T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: MỘT KẾT CUỘC CÓ HẬU

 

clip_image002

Hình Cắm Hoa – Trương T Vinh

Một lần tôi hỏi mẹ:

-Có khi nào hai người xa lạ mà giống nhau không mẹ?

-Sao lại không, báo điện ảnh đã có lần kê khai danh sách các diễn viên điện ảnh giống nhau. Thí dụ Trương Bá Chi giống Thanh Hà, Lý Tiểu Lộ giống y chang Châu Tấn…

Mẹ còn kể thêm một số diễn viên nữa mà tôi không nhớ tên hết. Tôi ngạc nhiên, tại sao mẹ lại hiểu biết rành rẽ giới tài tử như thế nhỉ? Thì cũng phải, nhà tôi có đến hai tủ đựng phim bộ của mẹ. Cái thời chưa có DVD, mấy cái video tape dày cộm, mỗi bộ phim có đến ba bốn chục cuốn, mẹ thâu lại, rồi cất kỹ không cho ai đụng đến. Ba tôi chê các diễn viên đó xưa mà nhà quê quá, chưa kể những người lồng tiếng không chuyên nghiệp, giọng nói vừa chua, vừa nhão lại khó nghe, có khi nói cả tràng dài mà không nghe được chữ nào rõ ràng, cứ y như nói tiếng ngoại quốc, nhiều khi xem mà bực mình. Nhưng chê là chuyện của ba, yêu thích “đồ cổ” là chuyện của mẹ, nên hai tủ phim choáng cả một góc nhà vẫn được bảo quản kỹ lưỡng, dù sau này có bao nhiêu cái tân ra đời như Tân Lộc Đỉnh Ký, Tân Bến Thượng Hải v.v…

Nhưng điều đang làm tôi bận tâm không phải là chuyện diễn viên giống nhau mà là có một anh chàng nào đó, cũng là sinh viên của trường- theo lời kể lể của bạn bè- có nhiều nét rất giống tôi.

-Thật… thật hả? “thằng” đó ở đâu? con đã từng gặp qua chưa? bao nhiêu tuổi?

Tôi bật cười với khuôn mặt “hình sự” của mẹ.

-Thì con cũng như mẹ, đang thắc mắc đây nè! nếu tìm được “thằng” đó con sẽ dẫn về ra mắt mẹ.

***

Lần đầu tiên gặp Tuấn Nhu tôi kinh ngạc đến sững sờ. Giống thiệt! sao ngộ vậy ta? Nhu cũng không thua gì tôi, anh chàng cúi xuống, kê sát mặt mình vào chiếc kính xe, rồi quay lại nhìn tôi cười ha hả:

-Lạ ghê há!!! Mẹ nói Nhu giống bà nội. Vậy có phải chị giống bà nội của chị không?

Tôi rút vai, ngữa hai bàn tay lên, trợn mắt:

-Không! ba Thuyền giống bà nội, còn Thuyền thì không giống ba, nên coi như trớt hướt…

Nhu cười ngặt nghẽo vì cái kiểu nói tưng tửng của tôi. Trúc -người trung gian để tôi và Nhu gặp nhau- hết nhìn tôi rồi nhìn Nhu:

-Ủa! chưa quen nhau bao giờ mà sao nói chuyện tâm đầu ý hợp vậy hả?

Sau lần gặp ấy, Nhu nhất định lôi tôi về nhà để giới thiệu với mẹ của Nhu. Người đàn bà xinh đẹp và thật phúc hậu ở lứa tuổi năm mươi đã chiếm cảm tình của tôi ngay phút đầu gặp gỡ. Bà thân mật hỏi thăm gia cảnh của tôi và dặn dò hãy thường xuyên đến thăm bà. Bà nói, ước gì có được một đứa con gái như tôi, vì Nhu có bốn anh em mà toàn là con trai, giống như một đám giặc phá nhà, nhiều lúc làm bà đinh tai nhức óc.

