T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Vũ Hiến : Mặt trái những tấm vé số

clip_image002

Ghost of a Dream – Lauren Was and Adam Eckstrom

Thời Việt Nam Cộng Hoà trước đây có chương trình Xổ số Kiến thiết Quốc gia được xổ hàng tuần, không nhớ vào ngày nào, nhưng là vào buổi chiều. Tiền lời từ chương trình này được chính phủ dùng để xây dựng đường xá, trường học và những cơ sở hạ tầng khác ở miền Nam đúng như ý nghĩa của cái tên của nó là kiến thiết quốc gia. Điểm đặc biệt nhất của chương trình xổ số này là bài hát mở đầu được giọng ca của quái kiệt Trần Văn Trạch cất lên giống như một cách chào mời để mở hàng. Những ai đã từng sống qua thời gian đó đến nay mỗi khi nhắc lại không ai là không nhớ đến bài hát vui nhộn và giọng ca đặc biệt đó. Thử hỏi nếu không có bài ca đó thì chương trình xổ số chắc sẽ kém hào hứng rất nhiều và nay sẽ không còn ai nhớ tới nó nữa. Trong bài hát của Trần Văn Trạch chỉ có mấy câu ngắn, điển hình như mấy câu sau: Triệu phú đến nơi/Chỉ mười đồng thôi/Mua lấy xe nhà/Giàu sang mấy hồi…” Nhạc rộn ràng tạo thêm sự hồi hộp khi những con số may mắn lần lượt rớt khỏi vòng quay. Mỗi một cuộc xổ số như thế đã có hàng triệu người miền Nam chăm chú lắng nghe theo dõi bên chiếc radio.

Không hiểu hồi đó những người trúng lô độc đắc có thể mua được xe được nhà như trong câu hát của Trần Văn Trạch hay không, chứ riêng ở Mỹ lắm khi người trúng lô độc đắc lên đến cả hàng trăm triệu đô thì không chỉ mua nhà thôi mà còn dư khả năng để mua nhiều căn biệt thự nữa. Và hầu như năm nào chương trình xổ số như Powerball ở Mỹ, với 44 tiểu bang cùng khu vực thủ đô District of Columbia, Puerto Rico và quần đảo U.S. Virgin chơi chung, đều lên cơn sốt một hai lần với lô độc đắc có khi lên tới sấp xỉ nửa tỉ đô như chơi, làm người dân rủ nhau đổ xô đi xếp hàng mua vài tấm vé số cầu hên, nhỡ may lô độc đắc rơi vào tay mình thì ăn tới mấy đời cũng không hết.

Thế nhưng, như tất cả mọi thứ trên cõi đời này thường luôn có hai mặt trái và phải của nó. Chương trình xổ số ở Mỹ, và có lẽ ở nhiều nơi khác nữa trên thế giới, cũng không ngoại lệ.

Ta có thể coi chương trình xổ số ở Mỹ như một ngành kinh doanh mà chỉ chính quyền tiểu bang được độc quyền khai thác. Không một công ty tư nhân nào được dự phần ngoại trừ những tiệp tạp hoá có môn bài để được bán vé số và ăn huê hồng.

Năm 2014, người Mỹ chi ra cho xổ số tổng cộng $70 tỉ. Một con số không thể tin nổi. Nghĩa là cứ mỗi người Mỹ – tính cả đàn ông, đàn bà và con nít – chi hơn $230 cho những chiếc vé số, hay khoảng $300 cho mỗi người lớn (tất cả các tiểu bang đòi hỏi phải từ 18 tuổi trở lên mới được quyền chơi xổ số). Con số này cao hơn những số tiền người Mỹ chi ra để mua vé coi thể thao, sách, trò chơi điện tử, vé coi phim và đĩa nhạc. Và con số $70 tỉ sẽ còn tăng cao hơn trong những năm tới vì nếu so với số tiền người Mỹ chi ra cho xổ số năm 2009 chỉ ở mức $50,9 tỉ.

