T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na : Động đất

clip_image002

Động đất ở Nhật Bản từ hôm thứ sáu đã lôi cuốn sự chú ý của hầu khắp thế giới. Ai cũng tự hỏi mình, nếu nhìn thấy những ngọn sóng khổng lồ ấy thì mình sẽ làm gì ?

Lời khuyên của một cô gái Nhật 18 tuổi sống sót sau cơn lụt dữ ấy là : Chạy ! Tất nhiên rồi !

Những năm 80s ở đất nước chúng ta , giữa bao cơ cực không thể ngờ được của đời sống, cộng thêm với sự hà khắc bất nhân của chế độ cầm quyền, người ta có thể làm gì để sống sót ? Lời khuyên – đúng hơn, thực tế đã chứng minh – của cả những cột đèn thành phố là : Chạy ! Liệu có tất nhiên phải thế không ?

Giữa những ầm ì của mặt đất rung chuyển, ông già Nhật bản 79 tuổi đã chạy thóat được đến nơi trú ẩn an tòan. Nhưng ông sực nhớ mình không mang theo bức hình của hai đứa cháu nội 14 tuổi và 10 tuổi. Ông quyết định phải trở về lấy những bức hình đó trước khi để sóng cuốn đi tất cả. Cơn sóng thần trờ đến vừa kịp lúc để phá hủy căn nhà và kết thúc đời ông. Người ta tìm thấy xác ông bị đè dưới bức tường phòng tắm, hai tay ông vẫn ghì chặt tập Album hình ảnh gia đình.

Giữa những chuyến vượt biên đầy bất trắc, ra đi mà không biết có đến được nơi sẽ đến, hoặc con nuôi cá ( chết giữa biển )hoặc con nuôi mẹ ( đến được thiên đường ), hoặc đỡ khổ hơn mẹ nuôi con ( vì con bị bắt lại và đi ở tù ), cái cảm giác chưa kịp nói lời từ biệt với mẹ , với cha, với anh, với em, với cả người yêu trước khi lao mình vào những bất trắc ấy nó có khác gì không tâm trạng của ông già 79 tuổi vừa kết thúc cuộc đời mình trong cuộc động đất thảm khốc ở Nhật mà cả thế giới đang chú ý đến hay không ?

Động đất. Động lòng người. Động những định mệnh chia lìa.

Người bạn viết trẻ tuổi Lưu Na của tôi gởi đến tôi bài viết này trong lúc tôi ngồi đăm chiêu nhìn những mảnh đời xa lạ ở Nhật vừa bị sóng cuốn đi , ngậm ngùi nhìn khuôn mặt những người sống sót và tự hỏi mình, liệu kẻ sống sót có vượt qua được nỗi đau quá lớn này không ? Đọc Lưu Na xong, tôi tin rằng họ sẽ vượt qua được và sẽ vươn lên trên định mệnh để tiếp tục đi hết con đường .

Như người bạn trẻ của tôi đã dõng dạc :

Động đất California? Chuyện nhỏ.

T.Vấn

17 tháng 3 năm 2011

 

ĐỘNG ĐẤT

 

Lưu Na

Tháng Năm, đã cuối xuân và hè đang đến gần. Mới đó mà các loại hoa xuân biến mất. Tháng Hai có Lan muôn dáng màu, với Đào hồng và Cúc đại đoá bên cạnh Gladiolus đỏ truyền thống ngày Tết, không quên Cẩm chướng khiêm nhường nhưng luôn hiện diện đủ bốn mùa. Tháng Tư hoa Loa kèn trắng mùa Phục sinh luôn đi kèm với hoa Giềng (?) màu cam đỏ nở từng chùm to trong vườn. California hoa nở khắp nơi, từ sân nhà ra đường xa lộ, từ công sở khuôn viên đến những vừơn cây. Poppies bung rộ nhiều màu ấm áp luôn cười đong đưa trong gíó. Nhìn poppies tưởng đang nghe reo bên tai một bản nhạc vui. Uất kim hương đầy đặn đậm đà sang cả trong các vườn hoa cuả thành phố. Và thật lạ là những đoá hoa vàng bé li ti trông như Baby Breath dọc xa lộ. Nắng đang vàng dòn gay gắt bỗng thành êm diụ khi chạm đến những sườn đồi lấm tấm vàng mơ. Đang nhấn ga 80 dặm cũng phải chậm lại mà nhìn cho thoả. “Không đi vội về sau…,” thật là phải phải.

