T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Chiếc đồng hồ của Ahmed Mohamed

clip_image002

Tin trên báo Trẻ Dallas ghi là:

“Học sinh cấp 2 ở Mỹ bị bắt vì giáo viên tưởng mang bom tới trường”

(NGUỒN VOA) – Một học sinh cấp hai, 14 tuổi yêu thích điện tử ở tiểu bang Texas đã bị bắt ngay tại trường, sau khi một giáo viên tưởng chiếc đồng hồ mà em này chế tạo tại nhà là bom. Ahmed Mohamed không bị truy tố, nhưng bị cho nghỉ học 3 ngày.

Vụ việc xảy ra tại trường trung học MacArthur ở Irving, Texas, sau khi một giáo viên nghe thấy tiếng bíp của chiếc đồng hồ, theo tường thuật của tờ Dallas Morning News.

Em Mohamed sau đó đã bị các nhân viên của trường cũng như cảnh sát tra hỏi. Cảnh sát cũng lục soát đồ đạc rồi sau đó còng tay em này.

Cảnh sát sau đó nói rằng chiếc đồng hồ không gây nguy hiểm, nhưng có thể bị tưởng nhầm là một thiết bị nổ.

Còn trường học thì ra một thông cáo nói rằng họ luôn yêu cầu “các học sinh và nhân viên ngay lập tức thông báo nếu thấy bất kỳ đồ vật khả nghi nào”.

Mohamed là con trai của một gia đình di dân Sudan.

Theo tờ Dallas Morning News, cha của cậu bé, Mohamed Elhassan Mohamed, nói rằng vụ việc xảy ra vì tên của con mình.

Các trang mạng xã hội tràn ngập các lời bình luận và cảm thông đối với Mohamed.

Tổng thống Obama đã mời Mohamed tới dự một sự kiện về khoa học cùng với các nhà khoa học trẻ tuổi khác tại Nhà Trắng vào tháng tới.

Trong khi đó, người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg cũng mời cậu bé tới thăm trụ sở của công ty này. 

Với tôi, đó là một tin địa phương thì chẳng nghe người địa phương nào nói tới; Nhưng xem là một tin quốc tế vì được cả thế giới quan tâm thì người địa phương nghĩ gì?!

Câu chuyện, sau khi tôi tìm hiểu thêm thì như thế này, gia đình của Ahmed Mohamed là di dân đến từ Sudan, Bắc Phi. Quê hương điệp trùng máu lửa đó đã ở lại sau lưng họ hơn 30 năm. Cha của em là Mohamed El Hassan, 54 tuổi, có lần được báo chí nhắc tới vì đã từng tranh luận với một mục sư ở Florida trong vụ đốt kinh Quran.

Riêng em Ahmed là một cậu bé đam mê kỹ thuật, thường nhốt mình trong phòng riêng để mày mò những con chips và mạch điện tử. Ước mơ của cậu bé là sau này sẽ theo học trường đại học danh tiếng MIT của Mỹ.

Câu chuyện bắt đầu từ chiếc đồng hồ điện tử được Ahmed Mohamed tự chế ở nhà đã làm em bị đuổi học ba ngày bởi quyết định của nhà trường. Tệ hơn là bị cảnh sát còng tay đưa về sở cảnh sát trong ngày thứ Hai 13/9, sau khi giới chức của trường trung học mà em vừa nhập học được mấy tuần đã cáo buộc Ahmed đã làm ra một quả bom giả.

Qua ngày thứ Ba, một bản tin của ký giả Avi Selk viết về sự việc trên được đăng trên tờ Dallas Morning News, được truyền đi khắp nơi và đã có cả triệu người đọc.

Sang ngày thứ Tư, không chỉ nước Mỹ mà hầu như ở khắp nơi trên thế giới, nhiều người đã biết đến Ahmed Mohamed và câu chuyện chiếc đồng hồ qua các thông tin trên mạng. Được nhiều nhân vật nổi tiếng, từ tổng thống Barrack Obama, đến cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, tới Mark Zuckerberg, chủ nhân của Facebook, đã đăng những lời nhắn với Ahmed trên các trang mạng cá nhân của họ, và em được mời đến Toà Bạch ốc tham dự buổi gặp gỡ có tên là Astronomy Night (Đêm Thiên văn) vào ngày 19/10 để gặp gỡ một số nhà khoa học, kỹ sư và phi hành gia của trung tâm không gian NASA.

