T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 69)

clip_image001

Tuyển tập thơ đầu tiên

Lê Quý Đôn soạn bộ Toàn Việt thi lục, sách soạn xong năm Mậu Tý 1768 thời vua Lê Hiển Tông. Gồm 20 quyển với 897 bài thơ của 73 tác giả từ thời Lý đến thời Trần.

Lê Quý Đôn người làng Diên Hà, trấn Sơn Nam hạ (Thái Bình). Ông đỗ Bảng nhãn thời vua Lê Hiển Tông và là tác giả những bộ Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ..v..v..

(Phùng Thanh Chủng – Những “Hợp tuyển thơ ” đầu tiên ở nước ta)

Nguồn gốc tiếng Việt V

Khi nhắc đến nguồn gốc của Việt ngữ, ông Phạm Thế Ngũ cũng có nêu giả thuyết là người Việt có cùng tông tổ với người Mường, vì các nhà khảo cổ, khi xét về phong tục, lịch sử cũng như ngôn ngữ của người Việt, đã thấy có rất nhiều điểm giống với người Mường. Hiện nay, trong tiếng Việt có rất nhiều tiếng tương tự với tiếng Mường, và có thể xem đó là hình thức tối cổ của tiếng Việt tương đương, thí dụ :
Một hai ba trời đất núi sông trâu gà tằm ăn lá dâu
Móc hai pa tlòy tất nủy không tlu kà thảm ăn lá tô
Thứ tiếng cổ ấy, về sau, trong ngôn ngữ người Việt, thâu nhận thêm những yếu tố vay mượn của các chủng tộc lân cận mà trở thành tiếng Việt. Và ông kết luận rằng: “Dân tộc Việt Nam là kết quả tạp chủng và lai lẫn với các dân tộc đã sinh sống trên bán đảo Ðông Dương, và tiếng Việt là kết quả trại lẫn của nhiều thứ tiếng của các dân tộc ấy.”

(Tĩnh Túc – thanh.nguyen@student.uni-ulm.de)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Trên trời mây trắng như bông

Ở giữa cánh đồng mông trắng như mây

Tiếng Bắc tiếng Nam

Một hôm bố tôi, ông còn cao hứng bảo khi nào nàng bạn gái tôi nấu cơm Nam kỳ cho gia đình cùng ăn. Cô nàng hí ha hí hửng nói liền :
– Dạ ! (lại dạ!), để bữa nào cháu nấu bún(g) mắm dzới thịt heo ba rọi cho bác ăn(g), bún(g) mắm thịt ba rọi Trà Dinh ngoong nhức miền Nam nghe bác!
– Sao ? cô muốn búng hả ? Lỗ tai tôi đây này, muốn búng bao nhiêu thì cứ búng đi !
Thế là cả nhà cháu được một trận cười nắc nẻ. Nào đã hết đâu, mẹ cháu chợt bảo:
– Cháu xuống bếp lấy cho bác mấy cái “cùi dìa” với cái ”muôi” để trong ngăn kéo đấy!
Nàng ngớ ra, cứ như được nghe tiếng…Tây, nhìn cháu cầu cứu. Cháu cười hì hì khoái tỉ, ra cái điều thông thái giải thích ngay :
– Cái “cùi dìa” Nam kỳ kêu là cái “muỗng”, tại Bắc kỳ sống lâu với bọn Tây, chúng nó gọi là ”la cuiller” thì Bắc kỳ gọi luôn là cái “cùi dìa” cho tiện. Còn cái “muôi” Nam kỳ kêu là cái “vá”, chữ “vê” thì đọc là “dê” cho nên gọi là cái “dzá”, phải không ?
Nàng đỏ mặt, bĩu môi : “Cái đồ dzô dziêng, tui đi dzìa à nghen !”

(Nguyễn Hữu Huấn – Cái duyên Nam Bắc)

Tục ngữ Ta và Tầu

Bút sa gà chết

Hắc bút tả bạch chỉ, nhất tự định sinh tử

(Giấy trắng mực đen, một chữ định sống chết)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Tiếng Huế…

Từ Huế trở ra Hà Tĩnh, Nghệ An, giọng nói nặng dần với:

– Dấu sắc nghe như dấu hỏi.

