T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Đồng xanh vẫn cứ xanh

clip_image001

Tuần rồi, nhân cái chết của nhà văn cổ điển Mỹ Salinger, tôi đã ghi chép được đôi hàng về “bắt trẻ đồng xanh”. Chỉ tiếc rằng, tuần lễ qua là tuần lễ bận rộn (quá bận rộn) với một công việc làm thêm kiếm sống (trước khi chết, ai cũng phải sống; trước khi trở thành người già, ai cũng là một đứa bé “nhởn nhơ giữa đồng xanh” ),tôi đã không thể “phóng bút” hơn về một đề tài vốn ưa thích. Nay, công việc đã tạm “nhàn”, nhưng cơ hội đã qua, cái hứng khởi đã mất, nhưng đứa trẻ Holden (tên nhân vật chính trong “Bắt trẻ đồng xanh” của Salinger) vẫn cứ khi ẩn khi hiện trong tôi. Gần 40 năm kể từ ngày làm quen với cậu bé nghịch ngợm, tôi đã kết bạn với cậu ta trong tiềm thức. Cũng giống như Holden, trả tiền thuê cô gái điếm nằm với mình chỉ để nói chuyện, tôi cũng đã mạo hiểm đến khu bến xe Petrus Ký (đường Petrus Ký cũ, nay là Lê Hồng Phong. Khu này, trước đây là bến xe đò miền tây và là xóm bình khang nổi tiếng nhất Sài Gòn những năm 1960s), chọn một cô gái điếm trông có vẻ gìa dặn, chỉ để chuyện vãn về cuộc đời, về thân phận gái điếm, thân phận con trai nghèo, xấu nên không tìm được bạn gái. Cô gái điếm thông cảm, sẵn lòng nằm nghe . Cô còn tử tế miễn cho tôi khỏan lệ phí phải trả, vì theo lời cô, tôi đã không thò tay chạm vào người cô, hành động mà cô cho rằng khách làng chơi phải sòng phẳng trả tiền. Trong “bắt trẻ đồng xanh” của Salinger, tuy anh bạn Holden không làm tình với cô gái điếm, nhưng theo trí nhớ của tôi, anh bạn trẻ quả đã có chạm với người cô gái điếm (phần trên hay phần dưới tôi không quả quyết), nên sau đó, bị bọn ma cô đánh sưng mặt vì trả không đủ tiền. Cô gái điếm của tôi, quả có tử tế hơn trong “Bắt trẻ đồng xanh”. Cô vui lòng trút bỏ xiêm y để cho tôi được lần đầu tiên chiêm ngưỡng một thân thể đàn bà. Cảm giác ấy đến nay tôi vẫn còn nhớ. Cái cảm giác lên cơn sốt kỳ quái, nhưng ở một nghĩa nào đó, cũng thật linh thiêng. Trước mặt tôi, lúc ấy cô gái điếm không còn là cô gái điếm, mà là một người nữ từ lâu tôi hằng khao khát, cái khao khát rất thanh cao, rất platonic. Cái thanh cao được hổ trợ bởi sự ngu dốt (hay đúng hơn là ngây thơ), của anh con trai tự ti mặc cảm nghèo, xấu. Tôi không biết mình phải làm gì để chứng tỏ mình là người đàn ông trước người nữ ấy. Cô gái điếm ôm đầu tôi ép vào ngực cô, ve vuốt. Rời khỏi căn phòng nóng bức, chật chội, nhơ nhớp, tôi vẫn còn là trai tân. Dù cô gái điếm hết sức nhã nhặn từ chối, tôi vẫn nhét được vào tay cô đồng tiền dành dụm từ nhiều ngày cho buối mạo hiểm này. Có lẽ đó là hành động đàn ông duy nhất tôi chứng tỏ được với người nữ lần đầu tiên cho tôi nhìn rõ thân thể mình.

Từ bấy đến nay, đời (tôi) đã nhiều nỗi thăng trầm. Cảm giác đầu tiên nhìn một người nữ lõa thể vẫn lẩn khuất đâu đó, chứ không biến mất. Từ bấy đến nay, Holden vẫn là Holden, cậu bé phá phách nghịch ngợm. Còn tôi đã không còn là tôi nữa. Từ bấy đến nay, cánh đồng xanh tuổi thơ vẫn cứ xanh cho những tuổi thơ, cho những Holden Caufield. Riêng Salinger, cha đẻ của Holden, càng nổi tiếng càng muốn lui dần vào bóng tối, như cô Nguyễn thị Hải Hà của trang mạng văn chương Da Màu, trong một bài viết rất hay mà tôi xin phép trích một đọan ở dưới đây về tác giả và tác phẩm “bắt trẻ đồng xanh”. Cô Hải Hà cho rằng Salinger nổi tiếng vì “sợ nổi tiếng” .

