T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 78)

clip_image001

Những câu sau cùng của Bút Tre

Chưa đi chưa biết Sài gòn
Đi rồi mới biết chẳng còn một xu
Về nhà mới biết là ngu
Mồm tiêu thì ít thằng cu tiêu nhiều.

Giai thoại làng văn

Năm 1963, tôi có về làng Đại Hoàng, quê Nam Cao, để tìm hiểu những nguyên mẫu nhân vật của tác phẩm Nam Cao. Hồi ấy tôi có hướng dẫn một sinh viên làm luận văn thạc sĩ, đề tài là: “Từ nguyên mẫu đến nhân vật truyện của Nam Cao”.

Chí Phèo không phải là người cùng thời với Nam Cao. Đó là một nhân vật truyền thuyết của làng. Ngày xưa có một anh Chí Phèo, làm nghề mổ lợn, giỏi bắt phèo nên người ta gọi là Chí Phèo. Anh ta thường uống rượu say, đi trên đường làng, chửi trời chửi đất lung tung. Chí Phèo không đâm chém ai cả.

Còn Bá Kiến thì có nguyên mẫu tên là Bá Bính, gần giống như Bá Kiến: bóc lột dân, dâm ô, cướp cả vợ bố, ngủ với con dâu. Có bốn vợ. Tôi có ghi lại mấy câu vè về Bá Bính của dân Đại Hoàng:

Nam Sang nhất tổng Cao Đà

Có thằng Bá Nghị tên là sọc nhăng

Ông mà lại hoá ra thằng

Khôn ngoan nhất mực, nói năng ai tày

Bốn đời lý trưởng trong tay

Bao chiếm điền thổ xưa nay đã nhiều

Nghe nói vợ ba Bá Bính bị ta thủ tiêu vì hay ra vào đồn giặc. Còn vợ tư Bá Bính thì lúc chúng tôi về Đại Hoàng, vẫn còn sống. Chí Phèo và Bá Bính chẳng liên quan gì đến nhau cả. Bá Bính chẳng bị ai đâm chém, còn sống mãi sau cách mạng tháng Tám, và có chân trong Hội Liên Việt.

Vậy là truyện Chí Phèo hư cấu nhiều, nhất là nhân vật Chí Phèo. Còn Thị Nở có người nói có, có người nói không.

Cô Hồng, con Nam Cao, thì nói dứt khoát: “ông ấy bịa”.

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Tiếng Tầu tiếng Việt

Tiếng Tầu người Quảng Đông ta có một số chữ phiên âm như:

Sà má (sa mạc), tố phù ( đậu phụ), txê (xe), txàn xôi (rau mồng tơi), cẩu khẩy (cầu khỉ).

Thân phận nàng Kiều ba chìm bẩy nổi

Linh Mục Thanh Lãng, tác giả Bản Lược Đồ Văn Học VN chia 7 thời kỳ nàng vừa được xưng tụng vừa bị đánh đập như sau:

1. Thế hệ những người cùng thời Nguyễn Du ( 1788-1820): Kiều chỉ mới là một hài nhi nên những người bạn của tác giả cũng chỉ ngó qua vậy thôi. Chủ yếu là nói nhiều đến nỗi mang nặng đẻ đau hay công phu khó nhọc của tác giả.

2. Thế hệ Nguyễn Công Trứ (1820-1862): Kiều bị chê là con bé ranh mãnh hỗn xược. Một người rất chịu chơi là Nguyễn Công Trứ mà cũng phải hạ những câu độc địa như:

Từ Mã Giám Sinh cho đến chàng Từ Hải

Cánh hoa tàn đem bán lại chốn thanh lâu

Bây giờ Kiều còn hiếu vào đâu

Mà bướm chán ong chường cho đến thế

Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa

Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm

Bán mình trong bấy nhiêu năm

Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai!