Nhè nhẹ, se sẽ, mùa hè đi tới. Xen kẽ tuần mát lạnh là đến tuần nóng điên người. Như đấu banh giao hưũ. Những cuối tuần nắng nóng cũng thành lễ hội ngoài biển. Người ta đổ ra biển với đủ mọi thân hình, màu sắc và trò vui. Những cánh diều sặc sỡ nhởn nhơ tranh một vùng trời với bikinis mát rượi trên những làn da rám nắng đầy cát. Rồi một sáng êm đềm mây xám, bừng mắt ra thấy cả một rừng hoa tím dọc hai bên đường. Nhất định là tháng Năm, có quên ngày tháng cũng phải nhớ vì loại hoa “tim tím màu đồng thảo” đó. Màu đẹp biết bao nhiêu. Thời tiết đẹp biết bao nhiêu. Đời đẹp biết bao nhiêu. Động đất chơi một cái. Rung rinh nhà cửa. Nhắc nhở chuyện thiên tai là lẽ vô thường của đất trời. Dân xứ thanh bình bỗng hơi hoảng, hơi mất an vui.

Riêng mình, nhìn cửa kính rung và cảm thấy chân lắc lư mà lòng dửng dưng. Không như lần trước chợt thấy lòng rỗng không vô cảm thức và sau đó thì khóc một cách thật vô lý. Mình vẫn còn bâng khuâng với giấc mộng trong một ngày đầu tháng Năm. Đã qua tháng Tư đen. Những ngày thoáng buồn vô cớ cuối tháng Ba là lối mở nhắc một ngày đã qua, rất xa, không còn nhớ được gì rõ rệt mà lại không thể quên đi. Mình nhớ gì và lưu luyến gì nơi đất ấy?…Một chặng đời chông chênh, tuổi trẻ và đất quê hoang vỡ ngổn ngang? Bao lần về lại quê hương, lúc đi thì hân hoan hồi hộp mừng vui; khi đã đứng trên đất ấy thì ngao ngán ê chề; và trở lại đất này thì lại ray rứt nhớ thương. Quả là không nhớ được gì rõ rệt mà lại không thể quên.

Những ngày lâng lâng dật dờ ấy rồi cũng phải qua đi cho cuộc đời tất bật kiếm sống ở bên này, nhưng một hôm nào đó trong giấc ngủ trưa muộn màng nắng gắt chợt biết ra nỗi niềm thương nhớ bấy lâu. Là mình nhớ nắng quê nhà. Nhớ cái nóng chịu không thấu đời cuả đất miền Nam. Nắng bạc mầu da, sạm khuôn mặt dại. Nắng bám theo cuộc sống tất bật khổ cực của những đứa học trò nghèo còng lưng trên xe đạp ướt đẫm mồ hôi dưới cái nón rộng vành. Nắng nên bóng me Trần quí Cáp thành thiên đường. Những căn villa êm vắng rợp bóng bông giấy thành một thiên quốc xa vời mỗi lần đi học băng ngang. Nắng, nên uống một lúc 2 ly xi-rô thơm tưởng như sinh tố tuyệt hảo. Đường Bà Huyện Thanh Quan không thể ồn hơn với những cái miệng vừa ăn đâụ đỏ bánh lọt nước dừa vừa cười vang sân chùa Xá lợi. Nắng, áo trắng bỗng sáng mát cả một con đường. Nắng, nên nón đủ màu quai đủ kiểu. Nắng, nên áo quần lớp nhớp mồ hôi và cuối một ngày quí biết bao nhiêu phút ngồi trên xe đạp ghé cửa nhà bạn tán dóc trong cái mát dịu cuối ngày. Hạnh phúc nhỏ nhoi tầm thường, đến sau mỗi ngày lăn thân dưới nắng. Khổ cực đó trời dành cho đất miền Nam, chia sẻ đều ra cho từng người dân của miền Nam nước Việt. Làm sao tách bạch tỏ bầy. Không ai nhớ nắng nung người héo da cháy mặt. Không thể nào luyến tiếc chiếc áo đẫm mồ hôi và mong có lại những tấm lưng ướt đẫm. Nhưng điệu hò, câu vọng cổ vang từ đâu đó trong buổi trưa trốn nắng có lạt lẽo bớt không nếu như đó là những buổi mát lạnh êm đềm?

Mà giấc mộng đêm tháng Năm không có nắng. Có mình bước qua cửa vào căn nhà cũ. Trống không. Đứa em trai nằm trên tấm chiếu cạnh lối ra vào (tại sao?), trên người chỉ độc một cái tã màu vàng tươi nổi bật trên thân thể héo hon và ánh mắt đợi chờ. Ánh mắt lạc thần ngơ ngác, mong mình ghé xuống thăm hỏi đôi lời. Nhưng mình vội vã đi lên lầu. Phải gặp Ba. Ba giống như anh Hùng tả những ngày cuối: mệt lả nhưng tỉnh táo. Mình đỡ lưng Ba ngồi dậy tưạ vào lòng mình. Mình nắm tay Ba, hôn lên bàn tay xương xẩu đó, hôn lên trán Ba. Trong giấc mơ mà mình cũng tự nói, hình như chuyện này “Tây” quá, trước kia mình đâu có vậy? Mình đang từ giã Ba đây phải không? Mình nhớ một trưa nào đó đạp xe dưới nắng tới chỗ Ba làm.

