T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Tháng sáu… trời không mưa

clip_image002

1.-

Tháng 6. Mùa hè đã bắt đầu. Nắng và nóng ùa về trong khi anh bận rộn, tất bật ra vào sửa soạn mọi thứ lỉnh kỉnh cho chuyến công tác thiện nguyện nhiều ngày. Buổi sáng, anh vội vã rời nhà sau khi ân cần gửi gắm con gái, “con ‘take care’ mẹ dùm ba”. Chị cảm động đưa anh ra xe với nụ cười âu yếm. Mỗi lần bắt đầu bước qua năm mới, nhớ đến tháng 6, chị lại sợ. Khổ cho chị mà cũng khổ cho anh. Tính nhút nhát là tính trời cho. Chị không muốn có cũng không được. May mắn cho chị là anh thấu hiểu bằng tất cả lòng yêu thương và thông cảm nên nôn nóng không yên mỗi khi bỏ chị ở nhà một mình. Chẳng bù ngày còn bé, ba chị hay vặn hỏi khi thấy chị lấm lét nhìn trước, ngó sau với ánh mắt sợ hãi mỗi lần ông sai chị đi đâu lúc trời tối “Con ma ra làm sao? con có thấy nó chưa mà sợ”. Nếu giải thích được tại sao mình lại sợ sệt một cách vô lý như thế thì chị đã không sợ. Ngược lại, anh thường ngọt ngào nói với chị “Chờ một chút, anh sẽ đi với em” khi chị trở giọng êm ái bất ngờ “Anh ơi!..”.

Đó là nỗi sợ của thời tuổi trẻ. Bây giờ. Tóc đã đổi màu chị lại có thêm những nỗi lo sợ lạ lùng. Mỗi tối ngồi xem TV với anh, chị cứ đứng lên bỏ đi mỗi khi phim đến đoạn hồi hộp, gay cấn. Chị sợ nhìn thấy người ta ám hại nhau. Chị sợ nhìn thấy giọt nước mắt thống khổ của những con người bất hạnh. Chị sợ nhiều thứ lắm, để rồi cuối cùng chị nhận ra một điều, hình như chị không đủ sức để đối diện với những đau khổ trầm luân của một kiếp người. Ngày trước, có lần chị phê phán “sao mà dại dột” khi nghe tin người quen tự kết liểu đời mình vì một lý do nào đó. Nhưng bây giờ chị lại dễ cảm thông với quyết định trốn tránh đau khổ, oan nghiệt bằng cách nhu nhược đó. Vốn là một con người nhạy cảm, yếu đuối, giờ đây chị cảm thấy mình càng yếu đuối, nhạy cảm hơn xưa bội phần.

2.-

Tháng 6 năm ngoái thằng bé vẫn còn trong bụng mẹ. Tháng 6 năm nay… thời khóa biểu của chị trở nên chật chội từ lúc nó xuất hiện. Buổi sáng. Buổi chiều. Tã. Sữa. Tắm. Ngủ. Khóc. Cười. Buổi tối, chị thả cơn mệt nhoài người dưới làn nước trong mát. Trở ra phòng ngủ, úp mặt xuống giường, chị nghe đâu đây còn thoang thoảng mùi thịt da thơm ngát của đứa cháu trai kháu khỉnh đáng yêu. Có những vất vả làm cơn chán ngán ứa lên tận cổ. Nhưng cũng có những mệt nhọc làm cho cuộc sống trở nên ấm áp và ý nghĩa hơn. Thật vậy. Chị bỗng yêu quá đỗi cuộc sống này dù chị không còn nhiều thời gian để dành cho niềm đam mê lớn nhất của chị. Văn chương. Chữ nghĩa. Tất cả như bay biến khỏi đầu óc chị một cách thật lặng lẽ, thật nhẹ nhàng.

