T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tháng 8 Năm 2008

Arabella Uhry là một bé gái Trung Hoa, được người hảo tâm nhặt lên từ một đống rác trên đường phố xơ xác của một nước Tàu Cộng Sản, chỉ vài giờ sau khi ”bị“ sinh ra, mà có lẽ cha mẹ em không dám nuôi em trong nhà, vì chính sách một con tàn bạo của chính quyền. Điều may mắn xảy đến cho em là được một gia đình người Mỹ ở New York nhận làm con nuôi. Một hôm, người mẹ nuôi của em nói cho em biết rằng, có những đứa trẻ bằng tuổi em chẳng may bị những chứng bịnh không thể chữa khỏi, như thế, thật là bất hạnh cho chúng vì chúng không thể cắp sách đến trường, không thể chạy nhảy vui đùa ca hát như em. Em tự nghĩ rằng mình là kẻ may mắn, phải nghĩ đến những người không được may mắn như mình. Với sự giúp đỡ của mẹ,em bắt đầu thu thập tên tuổi, địa chỉ của những trẻ thơ bị bệnh nan y và gởi đi những lá thư, những bưu thiếp với nội dung rất đơn giản: Hỏi thăm, chúc mau lành bệnh, khuyến khích người nhận hãy cầu nguyện v .. v.. (Liệu chúng ta sẽ mong đợi gì hơn ở một bé gái 8 tuổi ngoài những lời lẽ đẹp đẽ như vậy, những lời lẽ mà ngay chính người lớn chúng ta vẫn còn hà tiện với nhau, nói gì đến lòng tử tế thực sự). Khởi đầu là với một em bé bị bướu não ở Kansas. Em liên lạc, an ủi cho đến khi em bé tội nghiệp này qua đời hồi tháng 9 năm 2003. Em vẫn tiếp tục sự đóng góp nhỏ bé của mình, tình nguyện gia nhập một tổ chức thiện nguyện chuyên giúp đỡ các em bé bị bệnh hiểm nghèo. Hiện giờ, em đang là cầu nối cho hai em bé gái khác sắp sửa từ giã cõi đời tiếp xúc với nhau. Ở tuổi lên 8 của em bé gái Mỹ gốc Trung Hoa này, phần lớn trẻ sẽ luôn bận tâm về việc mình sẽ nhận được những gì, nhưng riêng em, em quan tâm đến mình có thể làm được gì cho người khác nhiều hơn.

Đã bao lần rồi tôi không biết nhàm chán khi đặt bút xuống viết lại câu Trẻ thơ là ân sủng của trần gian. Và cái chết của những trẻ thơ, tôi không bao giờ tin một cách đơn giản rằng đó chỉ là cái chết như hàng triệu cái chết mỗi ngày trên mặt đất con người. Không, cái chết của trẻ thơ chỉ là sự ra khỏi chỗ mà con mắt trần gian có thể nhìn thấy được. Và con người , dù rất không xứng đáng, nhưng sẽ vẫn tiếp tục được ban cho an sủng quý giá này.

Khi tôi viết những dòng này, thì trên đất nước tôi, có biết bao em bé không được cắp sách đến trường, có biết bao em bé buổi tối đi ngủ với cái bụng lép kẹp, có biết bao em bé không có được một mái nhà để che trên đầu, có biết bao em bé mắc những căn bệnh hiểm nghèo chờ chết trong cô đơn, tuyệt vọng và sự túng quẫn của cha mẹ.

Ngày mai, trên đường đưa các con tôi đến trường cho buổi học đầu tiên, tôi sẽ nhắc lại với chúng những điều này.

