T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Đất nẻ…

clip_image001

Ảnh (Courtsesy of khoahoc.tv)

Khi còn là chú bé con, ưa rong chơi trong xóm làng, tôi cũng giống nhiều chú bé con khác là ưa hỏi, thấy cái gì ngộ là dừng bước giang hồ, trố mắt ếch ra nhìn, nhưng có hiểu gì đâu! Thế là quay qua hỏi những người lớn, cái gì cũng hỏi. Nhưng không phải câu hỏi nào của trẻ con cũng được người lớn giải thích thoả đáng tới hết thắc mắc. Vì thế có những thắc mắc tồn đọng trong lòng rất lâu dài về sau; Và những khi chợt nhớ về thời chân đất ấy thì một người trưởng thành cũng không đồng nghĩa với việc tự giải thích được cho mình.

Chiều qua, cắt cỏ xong rồi nhưng tôi cứ thẩn thơ mãi ngoài sau bờ rào nhà, biết rằng đất rừng là của thành phố. Nhưng nhìn đầt nứt nẻ như thấy lại quê xa, nhớ về xóm làng da diết…

Tôi nhớ hồi còn rất nhỏ, con nít bị bắt phải ngủ trưa, vì đi chơi, dang nắng dễ bị cảm nắng. Nhưng tôi chúa ghét ngủ trưa, nên tìm đủ mọi cách để lừa mẹ, lừa bà vú để trốn ngủ trưa và rong chơi. Nhưng thời đó ác là đi tắm sông một mình ban trưa sẽ bị ma da bắt; trong khi đi đông thì không có bạn đi cùng để cùng nhau hợp sức bắt ma da, nhốt nó vào poncho của lính cho nó chết ngộp; từ đó mọi con nít đều có thể đi tắm sông trưa một mình… Không biết sao từ nhỏ tôi đã có những suy nghĩ chống lại nhiều hơn là nghe theo…!

Nhưng chỉ là ý nghĩ trong thực tế không có bạn đi tắm sông cùng để bắt ma da thì tôi tà tà ghé chái nhà ông Tư thợ mộc. Tôi bị ông Tư đuổi về nhà ngủ trưa đi con… nhưng người già cũng biết buồn nên thằng bé ngoan tôi không lâu thành bạn vong niên với ông Tư thợ mộc.

Một hôm, chiếc xe ngựa chạy qua ngõ nhà ông Tư với tiếng chuông leng keng đeo trên cổ nó. Tôi hỏi ông Tư, “Ông Tư, con ngựa chạy hoài… nó có mỏi chân không?”

Ông Tư ngưng tay bào, hớp ngụm nước trà tươi… ngồi vấn điếu thuốc rê, lè lưỡi liếm điệu nghệ rồi đưa lên miệng, bật cái quẹt dùng dầu lửa chứ không phải xăng nên ngọn lửa vàng, khói đen… u ám như gương mặt không biết trả lời của ông.

Dù sao trong ký ức tuổi thơ tôi cũng còn lại một người lớn không vì sĩ diện mà cú đầu, đá đít, đuổi tôi đi chơi chỗ khác, và nguyền rủa cái thằng tôi vắt mũi chưa sạch đã biết hỏi cắc cớ… Nên tôi tin ông Tư là người thật thà suốt đời tôi, vì sau hồi tư lự, ông Tư trả lời cho tôi, “Trời sanh ra con ngựa là để chạy. Nó chạy suốt ngày không mỏi chân. Con ngựa mà phải đứng một chỗ mới mỏi chân…”

Tôi tin ông Tư. Nhưng không tin câu trả lời đó hồi nhỏ. Nhưng giờ đây thì tôi lại trân quý câu trả lời của ông Tư khi hoài niệm lại thời thơ dại ở quê xa; nhớ về những người ít học nhưng thật thà và cả những người dốt đặc nhưng sĩ diện…

Khi đã coi nhau như bạn bè thì tôi thấy ông Tư thở dốc sau một hồi bào thẩm. Tôi tự đi rót cho ông ly nước trà. Ông cười hiền như Phật Di lạc. Ngồi nghỉ mệt, vấn thuốc rê điệu nghệ hơn cả ông bào, vì vấn điếu nào là hút được điếu đó; trong khi ông bào thì bào tới bào lui… vẫn chưa ưng.

Đó là những lúc tôi tra tấn ông Tư,

“Ông Tư, sao cứ trời mưa là có cá. Cá ở đâu ra?”