Khoảng thời gian thằng bé từ một đến ba tháng, chị có thể vừa trông nom cháu vừa đọc sách, xem báo. Và chị cũng có thể làm những công việc lặt vặt trong lúc nó ngủ. Nhưng bây giờ, mắt chị không thể rời nó. Chị luôn bị ám ảnh bởi ý nghĩ… chỉ cần một tích tắc lơ đãng của chị, thằng bé sẽ rơi xuống sàn nhà khi nó vói tay chụp bắt những thứ vừa lọt vào tầm mắt của nó, đôi mắt sáng lánh không ngừng đảo quanh tìm kiếm. Mỗi khi chị phàn nàn anh lại cười thích thú “Vậy mới là con trai chứ. Những đứa tò mò, quậy phá thường rất thông minh”. “Ồ! đó cũng là điều em mong muốn. Nhưng trước hết, xin anh tìm mấy miếng rào nhựa làm thành “cái chuồng” cho em. Thằng cháu vừa an toàn, em vừa khỏi bồng ẵm suốt ngày chứ không thì nó quen hơi rồi đeo dính, em không làm gì được”. Con gái ủng hộ hết mình quyết định của mẹ “Như vậy thì tốt quá. Bây giờ nó biết nhiều nên phải tập từ từ. Được chiều chuộng quá mai này nó khó, tụi con chịu không nổi. Mẹ nhớ, sau khi no bụng và sạch sẽ rồi mà nó có khóc mẹ cũng đừng ẵm.” “Ừ! mẹ biết rồi”. Dĩ nhiên là chị biết, nhưng cái biết đó không dằn được nỗi xốn xang khi thấy thằng cháu bé xíu, vói tay níu cái hàng rào cao hơn nó nửa gang tay, nước mắt dàn dụa trong tiếng khóc “thảm thiết”, cái đầu tròn vo thì cứ quay theo hướng chị đang đi đi, lại lại. Ôi! thương quá là thương. Xót quá là xót. Thế là thua. Hai cánh tay chị chìa ra, thằng bé mừng rỡ nắm chặt, nụ cười tinh khiết nở toét trên đôi môi tươi tắn cùng ánh mắt ngập tràn niềm vui khiến chị ôm chặt lấy cháu không muốn rời. Hạnh phúc vô biên. Hạnh phúc tràn trề. Hạnh phúc từ nhịp đập của hai trái tim – một già, một trẻ- đang áp chặt vào nhau, không bút mực nào tả xiết.

Chiều. Thằng bé cười hăng hắc khi mẹ đến đón. Nụ cười của mẹ cũng rạng rỡ không kém trong niềm yêu thương lai láng. Bao nhiêu mệt nhọc của chị cũng tan theo câu cám ơn ngọt ngào của con gái. Cám ơn mẹ. Chị không chờ câu nói đó, nhưng chị vui khi thấy con gái bộc lộ lòng biết ơn và không xem đó là bổn phận đương nhiên của chị đối với đứa cháu ngoại đầu tiên, như chị đã đôi lần nghe bạn bè phàn nàn về con của họ. Chị cũng không quên cám ơn về những điều đẹp đẽ con gái đã dành cho chị để chị biết những gì mình dạy dỗ con từ thuở bé đã được tiếp nhận đầy đủ. Dù vậy, chị vẫn nhắc nhở con gái mỗi khi đưa thằng cháu đến bà nội của nó “Đừng quên cám ơn mẹ chồng nha con”. Với nụ cười hóm hỉnh, con gái nghiêng đầu chọc ghẹo “Mấy mươi năm nay cứ nghe mẹ nhắc hoài câu ‘nhớ cám ơn’ thì làm sao con quên được”.

3.-

Đêm về chị dỗ giấc thật khó khăn. Những viên thuốc ngủ ngày càng thường xuyên trôi qua cổ họng làm chị sợ -sợ trí nhớ sẽ hao mòn dần từ những “giấc ngủ ngon giả tạo”- nhưng vẫn phải dùng đến nó. Vì còn một nỗi sợ lớn hơn mà chị phải đối đầu là, không ngủ được chị hay nhớ đến căn bệnh của mình rồi lại nghĩ vẩn vơ. Có lần ngồi trong nhà thờ, nhìn cậu bé giúp lễ xúng xính trong bộ áo lễ màu đỏ làm nổi bật nước da trắng hồng, chị liên tưởng rồi hình dung đứa cháu thân yêu của mình khi đến chừng tuổi ấy. “Lạy Chúa, xin cho con được sống đến ngày cháu ngoại của con rước lễ lần đầu và trở thành cậu bé giúp lễ dễ thương như thế này.” Nước mắt chị ứa ra trong một thoáng sợ hãi ngắn ngủi, nhưng chị tin Chúa sẽ nhậm lời cầu xin của mình. Vậy mà chưa đến ngày ấy chị đã tham lam nài nỉ “Chúa ơi! xin cho con được nhìn thấy cháu của con tốt nghiệp.” Đã thế, chị còn “dám” lấp lửng không thưa rõ với Chúa là tốt nghiệp trung học hay đại học, bởi chị tin Chúa lòng lành vô cùng, Chúa sẽ xót thương chị như lời kinh Lòng Chúa Thương Xót mà chị thường đọc lúc ba giờ chiều.

