T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : BƯỚC CHÂN ĐÊM

clip_image002

Ảnh : Đặng Hiếu Sinh

-Con về ngủ đi, mai còn đi làm, một mình mẹ ở đây được rồi.

Tôi lắc đầu, mắt vẫn không rời khỏi Khánh.

-Dạ không, con muốn ở lại đây tối nay.

Mẹ chồng đi rồi tôi thở hắt ra như trút được tảng đá đang đè nặng trong lồng ngực. Thật tình, tôi không biết phải trả lời sao khi mẹ chồng luôn miệng hỏi:

-Thằng Khánh đi đâu nửa khuya vậy? hai đứa có chuyện gì hả?

-Dạ… không có gì đâu mẹ!

Dĩ nhiên, mẹ chồng không tin. Nhưng tôi còn biết trả lời sao ngoài câu nói dối đó. Tôi kéo chiếc chăn mỏng lên tận cổ Khánh, rồi vuốt nhẹ đôi môi khô hốc, nghe lòng mình dấy lên nỗi xót thương.

Điện thoại reo. Tôi bốc máy. Tiếng mẹ tôi hối hả bên kia đầu dây:

-Thằng Khánh bị đụng xe hả? nó đụng người ta hay người ta đụng nó. Bây giờ nó ra sao…?

Tôi nhăn mặt cắt ngang:

-Mẹ hỏi không kịp thở, con biết đường nào mà trả lời!

-…

-… Thì… chắc ảnh chạy nhanh quá nên bị lạc tay lái, xe đâm vào thành cầu. Ảnh bị thương ở đầu, vai và gãy chân trái… đã giải phẫu xong rồi, hiện còn mê man.

-Chừng nào nó mới tỉnh?

-Không biết… con cũng đang ở đây để chờ.

-….

-Chừng nào Khánh tỉnh con sẽ cho mẹ hay..

Có tiếng mẹ thở dài, rồi giọng nói chùng xuống buồn bã:

-Mẹ Khánh nói hình như tụi con có chuyện gì… Mẹ không muốn xen nhiều vào chuyện vợ chồng con, mẹ chỉ nhắc con một điều… tìm một người chồng tốt như Khánh không phải là chuyện dễ. Hạnh phúc đang nằm trong tay con, hãy cố mà giữ cho chặt…. con cứ nhìn mẹ để thấy rằng con có phước biết chừng nào. Đối với mẹ Khánh, con cũng phải ăn ở có trước có sau…

Tôi định lên tiếng ngắt ngang, con biết rồi mà, như mọi khi tôi vẫn làm, nhưng không hiểu sao hôm nay tôi bỗng thấy sợ. Một nỗi sợ sệt chưa hề có trong lòng tôi bao giờ. Tiếng mẹ vẫn vang lên đều đều:

-Ơn nghĩa của mẹ Khánh, chúng ta phải mang suốt cả đời và có lẽ không bao giờ đền đáp được. Nếu ngày đó không có mẹ Khánh, không biết bây giờ con sẽ ra sao… con đừng quên điều đó.

Tôi cười cay đắng:

-Con không quên… vì đã có rất nhiều lần con nghĩ … nếu con có một người mẹ cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn và thương con nhiều hơn thì…

-Thu Yên!!!

Tiếp theo tiếng gọi thảng thốt là giọng nói đứt quãng nghẹn ngào:

-Mẹ biết…. mẹ có lỗi với con. Nhưng không lẽ…. con không thể tha thứ cho mẹ ngay lúc con đang có hạnh phúc sao?

Tiếng khóc của mẹ càng lúc càng não nề. Tôi từ từ buông điện thoại xuống. Vì hơn bao giờ hết tôi rất cần sự yên tĩnh để nhìn lại những gì đã xảy ra trong quá khứ. Cái quá khứ có nhiều nỗi buồn hơn niềm vui.

