T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: VỀ QUÊ

clip_image001

Tranh: Trần Thanh Châu

Mặc cho vợ con ra sức ngăn cản, ông một mực không chịu sống thêm một ngày nào nữa ở góc phố ồn ào, khói bụi. Cả đời, ông đã bươn chải nuôi vợ, dạy con. Giờ chúng nó đã thành đạt, có thể tự bay nhảy như con chim đủ lông đủ cánh, không cần phải có ông bên cạnh bảo vệ, nhắc nhở… nữa. Ông đã nghĩ, đã nói thì làm cho bằng được, không ai ngăn nổi. Với lại, chuyện về quê chỉ có mình ông hiểu tại sao phải về quê. Ông giấu kín. Mãi mãi sau này, vợ con ông cũng không thể biết được mối liên hệ giữa ông và ngọn đồi thoai thoải úp mu rùa kia.

Trước ngày quay về “chốn cũ”, con cháu kéo về chật nhà, đứa đứng, đứa ngồi, đứa bấu vào thanh ghế làm như không có mảnh gỗ bào nhẵn bóng đó thì cả tấm thân chúng sẽ đổ sập xuống nền nhà vậy. Chúng hỉ mũi. Chúng sụt sịt. Chúng mếu máo như thể ông sắp bước về cõi ma quỷ.

Đứa gái lớn, bồng trên tay thằng cu tám tháng tuổi:

-Làm sao mà ba tự lo cơm nước?

Ông nghĩ bụng, phàm đàn bà con gái mở miệng là cơm là gạo. Ông ngó bộ mặt rì rị của nó, mỉm cười.

Thằng kế:

-Tuổi cao, sức yếu, tối lửa tắt đèn, lỡ có chuyện gì kêu ai. Chòm xóm thì cách nhau một dặm hú!

Bản chất thằng này, từ nhỏ đã thực dụng. Nó nói cũng chí phải. Nhưng ông tự biết sức lực của mình. Ông tự biết phải làm gì. Ông nghĩ, mày nên sống tử tế, có trước có sau với mọi người thì tốt hơn. Phải từ từ điều chỉnh lại cách sống.

Con út thì mếu máo:

-Ba là cái kho sống (ý nó muốn nói là quyển từ điển sống), có chuyện gì biết hỏi ai. Ai khuyên nhủ tụi con nên làm cái này, không nên cái kia. Tại sao thế này, thế nọ… Ba ở lại đi. Vắng ba, con như mất hẳn cái đầu, cái tay…

Nó là đứa út. Nó sinh ra đúng vào thời thổ tả, sau khi ông từ trại giam trở về, phải ăn độn khoai sắn, bo bo, không đào đâu ra đường sữa nên nó nhỏ xíu, đỏ hỏn như con mèo cạo sạch lông. Bà mụ đỡ đẻ la lên: “Trời đất, tám lạng là hết số!”. Con mẹ đỡ đẻ tay chân đen thui, móng tay đầy cáu ghét gào lên. Con bé cũng la ngằn ngặt, giọng thoi thóp như có ai chịt ngang cổ họng nó. Ông rớt nước mắt. Ông đào đất lật cỏ để nuôi nó, vừa phải trình diện hàng tuần với địa phương. Rồi nó cũng lớn nhanh, phổng phao như trái bí, trái bầu, da thịt hồng hào. Không ai kể lại cho nó nghe, nhưng hình như có một thứ tình cảm thiêng liêng như loại sóng trời và nó nhận ra. Đó là những lúc nó đau ốm, nằm liệt giường, hai vợ chồng thay nhau canh giữ suốt đêm. Có thể nó nghe tiếng những giọt nước mắt lăn ngập ngừng xuống má ông. Có thể nó thấy trái tim run rẩy của mẹ nó? Nó dành cho cha mẹ một thứ tình yêu đặc biệt, không tìm thấy ở hai đứa kia.

Bà vợ thì thẫn thờ. Ngồi im không mở miệng. Mấy chục năm theo ông về xứ xương rồng, bàn chải bụi cát nhiều hơn lúa gạo, bà đã nhẫn nhịn, chịu đựng. Nay chịu đựng thêm chút nữa, đâu có sao. Nghĩa vợ chồng vẫn cứ dày, không đỏ thắm nhưng không nhăn nheo, dúm dó!

