T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: HUN VỚI HÍT

clip_image001

Đầu năm dê (cụ), ngoài những 35000 vụ đánh nhau khiến 5000 người phải nhập viện và không ít kẻ đã phải ngủm cù đeo, còn có tin đại lão Khiêu Vũ hun một em hoa hậu tên Nguyễn Cao Kỳ Duyên (không phải Kỳ Duyên MC con phó tông tông Nguyễn Cao Kỳ) khiến dân mạng phát sốt (rét)!

Phải nói rằng cái tình thương mến thương của Khiêu (cụ) nó cũng ì xèo như hát sĩ Đàm Vĩnh Hưng hun một nhà sư dạo nào. Chỉ khác một điều, Đàm Vĩnh Hưng bị bộ Văn Hóa cảnh cáo, nhà sư nọ phải trả áo hoàn tục, còn Khiêu cụ lại được khen là nhân ái.

Khiêu cụ được khen là phải, vì được phong hàm Giáo (ráo) sư và anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (vũ như cẩn) đến những hai lần. Cụ còn ẵm giải nhất (chẳng thèm nhường cho ai) giải thi viết văn bia, dù rằng khôn văn tế, dại văn bia. Cụ cũng còn là một thâm (độc) nho, từng giáng bút vung vít hàng trăm câu đối.

Trong đại lễ mừng đại thọ 100 năm, chẳng những cụ ban phúc cho Kỳ Duyên bằng cái hun phều phào của người sắp ngỏm mà còn đề tặng hai câu đối rực rỡ hơn cả giải băng hoa hậu.

Đối rằng: Trí như bạch tuyết tâm như ngọc

Vân tưởng y thường hoa tưởng dung*

Khiến trích tiên Lý Bạch phải giật mình la toáng lên: “bớ thiên hạ, ăn cắp, ăn cắp!”

Chuyện ăn cắp (đạo văn) của Việt Nam ta nhỏ như con thỏ, nói làm gì. Điều đáng nói là cách hun của Khiêu cụ. Môi của một người sống đến trăm tuổi như Khiêu cụ chắc chắn là nó thâm xịt, khô nứt, cạ lên làn da mơn mởn của Kỳ Duyên dù nhìn dưới góc độ nào nó vẫn cứ kỳ cục (súc)! Còn mũĩ của Khiêu cụ thì đúng là đang hít cái mùi son phấn trên má nàng. Ôi chao, cái tiếng Việt của mình nó sâu sắc gợi hình làm sao. Kiss của Anh Mỹ, baiser của Pháp sao bằng được hai tiếng hun hít của mình. Nhất là khi nó được thể hiện bởi một người lừng lẫy tiếng tăm như Khiêu cụ. Đúng là một cái hun để đời (chửi).

Có nhiều kẻ cổ hũ bàn rằng, tuổi tác như Khiêu cụ, là bậc trí thức (ngủ) đáng kính, thì chỉ nên chạm môi nhẹ lên tóc hay lên trán nàng là vừa đủ, hun và cả hít như thế thì thòi ra cả cái tham, vừa tham danh mà vừa tham sắc.

Tôi thì giật mình nhớ tới truyện Bóng Đè của Đỗ Hoàng Diệu. Cụ tổ nhà nọ đã ngỏm từ tám hoánh đêm đêm vẫn tới “đè” cô con dâu. Cái kiểu hun và hít đó khiến tôi sợ rằng, khi quy tiên Khiêu cụ cũng dám trở thành con ma bóng đè.

Khuất Đẩu

· Câu thơ của Lý Bạch tả nàng Dương Quý Phi sau khi được vua Đường Minh Hoàng ân ái. Vũ Khiêu đem vào câu đối đầu Ngô mình Sở mà không hề bảo rằng mình ít chữ phải mượn đỡ của ai. Một bậc được tôn xưng là đại trí thức mà như thế, thì không cần phải bàn thêm về tình trạng đạo đức của VN dưới thời CS nữa.

©T.Vấn 2015

(PetroTimes) – Bức ảnh GS Vũ Khiêu “thơm má” hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã gây nhiều bàn cãi. Tuy nhiên, một độc giả rất am tường về Hán học của PetroTimes lại không quan tâm nhiều đến hình ảnh “thơm má” mà chú ý nhiều hơn đến câu đối mà giáo sư tặng hoa hậu Việt Nam.