Dưới đây, là một đọan trích trong bài “J. D. Salinger (1919 – 2010): Người Mỹ (Không) Thầm Lặng” của Nguyễn thị Hải Hà, đăng trên trang văn chương Da Màu:

‘ . . . Toàn bộ tác phẩm của Salinger đã được xuất bản, tuy không nhiều nhưng ảnh hưởng rộng lớn trong văn học Mỹ, gồm có: truyện dài Bắt Trẻ Đồng Xanh (1951); tuyển tập truyện ngắn Nine Stories (1953) bao gồm 9 truyện ngắn A Perfect Day for Bananafish, Uncle Wiggily in Connecticut, Just Before the War with the Eskimos, The Laughing Man, Down at the Dinghy, For Esmé – with Love and Squalor, Pretty Mouth and Green My Eyes, De Daumier-Smith’s Blue Period, và Teddy; hai tập truyện về gia đình họ Glass Franny and Zooey (1961) và Raise High the Roof Beam, Carpenters and Seymour: An Introduction.

clip_image002

Trang đầu của truyện Bắt Trẻ Đồng Xanh (ấn bản 1951) với chân dung Holden Caulfield

Bắt Trẻ Đồng Xanh được xuất bản năm 1951. Nội dung câu chuyện khá đơn giản kể lại kinh nghiệm của Holden Caulfield, chú học sinh mười bảy tuổi sau khi bị đuổi ra khỏi trường trung học Pencey đã viếng thăm New York. Cô đơn và lạc lõng, Holden thuê một cô gái điếm chỉ để nói chuyện làm cô điếm nổi giận. Vì trả tiền cho cô điếm ít hơn giá đã thỏa thuận Holden bị gã ma cô chủ của cô điếm tặng cho một trận đòn. Sau đó Holden lẻn vào căn hộ của bố mẹ, lúc hai người đi chơi xa, chỉ để thăm Phoebe, cô em gái là người duy nhất trong gia đình hiểu và hợp chuyện với Holden. Anh ta kể cho Phoebe nghe điều anh luôn mơ tưởng là trở thành người làm một công việc duy nhất là cứu những trẻ em chạy nhảy trên đồng lúa mạch ở sát một sườn núi. Công việc của anh chàng là chụp những đứa bé chạy lỡ trớn để chúng không rơi ra khỏi cánh đồng xanh, một biểu tượng cho hạnh phúc và thiên đàng của tuổi thơ ngây. Trong đêm ấy, Holden cũng đến thăm người thầy cũ, ông Antolini. Ông đã khuyên Holden, một người khôn ngoan và có tư cách sẽ chọn cách đạt đến lý tưởng của mình trong cuộc sống khiêm nhường chứ không phải là chọn cái chết vẻ vang. Holden thức giấc thấy vị thầy cũ của mình đang vuốt đầu mình bằng một thái độ đáng nghi ngờ. (Chi tiết này đã gây nên những suy đoán và tranh luận, có thể, ông Antolini đã làm hại Holden bằng những hành vi tình dục không chính đáng.)

Điều đáng chú ý ở Bắt Trẻ Đồng Xanh là cá tính và giọng văn của người kể chuyện. Là tác phẩm gây tranh cãi ngay từ đầu, được The New York Times khen là tác phẩm đầu tay rất sáng giá nhưng bị người khác chê có giọng văn đơn điệu, “kém đạo đức và bản tính dị hợm” của Holden, chàng trẻ này đã phỉ báng tôn giáo cũng như đã nói chuyện tự do về tình dục và đĩ điếm. Tuy thế chỉ trong hai tháng sau khi xuất bản, Bắt Trẻ Đồng Xanh được in tám lần và nằm trên danh sách sách bán chạy nhất của báo The New York Times 32 tuần. Tuy là một trong những quyển sách phải đọc trong chương trình giáo dục của trung học phổ thông Mỹ hiện nay, có một khoảng thời gian Bắt Trẻ Đồng Xanh bị liệt vào hạng sách cấm vì ngôn ngữ không trong sạch và khinh mạn Chúa. Vào khoảng cuối thập niên 50 có vài quốc gia đã cấm quyển này. Năm 1970, có vài giáo viên vì đem quyển sách này vào giáo trình lúc chưa thông qua với cơ sở giáo dục địa phương nên đã bị đuổi việc. Mức độ phổ thông của quyển sách chỉ đứng sau quyển Of Mice and Men (Về Chuột Và Người) của John Steinbeck. Con số bán trên thế giới lên đến 65 triệu bản.

Tầm ảnh hưởng của Bắt Trẻ Đồng Xanh cũng lan vào những lãnh vực bên ngoài văn học như âm nhạc và điện ảnh, điển hình là nhạc của Elvis Presley và sự nổi loạn u uất của James Dean trong phim Rebel without a Cause (Nổi Loạn Không Nguyên Cớ) (1955). Salinger được xem là người góp phần vào việc sáng tạo ra khái niệm “teenage angst” (tâm lý thiếu niên thường xuyên phẫn nộ với hoàn cảnh của gia đình và xã hội và ý muốn được cứu rỗi thế giới). Người kể chuyện có ác cảm với những người quyền uy không tôn trọng danh dự và lòng tự hào của trẻ em. Nó cũng làm người đọc liên tưởng đến hai phim nổi tiếng về những đám trẻ nổi loạn, như Zéro Pour Conduit của Jean Vigo và Les Quatre Cents Coups của Francois Truffaut. . . “.

©T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search