Thằng chồng đứa lớn, về làm rể nhà này hơn ba năm, nhưng nó biết rõ tính khí của ông hơn ai hết, bởi nó có mối liên hệ rất bàng quan, nó nhìn nhận mọi sự theo cách của dân gian: tối mình, sáng người. Nó đứng ngoài nên nó thấy hết. Nó biết có can ngăn cũng bằng thừa. Tốt nhất im lặng để giữ mối dây cha vợ con rể cho tròn trịa.

Bữa ông rời phố, vợ con làm bữa tiệc nhỏ nhưng y như rằng ông đội lốt Kinh Kha sắp qua đất Tần! Ông bồng đứa cháu tám tháng tuổi, vừa uống rượu vừa giỡn nựng nó. Ông mở giọng ồm ồm hát ru. Nó nhoẻn miệng cười lại ông. Nụ cười thơm mùi sữa.

Bữa tiệc chấm dứt sớm. Ông hôn cháu rồi trả lại cho mẹ nó. Ông ôm đứa gái út, vỗ vỗ lên vai “con yên tâm, ráng làm tốt công việc ở sở. Học thêm được cái gì thì nên học. Kiến thức không bao giờ thừa”. Ông quay sang hai đứa lớn, thằng rể và vợ: “Lúc nào cảm thấy thiếu khói bụi, thiếu cảnh ồn ào sẽ về ít ngày, chớ lo”. Nói và ông ra cổng, leo lên chiếc xe tải nhỏ đã chờ sẵn, không ngoái lại. Ông ghét cảnh khóc lóc, bịn rịn.

Lúc xe ra khỏi ngoại ô, hướng về phía núi, giữa cánh đồng lúa mênh mông, xanh ngắt, ông cảm thấy như mình vừa thoát ra khỏi trại tù, như bay theo Từ Thức bay lên cõi tiên. Gió lồng lộng. Không khí ngọt lịm trong hai buồng phổi. Bầu trời trong xanh. Những lũy tre hao hút vây chặt làng xóm nằm rải rác, chen vào những cánh đồng như nét sổ của mấy thằng cha sính chữ tàu!

Ông thực sự bứt ra khỏi cảnh áo cơm. Ngồi trên xe ông cứ tủm tỉm cười hoài đến nỗi thằng nhỏ lái xe không hiểu ông vui mừng vì chuyện gì?

Quê ông là một căn nhà sàn nằm phía đông ngọn đồi, hướng ra khúc sông lớn. Trước sân là một tảng đá dựng đứng, cao gần bằng nóc nhà trên lưng chừng đồi. Trước có cây đa cổ thụ, bộ rễ ôm kín tảng đá. Nhưng rồi nó biến mất trong một đêm mưa nào đó, chỉ còn những cành nhánh, bộ rễ rỉ máu trên thớ đá sần sùi và vệt bánh xe lõm sâu kéo dài ra mặt lộ. Cây đa và tảng đá là sự sống và cái chết đối với ông. Vì vậy không thể mặc lòng rời xa chúng.

Nay thì những bộ rễ rỉ máu đã đâm lên những cây non, xúm xít bao quanh như đàn chim Lạc trên mặt trống đồng. Cây đa của ông đã phục sinh.

Ngày đầu tiên “về quê”, ông ra bãi đá ven bờ sông tìm ba hòn đá có hình dạng như trái xoài muỗng, đưa lên góc bếp làm ông Táo. Ba cái đầu cong cong chụm vào nhau, trơn tru. Ông ôm củi khô, nhóm bếp, đặt ấm nước lên. Khói bay khắp gian nhà thơm lựng, cay cay. Hơn ba chục năm trôi qua, ông mới có cảm giác mới mẻ này. Không phải khói, mà là mùi hương của đất trời tụ lại. Không phải chỉ có đất trời, mà mấy chục anh em ngoài kia thở ra lớp khí trắng váng vất, vờn quanh ông. Những lọn khói bay lên, đùn lại, chờn vờn không muốn tản ra. Chúng bơi lội quanh ông, ve vuốt ông, hôn vào má ông. Ngọt ngào và cay sè.

