T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Tháng 1 Năm 2009

Ngày 25 tháng Giêng năm 2009

Hàng năm, trong lúc ở quê nhà rộn rã chuẩn bị đón mùa xuân truyền thống, thì ở những mảnh đất xa quê hương hàng trăm ngàn người Việt nam cũng xôn xao chuẩn bị hành trang về nước hưởng tết với gia đình. Mẹ thấy chăng phố vui chân người về. Mẹ mừng thấy con xa xôi đã quay về. Người ta trở về quê hương vào lúc năm cùng tháng tận là một sự việc thật bình thường. Cũng hệt như những người trong gia đình buổi sáng túa ra đi làm, đi học, đến cuối ngày trở về nhà tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi. Nhưng oan nghiệt cứ kéo theo những oan nghiệt cho một dân tộc đã từng quá khổ đau vì chiến tranh, vì xung đột ý thức hệ, vì những cách biệt không thể hàn gắn giữa bên này và bên kia bờ biển Thái bình dương. Cả hai bên đều khóac cho cuộc trở về ấy những ý nghĩa rất xa lạ với tâm tư của người đang háo hức được gặp lại cha mẹ, anh chị em, con cháu sau một thời gian cách biệt. Những quan niệm thiển cận, độc ác ấy chỉ làm sâu thêm hố ngăn cách vốn đã rất sâu giữa người Việt trong và ngòai nước. Cuộc phân ly nào rồi cũng sẽ phải có ngày hội ngộ. Qúa khứ và những nỗi đau tuy không thể một sớm một chiều rũ bỏ, những cũng không phải là thực tế nếu người ta để cho quá khứ và những nỗi đau làm hư mất hiện tại, càng thiếu công bằng nếu để chúng làm hư mất đi cả tương lai. Mặt khác, việc trở về của người Việt tha hương không hề mang ý nghĩa thừa nhận một chế độ vẫn còn bám víu vào những ảo tưởng một thời để biện minh cho sự độc tài tòan trị của mình. Trong chiến tranh, giữa tên bay đạn nổ, người ta bị buộc phải chọn bên để đi theo.Thậm chí, có người còn bị buộc phải chọn cả hai bên, như người dân ở những vùng xôi đậu, sáng Quốc chiều Cộng. Đó là điều không ai chối cãi, vì đó là vấn đề của sống và chết. Nhưng ngày nay, chiến tranh không còn nữa, hiểu theo nghĩa không còn máu đổ thịt rơi, một sự lựa chọn nào đó không nhất thiết phải mang nhãn hiệu cộng sản hay quốc gia theo như ý nghĩa thông thường nữa. Nếu trong chiến tranh, người ta đã phải hy sinh nhiều thứ, trong đó có cả tình cảm riêng tư, gia đình của mình, thì ngày nay, hơn 30 năm sau ngày cuộc chiến chấm dứt, nỗi lòng của người con xa nhà phải được trân trọng trong ý nghĩa tốt đẹp nhất của nó. Hãy nghe lại câu hát cũ. Mẹ mừng thấy con xa xôi đã quay về. Mà lại là quay về trong cái thời khắc tuyệt vời nhất của một năm để rước xuân vào nhà.

(trích: Rước xuân vào nhà)

Ngày 21 tháng Giêng năm 2009

Obama, Tổng thống thứ 44 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ,

Ông là ai?

Obama, ông là ai mà sao có nhiều người dân bình thường cảm thấy ông rất gần gủi với họ?

Ông đã tự nhận mình là người da đen. Cha ông có gốc gác từ một vùng đất Phi châu nghèo nàn tên gọi Kenya, cho đến nay vẫn nghèo và suy yếu vì những tranh chấp chính trị (của lớp người già . . . hơn Obama). Mẹ ông là nguời da trắng, sinh trưởng ở một thành phố tỉnh lẻ của tiểu bang nông nghiệp Kansas. Ông là kết quả của một cuộc hôn nhân pha trộn, cả màu da (đen trắng) lẫn xứ sở (nước giàu nhất thế giới và nước ở trong danh sách những quốc gia nghèo nhất thế giới).

Tên của ông có chữ lót là Hussein. Một cái tên thông dụng trong thế giới Muslim.

Bây giờ, Obama – ngòai danh vị nhà lãnh đạo cao nhất thế giới – có thể tạm được coi là sung túc về tài chánh. Nhưng nhìn lại 47 năm cuộc đời ông, người ta nhìn thấy những hình ảnh rất thông thường của tầng lớp nghèo trong xã hội Hoa Kỳ. Người mẹ trẻ một mình lo nuôi dưỡng con, có lúc phải nhờ đến ông bà ngọai. Tuổi thơ ông, vì hòan cảnh gia đình, đã phải di chuyển và sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới: Nam Dương – quốc gia có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới; Hawaii, tiểu bang có số dân gốc châu Á đông nhất ở Hoa Kỳ.

Obama tự nhân mình là “con lai“ (mongrel). Ông vừa đen, vừa trắng, vừa châu Phi, vừa châu Á. Ông vừa thuộc thành phần nghèo, ít học, vừa thuộc về giai cấp trung lưu, tốt nghiệp từ hai trường đại học lừng danh bậc nhất của nước Mỹ, của thế giới: Trường đại học Columbia và trường đại học Harvard. Thời sinh viên, Obama đã là chủ biên tạp chí Luật học của Harvard, mà mỗi bài nghiên cứu được đăng tải trong tạp chí này đều được cả thế giới luật sư chuyên nghiệp xem như mẫu mực.

Vậy thì, Obama, ông là ai? Hình như câu trả lời nào cũng đúng. Obama là người giống như bất cứ một người nào sinh sống trên mặt đất trần gian này. Ông là tất cả mọi người, nghèo cũng như giầu, trí thức cũng như bình dân.

Ông là vị Tổng thống da đen đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, là nhà lãnh đạo số một gốc da đen đầu tiên của thế giới, là một trong những nhà lãnh đạo thế giới trẻ nhất có tác động mạnh mẽ lên tiến trình chuyển hóa của thế giới, là vị lãnh đạo đầu tiên của thế giới khơi được trong lòng những người trẻ sinh sống ở bất cứ ngõ ngách nào của thế giới cái ước mơ tuyệt vời rằng, một ngày nào đó, họ cũng có thể sẽ là một Obama thứ mấy mươi, một Obama với sứ mạng cải tạo thế giới thành một nơi chung sống an hòa hạnh phúc cho tất cả mọi người .

Ngày 20 tháng 01 năm 2009, gần 2 triệu người có mặt tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn để chứng kiến lễ đăng quang của Obama. Đó là con số kỷ lục chưa từng có trong 56 lần tổ chức lể đăng quang cho vị tổng thống của nước Mỹ. Hàng tỉ người trên thế giới ngừng công việc để theo dõi buổi lễ qua các màn ảnh truyền hình. Đó cũng là con số kỷ lục cho một sự kiện chính trị.

Và như thế, cái tên Obama đã đi vào lịch sử với những ý nghĩa mà người ta còn phải nhắc đến, tìm hiểu ở nhiều thế hệ mai sau.

Xin Ơn trên phù hộ cho ông, Obama! Lời Cầu nguyện cho ông cũng là lời cầu nguyện cho những con người bình thường trên mặt đất này, trong đó có tôi.

T.Vấn

20-01-2009

Bài Mới Nhất
Search