T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: GÃY MỘT NHỊP CẦU

clip_image002

Ảnh : Đặng Hiếu Sinh

Và tôi là người cuối cùng biết tin ba má đã quyết định ly dị. Là đứa con gái út trong nhà, ốm yếu nhất, tình cảm nhất và cũng mít ướt nhất, nên mọi người sợ tôi chịu không nổi cơn sốc quá lớn này.

Nhưng ngược lại …

Dĩ nhiên, đây không phải là tin vui cho tôi, nhưng nếu nói buồn…. cũng không đúng hẳn. Thật sự, tôi không thể chịu đựng hơn nữa những cơn bão xảy ra hàng ngày trong gia đình, dù chỉ là bão cấp một. Ba má tôi lấy nhau hai mươi lăm năm, trừ hai năm tôi chưa thành hạt cát vo tròn trong bụng mẹ, như lời ca của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, cộng thêm bốn năm tôi còn quá bé bỏng chưa biết gì, thì cũng còn lại “mười chín năm nội chiến từng ngày” mà tôi là nhân chứng bất đắc dĩ.

* Buổi sáng

-Nè! em cho tôi uống cà phê hay uống nước đường vậy hả? Ngọt còn hơn chè nữa uống sao vô?

-Không vừa ý hả? vậy sao không tự làm đi. Biểu làm rồi chê tới chê lui.

-Dở thì phải chê chớ?

-Vậy … lúc ngon có nghe ai khen hay cám ơn một tiếng đâu.

-Hứ! còn bày đặt lỗi phải, mệt quá.

-Mệt thì đừng uống nữa!

Ly cà phê bị hắt vào bồn rửa chén, những tiếng cãi vã, la hét như muốn nổ tung cả nóc nhà.

* Buổi chiều

-Đôi dép đâu mất biệt rồi?

-….

-Nè! có nghe hỏi gì không?

-Ủa! anh hỏi trổng không, tôi biết hỏi ai?

-Đừng nói cái giọng xốc hông nha. Ở đây có hai người không lẽ tôi hỏi cái bàn? Thấy đâu không?

-Không… cái kiểu gặp đâu quăng đó … không lớp lang thứ tự là vậy đó… đáng đời.

-Hứ! vợ con gì mở miệng ra là nói giọng móc họng, nghe phát bực!!!!

* Buổi tối

-Nè! bớt cái TV lại dùm cái coi, bộ điếc hay sao mà mở rầm rầm vậy?

-Ủa! té ra cả năm nay anh điếc đó hả? tội nghiệp không, vậy mà bữa nay tôi mới biết.

-Nói vậy là ý gì ?

-Thì cả năm nay, tối nào anh cũng mở TV rầm rầm. Tôi nói anh mở nhỏ một chút cho tôi ngủ mà anh có thèm ngó ngàng gì tới đâu. Bữa nay anh mới biết là cái TV nó la ong ỏng vậy thì không ngủ được phải không?

-Đồ tiểu nhân!!!

Một ngày như mọi ngày và mọi ngày như một ngày, từng ấy câu đối đáp sẵng lè, chát ngắt cứ tiếp tục diễn ra, không thay đổi, không ngừng nghỉ. Nhiều lần tôi tự hỏi, tại sao ba má có thể ở bên nhau mấy mươi năm để rình rập nhau, đả kích nhau trong từng cái lỗi nhỏ nhặt. Theo cái nhìn của tôi, má là một người đàn bà đảm đang, chăm lo gia đình tận tụy, tính tình kín đáo và nhân hậu. Ba tôi thì hình như tiêm nhiễm cái cung cách gia trưởng của ông nội từ thuở nhỏ, nên có phần khe khắt và cách biệt với vợ con. Hiếm khi ba nói chuyện với má và chị em tôi bằng giọng nói trìu mến, ngọt ngào mà chỉ như ra lệnh. Có lẽ ba nghĩ rằng, bằng cách đó vợ con mới nể phục. Khi bé, tôi còn thấy má nhỏ nhẹ với ba, nhưng dần dần, dường như bà không còn chịu đựng nổi tính độc đoán, cộc cằn của ba nữa, nên gia đình bắt đầu xảy ra những trận cãi vã như cơm bữa. Đôi lúc, tôi đọc được trong mắt mẹ nỗi thất vọng tràn trề, nhất là sau những lần mẹ đi dự những buổi họp mặt với bạn bè cũ. Là phụ nữ, làm sao tránh khỏi sự so sánh. Ở nhà thì đành cam phận, nhưng khi bước chân ra ngoài, nhìn thấy hạnh phúc của người khác mới cảm nhận được sự bất hạnh của mình mà không ngăn được nỗi buồn.