Lửa đỏ đít ấm. Nước sủi tăm. Âm thanh reo lên như giọng reo ngoài xa kia, ngày nào, nó làm ông xao xuyến, bồi hồi.

Ông nhấc ấm, tráng bình chén, pha trà mang ra đặt lên chiếc bàn làm bằng những mảnh gỗ thừa ghép lại. Đây là thứ đồ vật có chân cẳng duy nhất trong gian nhà. Ông ngồi xếp bằng trên sàn, chuyên trà từ bình ra tách. Cả thảy ba tách, tính theo đơn vị chục, như ba mươi người lính dưới quyền, đã vĩnh biệt ông ở chỗ tảng đá dựng đứng. Những tách trà đặc sánh màu vàng mật. Khói nước bay trên mặt tách, chờn vờn như thể họ đang diễu qua mắt ông, đưa tay lên vành nón sắt chào ông. Họ tươi cười, rạng rỡ. Họ trẻ trung, gan lì. Người lính có bộ râu quai nón nói” ông thầy, đụ má cho tụi nó một trận, chạy hoài tụi nó lờn mặt”. Không “cho một trận” cũng không xong, bởi đám dân chạy giặc, lẫn vào đoàn quân, đang hớt hải bên kia bờ. Phải rồi, đây là trận cuối cùng. Ba mươi sáu người hiên ngang bám vào tảng đá, chống trả cả chục đợt tấn công. Bọn chúng từ trên đỉnh núi phía mặt lộ dội xuống cơ man đạn pháo, tưởng có thể nghiến nát tảng đá dựng. Bọn họ ào lên và ngã xuống. Hết đợt này đến đợt khác. Những cơn mưa đạn rải xuống như vãi cát, nhưng cái chốt cuối cùng trên đường tháo chạy không vỡ. Tiểu đoàn chỉ để lại ba mươi sáu người (số kia bảo vệ cho SĐ và đám dân) chống đỡ suốt một ngày, chỉ vì cố gắng để đoàn người bên kia sông có thể xuôi về thị xã an toàn. Họ chạy bộ. Họ gồng gánh. Họ bu kín quanh các xe GMC. Đám đông hỗn độn như con trăn bị thương tích, cố trườn ra hướng biển, trong khi bọn đang ở trên đỉnh núi kia cố ngăn họ lại để bắt cho được ông Chuẩn Tướng đang co giò chạy với lính. Ba trăm thước từ chân núi xuống tảng đá là bãi cát trắng phau, giờ nhuộm đỏ. Nắng quái buổi xế chiều hực lên chói gắt. Đó là lần cuối cùng ông nhìn thấy máu của đám người trên đỉnh tuôn ra như suối. Và ba mươi người lính của ông, sau đó cũng ngã xuống, dưới chân tảng đá. Chiều xuống thật nhanh. Bóng tối đậm đặc. Bọn ông còn đủ thời gian vuốt mắt, xếp ngay ngắn các chiến hữu xuống giao thông hào, lấp đất trước khi rút êm qua bên kia sông. Lúc bì bõm trong giòng nước, Hạ sĩ Th. Chửi thề: “Đù má, hẹn có ngày gặp lại tụi mày”. Người ướt sũng. Bụng đói. Sáu con người còn lại lầm lũi bước xuôi. Nước mắt ông chảy dài. Chưa bao giờ ông để lính chết nhiều và thua một cách tức tưởi như vậy. Đó cũng là những giọt nước mắt cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp.

Nắng loá sáng trên mặt sông. Những cánh buồm trắng ngược dòng, lướt nhẹ. Quả cầu lửa đằng đông nhô cao dần. Ông bưng ba tách trà bước xuống bậc thang gỗ, chậm rãi quanh tảng đá, rải xuống từng tách một.

