T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Chuyện nhỏ mà ê…

clip_image002

Tranh: Trần Thanh Châu

Đang ăn trưa, thời gian không có mấy nên tôi biết tật mình ăn chậm, thì phải ráng nuốt được chút gì hay chút nấy, không dám tham gia vào những chuyện anh em đang bàn tới; có thể là một tin thời sự hay một món ăn mà ai đó mở hộp cơm ra bình thường, nhưng làm gợi nhớ cho những người khác… Thế là có chuyện bàn trong bữa cơm.

Thực tâm mà nói thì phòng ăn mênh mông, đủ cho mỗi người một bàn. Bởi hãng làm ba ca thì cái phòng ăn phải đủ chỗ cho hàng ngàn công nhân khi họp tất cả, hay hãng đãi ăn tất cả mọi người. Nhưng một năm mấy lần, cái phòng ăn được sử dụng hết sức chứa của nó. Chỉ một ca làm đã thấy phòng ăn mênh mông, rồi trong cùng ca thì mỗi line nghỉ ăn trưa khác giờ nhau để khỏi kẹt microway; nên càng thấy mênh mông…

Nhưng ngồi riêng một mình một bàn thì không ổn với chính đồng hương của mình! Ngay Mỹ trắng, Mỹ đen, hay Mễ cũng vậy thì trách gì Việt nam. Như có một anh bạn trẻ người Việt, anh ta chỉ ngồi một mình một bàn, từ ngày đầu anh ta vô làm hãng. Dư luận đồng hương nói về anh ta, tóm tắt là, “thằng sô-lô một mình. Nhưng nó… thấy… hơi tâm thần, phải không?”

Tôi nghĩ nhiều về dân tộc tính, hễ ai cùng màu da, tiếng nói mà không nhập bọn với cánh Việt nam thì là người không bình thường! Nhưng tìm hiểu ra thì anh ta rất tỉnh táo và khôn ngoan hơn hẳn những người tự tin là mình rất bình thường. Nên có lúc tôi nghĩ, hoá ra những người không bình thường đông hơn người đơn lẻ trong một cộng đồng; và người khùng thật sự là người suy nghĩ về điều xưa như trái đất; ai chả biết nguồn gốc bầy đàn của động vật, con người chỉ là siêu động vật tách ra khỏi muôn loài nhưng tính bầy đàn tiềm ẩn chưa tan…

Có lần trò chuyện với anh bạn trẻ khi máy đứng vì hỏng hóc. Anh ta nói, “vợ em hạp tính em là tới đâu cũng mua nhà để ở chứ không ở apartment. Nhưng không mua sắm gì nhiều để hồi không thích thì bán nhà; chỉ còn mớ quần áo, chất lên xe là đi… qua nước khác.”

Tôi nói với anh ta, “Tiếng Việt mình gọi là tiểu bang, chứ không ai gọi là nước Cali, hay nước New York, nước Arizona…”

“Em nói tiếng Việt dở lắm! Nên không dám tới bàn Việt nam để ngồi chung với mấy anh…”

“Có gì đâu, tụi anh đều dở tiếng Anh… mà đâu có ai chết! Ngày mai, em qua bàn Việt nam ngồi chung với đồng hương cho vui.”

“Đâu có gì vui đâu! Em thấy ồn, và mất lịch sự quá chừng. Ở Mỹ, khi nói tiếng mình thì nói đủ để nhau nghe thôi. Trong khi mấy ông Việt nam nói lớn, nói nhiều, và cười hô hố…”

Tôi hiểu hết “cái khùng” của nó rồi!

Nhưng cứ gần giờ về thì ai chẳng đói bụng. Và, những người Việt với nhau thì khi đi ngang chỗ nhau làm, thường ném cho nhau viên kẹo, cái bánh, để cầm hơi tới giờ về. Những câu tiếng Việt dễ thương như một anh bạn trẻ ngang qua chỗ bà già Việt nam đang làm, anh ta nói, “Má Hai, có gì ăn không, con đói muốn chết…”; Hay một cô gái trẻ ngang qua chỗ ông già Việt thì ôm ấy một cái, nhưng kỳ thực là che mắt “cấm ăn uống trong giờ làm” để thúi cho ông già viên kẹo, với câu nói ngọt hơn đường, “vô thuốc đi bố, bộ đường tuột quá rồi sao mà bố thở dốc dữ vậy?”

