T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tháng 9 Năm 2008

Bến Bình Yên – Tranh: Mai Tâm

25 tháng 9 năm 2008

Ai cũng có một quê hương để trở về, nơi đó có mồ mả cha ông và núm ruột để lại. Ai cũng có một thành phố của những ngày mới lớn trái tim biết rung động lần đầu tiên để những đêm không ngủ thổn thức nhớ về. Ai cũng có căn nhà thuở ấu thơ để khi mái tóc bạc phơ về lại trước hiên nhà, đứng kiễng chân nhìn vào mà tưởng tượng như còn nghe tiếng mẹ hát ru à ơi đưa con vào đời. Không tôn trọng những riêng tư ấy ở một con người là độc ác. Lợi dụng những tình cảm ấy cho những mục tiêu chính trị nhất thời là vô luân.

Khi tôi nói lên những điều này, có thể tự tôi đã chất lên vai mình thêm những hệ lụy không cần thiết. Nhưng biết làm sao khác hơn được. Cõi người ta tự nó vốn đã không bằng phẳng dễ đến dễ đi, mà những cư dân ở đó lại chọn cho mình niềm vui bằng cách làm cho mọi việc trở nên rối rắm hơn. Âu cũng là định mệnh làm người, cái định mệnh có ma đưa lối, quỷ dẫn đường.
Giờ đây, khi ngoảnh mặt nhìn lại đoạn đường đời đã đi qua, bất chợt, tôi thấy đoạn đường còn lại phía trước sao mà ngắn ngủi. Và cũng bất chợt, tôi nhìn ra những giằng xé buốt lòng của kẻ tha hương. Phần cuối con đường đang sừng sững phía trước, bây giờ là lúc nên tiếp tục ra đi hay trở về? Nhưng đi là đi đâu, và về, là về đâu? Hay lại giống như nỗi bất hạnh của một người nghệ sĩ, suốt một đời trăn trở, giây phút cuối cùng nằm xuống cũng vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho câu hỏi mà chính ông đã đặt ra cho mình. Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà. Bao nhiêu người ra đi đã thực sự chuẩn bị cho mình ngày trở về? Và khi đối đầu với giây phút phải làm một sự lựa chọn, mấy ai không thao thức trăn trở? Tôi cũng sắp sửa phải đối diện với phút sự thật ấy của riêng mình. Ra đi hay trở về, tôi chưa biết mình sẽ chọn con đường nào, nhưng cái trăn trở của tôi còn là liệu mình có đủ đảm lược để đi theo con đường mình chọn hay không?
Người ta cần đến đảm lược để sống đã đành, nhưng để chết, cũng phải cần đến đảm lược hay sao?

(trích: Trở về hay Ra đi?)

_______________________________________________________________________________

Tất cả những sự xây dựng của thế giới hôm nay đều đặt nền trên mồ mả những tiền nhân đã qua đời. Điều ấy đúng ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng mấy ai nhớ được đến món nợ ấy để ý thức rằng mình phải trả lại cho các thế hệ mai sau?

Trên đất nước tôi, có nơi nào mà không có người chết, có nơi nào mà oan khiên, khổ nhục không bám vào từng gốc cây, ngọn cỏ. Trên những mồ mả không thừa nhận, trên những nỗi đau không được đặt tên, sự sống hôm nay đã thành hình. Trên đất nước tôi, bi kịch còn nằm ở sự cương quyết chối từ những món nợ ấy, món nợ mà những người chết với hồn ma bóng quế dật dờ đã không ngừng khuyến cáo thế hệ hôm nay đừng bao giờ để cho những cái chết như của họ xẩy ra nữa.

Trên đất nước tôi, người ta không học hỏi được gì từ 3 triệu cái chết oan uổng của đồng bào, đồng đội. Trên đất nước tôi, người ta không biết cầu nguyện, không được phép cầu nguyện, không thể cầu nguyện.

Và vì thế, những người đã chết, dù rất muốn vẫn không thể đưa tay chúc lành.

_____________________________________________________________________

Cuộc sống lúc nào cũng đầy ắp những bề bộn, ngổn ngang. Những cái ngổn ngang bề bộn hàng ngày – tuy đôi lúc vô cùng nhỏ nhoi vô nghĩa – nhưng chúng chưa bao giờ cho chúng ta được có cảm giác thật thảnh thơi, nhàn nhã, để chúng ta có thể – một cách bình tâm – nhìn lại một ngày sống đã qua đi, một quãng đời sống đã qua đi. Chúng ta quá mải mê đi về phía trước, mải mê đi đến điểm đích cuối cùng cuộc đời mình. Đến lúc ấy, những bước chân thời gian – của một đời – cũng sẽ ngừng lại trước cái dấu chấm hết lạnh lùng ác nghiệt. Liệu lúc ấy có quá muộn không để chúng ta ngoái cổ nhìn lại những bước chân hôm qua, những bước chân hối hả của cuộc nhân sinh ba vạn sáu ngàn ngày ngắn ngủi?

Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng liệu có cưỡng lại được dòng sống không?

Ngày xưa, người ta bỏ nhà lên núi, lên rừng. Ngày nay, có thể làm như vậy được không khi mà màng lưới khoa học kỹ thuật đã bủa vây không cho một ai có cơ hội thoát thân, dù có ở tận đầu non góc biển, cuộc sống trần tục cũng theo với những làn sóng vô hình mà buộc người ta cứ phải bước đi cho đến khi không còn bước đi được nữa.

Đó là khi đã nằm gọn trong cỗ quan tài, tiện nghi cuối cùng cho một đời người.

Ngày 11 tháng 9 năm 2008

Chỉ có sự nhân hậu mới cứu rỗi được thế giới này

Cả thế giới chết lặng khi chứng kiến tận mắt chiếc phi cơ chở đầy hành khách được dùng làm vũ khí đâm thẳng vào tòa nhà chọc trời, nơi có hàng chục ngàn con người đang cặm cụi làm việc để dựng xây thế giới. Chỉ có lòng thù hận hoặc sự sùng bái tin tưởng mù quáng mới sai khiến được con người phạm vào tội ác lớn lao dường ấy. Chúng ta đã chứng kiến tận mắt sức mạnh của những thế lực đen tối trên mặt đất không hoàn hảo này. Và vì thế giới chúng ta đang sống không bao giờ là một thế giới hoàn hảo, nên đã nẩy sinh ra những tội ác. Nhưng cũng nhiệm màu làm sao, từ những tan hoang, đổ nát, chết chóc, tôi vẫn thấy con người hiện ra sừng sững. Cái con người mang tính bản thiện, mang hình ảnh Thượng Đế xuống trần gian để cải tạo trần gian. Để giúp con người nhận chân được rằng, dù thế gian này không hoàn hảo nhưng là nơi duy nhất xứng đáng để vinh danh con người. Những con người sừng sững mà tôi muốn nói đến đây là những người lính cấp cứu thuộc Sở Cứu hỏa thành phố Nữu-Ước. Những người cảnh sát thuộc Sở Cảnh sát thành phố Nữu-Ước. Là những con người vô danh, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để bảo vệ mạng sống những người khác. Là những con người nhân hậu, yêu người khác như chính mình ta vậy. Đó là những bông hoa đẹp nhất trong những bông hoa đẹp nhất của nhân loại nở giữa cái xấu xa nhất trong những cái xấu xa của nhân loại trong cái ngày đáng nhớ nhất trong những ngày đáng nhớ của nhân loại. Người ta đang xưng tụng họ là những anh hùng. Không, những con người đang xả thân mình để cứu giúp những nạn nhân vô tội của một tội ác điên khùng không phải là những anh hùng. Tôi đã quá khốn khổ vì những anh hùng. Đất nước tôi đã quá khốn khổ vì có quá nhiều những anh hùng. Tôi muốn gọi họ là những Con Người Nhân Hậu. Chữ Con Người viết hoa. Chữ Nhân Hậu viết hoa. Thời đại chúng ta đang sống không cần những anh hùng nữa. Hãy để những anh hùng an nghỉ với lịch sử. Chúng ta cần sự nhân hậu. Vì Chỉ Có Sự Nhân Hậu Mới Cứu Rỗi Được Thế Giới Này. Cái thế giới đang tự thiêu hủy chính nó vì hận thù. Cái thế giới bất toàn vì bạo lực. Cái thế giới bé nhỏ vì tưởng mình có thể thay quyền Thượng Đế. Ôi làm sao cắt nghĩa được điều không thể cắt nghĩa nổi?

Xin chắp tay nguyện cầu

Khổ đau chồng chất đã làm khô kiệt những tuyến nước mắt. Tôi chẳng có gì để khóc nữa. Tất cả đã đổ ra cho ba mươi năm chinh chiến người chết từng giờ trên đất nước thứ nhất của tôi. Cho mười lăm năm gian khổ nhục nhằn lênh đênh trên sóng biển tìm đến bến bờ tự do của đồng bào ruột thịt của tôi. Tôi chẳng còn gì để nhỏ xuống khóc thương cho nỗi đau của đất nước thứ hai của tôi nữa. Tôi cảm thấy mình có lỗi khi không thể khóc được. Tôi cảm thấy mình có lỗi khi không thể làm gì được cho những người ra đi mãi mãi ngày hôm nay.