Ông không hề dựng ngôi miếu, không hề thắp nhang. Nhưng mỗi bữa ăn sáng chiều, những bữa rượu, uống trà, ông đều thong thả nâng ly rượu, chén cơm ngang mày, mời họ. Ông nhớ những đứa em gan lỳ. Tụi nó chịu chơi, mỗi đứa hạ gục cũng hơn mươi mạng chẳng hề biết đánh đấm là gì, giống như lũ thiêu thân lao vào ngọn đèn. Những con thiêu thân cháy xèo xèo, rụng xuống, rụng hoài nhuộm đỏ cả mặt cát trắng phau. Ông không biết những đứa em ở nơi nào để đưa về quê. Xới lên thì ông không nỡ. Thôi thì đây chính là quê hương chung của những đứa em và của ông nữa. Xúm xít bên nhau. Gần cuối đời ông chăm sóc chúng nó trước khi bay theo chúng. Chúng nó đã đối đãi với ông bằng cả tấm lòng trong lửa đạn. Giờ thì ông đang yên ổn, sao có thể quay mặt làm ngơ với chúng. Sao xứng đáng là ông thầy?

-Chị ơi, quê nào nữa mà ảnh về?

-Quê nào! Đó là quả núi rộng cỡ hai ba mẫu tây. Ổng cất ngôi nhà có tám chân cột cao lêu khêu, y chang nhà người Thượng. Ổng đẽo một khúc cây to, gác lên sàn làm cầu thang. Mỗi lần muốn lên, chị phải bỏ dép bỏ guốc, lom khom bò lên như mèo trèo cây. Trong nhà mới ớn. Không có bàn ghế, giường tủ gì ráo. Trống trơn. Một góc nhà ổng làm bếp, củi chất thành đống. Nồi niêu đen thui. Chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ nấu nướng thuông luông. Không khác gì nhà đồng bào Thượng mà hồi nẳm lên thăm ổng trên Kontum chị từng thấy.

-Ảnh sinh hoạt làm sao?

-Sao nữa, mình ên. Tự lo. Sống kiểu người tiền sử!

-Trời!

-Nói nào ngay, từ ngày ổng “về quê”, da dẻ hồng hào, trông phơi phới yêu đời hơn lúc ở dưới này. Có lẽ do không khí trong lành. Hồi đầu tụi nhỏ cũng bực, nhưng không dám nói. Khi chúng lên, tận mắt nhìn thấy “cơ ngơi”, chúng đâm thích, nói “đây là sự chọn lựa đúng đắn của ba”. Trước thì mươi bữa, nửa tháng mới lên một lần. Nay đúng vào mùa nắng nóng, tuần nào cũng lên ở với ổng cả ngày đêm chủ nhật, bày ra ăn uống, tắm sông. Nghĩ lại cũng thấy vui vui.

-Chị không có ý định lên ở với ảnh?

-Không. Thấy cảnh quạnh vắng đó tôi không chịu nổi. Tụi nó đòi bắt điện, mang lên bếp gas, tủ lạnh, máy giặt… ổng gạt phắt, nói “hồi ba còn nhỏ xíu, rồi mấy năm đánh nhau, mấy bếp ga tủ lạnh, sao vẫn sống tới nay?”. Sống cả đời bên nhau nhưng không bao giờ tôi đọc được ý nghĩ của ổng.

Tôi hỏi đường đi. Chị nói cứ con đường chính của thị xã chạy miết lên đường đi Tây Nguyên, chừng ba chục cây, dòm bên trái, chỗ khúc sông phình cong, chú thấy căn nhà chổng chơ trên ngọn đồi như mu rùa, là quê ổng đó.

Tôi phóng xe đi. Buổi chiều hơi nóng từ mặt đất bay ra càng nóng dữ. Một chút gió hiu hiu từ biển thổi lên không đủ mát. Tôi cắm cổ chạy như thể buổi chiều sẽ tắt nhanh, bóng tối sẽ phủ trùm lên mọi vật chung quanh. Các loại xe tải chở sắn, mía cũng tranh nhau chạy, bụi tung mù mịt. Mặt đường tróc lở từng đoạn dài, nham nhở. Mương nước chạy cặp theo con lộ, mùa khô trơ đáy, lộ ra cơ man nào là rác. Rác đủ loại, cả xác súc vật bốc mùi.

Anh hơn tôi quá con giáp. Tôi biết anh rồi thành thân nhau bởi anh cả tôi cũng là lính cùng binh chủng. Anh tôi chết đúng ngày hai bên đặt bút ký hiệp định Paris. Về phép, anh kêu tôi đưa ra mộ. Anh quỳ trước mộ rất lâu, rồi đứng lên đưa tay lên vành mũ chào vĩnh biệt, không nói câu nào.

