T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Độc thoại về làm sao mà một người chỉ Thông Minh và Tinh Tế trong sự Độc Ác

clip_image001

Ảnh (Courtesy of www.reuters.com)

Tôi đã chạy trốn khỏi thế giới loài người. Thời gian đầu tôi thích loanh quanh khu vực nhà ga xe lửa. Ở đó đông người, tôi không bị để ý nhiều. Rồi tôi đến đây, nơi vùng đất tự do này.

Tôi đã quên mất đời mình rồi. Đừng có hỏi tôi về nó nữa. Tôi vẫn nhớ những gì đã đọc được trong sách, hay những gì người ta nói cho tôi nghe, nhưng về cuộc đời riêng của tôi thì tôi chẳng nhớ được gì cả. Chuyện xẩy ra lâu lắm rồi. Tôi đã phạm lỗi. Nhưng chẳng có tội nào mà Chúa không thể tha thứ nếu người ta biết thành thực ăn năn.

Con người khó có thể được hạnh phúc. Đó không phải là thứ anh ta có khả năng thụ hưởng. Chúa thấy ông Adam cô độc nên ban cho bà Eve. Để ông được sung sướng chứ không phải để phạm tội. Nhưng con người không có khả năng sống sung sướng. Như tôi đây, chẳng hạn, tôi không thích bầu trời lúc hoàng hôn. Tôi không thích bóng đêm. Như lúc này đây, là ranh giới giữa sáng và tối. Tôi vẫn không hiểu tôi đã ở đâu đến đây – và bằng cách nào – điều đó không thành vấn đề. Tôi có thể sống hoặc không sống, cũng chẳng thành vấn đề. Đời một con người giống như cây cỏ : mọc lên, rồi chết khô, rồi bị thiêu rụi. Tôi thích trầm ngâm suy nghĩ về sự đời. Sống ở đây bà rất dễ bị giết chết bởi thú dữ hay bởi cái lạnh cắt da. Chẳng có ai ở gần trong vòng chu vi hàng chục ki lô mét. Bà có thể xua đuổi ma quỷ bằng cách ăn chay và cầu nguyện. Ăn chay là cho xác thịt của bà, còn cầu nguyện là cho linh hồn của bà. Nhưng tôi không bao giờ cảm thấy cô đơn. Một con người có niềm tin thì không bao giờ cô đơn. Tôi lang thang quanh làng – trước đây có khi tôi tìm được thức ăn, bột chẳng hạn – có khi cả dầu thực vật nữa. Có khi là trái cây đóng hộp. Giờ thì tôi hay vào các nghĩa trang tìm đồ ăn thức uống người ta để lại cho người chết. Người chết đâu có cần những thứ đó. Họ chẳng hề phiền lòng nếu tôi lấy chúng đi. Ở ngoài đồng thì có hạt đậu hoang, ở trong rừng thì có nấm, có dâu. Tự do đấy, nó ở ngay đây.

Tôi đọc được trong sách của cha Sergei Bulgakov (1): “Chắc chắn là Thượng Đế đã sáng tạo nên thế giới loài người, do đó, thế giới này không thể bị tàn lụi”, và vì thế cần thiết phải “chịu đựng thế giới này một cách can đảm cho đến ngày cuối cùng”. Một nhà tư tưởng khác, tôi không nhớ tên, cho rằng : “Độc ác không phải là một thực thể. Đơn giản nó chỉ là sự vắng mặt của điều tốt lành, như bóng tối chỉ đến khi không có ánh sáng.”. Ở đây rất dễ dàng tìm được sách vở. Lu khạp, muỗng nĩa có thể rất khó tìm nhưng sách vở thì đầy dẫy. Hôm nọ tôi còn tìm được nguyên bộ sách của Pushkin(2). “Và suy tưởng về sự chết làm hồn tôi mê đắm”. Tôi nhớ câu ấy đấy. Phải rồi : “Suy tưởng về sự chết”. Tôi sống ở đây chỉ có một mình. Tôi hay nghĩ về cái chết. Ưa thích được trầm ngâm suy tưởng. Sự tĩnh lặng giúp tôi tự sửa soạn chính mình. Con người sống với sự chết, nhưng anh ta không bao giờ hiểu sự chết là gì. Tôi sống ở đây một mình. Ngày hôm qua tôi đuổi được cặp vợ chồng chó sói ra khỏi khu vực trường học. Chúng sống ở đó từ bao giờ.

Câu hỏi : Có phải cái thế giới được mô tả bằng lời chính là thế giới thực? Lời đứng giữa con người và linh hồn anh ta.