***

Bố qua đời khi tôi được mười bốn tuổi. Hai năm sau, mẹ bước thêm một bước nữa với người đàn ông mà tôi phải gọi bằng Dượng. Dượng là một người đàn ông cao lớn, khuôn mặt đẹp trai với hàng ria mép mỏng dính, lúc nào cũng được cắt tiả kỹ lưỡng và khéo léo. Nhưng đặc biệt nhất là đôi mắt của Dượng, thật “sắc sảo và đa tình” như lời nhận xét của ngoại, khi bà phản đối cuộc tình mới của mẹ.

Hai năm là khoảng thời gian quá ngắn để tôi có thể chấp nhận người thay thế vị trí của bố. Thêm vào đó là những lời phê phán thiếu thiện cảm của bà ngoại nên tôi không có chút cảm tình nào đối với Dượng. Tôi càng ghét cay, ghét đắng Dượng hơn khi nhìn thấy mẹ si mê Dượng đến độ dại khờ. Không dại khờ sao được khi mẹ gần như lệ thuộc hoàn toàn vào Dượng. Hình như mẹ không được quyền quyết định việc gì, kể cả những việc thuộc về cá nhân của mẹ. Nhất nhất mẹ đều nghe lời Dượng một cách tuyệt đối. Tệ hại hơn hết là tôi không nhìn thấy ở Dượng một sự tôn trọng nào dành cho mẹ. Thỉnh thoảng, Dượng mang bạn bè về nhà, đôi khi có cả những người phụ nữ, và mẹ phải nấu nướng phục vụ cho họ như một người giúp việc. Nếu có ai đó cảm thấy ái ngại lên tiếng mời mọc:

-Chị Thu ơi! mời chị ngồi vào bàn cho vui.

Thì Dượng lại được dịp huênh hoang:

-Nhà này vợ phải phục tùng chồng. Chồng ăn xong, có dư thức ăn vợ mới được ăn.

Cả đám cười hô hố trong nỗi bực tức của tôi. Còn mẹ thì vẫn vui vẻ chạy lên, chạy xuống, tiếp thức ăn, mang thức uống. Đôi khi những lời đùa cợt quá mức đã trở nên khả ố:

-Trời! con gái đẹp quá, ngoại hình hoàn hảo với số đo ba vòng đạt tiêu chuẩn không thua người mẫu, khuôn mặt thì xinh như hoa.

-Thằng này có phước hơn người, “buy one get one free” tha hồ mà hưởng.

Mười bảy tuổi, tôi đã đủ trí khôn để hiểu ẩn ý xấu xa trong lời nói đó nên cúi gầm mặt, vừa giận, vừa xấu hổ, vừa cảm thấy lợm giọng với đám người tuổi tác vào hàng chú bác nhưng không có tư cách. Thấy tôi lộ vẻ khó chịu thì mẹ lại nhỏ nhẹ khuyên can:

-Thôi con, để ý làm gì, mấy ổng xỉn hết rồi nên nói năng nhảm nhí. Chắc họ cũng chẳng biết họ đang nói gì.

Có lẽ mẹ cũng nghĩ như vậy và tin như vậy mỗi khi tình cờ bắt gặp Dượng nhìn tôi bằng đôi mắt hau háu. Mà cho dù có nghĩ khác chắc mẹ cũng chẳng dám có thái độ, vì mẹ luôn sợ Dượng. Mẹ dấu tôi những vết bầm nơi cổ, những vết xước trên cánh tay. Nhưng có biết bao đêm, tôi đã nhìn thấy mẹ nấp ở cầu thang, ôm mặt khóc rưng rức. Tôi giả vờ không biết để khỏi phải nhắc đến nỗi đau của mẹ mà trong lòng thì luôn lo âu khi nhớ đến ánh mắt bất chính của Dượng. Biết mẹ không đủ sức để che chở đứa con gái yếu đuối, bé bỏng của mẹ, nhưng tôi cũng chẳng biết làm thế nào để tự bảo vệ mình.