“Dưới đất nẻ chui lên.”

“Đất nẻ là gì hả ông ông Tư?”

“Là những đường nứt ngoài ruộng.”

“Sao không gọi là đất nứt mà gọi là đất nẻ?”

Ông Tư suy nghĩ hồi lâu, thở dài rồi mới nói, “Thằng ngộ ha!”

Ông tự nói với ông nên tôi ngồi yên, chờ đợi. Ông bập điếu thuốc rê tới cháy lên lửa ngọn… Nói ngập ngừng, “Nứt nẻ gì cũng tệ. Nhưng cái lu nước bị nứt thì mấy ngày mới cạn hết lu nước; còn cái lu mà nứt bự như đất nẻ thì gọi là… lu bể. Chứ ai nói lu nẻ. Thôi! Con về hỏi ba con đi. Ổng làm quan, chắc biết hơn ông Tư.”

Tôi nói thêm, “Con tức là ai cũng nói cá dưới đất nẻ chui lên. Nhưng hỏi kỹ thì đâu có ai thấy, cũng như ông Tư thôi! Con đã đi đào thử đất nẻ ngoài ruộng, không có con cá nào hết! Hôm con đi đào sớm vì con tính là đất mềm hơn bởi sương đêm, con sẽ đào được sâu hơn. Con tính đúng nên đào sâu được tới đầu gối của con. Nhưng cũng chỉ bắt được có hai con dế thầy chùa… không có con cá nào hết.”

Ông Tư hết kiên nhẫn, “Mẹ cha mày. Bộ mày dưới đất nẻ chui lên hay sao mà hỏi cùng đường không tha cho người ta vậy!”

Tôi bị đuổi, lầm lũi về nhà trong tức giận ông Tư nên ghĩ cách trả thù! Tôi nghĩ ra được diệu kế là khóc lóc với bà vú, kể lể sự tình oan ức của mình…

Bà vú lôi tay tôi sang nhà ông Tư thợ mộc để nói lời phải trái. Bà vú nói với ông Tư, “Ông Tư là người lớn tuổi trong xóm làng. Con cháu có gì không phải, hay hỗn hào. Ông cứ đánh roi vào đít nó cho thật đau để chừa. Cha mẹ nó về, sẽ sang xin lỗi ông sau. Sao ông lại đi nói thằng bé là người dưới đất nẻ chui lên! Nó có cha có mẹ, nhà cửa ruộng vườn của gia đình nó không hơn thì thôi chứ có thua ai đâu trong xóm làng mình…”

Bà vú nhà tôi nói nhiều lắm. Nhưng ông Tư chỉ đứng im như tôi lúc bị phạt, không trả lời bà vú lấy một câu. Mặt ông cứ cúi gằm xuống đất, hơi thở hồn hển vì ông ở trần quanh năm.

Bà Tư nghe chuyện nên bỏ bếp ra chái phân trần, hết lời xin lỗi bà vú nhà tôi. Tôi thì đâu biết khóc, ban nãy là giở trò nước mắt cá sấu với bà vú để mong xem một trận phục thù vì bà vú thương tôi lắm. Nhưng tình thế kém vui vì chỉ lời qua tiếng lại… Rồi mời nhau ăn bánh uống nước để giữ tình chòm xóm mới lãng òm. Tôi nể mặt bà Tư nên ăn hai cái bánh tây vì tôi không uống nước trà, rồi vọt đi chơi.

Hồi nhỏ tôi đã rộng lượng nên không giận ông Tư lâu! Dù tìm cách trở lại chơi gỗ vụn cũng hơi tệ là đạp bong đinh cái ghế cóc để ngồi làm cá ngoài sàn nước của bà vú, rôì mạo danh bà sai đem qua nhờ ông Tư đóng lại dùm mấy cây đinh…

Hôm sau không còn cần cớ gì nữa, tôi lại đến chơi với ông Tư như chưa có chuyện gì xảy ra. Nhưng riêng tôi lại xảy ra điều tệ hại nhất tuổi thơ tôi là không thể hỏi lại chuyện đất nẻ với ông Tư thì tôi nghĩ ra cách tệ hại nhất là xách cái giỏ đệm với cái liềm cắt cỏ đi vô trại lính. Xin chú lính gác cổng cho con vô cắt cỏ – về cho bọ ăn.