Tôi sẽ bảo như thế này nhé : Chim chóc, cây cối, và kiến – chúng gần gủi với tôi hơn trước đây. Tôi sẽ suy nghĩ nhiều hơn về chúng. Con người đang hoảng sợ. Và trở nên kỳ lạ, khó hiểu. Tôi thực sự không muốn giết bất cứ ai. Tôi câu cá, tôi có một cái cần câu. Đúng vậy! Nhưng tôi không giết thú vật. Tôi không đặt bẫy. Không thể có cảm giác mình đang giết ai ở đây được.

Ông hoàng Myshkin (3) đã nói : “Liệu có thể bạn nhìn thấy một cái cây và không cảm thấy sung sướng không?” Ừ nhỉ! Tôi thích được suy tư. Người ta cứ hay than phiền oán trách, thay vì suy tư .

Chiếu rọi vào sự độc ác để làm gì vậy? Đã đành, độc ác là thứ quan trọng. Tội lỗi chẳng phải là vấn đề của vật lý. Bà phải chấp nhận rằng có sự không hiện hữu. Kinh Thánh có nói : “Với những kẻ đi trong ánh sáng, thì đó là con đường; với những người khác, vẫn còn những lời dạy.”. Lấy thí dụ một con chim – hay bất cứ sinh vật nào khác – làm thí dụ. Chúng ta sẽ không thể nào hiểu được chúng, vì chúng sống cho chính chúng, chứ không phải cho ai khác. Đúng vậy! Vạn vật chung quanh đều ở thể lỏng, nếu chúng ta có thể dùng chỉ một lời để diễn tả.

Tất cả những sinh vật có 4 chân đều nhìn xuống, đầu chúi xuống đất. Chỉ có con người đứng thẳng, đưa tay lên và nhìn thẳng vào bầu trời. Để cầu nguyện. Với Thượng Đế. Bà cụ già ngồi trong nhà thờ khấn, “Cho mỗi người chúng con với những tội lỗi của riêng mình”. Nhưng các khoa học gia, các kỹ sư, những người lính, không ai thú nhận rằng mình tội lỗi cả. Họ bảo: “Tôi chẳng có gì để phải ăn năn cả, tại sao tôi phải sám hối ?”. Phải rồi . . .

Tôi cầu nguyện rất đơn giản. Tôi cầu nguyện cho riêng tôi. Ôi Chúa! Xin hãy lắng nghe con cầu xin! Chỉ có trong sự độc ác, loài người mới thông minh và tinh tế. Nhưng con người cũng thật đơn giản và cảm thông cho nhau biết bao khi họ nói những lời thành thực của thương yêu. Cả những triết gia khi họ phát biểu cũng chỉ là những lời lẽ tóm lược tương đối những suy tưởng trong đầu. Chỉ trong sự cầu nguyện, trong ý tưởng của sự cầu nguyện,  ngôn ngữ mới phản ánh chính xác điều hiện hữu trong tâm hồn mỗi người. Tôi tin rằng điều đó cũng đúng với vật chất bên ngoài.  Ôi Chúa! Xin hãy lắng nghe con cầu xin.

Và con người cũng vậy, hãy lắng nghe tôi!

Tôi sợ loài người. Nhưng lại muốn đối diện với con người. Tôi muốn gặp một con người tử tế. Đúng vậy! Ở đây chỉ có lũ cướp cạn lẩn trốn đây đó, hoặc những người tuẫn đạo, như tôi.

Tên tôi là gì? Tôi không có giấy thông hành. Bọn cảnh sát lấy đi mất của tôi rồi. Chúng còn đánh đập tôi nữa . “Mày luẩn quẩn ở đây làm gì?” “Tôi đâu có luẩn quẩn ở đây – tôi đang sám hối mà!”. Nghe thế, chúng đánh tôi còn dữ hơn nữa. Chúng đập cả lên đầu tôi. Vậy thì bà có thể ghi chú về tôi như sau : “Nikolai . Bề tôi của Chúa. Bây giờ hắn là một con người tự do .”.

Chú Thích:

  • Sergei Bulgakov (1871-1944) – Nhà Thần học, Triết gia người Nga.
  • Alexander Sergeyevich Pushkin (1799-1837)- Nhà thơ người Nga.
  • Prince Myshkin – nhân vật chính trong tác phẩm kinh điển “Thằng Ngốc”( the Idiot-1869) của nhà văn Nga Fyodor Dostoyevsky

“Tiếng Vọng từ Chernobyl”-Mục Lục

“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich.

Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search