Tôi cũng là một thành viên trong cộng đồng người Việt ở chốn ba ca đa chủng tộc này. Nhưng nhiều khi không biết người Việt của tôi là tốt hay xấu? Những gắn bó trong tình đồng hương thì quá đẹp; nhưng sự thiển cận lại làm cho cái đẹp đó tan nhanh như bọt xà phòng. Vì từ hôm anh bạn trẻ không rành tiếng Việt nên bị đồng hương cho là khùng; chẳng thấy ai bỏ thời gian tìm hiểu lý do vì sao cá thể đó đứng ngoài tập thể. Tôi thử đem những viên kẹo, cái bánh mà đồng hương cho tôi giấc hai giờ chiều – là giờ ai cũng nhìn lên cái đồng hồ trên tường để trông ba giờ là giờ về vì ai cũng đói meo trong bụng…

Anh bạn trẻ thường ăn viên kẹo, cái bánh tôi cho một cách ngon lành.

Và đến kỳ nghỉ Lễ Độc lập của Hoa kỳ vừa qua, anh ta nói với tôi (là người Việt duy nhất có giao tiếp với anh ta), “Em về Pittsburgh hai tuần, có thể là ba, bốn tuần… để thăm gia đình bên vợ; và cũng tìm việc làm luôn. Có thể vợ chồng em lại bán nhà, về lại Pittsburgh sống. Vì mấy năm trước, tụi em qua Dallas vì nghe nhà rẻ, chợ rẻ, việc làm nhiều. Nhưng qua đây làm không đủ tiền thuốc với cả nhà bị dị ứng đủ thứ; thời tiết thì nóng quá nên hai đứa con em bệnh hoài…”

Hãng tôi nghỉ Lễ Độc lập một tuần, cộng hai cái cuối tuần để những công nhân người Mễ có thể về thăm quê hương cả chục ngày; vì khi hãng đã làm thì không cho ai nghỉ cả tuần. Nhưng anh bạn trẻ Việt nam của tôi đi Pittsburgh-Pennsylvinia tới ba tuần mới đi làm lại. Hãng chấp nhận cho anh ta vô làm lại – khác nào hãng nói là cần anh ta.

Với tôi, hãng Mỹ cần những thằng Việt nam khùng, vì Việt nam khùng thường là khùng bác học chứ không khùng xách súng xả đạn vô nhà thờ… Còn những người Việt nam tỉnh táo, thông minh… thì sao lại thích xin địa chỉ nhà riêng của những ông sếp Mỹ để đi cúng tế vào những dịp lễ lộc, để mặc sức làm thêm giờ – overtime khi hãng thịnh; giữ job khi hãng suy. Nhưng hãng Mỹ là đặc trưng Mỹ rõ nhất; họ chỉ quan tâm tới quyền lợi Mỹ chứ hơi đâu bận tâm tới mấy thằng nịnh bợ. Khi hết việc, hãng layoff thì sếp lớn giữ thân còn không nổi, lấy gì che chở cho thuộc hạ. Nhưng những thuộc hạ quen thói hối lộ lại cho mình là người khôn ngoan ở đời!

Nhiều khi muốn nói ra điều mình nghĩ như nghĩa vụ công dân với đồng nghiệp mà lại đồng hương nữa. Nhưng can đảm lại thiếu khi đối diện với một tập thể sống theo cảm tính nhiều hơn lý tính; đâu phải dễ thuyết phục những người mà ai cũng nghĩ mình mới đích thực là cái rốn của vũ trụ; đâu có người Việt nào phục người Việt nào đâu mà hy vọng thuyết phục được đồng nghiệp – đồng hương.