Căn nhà sang trọng và danh phận của ba mẹ Nhu làm tôi thầm ao ước. Ba của Nhu là luật sư, mẹ của Nhu là dược sĩ. Chẳng cần hỏi cũng biết gia đình Nhu giàu đến cỡ nào. Đó là lý do mà tôi thoái thác mãi yêu cầu của Nhu.

-Ủa! Thuyền không muốn cho ba mẹ của Thuyền chứng kiến một chuyện khó tin nhưng có thật, hai người không phải là chị em mà lại giống nhau.

Tôi cười giả lả rồi lơ đẹp. Nhưng né tránh mấy rồi cũng có ngày hai bên cha mẹ chạm mặt nhau. Đó là ngày tôi và Nhu tốt nghiệp. Ba mẹ Nhu và ba mẹ tôi gặp nhau tại sân trường. Tôi và Nhu làm thủ tục thưa gửi xong cả hai lăng xăng chụp ảnh và đùa giỡn với bạn bè, nên không biết được chuyện gì đã xảy ra giữa những người lớn. Nhưng khi về nhà, với ánh mắt nghiêm khắc mẹ tôi phán, từ nay không được đến nhà của Nhu nữa, rằng họ và chúng tôi không cùng giai cấp, nên tốt nhất là đừng làm bạn với nhau. Tôi nhăn mặt hỏi mẹ:

-Thời đại này là thời đại gì mà mẹ lại suy nghĩ lạc hậu như vậy?

Có tiếng ba mở cửa garage. Mẹ đẩy tôi đi vào phòng:

-Phải nhớ lời mẹ dặn, đừng gây phiền phức cho mẹ.

Tôi bực dọc vì sự cấm cản vô lý của mẹ, nên dù ba đã lách mình qua cánh cửa tôi vẫn cố cãi bướng:

-Con và Nhu là bạn học thì chuyện tụi con chơi với nhau có gì sai đâu mà mẹ cấm.

Mặt mẹ đỏ gay, bà nạt đùa:

-Im miệng. Đi vào phòng ngay.

Tôi miễn cưỡng bước đi, nhưng vẫn thoáng thấy nụ cười khẩy của ba.

-Hứ! định lấy vải thưa che mắt thánh hả?

Ba không kịp nói thêm mẹ đã quay lưng bỏ đi. Tôi vào phòng nằm dài trên giường lòng đầy thắc mắc với câu nói khó hiểu của ba. Bên kia phòng, hình như có tiếng ba mẹ cãi nhau dữ dội.

***

Ba mẹ Nhu mở tiệc ăn mừng con trai tốt nghiệp, nhưng tôi không có trong danh sách khách mời, dù trước đó mẹ Nhu có nói, cô sẽ tổ chức tiệc ăn mừng chung cho con và Nhu. Nghe tôi nói Trúc rất ngạc nhiên:

-Ủa! sao lạ vậy, để Trúc gọi Nhu hỏi xem… sao hắn nuốt lời?

Nhớ đến lời ngăn cấm của Mẹ, tôi ngăn Trúc:

-Không cần phải làm vậy. Bất cứ chuyện gì cũng có lý do. Đừng làm cho Nhu khó xử.

Trúc cắn môi, nhíu mày nghĩ ngợi. Chia tay Trúc tôi trở về nhà với tâm trạng buồn bã. Có phải ba mẹ Nhu cùng ý nghĩ với mẹ tôi, hai gia đình ở hai giai cấp khác nhau. Trời, không lẽ làm bạn với nhau mà cũng phải môn đăng hộ đối sao? Tôi chợt giật mình. Hay là… người lớn nghĩ rằng tôi và Nhu đang “cặp bồ”. Tôi suýt bật cười khi nhớ đến lời của một bài hát “chưa nói tiếng yêu mà đã xa nhau”. Kể từ lúc quen nhau, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ trở thành người yêu của Nhu. Cả Nhu cũng thế, hắn luôn miệng gọi “bà chị của tôi”. Lúc nào giữa chúng tôi cũng có một khoảng cách. Dù không ai đặt ra, nhưng cái khoảng cách vô hình, tự nhiên mà có khiến tôi và Nhu đối xử với nhau như chị em. Vậy thì sự hiểu lầm kia thật là buồn cười. Tôi không kềm được ý muốn gọi Nhu nên cầm điện thoại lên bấm số. Có tiếng của mẹ Nhu ở đầu dây. Quá bất ngờ, tôi không biết phải làm gì, nên im lặng rồi tắt máy. Tôi nghĩ đến sự ngại ngùng của mẹ Nhu khi bà thất hứa với tôi.