Và nếu coi xổ số như một ván bài, chính quyền tiểu bang là người làm cái và người dân là những người đặt tiền. Ai thắng nhà cái sẽ chung và ai thua nhà cái thu về. Tất cả số tiền thu về từ bán vé số, chính quyền tiểu bang sẽ chi ra 62% trả cho những người thắng, còn dư lại là 38% tiền lời. Nghĩa là trong ván bài này, nhà cái luôn luôn thắng.

Nhưng người thật sự thua là người nghèo. Theo nghiên cứu của Đại học Duke, một phần ba số gia đình nghèo nhất mua tới một nửa số vé, một phần vì xổ số được quảng cáo mạnh nhất ở trong những khu dân cư nghèo.

Một cuộc thăm dò tại tiểu bang California năm 1986 cho thấy tỉ lệ những người chơi xổ số chia đều 50-50, một nửa chơi vì tiền và nửa kia chơi cho vui. Nhưng với những gia đình có lợi tức thấp hơn $30.000 một năm, số người chơi vì tiền cao hơn 25% so với người chơi cho vui, trong khi với những gia đình có lợi tức cao hơn thì ngược lại. Các nhà nghiên cứu còn cho thấy người nghèo càng ngày càng mê mua vé xổ số nhiều hơn trước, trong khi những thứ vé khác như vé đi coi hát thì không tăng. Nói cách khác, chơi xổ số với người nghèo là một hình thức giải trí khác rẻ tiền hơn. Đó còn là một thứ niềm tin, một hy vọng thoát ra khỏi cảnh nghèo. Phải chăng chính quyền của những tiểu bang có xổ số đang biến những người dân nghèo sống trong tuyệt vọng của họ thành những tay nghiện ngập cờ bạc để chi trả cho những dịch vụ hoặc những chương trình xã hội của chính phủ.

Một số nhà hoạch định chính sách phản bác lại và cho rằng cái giá cho vấn đề đạo đức mà chương trình xổ số gây ra nếu có thì cũng tương đối thấp. Mà xét cho cùng, chơi xổ số là chuyện tự nguyện, không ai bắt buộc ai cả. Và có lẽ với số tiền mà chính phủ tiểu bang thu được từ xổ số, mà phần lớn quả thật là để chi tiêu cho hệ thống trường học, thì cũng còn hơn là chi cho những món độc hại như bia, rượu, thuốc lá, và những thứ khác.

Nhưng nếu thử hỏi cứ mỗi đầu người lớn thuộc gia đình nghèo chi ra $300 cho tiền chơi xổ số. mỗi năm. Vậy tính ra, nếu cứ mỗi gia đình nghèo có hai người lớn nếu không chơi xổ số, thì một năm họ có thể để dành được $600. Con số đó không nhiều nhưng nó là số tiền rất cần thiết trong những trường hợp khẩn cấp khi có chuyện gì không may bất ngờ xảy ra như – bị thương tích do tai nạn, bị đau ốm, hoặc chiếc xe bị hư – thì có ngay số tiền đó để tiêu thay vì phải đi mượn ở những công ty cho vay lãi cao, một thứ “cá mập” hiện đại có môn bài hoạt động kinh doanh, rất rành trong việc biến vài trăm đô thành những món nợ không bao giờ trả dứt.

Với những con số dài dằng dặc in trên mỗi tấm vé số, cơ hội để người ta có thể trúng lô độc đắc là nhỏ hơn một phần một trăm triệu. Khi người ta mua một hay nhiều tấm vé số cùng một lượt để cầu may thì cơ hội làm giàu kiểu này vẫn là gần như con số không. Có thể nói, dưới cái nhìn của các nhà kinh tế, khi người ta bỏ tiền ra mua vé số (và có người mua đều đặn mỗi tuần nhiều lần), thì đây là một quyết định kinh tế thiếu khôn ngoan.