***

Nhìn thấy thái độ lặng lẽ của tôi trước “tin dữ” , má nhỏ giọng:

-Má xin lỗi vì chuyện không hay của ba má xảy ra làm con buồn. Nhưng, thật sự má không thể tiếp tục chịu đựng nữa. Con có trách má không?

Tôi mím môi cười nhẹ:

-Không sao… con hiểu mà … con không trách má đâu.

-Cám ơn con. Má thật sự có lỗi với các con. Nhưng không hiểu sao…. dù cố gắng rất nhiều, má vẫn không kềm chế được sự giận dữ mỗi khi đối diện với ông ấy và những tính nết mà má không thể chấp nhận được.

Tôi nhìn má rồi chợt nhớ đến Lãm. Có lần, Lãm nói với tôi về chuyện tương lai của hai đứa, tôi lắc đầu nguầy nguậy:

-Cưới nhau làm gì …. để cãi nhau mỗi ngày à?

Câu trả lời của Lãm làm tôi vừa ngạc nhiên, vừa ngờ vực.

-Ba mẹ anh có cãi nhau bao giờ đâu?

-Anh nói lạ quá. Vợ chồng nào mà chẳng cãi nhau… không nhiều thì ít, con người chứ bộ thánh sao mà…

Thấy tôi có vẻ bị kích động, Lãm cướp lời:

-Em nói đúng. Nhưng chưa bao giờ ba mẹ cãi nhau trước mặt anh. Có thể những chuyện đó xảy ra ở trong phòng riêng của ba mẹ hay một chỗ nào đó. Và chắc chắn là rất nhẹ nhàng chứ không ầm ĩ như những người khác. Mẹ anh nói, để con cái thấy gia đình là cái địa ngục trần gian thì không đứa nào dám lấy vợ, lấy chồng.

Tôi lặng nhìn Lãm mà nghe lòng mình chùng xuống. Lãm hạnh phúc hơn tôi nhiều. Vì hình như ba má tôi chưa bao giờ nghĩ đến con cái một cách sâu sắc như thế.

***

Tôi uống cạn tách trà trong khi chờ Lãm trả tiền. Vừa dợm đứng lên thì nghe phía sau lưng một giọng nói quen thuộc vang lên:

-Thật bất ngờ khi gặp lại anh.

Má! Theo phản ứng tự nhiên, tôi tuột người xuống, dựa vào thành ghế cao nhồng che khuất cái đầu của người ngồi trong hai chiếc ghế đâu lưng vào nhau.

-Ừ! cũng gần ba mươi năm… Gia đình Trinh, vợ chồng con cái ra sao?

-Dạ! cũng bình thường. Ba đứa con đều vào đại học. Hai đứa lớn đi học xa. Đứa nhỏ nhất ở chung với em. Còn anh… cũng không có gì thay đổi. Vừa nhìn thấy anh, em nhận ra ngay….

Người đàn ông đang nói chuyện với má là ai? Là bạn hay người tình cũ mà sao giọng nói của má dịu dàng quá. Dịu dàng đến nỗi tôi có cảm giác đó là một người xa lạ mà tôi chưa từng gặp.