Cứ mỗi lẩn có chuyện tranh cãi trong anh em, chẳng dính tới mình. Nhưng chuông reo đi làm thì tôi lại tức, dù nghĩ không ra mình tức chuyện gì, vì có chuyện gì dính tới mình đâu chứ! Nhưng tức cứ tức; tức thằng tôi chưa làm chủ trên nước Mỹ nên kinh nghiệm làm mướn giàu như Bill Gate giàu tiền. Không có mình thì sếp mất chức, về ăn tiền thất nghiệp; nhưng mất việc cu li ở hãng này thì hãng khác đang chờ mình; chỉ sợ mất việc làm sếp ở hãng này thì hãng khác cũng đang đuổi bớt sếp mới khốn. Nhưng không người Việt nào tin tôi. Và tôi biết ra cái tức trong tôi là họ vẫn gọi, và coi tôi là anh em.

Với người bạn bị cộng đồng xua đuổi, khinh miệt là thằng khùng. “Nó bị đuổi chắc” là kết quả họp bàn của bàn cơm Việt nam. Nhưng khi ai cũng thấy nó vô làm lại thì không mừng cho một đồng hương mà đâm ra khó chịu trong ánh mắt, cái đằng hắng kém cỏi…

Nhưng thằng gọi Cali là nước Cali; gọi New York là nước New York. Nó vô làm lại sau khi coi hãng như đồ bỏ, sếp như đồ chơi… nó vật sếp phờ râu vì chỉ nó biết reset máy móc khi không có thợ máy, vì nó chơi bùa vô computer control máy móc để giữ job khi nó chưa muốn tự ý thôi việc. Thằng quỷ – là sản phẩm sống ở Mỹ từ nhỏ. Nhưng ai nói là nó không biết điều theo kiểu Việt nam. Nó đi Pittsburgh về, cho tôi một hộp chocolate mà nó nói chỉ có bán ở Pittsburgh.

Tôi bị rơi vào tình trạng khó xử, vì hộp chocolate nó đáp lễ. Nhưng bánh kẹo tôi cho nó là mượn hoa cúng Phật chứ tôi có gì đâu. Tôi đem chia cho mọi người với câu nói láo không chớp mắt là nó đi Pittsburgh về, mua quà cho anh chị em trong hãng… Nhưng đồng nghiệp đồng hương của tôi không nhận quà của thằng khùng. Họ không ăn mà no ách vì họ đi cúng còn chưa giữ được việc làm trong khi sếp cần nó thì khác nào hãng cần nó hơn họ; hơn nó cần hãng…

Sự thật của tâm tính người Việt là gì? Tôi càng nghĩ càng thấy mình ấu trĩ vì không hiểu được ngay dân tộc mình thỉ hiểu ai trên thế giới mà cứ thích tìm tòi.

Nó đi làm lại một tuần sau khi đi Pittsburgh về, nhưng lại không đi làm thứ bảy, chủ nhật. Dư luận càng khẳng định nó là thằng khùng vì làm thứ bảy ăn lương gấp rưỡi; làm chủ nhật ăn lương gấp đôi. Chỉ thằng khùng mới đi làm cho đủ bốn mươi tiếng lương bèo, rồi bỏ overtime…

Tôi chẳng nói với ai về cái tin nhắn nó gởi cho tôi là đã bán được nhà. Đang thu xếp về lại Pittsburgh…

Thôi cũng mừng cho một đồng hương từ khi đến không ai ưa nên khi đi không ai biết – cũng tốt. Riêng tôi hơi tiếc những lúc rảnh, nó nói bậy cho tôi nghe thiệt đáng học hỏi vì nó dịch từ tiếng Anh ra những chuyện tiếu lâm đặc sắc; càng đặc sắc hơn là nó diễn tả bằng tiếng Việt không rành nên nghe mới lạ hơn tiếng Việt của những người rành…

