T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 79)

clip_image001

Không đề

Hôm nay dưới bến xuôi đò

Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau.

Anh đi đấy, anh về đâu?

Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…

(Nguyễn Bính)

Thơ Nguyễn Bính. Tựa “Không đề”. Chỉ có bốn câu. Theo tôi, đây là một trong những bài thơ hay nhất, hoàn chỉnh nhất của Nguyễn Bính. Bài thơ có hai nhân vật, một người con trai và một người con gái. Người con trai ở dưới bến chờ xuôi đò. Người con gái ở trong nhà, qua khung cửa sổ, thẫn thờ ngó ra. Nguyễn Bính nói họ “thương nhau”. Chắc chỉ là thương thầm. Nên không có tiễn đưa. Nên người con gái mới băn khoăn tự hỏi “Anh đi đấy, anh về đâu?” Sáu chữ mà bời bời hai tâm sự ngổn ngang. “Anh đi đấy” là câu hỏi thảng thốt. Ðau nhói. “Anh về đâu?” là câu hỏi ngậm ngùi. Buồn tênh. Người con gái ngạc nhiên, rồi bàng hoàng, rồi ngẩn ngơ. Chiếc thuyền rời bến, từ từ đi xa. Hình ảnh người con trai mất hút. Chỉ còn chiếc thuyền. Rồi chiếc thuyền cũng khuất. Chỉ còn cánh buồm vươn cao, vươn cao, chới với, chập chờn, lung linh, xa xăm:

Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…

Người con gái vẫn còn đứng đó, bên thành cửa sổ, vời vợi nhìn theo. Câu thơ ngắt thành ba nhịp (Cánh buồm nâu / cánh buồm nâu / cánh buồm…), tưởng như mỗi nhịp ngắt là một làn sóng đột nhiên trào lên, che khuất cánh buồm. Bao nhiêu lần khuất rồi hiện. Lần cuối cùng, đã xa lơ xa lắc, người con gái chỉ còn nhìn thấy, mờ thật mờ, hình ảnh cánh buồm thấp thoáng, nhoà đi trong khói song bập bềnh. Không còn thấy màu sắc nữa: chữ “nâu” ở nhịp cuối biến mất.

(Thu Tứ – Gocgio.net)

Thả thơ I

Thả thơ là một nghệ thuật chơi chữ, người thả thơ đưa ra mấy câu thơ, trong đó giấu đi một chữ và đưa ra một số chữ để thay chữ bị khiếm khuyết.

Cái khéo của người thả thơ chọn những chữ có vẻ “đúng” để cho người chơi trò chơi chữ nghĩa phân vân…

Dưới đây là một thí dụ với Bùi Giáng:

Và hé mở môi không hường một lúc

Sương gió cũ thiên thu _ _ _ cúi gục

Cỏ nội đồng là sực tỉnh ra hoa

Em ra đi là bưng mặt khóa òa

(Không đề – Mưa nguồn)

Chúng ta phải chọn 1 trong 5 chữ “sầu – buồn – là – về – còn

(Liên Hoa – Đặc san Mê Linh 2006)

Đãng tử, lãng tử

Thơ có câu “Đừng học thói huyênh hoang đãng tử – Lại đua đòi bạo ngược cường đồ”

Đãng tử – Kẻ chơi bời, không có địa vị trong xã hội.

Tiếng Việt Ta gọi là…”lãng tử”.

Thả thơ với Bùi Giáng

Chữ được chọn: “về”.

(Liên Hoa – Đặc san Mê Linh 2006)

Chữ nghĩa trong câu đối

Thái tử Bửu Đảo, sau này là Hoằng Tôn Tuyên hoàng đế Khải Định nổi tiếng là ăn chơi, mê đào hát và giỏi chữ Hán-Nôm. Dưới đây là khẩu khí của ông, cũng là câu đối duy nhất trong kho tàng câu đối nước ta với vế trên toàn chữ Hán, vế dưới toàn chữ nôm:

“Quốc gia lịch tứ thiên dư, do truyền nhân vật, như Tô như Duật, như Phật Tử Quân, như Trần Quốc Tuấn, như Phạm Công thượng tướng quân, như Bạch Vân phu tử, như ngự sử Lê Cảnh Tuân, như công thần Nguyễn Công Trứ, tài chi tuấn thời chi tuế, thế chi ư, khí nhưng nhiên phủ, thần long đắc vũ tiện vân đằng”.