_ “Con tới chào Ba, sợ lúc người ta tới kêu đi không kịp gặp.”

_”Ừ, con đi đường bình an”

_”Con chào Ba, con về”

Chỉ có vậy. Mình không khóc. Vô cảm. Mình đạp xe dưới bóng mát đường Trần quốc Toản, xong một việc phải làm. Ba nghĩ gì lúc đó? Còn Má, Má dạy mình phải đi tìm Ba để chào cho đủ lễ mà phút chia tay chính là mình và Má lỡ dịp giã từ nhau. Mình ngồi trong xe nuốt hai hàng nước mắt nhìn lại Má vừa về đến bên đường ngơ ngác nhìn quanh tìm bóng con mình. Má, Má, sao chẳng thốt nên lời. Nắng vẫn đổ xuống lòng đường lóa mắt, vẫn gieo trên tóc kẻ ở người đi. Nhiều năm sau không thể quên những câu nói ngắn gọn vô cảm, những tiếng kêu không lời đó. Nhiều năm sau không thể nào quên cái đau lòng khi đã thực sự bị bứt rời khỏi mẹ cha khỏi cái phố phường nắng quái yêu ma. Mái nhà nào mình đã ở. Con đường nào mình đã đi qua. Góc trường nào mình đứng. Sao chớp mắt mà đã muôn trùng cách biệt, không lối về…

Người ta bỏ đất quê ra đi chém sơn lâm đâm hà bá, nhưng dù sao hương rừng Cà mau cũng vẫn là đất Việt, còn đậm màu quê. Còn mình, đã bỏ đất ấy mà đi, biết “nắng mưa miền cố thổ?” Sao vơi được nỗi niềm. Cái đau không tên tuổi đó nó tràn ngập mình trong giấc mơ, lúc mình ôm Ba trong tay. Thật ra Ba chết đã lâu, đã là tử biệt, phải chăng mình lưu luyến vì chưa bao giờ trọn lời từ giã? Chỉ có em Hiển là còn, mà mình trong giấc mơ cũng lại bước qua em, như đã vô cảm bước qua biết bao những giây phút hệ trọng cuả cuộc đời rồi đau đớn nhớ thương khi đã thực sự qua một chặng đường. Sinh ly, mình đã khóc bao nhiêu những ngày trên đảo, những sáng lạnh mờ sương trên đất người? Khi cô đơn thì càng đông càng buồn càng thấm nỗi đơn côi. Những ngày lễ hội trên xứ người thường là những ngày đau khổ cuả một đứa trẻ bị bứt rời khỏi đất quê. Trong mơ, mình đau thắt tâm can. Trong mơ, mình vẫy vùng cho thoát niềm đau chia cắt. Và mình giật mình thức dậy, ướt đẫm mồ hôi. Tần ngần hồi hộp dù biết chỉ là một giấc mơ. Ngơ ngác bồi hồi, 30 năm qua chỉ là giấc mơ, vẫn là giấc mơ…. Mình mãi là hạt bụi, nghiêng mình nhăn nhúm nhớ đất quê.

Mình nằm im trong đêm tối vang trong đầu câu hát

Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà

Về nơi công viên yên vui lặng lẽ

Hãy ngồi đây ghế đá ngày xưa

Dưới hàng thông có gió lửng lơ

Con chim nào thường hay hót

Con bướm nào thừơng hay bay

Về đây với những yêu thương hằng ngày

 

Trong đêm tối, những căn nhà xinh xắn hiện ra. Không phải ở con đường Phan đình Phùng hai bên đầy cưả tiệm, mà là ở phố biển Cali. Những căn nhà vưà vặn khang trang, với nhiều sân cỏ bao quanh và những hàng bạch dương cao to êm mát. Cái êm đềm của một khu phố trên đất Mỹ đã nhảy vào đầu mình khi hát lên những câu hát mơ về một quê nhà ở Việt Nam. Cái yên vui lặng lẽ mà “anh” hứa với “em” ở quê nhà chỉ tìm được trong giấc mơ và lại là cảm nhận thật ở nơi này. Quê nhà, mình vậy là đã xa, xa lắm. Làm sao tìm lại được những cái “hằng ngày.”

Động đất California? Chuyện nhỏ.

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search