Tôi lắng tai nghe ngóng xem má có nói về chuyện ba má ly dị không. Nhưng tuyệt nhiên má không nhắc đến chuyện ấy mà còn kể chuyện của ba, của chị em chúng tôi một cách rất bình thường. Có thể, sau những phút gặp gỡ đầu tiên này, má sẽ đưa câu chuyện đến phần quan trọng mà tôi chờ đợi. Nhưng chẳng bao lâu Lãm đã trở lại bàn và tôi phải đứng lên. Tôi mặc áo ấm, kéo chiếc mũ trùm kín đầu, tựa sát vào Lãm, bước vội ra ngoài. Ra đến cửa, trời đang mưa lất phất, Lãm bảo tôi chờ anh lái xe đến. Tôi lấy kính đen đeo vào mắt, đứng tựa cây cột ngoài hiên nhìn vào trong, quan sát người đàn ông đang ngồi đối diện với má. Ông ta khoảng trên năm mươi tuổi, đôi chân mày rậm trên khuôn mặt chữ điền cùng mái tóc dày và hàm râu mỏng trông rất nghệ sĩ. Đôi mắt sáng của ông nhìn thẳng vào mắt má khi trò chuyện, khiến tôi có cảm giác ông là một người rất thẳng thắn và trung thực, một loại người mình có thể tin được từ cái nhìn đầu tiên.

Lãm đậu xe sát lề. Tôi bước lên xe mà vẫn còn lóng ngóng nhìn vào quán. Lãm trêu tôi:

-Muốn ăn thêm nữa hả?

Tôi lắc đầu, cười không nổi với câu chọc ghẹo quen thuộc của Lãm. Lãm nhấn nhẹ chân ga, mắt không rời khỏi tôi với cái nhìn đầy thắc mắc.

***

Buổi chiều trở về nhà, tôi và má ngồi vào mâm cơm với chiếc bàn quen thuộc trống một chỗ ngồi, nhưng sao tôi cảm thấy không khí nhẹ nhàng, dễ chịu vô cùng. Không còn tiếng cằn nhằn cộc lốc, không còn ánh mắt nghiêm nghị và khuôn mặt nặng như chì mỗi khi món ăn không vừa ý ba. Nếu biết được điều này có lẽ ba sẽ cảm thấy câu nói “để xem bà và lũ con sống ra sao khi không có tôi” trở nên mai mỉa đến chừng nào. Tội nghiệp ba. Không biết đến bao giờ ba mới bỏ được tư tưởng người chồng, người cha là chủ gia đình thì phải nghiêm khắc, cứng rắn, độc đoán mới tạo được nề nếp, có trên, có dưới và con cái mới khép mình vào kỷ luật, răm rắp tuân theo mệnh lệnh của ba. Thưa ba! con cần một người cha gần gũi, thân mật và cởi mở đồng hành với con, để con có thể nói với ba tất cả những gì sâu kín trong lòng con, chứ không phải là nỗi sợ hãi, sự rụt rè mỗi khi chạm phải ánh mắt của ba.

-Con sao vậy?

Tôi giật mình, và nhanh miếng cơm vào miệng:

-Đâu có sao … con đang cảm nhận cái không khí …hơi là lạ này..

Má nhìn tôi như chờ đợi. Tôi rút vai cười khúc khích:

-…. Cái không khí tự do… hình như má con mình vừa được “giải phóng”

Má chỉ tay vào trán tôi:

-Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm. Ba mà nghe được thì con chỉ có nước… chết…

Tôi le lưỡi. Nhớ có lần anh Nguyên bị ba rày oan, tức quá mà không dám trả lời, chỉ chạy vào phòng, giận dữ phân trần với tôi và chị Phượng “Ba là người bảo thủ, độc đoán, hễ không vừa ý tụi mình thì chửi “đồ bất hiếu” dù chuyện mình làm chẳng dính dáng gì đến chữ hiếu, giận má thì chửi “học thói đàn bà Mỹ coi chồng không ra gì”. Đi họp hành mà lý luận không lại người ta thì chụp mũ người ta là cộng sản”. Vâng! ba tôi là thế đó. Nhưng lạ một điều là ông không nhận ra khuyết điểm mà chỉ biết trách cứ số phận mình cô độc -cô độc ngay cả trong gia đình- vì không đứa con nào thích đến gần ông để nghe ông “lên lớp” đủ mọi chuyện, dù chuyện đó ở ngoài tầm hiểu biết của ông.

Tôi buông chén, nhìn thẳng vào mắt má:

-Má có cảm thấy hối tiếc với quyết định …. này không?

-Không, Má mệt mỏi quá rồi. Lâu nay tự nhủ phải ráng chịu đựng cho đến ngày các con lập gia đình. Lúc đó, chỉ còn lại ba và má thì việc chia tay sẽ không ảnh hưởng đến con cái. Nhưng không ngờ việc xảy ra sớm hơn dự định của má.