3. Thế hệ Chu Mạnh Trinh (1862-1913): Kiều được nhìn nhận như một cô gái nhỏ bé đáng thương, đồng hóa thân phận Kiều với tác giả, phê bình Kiều với thái độ nghệ sĩ, giàu cảm tính rất tài tử mà tiêu biểu là Chu Mạnh Trinh Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu…đã toan đúc sẵn nhà vàng chờ người quốc sắc, lại muốn mượn chùm phương thảo hú vía thuyền quyên

4. Thế hệ Nguyễn văn Vĩnh, Phạm Quỳnh (1913-1932): Kiều được tôn xưng là tài hoa. Phạm Quỳnh còn đi xa hơn nữa muốn Kiều trở thành giáo chủ, truyện Kiều là Thánh kinh, là Phúc âm của cả một dân tộc. Tâng bốc lên tận mây xanh, nên Phạm Quỳnh bị kết tội là học phiệt, bị Ngô Đức kế mỉa mai nước Việt Nam là Kim Vân Kiều Quốc!

5. Thế hệ Tự Lực Văn Đoàn (1932-1945): Lúc này xuất hiện nàng Loan trẻ trung sôi nổi trong Đoạn Tuyệt, nàng Mai dịu dàng dằm thắm trong Nửa Chừng Xuân, nên Kiều trở thành một bà già lẩm cẩm chẳng còn ai tơ tưởng tôn xưng nàng thành thần tượng nữa.

6. Thế hệ sau 45: Kiều bị đem ra đấu tố trước tòa án nhân dân, bị kết tội là phản động, đồi truỵ, bị đem thiêu đốt.

7. Thế hệ sau 54: Kiều đầu thai. Ở miền Bắc nàng bỗng trở thành một cô gái vô sản, là hiện thân của hàng triệu phụ nữ Việt Nam bị các thế lực phong kiến và bọn địa chủ đàn áp bóc lột. Ở Miền Nam, nàng là một cô gái hiện sinh dám dấn thân, dù suốt mười lăm năm là những tháng ngày buồn nôn. Và hai nàng Nam và Bắc hơn 20 năm gườm nguýt nhau, chửi bới nhau không thương tiếc!

(Khuất Đẩu – Nàng là ai, hỡi Thúy Kiều)

Kê báo tai, thước báo hỷ

Kê: con gà. Thước: con quạ. Tai: họa bất thình lình. Hỷ: mừng.

Nghĩa là gà mái gáy thì có điềm chẳng lành. Quạ kêu trước nhà có tin vui.

Thành ngữ này ý nói những chuyện ngược với lẽ đời thường như gà mái lại gáy và quạ là lòai chim hung dữ mà lại có tin vui mừng.

Ba Gia, Tú Xuất

Ba Giai, Tú Xuất là hai nhân vật có thật ở Hà Nội và Hà Tây vào những năm đầu thế kỷ XX. Trong cuốn Lược truyện các tác giả Việt Nam (1972), đã khẳng định Nguyễn Nam Thông là người đầu tiên biên soạn Ba Giai – Tú Xuất. Căn cứ vào bản in năm 1934 do Tân Dân Thư Quán (93 Hàng Bông, Hà Nội) được lưu giữ tại thư viện Paris, Pháp.

Việc trả lại tên cho tác giả Nguyễn Nam Thông là cần thiết theo đúng tinh thần công ước Berne. Đáng tiếc, cuốn sách không nêu rõ họ tên, quê quán hay hình ảnh của Ba Giai Tú Xuất. Hy vọng lần tái bản bổ sung hình ảnh hay phụ bản in năm 1934 cũng như ảnh cố nhà văn Nguyễn Nam Thông.

Vài nét về nhà văn Nguyễn Nam Thông:Tên thật là Nguyễn Xuân Thông quê ở làng Động Dã, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cách làng Tú Xuất không xa. Theo nhà báo Bích Ngọc, con gái nhà văn, ông sinh năm 1906 trong một gia đình nhà Nho. Năm 1937, Nguyễn Nam Thông là chủ bút tờ Đông Tây tiểu thuyết, thường viết tiểu thuyết lịch sử.

Tác phẩm đã xuất bản:Ba Giai (Tân Dân Hà Nội 1931); Tú Xuất (Tân Dân Hà Nội 1930); Đàn bà dễ có mấy tay (Tân Dân Hải Phòng 1930); Trung Nhật chiến tranh yếu nhân (Thụy Ký Hà Nội 1938); Nga Nhật chiến ký (Báo Nam Ký 1939); Vợ lẽ của tôi (Tân Dân Hà Nội 1933)…

(Nguyễn Ty – Ba Giai, Tú Xuất đã có tác giả)

Hát ngao trên tuyết

Khoác áo lông xù giả làm tráng sĩ
Lên dòng sông đá bước nghênh ngang
…..