Ngày ra tù, anh xơ xác, gầy rộc, xanh xao khác với hình ảnh trước kia, một sĩ quan xuất thân từ Võ bị Đà Lạt. Anh bắt tay làm lại từ đầu, nhưng dẫu cho có làm gì, ngay cả khi bước chân ra đường, ngồi quán cà phê… anh luôn chỉnh tề, nói năng chuẩn mực…

Tôi dòm mặt số đồng hồ xe. Đã ba chục cây. Ngó ra phía sông, chẳng thấy ngọn đồi nào. Chạy một đoạn khá xa nữa. Đúng là có ngọn đồi cây cối phủ tràn, không thấy căn nhà, nhưng có bãi cát nối liền con lộ và ngọn đồi.

Tôi phóng xe xuống, thấy anh đứng ngẩn ngơ dưới chân tảng đá. Anh ngước nhìn, ngạc nhiên rồi chạy lại ôm chầm lấy tôi trong tư thế còn ngồi trên yên.

-Quí hoá quá. Mà sao chú biết tôi ở đây? – Nói và anh kéo tôi lên gác.

Khúc gỗ khất từng nấc đúng là khó leo lên. Nó chông chênh, gần như mất thăng bằng và có thể rơi xuống lớp sỏi bên dưới bất cứ lúc nào.

Căn gác rộng mênh mông, trống trải. Anh kêu tôi rửa mặt, chỉ khạp nước chỗ góc sàn rồi loay hoay bưng ra niêu cơm. Trên chiếc mâm gỗ có chai rượu, dĩa cá khô, rau cải trời, chén muối ớt và dĩa đậu chiên. Chỉ có vậy.

Anh nháy mắt:

-Thịnh soạn hơn gấp trăm lần so với những ngày ngồi tù.

Cả hai ngồi khoanh tròn ở hiên sàn. Khúc sông trước mặt mờ đục và tối dần. Anh đốt cây đèn bão và treo lên. Bóng tối lờ mờ, nhá nhem khó có thể nhìn rõ mọi vật trước mặt. Anh cười:

-Chút thôi, khắc quen. Không những thế mà chú còn cảm thấy thích thú nữa đấy!

Anh rót rượu ra ba chén đất nung màu gan gà, dùng những ngón tay kẹp lại, nâng lên. Anh thì thầm gì đó rồi đặt xuống, quay sang tôi:

-Nào, mời chú.

Tôi bưng chén đưa lên nói kính anh.

Hết chai rượu nhỏ, anh đứng dậy, lui cui trong bếp, khua rồn rột. Quay ra lại một chai rượu đầy.

Chúng tôi ngồi đến khi trăng lên. Trăng mười tám vàng ối, tách dần từ lớp màn sậm bờ bên kia, treo lơ lửng trên không. Mặt sông trở màu bạc trắng. Ánh trăng dọi sáng khắp gian nhà sàn. Không gian này, tôi có cảm giác như chìm đắm vào thế giới hội hoạ phương Tây thế kỷ XIX. Tôi say nức với màu trăng, sông nước và tiếng chim đêm, tiếng côn trùng, tắc kè và ve bên ngoài kia.

Tôi mạnh miệng:

-Sao tự dưng anh lên ở đây, một mình?

Anh nắm chặt ly rượu trong lòng bàn tay.

-Vợ con, chú nữa, ai cũng hỏi tôi câu này. Biết nói sao. Nó sẽ không hợp lý với mọi người đâu.

-Nhưng ít nhất cũng phải có một lý do nào đó chứ?

-Hẳn nhiên.

Và rồi anh kể cho tôi nghe mọi chuyện.

