T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Thằng con nít sống lâu năm…

clip_image002

Sau mấy tuần làm việc nhiều giờ, căng thẳng. Việc tiên đoán trước đã xảy ra, tôi gục xuống với dĩa cơm chiều còn chưa ăn hết, chén canh còn nguyên, chưa đụng tới. Đó là những gì tôi thấy trên bàn ăn vào lúc nửa đêm thức dậy. Bàn ăn ngoài nhà bếp và cái giường ngủ chỉ cách nhau một cánh cửa phòng ngủ và chừng mười bước chân. Nhưng trí nhớ lại không tới một bước là mình vào giường bằng cách nào, lúc nào?

Cho dù tôi cố gắng ngủ thêm vài tiếng nữa để phục hồi sức khoẻ. Nhưng đã một tiếng đồng hồ trôi qua, và hai mắt vẫn không khép lại được, đầu óc không ngủ. Tôi thì không thích giết thời gian vì thời gian là quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Nên bây giờ có nằm ườn ra giường thêm một tiếng, hai tiếng nữa với đầu óc trỗng rỗng trong trạng thái không ngủ mà lại không làm việc gì… thì thành kẻ giết thời gian mất!

Thế là mười phút sau, tôi đã ngồi với ly cà phê đầu ngày hơi sớm. Chỉ ba mươi phút vòng quanh thế giới đã biết hết những gì xảy ra trong lúc mình ngủ. Thường là sau đó tôi làm công việc cổ động, tiếp tay cho việc gì tôi thấy nên làm. Như trên mạng đã phát động quyên góp cứu trợ cho động đất ở đâu đó, thì người viết báo đừng quan trọng loại ngôn ngữ mình viết và quên đi cộng đồng mình thuộc dân tộc nào trên thế giới vì cứu trợ nhân đạo không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ… Cho dù sự góp sức của mình chỉ bằng nửa hạt muối trong biển cả nhưng nó là niềm vui, năng lực cho ít nhất là bản thân mình bước vào ngày mới vui vẻ hơn.

Có khi chỉ là một ngày mới bắt đầu từ cái tin nhắn trong điện thoại, chẳng có gì quan trọng, “sao gọi hoài không được vậy cha?” Nghĩa là mấy người bạn lại xúm nhau giết thời gian ở nhà ai đó! Họ gọi mình không được thì nhắn tin – cầu may.

Họ chẳng có gì sai sau khi làm việc vất vả, nhu cầu giải trí tùy lứa tuổi cũng đáng thôi. Nhưng những lần ra về từ nhà một người bạn nào đó, tôi thường nghĩ, nếu mình không đến thì đã làm được việc gì đó ở nhà. Như dọn dẹp lại cái garage chỉ toàn sách báo; nói là để dành khi cần thiết thì giở lại, nhưng có những xấp báo đã hơn mười năm cũ, úa vàng, bụi bặm… những cuốn sách mua về chưa từng đọc được một trang; nằm yên trên kệ làm bằng chứng tham lam cho người không có sức mà ham hố…

Thử hỏi như giờ đây, tôi còn ba tiếng nữa mới tới giờ đi làm, sao không đứng dậy nổi để tống tiễn bớt một mớ sách báo mà vợ tôi đã yêu cầu lần thứ một ngàn; không đọc tiếp nổi một trang sách, báo, truyện, ký… mà tôi đã bookmark trên computer; thậm chí hớp thêm ngụm trà cũng thấy thừa vì đủ rồi! Nhưng sao tôi cứ ngồi thừ ra đó với đầu óc trống rỗng! Chỉ cần một chút tập trung thôi, tôi cũng có thể viết được vài trang báo về những vấn đề cần viết ra để mọi người cùng suy nghĩ, thậm chí một câu chuyện nhỏ trong bạn bè mà tôi đã nghĩ tới việc nên viết lại để làm bằng cho một thời di dân…

Nhưng tất cả dường như vô nghĩa; thời gian như đọng lại một cách phản khoa học! Tôi dường như hiểu ra dòng đời là một bản trường ca; và trong âm nhạc có những khoảng lặng, nên đời sống có những lúc bất động một cách bất lực mà không phải là giết thời gian.