– Dấu huyền nghe như dấu nặng.

Về âm sắc: âm nọ đọc trại qua kia, trại cả mẫu âm lẫn phụ âm và đầu từ: nêm mói (nên muối), keng bù (canh bầu), hấng nác (hứng nước), cắm (cắn), nóai (nói), cấy (cái), (như), ôông (ông), khôông (không), (nhà), tổ quấc (tổ quốc) và…

…“yêng êm mềng” là…anh em mình.

(Lê Văn Lân – Thổ âm xứ Huế)

Chữ nghĩa làng văn

Phê bình bài trả lời phỏng vấn của ông Hoàng Ngọc Hiến (giáo sư đại học, nhà nghiên cứu văn học tại Hà Nội) trên Talawas, ông Trần Mạnh Hảo nhắc một câu nói của ông Hiến: “Theo tôi (Hoàng Ngọc Hiến), dùng tiếng Việt chính xác mới là yêu tiếng Việt, mà cái yếu nhất trong văn học Việt Nam từ 1945 đến nay không chính xác về từ ngữ. Toàn dùng những từ chung chung, từ khuôn sáo, không chọn được từ chính xác.”

(Nguyễn Xuân Hoàng – Văn học Việt Nam trong và ngoài nước)

Văn hóa ẩm thực: Lốn, bần, vố, lù

Theo Vũ Bằng qua Miếng ngon Hà Nội: “Có phải ở trong Nam người ta gọi hẩu lốn là “sà bần” không? Thực là kỳ lạ: cũng thuộc vào loại hẩu lốn, Tàu có “tả pín lù”, Tây có “lâm vố”, mà ở đây thì có “sà bần”; ba thứ này, cũng như hẩu lốn, đều do các thứ ăn đổ lộn lại với nhau nấu chín lên, nhưng tại sao ăn vào tôi vẫn thấy một cái gì “khang khác”, không làm cho mình mãn nguyện hoàn toàn?”.
Hẩu lốn âm Hán Việt là cái hoả lò. Theo tên gọi thì có thể suy ra rằng trong bữa ăn ngày xưa, nồi hẩu lốn được để trên hoả lò, đặt trước mặt mọi người.

(Nguyễn Dư – “Cao lầu, hẩu lốn, loạn… sà bần”)

Chữ nghĩa thập niên 20

Lương Ý Nương với bài thơ Tiêu tương có những câu:

Quân tại Tương giang đầu

Thiếp ở Tương giang vĩ

Tương tư bất tương kiến

Đồng ẩm Tương giang thủy

Nghĩa là: Chàng ở đầu sông Tiêu tương, thiếp ở cuối sông Tiêu tương, nhớ nhau không thấy nhau, cùng uống nước sông Tiêu tương.

Cho nên chữ “đầu cuối Tiêu tương” ý nói là tương tư nhau.

(Phan Mạnh Danh – Thập tứ hàn)

Giai thoại làng văn

Huy Cận viết xong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, trong đó có hai câu:

Cá nhụ, cá chim cùng cá đé

Cái đuôi én quẫy trăng vàng chóe

Thợ sắp chữ sắp sai mất một chữ, thành:

Cá nhụ, cá chim cùng cá đé

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Chữ “Cái đuôi én” thành “Cái đuôi em”.

(Nguyễn Cẩm Xuyên – Lá trúc che ngang mặt chữ điền)

Tiếng Việt cổ

Cui cúi: heo, lợn

Xẻ: chẻ

Chữ nghĩa dân gian!

Thành ngữ “Cóc được ăn”…nghĩa là gì?

Cụ nào hanh thông mách dùm…

Văn học miền Nam (VI)

Gần đây, chúng tôi cố gắng đưa vấn đề Văn học miền Nam trở lại văn đàn, vì có những người thực sự yêu văn chương ở trong nước muốn tìm hiểu về những tác giả và tác phẩm đã bị loại trừ sau 30/4/1975. Chúng tôi xin giới thiệu Vương Trí Nhàn, một trong những nhà phê bình miền Bắc đã không ngừng tiếp cận với văn học miền Nam từ thời kỳ phân chia Nam Bắc đến ngày nay.