Trưa nay tôi ngồi nhai chén cơm đem theo, nhưng gặp loại gạo mới mua nên chưa biết canh nước cho mềm cơm; mà cơm khô thì tôi chịu; úp cha nó vô thùng rác – thà đói cũng còn sướng hơn ăn dở. Ngồi nghe hai ông nhiều chuyện nhất trong anh em trò chuyện. Ông Quảng nói với ông U Minh,

“Nè, tôi nói cho nghe chuyện này! Tôi đi chợ Wal-Mart chiều hôm qua. Vợ chồng tôi thường thích ăn đậu phộng rang nên ưa mua ở Wal-Mart cho rẻ. Nhưng giá thường của nó là $2.50/ gói. Nhưng hôm qua, Wal-Mart bán on sale mới là chuyện lạ vì Wal-Mart ít khi on sale lắm! Anh biết không, một gói đậu phộng rang $2.50 mà onsale còn có 25 xu. Tôi mua được có 6 gói vì người ta lấy hết rồi. -Chỉ trả một đồng rưỡi cho sáu gói đậu phộng rang mới sung sướng làm sao!

Nhưng về tới nhà, tôi mở ra ăn… thì ăn không được vì nó quá cũ nên gắt dầu.

Tôi đem đi trả.”

(Câu này hơi bất ngờ mọi người hay sao mà ai cũng ngưng múc, ngưng nhai… ngừng nói.)

Ông Quảng từ tốn kể tiếp, “Không ngờ may mắn diệu kỳ xảy ra là cái system của chợ Wal-Mart gần nhà tôi… sao đó! Anh Mỹ trắng trẻ măng, cứ trả lại tiền mặt cho tôi vì tôi mua tiền mặt; anh ta cứ tính mỗi gói là $2.50. Tôi lời to với $7.50 trong tay, tiếc là gói lỡ xé ra, và ăn thử vài hột nên mới biết là hàng quá cũ, gắt dầu. Tôi để lại nhà chứ đem trả thì chắc anh ta cũng nhận…”

Ông U Minh chưa bao giờ chịu thua ông Quảng một điều gì, nên chuyện đáp lại của ông đương nhiên là đáng nghe.

“Có một đồng rưỡi – sáu gói đậu phộng rang mà ông cũng cất công đi trả. Không biết tính tiền xăng, và thời gian của mình sao?”

Ông Quảng ẫm ờ…, “thì tiện thể vợ tôi quên mua cái gì đó! Nói tôi chở đi Wal-Mart lần nữa. Tiện thể thì trả…”

Ông U Minh hỏi mọi người, “Mấy ông tin nổi cha Quảng này không…?”

Chẳng ai trả lời vì cả hai người này đều rắc rối như nhau. Dính vô chuyện của họ thì như giẫm phải kẹo cao su, lê giày tới đâu thì cao su cũng cứ nhão, dài ra thêm tới đó. Nhưng một ông Việt khác ngứa miệng, hỏi, “Điều tôi muốn biết là anh có lấy $7.50 đó không?”

Ông Quảng lại ấm ớ…, “K…h…ô…n…g…”

Ông ngứa miệng, làm tới, “Thề đi!”

“…”

Cả bàn được trận cười. Chẳng ai thương xót ông Quảng hay nói nên bị sộ, mặt mày đỏ tía vì quê.

Ông U Minh thường không lý sự lại ông Quảng nên hả hê một tràng cười… Nhưng đời bây giờ không cần đợi “cười người hôm trước hôm sau người cười” mà cười người chưa dứt đã nghe người cười… Ông U Minh đang tự sướng vì không mất công gây lộn để cãi lộn với ông Quảng như mọi ngày; tự nhiên hôm nay ông ngứa miệng nhảy vô sân khấu của hai người họ; làm ông U Minh được trận cười chùa thật đã đời…