-Có phải vì ba đã quen với một người phụ nữ nào đó nên má giận …

-Không, chuyện đó không ảnh hưởng gì đến má. Tình cảm giữa ba má đã hết từ lâu, nên dù ba có ai đi nữa má cũng không quan tâm.

Tôi dò hỏi:

-Má có nghĩ rằng một ngày nào đó… khi hết buồn má sẽ bước thêm bước nữa không?

Má lắc đầu:

-Má đâu muốn chuốc thêm cái khổ nữa. Được sống hàng ngày bên cạnh con má cảm thấy mình hạnh phúc lắm rồi.

Tôi thả “trái banh thăm dò”:

-Con nghĩ trong thời gian này má nên tìm lại những người bạn cũ để nguôi ngoai nỗi buồn.

Má cười:

-Ai cũng bận bịu gia đình, đâu rảnh rang để đi chơi hay trò chuyện với má.

Tôi muốn hỏi “vậy người đàn ông đi ăn trưa với má thì sao?” nhưng chợt nghĩ… dù sao, cũng còn quá sớm để đặt câu hỏi này với má.

***

Tôi đến nhà Trâm thì khách đã tề tựu đông đủ. Thằng bé trai tròn tuổi thôi nôi ngày hôm nay được đặt ngồi trên bàn, chung quanh là gương, điện thoại, máy tính, kéo, kềm…. và không biết bao nhiêu thứ khiến tôi chóa mắt, nói gì đến thằng bé. Thằng bé quay sang trái rồi quay phải, nhìn tới nhìn lui, trong khi chung quanh những tiếng thúc hối vang lên “lấy cái này nè con, lấy cái này nè…”. Sau một hồi chọn lựa, nó chụp lấy cái gương đưa lên, rồi nhìn vào đó nhăn mũi, nhe răng “hic hic” khiến mọi người cười lăn.

-Vậy là lớn lên nó sẽ không làm gì hết, chỉ ăn diện để đi cua đào.

Có tiếng cười dòn dã nổi lên. Tôi quay lại, và nhận ra ngay khuôn mặt đã có lần nhìn thấy. Từ lúc đó, tôi không ngừng theo dõi người đàn ông vừa nói. Ăn uống xong, ông bước ra sau vườn ngồi hút thuốc. Tôi đến bên Trâm nói vu vơ vài câu chuyện rồi giả vờ vô tư hỏi:

-Ông nào mà trông giống tài tử Hồng Kông vậy?

Trâm cười ha hả:

-Cậu tao đó, ổng nghe mi nói câu này chắc thích lắm.

Tôi nheo mắt cười rồi bước ra cửa. Người đàn ông nhìn tôi với nụ cười phúc hậu.

-Chào cậu, cháu là Diễm bạn của Trâm. Nghe Trâm nói cậu ở Illinois … trông cậu giống tài tử Hồng Kông quá….Cậu ở đây chơi bao lâu? ….

Hình như tôi bị kích động đến nỗi không kiểm soát được lời nói của mình, nên cứ hỏi lung tung, khiến ông giương mắt nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên. Sau cùng thì ông phì cười:

-Diễm hỏi nhiều quá, cậu biết trả lời câu nào trước đây?

Lối xưng hô thân mật của ông làm tôi bỗng thấy gần gũi với ông hơn và đồng thời cũng giúp tôi lấy lại bình tĩnh.

-Cậu ở Illinois mười mấy năm. Hai tháng trước, mẹ của Trâm là chị của cậu ở Việt Nam sang đây, nên cậu về thăm. Bà đang thuyết phục cậu dọn về Dallas để có chị, có em.

Tôi làm ra vẻ hóm hỉnh:

-Cậu đây mà mợ đâu rồi… sao cháu không thấy?

Ông đứng lên, đốt tiếp điếu thuốc đưa lên môi, rồi ngẩng đầu thả những vòng thuốc trắng xóa, trong giọng nói có chút bùi ngùi:

-Bây giờ cậu chỉ có một mình… mợ đã bỏ đi hai năm rồi!