Có người còn ví chương trình xổ số như là một hình thức thuế má mà lại không bị người dân phản đối. Bởi vì chơi hay không chơi xổ số là hoàn toàn tự nguyện, nhưng mấy ai cưỡng lại được sự cám dỗ khi giải thưởng dành cho lô độc đắc lúc nào cũng hấp dẫn. Và khi đã là tự nguyện thì chẳng ai có lý do gì để chống cả. Ngược lại, mỗi khi cần phải tăng thuế thì chính phủ luôn luôn gặp phải sự chống đối, nhiều khi rất quyết liệt, có thể làm cho vài vị chức sắc thất cử trong lần bầu cử tới. Thay vì để có thêm thu nhập bằng cách tăng thuế nhưng có phần chắc sẽ gặp phản ứng bất lợi, chính quyền bèn tìm một giải pháp an toàn hơn là mở ra những chương trình xổ số.

Hơn nữa, nhiều khi tiền thu về từ chương trình xổ số còn cao hơn cả tiền thuế. Năm 2009, có tới 11 tiểu bang có thu nhập từ tiền xổ số cao hơn là từ thuế đánh trên các công ty. Như tiểu bang Rhode Island, cứ $1 tiền thuế thu vào từ các công ty thì có hơn $3 tiền thu vào từ chương trình xổ số.

Nếu chơi xổ số được xem như một hình thức cờ bạc, thì nửa thế kỷ trước, cờ bạc là món “quốc cấm” ở tất cả mọi tiểu bang ngoại trừ Nevada. Mới năm 1980 đây thôi, chỉ có 14 tiểu bang cho phép chơi xổ số. Nay thì đã có tới 44 tiểu bang có xổ số. Nhìn bằng con mắt chính trị với một chút mỉa mai thì việc cho phép chơi xổ số là một chính sách hoàn toàn hợp lý: Đánh thuế dưới hình thức một trò chơi giải trí sẽ không gặp phải sự chống đối của những tổ chức vận động hành lang (organized lobbyists). Thuế đánh lên các công ty bị xem là hình thức trừng phạt các công ty, và các công ty sẽ phản ứng lại bằng cách mướn những tay vận động hành lang để tạo áp lực lên chính phủ. Thuế lợi tức cá nhân và thuế tài sản làm thiệt hại cho nhà giàu, mà nhà giàu thì thường là những người chịu quyên góp tiền cho các quỹ tranh cử, thế thì không nên gây phiền phức cho đám ấy. Cho dù xổ số có làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người nghèo đấy, nhưng đây là những thành phần cử tri mấy khi đi bầu, lại ít đóng góp cho những quỹ tranh cử, và thường chẳng có đại diện ở những cơ quan quyền lực để lên tiếng tranh đấu cho quyền lợi của họ. Thế nên, ta cũng không mấy ngạc nhiên khi càng ngày càng có nhiều tiểu bang tổ chức nhiều trò xổ số khác nhau, là một thứ cờ bạc trá hình và là cách thu thuế khác, mà chẳng bao giờ phải lo có người chống đối.

Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu xã hội, chúng ta đang sống trong thời đại mà sự bất quân bình về lợi tức càng ngày càng cao, thì việc nhiều chính quyền tiểu bang tìm cách thu thêm lợi tức cho công quỹ từ những đồng tiền đánh cược trên niềm hy vọng hết sức mong manh và vu vơ của những người dân nghèo khổ nhất là điều đáng trách và nguy hiểm. Chương trình xổ số là thứ thuế đánh trên người nghèo và miễn cho nhà giàu, trong khi nó luôn được quảng bá dưới chiêu bài là một món giải trí hoàn toàn tự nguyện. Cấm việc chơi xổ số có lẽ sẽ không làm cho cuộc sống của người nghèo khá hơn ngay lập tức nhưng ít ra trong túi họ còn có thêm được vài trăm đô. Người nghèo vẫn luôn bị thua thiệt và họ đã bị thua thiệt từ bao lâu, thậm chí trước khi xổ số xuất hiện.

Vũ Hiến

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search