Nhưng cái bà Mỹ trắng quái ác trên văn phòng – bỗng dưng xuất hiện trước bàn cơm Việt nam như muốn đánh lộn; mặt bà lúc vui đã không đẹp nên khi nổi giận càng tệ! Điều đáng khâm phục là bà vẫn giữ được thái độ lịch sự, lời lẽ nhã nhặn của người Mỹ. Bà nói thẳng vào mặt ông U Minh, “Xin ông vui lòng trả lại cho tôi cây viết mà lúc nãy ông đã mượn tôi. Tôi thật xin lỗi đã làm phiền ông với cây viết chẳng đáng gì! Nhưng với tôi rất có ý nghĩa vì của cháu tôi vừa tặng tôi…”

Mặt mày ông U Minh tái mét. Thường ngày ông nói tiếng Anh cũng lưu loát lắm. Nhưng đặc biệt hôm nay… cứng họng!

Bà Mỹ chờ ông trả lời bằng lời nói hay hành động gì cũng được! Bà ra vẻ thách thức, một nụ cười kiêu ngạo lẫn khinh bỉ hàm tiếu trên môi – làm nhiều người chú ý – càng làm cho ông U Minh tái mặt thêm… Mấy bàn ăn bên cạnh của người Mễ, người Mỹ… đều im lặng đột ngột. Nên nghe rõ một câu tiếng Việt – giọng Quảng, nhỏ, nhẹ hều… “trả nó đi. Cái kiểu nó muốn làm dữ rồi đó!”

Ông U Minh vẫn cứng họng, mặt tím tái. Nhưng rút từ trong túi quần ra để trả bà Mỹ cây viết thật đẹp. Ông cũng không nói nổi lời xin lỗi với bà ấy. Không ai tin là ông khiếm nhã tới mức đó; nhưng ai cũng thấy rõ là ông quá sợ nên nói không ra lời…

Không biết ông Quảng chơi chết ông U Minh hay thật lòng cứu mạng đồng hương mà ông đi nói với bà Mỹ trắng, “Bạn tôi không biết tiếng Anh. Xin lỗi bà. Và xin lỗi cả việc chúng tôi thường phải lấy giờ ăn để lên văn phòng gặp bà về giấy tờ… nên vội, nên quên là cây viết của bà; vì thói quen chúng tôi thường viết note hay report xong là nhét ngay cây viết vô túi quần; bởi lo làm dễ bị rơi mất – không hay…”

Bà Mỹ đớp lại liền, “Ông ta không biết tiếng Anh sao vừa lên phòng tôi, cự nự tôi thật gay gắt về việc tôi sai lộn làm mất của ông nửa giờ overtime. Tôi phải xin lỗi và phiền ông ký vào giấy tờ để tôi truy lãnh cho ông ấy…”

Phòng ăn ồn như chợ vỡ mỗi ngày, bỗng im lìm như nhà quàn đã dời về đây. Một người đàn ông Mỹ ngưng ăn, đứng lên giải vây cho ông U Minh, “…Mong bà bỏ qua cho chúng tôi không có giờ để lên văn phòng khi cần thiết mà phải lấy giờ ăn để lên văn phòng lo giấy tờ… đủ thứ! Rồi vội đi ăn trưa nên cầm nhầm cây viết của bà…”

Ông Mỹ trắng vịn hai tay lên hai vai bà Mỹ, xoay người bà 180 độ. Ông nói tiếng lóng với đồng hương của ông nên tôi không hiểu.

Bà Mỹ… quay lại; làm chúng Việt nam tôi hết hồn. Nhưng bà chỉ nói “Cảm ơn” với ông U Minh, rồi bỏ đi…

Bẽ bàng. Xấu hổ. Những người Việt lầm lũi rời bàn ăn sớm hơn thường lệ. Tôi cũng đi trong tiếng thỏ thẻ, “cây viết có đáng gì mà tham…” giọng Quảng eo óc tới nổi da gà.

Chắc từ nay tôi nhịn đói buổi trưa để khỏi vô phòng ăn. Vì tôi không qua Mỹ từ nhỏ nên không đủ can đảm ngồi một mình như anh chàng Pittsburgh – không rành tiếng Việt.

Phan

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search