Câu chuyện của Ahmed đã tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội liên quan đến những vấn đề xã hội tưởng như không bao giờ dứt về Hồi giáo, di dân và sắc tộc. Và nhiều người nêu câu hỏi phải chăng Ahmed đã trở thành nạn nhân từ một chuyện nhỏ không đáng gì chỉ vì cái tên của em và tôn giáo em đang theo.

Chiếc đồng hồ do em chế tạo cũng không phải là một tác phẩm quá công phu hay tinh vi gì. Theo lời kể, em chỉ mất 20 phút để ráp tất cả lại với nhau trước khi đi ngủ vào tối Chủ nhật: một tấm mạch điện và những dây điện được nối vào một bảng số điện tử, tất cả được đặt trong một chiếc hộp.

Sáng thứ Hai đi học, em đã khoe thầy giáo dạy môn kỹ thuật. Thầy có khen qua, nhưng khuyên em không nên cho những thầy cô khác biết vì có thể gây ra hiểu lầm!

Ahmed cất giấu chiếc đồng hồ trong cặp táp trước khi vào lớp học Anh văn, nhưng bị cô giáo than phiền khi chiếc đồng hồ bất chợt kêu báo thức ngay giữa giờ học.

Ahmed phải mang nộp chiếc đồng hồ đó cho cô giáo. Nhưng cô giáo ngạc nhiên vì quá giống quả bom. Ahmed đã cố gắng giải thích không phải là bom, mà chỉ là chiếc đồng hồ điện tử.

Nhưng cô giáo đã giữ lại chiếc đồng hồ và thông báo cho văn phòng hiệu trưởng. Khi hiệu trưởng và cảnh sát đến đưa Ahmed rời khỏi lớp học thì câu chuyện đã lớn hẳn lên khi những cảnh sát hỏi cung ngay trong trường thì đã có một cảnh sát nói, “Đúng rồi. Đúng như là người mà tôi đã nghĩ.”

Ahmed đã bắt đầu ý thức được màu da và cái tên của mình. Cảnh sát tiếp tục lục xét các vật dụng trong túi xách của em và chất vấn về mục đích làm ra chiếc đồng hồ đó.

Em kể rằng vị hiệu trưởng của trường, Dan Cummings, còn đe dọa sẽ đuổi em khỏi trường nếu em không chịu viết bản tường trình.

Qua những câu hỏi chất vấn của cảnh sát ngay trong căn phòng ở trường học, họ tiếp tục cố gắng buộc em phải nhìn nhận rằng em cố tình chế tạo bom, hay ít ra là chế tạo một quả bom giả. Nhưng Ahmed vẫn quả quyết rằng đó chỉ là một chiếc đồng hồ điện tử.

Theo lời của phát ngôn nhân sở cảnh sát James McLellan thì Ahmed chỉ nhìn nhận thiết bị đó là một chiếc đồng hồ. Và vì vậy cảnh sát không có lý do gì để nghĩ rằng nó gây nguy hiểm. Nhưng phía cảnh sát đến lúc đó vẫn chưa tin Ahmed đã thật lòng kể cho họ hết câu chuyện.

Vẫn theo lời phát ngôn nhân McLellan giải thích: “Có thể có lý do để lầm lẫn nếu thiết bị đó được bỏ lại trong phòng vệ sinh công cộng hoặc dưới gầm một chiếc xe. Điều quan tâm của cảnh sát là thiết bị này được làm ra để làm gì? Cảnh sát có cần bắt giữ em không?”

Và quyết định của cảnh sát sau khi cân nhắc là đưa Ahmed rời khỏi trường MacArthur vào lúc 3 giờ chiều, tay bị còng ra sau lưng, có cảnh sát hộ tống hai bên. Một vài học sinh gặp trên hành lang trường học đã không khỏi ngạc nhiên. Ahmed thì không quên nét sửng sốt hiện trên khuôn mặt của vị giáo viên hướng dẫn của em, là người biết rõ em là một học sinh ngoan.

Ahmed được đưa về sở cảnh sát Irving và tạm giam trong một phòng nhỏ có chấn song. Cùng ngày thứ Hai đó, em được gặp cha mẹ tại trung tâm giam giữ thường phạm nhỏ tuổi sau khi cảnh sát đã chụp hình và lấy dấu tay để lập hồ sơ điều tra.

Sáng thứ Tư 16/9, sở cảnh sát Irving thông báo ngưng điều tra, sẽ không buộc Ahmed vào bất cứ tội hình nào và hồ sơ được đóng lại.