Tôi bối rối xoắn hai bàn tay vào nhau, mù mờ không hiểu rõ nghĩa của hai chữ “bỏ đi”. Có lẽ đoán được tâm trạng của tôi, nên ông chỉ tay lên trời cười nhẹ:

-Mợ đang ở trên đó…

-Xin lỗi cậu, cháu vô ý quá.

-Không sao… à! cháu và Trâm quen nhau từ bao giờ vậy?

-Dạ lâu lắm… từ lúc hai đứa còn học…. mà cậu có bạn bè nào ở đây không?

-Không!.. à! cậu mới tình cờ gặp lại người bạn cũ sau hàng chục năm mất liên lạc.

Tôi chống hai tay dưới cằm, ra vẻ thích thú, dù trong lòng có chút hồi hộp:

-Cảm giác của cậu thế nào khi gặp lại một người bạn… rất cũ?

Ông bật cười vì lối diễn tả của tôi:

-Bất ngờ. Vui. Cảm động.

Tôi nghiêng đầu ra chìu suy nghĩ:

-Gặp bạn mà vui như vậy thì gặp bồ cũ chắc còn vui hơn cậu hả?

Ông búng mũi tôi:

-Cái đó cậu không biết, vì cậu chưa bao giờ gặp lại bồ cũ … mà thiệt tình cậu cũng chẳng có bồ cũ để mà gặp.

Tôi che miệng cười hăng hắc. Cười vì một niềm vui lạ lùng khó diễn tả. Nhưng nụ cười “đầy ý nghĩa” cho riêng tôi lại gây cảm tình đặc biệt với người đàn ông lần đầu tiên tôi gặp mặt.

-Không ngờ Trâm lại có một cô bạn lém lỉnh và dễ thương như cháu.

Tôi và ông tiếp tục trò chuyện thật tương đắc. Ông đâu biết trong đầu tôi đang sắp xếp một cuộc gặp gỡ hữu ý mà như vô tình giữa ông và má để tôi kiểm chứng lại một nghi vấn đang tràn đầy trong lòng.

***

Nhưng mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên. Trong khi tôi chưa tìm ra một lý do hợp lý nào để “cậu” và má gặp nhau, thì hai ngày sau Trâm gọi điện thoại mời tôi đến nhà ăn trưa để tiễn “cậu” ra phi trường.

Người mở cửa cho tôi là “cậu”.

-Sao cậu về sớm vậy?

-Có chuyện bất ngờ khá quan trọng nên đành chịu.

Tôi vào phòng khách chào mẹ Trâm rồi hỏi:

-Bác có kéo được cậu về đây ở gần bác không?

“Cậu” nheo mắt ra dấu tôi đừng hỏi, trong khi mẹ Trâm lắc đầu quay sang thằng cháu ngoại, cột lại cái yếm trên cổ áo cho nó. Thấy thái độ giận dỗi của mẹ Trâm, “cậu” nói vài câu khôi hài, bác vẫn im ỉm. Nhưng mắt bác chợt bừng sáng khi “cậu” nói:

-À! quên kể chị nghe, em có gặp Trinh!!

Mẹ Trâm quay lại thật nhanh:

-Thật à! cô ấy ra sao rồi? sao cậu biết cô ấy ở đâu mà đi tìm?

Dĩ nhiên là Trâm chưa bao giờ biết tên thật của mẹ tôi. Mặt khác, tuy tôi và Trâm thân nhau, nhưng hai gia đình cũng chẳng biết nhau. Tôi yên lặng và hồi hộp chờ đợi câu nói tiếp theo.

-Chỉ là tình cờ thôi chứ em đâu có tìm. Nghe Trinh kể gia đình cô rất hạnh phúc, con cái cũng đã trưởng thành.

-Chị mừng cho cô ấy…

Rồi mẹ Trâm huyên thuyên nhắc lại chuyện ngày xưa -Cái ngày xưa có liên quan đến má mà tôi chưa bao giờ được nghe kể- Mẹ Trâm say sưa nói đến nỗi “cậu” phải nhắc nhở nhiều lần:

-Chị ăn đi, cứ nói mãi tô phở nguội hết bây giờ.

Khi chồng Trâm báo đã đến giờ ra phi trường, cậu đứng lên chào từng người. Với tôi “cậu” bắt tay xiết chặt:

-Lần sau trở qua chắc chắn cậu phải dành nhiều thời gian để trò chuyện với Diễm hơn.