Và nỗi lo sợ ấy chẳng phải là vu vơ. Một đêm, tôi đang ngủ mê bỗng giật mình tỉnh giấc vì nghe như có vật gì đang chui vào ngực áo. Chưa định tỉnh để cảm nhận điều gì đang xảy ra, nhưng phản ứng tự nhiên là tôi hét lên. Thật nhanh chóng, miệng tôi bị bịt kín và có tiếng hăm dọa khe khẽ bên tai:

-Nằm im, không thì chết bây giờ.

Tôi giãy giụa kịch liệt. Cuối cùng, tôi la được một tiếng thật to:

-Mẹ ơi!

Có tiếng chân hối hả chạy xuống cầu thang. Đèn trong phòng tôi bật mở. Mẹ đứng đó nhìn người chồng yêu quý của mẹ mặt đỏ gay, loạng choạng bước ra khỏi phòng với nụ cười nham nhở, còn con gái mẹ thì phơi bộ ngực trần trong chiếc áo đã bị mở tung hàng nút. Tôi úp mặt xuống giường, cắn chặt môi để ngăn tiếng nấc giữa tiếng khóc sụt sùi của người mẹ tội nghiệp.

Sau đêm kinh hoàng đó, mỗi tối mẹ phải ngủ ngoài sofa trước cửa phòng tôi, dù biết rằng làm như thế cũng chưa chắc giữ được an toàn cho tôi, nhưng nếu không làm như thế thì mẹ còn biết phải làm gì. Và điều đó đã khiến mẹ chẳng được yên thân với những cú đấm, cú đá, những cái tát đến chảy máu miệng hoặc những lời mắng nhiếc thậm tệ của người chồng vô lương tâm. Đã có lần tôi nói với mẹ:

-Tại sao mình không báo cảnh sát mà cứ để ông ấy hành hung mẹ. Tại sao mẹ phải chịu đựng một cách vô lý vậy?

Nhưng mẹ đã ôm chầm lấy tôi van xin:

-Con ơi! nếu thương mẹ thì đừng làm thế!

Tôi bực tức:

-Tại sao? Người ác độc, xấu xa như vậy mà mẹ vẫn bao che à? Mẹ thà để con gái mẹ bị người ta hại…

Nhìn đôi vai mẹ run lên theo từng tiếng nấc, tôi không đành nói thêm những lời cay nghiệt mà chỉ ao uớc ngoại còn sống để tôi được về sống với bà. Còn bây giờ, thật sự không có một nơi chốn nào để đứa con gái mười bảy tuổi như tôi dung thân.

Cuối cùng, mẹ liên lạc được với cô Ánh -mẹ của Khánh- là bạn thân của mẹ từ lúc hai người ở cùng trại tỵ nạn HồngKông và lén lút gửi tôi sống tạm ở nhà cô.

Tôi rời khỏi mẹ với những giọt nước mắt thương thân, tủi phận. Sao mẹ có thể đưa con mình đến với một người bạn mà hơn mười năm chưa hề gặp mặt? Mẹ thà lià xa con gái chứ không thể đoạn tình cùng người chồng tệ bạc. Đó có phải là một sự chọn lựa bất công và tàn nhẫn đối với tôi không? Nước mắt tôi rơi suốt chuyến hành trình hai mươi bốn tiếng trên chuyến xe bus xuyên bang.

***

Tôi may mắn được gia đình cô Ánh đón tiếp thật thân tình và nồng nhiệt.

Cô Ánh có hai người con, anh Khánh lớn hơn tôi năm tuổi và Minh Lý bằng tuổi tôi. Cũng mồ côi cha như tôi, nhưng hai người con của cô Ánh thật sung sướng và hạnh phúc khi được sống êm ấm trong vòng tay thương yêu và che chở của mẹ. Tôi đã phải dấu những giọt nước mắt tủi buồn khi sống nhờ vào tình thương của người khác, và nhìn hạnh phúc của mẹ con người ta mà xót thương phận số mình quá bất hạnh, hẫm hiu. Cùng cảnh ngộ nên tôi được anh Khánh và Minh Lý hết lòng thương mến, giúp đỡ. Theo ngày tháng, tình cảm anh Khánh dành cho tôi ngày càng đặc biệt với những chăm sóc, lo lắng thật ân cần. Ngày tôi tốt nghiệp đại học cũng là ngày anh chính thức bày tỏ tình cảm đã dành cho tôi suốt bốn năm dài sống cạnh nhau. Tôi thật sự bất ngờ. Vì bấy lâu nay, tôi cứ ngỡ anh thương tôi như đứa em gái. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có tình yêu giữa anh Khánh và tôi. Trong sự phân vân đó, tôi xin anh cho tôi một khoảng thời gian ngắn để suy nghĩ chín chắn hơn. Nhưng tôi làm gì có cơ hội để cân nhắc, để xét lại tình cảm của mình, khi ngày nào mẹ cũng gọi điện thoại hối thúc:

