T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Giật mình tháng năm…

clip_image002

Ngậm ngùi tháng tư đã bốn mươi năm còn chưa tan trong lòng. Tháng năm không hẹn đã về lặng lẽ đến giật mình; nửa tháng năm đã âm thầm qua. Nói cách khác là đã nửa năm nữa đi qua để những lo toan thêm phiền muộn vì vẫn giậm chân tại chỗ; dù có gì cao xa hơn một cuộc đời thường, nhưng đời thường dường như lại chính là cái khó đạt tới nhất trong đời sống khi tự thân mỗi người đã dần mất khả năng tự chủ theo đà văn minh và hội nhập. Khả năng làm chủ bản thân ngày càng eo hẹp trong đời sống hiện đại qua phương tiện và giao tiếp nhanh chóng bây giờ.

Ngày xưa, một người ngoài bắc muốn đi thăm một người bạn trong nam là một cuộc mạo hiểm; Nguyễn Bính chỉ đi từ bắc vô nam thôi mà đã thống thiết viết ra, “quê nhà xa lắc xa lơ đó/ ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay…” Không như bây giờ chỉ mua cái vé máy bay là hai tiếng sau Sài gòn – Hà nội đã gặp nhau; Ngày xưa có giận lắm trong lòng thì khi ngồi viết lá thơ vĩnh biệt một người bạn, người viết cũng có thời giờ để suy nghĩ lại nhiều hơn bây giờ là gởi đi một tin nhắn, một điện thư vắn tắt mà người gởi chỉ bấm điện thoại trong vòng một phút; Quan hệ cắt đứt trong một giây với chữ “send” thời đại; Không ai còn thời giờ để nghĩ lại, không ai còn thời gian để bình tâm… không ai còn làm chủ bản thân mình trong đời sống vội.

Nhưng tháng năm vẫn về trên đọt lá mới chưa bạc màu sương gió, lòng chợt buồn học trò vì ký ức không có tuổi. Tháng năm. Tháng của học trò chia tay tuổi nhỏ là xa bạn, xa thầy, xa mái trường quen thuộc; rồi tuổi nào đó đã thêm nỗi nhớ một người trong những ngày hè luôn đến vội nhưng lâu qua; để tháng năm vụn vỡ thời hoa mộng khi người ta bước chân ra khỏi học đường lần cuối; để từ đó, tháng năm như mũi kim bọc nhưng trong lòng. Ai cũng yêu quý thời học trò vì thấy mình rất người lúc mới biết suy tư và cảm động. Mũi kim tháng năm thường lú ra khỏi lớp nhung bọc để chích vào tim ta khi tháng năm lại về với suy tư chỉ còn một chiều và cảm động dường như tan biến…

Giã biệt tuổi học trò là cuộc giã từ đau đớn nhất trong đời người để từ đó người ta chai sạn. Tháng năm về thẩm định tính người trong mỗi chúng ta đã mai một tới đâu theo thời gian. Bây giờ nhìn cánh phượng rung rinh trong gió bạn nghĩ tới quét sân; tôi search trên Google xem rễ cây phượng có ảnh hưởng tới foundation nhà tôi hay không? Bạn, tôi, anh, chị… đã quên mười năm trước, tại sao không đi nghỉ hè bên Cali để ăn được hết món Việt nam ngon hơn trong nước; để được nói tiếng Việt một trăm phần trăm trong suốt kỳ nghỉ hè… Tại sao chúng ta chọn đi nghỉ hè ở Florida – chỉ đơn giản là đem về một cây phượng để trồng ở nhà mình.

