T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 77)

clip_image001

Tên gọi: khách trú

Tên gọi “khách trú” từ Trịnh Hoài Đức (1765-1825) mà ra. Ông là người Việt gốc Hoa làm quan nhà Nguyễn, đi sứ nhà Thanh hai lần trong Gia Định thành thông chí, ông viết:

Sĩ tắc Bắc trào thần, cang thường trịnh trọng

Ninh vi Nam khách trú, trước bạch chiêu thủy

(Không nhận chức quan nơi đất Bắc giữ trọn đạo cương thường – Thà làm khách nước Nam, lưu danh nơi sử sách).

Trong Gia Định phú, Trịnh Hoài Đức viết:

Ngói lợp vẩy lên, phố khách trú tòa ngang tòa dọc

Hiên che cánh én nhà quan dân hàng vắn hàng dài

Có thể vì vậy người Nam gọi người Hoa là “khách trú” chăng?

(Phan Anh – Minh Hương Gia Thạnh)

Thành ngữ II

Thành ngữ ” Chó cỏ rồng đất “, được giải nghĩa là :

” Xưa kia ta cúng tế thường bện chó bằng cỏ, nắn rồng bằng đất để dùng lễ cúng ; chừng cúng xong thì đem đi liệng bỏ. Nghĩa rộng (của thành ngữ) là : Người hoặc vật mà người ta hết cần dùng. Công thần đã đem mối nước lại cho nhà vua, mà bây giờ bị nhà vua sa thải “.

(Diên Hương, Thành ngữ điển tích, Phương Lai, 1954, tr. 80).

Rồng là biểu tượng của vua chúa. Chó là con vật gần gũi dân đen. Tại sao ” chó cỏ” lại nằm cạnh ” rồng đất ” trên bàn thờ? Câu trả lời đơn giản là rồng (long) của dân gian không phải là rồng của vua chúa. Rồng của dân gian là con long xà (loài rắn lớn), con giao long (cá sấu, loài thuỷ quái).

(Toan Ánh – Tín ngưỡng Việt Nam)

Chỉ thiếu dấu phẩy…

Có một nhà hàng lúc nào cũng đông khách. Riêng nhà bếp phải có trên mười người phụ trách. Hôm ấy tiệc đặt tới tấp, khiến bếp trưởng phải ghi lên bảng phân công cho nhân viên làm. Và có một đám tiệc đặt món chim bồ câu. Vì quá lu bu và vội vàng, nên bếp trưởng không kịp ghi cả dấu phẩy

Thành thử bảng phân công được thành hình như sau:

“Cô Mai cắt tiết anh Tâm nhổ lông cô Thu luộc trứng anh Bình mỗ bụng cô Trúc lột da anh Vỹ rửa chim cô Hoa bóp mềm anh Long bằm nhừ cô Hạnh xào khô tất cả”.

Rượu bồ đào

Rượu làm bằng nho, người Trung Hoa gọi là rượu bồ đào tửu mà ta thấy nhắc đến trong bài Lương  Châu Từ của Vương Hàn:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Về rượu nho, người Tàu chỉ biết đến khi người từ Tây Vực đem tới trung nguyên. Sách Hậu Hán Thư có chép là “Nước Lật Dặc (Arab) có loại trái cây, vắt nước có vị ngon, làm rượu gọi là rượu bồ đào”. Người phương Tây đã biết làm rượu bằng trái nho (wine) từ thời cổ. Sách Cựu Ước (Old Testtament) đề cập đến rượu tới 155 lần và người Hebrews đã từng tiếc rẻ không mang được rượu Ai Cập khi họ đi di cư. Người Hi Lạp thời cổ cũng uống rượu – và chính những thần minh trong huyền sử cũng đều thích uống rượu và ưa gái đẹp. Tuy đã biết đến rượu bồ đào từ đời Hán, mãi tới đời Đường (640 sau TL), khi Đường Thái Tông đem quân đánh nước Cao Xương (nay thuộc Tân Cương) người Trung Hoa mới học được phép làm rượu nho.