***

Thụy Khuê: Nếu so sánh sinh hoạt văn học hiện nay ở trong nước với sinh hoạt văn học miền Nam trước 75, anh có thấy điểm tương đồng nào giữa hai nền văn học này?

Vương Trí Nhàn: Nghe thấy lạ song có cảm tưởng là văn học ở trong nước hiện nay đang có nhiều điểm giống như Văn học miền Nam trước 75, kể cả sự phát triển văn hóa đại chúng, kể cả sự học đòi nhiều lúc hơi xô bồ, tuỳ tiện đối với phương Tây, cái mệt mỏi của con người, nỗi băn khoăn của người trí thức để có một nền văn học khác đi, trí tuệ hơn mà cũng là hiện đại hơn. Nhiều lúc ở Hà Nội này, tôi đọc và cảm thấy có những hiện tượng quanh mình tôi đã gặp một lần đâu đó, sau nhớ lại hóa ra tôi đã đọc ở Sàigòn trước năm 75, thời ấy bên cạnh Bách Khoa, bên cạnh Văn, đã có đủ thứ nhốn nháo, nhố nhăng, tùy tiện rất buồn cười khiến nhiều người phải kêu trời. Về hội nhập mà nói, so với văn học trong cả nước hôm nay, văn học miền Nam cũng đã đi trước.

Ngoài sự trì trệ, ấn tượng chính của tôi về đời sống văn học trước mắt là các nhà văn trẻ đang muốn thay đổi, họ cũng không muốn viết, không muốn sáng tác như những người đi trước như bọn tôi nữa. Thế nhưng sự chuẩn bị không có. Thiếu sự chuẩn bị như thế, dĩ nhiên lỗi không chỉ ở lớp trẻ mà là ở lớp người đi trước, chúng tôi đã không góp phần chuẩn bị cho họ. Thành ra, ngay ở phương diện này, các nhà văn trẻ cũng có thể tìm thấy trong các tác phẩm của các nhà văn miền Nam, những ví dụ, những bài học. Để học theo có, mà để rút kinh nghiệm cũng có, theo hay tránh thì đều là những bài học hữu ích cho công việc của họ.

(Thụy Khuê: Nói chuyện với nhà phê bình Vương Trí Nhàn)

Chữ nghĩa Nam, Bắc

Nam tròm trèm ăn vụng, Bắc len lén ăn vèn

Nam toe toét “hổng chịu đèn”, Bắc vặn mình “em chả”

Văn khảo

Khảo cứu văn học, tức văn khảo, là khoa nghiên cứu về văn học, truy tầm tận gốc rễ (nghiên: nghiền nhỏ ra) về lịch sử, nghệ thuật, văn bản để giải thích, đánh giá những sự kiện, tác phẩm, tác giả, trào lưu, thời kỳ văn học.  Văn khảo được chia ra làm 3 ngành chính là: văn học sử, phê bình văn học và lý luận văn học.

Ngoài ra còn có những ngành phụ như phương pháp luận văn khảo như quy nạp, diễn dịch, tổng hợp, khái quát, phân tích, so sánh…, tâm lý học văn học, xã hội học văn học, nghiên cứu cấu trúc, phương thức thực hiện nội dung tác phẩm.

Để hổ trợ cho 3 ngành chính của văn khảo có các môn phụ như văn bản học, thư mục học..v..v..

(Phụ chú: Văn khảo là từ riêng của tác giả Trần Bích San)

(Trần Bích San – Văn khảo khái luận)

Chữ nghĩa làng văn

– Bếp núc: nhân dân ta gọi ông núc hoặc ông đầu rau, thường đắp bằng đất sét để tạo thành kiềng. Ba ông núc đứng riêng nhưng rất vững như kiềng ba chân dùng để đun nấu ở nông thôn.

Ngộ Không

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search