Nhạc điện thoại lại reo, tôi ngập ngừng vài giây rồi bắt máy. Có tiếng nói dịu dàng của mẹ Nhu:

-Thuyền đó hả?

-Dạ. Xin lỗi… con gọi Nhu… nhưng nghe… không phải tiếng của Nhu nên con tưởng là lộn số.

-À! Nhu đi phi trường nhưng lại bỏ quên điện thoại trên bàn ăn. Thuyền à! chiều con đến chơi với Nhu nghe.

-Dạ con đang bận, chắc không đến được.

-Con đến trễ cũng được, không sao hết….

-…

-Con nhớ đến nghe. Cô và Nhu chờ con đó.

Cuối cùng với sự thuyết phục của Trúc, những lời năn nỉ của Nhu và có cả sự tò mò, ham vui thôi thúc, tôi đã dẹp bỏ tự ái của một người khách được mời vào phút chót để cùng Trúc đến dự bữa tiệc mà tôi cho là rất vĩ đại và sang trọng của giới thượng lưu tại một khách sạn nổi tiếng mà tôi chưa bao giờ được tham dự.

Đón tôi ngay ngoài hành lang là mẹ Nhu. Vẫn xinh đẹp, vẫn quý phái và vẫn ngọt ngào, bà ân cần cầm tay tôi đưa đến bàn. Tôi còn đang nhìn quanh phòng tiệc bằng đôi mắt thích thú thì ba Nhu xuất hiện. Bằng cái nhìn lạnh lùng ông hỏi tôi:

-Ai cho cô đến đây?

Câu hỏi như gáo nước tạt vào mặt tôi. Đau điếng trong cảm giác lạnh buốt vì xấu hổ, vì bị tổn thương, tôi cắn môi cố ngăn nước mắt. Mẹ Nhu nhìn ông, giọng mềm mại:

-Là em!!!

-Tại sao?

-Vì Thuyền là bạn… bạn thân của Nhu.

Vẫn không tha cho tôi, ông đánh đòn cuối cùng:

-Lần sau, những bữa tiệc như thế này tốt hơn cô đừng đến. Đây không phải là chỗ của cô. Cô không thích hợp ở nơi này đâu..

Tôi xô ghế chạy thẳng ra cửa, lao nhanh xuống cầu thang. Có tiếng mẹ Nhu gọi thảng thốt phía sau:

-Thuyền! Thuyền!

Tôi lên xe, tựa đầu vào tay lái, nhớ ánh mắt lạnh lùng của ba Nhu mà nghe đau nhói trong lòng. Tôi đã làm gì thất lễ khiến ông ghét tôi đến thế. Nhớ lại, tôi gặp ông vỏn vẹn có hai lần, một lần khi đến nhà Nhu, một lần trong ngày tốt nghiệp, ngoài tiếng thưa “con chào bác”, tôi đâu nói thêm câu nào để có thể nghĩ rằng, chắc có sự hớ hênh trong lời nói khiến ông phật lòng. Trái với sự vồn vã của mẹ Nhu, ông cũng chẳng hỏi tôi một lời ngoài cái gật đầu gần như miễn cưỡng và đôi mắt nhìn đăm đăm như dò xét.

Tôi trở về nhà vào nửa khuya. Trúc và mẹ ngồi đợi tôi ở hiên nhà. Trúc hỏi dồn với sự lo lắng:

-Thuyền có sao không?

-Không sao đâu… mọi chuyện đã qua rồi. Đừng nói gì với mẹ Thuyền nha.

Bối rối nhìn tôi, Trúc gãi đầu:

-Sorry, Trúc kể hết với bác rồi.

Tôi thở dài:

-Thôi đã lỡ rồi… Trúc về đi.