(Nguyễn Duy Chính – Rượu)

Chữ nghĩa trong câu đối

Câu đối chữ Nho gọi là doanh thiếp hoặc doanh liên

Doanh là cột, thiếp là mảnh giấy có viết chữ và liên là đối nhau. Tức những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ và luật bằng trắc cân xứng với nhau. Với hai vế trên vế dưới sau đây của Bà Hồ Xuân Hương minh chứng về sự chuẩn mực trong phép đối:

Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm

Vãi nấp sau lưng sáu bẩy bà

(Nguyễn Kiến Thiết – báo Thời Báo)

Tình tự quê hương

Chưa đi chưa biết Huế thương
Ði rồi mới biết cũng thường mà thôi
Khác nhau là ở cách chơi
Hắn chơi dưới nước, mình chơi trên bờ

Phê bình văn học

Đối tượng của phê bình văn học là phê phán, thẩm định, đánh giá các tác phẩm và hiện tượng văn học đang xảy ra.  Phê bình văn học nhắm vào sáng tác, sinh hoạt văn học, thị hiếu, khuynh hướng, thể loại, nhân vật, ngôn ngữ. Nhắm vào chiều hướng sáng tác hiện tại của văn học, không những nội dung mà còn ở chủ đề tác phẩm.  Một đôi khi nếu nhà phê bình văn học đề cập đến một hiện tượng văn học trong quá khứ thì đó chỉ là dụng tâm để làm sáng tỏ một vấn đề hiện tại.

(Trần Bích San – Văn khảo khái luận)

Bóng câu qua cửa sổ

Ta thường nghe nói thời gian như “bóng câu qua cửa sổ”. Trong “Cung Oán” có câu “Bóng câu thoáng bên mành mây nổi”. “Câu”ngựa con.

Thành ngữ trên nói thời gian qua nhanh như bóng ngựa (con) chạy qua cửa sổ.

(Phụ chú: Tại sao không là ngựa già mà là ngựa con?)

(Duy Lý – báo Tự Do)

Khôn,..dại…

Khôn nghề cờ bạc là không dại

Dại chốn văn chương ấy dại khôn

Hai câu thơ bị ai đó ở miền Bắc lật ngược thơ của

Nguyễn Bỉnh Khiêm mà nguyên văn như dưới đây:

Khôn mà hiểm độc là khôn dại

Dại vốn hiền lành ấy dại khôn

Đồng thời người trong Nam cũng vay mượn thơ

của Nguyễn Bỉnh Khiêm để làm nhạc. Ấy là câu:

“Không thấy hoa nở chẳng biết xuân về hay chưa”.

Lời nhạc trên nằm trong bài Thú Tiêu Dao:

Thấy nguyệt tròn thì kể tháng

Nhìn hoa nở mới hay xuân

(nguồn Talawas.org)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Sau năm 75, bắt chước miền Bắc như với các tỉnh Hà Đông, Nam Định, Ninh Bình được “gom” lại thành “Hà Nam Ninh”.

Một số địa danh miền Trung và miền Nam được “gộp” lại như sau:

Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên: Bình Trị Thiên.

Quảng Nam, Đà Nẵng: Quảng Đà.

Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên: Long Châu Hà.

(Phụ chú: Kontum, Pleiku, Daklak: Kon Ku Lắc ?!)

Tiếng Việt, dễ mà khó

Nếu đọc thật kỹ và thật chậm các cuốn từ điển tiếng Việt, chúng ta sẽ dễ thấy có khá nhiều khuôn vần hình như có một ý nghĩa chung. Chẳng hạn, phần lớn các động từ hay tính từ kết thúc bằng âm ÉT hay ẸT đều chỉ những động tác hay những vật thể hẹp, thấp, phẳng.

“Kẹt” là mắc vào giữa hai vật gì; “chẹt” là bị cái gì ép lại. “Dẹt” là mỏng và phẳng; “tẹt” là dẹp xuống (kiểu mũi tẹt); “bét” là nát, dí sát xuống đất; “đét” là gầy, mỏng và lép.

