt ngày, nên chỉ vài mươi bữa là đã đứt quai. Xỏ dây cột, lại càng mau hư. Chỉ còn mỗi cách là nối chỗ đứt lại với nhau bằng nhựa. Mà phải là nhựa gin, chỉ có ở những đôi dép cũ, thời Mỹ ngụy xấu xa nhưng nhựa của nó cực tốt.

Vậy là ở miền Bắc đại tá vá xe, còn ở miền Nam trung sĩ hàn dép. Đầu đường, xó chợ nào cũng có một anh thợ hàn, chỉ với một ít than và hai cái mỏ hàn cùng một ít miếng nhựa. Hàn nhựa chứ đâu phải hàn sắt, chẳng phải mất tiền mua que hàn, lại ít tốn công, chỉ đẩy qua đẩy lại ít cái là xong.

Một buổi chợ đông có thể kiếm bộn tiền, dù mất giá liên tục nhưng vẫn đủ mua gạo mắm cho cả nhà, sống “phẻ” hơn là đi kinh tế mới. Có điều hít mãi cái mùi nhựa cháy khét lẹt ấy, phổi anh ta rất dễ bị rách mà không cách gì hàn hay vá lại được. Thấy vắng anh quá lâu, hỏi, thì người bên cạnh tỉnh bơ bảo ngỏm rồi!

Lại có thêm một nghề rất hợp với những ai bị đuổi dạy. Đó là nghề bơm mực bút bi. Nhiều cây bút mạ vàng hay mạ bạc rất đẹp không còn mực. Thế là bên cạnh anh hàn dép, có thêm anh bơm mực, mỗi người có một nghề mới mà trước đó, thánh có nói cũng chẳng ai tin!

Đó là những nghề dẫu sao cũng lương thiện, cho nên cứ việc bày ra giữa phố. Chỉ có một nghề cứ phải lén lút như làm đĩ kín rất đáng xấu hổ, ấy là nghề chỉ điểm. Làm nghề này mắt phải tinh, tai phải thính và nhất là tâm phải ác, còn miệng thì phải trơn như thoa mỡ. Cụ Nguyễn Du đã nói chí lý về cái bọn đáng nguyền rủa đó:”bề ngoài thơn thớt nói cười/ mà trong nham hiểm giết người không dao”. Có thế chúng mới moi được lý lịch từng người, đánh hơi được những ai giấu vàng, tẩu tán tài sản, tâu hót những kẻ dám nghe lén đài địch, những ai có âm mưu vượt biên… Trong trại cải tạo, những kẻ ấy được gọi một cách khinh bỉ là ăn-ten!

Nhà văn Pháp Patrick Modiano vừa được giải Nobel, đau đớn thừa nhận rằng, chỉ có 4 năm Đức quốc xã chiếm đóng thôi, mà biết bao nhiêu người Do Thái phải vào trại tập trung vì bọn chỉ điểm. Ông gọi đó là một thời kỳ ô nhục không thể nào quên của Paris và của cả nước Pháp.

Ở nước ta cái thời kỳ ô nhục ấy kéo dài suốt một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hơn tám mươi năm dưới chế độ cộng sản và sẽ còn kéo dài không biết đến bao giờ nữa. Còn độc tài toàn trị là còn bọn chỉ điểm. Ngao ngán thay!

Khuất Đẩu

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search