>> Hình ảnh GS Vũ Khiêu “thơm má” hoa hậu Kỳ Duyên gây xôn xao

clip_image001[1]

Độc giả T.L ở Hà Nội viết:

“Giáo sư Vũ Khiêu là một vị đạo cao đức trọng, học thức uyên thâm và đã nổi tiếng về tài làm câu đối. Nhưng trong trường hợp này khi giáo sư làm câu đối tặng Kỳ Duyên thì quả thật đây là đôi câu đối rất dở:

“Trí như bạch tuyết tâm như ngọc/Vân tưởng y thường hoa tưởng dung”.

Vế thứ 2 “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung” là một câu thơ của Lý Bạch trong bài “Thanh bình điệu”.

Còn vế thứ nhất thì không hiểu là câu thơ của ai hay là câu của GS Vũ Khiêu. Nhưng đọc kỹ thì thấy “Trí như bạch tuyết” – không hiểu giáo sư có định mỉa mai Kỳ Duyên không khi nói rằng trí tuệ của cô trắng như tuyết. Một bộ óc mà trắng như tuyết thì có nghĩa là… chẳng biết gì!

Về luật đối âm, đối chữ ở trong đôi câu đối này cũng sai. Chẳng ai đi đối “Trí” với “Vân”, “Bạch tuyết” với “Y thường”… Những ai có chút hiểu biết về luật đối có thể dễ dàng nhận ra.

Thế mới biết đụng chạm đến chuyện chữ nghĩa thì chớ nên đùa. Chữ nghĩa không phải là má cô hoa hậu để mà thơm lúc nào cũng được.

T.L

 

Trần Mạnh Hảo :Thử lý giải hiện tượng Vũ Kiêu…

copy-of-vukhieu11

GS. Vũ Khiêu, thần tượng trí thức và biểu tượng văn hóa của chế độ hiện hành, anh hùng lao động, vừa được thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng câu đối ca tụng ông lên mây, nhân việc ông thọ 100 tuổi như sau :

“Triết gia trong cách mạng – Nghệ sĩ giữa Anh hùng”

Ông cũng là người được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu 1996 về các cuốn sách mỹ học, triết học, văn hóa học như :” Nghệ sĩ và anh hùng”, “Góp phần nghiên cứu cách mạng tư tưởng và văn hoá (1987), Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử” nhằm ca ngợi Bác và Đảng. Năm 2000, giáo sư được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời đổi mới.

Ngày 12 tháng 9 năm 2006, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thay mặt Hội đồng Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu vì có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp phát triển khoa học xã hội và nhân văn, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Đại hội Thi đua Thủ đô Hà Nội, khi được trao tặng danh hiệu “Công dân Ưu tú Thủ đô”. (Theo từ điển mạng)

Ông từng được nhà nước tặng biệt thự, được chế độ ưu đãi công thần, chế độ coi ông là thần tượng văn hóa của chế độ…

Năm 1963 GS. Vũ Khiêu đã viết cuốn sách về Mỹ học có tên là “Đẹp”. Năm đó, chúng tôi đã mua cuốn sách này để đọc và thấy kiến thức của GS. Vũ Khiêu phải nói cho công bằng là rất hạn hẹp và ấu trĩ. Mỹ học trong cái nhìn của GS là Mỹ học có tính giai cấp, có tính đảng. Cái gì đảng ta nói, đảng ta làm đều đồng nghĩa với cái đẹp. Ví dụ như cải cách ruộng đất là cái đẹp, đánh nhân văn giai phẩm là cái đẹp, căm thù giai cấp địa chủ tư sản là cái đẹp…

Sau đó tôi đã đọc hầu hết các cuốn sách của GS. Vũ Khiêu như vừa kể trên thì thấy trình độ GS chưa thể gọi là trí thức.

Việc chế độ nâng GS. Vũ Khiêu từ một ông giáo tiểu học, từng hành nghề lao công tạp dịch trong bệnh viện thời Pháp lên thành biểu tượng cho giới trí thức : là anh hùng văn hóa, là nhà triết học số 1, mỹ học số 1, nhà nghiên cứu văn hóa số 1, thậm chí thành Nguyễn Trãi của chế độ…khiến dư luận giới trí thức thứ thật bất bình, không phục; nên khi GS. Ôm hôn cô hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên mãnh liệt quá mức ông cháu và nhất là cụ lại tặng cô này một câu đối thiếu văn hóa, khiến thiên hạ bực mình ném đá khắp nơi trên FB và trên các blog, website.