Núi cao! Núi cao! Ta về không đến
Chí trượng phu, hừ, chôn trong giá băng?

Phê bình I

Kể từ khi có chữ quốc ngữ, Phạm Quỳnh là người đi tiên phong trong lãnh vực phê bình. Ngay những số đầu tiên trên tờ Nam Phong ông đã có bài phê bình về bài Khối tình con của Tản Đà. Một tấm lòng của Đoàn Như Khuê.

clip_image003

Thời kỳ (1932-1939) xuất hiện những cuộc tranh luận sôi nổi trên báo chí, đặt ra nhiều vấn đề thiết yếu cho văn học. Không kể cuộc bút chiến về Nho Giáo giữa Trần Trọng Kim và Phan Khôi, có 4 cuộc tranh luận văn học lớn là: luận về quốc học, thơ cũ thơ mới, duy tâm hay duy vật, nghệ thuật vị cái gì?

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Những bài hành

Ðến năm 1970, thơ Việt đã có ba bài hành xuất sắc: Tống biệt hành của Thâm Tâm, Hành phương nam của Nguyễn Bính và Bài hành bốn mươi của Thanh Nam. Non mười năm sau đó thì được thêm một bài nữa. Cao Tần không gọi thi phẩm ấy của mình là “hành”. Nhưng hẳn đa số người yêu thơ chỉ cần đọc qua cũng lập tức cảm thấy ngờ ngợ, rồi nhanh chóng dứt khoát: “nó”, chứ còn gì nữa.
Hành là thơ làm để hát.(1) Ðây tác giả chẳng những đặt luôn tên bài thơ là hát, mà còn cẩn thận ghi rõ hát ngao. Hát ca vốn vô số lối: lối chèo, lối tuồng, lối quan họ, lối cải lương, lối tân nhạc, lối tân tân nhạc… Vì lẽ gì Cao Tần đi chọn lối ngao?
Cách nay gần 5 thế kỷ, trong một trong mấy bài phú nôm đầu tiên của văn học Việt Nam thấy có câu: “… thủa hứng nhàn đủng đỉnh, ngồi bên khe, nhịp miệng hát ngao”.(2) Kẻ đủng đỉnh nhịp miệng thời xa xưa ấy không phải một trẻ chăn trâu đang hồn nhiên véo von “sướng lắm chứ” đâu, mà là Nguyễn Hãng, ẩn sĩ đời Mạc, đang “ngao” thành lời cái tâm trạng nhiều uẩn khúc của mình.
Xem lại, hình như thứ thơ hành có hay chứa tâm trạng rắc rối.
Giữa Bài hành bốn mươi với Bài hành trên tuyết tuy chỉ có không tới mười năm, nhưng là mười năm đầy dâu bể. Nên mới có tráng sĩ Việt “khoác áo lông xù” bước trên mặt sông đã đông thành đá. Người “nghênh ngang” trên băng giống người “đón tuổi” ở chỗ cùng đã qua sông. Khác, vì người kia qua rồi yên phận, còn người này qua xong tuy có “khi bi ai: thân cỏ mọn bên đường”, có lúc bước “những bước ngậm ngùi đi chẳng về đâu”, nhưng rồi lại có “khi bốc lên: núi lưng trời cũng thấp”.
Cái phận chưa chịu yên, đôi khi nó còn “hừ” thành tiếng trong thơ!

(1) Theo Ðại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, nxb. VH-TT, VN, 1999.
(2) Xem Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ.

(Thu Tứ – Gocgio.net)

Thùy dương

Thùy dương là tên một loại cây thật. Tiếng Việt vẫn dùng “hàng thùy dương”, có nghĩa là hàng cây liễu rủ. Dùng nghĩa này để tìm gốc Hán trong tự điển Hán Việt của Thiều Chửu thì thấy như sau:
Thùy: rủ xuống như “Thành nam thùy liễu bất câm phong” – Nguyễn Du
(Thành nam liễu rủ không chịu nổi gió),

Dương: cây dương (liễu). Vậy thì, thùy dương = thùy liễu
(Nguồn ĐatViet.com)

Ca dao, tục ngữ thời @ (a-cong!)

Yêu nhau cởi áo cho nhau.

Hôm sau: Em đã có bầu, anh ơi!

 

Ngộ Không

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search