Trúc ngần ngừ nhìn tôi rồi quay lại nhìn mẹ. Tôi đẩy Trúc về phía trước:

-Trúc về đi, không sao đâu.

Tôi theo mẹ bước vào nhà. Đang suy nghĩ không biết phải nói như thế nào với mẹ thì tôi chạm phải ánh mắt lạ lùng của ba nơi phòng khách. Ba hất mặt hỏi tôi. Rất nhẹ nhàng, nhưng như có chút gì mỉa mai trong đó.

-Sao! công chúa có được tiếp đón long trọng không?

Mẹ im lặng. Tôi cũng im lặng vì không biết ba muốn hỏi gì. Đột nhiên ba đứng dậy, giận dữ ném tờ báo xuống đất:

-Câu hỏi của tôi không đáng cho mẹ con em trả lời phải không?

Tôi cuống quýt:

-Xin lỗi… con không hiểu ba hỏi gì!!!

-Con không hiểu, nhưng còn mẹ con… Chắc em thừa thông minh để hiểu phải không…?

Mẹ lắc đầu:

-Em đã quá mệt mỏi, nên không muốn gây với anh nữa.

Quay sang tôi mẹ xua tay:

-Con về phòng ngủ đi.

Ba kéo tôi lại, lớn tiếng:

-Ngày hôm nay tôi muốn em phải nói rõ mọi chuyện.

Mẹ gay gắt:

-Chuyện gì?

-Chuyện quan hệ giữa người đàn ông đó và con Thuyền.

-Anh điên rồi hả?

-Tôi không điên. Tôi chỉ nói dùm em điều em muốn mà chưa dám nói.

Mẹ lay mạnh cánh tay ba:

-Em đã nói với anh biết bao nhiêu lần rồi… điều em muốn, là có được một mái gia đình êm ấm, hạnh phúc…

-Nhưng mái gia đình đó… không có thằng nghèo hèn, thất học này phải không?

-Anh nói gì đâu vậy?

-Em đừng dối gạt tôi. Bao nhiêu năm sống với tôi, mấy ngàn đêm em nằm cạnh tôi, đã có biết bao lần em gọi tên người ta trong giấc mơ. Tôi là con người chứ đâu phải là gỗ đá. Tôi cũng đau khi biết rằng mình chỉ là thứ trái độn. Tôi hồi hộp, lo âu, không biết ngày nào tôi sẽ mất em, mất con. Và bây giờ… ngày đó đã tới. Sao em còn tàn nhẫn treo tim tôi? Sao em không cho tấn tuồng này hạ màn nhanh chóng? Em cứ nói thẳng với tôi những gì em đang nghĩ đi!!!

Quay sang tôi, ba nói bằng giọng nghèn nghẹn:

-Thuyền, con nói cho ba biết… có phải làm con của một ông luật sư vẫn vinh dự hơn là làm con của một người cu ly quét dọn trường học phải không?

Tôi sững sờ nhìn ba, đôi mắt không lay động. Ba nói gì? ông luật sư là ai? chẳng lẽ là ba của Nhu? Mặt mẹ xám nghoẹt, lời nói tuôn ra không còn chút tế nhị như tính mẹ vẫn hằng có.

-Em đã chán cái luận điệu áp đặt suy nghĩ của anh thành suy nghĩ của người khác lắm rồi. Cái nghề cu ly quét dọn của anh có gì hay ho mà anh cứ đem ra để móc nghoéo, mỉa mai. Em chưa bao giờ so sánh anh với ai cả. Chỉ có anh tự hạ thấp giá trị của mình, rồi dằn vật, hành hạ người khác. Nếu anh cho rằng mình kém cỏi thì hãy cố gắng làm một điều gì hơn thiên hạ đi, chứ đừng lấy vợ con ra làm cái thùng rác để trút bỏ sự ghen tuông, bực tức vào đó.

Ánh mắt ba long lanh những tia nhìn rực lửa.