Ngày 27 tháng 8 năm 2008

Thế giới có đầy dẫy những chứng cớ cụ thể cho nỗi sợ hãi đang cầm tù chính con người ấy. Sự kiện chính quyền Trung quốc với guồng máy đàn áp khổng lồ trong tay, một dân số hơn một tỷ người chiếm một phần tám dân số tòan cầu, đã biểu lộ sự sợ hãi của mình qua hành động đàn áp đẫm máu một dân tộc thật nhỏ bé là Tây Tạng, dù họ chỉ đòi hỏi những quyền sơ đẳng nhất của con người một cách ôn hòa. Hay sự kiện xảy ra vào cuối tháng 9 năm 2007 tại Miến Điện, nhà cầm quyền quân sự với lực lượng quân đội gần 400 ngàn binh lính đã thẳng tay xả súng bắn vào hàng ngàn sư sãi xuống đường biểu tình yêu cầu một chế độ dân chủ hơn cho người dân Miến Điện. Người dân Tây Tạng hay các vị sư sãi Miến Điện, về tương quan bạo lực, không thể nào là đối thủ tương xứng để cho những nhà cầm quyền độc tài sợ hãi. Thế nhưng, những phản ứng bạo lực để đối phó với những lực lượng hiền hòa chính là hậu quả của sự sợ hãi. Nếu không, họ đã chẳng liều lĩnh phạm phải những tội ác khó tha thứ. Một thí dụ khác nữa ở Việt Nam rất điển hình , là việc tập thơ Trần Dần- Thơ, dù đã được phép in và xuất bản sau khi bị cắt xén khỏang 4o trang, bỏ đi một số bài viết và bài thơ theo yêu cầu “biên tập“, dự trù cho phát hành ngày 21-02-2008 tại Hội Thơ Việt Nam lần thứ 6 tổ chức ở Văn Miếu (Hà Nội) nhưng vào giờ chót, bằng một “lệnh miệng từ trên cao“, tập thơ đã không được phép xuất hiện ở Văn Miếu, và giấy phép phát hành cũng đã bị thu hồi. Trần Dần là một nhà thơ thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, họat động vào những năm 1955 và 1956 ở miền Bắc, đòi hỏi văn nghệ sĩ phải được tự do sáng tác, không chịu sự chỉ đạo của đảng CS. Sau đó, ông và các bạn bè trong nhóm bị chính quyền CS trù dập trong suốt hơn 30 năm. Mãi đến năm 1994, ông mới được cho phép xuất bản tập thơ “Cổng tỉnh“ , được truy tặng giải thưởng văn học của nhà nước năm 2007 (Trần Dần qua đời ngày 17-01-1997). Nhà thơ Trần Dần đã chết hơn 10 năm, vậy mà “ông nhà nước“, kẻ nắm đủ thứ quyền sinh sát trong tay, vẫn còn “nỗi sợ“ ám ảnh họ từ hơn 30 năm nay , dù người bị sợ ấy chỉ có chữ, chỉ có thơ trong tay, những câu thơ nghe cứ rờn rợn cả người:

Càng chết tôi càng bất tử,

Eo ơi

Chết vẫn không yên

( Trần Dần – Xổ Bụi 1988)

Ông nhà nước “ sợ ” cũng chẳng có gì ngạc nhiên.

Ngày 21 tháng 8 năm 2008

Và rồi những ngày hè đã qua đi. Mùa khai trường lại trở về. Trên đường phố lại thấy xuất hiện những chiếc xe chở học sinh quen thuộc, và sáng sáng, quanh những ngã tư gần khu vực trường học, cảnh kẹt xe lại tái diễn với sự nhẫn nại thường lệ của cư dân thành phố. Hôm đầu tuần, đưa các con tôi đi mua sắm vật dụng sách vở cho năm học mới tại chợ Wal-mart, nhìn những em nhỏ xôn xao ríu rít bên cha bên mẹ quanh những dãy hàng xếp dành riêng cho “Back To School“, lòng tôi cứ nao nao nhớ về những năm tháng học trò của riêng mình và văng vẳng trong trí nhớ đang ngày một hao mòn đoạn văn mở đầu bài văn “Tôi đi học“ bất hủ của nhà văn Thanh Tịnh.

. . . Hàng năm, cứ vào độ cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. . .