Chú lính dư biết cỏ non bên ngoài rào kẽm gai trại lính đã bị người ta cắt sạch về cho ngựa ăn. Nên chú cho tôi vô trong bờ rào thì mới còn cỏ non. Và chú quá tốt là, “Thôi, để chú cắt cho. Mày không biết, đi bậy bạ, đạp mìn là chết đó!”

Chú trúng kế điệu hổ ly sơn của tôi rồi. Chú đi cắt cỏ cho tôi thì tôi chôm ngay trái lựu đạn của chú trong chuồng cu gác cổng. Hồi còn giấu trong bụng thì sợ nhưng khi tuồn được vào giỏ cỏ non thì yên tâm ra về… Vứt liềm, vứt cỏ ở bờ ruộng, đi nổ đất nẻ ngoài ruộng để thấy cho được con cá nhỏ nhất cũng được; hay người lớn chỉ là những người nói láo!

Tôi xém chết vì lựu đạn lần đó. Nhưng lớn mạng tới đâu cũng không qua khỏi trận đòn không chết mới là chuyện lạ! Tôi tính là cha tôi sẽ đập tôi tới chết. Dù tôi chơi thân với cha tôi lắm, tôi hiểu được ông nghiêm cấm chuyện này, phạt nặng chuyện kia… nhưng ông có cái thể hiện có thể hiểu được nhưng nói ra không được là ông thích thằng quậy tôi hơn thằng anh ngoan của tôi. Ông khen thưởng anh tôi có bằng khen học giỏi; đánh đòn thằng tôi bị cô giáo ghé nhà mắng vốn. Nhưng sau đó lại chở tôi đi chơi, cho ăn kem Châu Mỹ Lệ ở ngã ba bến đò là sang nhất vùng quê tôi.

Cha tôi thích đi săn những con cò bự như con ngỗng; thì bao giờ tôi cũng là thằng đứng trong lòng ông – trên chiếc vespa của ông. Ông chạy tà tà trên những con đường ruộng, thích nghe tôi kể chuyện đánh lộn trong trường, chuyện lẻn trốn dưới quan tài người chết, lấy cây trúc thọt đít ông thầy cúng đang tụng kinh để mấy người đang khóc lại phì cười – mà tôi muốn biết người ta vừa khóc vừa cười thì gương mặt sẽ ra sao…?

Ôi! Chơi thân với bố tới đâu thì chuyến này tôi cũng lên thiên đàng là cái chắc! Nhưng không ngờ không bị đòn roi. Bố tôi chỉ nói chuyện nghiêm túc với tôi là con lớn rồi, phải về Sài gòn để đi học. Tôi đi Võ Trưởng Toản. Từ đó chơi với thú vật trong Thảo cầm viên. Đất nẻ không còn làm tôi trằn trọc và mạo hiểm nữa. Nhưng phố thị lại điên đầu hơn với đám đánh giày, bán báo ngoài Đakao, đám bán thuốc lá trong Sở thú rất tráo trở; tụi đá banh dở ẹt ở sân Hoa Lư nhưng thắng nó là ăn đòn; đám thụt bi da ở Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng tệ, thua cơ không chung tiền để mua bánh mì thịt mà chung thuốc lá cho bên thắng, để tụi bay không dám hút thuốc thì tụi tao hút…

Trời đã tắt nắng, chắc hơn chín giờ tồi rồi. Nhưng tôi thơ thẩn mãi ngoài bãi đất nẻ sau nhà do thời tiết quá nóng; hay tôi không bao giờ thoát ra được ký ức chính mình. Nhìn đám đất nứt nẻ lại nghĩ tới bên dưới có cá mà tức. Tức tới xém chết vì lựu đạn cũng chỉ được thấy dưới đất nẻ là… đất.

Tiếng vợ réo như gọi đò qua sông. Bỏ quá khứ lại với rừng để vào nhà già vì hiền thê chỉ còn trẻ là tiếng réo vẫn như xưa. Chuyện tắm rửa, cơm nước, vô nghĩa vô ngã. Đêm nằm nghe cá quậy dưới đất nẻ tới khó ngủ.

Mới tảng sáng ông bạn già của tôi đã gọi… xin trái mướp.

