T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Giả và Tác Phẩm – Nguyễn Bắc Sơn (II)

 

 

clip_image002

Đã qua đời ngày 4 tháng 8  năm 2015 tại Phan Thiết-Việt Nam (thọ 72 tuổi)

Nguyễn Bắc Sơn: Chiến tranh Việt Nam và tôi

Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội

Rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng

Đòan quân anh đi những bóng cọp vằn

Gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt

Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất

Dừng chân nơi đây nói chuyện tiếu lâm chơi

Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời …

Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic

Kẻ thù ta ơi các ngài du kích

Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo

Hãy tránh xa ra ta xin tí điều

Lúc này đây ta không thèm đánh giặc

Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc

Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh

Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình

Ăn muối đá mà điên say chiến đấu

Ta vốn hiền khô ta là lính cậu

Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo

Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo

Xem cuộc chiến như tai trời ách nước

Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước

Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi

Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi

Suy nghĩ làm chi cho lao tâm khổ trí

Lũ chúng ta sống một đời vô vị

Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau

Mượn trời đất làm nơi đốt hỏa châu

Những cột khói giả rừng thiêng uốn khúc

Mang bom đạn chơi trò chơi pháo tết

Và máu xương làm phân bón rừng hoang

 

Phiêu du từ thơ miền Nam trong thời chiến

Nguyễn Mạnh Trinh

Đêm đã thật khuya. Cuốn sách trên tay. Đọc mê mải. Quá khứ như hiện về, những ngày tháng đã qua dường như hồi sinh lại. Đi tìm thời gian đã qua chứ không phải đã mất, những bài thơ vẫn còn trong tiềm thức một lúc nào ào ra, mãnh liệt. Thơ của chiến tranh, ngày nào đã gần bốn chục năm mà tưởng như mới hôm qua. Những câu thơ của một thời.

Tôi thấy mình thiếp đi trong cơn phiêu du. Những giấc mơ lẫn lộn giữa cái mình đã sống và cái mình đã cảm. Giở những trang sách, cảm nghĩ ùa tới. Thấy mình, thấy người, thấy những số phận đã buộc trói vào nhau trong cơn cuồng loạn của chiến tranh.

“Thơ Miền Nam Thời Chiến” là bộ sưu tập do hai người lính VNCH năm xưa thực hiện và cũng là hai nhà văn đã viết trong khoảng thời gian ấy. Nhà thơ Trần Hoài Thư và nhà văn Phạm Văn Nhàn. Những công trình gom góp lại từ 263 thi sĩ, trải qua bao nhiêu cuộc biến thiên, bao nhiêu lần phần thư khốc liệt. Có một thời, thơ Miền Nam đã bị những âm mưu xóa nhòa trong văn học sử để thay vào đó là những cây bút sống chui rúc trong rừng trong bụi, hay những người từ miền bắc trở vào đội danh cải lốt. Những người chủ trương Thư Án Quán đã khởi đi trong tro tàn để sưu tập cho được những chân dung thi sĩ đã một thời tạo nên những sinh hoạt văn chương đẹp đẽ và nhiều thời đại tính.

Đọc bài giới thiệu của nhà văn Đặng Tiến, một bài văn viết rất hàm xúc và có giọng điệu riêng của những người phê bình thừa nội lực. Nhà văn Đặng Tiến có một thời sinh sống khá lâu ở bên Pháp mà hiểu rõ được những sinh hoạt văn học ở miền Nam để giới thiệu “những trang thơ được sưu tập từ một thời kỳ đen tối của quê hương, khởi điểm bằng lệnh tổng động viên và chấm dứt bằng ngày 30 tháng tư năm 1975” là một điều bất ngờ kỳ thú. Hơn nữa, hình như nhà văn Đặng Tiến không phải là người lính mà có những lời giới thiệu thật nồng nàn và nhiều chia sẻ. Đó cũng là điều bất ngờ kỳ thú thứ hai.

Đọc trong bài giới thiệu, thấy có đoạn văn làm tôi hơi ngờ ngợ vì sự chính xác của nó. Nhà văn Đặng Tiến viết:

“…Lại công bình mà nói: miền Nam thời đó, không phải là không có thơ tuyên truyền, nhưng vì không mấy người ưa, không mấy ai nhớ, ban sưu tập không ghi lại, cũng là duy lý.

Tuy nhiên, nếu nhất thiết phải tìm cho ra một lập trường chính trị cho thơ Miền Nam, thì nó là: khát vọng hòa bình, khát vọng này mang theo những hệ luận: tình yêu quê hương, gia đình, vợ chồng nam nữ bạn bè đồng đội. Dường như không có một ngoại lệ nào qua sưu tập. Một “lập trường” như thế dĩ nhiên là “nhân bản” và cao quý. Nhưng người yêu nền thơ nọ không phải vì cái nhân bản kia mà vì thơ hay, hoặc vì nhiều đặc điểm lý thú. Ngày nay, nếu các bạn nêu cao ngọn cờ “nhân bản tự do” thì ra “chỗ” tránh vỏ dưa đạp phải vỏ dừa. Cái bẫy bên trái hay bên phải vẫn là cái bẫy.”

Có phải lập trường chính trị cho thơ Miền Nam là khát vọng hòa bình, mà các tình yêu quê hương, gia đình, chồng vợ, nam nữ, bạn bè đồng đội chỉ là hệ luận?

Có thể điều đó đúng với một số người chứ không phải ở số đông. Khát vọng hòa bình chỉ là một, còn nhiều khát vọng khác, nhiều mong ước khác cho dân tộc, cho dất nước. Cũng như mhững người lính có ý nghĩ khác với người không phải là lính. Họ có những suy tư ý nghĩ khác nhau, không phải như kiểu đồng phục một loạt của những nhà văn nhà thơ của hiện thực xã hội chủ nghĩa miền Bắc.

Ở những người thường, có người lính chiến đấu vì sợ bị Cộng sản thắng và bị hành hạ bởi những tấm gương tầy liếp mà có thể họ đã trải qua từ vụ đấu tố của cải cách ruộng đất. Hay có người lính chiến đấu vì tình đồng đội và mầu cờ sắc áo của đơn vị mình. Cũng có người chiến đấu để yên ổn cho địa phương mình như các chiến sĩ áo đen dân vệ giữ gìn xã ấp…

Còn với người lính làm thơ, không phải chỉ với khát vọng hòa bình là độc nhất. Mà họ còn nhiều tâm tư khác nữa, phức tạp hơn. Và chính đó cũng là sắc thái đặc biệt của thi ca miền Nam. Họ làm thơ không vì một điều gì khác thúc đẩy ngoài việc họ muốn nói lên tâm tư tình cảm của thế hệ họ.