Tôi không giết cái qúy nhất trong đời mà chỉ bất lực thấm dần vào phế phủ; như một bản concerto bủa lưới âm thanh, chận hết mọi ngõ ngách tư tưởng để lùa người ta lên đỉnh cảm xúc; rồi người nghe nhạc tự cảm nhận sự rơi về đời thường với khoảng lặng của nó; nhịp điệu sẽ du dương lại như đời sống khóc, cười, vui, buồn… hoà quyện một cách bất tận đến không ai còn thời gian để nhìn rõ chân tướng từng sự việc, nguyên nhân mọi xảy ra…

Tương tự với khoảng lặng trong dòng nhạc là khoảng lặng trong dòng đời; là lúc năng lực cơ thể cạn kiệt, năng lực tinh thần triệt tiêu trong khoảnh khắc; nếu để nó lập lại hoài thành mãn tính, rồi miên viễn là người đó đã chết!

Cũng không đến nỗi tồi trong một sáng vô tích sự. Tôi hiểu ra được một giấc mơ; hầu như tôi chỉ có một giấc mơ; khi mệt mỏi cực cùng, hay khi chán nản vô bờ… tôi thường gục xuống như chiều qua. Tôi thường gặp lại giấc mơ trong giấc ngủ cạn cùng ấy là thằng bé ngồi trên bậc thềm nhà cũ với món đồ chơi trẻ em trong tay; nó chờ đợi một hy vọng đời thường là trong cái giỏ đi chợ về của mẹ sẽ có miếng bánh bò nướng mà nó yêu thích và đã xin từ khi mẹ đi chợ. Nhưng đời thường trong tâm tư thằng bé nhiều hoang tưởng sẽ chóng phôi phai khi nó thả trí tưởng tới những chân trời viễn mộng; nơi có thuyền buồm to lớn hiên ngang trên đại dương, máy bay gầm thét tới tiếng sấm sét cũng phải kiêng nể… Những hoang tưởng đạt tới khoảng lặng thì kết thúc lúc nào không hay; thằng bé rơi tự do về đời thường với tiếng đánh thức của mẹ. Cuộc đời nó là một miếng bánh bò nướng. Những thơm, ngon, ngọt, rồi tiêu tan sau dăm phút khoái khẩu, nhưng sóng thần đánh lộn với cột buồm cao tới mây xanh, tiếng phản lực xé nát bầu trời còn mãi, giấc mơ còn mãi, thằng bé còn mãi một giấc mơ…

Chỉ là những khoảng lặng đã lập lại quá nhiều lần trong đời, đã thành miên viễn.Thằng bé ấy đã chết từ khi nó không còn bé, nên bậc thềm ở căn nhà tuổi nhỏ của nó đã mọc rêu xanh trong những lần mơ về sau…

Có thể trong tiếng ầm ầm, đều đặn của máy móc hôm nay. Tôi sẽ âm thầm làm lễ truy điệu thằng bé không còn nữa để thực sự tiếp nhận khoảng lặng mới mẻ của tuổi không còn bé là những lúc ngồi yên hàng giờ; bất luận có mặt trời hay không gian trăng sao… chỉ biết mỗi việc đưa cánh tay lên gãi đầu cũng lười, khi kinh nghiệm về ngứa đã đủ hiếu biết không gãi ngứa cũng qua vì ngứa chỉ là hiện tượng trong một khoảnh khắc của thời gian. Cái hữu hạn trong vô hạn có tồn tại nhưng tan biến; một lần ngủ gục trong đời giờ giấc sẽ qua đi. Nhưng sự lập lại để trở thành mãn tính là nguy hiểm của miên viễn.

Bản concerto đời thường đã rơi hết khoảng lặng với tiếng còi hụ ba giờ sáng. Tôi bấm nút “Power On”; đèn xanh sáng lên, tiếng máy móc bắt đầu vận hành công việc rút hết sinh lực của người chạy máy. Lễ truy điệu thằng bé mơ mộng âm thầm diễn ra trong tâm thức thằng con nít sống lâu năm…

Phan

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search