T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Như Hoa : Người Đi Qua Nhà Tôi

clip_image002

Trong dòng sống tất bật mà chúng ta bị hút vào mỗi ngày, có lúc nào bạn đủ sức cưỡng lại, bước ra đứng bên lề , để nhìn thật kỹ sự hiện hữu của mình, sự hiện hữu của người, của vạn vật chung quanh. Có lúc nào bạn chợt nhận ra, một người nào , một vật nào đó đó vừa biến mất khỏi thế gian này . Và có lúc nào bạn giật mình nghĩ đến cái khỏanh khắc mình cũng mất tăm như thế, không ai biết, không ai hay ? Có biết, có hay, có thương tiếc của người thân , của bạn bè rồi thì cũng nguôi ngoai theo ngày tháng. Ai cũng phải sống cuộc đời của mình cho đến ngày . . . chết.

Tôi nhận được đỏan văn sau đây của nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh, một vị lão niên tuổi đời đã khá nặng nề. Những ghi chép của ông về một con người đi qua nhà ông không bằng con mắt dửng dưng của kẻ đứng bên lề. Ông nhận ra sự hiện hữu của một sinh vật ( người đàn ông ) . Và thật đáng yêu, ông cũng nhận ra được sự không còn tồn tại của sinh vật ấy.

Hy vọng ” người đi qua nhà tôi ” sẽ về được nơi ông muốn về.

T.Vấn

 

Người Đi Qua Nhà Tôi

Như Hoa Lê Quang Sinh

Một ngày như mọi ngày… Từ sáng sớm hơi sương còn lãng đãng trong không gian tĩnh lặng, một bóng người lầm lủi lê gót chân từng bước, từng bước khập khễnh đi ngang qua sân trước nhà tôi. Từ cửa sổ thư phòng nhìn ra ngoài, hình bóng một người đàn ông trạc tuổi lục tuần ẩn hiện sau hàng cây cảnh trước sân nhà. Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, dù nắng mưa hay rét mướt, người đàn ông này vẫn xuất hiện với cây gậy trên tay chống đỡ tấm hình hài gầy guộc, tật nguyền, vẫn chiếc nón lưỡi trai che đầu mưa nắng, vẫn chiếc áo khoác xanh cũ kỹ phai màu và cái túi xách nhỏ quàng ngang vai. Thoạt đầu tôi cứ tưởng ông ta là một người vô gia cư, hay một người hành khất lang thang trên con đường vô định…

clip_image003

Hỏi ra mới biết ông ta là một người tù cải tạo, qua định cư tại Hoa Kỳ dưới dạng tỵ nạn chính trị sau khi vượt biên qua ngả Thái Lan. Ông đi một mình để lại vợ con ở quê nhà. Qua Mỹ ông bắt đầu làm việc kiếm sống. Nhưng không may ông bị tai nạn lao động gãy một chân nên từ đó không kiếm được việc làm. Ông sống với sự trợ cấp của chính phủ. Nơi ở của ông là một căn phòng nhỏ thuê lại của chủ nhà. Ông sống cô đơn, không người thân, không bạn bè, thậm chí ông không có đến một phương tiện gì để giải trí, như TV, Radio… Cuộc sống của ông là những chuổi ngày thầm lặng bên lề xã hội. Mặc dù tật nguyền, ốm yếu, ông cũng tự lo lấy đời sống của mình qua ba việc rất đổi bình thường: đi chợ mua thức ăn nấu sẳn, tự giặt giủ áo quần, và tối đến là lên giường ngủ. Vợ ông ở Saigon đã đi lấy chồng và không còn liên lạc với ông nữa. Ông cũng không có đủ khả năng để bảo lãnh hai đứa con qua Mỹ, đành âm thầm sống một mình trong cô đơn giữa một xã hội văn minh vốn có sẳn nhiều phương tiện kỷ thuật tân tiến phục vụ con người.

Đã mấy năm nay, mỗi sáng sớm tôi vẫn thấy ông đi qua nhà tôi, một mình lủi thủi lê bước chân khập khiễng, tay tựa trên chiếc gậy mong manh như thân xác gầy gò xanh xao không còn sinh lực của ông. Ông bước đi chậm rãi, luôn luôn cúi mặt xuống đất không nhìn lên trời, có lẽ ông không muốn nhìn thấy cảnh đời bon chen xuôi ngược để cho cõi lòng mình được yên bình thanh thản. Hình như chiếc mũ lưỡi trai chụp trên đầu cũng đồng tình với ông; nó che khuất tầm nhìn lên của ông. Sáng sớm ông đi và đến xế trưa ông mới trở về. Ông sống nơi phồn hoa đô thị mà cầm bằng như ở chốn lâm tuyền. Ông chỉ biết một con đường từ nhà ông đến chợ và trở về. Đôi khi mỏi mệt ông dừng chân trước sân nhà tôi để ngắm những bông hoa, cây cảnh trong vườn. Ông chiêm ngưỡng thật lâu những cánh hoa màu đỏ thắm của cây lựu nở rộ vào mùa Xuân. Có thể màu đỏ thắm của hoa lựu làm ông nhớ lại màu hoa phượng vĩ trước sân trường ghi dấu ấn những kỷ niệm êm đềm của thời dĩ vãng, thời học sinh thơ mộng xa xưa…

clip_image005

Mùa Đông năm nay ở Dallas thời tiết khá lạnh không như những năm trước đây và kéo dài rất lâu. Ban đêm hàn thử biểu xuống 25-28 độ F, ban ngày lên chút đỉnh đến 30-40 độ F. Ngồi trong xe còn phải mở máy nóng. Thế nhưng ông vẫn mặc chiếc áo khoác mỏng với chiếc quần kaki cũ kỹ và vẫn bình thản đi đi về về bất chấp cái lạnh buốt xương. Ông phải đi để mua thức ăn hằng ngày đã nấu sẳn ở chợ; ông không biết làm bếp, và bà chủ nhà không cho ông sử dụng tủ lạnh để trữ thức ăn. Hoàn cảnh của ông thật bi đát. Cảm thông tình cảnh của ông, tôi đem tặng ông chiếc áo khoác bằng nỉ và một cái khăn choàng cổ cho đở lạnh. Ông vui vẻ nói lời cám ơn.

Mùa Đông qua đi, rồi mùa Xuân lại đến. Những cây cảnh trước sân nhà đã cùng với tiết xuân đơm hoa nở nhụy. Cây lựu đã nở rộ những chùm hoa đỏ rực tươi thắm như mời gọi người khách qua đường dừng chân chiêm ngưỡng. Nhưng mùa Xuân năm nay, từ cửa sổ thư phòng nhìn ra vườn, tôi không còn thấy bóng dáng ông đi qua nhà tôi nữa.

Như Hoa Lê Quang Sinh

Xuân Tân Mão

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search