Mẹ Trâm không quên dặn dò:

-Kỳ sau phải đưa chị đi thăm cô Trinh với.

Mẹ Trâm vẫn chưa hết nỗi háo hức với tin tức “cô Trinh” nên ngồi xuống tiếp tục kể chuyện:

-Cái cô Trinh mà cậu con vừa kể rất xinh xắn, dễ thương. Cái hồi ấy, mợ con và cô Trinh đều là bạn học của cậu. Hai cô là bạn thân, thường theo cậu đến nhà chơi. Tính cô Trinh dịu dàng, đằm thắm, lại có nết, có ý, nên cả nhà ai cũng thương. Tội cô Trinh lắm, mẹ mất sớm, bố lấy vợ khác, phải chịu cảnh mẹ ghẻ. Nhiều khi cô ấy sang nhà chơi mà trên tay vẫn còn nguyên lằn roi đỏ ửng. Khổ thân! ông bố thì cứ lo làm giàu, chẳng lý gì đến con cái. Bà ngoại biết là cô Trinh yêu cậu, nhưng cứ lặng lẽ, còn mợ con bạo dạn, nhanh mồm nhanh miệng nên cột chân được cậu. Ngày đám cưới của cậu mợ, cô Trinh sang nhà giúp hai ngày, hai đêm nhưng đến hôm rước dâu, bày biện tiệc cưới xong xuôi, cô ấy lặng lẽ ra về chẳng ai hay. Từ đấy, mẹ không gặp lại. Nghe mợ con kể, sau này ông bố ép cô Trinh lấy chồng là con trai của một người bạn cũng giàu nứt vách đổ tường. Bà ngoại con cứ chép miệng thở dài, lo lắng không biết cô Trinh có hạnh phúc hay không? Bây giờ, nghe cậu nói gia đình cô ấy hạnh phúc mẹ cũng mừng …

Tôi nhìn bác, rất muốn nói “bác ơi! từ ngày về với ba… hình như má con chưa có một ngày hạnh phúc”. Nhưng… đó là niềm riêng của má, cũng như tất cả những gì tôi vừa nghe được là cả một nỗi đau thầm kín mà má đã dấu kín trong lòng. Mắt tôi bỗng cay xè. Tôi cúi xuống, đẩy nhẹ chiếc ghế, bước nhanh về phía bếp.

-Diễm cần gì?

Tôi cố nuốt nỗi nghẹn ngào xuống lồng ngực, trả lời Trâm:

-Ô!… lấy nước uống.

Giọt nước đầu tiên thấm vào môi tôi sao mặn lè như nước mắt. Từ bấy lâu nay, tôi chưa bao giờ chú ý đến đời sống nội tâm của má, để biết rằng trái tim của má đã một lần tan vỡ. Và ba, người đến sau, đã từng ngày dẫm lên trái tim mang thương tích đó một cách vô tình, tàn nhẫn.

Những ngày sau đó tôi gọi điện thoại cho cậu thường xuyên. Tôi muốn tạo một sự gần gũi, thân mật để khi có dịp thuận tiện tôi sẽ hỏi cậu một câu hỏi mà từ khi biết chuyện tôi rất muốn hỏi. Nhất là những khi thấy má đứng một mình bên cửa sổ, nhìn vào khoảng lặng trước mặt bằng đôi mắt vô hồn. Tôi biết má buồn, nhưng tôi không thể đoán được chính xác là má buồn vì gặp lại cậu hay buồn vì nghe tin ba sắp mặc áo chú rể, dù má đoan chắc với tôi rằng:

-Ba vẫn là ba của tụi con, nhưng ba không còn là chồng của má. Nếu tụi con không buồn thì má không có lý do gì để buồn.

-Vậy có khi nào má buồn vì … một người khác không?

Má nhìn tôi cười nhẹ. Dù nụ cười gượng gạo không đủ làm tươi đôi môi đã nhạt màu, nhưng má vẫn cố cợt đùa:

-Nếu có một người để …. buồn thì cuộc đời cũng đáng sống lắm chứ. Như con vậy, con giận Lãm hoài, nhưng má vẫn cảm nhận được con gái của má rất hạnh phúc..