-Đúng! Tôi là thằng kém cỏi. Nhưng cũng chính nhờ cái thằng kém cỏi mà bây giờ em mới có thể đứng đây để nói lời khinh khi tôi, con Thuyền mới có mặt trên cõi đời này. Và tôi cũng biết, từ giờ phút này, tôi là cái phao mà em muốn vất bỏ sau khi đã bám lấy nó để tìm được sự sống. Tôi không bao giờ quên được ánh mắt của em khi nhìn thấy “nó” đâu. Tôi biết… rồi em và con Thuyền sẽ bỏ tôi.

Ba gục đầu vào tường cố nén tiếng khóc. Từ xưa, ba vẫn là người đàn ông vững chãi và là cột trụ của gia đình. Chưa bao giờ tôi thấy ba yếu đuối như ngày hôm nay. Điều gì đã khiến ba thay đổi như thế? Tôi chạy đến ôm tay ba rồi quay sang mẹ.

-Ba mẹ hãy nói cho con biết chuyện gì đã xảy ra?

-….

-Ba nói đi. Mẹ nói đi. Người mà ba nói đến có phải là… ba của Nhu?…

Trong đầu tôi chợt lóe lên …. Đúng rồi, tôi và Nhu giống nhau không phải tình cờ ngẫu nhiên như các diễn viên điện ảnh mà có sự liên hệ huyết thống nào đó? Tôi choáng váng với ý nghĩ đó. Ba quay lại nhìn tôi, đôi mắt đỏ hoe.

-Đã đến lúc con Thuyền nên biết sự thật. Còn tôi.. ha! ha!!!… cái gì của Cesar thì phải trả lại cho Cesar thôi.

Tiếng cười nghe như tiếng khóc của ba xa dần sau cánh cửa khép lại thật khẽ khàng. Tôi quay sang mẹ, bằng giọng nói khẩn thiết tôi xin mẹ hãy cho tôi biết tất cả sự thật mà ba đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần….

***

Ngày đó, mẹ và ba con ở cạnh nhau trong một apartment. Mẹ share phòng với hai người bạn cùng làm việc trong shop may quần áo. Ông Thức -ba Nhu- và ba con cùng một người bạn nữa ở chung trong căn phòng cạnh bên. Ba con là thợ ủi quần áo trong shop may nên khá thân với mẹ trong tình đồng nghiệp. Thức, lúc ấy là một sinh viên nghèo, được người bạn thân ở chung với ba con mang về đùm bọc. Hai căn phòng ở cạnh nhau nên hai bên thường xuyên qua lại và dần dần trở thành một nhóm bạn thân thiết. Trong nhóm, Thức là người có trình độ học vấn cao. Những người còn lại, có cả mẹ trong đó, chỉ học xong cấp hai ở Việt Nam là đã sang Mỹ. Ngược lại, Thức là người nghèo nhất, thiếu thốn nhất vì phải đi học toàn thời gian nên chỉ đi làm có hai ngày cuối tuần, lại còn phải dành dụm tiền để gửi về Việt Nam cho mẹ chữa bệnh. Không biết từ lúc nào, mẹ âm thầm theo dõi Thức và biết được hoàn cảnh đáng tội nghiệp của anh. Thế là từ đó, mẹ đặc biệt giúp đỡ Thức. Điều này làm Thức cảm động và chẳng bao lâu, tình cảm nẩy nở giữa hai người. Mẹ và Thức dấu nhẹm chuyện này vì sợ bị chọc ghẹo. Trước mặt mọi người, Thức hầu như không quan tâm đến mẹ. Nhưng khi hẹn hò riêng, Thức luôn bày tỏ tình yêu nồng nhiệt. Thức nói, sau này khi ra trường và có sự nghiệp vững vàng sẽ chính thức làm đám cưới và chăm sóc mẹ suốt đời.