“Xuân xanh tuổi ngoài đôi chục, chơi đục trần ai, khi bài khi bạc, khi tài bàn vác, khi tổ tôm quanh, khi năm canh ngồi nhà hát, khi gác cổ ả đào, khi ghẻ tầu con đĩ xác, khi nằm rạp thuốc phiện tiêm, hoanh ra dáng rạng ra rồng, ngông ra phết, cóc biết chi tồi, miệng én đưa qua mùi gió thoảng”.

Giờ tý canh ba

Hỏi : Bà con cho hỏi là “Giờ tý canh ba” là sao? Theo sự hiểu biết nông cạn của tôi thì giờ tý là từ 0-2 giờ mà sao lại là canh ba.

Đáp :

– Canh ba vì không phải là canh hai hay canh tư. clip_image002
– Canh ba cũng có thể nửa đêm leo rào zdô thì phải ráng canh chừng ba của ẻm!

– Đêm thì có năm canh, tính từ lúc tối mờ ngõ tới lúc gà gáy sáng. (lỡ thịt mất gà nhà, thì nghe gà hàng xóm! clip_image002[1]) Tui cũng không biết là từ giờ nào tới giờ nào??? clip_image003Và như vậy canh ba là cỡ chừng nửa đêm.

***
Thực ra 5 canh gồm có.
Canh một: khoảng giờ Tuất
Canh hai: khoảng giờ Hợi
Canh ba: khoảng giờ
Canh tư: khoảng giờ Sửu
Canh năm: khoảng giờ Dần
Còn nữa một ngày và một đêm được chia ra làm 12 khoảng cách khác nhau, gọi là giờ:
Giờ Sửu: từ 01 giờ đến 03 giờ sáng
Giờ Dần: từ 03 giờ đến 05 giờ sáng
Giờ Mão: từ 05 giờ đến 07 giờ sáng
Giờ Thìn: từ 07 giờ đến 09 giờ sáng
Giờ Tỵ: từ 09 giờ đến 11 giờ trưa
Giờ Ngọ: từ 11 giờ đến 13 giờ trưa
Giờ Mùi: từ 13 giờ đến 15 giờ chiều
Giờ Thân:từ 15 giờ đến 17 giờ chiều
Giờ Dậu: từ 17 giờ đến 19 giờ tối
Giờ Tuất: từ 19 giờ đến 21 giờ tối
Giờ Hợi: từ 21 giờ đến 23 giờ khuya
Giờ Tý: từ 23 giờ khuya đến 01 giờ sáng hôm sau
Thì giờ tý canh ba là như trên!

(Nguồn ĐatViet.com)

Hồ Xuân Hương tân biên bản mục

Chồng bà Hồ Xuân Hương là Trần Phúc Hiển mất năm 1819, ở Yên Tử, bà vào tu ở chùa Giải Oan (Yên Tử). Người cũ của bà là Nguyễn Du mất năm 1820. Bà mất năm 1822, thân nhân đưa hài cốt bà về Nghi Tàm. Tùng Thiện Vương con vua Minh Mạng trong Thượng Sơn thi tập có bài thơ viếng mộ chí bà ở đây.

Cả ba nữ sĩ thời danh, bà Hồ Xuân Hương, Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm đều được chôn cất ở Tây Hồ. Riêng mộ chí bà Đoàn Thị Điểm mới tìm được gần đây, dưới một đống rác.

(Trần Nhuận Minh – Tạp chí Tân Văn)

Vũ Ngọc Phan và Nhà văn hiện đại

Quan niệm phê bình của Vù Ngọc Phan chỉ hạn chế về văn chương, về kỹ thuật viết văn mà không xử dụng những yếu tố khác như tâm lý, tiểu sử, hoàn cảnh xà hội, hoàn cảnh nhà văn đang sống trong việc giải thích và phê bình.