-Đừng nói chuyện con, nói chuyện của má kià. Má chưa trả lời cho con biết là …

Reng reng… tiếng chuông điện thoai reo lên đúng lúc đã giúp má né tránh được câu hỏi khó trả lời. Tôi nhăn mặt khi má lơ đãng nhìn lên trần nhà như không thèm biết đến sự chờ đợi của tôi. Tôi cũng buồn cười vì sự mâu thuẫn của mình. Lúc nhìn thấy má và “cậu” trong tiệm ăn, tôi nơm nớp lo sợ má sẽ có mối quan hệ với người đàn ông khác. Bây giờ thì ngược lại. Tôi cố gắng với mong ước sẽ mang đến cho má niềm vui trong quãng đời còn lại.

Nhưng rồi tôi vẫn loay hoay trong cái vòng tròn lẩn quẩn. Mỗi lần điện thoại trò chuyện với “cậu”, tôi định nói những câu đã được sắp đặt sẵn, nhưng lại ngại ngùng, để rồi sau tiếng “bye”, tôi lại bực bội với chính mình. Cứ như thế cho đến một ngày cậu vui vẻ báo tin:

-Tháng sau cậu sang Dallas. Kỳ này Diễm phải sắp xếp để đưa cậu đi chơi nhé, chứ như lần trước ngồi nhà mãi thì chán lắm.

Tôi không bỏ qua một dịp may hiếm có.

-OK! cháu sẽ đưa “cậu” đến bất cứ nơi nào “cậu” muốn. Ngay cả đi…..

Tôi lúng túng, ngập ngừng. Bên kia “cậu” nôn nao thúc giục:

-Ngay cả đi …. mà đi đâu!

-Đi… thăm cô Trinh.

Nói xong “câu khó nói nhất” tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng như vừa trút xong một gánh nặng.

-Cô Trinh? Diễm cũng … biết chuyện cô Trinh à?

-Dạ. Hôm đó, lúc chồng của Trâm đưa “cậu” ra phi trường, Bác đã kể cho cháu nghe chuyện của “cậu”. Chuyện ba người ấy mà.

-Bà chị của cậu nói xấu cậu thế nào?

-Bác kể chuyện cô Trinh ôm mối tình đơn phương và lặng lẽ ra về vào giờ “cậu” đi đón dâu. À! hôm gặp lại cô Trinh “cậu” cảm thấy thế nào? “cậu” có cảm thấy… con tim đã vui trở lại không?

-Con tim của cậu vẫn bình thường, chẳng có gì khác lạ. Ngày trước và bây giờ, cậu vẫn xem Trinh như cô em gái. Thứ tình cảm rạch ròi như vậy khó bước qua cái ranh giới đã có sẵn. Cậu chỉ vui khi biết Trinh đang có một gia đình hạnh phúc. Thế thôi. Cậu cũng không hề mong muốn gặp lại Trinh một lần nữa.

-Vậy à? câu trả lời có hơi tàn nhẫn đó “cậu”!

“Cậu” cười ha hả vì nghĩ tôi đang đùa. Như vậy, câu nói mà tôi rất nhiều lần muốn nói “thật sự, cô Trinh -má của cháu- không có một gia đình hạnh phúc!” có thể sẽ không bao giờ được nói ra.

Tôi lặng lẽ buông máy xuống, không một lời từ biệt. Sau lần trò chuyện đó tôi đã gạch bỏ số điện thoại của người đàn ông mà đã có lần tôi gọi bằng “cậu” trong quyển sổ tay. Người đàn ông mà nếu ngày trước không có những lần đắn đo, chắc chắn tôi sẽ làm trái tim má thêm một lần tan vỡ khi nghe được câu nói rất hững hờ của ông “cậu cũng không hề mong muốn gặp lại cô Trinh”.

Ngày ông đến Dallas cũng là ngày tôi đưa má về Việt Nam ăn tết. Trên chuyến bay dài hơn hai mươi tiếng đồng hồ, tôi tựa đầu vào vai má để tìm giấc ngủ và chợt nhận ra, mình chỉ là một con bé khờ khạo khi muốn làm chim ô thước để bắc một nhịp cầu []

Ngân Bình

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search