Chỉ xin được đốt nén hương lòng, nguỵện cầu thế giới bình an, nguyện cầu lòng người bình an, nguyện cầu lòng tôi bình an.

Wichita 09/11/2001

Ngày 6 tháng 9 năm 2008

New Orleans lại một lần nữa hứng chịu những nghiệt ngã của thời tiết. 3 năm sau Katrina, chưa hoàn toàn hồi sức, những vết thương chưa lành hẳn thì lại gặp Gustav. Dù sao thì trận bão mang tên của một người đàn ông nên hẳn cũng thừa hưởng được tính “độ lượng“ của phái nam . Và dấu ấn của Gustav tuy đáng ghét thật, nhưng vẫn thua xa nàng Katrina 2005. 23 người chết so với cả ngàn người chết dưới tay người đẹp năm xưa. Sự thiệt hại về vật chất cũng nhẹ hơn rất nhiều so với trận bão trước đây. Nhưng điều nghiệt ngã hơn nữa là còn một trận bão khác nữa đang trên đường tiến đến thành phố nhiệt đới này.

Anh bạn già của tôi, một lần nữa, thách thức với số phận. Căn nhà cũ vẫn chưa được sửa chữa trọn vẹn (dù 3 năm đã trôi qua), nay gặp thêm trận bão kế tiếp. Cũng may mắn, không có thiệt hại gì thêm gọi là đáng kể. Cây đổ, điện bị mất kéo dài nhiều ngày, thực phẩm dự trữ hư thối phải vất đi tất cả. Nhưng những bất tiện đó dường như không có ảnh hưởng gì đến anh bạn tôi. Qua điện thoại, nghe câu chuyện anh kể mà tôi tưởng như câu chuyện của một người nào khác. Cùi rồi, đâu có sợ gì lở nữa.

3 năm trước, anh bạn tôi còn ngần ngừ khi quyết định bám trụ, và có vẻ chán nản khi phải cúi xuống nhặt lại những mảnh vụn vỡ của đời mình. Nhưng, bây giờ, sau Gustav, và mặc cho cơn bão Ike đang gầm gừ ngoài ngõ, anh cứ xăn xái kéo cao tay áo, bắt đầu nhặt lại (lần thứ mấy rồi?) những mảnh vỡ (còn vụn hơn nữa!).

Tôi bỗng sực nhớ: bạn tôi sắp mừng sinh nhật thứ 60.

Một bạn đọc trẻ (hơn tôi), nhân đọc bài viết Hồi Sinh, có gởi đến tôi đọan điện thư ngắn như sau:

“ . . . Hình như em đã tìm ra bóng dáng mình ở trên những trang viết đẹp và đầy ắp chân tình đó. Đây không chỉ là tâm sự của một người, tản mạn về một đọan đời khắc nghiệt sau chiến tranh. Hơn thế nữa, đó là một phản ứng dịu dàng nhưng hùng hồn, đơn giản nhưng sâu lắng cho một khúc quanh quan trọng của cuộc đời nhiều người kém may mắn, nhiều hẩm hiu sau cuộc bể dâu, trong đó có em, một thiếu úy mới ra trường, cựu khóa 4/ĐHCTCT.

Trong tận cùng của tuyệt vọng, bao giờ con người cũng có niềm tin hồi sinh.

Và chính nhờ vào ý niệm hồi sinh, em đã và đang làm mới lại cuộc đời mình.

Đến trường và hòan tất học vấn ở Mỹ, đối với một người ở tuổi 50, với hành trang vỏn vẹn vài câu xã giao Anh Ngữ, với các bận bịu vô cùng của lo toan đời sống mới, trong một môi trường quá đỗi xa lạ và cách biệt, quả là một chuyện làm cơ hồ như không tưởng.

Thế nhưng bằng tất cả nghị lực và khát vọng của sự hồi sinh, ngọn lửa híêm hoi và nhỏ nhoi muộn màng ở cuối đường hầm trên con đường gian khổ, nhưng đầy ngọan mục đã dần dà thành hiện thực. 14 năm, vẫn lầm lũi đến trường, lầm lũi học, lầm lũi vui và lần lũi buồn. Một mình với các trăn trở, hy vọng bởi nào có ai hiểu thấu được lòng ta ?

Mùa xuân và ý nghĩa của hồi sinh. Như một đọan thơ của Tô Thùy Yên đã bầy tỏ : Cám ơn Hoa đã vì ta nở. Thế giới vui từ nỗi lẻ loi . . .

Bài Mới Nhất
Search