Phương pháp trong Nhà văn hiện đại là phương pháp cổ điển, ông chú trọng vào việc phê phán câu văn viết đúng hay sai văn phạm, sự quan sát tinh vi hay sơ sài hời hợt, cốt truyện hay hoặc dở, cách thức kết cấu và sự mô tả khéo ;éo hay vụng về…

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Tục ngữ Ta và Tầu

Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết

Nhị long tương đấu, ngư miết hà giải thụ thương

(Hai rồng đấu nhau, cá cua tôm rùa mắc cạn)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Kệ và thơ thiền

Kệ là một hình thức văn chương nghi lễ cuả Phật giáo, như Kệ dâng hương , Kệ dâng hoa , Kệ vô thường buổi sớm.. Các Thiền sư thường làm kệ “thị tịch “ để căn dặn đệ tử trước lúc qua đời . Tiểu truyện về các Thiền sư thường có những bài kệ. Những bài kệ ấy vưà nói về giáo lý Phật vưà chưá đựng chỗ độc đáo chứng ngộ cuả mỗi người . Thiền Uyển Tập Anh nổi tiếng với những bài kệ như Thị Đệ Tử cuả Thiền sư Vạn Hạnh, Cáo tật Thị chúng cuả đại sư Mãn Giác. Khoá Hư Lục cuả Trần Thái Tông có Kệ ngũ giới , Kệ bốn núi …

Về cơ bản, kệ dạy giáo lý Phật bằng ngôn ngữ khái niệm. Nhưng khi chuyển thành ngôn ngữ hình tượng, kệ trở thành thơ thiền, ý nghiã tư tưởng chuyển hoá thành ý nghiã nghệ thuật. Thơ thiền là thơ tư tưởng. Cốt lõi tư tưởng thơ thiền là giáo lý Phật giáo. Mỗi bài thơ là một chứng ngộ tại thế về Chân Như cuả Thiền sư. Chẳng hạn:

Bát Nhã chân vô tông

Nhân không, ngã diệc không

Quá, hiện, vị lai Phật

Pháp tính bản lai đồng.

(Lý Thái Tông)

Dịch:

“Bát Nhã” thực vô tông

Người không, mình cũng không

Phật trước, nay, sau nữa

Pháp tính vốn tương đồng

(Ngô Tất Tố)

(Bùi Công Thuần)

Không nghe, không thấy, không nói

Nếu người Nhật có triết lý qua ba con khỉ: “Bịt tai, bịt mắt, bịt mồm” thì Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục có bài thơ này:

Nhĩ bất văn nhân chi tội

Mục bất đổ nhân chi đoản

Khẩu bất ngôn nhân chi quá

(Tai không nghe chuyện tội lỗi của người, mắt không thấy những vụng kém của người, miệng không nói những sai lầm của người)

Thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh (III)

Chiếc phao câu được thằng Mõ chặt làm bốn, bày vào một đĩa dành cho đám đàn anh. Cái đầu được chia thành năm, bày vào một đĩa dành cho các cụ. Hai chiếc cánh gà, đôi chân gà được chặt và bày vào một đĩa khác nữa.

Thứ nhất phao câu nghĩa là chiếc phao câu được dành cho chiếu thứ nhất. Làng nào có tiên chỉ thì ông tiên chỉ, một mình một cỗ, được hưởng cả cái phao câu. Không có tiên chỉ thì những người được ngồi chiếu nhất cùng hưởng. Làng thằng Mới có bốn người ngồi chiếu nhất nên chiếc phao câu được chia làm bốn phần.

Thứ nhì đầu cánh nghĩa là chiếu thứ nhì chia nhau cái đầu gà. Làng nào có nhiều người ngồi chiếu nhì thì hết đầu gà có thể dùng thêm cánh gà bù vào.

(Phụ chú: Đầu cánh là cái đầu và cái cánh chứ không phải là cái đầu (ngọn) của cái cánh)

(Ngô Tất Tố – Nghệ thuật băm thịt gà)

 

Ngộ Không

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search