Hãy đọc thơ Trần Hoài Thư, người thực hiện bộ sưu tập xem có bao nhiêu bài anh viết về khát vọng hòa bình? Hãy đọc bài thơ anh ca tụng Qui nhơn, nơi anh đã đổ máu mình trong chiến trận tại đó:

“…. Bởi vậy tôi về nằm ngay cửa phố
Bên cây xăng ông Tề nhìn ra đầm
Tôi nói rằng tôi yêu Qui Nhơn bao nhiêu
Nên tôi điên rồ chạy đầu chạy trước
Tôi biết rằng khi xa Qui Nhơn chắc khóc
Nên tôi càng tha thiết với Quy Nhơn
Và khi máu mình đổ xuống mặt đường
Tôi mang chiến thương tạ tình thành phố…”

Trong chiến tranh, có rất nhiều người phản chiến. Có người ngụy hòa, để che giấu những mưu đồ riêng hay sự sai phải của phía bên kia mà sau ngày 30 tháng tư năm 1975 đã lộ mặt. Và, cái chiêu bài khát vọng hòa bình vẫn là chiêu bài được xử dụng… Ở thực tế, chiến tranh chấm dứt từ năm 1975 nhưng đất nước trong tay những người chiến thắng trở nên tan nát và đổ vỡ đến mức Việt Nam là một quốc gia đói nghèo và chậm tiến bậc nhất trên thế giới….

Nhà văn Đặng Tiến lại viết:

“…Lẽ thường trong chiến tranh là thắng hay bại. Điều lạ là trong tập thơ này là không có chiến thắng dù trong mơ ước hay ngông nghênh…”

Đọc tới đó, tôi lại giở bài thơ của Lâm Hảo Dũng, trong bộ sưu tập. Bài “Ngày về Ben Hét”:

“…Ta pháo gầm vang một góc rừng
đồi tây giặc khiếp ngắm đồi đông
những ai trong phút kinh hoàng ấy
tay súng trang nghiêm mắt trợn trừng
anh ở miền Nam lạc đến đây
còn quân phương Bắc ngủ xuôi tay
chiến tranh như thể trò tiêu khiển
của lũ con buôn xác chết này…”

Hay, “Về Ashau” của Cao Hoành Nhân nói về chiến công của các chiến sĩ nhảy dù, Lôi hổ:

“…Một thung lũng Ashau
mây trời vang âm hưởng
Rừng U Minh, Tam Giác Sắt, Đỗ xá, Vũng Rô…
Cây đá hoang mang lau lách dựng mồ
Và – lịch sử. Ta làm thơ ca tụng
Ta phấn khởi vì chiến công
Đứng lên cao vì miền Nam anh dũng
Dưới nắng ấm Trường Sơn
Ven Cửu Long phù sa nắng đẹp lúa thơm…”
Và – kiêu hãnh thơ ta huy hoàng chiến tích…”

Hồi ở trong trại tù, tôi đã nghe cái luận điệu là không có kẻ thắng người bại trong cuộc chiến này, mà người chiến thắng là tất cả dân tộc Việt Nam ở cả hai phía. Thành ra, nghe điều gì có âm hưởng như thế đâm ra chạnh lòng. Những cái gì đẹp quá, lý tưởng quá chỉ có thể có trong tuyên truyền trong dối trá. Tôi rất thành thực khi nghĩ như thế. Dù rằng, đọc thơ mà có thiên kiến thì mất vui.

Cảm giác ấy chợt có như tôi đọc bài thơ “Em tôi và những người bọn mình không ưa” của Nguyễn Hồi Thủ. Tác giả này thú thực tôi ít đọc tới, dù đôi khi được những người trong nước kể là một nhà thơ hải ngoại có “tăm tiếng” và rất “yêu nước”. Bài thơ hình như tả lại một hội nghị bàn luận về hòa bình, như hòa hội Ba Lê chẳng hạn (tôi độ chừng thế!):

“Em nói tiếng hòa bình
đôi môi em rất xinh
tôi nói tiếng hòa bình
tim tôi đập rất nhanh
người nói tiếng hòa bình
người trợn đôi mắt xanh
anh nói tiếng hòa bình
vẫn còn giơ tay đấm
em nghĩ đến quê hương
đôi mắt em rất hiền
tôi nghĩ đến quê hương
lòng tôi như dòng sông
người nghĩ đến quê hương
ngực ưỡn về đằng trước
anh nghĩ đến quê hương
bậm môi và nhăn trán
mà suy nghĩ liên miên
em trước bàn hội nghị
tóc xõa như nàng tiên
tay ngà ôm lấy trán
người trước bàn hội nghị
vung tay ra đằng trước
vứt tiền ra đằng sau
anh trước bàn hội nghị
già mồm như gái đĩ
cùi chỏ thúc ra sau
xem mấy kẻ gật đầu…”

Đọc tới đây, đủ rồi…… Tôi như thấy một người bận âu phục lịch sự tay giơ cao mồm lu loa và đội chiếc nón… cối. Không biết tôi có “lầm không đây khi” đội mũ “cho một Việt Kiều yên nước!!!

Còn những điều làm tôi tâm đắc. Tôi tìm thấy rất nhiều trong bộ sưu tập. Những cuộc đời, những tâm sự, dàn trải ra một thời đại khốn khó của dân tộc nhưng hùng tráng trong bi thảm biết bao. Nhất tướng công thành vạn cốt khô, nghĩa trang Biên Hòa rêu phong cỏ áy và nghĩa trang Trường Sơn bạt ngàn mộ chí không tên.

Tôi đọc những bài “Thơ Miền Nam trong thời chiến”. Thú thực tôi như bị dẫn đi trong những cuộc trường hành. Của những đoạn đường chiến binh, qua những địa danh đất nước. Ở đó, có cảm xúc từ những bàii thơ biên tái, của những nỗi niềm rất người đậm chất nhân bản. Không phải tất cả các thi sĩ đều khoác áo lính. Có khi họ là thầy giáo, công chức hay những nghề tự do khác. Nhưng họ đều có chung hơi thở của một thời đại chiến tranh. Họ chia sẻ với nhau những số phận thời chiến mà Trần Hoài Thư gọi là “tội tình”, thân phận của những con chốt thí trong trò chơi quyền lực.