Tội nghiệp người cựu tù lưu lãng, thèm ăn trái mướp trồng tới mất ngủ đêm qua nên sáng ra gọi sớm. Tấm lòng hậu phương tôi chỉ biết dọn bàn, vì mướp mới ra hoa. Anh em tôi phải ngồi đợi mướp đơm trái từ sáng tinh mơ cho tới chiều mờ mới hái được đúng một trái mướp cho ông bạn. Nhưng công khó có lời! Vì ông bạn già để lại cho tôi một tình cờ thú vị; trong pho chuyện đợi mướp có đoạn,

“Hồi tao đi đóng đồn. Đồng khô, cỏ cháy, đất nẻ… tới không khéo lọt cả bàn chân. Lính thay phiên gác đồn, nhưng tao cũng phải đi tuần tra chứ. Tao hết hồn – tưởng đặc công Việt cộng xâm nhập. Nhưng tao nhìn kỹ lại thì là một con chồn quá lớn! Rồi sau đó, tao gặp nó tới mấy lần nên tao lần mò theo nó cho tới hang ổ để có bữa nhậu thịt chồn nơi tiền đồn. Nhưng đến nơi nó thường ẩn mình… rồi mất tiêu… không để lại dấu vết gì nữa! Tao biết nơi đó không phải là hang ổ của nó, nhưng sao nó tới nơi đó hoài? Chỉ là một rãnh đất nẻ bình thường, nhưng bị nó đào bới nên thấy rộng hơn…

Tới hôm tao tới thăm chừng thì thấy có xương cá lóc,… Tao nghĩ, không lẽ dưới đất nẻ này có cá lóc – nên con chồn mới tới bắt cá lên ăn! Trong cái suy luận vừa có lý vừa vô lý của tao, một anh lính nói, “thì cứ đào lên hết thì biết thôi Trung úy!”

Vậy là tụi tao đào… tới luôn!

Má ơi! Mày biết không? Hồi nhỏ mình cứ nghe người lớn nói, hễ có mưa là cá dưới đất nẻ chui lên. Nhưng làm sao tin được với đất nẻ khô cằn, không có giọt nước thì cá ở đâu ra?

Tới già đầu tao mới sáng mắt, khi anh em lính tụi tao đào qua lớp đất nẻ khô cằn. Trong lòng đất nó mở ra một cái như cái hồ nhỏ; nước ít, sình nhiều; và cá lóc bằng cùm chân thì nhiều vô số kể! Anh em vui mừng được ăn cá lóc tới ngán cũng không hết cá. Nhưng tao vui bụng với thắc mắc hồi nhỏ của mình là người lớn cứ nói có mưa là cá dưới đất nẻ chui lên; nhưng mình có thấy đâu mà tin…”

Chắc ông ra về. Ông dư biết tôi ngồi trực điện thoại để chỉ nghe một câu duy nhất, “Anh đã về tới nhà bình an. Mày đi ngủ đi để mai đi làm sớm…” Nhưng hôm nay tôi ngồi trực điện thoại với tâm tư vui chưa từng có. Thì ra dưới đất nẻ có cá. Không xoàng xĩnh như cá rô, cá sặt, mà cá lóc cả hầm như ông bạn tôi bắt được.

Tôi thì bắt được tuổi thơ khi thiếp đi trên sofa, một cuộc trở về rộn ràng, dù tôi vẫn ngồi bên chái nhà ông Tư thợ mộc. Nhưng thằng nhóc năm xưa ưa hỏi thì nay đã biết nói, “Hệ thống mạch nước ngầm dưới lòng đất thì thiên la địa võng. Và những chỗ mạch nước ngầm phình ra như cái hồ nhỏ là nơi trú thân cho cá mùa khô. Khi mưa xuống thì chúng theo đất nẻ chui lên… ông Tư biết chưa? Đừng đuổi con về nữa vì ông đã ở trong con trọn đời này…”

Sáng ra nhớ lại, Từ nay tôi sẽ nghĩ khác về đời người là đừng ráng quá sức cho một tham vọng vì nguy hiểm chực chờ nhiều hơn cơ hội thành công. Cứ tự tại, thành tâm thì phần phước tới đáp trả. -Một thắc mắc cả đời nhưng vỡ lẽ chỉ bằng thời gian một tuần trà. Ôi! Đất nẻ muộn màng vì hiểu được nhau thì thằng bé nhà quê đã không còn nhà và cả quê quán nữa; hết đời còn lại của nó sẽ lạnh cóng hay nóng muốn điên lên ở xứ chỉ có xi măng và cỏ.

Phan

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search