Chúng tôi đã đọc hầu hết các cuốn sách của GS. Vũ Khiêu thì thấy nếu ta xếp cụ vào hàng ngũ trí thức thì quả là một điều quá lố. Chỉ riêng việc GS. Vũ Khiêu lên tiếng nhiệt liệt ủng hộ hành vi của mộ kẻ điên rồ đòi sửa lại, viết lại Truyện Kiều như dưới đây, chứng tỏ cụ không phải là người trí thức :

Trong cuộc hội thảo về Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ từ Truyện Kiều đến phong trào Thơ mới tổ chức vào ngày 15.12.2012 tại khu di tích Nguyễn Du, Hà Tĩnh, mỗi đại biểu tham dự được tặng một cuốn sách (bản photo) có nhan đề Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng, do Đỗ Minh Xuân, một kỹ sư, khảo dịch – nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin in năm 2012. Cuốn sách này có lời đề tựa rất trang trọng của GS. Vũ Khiêu:

“Với một tinh thần khoa học rất nghiêm túc, ông tìm lại hầu hết các bản Truyện Kiều từ trước đến nay, so sánh các dị bản, tìm đọc hầu hết các bài đã bình luận, phân tích tác phẩm và tác giả Truyện Kiều. Từ đó, ông đã có ý tưởng lớn là làm thế nào để phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại công chúng, ông gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều… Tôi hoan nghênh công phu nghiên cứu của ông Đỗ Minh Xuân và tin rằng cuốn sách này của ông là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều…”.

Với hơn 1.000 chỗ sửa, tức 1/3 tác phẩm, gần như bất cứ chỗ nào trong Truyện Kiều, cũng bị ông kỹ sư cắt xé, bức tử. Điều đáng nói là, việc sửa thơ này của ông kỹ sư lại nhận được cổ xúy của một bậc giáo sư lừng danh: Anh hùng lao động, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, Giáo sư Đặng Vũ Khiêu.

GS. Vũ Khiêu quả tình không thể gọi là trí thức khi muốn lấy hoa mào gà làm quốc hoa. Ơ hay, bệnh mào gà là bệnh gì chắc GS. chưa biết hay sao?
10386240_10204474047786123_5601381958476883219_n

GS.Vũ Khiêu tặng cô hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên câu đối thiếu văn hóa dưới đây sao có thể gọi là trí thức:

Giáo sư Vũ Khiêu đã viết tặng hoa hậu Kỳ Duyên đôi câu đối:
“Trí như bạch tuyết tâm như ngọc
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung”

GS.Vũ Khiêu đã lấy nguyên vẹn một câu thơ của đại thi hào Lý Bạch trong bài thơ “Thanh Bình điệu”: “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung” làm câu đối trên. Đạo văn như trên sao là trí thức?

Câu đối trên ngay từ câu đầu, GS. Vũ Khiêu đã diễu cô hoa hậu rằng trí của cháu trắng như tuyết, nghĩa là cháu không có trí; có lẽ GS. Vũ Khiêu muốn nói đến câu thơ Nguyễn Du : “ Mai cốt cách tuyết tinh thần” chăng ? Nhưng TRÍ và TINH THẦN là hai điều khác nhau thưa cụ GS ! Tinh thần trong câu Nguyễn Du có thể hiểu là tâm đấy! Trí mà như tuyết thì trí ấy bằng không à? Câu đối tặng người ta mà xỏ xiên như thế sao gọi là trí thức ?

Bài thơ “Thanh bình điệu” của Lý Bạch là bài thơ ca ngợi thân xác gợi dục của Dương Qúy Phi sau khi làm tình với Đường Minh Hoàng, sao lại lấy ra ca ngợi một cô gái còn chưa có chồng là sao? Dương Qúy Phi vốn là một dâm phụ, từng là vợ con trai Đường Minh Hoàng, bị vua cha cướp lấy. Dương Qúy Phi với sắc đẹp dục tính đã khiến con nuôi Đường Minh Hoàng là An Lộc Sơn muốn cướp người đàn bà dục tình này nên đã làm loạn, gây chết một phần ba dân số Trung Hoa thời đó.

Có thể vì chế độ nâng GS. Vũ Khiêu, một người không phải trí thức lên thành biểu tượng của trí thức, biểu tượng của văn hóa Việt Nam mà nhân dịp cụ ôm hôn gái trẻ kiểu trai lực điền và tặng nàng đôi câu đối đểu nên đã bị dân mạng ném đá cho bõ tức vì bị lừa hết vụ này sang vụ khác chăng?

Sài Gòn lúc 23 h 28’ ngày 27-2-2015

© Trần Mạnh Hảo
© Đàn Chim Việt

Bài Mới Nhất
Search