Có một điều, nếu có ai khoác cho thi ca của họ những ý thức này, những vận dụng kia thì đó chỉ là những cái áp đặt nhiều khi không thực tế. Nhiều người làm thơ, giản dị là muốn làm thơ, để cho mình hoặc bạn bè mình đọc và không nghĩ đến đăng chỗ này gửi chỗ kia. Họ viết trong cái tâm vô tư ấy nên có nhiều bài cảm khái rất hay mà không được phổ biến. Nếu gặp duyên khởi hay may mắn, họ sẽ thành những nhà thơ cự phách. Thành ra, trong bộ sưu tập này có nhiều tên tuổi lạ nhưng là tác giả của những bài thơ thật hay…

Tôi nhớ lại một thời của cá nhân tôi, từ những bài thơ đọc để nhắc lại trong ký ức. Trước năm 1968, tôi còn trẻ lắm và đang học ở đại học. Tuổi ấy, cũng có những băn khoăn về thời cuộc, cũng có những thắc mắc triết học, như một thời thượng thuở đó. Khi là sinh viên cũng có lúc xuống đường, hay tham dự các sinh hoạt xã hội như các bạn đồng lứa tôi. Cho đến khi vào lính, giản dị là theo lệnh tổng động viên không muốn làm người sống ngoài vòng pháp luật. Hơn nữa, nhận thấy rằng sống và trưởng thành ở đất nước này thì phải thi hành nhiệm vụ quân sự là điều tất nhiên.

Bây giờ đọc những bài thơ với nhiều tên tuổi thi sĩ quen thuộc lúc ấy. Tôi không thể nào quên những tối mưa mù mịt ở Pleiku, ra phố mua một tờ Văn hay Bách Khoa rồi luồn vào trong áo lạnh nhà binh để cho khỏi ướt. Và, tối về nằm đọc như thấy lại Sài Gòn, thấy lại một thời ngồi ghế nhà trường, và hồi tưởng lại những hình ảnh đã qua của thơ mộng tóc xõa dài lưng vai áo trắng. Dù ở xa xôi nhưng trong phòng nhỏ ở cư xá độc thân tôi cũng có kệ sách nhỏ và các tạp chí văn chương là những món giải trí thiết yếu mỗi đầu tháng. Lúc ấy, tôi cũng tập tành làm vài ba câu thơ, khi thì để trang trải tâm sự khi thì biểu hiện những mơ ước lãng mạn bềnh bồng. Thi ca với tôi lúc ấy như bông hoa tươi đẹp biết bao. Những ngày biên trấn như nồng ấm thêm của nỗi niềm mênh mang đợi ngỏ.

Mấy ngày nay ở nơi tôi ở trời đang mưa. Những giọt mưa gõ vào mái nhà như đang gõ vào trong tim tôi tiếng vọng thầm của bước chân nào trở lại những ngày tháng cũ. Tôi nhớ lại những đêm mưa Pleiku. Gió mưa ào ạt trong cái se lòng của đất trời. Đọc những câu thơ sao mình tưởng tượng đến những cánh chim đang bay giỡn đùa cùng sương gió. Thấy mình háo hức trong cõi mộng thanh niên và cũng già đi những suy tư của những ngày tháng mặc quần áo trận. Cảm khái chập chùng, nên thi cảm chất chứa trong óc trong tim. Giở từng trang lại từng trang, một đời lính tôi chỉ vỏn vẹn từ 1968 đến 1975 sao dài quá, dài như cả một đời người. Lúc đó, thơ đã thành những mơ mộng lãng mạn để thấy mình như trong một cơn đồng thiếp chữ nghĩa nào.

Đọc thơ Lâm Hảo Dũng để nhớ về Bản Hét, gợi lại lúc ghé Dakto, hay nhìn lại buổi chiều Hàm Rồng. Ôi, Hàm Rồng cái tên đẹp đẽ của ngọn núi như thế lại có hình dáng rất là gợi cảm của bộ phận sinh dục người phụ nữ. Những chuyến không hành từ Sài Gòn hay Ban mê Thuột trở về Pleiku khi nhìn thấy đỉnh núi gợi cảm ấy là biết rằng đã gần về sân đáp. Với thơ Lâm Hảo Dũng, cảnh với người hình như có gì ràng buộc với nhau và trong cuộc chiến, cái giây phút mơ mộng hiếm hoi đã làm tươi thắm hơn những rặng núi mù lam vây kín chân trời:

“Con đường ấy vẫn hoen mầu bụi đỏ
Gió lơ thơ nghe nắng mới ngập ngừng
Anh sống thở trong tâm hồn trai trẻ
Nghe nỗi buồn đâu đó đến phân vân
Hoa cúc dại thắm trên đường xa tắp
Và quê hương tha thướt lá xanh trà
Em có thả những chòm mây nhung nhớ
Cho rừng hoang im lắng tiếng chim ca
Đời viễn khách mơ hồ không biết được
Bước chân vang rộn rã buổi quay về
Em mắt biếc hồn nhiên bên cánh cửa
gửi hương nồng quay quắt bóng người đi. ”

Lâm Hảo Dũng có hai câu thơ đọc nghe nhức nhối, như luồng điện dí vào da thịt. “Chư Pao ai oán hờn trong gió. Mỗi một khăn tang một tấc đường. ” Câu thơ của những ngày hè đỏ lửa 1972, khi chốt Chư Pao của Bắc quân cắt ngang đường tiếp tế cho Kontum đã biết bao nhiên chiến sĩ hai bên hy sinh và biết bao nhiêu tấn bom đạn đã đổ trên mỏm núi.