-Con ơi! Khánh là đứa con trai tốt lành. Cô Ánh là người đàn bà phúc hậu. Nếu được làm vợ của Khánh là một ân phúc cho con. Mẹ biết con đang đắn đo vì chuyện xảy ra bất ngờ. Mẹ không ép con, nhưng mẹ muốn đọc cho con nghe một câu danh ngôn “người đàn bà có cái dại dột là chỉ lấy người họ yêu, chứ không lấy người yêu họ”… cuộc đời của mẹ là một bằng chứng xác thực nhất mà con đã nhìn thấy. Mẹ hy vọng con đủ khôn ngoan để chọn cho mình một cuộc sống sung sướng và hạnh phúc.

Ba tháng sau tôi đã nghe lời mẹ kết hôn với Khánh để có một nơi nương tựa vững vàng. Điều tôi muốn nói, vật chất không thành vấn đề, nhưng quan trọng hơn hết là tôi sẽ được Khánh chìu chuộng, yêu thương bằng tất cả tấm lòng. Đối với tôi, tình yêu dành cho Khánh chưa có, nhưng cảm tình thì rất nhiều. Tôi tin lời mẹ nói, từ cảm tình chuyển sang tình yêu chẳng bao xa. Và tôi an phận với hai chữ hạnh phúc mà mẹ đã vẽ ra cho tôi.

Nhưng..

Khi gặp Hiển tôi mới biết thế nào là hạnh phúc thật sự. Với Hiển, tôi có nỗi nhớ xiết xao khi vắng nhau, điều mà chưa bao giờ tôi có đối với Khánh, dù có lúc anh đi công tác nước ngoài đến hai tháng. Với Hiển, tôi có những giờ phút thật vui vẻ, thoải mái dù rất ngắn ngủi. Với Hiển, tôi có những khoảnh khắc tình tứ thật bất ngờ và lãng mạng như những chuyện tình trên trang tiểu thuyết. Chỉ có điều, tất cả đều xảy ra trong sự lén lút và Hiển muốn chấm dứt tình trạng này. Hiển thuyết phục tôi:

-Anh muốn chúng ta đến với nhau một cách danh chính ngôn thuận. Em có dám không?

Tôi băn khoăn:

-Còn vợ anh thì sao?

-Anh sẽ ly dị. Một cuộc sống không hạnh phúc có đáng cho chúng ta níu kéo để mất đi một tình yêu lớn lao vừa tìm thấy không?

-…

Hiển tiếp lời một bằng giọng nói chắc nịch:

-Chỉ có em là còn ngần ngại, chứ anh, khi đã quyết tâm chọn em thì anh đã có sự dứt khoát rõ ràng.

Rồi Hiển ghé vào tai tôi thì thầm “trong đôi mắt anh, em là tất cả…”

Tôi đắm hồn trong lời hát ngọt ngào, trong cung bậc trầm bổng quyến rũ…. để rồi khi trở về nhà, tôi tìm đủ cớ, đủ chuyện để gây gỗ với Khánh. Những chuyện nhỏ nhặt, vô lý nhưng tôi cũng có thể làm lớn chuyện khiến Khánh ngạc nhiên:

-Anh không hiểu anh đã làm gì để em giận dữ như thế?

Tôi cười lạnh nhạt:

-Anh có bao giờ để tâm đến em đâu mà hiểu.