Trời đất xứ người vẫn chưa vào Thu. Cái nóng mùa hè vẫn còn vất vưởng trên những vòm cây, ngọn cỏ . Nhìn khuôn mặt háo hức của các con tôi với tập vở mới, cặp sách mới, dù rằng thực sự chúng chưa bao giờ thiếu thốn những thứ ấy, và nỗi bồn chồn mong gặp lại được những bạn bè cũ chia tay từ buổi học cuối cùng mấy tháng trước – mặc dù, tận trong lòng chúng, âm vang những ngày tháng vui chơi thoải mái của mùa hè vẫn còn quyến luyến chưa chịu ra đi – tôi bùi ngùi cảm nhận một cách sâu sắc rằng trẻ thơ là ân sủng của trần gian, dù trần gian ấy là bao ngàn năm về trước hay thế kỷ 21, là một ngôi làng êm đềm nhỏ bé của Việt Nam nghèo khổ hay một thành phố nhộn nhịp của nước Mỹ giàu mạnh. Ai cũng có một tuổi thơ để nhớ về, dù đó là một tuổi thơ buồn thảm hay đầy ắp những may mắn mà trần gian này có thể ban phát được. Trẻ thơ, ân sủng của trần gian và là viên ngọc nạm trên khuôn mặt đời lỗ chỗ những hầm hố của hận thù, dối trá, bon chen, ganh tị . . .

Ngày 12 tháng 8 năm 2008

Người bạn thân từ những ngày chúng tôi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường suốt 7 năm trung học , đã đưa tôi đi hầu khắp các đường phố trong một buổi chiều nắng nhẹ, và sau cùng chúng tôi ngồi lại với nhau tại một quán cà phê lộ thiên – như ngày xưa chúng tôi thường ngồi với nhau những buổi chiều trốn học đi hoang, tay phì phèo điếu thuốc Basto xanh thời thượng và ly cà phê đậm chát uống với đường thẻ (một thứ thời thượng khác) – . Chúng tôi, cũng vẫn như bao nhiêu năm về trước, chọn một chỗ ngồi, từ đó, có thể nhìn khắp những ông đi qua, bà đi lại , và thỉnh thoảng nháy mắt nhau về một bóng hồng nào đó. Tôi không thể nghĩ đến một ngày, tóc bạc da mồi, – riêng anh bạn tôi thì không còn một sợi tóc trên đầu (dù là tóc bạc), miệng móm mém vì có bao nhiêu răng đã nhổ sạch để chuẩn bị làm hàm răng giả (theo lời anh, để có cái mà nhai) – và ở một vùng đất cách xa quê nhà cũ hằng nửa vòng quay địa cầu, chúng tôi lại được ngồi lại với nhau, nhắc lại với nhau những kỷ niệm cũ, những người quen biết cũ, sau biết bao nhiêu những biển dâu thăng trầm của cuộc đời. Ngày xưa, chúng tôi ngồi bên nhau, những câu chuyện là về bao mộng ước cho tương lai, bây giờ, những câu chuyện chỉ quẩn quanh những điều không như ý trong cuộc đời. Cuộc sống, với hai người bạn của gần 50 năm, dường như đứng lại trong buổi chiều dài bất tận. Cũng có những người con gái đi qua, vẫn có ánh mắt nhìn theo, nhưng cái nhìn hằn vẻ mệt mỏi. Trong trí tôi vẫn văng vẳng câu thơ của Hoàng Anh Tuấn thuộc nằm lòng trong những buổi chiều Sài Gòn nhàn nhã. Có đi qua xin em đừng ngoảnh lại. Tóc buông rèm lứa tuổi thích ô mai. Và anh bạn tôi thì hóm hỉnh chọc quê tên học trò si tình bằng hai câu thơ của Nguyễn Du còn nhớ được là nhờ những giờ Việt Văn buồn tẻ trong lớp. Người đâu gặp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên gì hay không. Thời gian quả đáng sợ. Chúng tôi đã đi qua không biết bao nhiêu con đường. Có đoạn đường bằng phẳng, có đoạn đường đầy những mìn bom, hầm hố, ở gà. Đã ngã xuống, đã đứng dậy vịn quá khứ mà bước tới. 50 năm sau, ngồi lại bên nhau, nhìn thấy dấu ấn khủng khiếp của thời gian mà thở dài.

(Trích: Từ một chuyến đi)

Bài Mới Nhất
Search