Nhớ Pleiku, đọc thơ Kim Tuấn. Những Bản Hét, Pleime, Đức Lập, Pleimerong, Đức Cơ, những địa danh của một thời mịt mù lửa đạn. Đọc một đoạn thơ, như thấy lại những đời lính thú. Những câu, những chữ có xót xa, có nhung nhớ nhưng cũng có nét hùng tráng của những người lính trận xa nhà:

“Bản Hét những chiều không pháo kích
trời im nghe gió thổi qua mau
rừng im nghe tiếng chim xào xạc
đồn im nghe súng bỗng dưng sầu
Bản Hét hành quân vùng Tam Biên
Núi cao như dựng với sông liền
Rừng sâu màu lá xanh da mặt
Cơm sấy ăn sao nhớ mẹ hiền
Mẹ hiền phương đó con đầu núi
Bưng biền chưa hết trọn đời trai
Bưng biền đêm gối tay lên súng
Bỗng thấy thương thân bỗng thở dài…”

Đọc thơ Nguyễn Bắc Sơn lại trong trang sách sưu tập, dù đã đọc nhiều lần. Thế mà vẫn thấy bừng bừng như có men say một thời nào vừa xa xôi vừa gần gũi lắm:

Mai ta đụng trận may còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui
Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoáng đã ở phương tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn sẽ chắc thành mây bay
Linh hồn ta sẽ thành đom đóm
Vơ vẩn trong rừng động Thái An
Miền Bắc sương mù giăng mấy quận
Che mưa giùm mấy nắm xương tàn. ”

Đọc thơ Chinh Yên, nhớ lại những ngày ứng chiến trong hầm đại liên nhìn ra tuyến, đọc thơ Thanh tâm Tuyền, đọc sách Phạm Công Thiện để nhìn thấy qua lỗ châu mai thấy những sợi mây bay. Đọc, để cảm khái:

“Hiền sĩ đọc thơ bên lều cỏ
tôi đọc thơ giữa chốn ba quân
cách nhau mỗi ngày là mỗi lạ
huống hồ trên dưới mấy trăm năm
hiền sĩ có trăng treo ngoài ngõ
để lâu lâu ngắm nghía đỡ buồn
tôi có gì đâu ngoài súng nhỏ
máng đầu giường chạm gió kêu khan
hiền sĩ có cây già tựa gối
có chim ngàn ở ẩn chia vui
tôi có gì đâu ngoài nón trận
tránh đạn bom nhờ chút hên xui…”

Có những bài hành đọc lên hụt hơi ngút ngàn hào khí. Những câu thơ dồn dập suy tưởng ào ào lối nghĩ. Những câu thơ dài theo nhịp trống quân hành, những câu thơ của từng phút giây mênh mang cảm giác. Tôi đọc “Biên Cương hành” thơ Phạm Ngọc Lư:

…Đây biên cương, ghê thay biên cương
tử khí bốc lên dày như sương
đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
rừng núi ta ơi đến chia buồn
buồn quá giả làm con vượn hú
nào ngờ ta con thú bị thương
chiều hôm bắt tay làm loa gọi
gọi ai nơi viễn xứ tha phương?
Gọi ai giữa sơn cùng tận
Ai người thiên cổ tiếc máu xương?
Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta mắt nhắm tay buông
Thôi em, chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
“nhất khứ bất phục phản” là thường…”

Như gió mây hội ngộ, hánh quân qua bến phà Mỹ Thuận gặp bạn đánh chén say mèm. Thơ Hà Thúc Sinh như tiếng cười ngạo nghễ tràn đầy cảm khái. Cười như cuộc sống là một trò đùa và trò chơi đánh trận như là một cuộc cút bắt với thiên thu

“Hãy cạn ly chết bỏ
tôm cua cá lươn sò
lương ta còn nguyên vẹn
còn cả cái Seiko
Cửu Long giang ra biển
Sẽ chẳng trở về đây
Chiến tranh hề gặp gỡ
Có chắc lần thứ hai
Mai mỗi thằng mỗi ngả
Thằng Cà Mau, Năm Căn
Thằng Bình Dương, Bình Giả
Thằng địa ngục thiên đàng
Nhưng ta không sợ chết
(hơi ngán què đôi chân)
còn mày sao lại khóc
cứ cười lên đi con
ta anh hùng tứ xứ
há thua những bông hồng
nơi rừng U Minh hạ
còn dám nở dưới bom
cứ cười như họng súng
bắn cuộc đời vỡ toang
ha ha ha ha ha
như họng súng
ha ha ha

Đời vỡ toang “Đọc thơ Cao Thoại Châu. Đọc thơ Vũ Hữu Định. Đọc thơ Hạc Thành Hoa. Đọc thơ Hồ Minh Dũng. Đọc thơ Thái Tú Hạp. Đọc thơ Trần Tuấn kiệt. Đọc thơ… Đọc thơ…. Những bài thơ tiếp nối nhau từ sông ra biển, từ nơi chốn này đến địa danh khác. Thơ, trong suốt đêm mưa hôm nay, đã thành một không gian của trăm chiều chuyển động, của xôn xao cảm giác, của nhớ và quên lẫn lộn, thấy mình và người quấn quít hình nhân. Tôi đọc thơ mê mải. Tôi như bơi theo dòng. Tôi như sống một thời gian không gian nào của những ngày đôi mươi của xênh xang áo trận của những lúc tưởng mình là người mang nặng mộng ước trên vai.

Lúc ấy, mới thấy sâu xa cảm tình của những người chia sẻ với nhau nỗi niềm của chung mang thời thế. Để có một lúc phải nhủ thầm trong lòng. Cám ơn những thi sĩ, những người đã góp công làm đẹp quê hương. Và, cũng phải tri ân những người thực hiện bộ sưu tập để những vần điệu thi ca của một thời kỳ được miên viễn từ cuộc hồi sinh chữ nghĩa….

Một tiếng đồng hồ trước khi lên đường hành quân
Khi tao đi lấy khẩu phần
Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao
Chúng mình nhậu đế trừ hao
Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng
Mùa này gió núi mưa bưng
Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan
Mùa này gió bão mưa ngàn
Trong lòng thiếu rượu hoang mang nhớ nhà
Những thằng lính trẻ hào hoa
Lưu đày trong cõi rừng già núi xanh
Lao mình vào chốn phân tranh
Tiếc thương xương máu sinh thành được ư

Nguyễn Bắc Sơn, điên hay tỉnh khi viết về

thân phận mình qua người lính VNCH

Mường Giang

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn thưở nhỏ học hành dang dở vì hoàn cảnh gia đình chỉ có mẹ, còn người cha tập kết ra Bắc năm 54. Chính cái bút hiệu Nguyễn Bắc Sơn, theo sự thổ lộ của đương sự, là để nhớ về người cha Việt Cộng đang phục vụ tại Bắc Sơn, Băc Việt Một lý do khác khiến Nguyễn Bắc Sơn bỏ học sớm vì sức khỏe yếu, tinh thần bạc nhược, điên điên, tỉnh tỉnh bất thường. Chỉ trong một sớm một chiều khi bài thơ ‘’Chiến tranh Việt Nam và tôi’’ được Bách Khoa đăng vào đầu thập niên 1960 đã đưa Nguyễn Bắc Sơn lên đài danh vọng về mặt làm thơ phản chiến. Dậu đổ bìm leo, Tin Văn, Hành Trình, Đối Diện, Văn và Bách Khoa cũng đăng một số bài của những lớp người mới sau năm 70 như Lưu Nghi, Vân Trang, Thế Nguyên, và nhất là Ngụyy Ngữ : ‘’Chúng tôi là một thứ quân đội viễn chinh…và quên hương bát ngát này không cần đến bọn viễn chiinh…’