Trong cuộc họp báo chung với Sở học chánh Irving, cảnh sát trưởng của thành phố Irving là Larry Boyd cho biết thiết bị đó “theo lẽ thường là rất đáng ngờ.” Ông cũng nói thêm rằng, “Chúng ta đang sống ở thời đại mà bạn không thể mang những thứ đó đến trường học. Lẽ đương nhiên là chúng ta đã từng chứng kiến những vụ việc khủng khiếp xảy ra ở khắp nước, do đó chúng ta sẽ phạm sai lầm nếu không thận trọng.”

Thị trưởng thành phố Irving, Beth Van Duyne, đã lên Facebook để bào chữa cho hành động của nhà trường và cảnh sát. Bà viết: “Tất cả chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ bạo động ghê gớm đã xảy ra trong trường học. Có lẽ một vài vụ đó đã được ngăn chặn và một ít mạng sống đã được cứu thoát nếu mọi người cảnh giác hơn.”

Nhưng sau đó vị thị trưởng này đã cho sửa lại lời trên và nhìn nhận rằng bà sẽ “vô cùng tức giận” nếu vụ việc trên xảy ra cho chính con của bà.

Thận trọng và cảnh giác là điều cần thiết trong đời sống hôm nay, nhất là ở Mỹ. Nhưng kềm chế phản ứng để tránh hậu quả xấu cũng quan trọng không kém. Vị hiệu trưởng đã không đúng khi áp lực đòi đuổi học Ahmed nếu em không chịu nhận tội; Cảnh sát thẩm vấn Ahmed là việc cần và nên làm. Cảnh sát đưa Ahmed về sở cảnh sát là theo đúng thủ tục để lập hồ sơ, nhưng còng tay một thằng bé ngay trong trường học là điều thiếu thận trọng.

Bây giờ thì dư luận không đóng hồ sơ như Sở cảnh sát Irving. Khiến câu chuyện của Ahmed Mohamed không chỉ là bài học cho Sở học chánh và cảnh sát thành phố Irving mà còn cho cả nước Mỹ một lần nữa phải thận trọng hơn khi cần giải quyết những vấn đề có liên quan đến dân sự. Trong khi cảnh sát Mỹ nói chung, vẫn đang cố gắng lấy lại lòng tin từ dân chúng sau hàng loạt những vụ việc đáng tiếc có liên quan đến những cộng đồng người da màu đã liên tiếp xảy ra trên khắp nước Mỹ trong mấy năm qua.

Có ý kiến cho rằng, trường Trung học MacArthur, và Sở cảnh sát Irving đã nợ em Ahmed Mohamed một lời xin lỗi chính thức.

Nhưng suy nghĩ cá nhân của mỗi người đều đáng được tôn trọng như nhau. Vì thế riêng tôi nghĩ, đã là di dân thì đừng làm điều gì khác thường nơi công cộng trong xã hội Mỹ đã quá tải những vụ việc mang tính chất phân biệt chủng tộc. Nếu bạn và bạn bè của bạn đều là người Việt nam và đã từng gặp rắc rối ở một bar Mỹ thì bạn hiểu điều tôi muốn nói, chúng tôi chỉ có cái lỗi là dành nhau mua bia, rồi uống không hết. Chúng tôi bị đám thanh niên người Mỹ trắng chửi chúng tôi là lũ heo-Trung quốc. cút khỏi đây ngay. Nếu không muốn ăn đạn. Họ móc súng ra, lên đạn, nghe lạnh hồn…

Nếu chúng tôi là những thanh niên Việt nam thì đã im lặng ra về. Nhưng về nhà lấy súng và trở lại. Chuyện gì sẽ xảy ra? Nhưng mấy gã đàn ông đã qua thời thí mạng cùi vì một chuyện không đáng – thì chúng tôi hiểu được nguyên nhân những thanh niên Mỹ trắng nổi giận với chúng tôi vì họ không có tiền bằng chúng tôi. Mỗi người họ chỉ đủ tiền để mua chai bia cho mình chứ không dành nhau mua bia cho bạn như chúng tôi, nên họ ghét chúng tôi. Nếu họ có học thức thì họ đã hiểu về văn hoá của các sắc dân khác nhau.

Có lẽ từ lần bị nạn đó, chúng tôi đều về nhà dạy dỗ con cái chúng tôi từ kinh nghiệm bản thân là đừng làm gì khác thường nơi công cộng – vì nơi công cộng ở đây cũng là của Mỹ; người Mỹ là chánh.