Nhưng… chẳng chuyện gì có thể dấu được mãi. Một lần chị bạn ở chung với mẹ đã tình cờ gặp mẹ và Thức đi ăn trưa. Chị ấy không ra mặt nhưng đã tinh nghịch chụp được mấy tấm ảnh rất tình tứ của hai kẻ yêu nhau, và tối đó chị kêu gọi cả nhóm họp mặt để thông báo một tin quan trọng. Ai cũng thắc mắc không biết chuyện gì, đến khi chị đưa những tấm ảnh ra thì mẹ và Thức bẽn lẽn ngượng ngùng và cuối cùng đành phải gật đầu xác nhận. Cả đám bạn vỗ tay chúc mừng. Nhưng có một người đã dấu đằng sau nụ cười gượng gạo một nỗi buồn đau và thất vọng, vì sẽ không bao giờ có cơ hội để thố lộ mối tình đơn phương mà anh đã ôm ấp từ lâu lắm. Đó là ba của con.

Trước mặt bạn bè, Thức cám ơn mẹ đã lo lắng, giúp đỡ anh mọi chuyện. Thức hứa, nếu mai này tạo được sự nghiệp anh sẽ đền đáp xứng đáng những hy sinh mẹ đã dành cho anh. Lời hứa ấy được công khai trước mặt mọi người, nhưng không ngờ đó chỉ là lời đãi bôi ngoài cửa miệng. Khi ra trường, nhận được công việc tốt, Thức nhìn lại mẹ, người con gái đã đi bên cạnh cuộc đời anh trong khoảng thời gian khốn khổ nghèo nàn, nhan sắc quá tầm thường, trình độ học vấn không tương xứng và điều quan trọng là không có sự đoan chính cần thiết, khi đã dễ dàng cho đi sự quý giá của người con gái, dù người được nhận chính là anh.

Còn đang phân vân chưa biết phải làm thế nào để chấm dứt cuộc tình tạm bợ này thì Thức được mẹ hân hoan báo tin đã mang thai. Thế là Thức nghĩ ngay đến việc phải rút lui thật nhanh, nếu không sẽ bị vướng vào vòng hệ lụy, không lối thoát. Và Thức đã chọn giải pháp lặng lẽ ra đi. Mẹ không ngờ Thức lại đối xử với mẹ như thế, nhất là khi đã biết mẹ đang mang giọt máu của anh. Cuối cùng thì mẹ hiểu, mình chỉ là người “uổng công xúc tép nuôi cò…”. Mẹ bị suy sụp hoàn toàn, vì lúc đó chỉ còn hai tháng nữa là ông bà ngoại sẽ sang đây, theo sự bảo lãnh của mẹ. Rồi mẹ phải nói thế nào với ông bà về cái bụng ngày một lớn mà cha của đứa bé thì biệt tăm. Mẹ đau buồn vì đã phụ lòng tin tưởng của ông bà ngoại. Và hơn hết, mẹ sợ hãi sự nghiêm khắc của ông ngoại. Những suy nghĩ đó làm cho mẹ hoang mang, bấn loạn, mẹ thấy chỉ còn một giải pháp duy nhất để giải thoát cho mình khỏi sự khoảng hoảng là chết đi. Vốn nhút nhát từ bé, nhưng không hiểu sao lúc đó mẹ lại can đảm cầm dao cứa vào cổ tay mình. Nhìn những dòng máu đỏ ối chảy ra, mẹ hoảng hốt la lên rồi ngất xỉu. Khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong bệnh viện, bên cạnh là ba con và cô bạn thân.

Mẹ trở về nhà với trạng thái tinh thần bất ổn. Qua bác sĩ, bạn bè trong nhóm biết được sự thật. Họ không tiếc lời nguyền rủa Thức và thay phiên nhau canh giữ mẹ. Họ hiểu nỗi lo lắng, sợ hãi của mẹ nên bàn tính đủ cách để giúp mẹ. Có người khuyên mẹ nên bỏ cái thai, vì dù sao nó cũng còn quá nhỏ và đó cũng là giải pháp vẹn toàn. Vì đối với ông bà ngoại, người coi trọng nề nếp gia phong thì đây là một điều khủng khiếp, ngoài sức tưởng tượng, liệu ông bà có chịu đựng nổi cú sốc quá lớn này không? Ba con là người bác bỏ giải pháp mà anh gọi là vô lương tâm. Cái gì cũng không được thì phải làm sao? Sau một lúc suy nghĩ ba con chậm rãi lên tiếng:

-Chỉ còn cách là phải đóng kịch.