Nguyễn Bắc Sơn thực tế không phải là ngườ lính VNCH, nhưng tự khoác cho mình cái áo lính để có lý do phản đối chiến tranh. Ngoài ra còn lác đác đưa vào thơ một vài chữ nghĩa nhà Phật, khiến cho chung quanh ngất ngưởng theo. Giữa cái bể đời lúc đó đang sôi sục bom đạn, máu lửa và xác người, bỗng lừng lững có mấy ông người gỗ sống khề khà quanh bữa tiệc nhân sinh, trên mình khoác áo lính chắp tay chờ hòa bình tức khắc. Thái độ đó, nếu không phải của người điên thì cũng thất chí nên đâu cần nhớ tới thế sự thăng trầm :

Bố ơi bố đã ra về
Con ở lại làm thơ và chữa bịnh
Chúng ta đến nơi này để phát huy một tấm lòng son
Thành hay bại chỉ là chuyện vặt

Sau 75 người cha tập kết trở về, ngoài cái già nua của một phần đời sống tem phiếu, còn đeo theo cái gia tài của đảng ban phát qua cuộc h6n nhân xà hội chủ nghĩa. Cũng kể từ đó, nhà thơ mới chịu mở mắt, qua tiếng khóc nghẹn ngào của người mẹ, một đời khóa chặt hồn xuân để làm sương phu, nuôi con, đợi chồng ngoài quan tái. Và tiếp đến là Nguyễn Bắc Sơn nhức nhối sau cái chết của người cha VC bị ngay chính VC thanh toán nội bộ qua một tai nạn lưu thông được chúng dàn dựng ở Ngã Ba Bình Tuy Phan Thiết

Bố tôi qua đời đúng năm năm
Tôi viết thơ này
Để tâm sự cùng người khuất núi
Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
Cùng bạn bè đi làm cách mạng
Ông càng làm cách mạng chừng nào
Thì loài người càng thêm sặc máu

Vì lý do sức khỏe nên Nguyễn Bắc Sơn không bị đi lính như bạn bè cùng lứa tuổi. Nhưng không hiểu một giây phút bốc đồng sao đó lại đi làm thông dịch viên cho toán lực lượng đặc biệt tại trại Phi Hổ. Bởi vậy khi làm thơ về đời lính, tác giả chỉ loanh quanh ở mật khu Lê Hồng Phong ở Lương Sơn, Bình Thuận mà thôi. Sau khi lực lượng đặc biệt, Nguyễn Bắc Sơn cũng giã từ vũ khí cho tới tháng 4-75.

Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu

Trại Phi Hổ dươi quyền chỉ huy của đại úy Trịnh Văn Viễn nằm sau quốc lộ 1, tại xã Chợ Lầu gần sông Mao và sát mật khu Lê Hồng Phong. Để đáp ứng nhu cầu chiến trường được phép tuyển mộ tân binh thành lập tiểu đoàn dân sự chiến đấu mang danh hiệu là TD 10 nhẩy dù. Họ ăn lương Mỹ nhưng không có số quân và Nguyễn Bắc Sơn làm thông dịch viên cho cố vấn Mỹ.

Đòan quân anh đi những bóng cọp vằn

Gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt

Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất

Dừng chân nơi đây nói chuyện tiếu lâm chơi

Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời …

Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic

Dĩ nhiên Nguyễn Bắc Sơn phải theo cố vấn Mỳ trong các cuộc hành quân :

Khi tao đi lãnh khẩu phần
Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao
Chúng mình nhậu để trừ hao
Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng

Lực lượng VC bấy giờ trụ tại mật khu Lê Hồng Phong chừng hai đại đội do Ích Reo người thượng chỉ huy. Một cuộc hành quân phối hợp giữa tiểu đoàn dân sự chiến đấu (TD 10 nhẩy dù) và tiểu khu Bình Thuận đã khai tử Ích Reo

Buổi chiều uống nước đồng Ma Hý
Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh

Hỡi ơi sống chết là mưa nắng
Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình

Ngày 15 tháng 4 năm 1964 trại Phi Hổ đóng cửa bàn giao lại co tiểu khu Bình Thuận và Nguyễn Bắc Sơn đành từ giã nghề thông dịch viên, từ đó :

Ngày vui đời lính vô cùng ngắn

Mặt Trời thoắt đã ở phương tây

Nếu ta lỡ chết vì say rượu

Linh hồn ta chắc sẽ thành mây bay

Nguyễn Bắc Sơn trong cái khùng điên, mê tỉnh, cái giọng hào sảng ngang tàng đã thổi một luồng gió mới trong thơ. Đây cũng là nét đặc dị của người Phan Thiết, cái ngông nghênh của người lính VNCH (Nhưng không có tôi tức Mường Mán cũng người Phan Thiết). Mới đây Nguyễn Bắc Sơn từ Phan Thiết có gửi ra mấy bài Giai Nhân và Sách Vở, Tâm Hồn Trẻ Thơ,

Chuyện Hai Bố Con Tôi. Đọc thơ của Nguyễn Bắc Sơn ngẫu hứng năm nào đã khác hẳn với Tô Thùy Yên, Nguyễn Đức Sơn (Sao Trên Rừng, người Phan Rang) từng cũng ngất ngưởng trong đời sống hàng ngay, coi đời như có như không, đời không có ta hiện hữu thì vương vấn làm gì Nguyễn Bắc Sơn đã cho ta thấy ngay hai hình ảnh : Tuyệt vọng và lầm đường

Khi gã Yêu Ly đâm Khánh Kỵ
Là đâm trúng phải trái tim mình
Sông Mường Mán không dung hào kiệt

Muôn đời bóng núi đứng chênh vênh

Sau 1975 Nguyễn Bắc Sơn có bài “Một ngày nhàn rỗi’’:
Buổi sáng mang tiền đi hớt tóc
Vô tình ngang một quán cà phê
Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn
Mải mê tán dóc chẳng cho về
Về đâu, đâu cũng là đâu đó
Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ
Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ
Ba nghìn thế giới cũng chưa to