Hiểu như vậy đi, để tránh rắc rối. Tôi cũng không cam tâm lắm đâu, dù vụ việc đã hai mươi năm nhưng còn tức nên còn nhớ bị chửi là đồ heo-Trung quốc. Thà chửi tôi là con chó-Việt nam tôi cũng không giận bằng.

Nếu em nhỏ này đã có ý thức về nguồn gốc, màu da, và quan trọng nhất là cái tên của em… nói trắng ra là hơi bị dị ứng ở Mỹ bây giờ… thì sao em còn làm ra một việc dễ hiểu lầm, có nguy cơ gây rắc rối cho em. Và vụ việc đã…

Tôi có suy nghĩ đến việc nhà báo đã dùng từ không phù hợp cho lời phát biểu của một thiếu niên 14 tuổi. Nhưng tôi lại nghĩ nhiều đến cha em đã không truyền đạt lại cho con những kinh nghiệm sống trên nước Mỹ với một màu da màu, và đặc biệt là cái tên đang ít nhiều dễ làm người Mỹ nghi ngại. Nếu em trai này có cái tên là David Nguyen, Kevin Tran… thì sự việc có lẽ đã diễn ra với chiều hướng ít tệ hại hơn. Bởi người Mỹ không có thành kiến với người Việt về việc khủng bố. Còn ước mơ thay đổi thành kiến của người bị hại là điều không thể. Chưa có người Mỹ nào nổ bom cảm tử ở Trung đông cả, mà chỉ có người Mỹ bị Trung đông khủng bố từ hải ngoại tới nội địa thì khi nghe tới tên họ có chữ “Mohamad” là người Mỹ cảnh giác cao độ ngay.

Sự thông cảm với một thiếu niên da màu và mang tên họ, tôn giáo bị e ngại ở Mỹ là điều nhân bản, không chối cãi được. Nhưng sự thông cảm cũng nên chia sẻ với thầy cô giáo hay giới chức trong nhà trường vì họ phải chịu trách nhiệm trước sự an toàn của bao nhiêu học sinh? Sự thông cảm củng nên chia sẻ cho cảnh sát phải chịu trách nhiệm trước an ninh cho dân chúng bằng chính sinh mạng mình.

Chẳng qua là chúng ta đang sống trên một đất nước quá tự do, dân chủ thực sự chứ không phải là cái bánh vẽ… nên ai cũng có quyền lên tiếng khi bất bình. Nhưng nghĩ kỹ lại việc còng tay một nghi can nhỏ tuổi để đưa về Sở cảnh sát là an toàn cho cả hai bên cảnh sát và cậu bé. Vì biết đâu trong trạng thái tinh thần hoang mang của cậu bé lần đầu tiên trong đời bị cảnh sát bắt và bị còng tay, cậu bé quá sợ hãi nên nhảy khỏi xe cảnh sát và tử thương vì nhiều lý do thì ai chịu trách nhiệm? Gia đình nạn nhân có buông tha cho cảnh sát không? Hay cậu bé do tinh thần không ổn định nhất thời, có hành vi chống đối nhân viên công lực đang thi hành nhiệm vụ thì điều đáng tiếc gì sẽ xảy ra?

Bình tâm sẽ thấy được ý nghĩa của cái còng với tội phạm nguy hiểm như vượt ngục khác với ý nghĩa của cái còng được móc vào tay một chú bé.

Còn chuyện những người quyền lực, nổi tiếng, và giàu có. Họ thương và thông cảm cho cậu bé thật lòng, hay họ không thể bỏ qua một cơ hội tốt để lấy lòng dư luận. Vì ai đọc qua bản tin cũng bất bình ngay với giới chức nhà trường và phía bên cảnh sát – đã quá đáng! Nhưng chia bớt bất bình nhà trường và cảnh sát sang cho cậu bé để cậu ấy có ý thức hơn về những chuyện (việc làm) nhạy cảm trong thời đại này và trên nước Mỹ, mong là cậu nhỏ có được bài học có thể xài cả đời. Và chia bớt thông cảm dành cho cậu sang cho nhà trường và cảnh sát để họ có tinh thần phục vụ xã hội hơn là chỉ trích họ.

Quan trọng nhất của vụ việc là cần một sự thông cảm để thấu hiểu thời đại và trách nhiệm của mỗi thành viên trong xã hội mà chúng ta đang sống. Mong lắm thay!

Phan

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search