Mẹ từ chối, nhưng mọi người cố gắng thuyết phục mẹ hãy làm theo lời ba con để mọi việc được êm xuôi trong thời gian ông bà ngoại mới sang, rồi từ từ sẽ liệu. Tội nghiệp ba con, là chồng giả nhưng phải hứng chịu những lời khiển trách thật của ông ngoại. Cũng ba con -người cha giả- dù ngủ ngoài sofa, nhưng không đêm nào quên thay tã, pha sữa cho con. Bạn bè ngầm hiểu được tình yêu đơn phương của ba con ngay khi mẹ và Thức yêu nhau, nên bây giờ ngấm ngầm vun xới. Mẹ không yêu ba, nhưng còn con đường nào nữa để chọn lựa. Khi ba bày tỏ ước muốn được cùng mẹ và con xây dựng một mái gia đình thật sự thì mẹ đồng ý chẳng chút phân vân. Không phải để mẹ có được một người chồng mà là để con có được một người cha hiền lành, tốt bụng.

Trong nước mắt tôi hỏi mẹ:

-Và mẹ không hề yêu ba?

-Không hẳn là như vậy. Vì thật sự ba là một nơi nương tựa ấm cúng cần thiết cho mẹ. Chưa bao giờ mẹ có ý nghĩ phản bội ba con. Mẹ mang nặng ơn nghĩa của ba nên chấp nhận cuộc sống hiện tại và bằng lòng với những gì mình đang có. Điều xảy ra trong giấc mơ như ba con nói, nếu có, cũng chỉ là ký ức chứ mẹ không hề chủ ý. Cũng như chuyện mẹ gặp lại ông Thức chỉ là một tình cờ. Ngay khi con nói với mẹ có người con trai giống con, mẹ cũng không nghĩ chuyện đó có liên quan đến con. Vì trong ý nghĩ của mẹ, ông ấy đã đi, đi rất xa, vĩnh viễn mất tích trên cuộc đời này. Ba con không hiểu điều đó nên đã giận dữ, ghen tương.

Nhìn vào đôi mắt dửng dưng của mẹ, tôi tin lời mẹ nói và mừng cho mẹ đã có được sự bình an trước một biến cố lớn. Còn tôi… tôi không biết làm sao để diễn tả được tâm trạng của mình. Cái cảm giác trống trơn lạ lùng làm tôi không biết rõ là mình có buồn, có giận người cha vô tâm này hay không. Nhưng giờ thì tôi hiểu tại sao ông lại có thái độ lạnh lùng và cố tình xua đuổi tôi. Ông đã trốn chạy trách nhiệm từ khi tôi còn là một cái bào thai nhỏ bé trong bụng mẹ thì làm sao ông có thể nhìn nhận “cái nợ đời” vào lúc đang có danh vọng, tiền tài. Hơn thế nữa, ông còn muốn tránh xa tôi để đừng ai biết được cái quá khứ xấu xa của ông. Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết mẹ Nhu sẽ xử sự ra sao khi sự thật được phơi bày. Bà có đau khổ và ghen tương như ba tôi không? Tôi tiếc cho bà, một người nhân hậu sao lại sánh đôi với một người học thức cao nhưng thiếu đạo nghĩa.

Còn Nhu nữa, sau lần đó, tôi không trả lời điện thoại và cũng tránh gặp mặt Nhu, nên chẳng biết Nhu có biết sự liên hệ giữa tôi và Nhu không? Nhưng đối với tôi, chuyện đó có đáng gì so với sự đau khổ của người cha không tạo ra tôi, nhưng đã cho tôi một tình thương ấm cúng trong suốt quãng đời thơ ấu cho đến bây giờ.

***

-Chú Thịnh ơi! có ba con ở đó không?

-Không! tao đang nhậu một mình.

Đời nào mà chú Thịnh lại nhậu một mình. Tôi biết tỏng là Ba đang ngồi gần chú Thịnh, nên làm ra giọng thiểu não:

-Vậy thôi, con cám ơn chú!

-Ừ! mà mày kiếm ba mày chi vậy?