Nguyễn Bắc Sơn ngồi ở quán cà phê hay mang tiền đi cắt tóc, sao mà thê thảm quá, dường như như đâu cũng hiu hắt như đất Hán – Hồ với gió thu phong. Hoặc gỉa như ải Nhạn Môn hồn tứ xứ, đám phù bình, mộng Hoàng Lương. Đọc thơ mới Nguyễn Bắc Sơn thấy não lòng vì trước đây giống như bố ước mơ làm cho con người sung sướng, cho cõi đời tốt đẹp. Tất cả dường như ngày nào cũng muốn tàn, trời đất cứ nhá nhem và đêm đen bít lối về…

***

Tóm lại, dù Nguyễn Bắc Sơn có bị xếp vào trong hàng ngũ nào chăng nữa nữa, thơ ông tự nó là nhân chứng sâu lắng trong lòng người. Một Nguyễn Bắc Sơn như Tô Thùy Yên, Nguyễn Đức Sơn, Phan Lạc Tiếp, Y Uyên, Phan Nhật Nam, Thế Uyên, họ đã nhớ lại chính mình của một thời tuổi trẻ, gươm đàn nửa gánh giang sơn một chèo. Qua cuộc đổi đời tận tuyệt, không biết còn được mấy ai chịu nhớ lại cái thời xa xưa cũ…

Đã mất hết rồi, thôi thì hãy góp nhặt lại cái âm vọng sâi lắng của một thời là lính nơi vạn nẻo đường đất nước mà Nguyễn Bắc Sơn đã bày tỏ trong những lúc say tỉnh, thực hư :

Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước

 

***

 

Phụ đính chùm thơ Nguyễn Bắc Sơn:

 

Chúng ta không phải sinh ra để sống như thế này

Những ngày lửa
Thị xã chúng ta giống như một chuồng khỉ chật
Nơi đó lũ thị dân đóng đủ trò
Và làm khổ nhau vì những điều thuần tưởng tượng
Những ngày như hôm nay
Mọi vật đối với ta đều quái gở
Người hàng xóm ta
Ðang cởi trần chửi thề khí hậu
Ðến giờ đi làm
Hắn trở thành người cảnh sát nghiêm trang
Sau khi đội mũ và thay đồng phục
Ðến giờ đi làm
Bạn ta những thằng đang cởi trần kêu khổ
Trong những căn nhà hộp
Bỗng nhiên
Trở thành quan tòa
Ðứa trở thành thầy giáo
Ðứa tài xế
Ðứa nhà văn
Ðứa quan ba
Ðứa khùng khùng
Thật là quái gở
Nhưng thật ra chúng ta là ai?
Ðêm nay trời bỗng mát
Trong đáy hồ tâm thức
Ta câu lên một bầy rắn nước
Con rắn này có tên là Nguyễn Bắc Sơn
Con này tên tiền của
Con này tình yêu
Con này danh vọng
Thật quái gở
Trong đáy hồ tâm thức, khuya nay trong cơn thiền
Ta đã câu lên và đã nhìn tận mặt
Những con rắn chết
Dường như kiếp trước ta không phải là kẻ định cư
Trong những thị trấn đầy phó bản văn minh

Quà tặng bằng hữu

Ta bẩm sinh vốn là người thích tặng
Ngày xưa ta đến trường
Ta thường tặng cho gã hành khất
Tiền ăn sáng của mẹ ta cho
Ta tặng cho bạn bè
Những chồng sách ta hằng yêu quí
Ta định tặng cho mọi người
Một món quà thật lớn
Tặng cho người ta yêu
Tặng luôn người ta ghét
Tặng kẻ từng quen biết
Tặng luôn kẻ không quen
Tặng thế hệ mai sau
Những kẻ chưa sinh khi ta đã chết
Ðiều ta tặng chính là một điều khoái cảm
Trong gói quà
Có núi có sông
Có rừng có biển
Có những sinh vật dễ thương
Có âm thanh và ánh tượng
Có một Việt Nam
Quằn quại trong cơn đau
Có khí thế đang lên
Xây đời hậu chiến
Ðiều ta tặng chính là một bài thơ hay
Kẻ làm thơ chính trực
Là kẻ tặng mọi người
Những gì y có
Sau cùng còn cái mạng không
Y tặng nốt cho người y yêu.

Viết cho các con tôi

Kính dâng Mẹ

Khi các con khôn lớn thế nào cũng nghe kể chuyện đời ba
Chuyện một nhà thơ yêu hòa bình nên bị đời cho đi khiêng đạn
Khi chiều xuống, bụi mù trời trên ngọn đồi ba đóng
Ba bắt đầu thương nhớ các con ba
Dù ở tiểu khu này ba là tên tiểu tốt
Nhưng các con nên tự hào ở tấm lòng ba
Ôi câu chuyện người anh hùng lỡ vận
Nên bụi đời cùng những kẻ ngu phu
Ðó là câu chuyện đời ba các con cần phải nhớ
Ôi một quãng đời dài lê bước ưu du
Ba không cực lòng khi bị đời khinh rẻ
Con đường ba đi đã chọn từ lâu
Nhưng khi nhìn những đám hoa râm trên đầu tóc nội
Ba đã khóc thầm khi nghĩ đến mai sau
Rồi mai mốt khi các con đã lớn
Hãy tìm trong trang nhục sử Việt Nam
Ðể thấu hiểu vì sau ba khổ cực
Vì sao nên đất nước lầm than

Mai sau dù có bao giờ

Ðêm phù cát dù bên ngoài trời rất lạnh
Nhưng trong ngôi nhà tranh của thiếu úy Hồ Ban
Có tình bạn nồng nàn như ly rượu chôn nhiều năm dưới đất
Có câu chuyện tình thi vị man man
Có khi nghĩ trời sinh một mình ta là đủ
Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời
Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn
Ðể choàng vai ấm áp cuộc rong chơi
Vì đàn bà người nào cũng như người nấy
Nên ta bảo mình thôi hãy quên em
Nhưng đàn bà đâu phải người nào cũng như người nấy
Nên suốt đời ta nhớ nhớ, quên quên
Dù mỗi ngày ta xé đi năm mươi tờ lịch
Nhưng thời gian đâu có chịu trôi nhanh
Dù đen bạc là nơi cố xứ
Nhưng đi biền biệt cũng không đành