Những dộng từ kết thúc bằng âm EN thường chỉ các động tác đi qua một chỗ hẹp, một cách khó khăn, như: “chen”, “chẹn”, “chèn”, “len”, “men”, “nghẽn”, “nghẹn”, “nén”.

Những từ láy có khuôn vần ỨC – ÔI thì chỉ những trạng thái khó chịu, như “tức tối”, “bức bối”, “bực bội”, “nực nội”, “nhức nhối”.

(Nguyễn Hưng Quốc – e-cadao.com)

Gió đông

Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

(Kiều – Nguyễn Du)

Hoa đào vẫn còn cười với gió xuân (gió từ phương đông thổi tới).

Nói cảnh xưa còn đó mà người cũ đi đâu, lấy từ thơ Thôi Hộ.

(Nguyễn Thạch Giang – Văn học tập giải)

Bằng hữu kim kỳ phú

Bài phú của Nguyễn Đôn Phục, ông đỗ cử nhân khoa quý dậu năm thời Tự Đức là một kho ngôn ngữ dân gian gồm những tục ngữ, thành ngữ, phương ngôn cúa một vùng đất, hàm súc về nhân sinh, tình yêu, tinh bè bạn ..v..v.. Nguyễn Đôn Phục xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, chọn lọc từ khó tàng văn học dân gian đem sắp xếp hệ thống lại một cách công phu trong  bố cục của một bài phú có vần điệu, có đối xứng theo luật bằng trắc vừa kết hợp được tính cổ  điển và tính dân gian phóng khoáng từ thời Tự Đức thứ 26 (1873).

Trích đoạn trong bài phú của Nguyễn Đôn Phục:

Dám đâu cử cá hành câu, mà lại tham mùi chè gắp.

Đắng mà ruột thịt, chẳng chọc – chọc đau lòng; ngọt cũng người dưng, dầu thương – thương giúp miệng.

Lẽ dời đổi nay sông mai biển, khiến quên nơi bến đò xưa; chốn nương nhờ cội cả bóng cao, xin đừng phụ nơi đây dạ cũ.

Ăn chưa no, lo chưa tới, để đèo bòng cóc nọ leo thang; học còn It, chí còn hèn, dám mong mỏi voi kia đẻ trứng.

Phận mình biết, ăn bằng hôm, lo bằng mai, duyến ai nấy nhờ, tắm khi nào vuốt mặt khi ấy.

Mừng đặng cá sau gặp buổi chợ; phòng khi trâu trắng mất mùa.

Biết đâu cao nấm mồ, trao duyên gởi phận; ta cũng bắt buồm coi gió, cầm lái dõi sông.

Liệu lời liệu lẽ, sao cho phải phải phân phân; dầu đặng đâu chăng cũng mặc, không không có có.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Thuận vợ thuận chồng con đông quá mệt

Chữ nghĩa trong nước

Đây là đề thi môn Ngữ văn lớp 7, năm học 2007-2008 với mã đề NV7 – 02, do Phòng Giáo dục ra đề, bao gồm hai phần thi trắc nghiệm (3 điểm) và phần tự luận (7 điểm).

Quả thực không hiểu nổi tại sao hội đồng ra đề thi với bao nhiêu người như thế, qua lắm quy trình công đoạn rà soát thẩm định ký duyệt như vậy mà sự sai lại “dính” ở đề thi môn Ngữ văn.

Xin được chép nguyên văn:

“Trong hai câu thơ “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc– thương nhà mỏi miệng cái gia gia (Qua đèo ngang”), Hồ Xuân Hương đã sử dụng lối chơi chữ nào? A. Dùng từ ngữ gần âm. B. Dùng từ ngữ đồng âm. C. Dùng cách điệp âm. D. Dùng lối nói lái”.

Chao ôi, sao Qua Đèo Ngang lại là của Hồ Xuân Hương, người được mệnh danh là Bà Chúa Thơ Nôm được (?!).

Ngộ Không

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search