Mười năm trước, chúng ta còn muốn thấy hoa phượng nở ngay trong sân nhà để tưởng nhớ tuổi học trò. Nhưng hoa phượng là biểu tượng của tuổi học trò không thay đổi mà chúng ta thay đổi khi cây phượng ra hoa… thì ngại quét sân, sợ rễ của nó làm nứt nền nhà là tốn bạc chục ngàn, mà căn nhà còn mất giá trị nữa…

Ngày xưa, người da trắng mạo hiểm với thuyền buồm qua châu Phi để bắt nô lệ; chúng ta không bị bắt như người Phi châu xa xưa. Chúng ta đến đây với tư cách khác, nhưng chúng ta đã tự nguyện nô lệ cho văn hoá, vật chất của xã hội này. Bây giờ tôi không đủ tự tin để trở lại sống trong căn apartment chật chội như hồi mới qua; bạn tôi đi xe bus chứ không lái cái xe hai trăm đô la như hồi mới qua; anh không đi họp cộng đồng nữa vì nản chí bao năm vẫn không ai biết tới tài lãnh đạo của anh; hay chị buồn buổi họp cộng đồng nào cũng thiếu kinh phí cho những dự án to lớn, ý nghĩa; sáng kiến đóng góp rất hay và nhiều, nhưng kinh phí xây dựng thì ít – mà chỉ trích, chụp mũ không cần thiết thì mênh mông…

Tháng năm lá mới chưa bạc màu sương gió như người ta bước vào cuộc đời tràn trề sinh lực với sức trẻ, để rồi từ đó những đẹp đẽ mai một theo thời gian khi nhìn lại; tháng năm vẫn về theo mây trắng, lá xanh; tháng năm vẫn về để trào dâng nỗi nhớ, thương tiếc một thời… Tháng năm là vậy đó! Những hoài niệm không tên có thể làm cho một người không còn trẻ bỗng thấy bâng khuâng như hồi mới lớn, nhưng con đường trở lại là ảo tưởng. Người ta cứ lặng thinh bước tiếp về phía trước, cho tới ngày hụt chân.

Tôi hỏi Google về tháng năm, chắc tại gõ số 5 nên làm anh khổng lồ ngớ ngẩn cho tôi kết quả thật buồn cười với một truyện thật ngắn,

Số 5 kỳ diệu

Một anh chàng mê chơi cá ngựa thường hay bị thua. Một hôm, anh ta nằm mơ thấy có 5 con ngựa đang chạy đua trên một cánh đồng rộng. Tỉnh dậy, anh ta đi ăn sáng thì thấy có 5 chiếc xe hơi chạy vèo qua mặt. Vào quán ăn, nhìn quanh quẩn, anh ta cũng chỉ đếm được có tất cả 5 vị khách (kể cả anh ta). Anh ta nghĩ bụng:

Tại sao lại có sự trùng hợp thế nhỉ? Hay là trời ban cho mình con số 5 may mắn đây?

Ăn xong, anh ta vừa đi về vừa suy nghĩ mông lung về con số 5. Chợt anh ta lại trông thấy một cậu bé cầm 5 que kem đang đứng bên đường.

Được rồi! Lần này đúng là trời phù hộ ta. Nhất định con ngựa số 5 sẽ chiến thắng.

Nói thế, anh ta quyết định về gom hết tài sản để mua tờ phích cá ngựa cho con ngựa số 5.

Ngồi trên khán đài mà anh ta cứ tủm tỉm cười một mình. Phen này thắng lớn đây.

Và điều kỳ diệu của con số 5 đã xảy ra. Con ngựa mang số 5 của anh ta đã về hạng thứ… 5.

Dường như mỗi chúng ta đều là một anh cá ngựa! Cứ ăn Tết là đặt ra đủ điều cho mình trong năm mới theo cách “Tâm nguyện đầu năm – New Year Resolutions”. Nhưng giật mình tháng năm; coi như đã nửa năm đi qua – và những tâm nguyện đầu năm còn nguyên như giấy trắng; có nguệch ngoạc chút tâm tư tìm bạn, thăm thầy, thì cũng như con ngựa mang số 5 đã về hạng 5. Tháng năm lại về với niềm thương, nỗi nhớ làm quặn lòng với kỷ niệm; tháng năm lá mới chưa bạc màu sương gió, nhưng thu đến, đông về… lại hẹn tháng năm năm sau – nên tháng năm vẫn về, về tới đích… như con ngựa số 5!

Phan

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search