Thảo khấu

Buổi sáng xuất quân về phương Bắc
Âm thầm sương sớm toán quân ma
Qua cầu Sông Lũy nhìn quanh quất
Nước đỏ cầu đen chợt nhớ nhà
Nước reo bèo dạt mặt trời lên
Khói núi lời ca chú dế mèn
Cỏ gió cao che đầu tráng sĩ
Thanh cầu gõ súng nhạc leng keng
Vì sao ta tới đây hò hét
Học trò bẻ bút tập cầm gươm
Tập uống máu người thay nước uống
Múa may theo lịch sử điên cuồng
Vì sao người đến đây làm giặc
Ðóng trò tráng sĩ loạn Xuân Thu
Giận đời ghê những bàn tay bẩn
Ðưa đẩy người trong cát bụi mù
Buổi chiều uống nước dòng Ma Hí
Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh
Hỡi ơi sống chết là mưa nắng
Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình
Ðốt lửa đồi cao không thấy ấm
Lính Chàm giận ghét Chế Bồng Nga
Chiến chinh chinh chiến bao giờ dứt
Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà?

Nhắc đến Ma Lâm

Chiều Thiện Giáo hồn mình đầy bóng núi
Con đường mìn ươm vết máu đơm khô
Khu phố quận những đời người đã mỏi
Cỏ xanh đùn cao gió khói hư vô
Ðêm ngủ đổ ngâm thơ cùng đại bác
Hồn lao đao trong chuyến trực thăng bay
Ðâu có chắc mặt trời mai sẽ mọc
Trời rây mưa lành lạnh khiến thèm say
Khuya thức mãi trầm tư cây đèn lạp
Cháy trong lòng men nhạc Trịnh Công Sơn
Ðêm không ngủ trong những ngày bão táp
Ôi những ngày máu ứa xác quê hương
Tôi hỡi tôi xin đừng chết nhé
Bóng hòa bình thấp thoáng ở miền Nam
Ngày ta mong nằm trong tầm tay với
Sao thấy lòng chưa dứt mối hoang mang
Chiến tranh quá dài nên người quá khác
Không thể mừng vui rước tiếp hòa bình
Ðêm đen quá dài nên người quá khác
Không thể nào tin sẽ có bình minh

Tiệc tẩy trần của người sống sót

Bóng bồ câu gù trên đầu ngọn tháp
Ai chèo thuyền câu cá giữa dòng sông
Vẫn còn đây bóng dáng chiếc cầu cong
Ðây có sẵn rượu bia đồ nhắm tốt
Các bạn cũ những thằng nào vô phước
Mồ đang xanh vì cuộc chiến hôm qua
Hãy về đây mà say khướt cùng ta
Này bóng mây cao, này vòm lá thấp
Con đường phố người anh em tấp nập
Một người này yêu một chút người kia
Tay ấm trong tay chân ấm viả hè
Trái tim ấm lửa tình người ấm áp
Người sống sót nâng ly mời kẻ khuất
Lại gần đây trên bãi cỏ bờ sông
Soi mặt mình trong dòng nước xanh trong
Ðể nhìn thấy hình bản lai diện mục
Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt
Xin giã từ đời vũ khí huy chương
Xin trở về như một kẻ hoàn lương
Xin vứt hết, xin bắt đầu lại hết.

Ở đời như một nhà thơ phương Đông

Y là một nhà chiêm bái đích thực
Có cần chi
Ði hàng ngìn dặm đường
Ðể nhìn các thánh tích
Một ngày kia y chiêm bái đồng lúa chín vàng
Và tìm thấy lòng hảo tâm của trời đất
Một đêm kia
Y chiêm bái ngọn bấc đèn
Và tìm thấy sự ấm áp vô cùng của lửa
Y chiêm bái hạt muối trắng tinh
Y chiêm bái hạt mè đen bóng
Có lần y chiêm bái một hạt mưa sa
Trong hạt mưa có khuôn mặt trẻ con
Cùng đôi mắt chiêm bái người nữ
Y bỗng rùng mình biến thành vũ trụ.

Căn bệnh thời chiến

Một ngày chủ nhật phơi giầy trận
Ta bỗng tìm ra một vết thương
Vết thương bàng bạc như là khói
Ngưng đọng nhà ai ở cuối đường
Mày gởi một chân ngoài trận mạc
Mang về cho mẹ một bàn chân
Mẹ già khóc đến mù hai mắt
Ðời tàn trong lứa tuổi thanh xuân
Chiều chiều ngồi nhà hút ống vố
Cao giọng ngâm chơi khúc cố văn
Chiến tranh xa tít như là mộng
Thôi kể ra mày cũng yên phần
Ta may mắn tay chân lành lặn
Nhưng tâm hồn trống rỗng bơ vơ
Mỗi ngày chữa bệnh bằng ly rượu
Tối nằm đánh vật với cơn mơ
Ta mắc bệnh ung thư thời chiến
Thoi thóp còn một trái tim khô
Sợ hãi con người hơn thú dữ
Nhìn nơi nào cũng thấy hư vô
Mai kia trong những ngày ngưng chiến
Ta chắc rằng không thể yêu ai
Nhà thương điên nếu còn chỗ trống
Xin chiếc giường cho xác tàn phai
Mai kia khi thành đồ phế thải
Ta lên cao nguyên nằm dưỡng thương

Cười lên đi tiếng khóc bi hùng

Ðời bắt một kẻ làm thơ như ta đi làm lính
Bắt lê la mang một chiếc mu
Nên tâm hồn ta là một cánh đồng úng thủy
Và nỗi buồn như nước những đêm mưa
Trong thành phố này ta là người phản chiến
Ngày qua ngày ta chỉ thích đi câu
Râu tóc mọc dài như bầy cỏ loạn
Sống thật âm thầm, ai hiểu ta đâu
Dù đôi khi ta lên núi Tà Dôn uống rượu
Trời đất bao la ta chỉ có một mình
Nhưng làm sao quên cuộc đời dưới đó
Quên những thằng người bôi bẩn kiếp nhân sinh
Ngày hôm nay ta muốn chặt đi bàn tay trái
Ðể được làm người theo ý riêng ta
Ngày hôm nay ta muốn chọc mù con mắt phải
Ngày hôm nay ta muốn bỏ đi xa
Khi nâng chén lên cao ta muốn cười lớn tiếng
Cười lên đi những tiếng bi hùng
Ðời đã bắt kẻ làm thơ đi làm lính
Chiếc mai rùa đã nặng ở trên lưng