Ngọn đồi này không phải là ngẫu nhiên. Nó cũng không phải để làm dáng, hay tệ hơn là một sự chọ lựa từ những bất toàn trong đời sống xã hội suy đồi, đã xuống cấp nghiêm trọng. Chuyện đó hãy để lịch sử phán xét. Chú thấy khung cảnh này, y như rằng tôi cố tình quay lại thời gian cách đây một thế kỷ? Không điện đài, không một vật dụng tiện nghi nào của thời điện tử, kể cả nhôm nhựa có mặt trong căn nhà này. Nó trống không đến lố bịch đối với nhiều người. Phải, tôi quay lại chỗ khởi đầu, sau khi tôi đã làm tất cả mọi chuyện cho cuộc đời, kể cả vợ con tôi. Tôi đã hoàn thành cái trách nhiệm cao cả, thiêng liêng đó. Nhưng còn một trách nhiệm khác, lớn hơn, cao cả hơn tôi chưa làm xong. Đó là những đứa em của tôi dưới chân tảng đá kia. Ba mươi mấy năm chúng nằm im ở đó, mang theo sự lạnh lẽo khắp người tôi. Tôi nghĩ hoài, đắp lên một ngôi mộ thì sẽ gặp rắc rối. Còn thân nhân chúng ở đâu làm sao tôi biết được? Chi bằng, gần cuối đời, tôi về đây ở với chúng, chăm sóc chúng. Nói chuyện với chúng. Tôi tin chúng nghe tôi nói,. Cũng như nhiều đêm chúng đến bên tôi, nói với tôi, bất kỳ lúc trời sáng trăng hay đêm mưa rả rích, gió phần phật buốt mặt: “Ông thầy, đụ mẹ ngon chưa. Ít nhất cũng bốn chục thằng ngã rạp bởi trái mìn claymore em lượm của tụi bộ binh quăng lại. Hữu sự hữu dụng ông thầy!”. Rõ ràng đó là giọng thằng Hạ sĩ T. “Ông thầy, cho bắn yểm trợ để em băng qua chỗ lượn khúc sông. Em núp dưới đụn cát túm cho được một thằng lôi về, coi nó là đơn vị nào, bao nhiêu quân để còn biết mà chơi”. Đó là tiếng binh nhì M. cái thằng coi mạng sống như cỏ rác. “Coi kiểu đánh của nó, đúng là bọn thảo khấu táp nham, chẳng hiểu cứt gì về chiến thuật. Em mà cầm quân, mấy chục mạng của ông thầy, em hốt sạch. Úi trời… ông thầy, em…”. Đó là giọng của Thượng sĩ nhất S. từng lên nắm đại đội trưởng ở mặt trận Hoài Nhơn. Anh rất ân hận là không làm sao đưa nó lên sĩ quan, bởi viết thư cho vợ, nó còn phải nhờ anh em viết hộ. Một chữ cắn không bể. Nhiều bữa, giữa đêm khuya, tôi nghe tiếng thì thào, nho nhỏ, phải gắng lắm mới nghe trọn câu: “Ông thầy, sim chín rồi. Đám cu xanh bay về ông thầy cho tụi em mỗi đứa một con. Nướng với muối ớt rừng, làm một xị đế, nghen ông thầy!”. Sáng ra, tôi lên chỗ trảng sim. Đúng là sim chín mọng, nhưng chim xanh đâu chẳng thấy. Mà có đi nữa, tôi biết bắt làm sao? Tôi thấp thỏm đứng ngồi không yên, y như có thằng em bị ngã trước mặt, giơ tay kêu cứu mà không làm sao bò ra lôi vào được. Bí quá, tôi chạy xuống xóm, nhờ người đi lùng mua đủ ba mốt con. Mắc đến cỡ nào cũng phải mua cho bằng được. Chú biết sao không? Cuối cùng cũng đủ số (dư mấy con tôi cho người đi mua hộ), ra tay nhổ lông, thui sạch sẽ, mổ ra xát muối ớt, lấy cành khô chất đống trước tảng đá kia đốt thành đống than đỏ rực, nướng, rồi bày ra: Ba mốt con chim nướng và ba xị rượu. Tôi ngồi đó, uống với chúng suốt đêm, đến say mèm, ngả đầu xuống khúc đuôi tảng đá ngủ. Khuya có người lay gọi: “Ông thầy ơi, cu xanh ngon, rượu ngon. Nhưng đây là cu xanh ông thầy đi mua ở đâu mà. Sao ông thầy tiếc với bọn em?”. Tôi giựt mình, mồ hôi rớt ra hột hột. Thức đến sáng vừa lâm râm xin lỗi chúng. Tôi đâu tiếc, chú? Nhưng mà chim ở đâu trên trảng sim trên mỏm đồi này? Ngoài mặt trận, một người lính ngã xuống, tôi thấy đau nhưng không đau bằng chuyện tôi không làm được với chúng lúc này. Sau đó thì đêm nào tôi cũng nghe tiếng cười như bắp nổ, tiếng vỗ tay, tiếng hô xung phong. Tôi phải ra chỗ chân tảng đá, ngồi xuống hứa với chúng, mùa sim chín, hễ có chim về là tôi bắt hết cho tụi nó…