-Mẹ con sửa soạn về Việt Nam. Ba con đi đâu mất tiêu, con đâu dám ở nhà một mình. Nên sẵn chưa tìm được việc làm con đi với mẹ luôn. Con muốn cho ba hay… sáng mai con với mẹ đi rồi. Kỳ này chắc mẹ con ở lại Việt Nam với Dì Tám luôn. Chú có gặp ba con, nhờ chú nói dùm. Con cám ơn chú.

***

Cánh cửa sau vườn được mở ra một cách vội vã. Tôi đưa tay vẫy ba với nụ cười sung sướng:

-Ba ơi! mẹ làm BBQ sườn bò Đại Hàn để đãi ba nè.

Ba nhìn mẹ con tôi bằng ánh mắt sáng rực, nhưng vẫn không dấu được sự ngượng ngịu:

-Hai mẹ con gạt ba phải không?

Mẹ kéo ba ngồi xuống bậc thềm, vuốt nhẹ cánh tay ba:

-Em xin anh, chuyện đã qua đừng nhắc lại làm gì. Ai cũng có cuộc sống riêng. Họ có đời sống của họ. Mình có đời sống của mình. Em luôn quý trọng và gìn giữ mái ấm gia đình của chúng ta. Anh hãy tin em. Em không bao giờ muốn gặp lại con người đó.

Tôi lắc đầu phản đối:

-Mẹ không muốn gặp nhưng con muốn.

Ba nhìn tôi sững sờ. Không nỡ làm ba đau khổ, tôi nói nhanh:

-Gặp để nói với ổng một câu. Chỉ một câu thôi. Nhưng hiện giờ trong đầu con có tới ba câu, vậy con nói ba nghe thử rồi chọn cho con nha. Câu thứ nhất “Tôi biết vì sao ông không muốn nhìn tôi. Ông sợ người ta biết ngày xưa ông đã từng là một tên sở khanh, vô trách nhiệm…”. Câu thứ hai có vẻ tưng tửng một chút “Nè ông già, khôn hồn thì mai mốt đừng ra ứng cử quốc hội nghe. Chỉ cần tôi nói với báo chí, tôi là con rơi của ông thì coi như sự nghiệp của ông tiêu tán đường”. Câu thứ ba con sẽ chơi một đòn giang hồ hiểm độc “Danh dự, sự nghiệp của ông nằm trong bàn tay tôi nè. Vui, tôi để cho ông tiếp tục hưởng thụ cuộc sống vinh hoa. Buồn, tôi đăng lên báo tìm cha thất lạc “Con Xuân Thuyền tìm cha luật sư Thức, năm 1986 sống với mẹ con ở tại địa chỉ… sau đó quất ngựa truy phong. Ai biết luật sư Thức hiện ở đâu, xin cho tôi biết tin…”. Ba thấy sao? Còn con… chỉ tưởng tượng đến khuôn mặt xanh lè của ổng là con thấy quá đã.

Ba bật cười rồi vuốt tóc tôi cười hiền từ:

-Thôi con! mẹ con đã nói rồi… mình bỏ qua hết, không nhắc chuyện cũ nữa. Ai sống sao thì trời đất biết.

Mẹ tôi che miệng cười:

-Trời ơi! anh tin con nhỏ này sao. Nó nhát như thỏ đế, nói thì ngon lắm chứ có dám làm gì đâu.

Tôi chen vào ngồi giữa ba mẹ, nắm chặt bàn tay của hai người thân yêu nhất đời, tôi nói:

-Từ nhỏ, ba đã dạy con phải sống nhân hậu và đừng bao giờ làm những điều mà mình không muốn người khác làm cho mình. Con luôn nhớ lời ba dạy. Và con mong rằng, ba cũng phải luôn luôn nhớ một điều, con chỉ có một người cha duy nhất là ba. Trong cuộc đời của mẹ và con, ba là người quan trọng nhất.

Ba gật đầu nước mắt lưng tròng. Giờ phút này, tôi dám đoan chắc gia đình tôi là một gia đình hạnh phúc nhất thế giới []

Ngân Bình

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search