Bỏ xứ

Mười năm nhỉ, mười năm khuất nhục
Ngồi khua ly trong quán cô hồn
Cô độc quá người thanh niên khí phách
Trời đất bao la mà không chỗ dung thân.
Kỳ lạ nhỉ, giờ đây ta bỏ xứ
Theo trái phong du níu gió lên trời
Xin bái biệt cổ thành với nhà ga hoang không thiết lộ
Khói của chòi rơm, bãi cát trăng soi.
Xin bái biệt những người tin rằng thi sĩ chết
Và hi hô tát cạn dòng sông
Khi giã từ, ta tặng cho các ngươi cái búa
Ðể đốn đời thánh hạnh của cây thông.
Ở Ðà Lạt, ngoài khung cửa kính
Giàn su xanh thở ấm má em hồng
Và tôi, kẻ mười năm không áo lạnh
Biết đời mình đủ ấm hay không?
Ở Ðà Lạt ta tha hồ cuốc đất
Và tha hồ ẩn hiện giữa ngàn cây
Sẽ đi tìm cây cần trúc nhỏ
Ra hồ ngồi, câu đá câu mây.
Ở Ðà Lạt, lạc đàn dăm bảy đứa
Còng lưng ra mà cõng ba-lô
Những hào sĩ đứng bên bờ nhật nguyệt
Vỗ tay cười khinh lớp sóng lô nhô.

Cãi Phật

Phật bảo đời người như bể khổ
Ta cười sướng khổ bổ sung nhau
Còn sống còn vui còn múa hát
Khổ đau như nước chảy qua cầu

Đại lãn

Lúc tuyệt nhất là lúc chờ sung rụng
Nằm lơ mơ trên ghế dựa ngoài hiên
Con chim sâu, mày nhắm mắt lim dim
Rồi mới hót mới thật là ríu rít
Tôi dẹp sách vì sách là lá mít
Không ngọt bùi bằng một củ khoai lang
Không nhẹ nhàng như nghĩ ngợi lan man
Không thảng thốt như vừa nghe gió hát
Bậc thánh triết là những tay biếng nhác
Sống khề khà quanh bữa tiệc nhân sinh
Kết bạn bè cùng cây cỏ vô minh
Rất chán ghét những trò chơi thế sự
Trò thế sự khiến con người mệt lử
Khiến con người quên ý nghĩa du sinh
Quên trăm năm trong cảnh giới hữu tình
Là tặng vật đất trời kia gửi biếu
Và vĩ nhân là những tay láo lếu
Như ta đây chờ sung rụng ngoài hiên.
Những điều cần nói khi thôi học 1963
Khi ta thôi học
Người khách trú bán ve chai già đã chết
Y đã hát cho ta nghe
Những buổi trưa buồn rầu
Trong ngôi trường đầy vết tích chiến tranh
Những bài hát làm nhớ hoài một nước cổ Trung Hoa
Một nước Trung Hoa loạn lạc
Thiếu cơm và thừa nước mắt
Ôi giấc mộng anh hùng Lương Sơn Bạc
Khi ta thôi học
Các giáo sư dạy cho lũ học trò những điều họ không tin
Và chúng ta tin những điều họ không dạy
Khi ta thôi học
Ta không biết con người sinh ra để làm gì
Và ta mải miết
Ði tìm câu trả lời
Ðể sống yên tâm

Trên đường tới nhà Xuân Hồng

Khi qua cầu thấy từng chùm ánh sáng
Trên những chiếc lưng trần của lũ cá thu đen
Thấy ngôi nhà em soi mình trong bóng nước
Và thấy tình yêu đầy những nỗi bi hoan
Khi qua nghĩa trang thấy một bầy mả đá
Nghĩ đời mình đâu đến một trăm năm
Nên muốn suốt đời làm tên lãng tử
Trăng mọc đêm nay lạnh chỗ nằm
Trước khi tới nhà phải trèo lên dốc
Mối tình mình cay đắng biết bao
Và tình yêu phải chăng có thật
Hay chỉ là ảo vọng đâu đâu
Ta vốn ghét đàn bà như ghét cứt
Nhưng vì sao ta lại yêu em?
Ôi mắt em nhìn như là bầy chuột
Ta quàng xiên nên đã sa chân.

Chiêm bao về Đà Lạt

Kỳ lạ nhỉ ! Giờ đây ta bỏ xứ
theo trái phong du, níu gió lên trời
xin bái biệt cổ thành với nhà ga không thiết bị
khói của chòi rơm, bãi cát trăng soi

Ừ Đà Lạt ngoài khung cửa kính
giàn su xanh thuở ấm má em hồng
và ta, kẻ mười năm không áo lạnh
biết đời mình đủ ấm hay không ?

Ừ Đà Lạt ta tha hồ cuốc đất
và tha hồ ẩn hiện giữa ngàn cây
sẽ đi tìm cây cần trúc nhỏ
ra hồ ngồi câu cá câu mây

Bức bích hoạ về một thành phố ban mai
Trong túi quần cậu học trò tiểu học
Có con dế than nồng nàn mùi đất ướt
Gáy lên đi ta
Gáy rung rinh làm rụng những lá me non.
Gáy niềm vui tích tắc trong trái tim chàng
Người lính đêm qua đi kích về gác chân lên
Chiếc xe chở đầy những ổ mì vàng nóng hổi
Cười nụ cười đầu tiên trong ngày.
Và bật que diêm đốt thuốc
Nhà văn đã hoàn thành tác phẩm
Ðứng ngoài thềm thích thú nhổ những chiếc chân râu
Như người phụ xe
Nhấp từng ngụm cà phê bốc khói
Nhân vật trong sách ông ta
Nhiều người chào đời nhiều người đã chết
Nhưng không ai hiểu vì sao mình được sinh ra
Vấn đề dở dang này không làm dở dang tác phẩm.
Người đọc chắc sẽ vô cùng thích thú
Dù cũng không hiểu vì sao
Những chiếc chân râu đế nhỏ
Trời sinh ra ta để sống
Gáy lên đi anh em

Qua sông

Một sáng phiêu bồng qua bên sông
Bỗng nhiên hiểu Phật cũng đau lòng
Phật cũng khổ như người khốn khổ
Cúi đầu quay lại bên này sông

Đi câu

Ta thích ngồi câu bên bờ sông
Để cho tâm trí được phiêu bồng
Cá chẳng đớp mồi càng thích thú
Miễn là câu được đám mây bông

Bài Mới Nhất
Search