Khánh trố mắt nhìn tôi ngỡ ngàng:

-Em có biết là em đang nói gì không? Ai là người đã từng viết cho anh “cám ơn anh đã luôn quan tâm, yêu thương và chăm sóc cho em”. Những lời lẽ ấy còn nằm nguyên trên những tấm thiệp mà anh vẫn còn giữ trong ngăn kéo. Em có muốn đọc lại không?

Thật ra, tôi không phải là người quen ăn gian, nói dối mà chỉ lặp lại những lời xúi bảo của Hiển. Nhưng lỡ phóng lao thì phải theo lao. Dù đã ngượng cứng miệng nhưng khi Khánh nói,anh thật tình không hiểu em muốn gì, tôi vẫn ngoan cố, vênh mặt đáp:

-Em muốn ly dị!

Khánh há hốc miệng, anh lắp bắp một lúc mới nói thành lời:

-Tại… tại… sao? Lý do gì?

-Lý do thật giản dị… là vì em không yêu anh!

Khánh nói mà như muốn khóc:

-Anh đã làm gì sai để em hết yêu anh.

Lời nói từ cửa miệng tôi buông ra thật tàn nhẫn:

-Em chưa bao giờ yêu anh nên không có chuyện hết hay còn. Em lấy anh là vì em bơ vơ, em cần một nơi nương tựa.

-Thu Yên!!!

Tiếng kêu của Khánh đau đớn như tiếng kêu của con chim bị đạn. Trái tim tôi bỗng thắt lại. Nhưng chỉ trong thoáng chốc hình ảnh Hiển lại lồng lộng hiện về, để tôi thản nhiên đứng nhìn Khánh loạng choạng bước ra cửa, leo lên xe và phóng đi như tên bay giữa đêm khuya. Đồng hồ trên tường gõ một tiếng ngắn ngủi. Và chỉ ba mươi phút sau tôi được báo tin Khánh bị tai nạn.

****

Suốt thời gian Khánh nằm trên giường bệnh tôi không dám nói đến hai chữ ly dị, dù Hiển vẫn thúc giục tôi từng ngày. Tôi hỏi Hiển:

-Chuyện của anh xong chưa mà hối em?

-Anh sẽ làm nhanh mà, chỉ chờ em hoàn tất là anh bắt tay vào việc ngay.

Rồi Hiển ôm tôi, giọng cợt đùa:

-Anh làm trước nhỡ em đổi ý thì anh phải ở một mình à? Em không biết anh sợ ma lắm sao?

Tôi xin Hiển chờ thêm vài tháng nữa, chứ ngay lúc sức khỏe của Khánh chưa bình phục hẳn, tôi không thể nhắc lại yêu cầu của mình. Thời gian này tôi cố tình tránh mặt Khánh bằng cách đi làm thật sớm, về thật muộn. Cuối tuần, tôi viện cớ phải làm phụ trội, nhưng thật ra tôi thường theo cô bạn đồng nghiệp đang tập tành nghề nhiếp ảnh, lang thang khắp nơi để sưu tầm cảnh đẹp.

Một sáng thứ bảy tôi cùng Quỳnh ghé chợ Wal-Mart lấy ảnh trước khi đến vườn hoa. Trong lúc chờ giao ảnh, Quỳnh kể:

-Loạt ảnh này là lễ Anniversary của bạn chị Chiêu. Công nhận anh chồng thật lãng mạn. Anh ấy bí mật lo toan từ đầu tới cuối mà chị vợ không biết tí gì. Khi đến nơi, chị vợ cảm động đến rơi nước mắt. Anh chồng vừa đẹp trai, vừa có tài ăn nói. Những lời chia sẻ của anh ta làm mấy bà xuýt xoa khen ngợi không ngớt lời.