4.-

Lại thêm một đêm dài hắt hiu, vô tận. Chị trở mình hàng chục lần mà đôi mắt vẫn trơ trơ, cứng ngắc, thao láo nhìn vào bóng tối. Nếu không có đứa con gái “tội nghiệp mẹ” ôm chiếc “gối ghiền” từ thuở lên ba sang ngủ với mẹ có lẽ chị sẽ co rút người dưới tấm chăn dầy sau khi trí tưởng tượng vẽ ra hàng loạt hình ảnh ma quái, ghê rợn mà đôi khi không nén được sự tò mò chị đã rủ rê anh xem trên màn ảnh. Chị nghiêng mình nhìn “cô Út” qua ánh đèn ngủ lờ mờ. Lắng tai nghe ngóng một lúc chị nhận ra tiếng ngáy rè rè của nó đang “song tấu” với tiếng thở phì phò thay đổi đủ “tông”, đủ kiểu của chú chó tròn ũm đang nằm dưới chân giường. Cách đây mười năm hơn, “cô Út” òn ỉ xin phép chị để mua một chú chó vừa lọt lòng mẹ vài tuần với lời hứa “con sẽ tắm nó, cho nó đi vệ sinh và lau chùi sạch sẽ… vân vân và vân vân…”. Nhưng chẳng được mấy ngày thì “cô Hai ” -cô con gái lớn- than thở với chị “Tối qua con Boo đội cái giường của nó đi tới đi lui, rột rẹt suốt đêm con không ngủ được”. Hỏi ra thì mới biết “cô Út” nằn nì với “cô Hai” để được êm ấm trên chiếc giường quen thuộc, còn “cô Hai” thì phải ra sofa ngủ vì chú chó con quậy tứ tung.

“Cô Út” ngoài tài nhõng nhẽo còn có thêm tính khôi hài. Cái khôi hài ấy đôi lúc quét được nỗi buồn của chị khi chị rơi vào vũng lầy lo lắng. Có cái lo đúng, nhưng cũng có cái lo được anh xếp vào hàng “tào lao thiên địa”. Dù thế nào, thì lo và sợ cũng là hai “đức tính” đã được đóng ấn vào con người chị từ thuở.. . nào.

5.-

Tháng 6. Buổi sáng, chị lăng xăng nấu nướng giữa tiếng nhạc lao xao từ chiếc computer phát ra. Chị nhìn đồng hồ. Cây kim quái ác như đình công trong nỗi chờ đợi nôn nóng của chị. Chị chờ đợi cánh cửa bật mở và tiếng chân quen thuộc của anh để căn nhà không còn lạnh lẽo. Cái lạnh lẽo đáng sợ trong căn nhà không phải chỉ có mình chị giữa mùa hè nóng bức, lạ lùng đến nỗi chị phải than van với cô bạn thân để bị sĩ vã “Đời bà rồi sẽ khổ nếu cứ dựa dẫm vào chồng, vào con. Lỡ mai mốt….”. Cũng may, cô bạn biết dừng lại đúng lúc, nếu không… chị lại nhớ câu hát “tôi đã khóc một dòng sông…”

Phải đến xế trưa chị mới nghe giọng nói khàn khàn mệt mỏi của anh vang bên tai chị “Anh đang trên đường về nhà”. Chị thì thầm dặn dò “Lái xe cẩn thận nghe anh, khi nào buồn ngủ thì gọi em!”. Có tiếng anh cười và chị hình dung ra khuôn mặt của anh mỗi khi anh băn khoăn đặt câu hỏi “Nếu lỡ anh đi trước, không biết em sẽ sống làm sao?” []

Ngân Bình

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search