-Có khi, chỉ là những ám ảnh bởi tình cảm sâu nặng của anh với đàn em?

-Có thể. Nhưng dẫu đó chỉ là ám ảnh hay sự thật, tôi vẫn thấy mình có tội. Rất đáng tội với chúng.

-Hỏi có khi lại không phải, nhưng em thắc mắc hoài, gần chục năm tù nhưng tại sao anh không chịu đi như những người khác?

-Đi đâu – Anh hỏi lại – Á, à… tôi hiểu. Chú nói qua bên kia chớ gì? Không đời nào. Hồi tôi đi tu nghiệp mấy tháng về tham mưu bên đó, có một hôm ngồi bên câu lạc bộ, một thằng sĩ quan Mỹ nói: “Tại sao đất nước mày mà lại bắt chúng tao đổ máu?”. Tôi dằn chai whisky: “Mày đi mà hỏi lão tổng thống và cái quốc hội nhà mày đấy. Mày không muốn, tao cũng không muốn, nhưng đám tài phiệt của chúng mày muốn thế. Tụi nó muốn đổi máu chúng mày để lấy tiền, hiểu chưa, đồ ngu!”. Cũng vì chuyện này, nên dù có bị đày đoạ thế nào tôi nhất định không làm dân lưu vong, để khỏi phải nhìn thấy sự khinh bỉ của chúng đối với mình.

Hồi Mậu Thân, chúng biết mười mươi rằng các thành phố sẽ bị tấn công trong đêm giao thừa, nhưng chúng bịt kín thông tin, bỏ mặc, chẳng thèm đếm xỉa gì. Rồi vụ Hoàng Sa, hạm đội 7 cách đó mấy chục hải lý, không những không tiếp ứng mà còn ngăn các chiến hạm của mình trên đường ra chiếm lại đảo. Chú coi, ai bán đứng miền Nam này? Tụi khốn nạn đó còn tung tin biển Đông không hề có mỏ dầu, rồi một ông tiến sĩ địa chất của mình vuốt đuôi “biển Đông có dầu mỏ, tôi sẽ đốt mảnh bằng tiến sĩ”. Cả một lũ vô liêm. Chính chúng đã giết anh em mình. Nhớ đến những chuyện này, tôi đau khổ vô cùng…

Anh ngửa cổ trút cả ly rượu vào miệng, nhìn sững ra ra khoảng trắng mênh mông trước mặt. Tôi nhìn thấy khuôn mặt anh nhăn dúm lại như thể nó được đẽo từ khối đá granite, nham nhở. Chưa bao giờ tôi trông thấy khuôn mặt đau đớn tột cùng đến vậy và cả hành động bưng ly rượu, ngửa cổ trút vào như một tay bợm nhậu, anh cũng chưa từng làm thế. Tôi thấy cả người anh co rúm lại như muốn vỡ tan, chảy ra thành chất lỏng sền sệt, đen xẫm loang dần trên mặt sàn gỗ.

Trăng gác lên mái nhà sàn. Anh đứng dậy:

-Chú buồn ngủ thì ngủ trước đi.

Nói và anh lững thững xuống thang. Tôi thấy anh đi vòng qua tảng đá đứng lại hồi lâu rồi bước lên phía đồi. Bóng anh mất hút trong ánh trăng sáng vằng vặc, bị nuốt chửng giữa tiếng côn trùng nhọn sắc như chiếc móc câu muốn kéo ánh trăng xuống sát mặt đồi và xé rách nó ra.

Nguyễn Lệ Uyên

(Sésan, tháng 4/2012)

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search