Quỳnh đưa tôi xem bức ảnh hai người đang hôn nhau. Cả người tôi như mềm nhũn, những ngón tay run run không giữ được tấm ảnh. Hiển đây mà, “anh sống với vợ không có được một ngày hạnh phúc” nhưng sao lại có một lễ kỷ niệm ngày cưới thật linh đình với ánh mắt, nụ cười sáng ngời hạnh phúc. Tôi trở về nhà bằng những bước chân vô hồn. Tôi nhốt mình trong căn phòng chứa đồ phế thải cả ngày để khóc thương mình ngu dại, để oán hận Hiển dối trá, điêu ngoa, để tự nguyền rủa mình bất nhân, vô hậu.

Ngày hôm sau tôi gọi Hiển để hẹn gặp. Tôi muốn nhìn tận mặt Hiển, nghe tận tai lời giải thích của Hiển về bữa tiệc kỷ niệm của vợ chồng anh và quyết định ly dị mà anh đã nói với tôi hàng chục lần. Vẫn giọng nói ngọt ngào, Hiển mừng rỡ:

-Anh sẽ đến. Anh nhớ em đến chết đi được.

Tôi đến điểm hẹn là một khách sạn cách xa thành phố khoảng bốn mươi lăm phút lái xe -Hiển thường nói “anh chọn chỗ xa để giữ an toàn cho em”. Ngày trước tôi tin như thế, nhưng bây giờ thì tôi biết, không phải chỉ cho tôi mà cả cho Hiển. Khi tôi và Hiển vừa bước vào phòng thì có tiếng gõ cửa. Cánh cửa vừa mở, Khánh hiện ra với nét mặt rất bình tĩnh. Hiển lùi lại lúng túng:

-Anh là… ?

Khánh nhìn tôi. Cũng đôi mắt đó, nhưng không còn nữa những nồng nàn, trìu mến và hình như nó cũng không chứa đựng sự oán hận mà là một sự khinh bỉ khiến tôi phải xấu hổ cúi mặt. Anh không trả lời câu hỏi của Hiển mà chỉ vào tôi, anh nói:

-Người đàn bà này là vợ của tôi!

Bất ngờ, Khánh đưa máy ảnh lên, bấm nhanh.

-Tôi không biết vợ anh nghĩ sao khi nhìn thấy tấm ảnh này và anh sẽ giải thích thế nào khi ở trong khách sạn với vợ của người khác. Còn tôi…

Với nét mặt lạnh lùng đến dễ sợ Khánh gật gù:

-Không biết tôi nên xử thế nào cho đúng!

Hiển lùi ra phía sau, ấp úng:

-Xin… xin lỗi… anh, đây chỉ là sự nông nổi… vì yếu lòng mà… tôi không cưỡng lại được sự quyến rũ của… Thu Yên.

Tôi quay sang nhìn Hiển như nhìn con quái vật thời thượng cổ. Người đàn ông từng nói yêu tôi và sẽ bỏ tất cả để đi với tôi, bây giờ, chỉ vì sợ hãi mà phủi tay, chối bỏ trách nhiệm một cách hèn hạ. Tôi ôm mặt, bật khóc. Khánh quay lưng bước đi sau câu nói chua chát:

-Tôi đến đây để biết mặt người đàn ông đã khiến vợ tôi một mực đòi ly dị với tôi ra sao. Tôi nghĩ rằng, tôi sẽ học hỏi được ở anh nhiều điều. Nhưng không ngờ…anh không đáng để tôi đối mặt… Thu Yên! anh thật sự tội nghiệp cho em!!!

Tiếng chân Khánh xa dần. Tôi ngồi bất động trên chiếc giường lạnh ngắt cho đến khi Hiển lẳng lặng bước đi không một lời từ giã.

Tôi rời khỏi khách sạn khi màn đêm buông xuống. Cái cảm giác lạc lõng, bơ vơ tựa như khi tôi bước xuống trạm xe bus sáu năm về trước để đến tá túc nhà Khánh làm tim tôi nhói buốt. Rồi những ngày tháng sắp tới tôi sẽ sống thế nào với mặc cảm tội lỗi và hối tiếc vì đã không nghe lời dặn dò của mẹ “hạnh phúc đang nằm trong tay con, hãy cố mà giữ cho chặt….” []

Ngân Bình

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search